24 February 2018

MẬT LỆNH TẤN CÔNG TẾT MẬU THÂN - Trần Gia Phụng


Tại Bắc Việt Nam (BVN), từ tháng 8 đến tháng 12-1967, Hồ Chí Minh (HCM) không xuất hiện trước dân chúng. Nhiều dư luận đồn đoán rằng HCM đã chết.
Bất ngờ, vào dịp hai ngày lễ lớn ở BVN năm 1967 là lễ kỷ niệm 21 năm ngày “Toàn quốc kháng chiến” [19-12-1946] và lễ kỷ niệm 23 năm ngày thành lập “Quân đội nhân dân” [22-12-1944], HCM xuất hiện tại trụ sở quốc hội vào ngày 23-12-1967, trong y phục của một viên chỉ huy tối cao, nói chuyện khoảng 9 phút và đưa ra lời kêu gọi toàn dân Việt Nam, hãy đứng lên lập kỳ công chống “đế quốc Mỹ”, và tạo thêm nhiều chiến công trong dịp năm mới.


Sau buổi lễ, nhật báo Nhân Dân của đảng Lao Động, bình luận rằng bài nói chuyện của HCM là “một mệnh lệnh tiến lên con đường vinh quang và là dấu hiệu của một đợt tấn công mới.” Báo Quân Đội Nhân Dân thì viết rằng “những lời nói của bác Hồ như tiếng kèn báo hiệu trận đánh.” (Don Oberdorfer, TET, New York: A Da Capo Paperback, 1971, tt. 66-67.)

1. THƠ CHÚC TẾT

Nhân dịp năm mới dương lịch 1968, HCM gởi đến ngoại giao đoàn ở Hà Nội, cùng nhân viên cao cấp của đảng Lao Động và nhà nước BVN ngày thứ Bảy 30-12-1967, một thiệp chúc Tết màu hồng, trên đó có in bài thơ “Mừng xuân 1968” của HCM. Bài thơ nầy còn được phổ biến trên báo chí và trên đài phát thanh Hà Nội vào ngày Tết dương lịch năm đó (1-1-1968).
Sau Tết dương lịch, đến Tết âm lịch. Đúng Giao thừa Tết âm lịch Mậu Thân theo lịch mới soạn ở BVN, tối Chủ Nhật 28-1-1968, rạng thứ Hai 29-1-1968, bài thơ “Mừng xuân 1968” do chính HCM đọc, được phát lại trên đài phát thanh Hà Nội như sau:

Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.”


(Hồ Chí Minh toàn tập tập 12, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia,
xuất bản lần thứ hai, 2000, tt. 333-334.)

Theo âm lịch mới được Nha Khí tượng Hà Nội vâng lệnh nhà cầm quyền đảng Lao Đông sửa đổi, thì tháng Chạp (tháng 12) năm Đinh Mùi chỉ có 29, ngày, tức tháng Chạp thiếu. Hôm sau là ngày Mồng Một tháng Giêng tức mồng Một Tết năm Mậu Thân. So với dương lịch, mồng Một Tết Mậu Thân ở BVN là ngày thứ Hai 29-1-1968, còn mồng Một Tết Mậu Thân ở Nam Việt Nam (NVN) vẫn theo lịch cũ là ngày thứ Ba 30-1-1968.
2. MẬT LỆNH TẤN CÔNG
Đêm Giao thừa Tết âm lịch Mậu Thân theo lịch mới soạn lại ở BVN, tức đêm 29 tháng chạp năm Đinh Mùi, rạng mồng 1 Tết Mậu Thân ở BVN (đêm 28-1-1968, rạng 29-1-1968), HCM đang ở Bắc Kinh (Trung Cộng). Bài thơ “Mừng xuân 1968” do HCM đọc và thu âm trước đó khi còn ở Hà Nội, được phát lại trên đài phát thanh Hà Nội vào đêm Giao thừa ở BVN.
Khi đọc đến câu thơ chót (Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta), HCM đã dùng hết sức hét lên thật to, rất khác thường hai chữ “Tiến lên!”. Đài phát thanh Hà Nội lâp đi lập lại nhiều lần bài thơ nầy, từ đêm Giao thừa đến suốt ngày mồng Một Tết âm lịch ở BVN (thứ Hai 29-1-1968).
Ngày mồng Một Tết âm lịch năm Mậu Thân ở BVN là ngày 30 tháng chạp năm Đinh Mùi (30 Tết) ở NVN. Trong suốt ngày 30 Tết hôm đó theo lịch NVN, bộ đội CS ở khắp nơi trên lãnh thổ NVN đều nghe bài thơ nầy. Vì bài thơ đã được phổ biến trên đài phát thanh và báo chí Hà Nội từ Tết dương lịch (1-1-1968), và vì HCM có thói quen làm thơ chúc Tết hằng năm, nên ít được các giới chức ở NVN chú ý.
Đêm 30 tháng chạp năm Đinh Mùi (30 Tết) hay đêm Giao thừa ở NVN, CS vi phạm lời tuyên bố hưu chiến, bất ngờ mở cuộc tấn công vào các thành phố ở NVN. Trước giờ xuất phát cuộc tấn công, các cấp chỉ huy bộ đội CS đọc nhật lệnh của bộ Tư lệnh các Lực lượng Võ trang Mặt Trận Dân Tộc Giải Phòng (MTDTGP), trong đó câu đầu tiên xác định bài thơ chúc Tết của HCM là lệnh xuất quân cuộc tổng tấn công của CS.
Khi đó, người ta mới phát hiện bài thơ chúc Tết của HCM được đảng Lao Động dùng làm mật khẩu ra lệnh bộ đội CS tổng tấn công ở NVN và được truyền qua đài phát thanh Hà Nội vì công suất đài phát thanh Hà Nội khá mạnh, nên trên toàn lãnh thổ NVN, bộ đội CS đều nghe mật lệnh xuất quân tấn công đêm Giao thừa ở NVN, tức đêm 29 rạng 30-1-1968.
Việc dùng thơ văn để làm hiệu lệnh quân sự đã từng được quân đội Đồng Minh dùng đến khi phản công quân đội Đức trong cuộc đổ bộ vào bờ biển Normandie (Pháp) vào ngày 6-6-1945 (Ngày dài nhất). Bài thơ hiệu lệnh của quân Đồng minh là bài “Chanson d’automne” của Paul Verlaine (1844-1896), nhà thơ người Pháp (Cornelius Ryan, The longest Day, Nxb. Fawcett, Greenwich, Connecticut, 1959, tr. 33.)
Rất tiếc người viết không tìm được nguyên văn tiếng Việt bản nhật lệnh nầy. Những tài liệu chiến tranh liên quan đến MTDTGP đều đã bị đảng CS thủ tiêu khi giải tán mặt trận nầy vào năm 1976, nhằm xóa bỏ hẳn vết tích hoạt động của mặt trận tay sai, một mình giành lấy thành tích.
3. NHẬT LỆNH TẤN CÔNG CỦA CỘNG SẢN
Bản nhật lệnh của bộ Tư lệnh các Lực lượng Võ trang MTDTGP, được quân đội Hoa Kỳ phát hiện, và tác giả Douglas Pike dịch qua Anh ngữ, đăng trong bài “The 1968 Viet Cong Lunar New Year Offensive in South Vietnam” [Cuộc tấn công Tết âm lịch năm 1968 của Việt Cộng ở Nam Việt Nam], do phái bộ Hoa Kỳ tại Sài Gòn phát hành ngày 14-2-1968. Bản dịch của Douglas Pike được đăng lại trong Don Oberdorfer, sđd., tt.75-76 và chú thích tr. 359. Sau đây là nguyên văn bản dịch Anh ngữ của Douglas Pike:

ORDER OF THE DAY OF THE HEAD QUARTERS,
ALL SOUTH VIETNAM LIBERATION ARMED FORCES

To all cadres and combatants,
“Move forward to achieve final victory.”
The Tet greeting of Chairman Ho is actually a combat order for our entire Army and population.
And in compliance with the attack order of the Presidium, Central Committee, South Vietnam Liberation Front, all cadres and combatants of all South Vietnam Liberation Armed Forces should move forward to carry out direct attacks on all the headquarters of the enemy, to disrupt the United States imperialists’ will for aggression and to smash the Puppet Government and Puppet Army, the lackeys of the United States, restore power to the people, completely liberate the 14,000,000 people of South Vietnam, fulfill our revolutionary task of establishing democracy throughout the country.
It will the greatest battle ever fought throughout the history of our country. It will bring forth world-wide change but will also require many sacrifices. It will decide the fate and survival of our Fatherland and will shake the world and cause the most bitter failure to the imperialist ringleaders.
Our country has a history of 4,000 years of fighting and defeating foreign aggression, particularly glorious battles such as Bach Dang, Chi Lang, Dong Da and Dien Bien Phu. We defeated the special war and we are defeating the limited war of the Americans. We resolutely move forward to completely defeat the American aggressors in order to restore independence and liberty in our country.
Dear comrades,
It is evident that the American aggressors are losing.
The call for assault to achieve independence and liberty has sounded.
The Truong Son [the Annamite mountains] and the Mekong River are moving.
You, comrades, should act as heroes of Vietnam and with the spirit and pride of combatants of the Liberation Army.
The final victory will be with us.
Người viết xin tạm dịch lại nhật lệnh nầy từ bản tiếng Anh của Douglas Pike để làm tài liệu tham khảo, chỉ có thể giữ đại ý mà không phải là nguyên văn. Trong khi dịch, người viết sử dụng từ ngữ và cách hành văn theo lối CS vào lúc đó. Câu thơ chúc Tết của HCM thì dùng nguyên bản tiếng Việt.

NHẬT LỆNH CỦA BỘ TƯ LỆNH
CÁC LỰC LƯỢNG VÕ TRANG GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

Hỡi cán bộ và chiến sĩ các cấp,
“Tiến lên toàn thắng ắt về ta.”
Lời chúc Tết của Hồ chủ tịch đích thực là một mệnh lệnh chiến đấu cho toàn thể Bộ đội và nhân dân.
Hưởng ứng lệnh tấn công của Chủ tịch đoàn, Trung ương cục, Mặt trận Giải phóng miền Nam, tất cả cán bộ và chiến sĩ của các Lực lượng Võ trang Mặt trận Giải phóng miền Nam hãy tiến lên tấn công thẳng vào các bộ chỉ huy địch, bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ và đập tan ngụy quyền ngụy quân bù nhìn, tay sai của Mỹ, giành lại quyền cho nhân dân, giải phóng toàn bộ 14 triệu đồng bào miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng là lập lại nền dân chủ trên cả nước.
Đây sẽ là trận chiến vĩ đại nhất trong suốt quá trình lịch sử nước ta. Nó sẽ làm thay đổi cả thế giới nhưng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh. Nó sẽ quyết định vận mạng và sự sống còn của Tổ quốc, sẽ làm rung chuyển thế giới, và sẽ gây thất bại chua cay cho bọn đầu sỏ đế quốc.
Đất nước chúng ta có 4,000 năm lịch sử đánh và thắng ngoại xâm, đặc biệt là những chiến công lừng lẫy như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa và Điện Biên Phủ. Chúng ta đã thắng cuộc chiến tranh đặc biệt và chúng ta đang thắng cuộc chiến tranh giới hạn của Mỹ. Chúng ta cương quyết tiến lên đánh bại hoàn toàn bọm xâm lược Mỹ để giành lại độc lập và tự do cho xứ sở.
Các đồng chí thân mến,
Rõ ràng là bọm xâm lược Mỹ đang thua.
Giờ tiến công để giành lại độc lập và tự do đã điểm.
Núi Trường Sơn và sông Cửu Long đang chuyển mình.
Hỡi các đồng chí, hãy làm người hùng Việt Nam với tinh thần và lòng kiêu hãnh của chiến sĩ Bộ đội Giải phóng.
Thắng lợi cuối cùng ắt về ta.
KẾT LUẬN
Mở đầu nhật lệnh tấn công đêm Giao thừa Tết Mậu Thân ở NVN, bộ đôi CS xác nhận: “Lời chúc Tết của Hồ chủ tịch đích thực là một mệnh lệnh chiến đấu cho toàn thể Bộ đội và nhân dân.” Như thế, rõ ràng bài thơ chúc Tết mà HCM hét lên trong đêm Giao thừa trên đài phát thanh Hà Nội, chính là lệnh xuất quân tổng tấn công Tết Mậu Thân của bộ đội cộng sản ở NVN.
Trước đây, trong bài thơ bằng chữ Nho (chữ Tàu) của HCM nhan đề là “Khán Thiên Gia Thi hữu cảm”, có hai câu được phiên âm như sau: “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết / Thi gia dã yếu hội xung phong.”. Tác giả Nam Trân dịch: “Nay ở trong thơ nên có thép, / Nhà thơ cũng phải biết xung phong,” (Cảnh Nguyên và Hồ Văn Sơn tuyển chọn, Thơ Hồ Chí Minh, Nxb. Nghệ An, 1995, tt 468-469.)
Bài thơ “Mừng xuân 1968” của HCM không phải chỉ có thép, có xung phong, mà còn có dao, có súng, có đạn, có hỏa tiển, và cũng có cả nước mắt, máu, xác người, khăn tang, mồ chôn tập thể lương dân vô tội ở NVN.
Chỉ một bài thơ ngắn mà đã gây ra bao nhiêu tội ác, tang tóc, đau thương, nên HCM thật xứng đáng được báo Polska Times [Thời Báo Ba Lan] ngày 5-3-2013 sắp vào hàng những lãnh tụ khát máu nhứt thế giới trong thế kỷ 20. Hồ Chí Minh chắc chắn cũng là kẻ khát máu nhứt trong lịch sử Việt Nam từ thời lập quốc cho đến ngày nay.

Trần Gia Phụng
(Toronto, 1-2-2018)