17 March 2018

GIÓ HÚ - Nguyễn Hiền


Gió hú từng cơn.
Mùa đông năm nay lạ lùng và dài hơn mọi năm. Sau bão, sau lũ tới mưa liên miên rồi bấc dồn dập. Thường những năm trước, bấc chỉ thổi trong tháng mười một âm, sang tháng chạp, trời ấm dần rồi hết gió. Nhưng giờ chỉ còn hai ngày nữa là đưa ông Táo về trời vậy mà cứ đến tầm trưa là bấc nổi lên.

Mỗi lần nghe tiếng gió hú ngoài trời, nghe tấm bạt phủ tạm cái mái hiên bên hông nhà kêu lật bật, nghe mấy cánh cửa nhôm trong nhà rung lên, không hiểu sao ông cảm thấy rờn rợn trong người.

Ông sợ gió hay sợ tiếng gió hú?

Ông không biết nhưng thường khi bấc thổi, ông đóng hết cửa nẻo, núp trong nhà, leo lên giường nằm trùm mền tới tận cổ.

Bữa nay cũng vậy. Nằm được môt lúc, thiu thiu ngủ hồi nào không biết, ông giựt mình khi nghe tiếng chó sủa rồi tiếng gọi cửa:
– Tư ơi…tư…
Tiếng của con bé Liên, cháu gọi bằng bác.
– Ơi…
Ông mở cửa. Vừa bước vào nhà, con bé đã nhăn mặt, thụt lùi.
– Sao hôi quá…Có mùi gì đó…
Ông hít lấy hít để
– Đâu… có mùi gì đâu…
– Có… có mà…
Rồi con bé la lên.
– …A… mùi áo ấm của tư…Sao tư không giặt…
Ông kéo áo đưa lên mũi ngửi. Đúng rồi. Hôi thật. Sống một mình với mùi hôi của chính mình ông không biết mình hôi cũng phải.
– Kệ…ở dơ cho quen…
Con bé đang học năm thứ nhứt trường Nông Lâm ở Sài gòn mới về ăn tết sáng nay.
Ông ẵm bồng con bé từ nhỏ rồi ba nó chết khi nó mới học lớp ba, nó quấn quýt theo ông thành ra hai bác cháu rất thân thiết. Hơn nữa, con bé nhứt định khi nào làm có tiền nuôi bác tư.
– Tư cởi ra con giặt cho…
Ông mặc cái áo ấm này  gần 3 tháng đông do nó tiện lợi vừa có thể đi mưa vừa đủ ấm. Nhiều lần ông định giặt nhưng hẹn lần hẹn hồi, hẹn hết mưa hết gió rồi giặt luôn.
Ông vừa cởi áo vừa cười…cầu hòa
– Ờ…ờ…giặt giùm bác luôn…
Con bé cầm cái áo ấm bước vào nhà tắm. Thêm một tiếng la trời nữa
– Sao tư không giặt đồ…
Và tiếp theo là cuộc kiểm tra toàn diện. Nhà không quét, không lau. Ngủ dậy không cuốn mùng, xếp mền…
Nghe con bé lên án, ông chỉ biết cười trừ.
Thực ra trước đây, dù sống một mình nhưng  ông không đến nỗi ăn ở dơ dáy nhưng từ sau cái ngày cơn bão quét qua cách đây mấy tháng, một phần mái nhà bị tốc ngói, nhà bếp, mái hiên, chuồng gà  bị sập, mảnh vườn trở nên xơ xác, ông chán nản và trở nên lười lúc nào không biết. Lười cả chuyện tắm giặt.
Mớ quần áo dơ đó, là những bộ đồ mặc làm vườn, đụng chỗ nào ông cũng tạ lết, dính đầy bùn đất đang chất đầy thau là sản phẩm của lười biếng. Thường ngày, với mớ đồ này, ông chỉ cần ngâm chút xà bông cho nhả đất, sau đó dùng bàn chải chà chà vài cái rồi xả là xong. Dễ quá mà. Nhưng lúc này không biết sao  mỗi lần bước vào nhà tắm tính giặt, cục lười nổi lên, ông lại quay ra.
Gần chiều, sau khi giải quyết xong mớ đồ dơ, con bé bước ra ngoài phòng khách, kéo ghế ngồi thở phì phò.
– Đồ… tư dơ quá…giặt bắt mệt…
Ông yên lặng nhìn con bé. Nửa năm không gặp nó, lúc này ông thấy nó lớn và xử sự khôn ra nhiều. Nó biết giúp ông giặt đồ, biết phê bình nhà dơ nhà sạch.
– Con học hành thi cử ra sao rồi?
– Có học gì đâu…học toàn ba thứ gì không hà…
– Thứ gì là…thứ gì…
– Thì…chủ nghĩa Mác- lenin, đường lối tư tưởng Hồ Chí Minh, và còn cái môn gì đó giống như lịch sử mà không phải lịch sử…
Rồi con bé tự kết luận, đứa nào cũng oải, nuốt không trôi, chán chết.
– …Nhưng con học nông lâm mà. Ông lấy làm lạ.
– Dạ…nhưng mà bắt buộc phải học chính trị trước bởi mấy ông thầy nói nhờ ơn bác, đảng chúng ta mới có cơm ăn áo mặc như ngày hôm nay…
Tầm bậy. Bác đảng nào cho chúng ta cơm ăn áo mặc. Ông định la nó nhưng nhớ ra là không phải nó nói mà mấy ông thầy nào đó nói.
Ông học hành không được mấy chữ nhưng ông hiểu cái ‘đạo lý’ ở đời: ‘sinh ra ông là cha mẹ, hạt gạo nuôi ông lớn khôn là do cha mẹ làm ra và cả ngôi nhà, mảnh đất ông đang ở cũng do cha mẹ cực khổ cả đời gầy dựng để lại’. Biết ơn là biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.  Và bản thân ông phải vật lộn với mưa nắng, lũ lụt,  giông bão… mới có cái ăn cái mặc sống tới ngày hôm nay.
Chuyện nào ra chuyện đó.
Nói chi cho xa, mới đây nhứt khi bão ập vào, nhà cửa, vườn tược của ông tanh bành, chỉ có anh em ruột thịt, họ hàng tới lui thăm hỏi rồi một tay một chân giúp được chuyện gì thì giúp. Còn coi trên TV, ông thấy nói nước này cứu trợ, nước kia cứu trợ … nhưng ông chờ đến mỏi con mắt cũng không biết gói mì tôm, ký gạo cứu trợ ngon hay dở.
Biết vậy nhưng ông không biết nói sao cho con bé hiểu nên lãng sang chuyện khác.
– Vậy chừng nào học chuyên ngành…
– Mấy anh chị học trước nói giữa năm hai…
Ông làm bài toán nhanh. Như vậy có nghĩa bước chân vào ngưỡng cửa Đại học, những cô tú, cậu tú  uổng phí hết một năm rưỡi học ba thứ gì đó mà sau khi ra trường không biết dùng vào việc gì.
Ông nhắc chừng con bé
– Coi chừng nợ môn đó…con…
– Nợ thì trả… năm nhứt không được thì năm hai, năm ba… học chán chết… có đứa nào học đâu…
Rồi nó cười, tiếp, nhưng con làm tạm tạm chắc không đến nỗi nào.
Ông cũng cười theo, thôi ráng đi con…biết sao bây giờ…
Ngồi chơi được một lúc, con bé lại hỏi
– Tư mua đồ tết chưa…?
– Chưa…
Rồi định nói năm nay lũ lụt, bão bùng tết nhứt gì nhưng mắt ông bất chợt nhìn qua bàn thờ tổ tiên, lòng chùng xuống. Ông thì sao cũng được, ăn tết hay không ăn tết thì 3 ngày tết cũng trôi qua nhưng không thể để bàn thờ tổ tiên, ông bà lạnh tanh.
– Mai…bác tư mua… còn sớm mà…
– Sớm gì nữa, má con mua hết rồi…
Trời càng về chiều, gió càng dữ, lạnh tràn vào nhà. Con bé rụt chân lên lên ghế, co ro.
– Chỗ tư lạnh quá và gió hú nghe ghê quá…vậy mà tư dám ở một mình…
Nghe con bé nói, ông sực nhớ lúc con bé vào nhà, ông quên đóng cửa.
– Để bác đóng cửa…
– Thôi tối rồi, con về…mai con ra sớm quét dọn, lau nhà cho tư ăn tết…
Con bé đi rồi, ông trở lại giường nằm trùm mền. Một chút sợ sệt bò quanh người.
Vậy mà tư dám ở một mình.
Lúc này ông mới nhận ra không phải ông sợ gió hay sợ tiếng gió hú mà ông sợ sự cô đơn của tuổi già.
Rồi ông cảm thấy đói và nhớ mình chưa ăn chiều.

Nguyễn Hiền