07 April 2018

CHUYỆN NGÀN LẺ HAI ĐÊM - Hồ Đình Nghiêm



Chuyện tôi sắp kể có thể có bạn không tin. Viết truyện, tôi luôn hư cấu thêm mắm nêm muối nhưng lần này thì không, nói theo kiểu người còn ở trong nước rằng thì là “hơi bị vô tư”. Chuyện gì thế? Ô, chuyện về một con mèo. Động vật bốn chân hẳn hoi chớ không phải mèo hai chân có bí danh “bồ nhí”. Vì sao đàn ông ngoài chuyện thích ăn phở họ còn chùng vụng dại khờ việc mèo mả gà đồng? Lãnh vực này hôm khác sẽ viết riêng một bài dài sau khi đã tra cứu tài liệu do các nhà phân-tâm-lý-học bỏ công thăm dò soạn thảo (cũng nên hội ý với mấy ông bác sĩ thú y chuyên trị về mèo?). Bỏ qua đi nghen, bị đang nói tới mèo bốn chân, về con vật có lắm người chẳng thích nuôi, nghe meo meo tưởng nó trù yểm cho mình nghèo suốt kiếp.
Tôi nhớ lại thời tiểu học, giờ tập làm văn từng cắn bút trước cái đầu đề cô ra: “Em hãy tả về một con thú cưng đang nuôi và trình bày những cảm nhận về nó”. Nhà tôi dạo đó nuôi tới hai con, một chó một mèo. Tôi thấy con nào cũng đáng nói cả, về tính tốt cũng như thói hư tật xấu và vì vậy bài luận văn của tôi bị cô phê mực đỏ: “Luộm thuộm, dài dòng, lạc đề. Chọn một trong hai con thôi chớ!”. Tuy không ăn hột vịt nhưng điểm thấp, gần đội sổ. Tấm bé đã học được kinh nghiệm là chớ nên thương yêu bao đồng, mai sau có vợ bên lưng thì đừng mơ mòng tới bồ nhí nghe cưng! Thuở nhỏ tôi học rất dở, không cứ là luận văn, môn toán đố cũng chẳng mấy khi được chia tay giã từ zéro, thầy quen tên và quen tay cứ cho “hắn” số không miết. Một lần thầy dạy toán chỉ mặt tôi: Bây giờ tôi cho em hai con mèo, thêm hai con rồi cho tiếp hai con. Như vậy tổng cọng em có được mấy con mèo? Tôi đáp: Bảy. Thầy lắc đầu: Này, hãy nghe lại cho rõ nhé, lần đầu cho hai con lần sau thêm hai lần cuối cho tiếp hai, cả thảy được mấy con? Tôi nói: Bảy. Lại lắc đầu, mặt nhăn nhó. Thôi thì thế này, bây giờ tôi cho em hai viên bi cho thêm hai viên rồi thêm hai viên nữa. Em có mấy viên bi? Sáu. Giỏi. Vì sao bi lại đáp đúng mà mèo thì tính sai. Răng trò cứ đòi nhét thêm một con vô rứa ? Thưa thầy, tại em có sẵn một con ở nhà…

Con mèo, nhân vật chính trong chuyện kể sau đây mang tên Katy. Không phải là con mèo tam thể thời xa xưa đã chết mất đất. Bất đắc dĩ tôi nuôi nó, chẳng đặng đừng do bởi bạn dọn nhà đi xa, vợ chồng hắn có tới ba con mèo nheo nhóc bèn vất bớt cho tôi một con kèm mấy chữ “giữ làm kỷ niệm”. Ở đời bộ hết cái giữ làm kỷ niệm rồi sao tía má? Vợ chồng nhà ngươi thật là không biết chơi chữ! Thấy tôi chẳng phản ứng gì, bạn bồi tiếp: Vì mỗi lần mày ghé tao, trong ba con thì Katy luôn tìm cách lân la cọ quẹt vào người mày. Katy cũng từng dạn dĩ nhảy vào lòng mày, mắt lim dim, nhớ không? May mà chữ duyên số hắn không dùng tới trong trường hợp này. Hắn vốn rất đào hoa, có nhiều người tình, hắn kể với bộ mặt tự cao tự đại rồi kết luận: Cuối cùng lấy bà này làm vợ thì rõ là do duyên số sắp đặt.
Bạn có tin tôi nhận nuôi con Katy là do duyên số xúi không? Đi làm cả ngày, đóng cửa cài then nhốt giữ con vật nội bất xuất ngoại bất nhập nằm im re trong nhà, nghĩ cũng áy náy. Nhưng tình ngay mèo là con thú lười biếng không có tính năng động như chó nên lương tâm “ông chủ” tạm nguôi ngoai, thôi bị gặm nhắm vào hai chữ ác ôn. Có mặt hay vắng bóng mình thì nó đâu quan hoài tới. Ngoài chuyện “như mèo dấu cứt” giống nòi nó cũng thuộc hạng kín tiếng rất mực, chỉ kiệm lời meo meo chừng như muốn diễn đạt: Đói bụng rồi đây này, kíp bày thức ăn ra ngay.
Thiết nghĩ bài luận văn hôm nay đã khá dài phần nhập đề, sợ luộm thuộm lạc đề tôi xin được vào phần thân bài (kẻo bị cô la ngựa quen đường cũ). Hôm đó, chẳng phải một sớm sương thu đầy gió lạnh. Bữa nọ, trời chiều nhá nhem tôi vác xác nhừ tử từ hãng xưởng về nhà thấy có đôi ba ánh đèn chớp đỏ bắt trên trần xe đậu ngay trước chung cư nơi tôi thuê ngụ. Bà Yarek người Ba Lan mướn căn sát nách đang đứng ngoài sân hóng tin, thấy tôi liền thông báo cớ sự bằng thứ tiếng ấp úng khó hiểu thường lệ của bà, chưa vô thân bài thì một ông cảnh sát bất thần đứng chen vai: Phải ông Trần không? Ở căn số 12? Ông nói thêm một câu, có thể suy đoán diễn dịch: Còn ai trồng khoai đất này! Tôi hơi tái mặt, cố giữ bình thản: Chuyện gì đã xẩy ra? Vị cảnh sát sửa lại thắt lưng quần mang lắm “đồ nghề” bằng sắt thép dễ làm giảm thọ chúng sinh: Tôi có dọ hỏi những người sống quanh nhưng tôi muốn chính ông trả lời, bởi vì những kẻ độc thân không hẳn kẻ đó chỉ côi cút mình ên. Hiện tại ông đang sống với ai? Tôi thưa: Thông tin mà ông thâu nhặt quả chính xác. Bộ đồng phục khó ưa của ông ta làm tôi mất hứng, nếu không chắc tôi đã hát thể điệu boléro: Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không xong… Lạ nhỉ? Thế thì ông vắng nhà lúc mấy giờ? Dạ thưa tôi làm công nhân bảy giờ ra khỏi nhà năm giờ trở lại chốn phát xuất, bốn mươi hai tiếng một tuần từ thứ hai đến thứ sáu, mười năm nay chưa một ngày cáo ốm, quay như vụ. Người bạn dân cười toe. Hẳn là được trao bằng cấp Công Nhân Gương Mẫu có lộng kiếng? Lạ thật. Chắc tớ phải theo ông vào nhà thử xem sao? Tôi moi trong túi quần ra xâu chìa khoá: Nãy giờ quý vị vẫn chưa cho tôi hay chuyện gì đã xảy ra. Ồ, là thế này, khoảng tiếng trước có người gọi số 911 mà chẳng thông báo việc khẩn cấp, hỏi gì cũng mần thinh. Theo đường truyền chúng tôi dò ra địa chỉ ông là nơi phát xuất cuộc gọi. Sống đây mười năm ông từng gặp ma chưa, ông Trần?
Tôi mở hai ổ khoá gắn ở cửa phòng, bấy giờ có thêm ba người cảnh sát vũ khí tận răng e dè bước theo tôi. Điện thoại tôi đặt trên bàn viết nằm ngoài phòng khách nên mở cửa, đi dăm bước là tới nơi. Điện thoại tôi thuê ở công ty Bell, lựa thứ rẻ tiền nên kiểu dáng không mới chẳng cũ và hiện tại ống liên hợp đã rời ra khỏi vị trí ngơi nghỉ, nằm ngửa thân trên bàn, rõ là có kẻ đã mó tay, đã “nai oan oan” oan ôi ông địa. Theo phản ứng, có hai vị cảnh sát đã rút súng ra khỏi bao. Tôi nhìn quanh, đồ vật y nguyên không có dấu tích của đạo chích vào lục soạn. Mà giả như có trộm cướp vào, chúng đời nào buồn tay nghịch tới cái điện thoại rồi vất lăn vất lóc ra đó. Có là điên mới lạy ông tui ở bụi này!
Một vị cảnh sát đã lẻn lui sau bếp, nói vọng ra: Ủa, một con mèo! Nó vào từ lối nào nhỉ? Ồ, mèo tôi nuôi mà, nó tên Katy. Ố là la, sao hồi nãy lại bảo là sống côi cút mình ên. Ủa, tôi tưởng là chim cá mèo mình nuôi làm cảnh thì không cần phải khai báo. Theo đúng với nghiệp vụ, họ đi dòm ngó loanh quanh kiểu vạch lá tìm sâu. Ngoài con mèo này ra, ông còn nuôi con gì khác? Nuôi chỉ mình nó thôi ạ. Katy khoan thai đi tới cạ mặt vào ống quần, nó nhìn lên tôi bằng đôi mắt xanh vô cảm như thông lệ. Đuôi vất qua vất lại như phủi bụi từ vết giày mấy ngài bạn dân mang từ cõi bất an vào tới chốn yên hàn cô quạnh. Mất khoảng hai chục phút hội ý với nhau, ba ông cảnh sát đi tới kết luận: Katy là thủ phạm. Còn chuyện do đâu nó chọn ba số “chết người” kia để nghịch chân thì tạm bỏ qua, hạ hồi phân giải. Vị cảnh sát từng hỏi “mười năm đã gặp ma chưa?” nhìn tôi lần chót, nói thế lời chia tay: Vợ tôi có nuôi con két biết giả giọng tôi, ngày nào cũng anh yêu em, mình vui vẻ chút xíu… Toàn một lũ yêu tinh… Vặn cổ thì sợ xúc phạm tới hội bảo vệ thú vật. Đề nghị ông máng cái điện thoại vào vách tường, cẩn tắc vô lôi thôi.
Tối đó, người cũng như thú ăn uống xong, tôi làm màn phỏng vấn bỏ túi với Katy: Mày có bất mãn điều chi trong cuộc sống? Mày dùng tới điện thoại để trình bày nỗi oan ức? Chủ cũ của mày điện thoại dài tới mười số nên mày nhác bấm? Katy nằm trên sofa nghe tôi độc thoại. Ừ, tao hiểu niềm cô đơn mày đang gánh chịu, giá mà trong chung cư này có chuột nhỉ. Chẳng biết khi ấy mày có vui không? Tha hồ canh me rượt đuổi, vận động cho khỏi bị cholesterol. Người ta biểu tao bắt điện thoại chỗ cao để mày thôi nghịch phá nhưng tao cho đó là hạ sách. Tao cứ giữ nguyên trạng, như vậy nhỡ bất tử tao có bị nhồi máu cơ tim thì mày nhớ bấm số 911 giúp tao nha.
Đang tính bồng Katy tới bàn đặt nó xuống sát bên điện thoại thử xem nó biểu diễn trò thủ thuật thì có tiếng gõ cửa. Bà Yarek ở bên căn số 11 hiện ra, vẫn trang phục y như hồi chiều và hình như bà thích mặc bộ đồ ấy. Cái váy rộng chẳng lấy gì làm mới, có thể kỷ niệm đáng nhớ bà mang từ Ba Lan sang, trên là chiếc áo khoác bằng vải thô in nhiều bông hoa đã bạc màu. Ông Trần, đã dùng bữa tối chưa? Sẵn nấu nhiều nên mang cho ông món đậu hầm sườn heo đây, chứa rất lắm chất đạm bổ khoẻ. Tôi mời bà vào, đón nhận cái bát còn ấm trên tay bà, mang thẳng ra sau bếp. Bà uống trà nhé? Khỏi, tao sang để hỏi cho biết chuyện gì đã xảy tới. Bà Yarek, gần năm chục tuổi, ở với đứa con gái chưa chồng mặc dù cô ta đã ngoài ba mươi. Hình như người Ba Lan chẳng biết câu “tam thập nhi lập” và họ cũng bỏ ngoài tai thành ngữ “đợi nước đến chân mới nhảy”. Chẳng nghe họ than thở nói bóng nói gió về cuộc sống thiếu mặt mũi đàn ông con trai của họ. Hai mẹ con rất ham chuộng món chả giò cuốn nhân thịt bằm với cua tôm tôi tự làm lấy. Họ nhắc cho tôi hay là trước đây nước họ và Việt Nam sau 75 cùng nằm trong khối anh em vô sản với nhau, rất mực gắn bó. Tôi ngó người con của bà Yarek, bây giờ tất cả đều bỏ của chạy lấy người, lưu lạc chốn lạ khi không mà ở sát vách nhau, hoàn cảnh xem ra vẫn còn gắn bó nhỉ? Họ cười tít mắt rồi xơi thêm cuốn chả giò khác sau khi dùng xà-lách bọc quanh bên ngoài cho đỡ phỏng tay. Ngấu nghiến, tợp bia, đưa cay rồi như chạnh lòng hỏi tới gia cảnh tôi, bạn muốn thử thách điều gì mà cứ mãi lui cui ngoài hãng xưởng rồi loay hoay trong xó bếp. Hai mẹ con như này còn buồn chết đi được, chúa ngó xuống ông cũng mủi lòng chẳng biết nói năng, gạt lệ thua buồn. Tôi đùa với hai mẹ con: Hỡi những kẻ bị cô đơn áp bức hãy đoàn kết lại!
Ba Lan gắn bó với Việt Nam ra sao tôi chẳng màng quan tâm, toàn một lũ đói kém chật vật cả, nhưng tình ngay dạo xấc bấc xang bang xưa cũ đó phim ảnh của Ba Lan cũng như Tiệp Khắc là vượt trội hơn hẳn mấy chú bác cô dì trong họ hàng cộng sản nghèo khổ. Cũng tình yêu gái trai da diết chứ không gân cổ nguyện chết cho chế độ. Hy sinh kiểu lãng mạn tiểu tư sản còn biết cởi áo này quần nọ, có đâu đồng phục tinh tươm đậy đệm chỉnh chu ôm chân lãnh tụ mà đang sống chuyển qua từ trần, trăng treo trên đầu súng AK 47.
Bát súp bổ khoẻ mà bà Yarek biếu tôi đặt trên bàn ăn, chưa kịp thưởng thức mặn ngọt thì Katy đã tiên hạ thủ vi cường, thọc chân vào bới móc nhắm sườn non mà rỉa thịt. Ngày mai mang bát đi trả phải sáng tác ra bài luận văn phát biểu cảm tưởng: Ngon cách chi, ăn vào không mập bề dài cũng nở bề ngang. Cảm ơn Yarek, mong tình hữu nghị song phương đời đời bền vững, bà đừng hở môi để khiến cho răng tôi lạnh nhé. Tôi có thuật chuyện nàng mèo Katy biết nhấn số điện thoại mà mặn duy ba số 911 ác ôn. Mặt bà Yarek tỉnh khô, không thèm bảo rằng ở cuộc đời này điều gì cũng có thể xẩy ra sá gì chuyện mèo vờn điện thoại. Có gợn lòng chăng là sợ nó buồn tình lại tái diễn trò cũ thôi. Sẵn ngồi không, bà kể truyện ngày xửa ngày xưa: Vợ một tay bạo chúa nọ muốn tìm trò tiêu khiển, biểu người chồng hôn quân chất củi nổi lửa rậm rật đốt chơi. Mấy nước nhỏ lân cận thấy sáng một góc trời tưởng hoàng thành nguy biến liền mang quân đến cứu. Bé cái lầm, người ta đang bày trò giải trí mà mấy chú, thật là mất hứng. Tháng sau thì một nhóm quan võ khởi nghĩa vào thành đốt trụi kho lương thực, lửa hừng hực sáng tỏ suốt năm canh. Chòm xóm láng giềng ngó thấy, nhớ lại trò đùa cũ nên mặc tình án binh bất động, bình thân như vại. Lần trước đã quê một cục rồi, ai hơi đâu mắc cỡ tới hai cục… Yarek kết luận, ví dụ mà mèo gọi 911 lần nữa thì cảnh sát cứu thương cứu hoả chẳng chộn rộn hú còi chạy quàng xiên tới đây đâu. Đó là luận việc theo kiểu tình hình bên quê tao, xuất quân không chính đáng kiểu đó thậm tốn kém công sức tiền bạc.
Một buổi tối, tôi vừa tắm rửa tẩy trần xong, đợi tóc khô sẽ đi ngơi thì nghe tiếng gõ cửa. Phải thính tai mới đón nhận vì thật sự tiếng động ấy tựa như mèo cào. Nếu người đứng ngoài là bà Yarek thì âm thanh phát ra phải thô bạo hơn bởi bà quen ăn to nói lớn. Tôi nhìn đồng hồ rồi đảo mắt tới cái futon, Katy vừa ngóc đầu lên, dóng đôi tai và đuôi ve vẩy. Tôi mở cửa, cô Katherine, con gái bà Yarek lách thân vào còn nhanh hơn loài mèo. Ngoài mùi nước hoa vướng đâu đó trên thân, Katherine còn mang vào phòng chút nồng độ cồn thường hừng hực nằm trong trong dung dịch rượu bia. Cô làm ca đêm trong một xí nghiệp sản xuất đồ lót phụ nữ cao cấp không thua công ty Victoria Secret, phải 12 giờ nửa khuya về sáng mới tan ca. Katherine nói vừa đủ nghe: Tôi vừa bị chúng nó sa thải, tôi chẳng muốn làm mẹ tôi lo âu. Tôi ngồi đây tới 1 AM có được không? Như kiểu vừa xong công việc đồng thời để bay bớt mùi rượu. Đâu có phiền hà nhỉ? Làm ơn khuấy cho tôi ly nước chanh. Mắc đái quá. Cô cởi áo khoác, ném cùng lần với cái túi xách lên futon khiến Katy đang nằm phải giật thót người phản ứng: Meo… eo…eo.
Hình như tôi đã say rượu. Cô ta nói khi đón lấy ly nước chanh đường. Ôi, trên cả tuyệt vời, hình như ngoài món chả giò ra thứ gì anh làm cũng ngon lành cả. Say rượu? Tôi không có kinh nghiệm về nó vì tôi rất ghét những đứa ôm cột điện mà gục đầu nôn mửa, miệng luôn lải nhải, áo quần xộc xệch. Katherine không nôn mửa vì Vodka nhưng cô đang lải nhải, đang xiêm y chễnh mảng và đang ôm cứng người tôi. Cô điều khiển tôi như đôi tình nhân đang dìu nhau trong điệu khiêu vũ bấn loạn rồi bất thần ngã người xuống futon. Katy chắc bất mãn vì đột ngột bị lấn đất dành dân, nó gào lên thứ tiếng sắc lạnh chưa từng có. Hãy gắn bó, hãy vỗ về tôi hỡi đồng chí mến yêu. Katherine nói như trong cơn mê sảng, đầu tóc màu hung đỏ đặc thù của cô rối bung khiến tôi ngạt thở. Tôi nhớ lời ông bà mình thường nói: Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Đồng thời cũng nhớ về tác phẩm nổi tiếng ở một đất nước xa xôi: Ba Lan mùa tuyết tan.
Nếu tôi kết thúc bài luận văn ngang đây chắc rằng thầy cô sẽ cho tôi ăn hột vịt? Vậy thì xin dọn lòng thòng thêm cái đoạn cuối cho ra đầu Ngô mình Sở: Hai hôm sau tôi điện thoại vô chỗ làm xin nghỉ, thành khẩn báo cáo: Nóng sốt phải đi gặp bác sĩ. Ông ấy người đồng hương, luôn mở đầu bằng lời cảnh báo là hạn chế việc ăn phở, có lắm chất béo, phải tìm cách vận động cơ thể, biết chơi quần vợt bóng bàn gì không? Cởi áo ra để nghe nhịp tim đập và đo huyết áp… Ố là la, sao cái lưng của cậu… Tôi cúi đầu lặng câm, có cho tiền tôi cũng không kể chuyện làm tình gay cấn với cô bạn láng giềng ngàn năm một thuở… Lạ thật! Này, cậu có ngủ với mèo à?
Như đa số các cô gái khác, bàn tay Katherine cũng có để móng dài và tô sơn hồng. Cô ôm tôi, để biểu cảm niềm hạnh phúc cô cũng bấu víu cào cấu các thứ nhưng… Tôi nói thật đấy, nhà cậu nuôi bao nhiêu con mèo cả thảy? 2+2+2=7 là bài toán vỡ lòng… Dấu vết để lại trên lưng là do mèo cào, tấy sưng và đang nhiễm trùng. Tôi ghi cho cậu đơn thuốc trụ sinh đi kèm với loại kem thoa ngoài da. Cậu làm gì để khiến mèo nó ghét đến nhường ấy? Mèo cái phải không? Nát nhừ cả lưng. Cơ khổ!

Hồ Đình Nghiêm