Xếp các thức vừa mua ở chợ vào bếp xong, cô
vào thay quần áo. Điện thoại reo, nhưng là điện thoại của lão Khọm sát
vách. Cô chạy ra sát cửa patio vểnh tai nghe.
-…
-Này Trấn Văn Vương, chiều nay qua nhà tớ,
có món đặc biệt.
-…
-Thì cúng buổi trưa cho xong rồi
qua. Mình rước ông bà về ăn Tết buổi trưa mới có xe đò, chứ chiều tà các
cụ ngại!!
-…
-Nhớ khều lão mắt kiếng, mà khều cho sớm
vì lão khệnh khạng lắm cơ.
-…
-Yên chí, nếu dở tớ đền, đền món khác dở
hơn.
-…
-Dở hơn, mà có dở hơi cũng cứ là được
thôi!
-…
-Nhớ nghen, giờ nào cũng được miễn có mặt.
A ha, sắp có cuộc vui. Vào bếp, cô sắp
đặt xôi, bánh mứt, và trái cây sẵn vào đĩa, rồi quay sang lau bàn thờ.
Bát nhang đầy cứng, bụi bặm phủ mặt tủ bám cả vào khuôn hình và chân nến.
Mấy cái chung đồng đã xỉn màu, thôi lần này phải thay chung sứ cho dễ rửa.
Cô đứng trên cái ghế đẩu con con, mân mê những bức hình đen trắng đã ngả
màu. Ông ngoại áo vét tóc rẽ lệch ngôi, bà ngoại khăn vấn nhung đen nụ cười
phúc hậu, cậu cũng chỉ là một thanh niên hiền lành. Ba thì hình ảnh đã
màu sắc hiện đại, nền xanh lơ với nụ cười mím chi chừng mực. Cô chợt thót
bụng nhớ ra, mãi đến bây giờ vẫn chưa in hình em trai để lên bàn thờ. Nhà
cô ngày một rộng mà bàn thờ ngày một chật, cô thẫn thờ lau dọn lòng vương vấn
những năm tháng êm đềm xưa của tuổi ngây thơ. Khói nhang muôn đời vẫn một
mùi êm ấm nhẹ nhàng, mà lòng người chuyển nhanh như mây.
Bây giờ cô quay sang cắm hoa vào
bình. Ba muốn cúng lay ơn đỏ ngày Tết, nhưng má và cô thích huệ trắng ngà
thơm ngát nhà lúc về đêm. Không sao cả, hai bình lay ơn đỏ sẽ ngự trên
bàn thờ, bình huệ với thật nhiều rong xanh mướt đệm thêm những cành cúc trắng
li ti sẽ đứng giữa bàn ăn. Bó cúc vạn thọ dành cho bàn cúng giao thừa,
còn bó mai rừng sẽ đứng gần lò sưởi. Chỉ hoa không thôi đã tốn bạc trăm,
nhưng cô mừng mình vẫn được sống như một người Việt dù đã muôn trùng xa cách.
Cô sắp hoa trái bánh mứt lên bàn thờ rồi
vào bếp sửa soạn mâm cơm cúng bữa chiều. Tỉa hoa củ cà rốt để sắt mỏng, cắt
xéo từng miếng xu hào, tước xơ các trái đậu tuyết, cô xào các thứ đã cắt với
lòng gà và bóng, đã sẵn từng miếng trắng nõn đang ngâm nước nóng. Cô lấy
miến và măng đã ngâm sẵn từ tối qua để nấu bát canh với gà luộc ban sáng.
Bày thêm đĩa thịt quay, mâm cỗ của cô kể như hoàn tất. Cô xoa tay hài
lòng nhưng tưởng như ba trên bàn thờ đang bĩu môi: quí gì cái thứ đi mua về!!!
Không sao, ba, quí ở tấm lòng mà _ cái câu này cô vẫn dùng thường xuyên nói
không vấp váp không ngượng miệng!
Đã 4 giờ chiều, cô xếp dọn các thức ăn lên
bàn thờ. Cái bàn thờ bé tí, xếp đủ thứ món lên là cả một kỳ công, cô loay
hoay gần nửa tiếng mới xong. Đốt hai ngọn nến, thắp ba nén nhang, cô thầm
khấn nguyện mà thực sự chả có lời khấn nguyện nào ra hồn, bởi mấy mươi năm sống
nơi này cô đã quên bài bản khấn khứa! Cô vái như gà mổ thóc. Ra bàn
ăn ngồi chờ nhang tàn, cô hóng tai nghe động tịnh nhà bên mà sao thấy im ắng,
có “nhậu” không đây hay lại “xù” nhau rồi?
Ngồi không thấy ngày như đứng lại, chán quá
chả biết làm gì cứ chốc chốc cô ra sát cửa patio mong nghe được một điều gì mà
mặt trận hàng xóm vẫn yên tĩnh. Quái, lão khọm đi đâu chăng? May,
nhang đã tàn, cô vờ cái lệ 2 tuần nhang của ba khi xưa, leo lên ghế đẩu con thổi
tắt nến. Thức ăn cứ để đó, giờ cô phải vào nhà dưỡng lão với má vì đã đến
giờ cơm chiều của bà.
Tưởng chỉ có phố Bolsa nghẹt người vì chợ Tết,
nhưng xa lộ còn kẹt hơn nữa với những hàng xe nối đuôi chờ vào ra ở hai ngõ
Brookhurst và Magnolia. Cô sốt ruột quay đầu xe đi luồn vào những con lộ
nhỏ. Đường dài hơn nhưng ít kẹt xe, thời gian chậm trễ không bao
nhiêu. Cô vào đến nơi nhân viên đã cho bà ăn được nửa bữa, vừa thấy cô mụ
điều dưỡng viên đứng phắt dậy cười toe nhường chỗ. Bà cụ nắm chặt lấy tay
cô: “trời ơi, thấy con Mẹ mừng quá, sao mãi lâu con chẳng vào thăm mẹ…”
Người chung quanh cười ồ. Cái bịnh nhớ quên lẫn lộn chốn này chỉ là chuyện
vui, không ai còn ái ngại. Cô rủ rỉ, hôm nay 30 Tết, ngày mai sẽ có tiệc
đầu năm, má mặc áo dài nha. Ui giời, cái đó là dĩ nhiên rồi. Con lấy
cho mẹ bộ áo dài nhung đỏ có thêu cúc trắng và đôi giầy màu kem nhá. Bố
mày đâu, hay lại qua nhà con vợ bé. Lại cười ầm. Mất ký ức nhiều
khi là điều may mắn, má đâu còn biết đau lòng. Cô đút cơm liền tay sợ dần
dà bà chán không chịu ăn. Rồi lại hát, lại múa men, lại dóc lác, lại bế
vào giường thay tã đắp chăn… Ngày tháng của các cụ không có bốn mùa chẳng
nắng chẳng mưa. Cô ra về, cũng chẳng còn thấy vui buồn.
Nhà bên đèn sáng rực ồn ào. Các đại
ca đã đến!!
Cô rút vào nhà thay quần áo, thu dọn các thức
cúng xuống bàn ăn rồi tự làm cho mình một đĩa. Bên kia lão khọm đang thao
thao cái món đặc biệt của lão.
-Này nhớ, tớ đâu có cho bà nhà tớ mua
giò heo cắt khúc sẵn. Phải để nguyên cái mà nướng hơi khét rồi mới cạo sạch
cho vàng đều thì da sẽ thơm mà khói không ám vào thịt vào xương. Ai chặt
à, thì còn ai vào đây, bà nhà tớ có con dao phay to lắm kia. Phải ra ga
ra chặt mới khỏi lo dây ra bếp. Mà, cái công đoạn băm riềng mới là vất vả,
vì riềng nó cứng hơn đá.
-Còn ông chỉ là củ nghệ đập cái bép là
xong. Tiếng Bắc, giọng lừng khừng cà khịa, chắc
lão mắt kiếng.
-Tép tỏi không? Giọng Trấn Văn Vương.
-Không, tỏi thơm tho gia vị chứ nghệ thì
nhẽo nhoét nhạt phèo. Chỉ được cái vàng ệch thuốc Bắc.
Cô chồm người dí sát mặt vào cửa patio nhìn
xuyên kính cửa sổ nhà bên để đọ tiếng với người. Lão mắt kiếng là
đây. Ông này bộ dạng nghiêm chỉnh ngay ngắn vuông vắn, từ cái mắt kiếng đến
khuôn mặt và đôi vai, ngồi đâu góc Trấn Văn Vương. Lão khọm lờ những lời
cà khịa, nhẩn nha kể lể tiếp.
-“Đặc sản” là món mẻ, của nhà gầy chứ
không mua đâu nhớ. Giả cầy mà lại dùng me, dùng ya ua, dùng cà ry thì… tặc
tặc… lạc quẻ.
-Cơm thiu nuôi thành mẻ, cũng như vang xấu
để lâu thành dấm chứ có gì mà khoe um! Lão mắt
kiếng vẫn nhẩn nha châm chọc.
Bây giờ lão khọm đứng lên giúp phu nhân dọn
thức ăn ra bàn nên tạm ngưng đấu khẩu. Góc trong Trấn Văn Vương đang lim
dim mắt cười ruồi cũng chồm lên phụ một tay chuyển thức ăn đặt vào giữa
bàn. Xong. Tam nhân đồng hành cùng nhau nâng chén, đầu bên này các
phu nhân cũng rủ rỉ chén đũa mời nhau. Lão khọm gắp một miếng giò heo
vàng nâu bóng bẩy vào chén. Lão lại tiếp tục cái món giả cầy gia truyền
ngon hơn cầy thiệt.
-Ướp mắm tôm riềng mẻ độ một giờ rồi mới
phi hành tỏi cho thơm mà đảo. Xăn thịt rồi mới thêm nước và chỗ riềng còn
lại vào nồi để lửa liu riu. Lâu lâu phải nếm lại xem đã vừa mắm muối, khi
nào thấy sền sệt là giò heo đã mềm, có thể tắt bếp, nhưng chớ ăn ngay.
-Ủa, không phải ăn nóng mới ngon sao? Trấn Văn Vương phu nhân buột miệng hỏi, Khọm phu nhân vẫn củ
mỉ cù mì nín thinh.
-Thế, thế các cụ mới bảo có của còn phải
biết dùng, món ngon còn phải người sành thưởng thức.
-Chứ lúc nào mới ăn, chả lẽ chờ nguội lạnh?
-Không phải vậy. Múc ra tô, hành
lá một dúm bên trên cho thơm tho đẹp mầu, độ năm phút sau giả cầy nguội bớt thì
nước mới sánh mà chan vào bún.
-Lão này vẫn quen ăn độn ông ạ. Mắt kiếng quyết không tha. Trấn Văn Vương tà tà gặm giò
heo không ý kiến.
Độ mươi phút ngưng chiến, chỉ nghe chén đũa
lanh canh, rồi là ly cạn với ly đầy. Bên này cô cũng tì tì gặm cánh gà
chân gà cùng 3 chung rượu cúng. Cô nhớ cái cảnh bếp núc ngày Tết khi xưa
mà ớn. Có một con gà làm đủ thứ món, rồi là bóc tôm, thái thịt bò thịt
heo cho những món khác sao cho đủ bốn đĩa bốn tô. Xôi phải nén vào chén
trước khi úp ra đĩa cho tròn, chả quế phải cắt con thoi bầy như hoa 6 cánh…
Tất cả những công việc đó đều không đến tay cô vì má bảo cô đoảng. Cô chỉ
có một gióp là rửa dọn, trên đời này chả có gì sướng bằng vung tay làm bếp và
có kẻ theo hầu, chả có gì khổ bằng phụ bếp hết cả hơi không chút công
lao. Ớn, nhưng giờ đây cô có muốn làm con sen cũng đâu còn dịp, những tiếng
cười vang dưới ánh đèn bên lão khọm như khúc phim dĩ vãng nhắc cô những phút
giây ấm cúng thuở nào. Cô thở dài, ăn nốt bát canh măng miến và dọn luôn
đĩa xào vào bụng. Ba chung rượu làm cô nóng bừng, cô mở cửa patio bước ra
cho thoáng. Nhưng mới đứng chưa nóng chỗ, thì tiếng ồn ào đã dồn ra ngay
bên nách, lão khọm đã rủ các đại ca ra sân. Lão ngâm liền một khi: điếu
thuốc lào nâng cao sĩ diện, thơm mồm bổ phổi diệt trùng lao, tay bật lửa
tanh tách. Cô lật đật rút. Cô biết, bây giờ lão sẽ huơ đao chém gió
mà vẽ ra những là tràng giang đại hải bài cùng sách, chữ cũng văn. Cô biết,
qua ngày mai lão sẽ ra lò công trình biên soạn cả năm dài một ngày 10 tiếng
thành bộ sách 20 cuốn. Cô biết, lão sẽ…
-Ủa, khi nãy mình quên dĩa lá mơ!! Tiếng Khọm phu nhân nhỏ nhẹ vọng ra.
-Trời cao đất dầy. Lão khọm kêu một tiếng thảm thiết.
-Thì bây giờ vào ăn, mọi thức đều gặp
nhau trong bao tử mà, Trấn Văn Vương cười cợt.
Lão khọm dường tức tối, lão phun khói mịt mờ
mặt cứ đần ra.
-Thì năm sau làm cầy thiệt nhậu bù. Năm cầy cậy nhầu khỏi lạc quẻ! Mắt kiếng chúm
chím, lão khọm gườm gườm lẩm bẩm,
-Năm sau, năm sau, …
-Ối!!! Về cúng giao thừa. A ha, Mắt Kiếng phu nhân. Trấn Văn Vương phu nhân cười khanh
khách.
Ba chàng ngự lâm pháo thủ tan hàng không
pháo lệnh, hai bên sân bỗng bặt tiếng. Cô vù xuống bếp sắp hoa quả bát
nhang, chỉ còn một giờ là qua ngày mai.
Mang ly nước lạnh ra bàn cúng cô bật cười.
Ngày mai đã là năm sau, KHỌ..ỌM.
Lưu Na