23 June 2018

NỀN VUA - Phan Ni Tấn


– Ở Rạch Giá cũng có địa danh Tây Sơn hả nội?
– Có. Hiện nay ở ấp Tây Sơn vẫn còn “nền vua”…


Giữa thập niên 1950, ông nội tôi ở Quy Nhơn dẫn bầu đoàn thê tử vào Sài Gòn lập nghiệp, chọn đất Cầu Kho gần bến Hàm Tử mở trường dạy võ Bình Định. Mười lăm năm sau ông cáo lão hồi hưu, cha tôi kế nghiệp, dời trường về Tân Định, võ sinh ngày càng đông. Tuy vậy tình hình chiến sự giữa hai miền Nam Bắc đang leo thang khốc liệt, cha tôi được lệnh tái ngũ trở về đơn vị cũ ngoài miền Trung. Tôi – 30 tuổi, con một trong gia đình – trở thành chưởng môn đời thứ ba của nhà Nguyễn Võ. Từ ngày trở lại đơn vị cũ ngoài vùng 1 hành quân liên miên cha tôi ít khi trở về thăm nhà. Cho đến mùa hè năm 1972 dược tin cha tôi hy sinh tại đường 9 Nam Lào, ông nội tôi ngã bệnh.
Trước ngày mất độ hai tháng, nội gầy nhom nhưng nội lực vẫn còn mạnh mẽ. Thì ra vì thương nhớ cha tôi ông mang một tâm bệnh gọi là bệnh buồn. Lần đó trước bàn thờ tổ, nội cẩn thận giao lại cho tôi một cái hộp mi-ca hình chữ nhật trong đó đựng miếng đất mẻ đã thâm nâu và một hộp mi-ca hình ống đựng một lưỡi chủy thủ hoen rỉ, không có cán. Nội trầm giỏng nói: “Đây là di vật của nhà Tây Sơn chúng ta. Con hãy nghe rõ lời ta dặn: Cha con đã mất, con là cháu nội đích tôn của dòng Nguyễn Võ, hậu duệ của nghĩa quân Tây Sơn, có bổn phận phải giữ gìn vật thiêng này cho thận trọng, không được để thất thoát. Sau này con còn phải truyền lại cho đời con đời cháu của con”. Tôi nghe trong lòng bồi hồi xốn xang vì trọng trách này. Gọi là “di vật của nhà Tây Sơn” hẳn miếng đất thiêng và lưỡi chùy thủ này đã trải qua gần 250 năm kể từ năm Tân Mão 1771 Tây Sơn tam kiệt khởi nghĩa. Hỏi thì nội nói như mê: “Hai di vật này năm xưa tồ phụ của con đích thân lặn lội từ Bình Định xuống tận vùng Rạch Giá mạo hiểm vào khu rừng hoang miệt ấp Tây Sơn mới đào về được ”. Tôi tở mở nói: “Không ngờ Rạch Giá cũng có di tích của nhà Tây Sơn ta. Thật là hiển hách!”.

Nói về lai lịch miếng dất nội cho biết: “Cũng nhờ ông Châu Sía, bạn tâm giao của tổ phụ con, về già lưu lạc xuống miền Hậu Giang chọn đất Tây Sơn hẻo lánh làm nơi ẩn cư. Khi khám phá ra “nền vua Tây Sơn” trong một cánh rừng già, ông đã đánh tiếng ra Quy Nhơn báo cho tổ phụ con biết lai lịch nền đất đó”. Tôi hỏi sao ông Châu Sía biết đó là “nền vua” thì nội nói uy tín của các bô lão trong ấp một khi đã xác nhận về di tích nào đó thì không thề coi đó là trò đùa, hơn nữa nhờ công trình khảo nghiệm của tổ phụ con mới khằng định di tích đó không phải là truyền thuyết trong dân gian mà nền đất đó có thực từ thời Gia Long tẩu quốc.
Chuyện ông nội tôi kể thật độc đáo.
Trước đời Gia Long, bờ biển Rạch Giá là khu rừng sác, nhiều cây mắm, cây giá, ô rô, cóc kèn, không giúp ích gì cho dân, nhưng nhờ bông tràm và cây giá nên huê lợi chính lá sáp và mật ong. Thời đó, đất Rạch Giá vẫn còn hoang dã, rừng tràm trầm thủy mênh mông, sông rạch chằng chịt, nhiều phèn và thấp. Những đợt Nam tiến tràn đi khai hoang lập ấp, lưu dân phải chọn những gò đất cao dọc theo sông Cái Lớn và Cái Bé để cư trú, dần dà lập ra chợ Rạch Giá, từ đó mọc lên nhiều địa danh.
Địa danh lả một tên gọi, do thói quen của người bản xứ nó được hình thành trong những hoàn cảnh đặc biệt từ một hoài bão, một ước mơ hoặc nhắc nhớ đến công lao nào đó mà đặt tên như  Rạch Sõi, Cù Là, Minh Lương, Tà Niên, Xèo Rô, Tắc Cậu, Bến Trống, Bào Láng, Heo Nằm Bếp, Thứ Ba, Thứ Ba Biền, Thứ Sáu Đình…  Ấp thì có ấp Tà Keo, ấp Rạch Vượt, ấp Xoa Áo, ấp Rạch Đùng, ấp Xẻo May…  Còn kinh rạch thì có kinh Dài, kinh Bà Lò Xén, kinh Chèm Chẹt , kinh A, kinh B… cho tới Thứ Bảy Kinh Làng là giáp mé biển Vịnh Xiêm La.
Nói tới Rạch Cây Giá (về sau đổi thành Rạch Giá) không ít người địa phương lấy làm hãnh diện khi biết thời xa xưa giữa lòng Rạch Giá lại có địa danh Tây Sơn. Nếu ai là dân Cây Xoài có thể biết từ Cây Xoài đi lên hướng Tây Nam khoảng 10 cây số đường chim bay sẽ gặp ấp Tây Sơn.
Trước thời thực dân, Tây Sơn là một ấp vắng vẻ, nghèo nàn, dân cư thưa thớt. Dân chúng ở đó sống bằng nghề ruộng rẫy, bắt rắn, giăng câu. Nhưng ấp Tây Sơn, sáng chim kêu, chiều vượn hú, mùa màng thường thất bát nên nhiều người chuyển qua nghề ăn ong (sáp và mật ong), buôn củi lậu. Chính những người thợ rừng này len lỏi theo các đường quanh nẻo tắt trong rừng để vận chuyển hàng lậu, vô tình họ khám phá ra một nền đất khác lạ. Phải tinh mắt lắm mới phát hiện được nền đất bị mưa nắng vùi dập, cây rừng phủ lấp gần hết. Thấy lạ họ sanh nghi về báo cho ông Châu Sía và các bô lão trong ấp biết. Hôm sau họ theo nhóm thợ rừng lội tới tận nơi nghiên cứu chứng minh thì biết nền đất này đã có từ lâu đời. Nghĩa là nền nhà bí mật bỏ hoang trong khu rừng rậm dó dân đia phương khẳng định là đồn lũy của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa lập căn cứ để truy đuổi Nguyễn Phúc Ánh.
Năm 1782, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) cùng Long Nương tướng quân Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ tư, Nguyễn Phúc Ánh lại thua bị truy đuổi phải bỏ chạy vào Tam Phụ (Định Tường), qua cửa Cần Giờ, về Sóc Trăng, xuống Kiên Giang rồi ra đảo Thổ Chu thuộc huyện Phú Quốc. Khi tới Kiên Giang thì quân Tây Sơn mất dấu Nguyễn Phúc Ánh.
Trước khi lui về Quy Nhơn, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cho hạ trại dưỡng quân trong một cánh rừng già. Để tránh rắn rít, thú dữ quân binh Tây Sơn dã nhanh chóng đắp nên một gò đất cao làm đồn binh, chung quanh đào hào đắp lũy khá kiên cố. Đó là đồn lũy đầu não của nghĩa quân Tây Sơn nhằm tiến hành việc bình định toàn miền Nam sau này đồng thời tiếp tục truy tìm dấu vết Nguyễn Phúc Ánh và đoàn tùy tùng.
Ngày nay đồn lũy trên gò đất đó không còn, nhưng nền vua vẫn còn đó, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt mặc cho nắng mưa xâm hại, nứt nẻ, rỗ chằng.
Lịch sử đã ghi chép về Nhà Tây Sơn là một triều đại quân chù được dựng nên từ những anh hùng áo vải cờ đào. Tuy chỉ tồn tại gần ¼ thế kỷ, nhưng trong lịch sử nước Nam công của nhà Tây Sơn rất lớn; dù công cuộc thống nhất đất nước không thành nhưng đã thành công trong việc mở mang bờ cõi sau hàng trăm năm đất nước bị chia cắt bởi cuộc phân tranh giữa hai thế lực Trịnh – Nguyễn. Để ghi nhớ công lao tiền nhân, dân chúng đã lập đền thờ các anh hùng dân tộc của triều đại này, một triều đại với những chiến công hiển hách chống ngoại xâm, bảo vệ sơn hà xã tắc đồng thời đưa ra nhiều kế hoạch cải cách kinh tế, văn hóa và quân sự.
Đoạn viết thêm
Truyện Nền Vua kể trên xảy ra trước thời kỳ mất nước. Còn người xưng “tôi” trong truyện này là võ sư Nguyễn Võ Côn, nay đã 80 tuổi, hiện sống cùng gia đình tại một tình nhỏ thuộc miền Nam nước Pháp. Năm ngoái, tôi, người viết cốt truyện này, cư trú ở Toronto, Canada nhận được thư của võ sư Côn mời qua Pháp thăm gia dình ông được ông cho xem hai báu vật thời Tây Sơn khởi nghĩa: một hộp mi-ca đựng miếng đất mẻ và một hộp mi-ca hình ống đựng lưỡi chủy thủ, như đã nói ở phần trên. Sau đò, bên cốc rượu nho tôi nghe ông Côn tâm tình với nhiều chuyện  bất ngờ đến thú vị.
Ông nói cha ông đặt tên ông là Côn vì ông sinh tại huyện An Lão, đầu nguồn dòng sông Côn, tình Bình Định. Thuở nhỏ đến lớn ông Côn vốn ưa thích phiêu luu mạo hiểm, thường chọn rừng sâu núi thẳm luyện võ công. Khi nhậm chức chưởng môn của dòng Nguyễn Võ ở Sài Gòn, vai mang trọng trách giữ gìn hai di vật đời Tây Sơn, võ sư Nguyễn Võ Côn đã có ý định khi có dịp sẽ đi Rạch Giá lên Tây Sơn tìm hiểu thêm về “nền vua”.
Vậy mà sau khi ông nội của võ sư Côn thất lộc mãi đến hai năm sau ông mới thưc hiện được chuyến đi thăm “nền vua” ở ấp Tây Sơn. Lúc bấy giờ không còn ai biết tung tích ông Châu Sía luu lạc về đâu. Ông Côn hỏi thăm di tích nền vua thì được càc bô lão địa phương chỉ dẫn ông đi sâu vào một cánh rừng ở phía Đông Nam.
Theo con đường mòn ông Côn băng rừng lội rạch đi mãi. Trưa trời đứng bóng, nắng vẫn không xuyên qua nổi những kẽ lá. Lúc quẹo cua tới gốc cây mù u định nghỉ chân bất ngờ ông Côn bị kẻ lạ từ trong bụi lao ra tập kích. Ông ngạc nhiên không hiểu tại sao hai tên du kích Việt cộng lại muồn giết mình, nhưng ông chợt hiẻu vì không muốn bị lộ hành tung, hai tên này đã dùng báng súng dánh thẳng vào mặt ông nhằm diệt khẩu. Là con nhà võ chân truyền võ sư Nguyễn Võ Côn bình tĩnh rùn người xuống tránh đòn ác hiểm đồng thời ông nhanh nhẹn nhích tới xòe hai bàn tay thép vỗ mạnh vào mạn sườn để hở của hai tên địch. Bị dính đòn cả hai tên tức thở buông súng ngã vật xuống đất ú ớ ôm mạng mỡ lăn lộn lộ vẻ đau đớn cùng cực. Ông Côn không muốn giết người, dù họ là Cộng phỉ, nên ông lặng lẽ lượm hai cây AK ném xuống rạch xong quầy quả trở về Sài Gòn ngay. Chuyện tìm nền vua đành phải để dịp khác.
Đang say sưa kẻ chuyện chợt nhìn thấy ánh mắt của bạn ông Côn biết ngay tôi muốn nói gí, ông tiếp luôn: “Ông bạn à! Võ học là một nghệ thuật siêu đẳng. Tôi học võ gia truyền để không bị thất truyền. Luyện võ cũng có cái lợi là để cường thân kiện thề và để phòng thân mỗi khi gặp bất trắc. Trong đời võ nghiệp tôi từng hạ nhiều đối thủ nhưng chưa bao giờ có ý dụng võ để hạ độc thủ. Năm xưa trong cánh rừng ở ấp Tây Sơn, Rạch Giá nếu muốn giết người bịt miệng tôi chỉ cần điểm vào tử huyệt cùa hai anh du kích là xong ngay. Nhưng họ cũng là con người có cha, có mẹ, có anh, có em; cho dù họ bị chủ nghĩa Cộng sản nhồi sọ dến mất cả lương tri, tôi vẫn sẵn sàng tha thứ cho họ, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vạn vật đồng nhất mà. Cho tới bây giờ, biết chắc hai anh du kích năm xưa sau cơn đau sẽ thoát nạn, nhưng thưa bạn, tôi vẫn còn áy náy về hành động tự vệ dù chính đáng cùa mình.
Võ sư Nguyễn Võ Côn còn cho biết dòng dõi gia đình ông xưa kia mang họ Võ theo phò Tây Sơn tam kiệt đổi thành họ Nguyễn nhưng vẫn lót chữ Võ để nhớ họ xưa của mình. Nhưng hào hứng nhất tôi còn được cháu nội của võ sư Nguyễn Võ Côn biểu diễn những đường quyền Bình Định vô cùng dũng mãnh và đẹp mắt, không hổ danh “con gái Bình Định múa roi đi quyền”.
Lúc từ biệt tôi được ông Côn tặng cặp rượu nho do chính tay ông cất. Có nhãn hiệu in ấn đàng hoàng, đề: “Tửu Võ”. Ý nói rượu của nhà Nguyễn Võ, ông Côn nói vậy. Về nhà một tuần sau tôi mới khui rượu uống và viết ra truyện ngắn này.

Phan Ni Tấn