16 August 2018

NGƯỜI ĐÀN BÀ CÓ ĐÔI MẮT MẦU XANH DA TRỜI - Tưởng Như Hạ


Mắt em là bể oan cừu
Thuyền anh chết hụt trong mầu mắt em. 
Như đã hẹn từ tối thứ ba, chúng tôi gặp nhau tại tiệm Tầu “tha hồ ăn” gần trường học. Ba người đàn bà, không nói cùng tiếng mẹ đẻ, quen nhau trong lớp học tiếng Tây Ban Nha buổi tối. Đầu khóa chưa quen biết nhiều nên chỉ có hai người Á châu là tôi và cô Tầu hay lào xào, bây giờ Annie nhập cuộc có phần vui nhộn hơn, vì Annie thích rủ chúng tôi đi ăn chung. Bà luôn luôn ăn mặc lịch sự mỗi khi đi học tối. Chỉ có hai người độc thân trên giấy tờ, còn cô Tầu được độc thân “tạm thời” mười tháng mỗi năm.

Annie từ chiếc xe sport Lexus tím thẫm bước ra, người cao lớn, cân đối, quần jean và áo thun cao cổ mầu xanh nhạt, bên ngoài khoác áo da đen. Đôi mắt to xanh của Annie hôm nay lại xanh thêm như bầu trời vì mầu áo xanh hắt lên thật đẹp, rất hợp với mầu tóc vàng nhạt hơi dợn sóng rung nhẹ vì gió. Cô Rose người Hoa, tóc tém có những vệt hightlight mầu tím, đỏ sẫm, bộ ngực khá đồ sộ, với phần mông lại hơi lép so với độ cong phía trước, mũi sửa thẳng nhọn trên khuôn mặt gần như xương xẩu vì dáng người gầy thon nhỏ. Rose mặc quần capri lơ lửng có những đóa hoa to vui mắt và áo thun mầu chanh xanh tươi cổ khá rộng và trễ xuống gần khe ngực.
Sau lễ bộ chào hỏi và hug kiểu Mỹ, bọn tôi líu lo bắt đầu bước vào tiệm. Annie gọi nước lọc có một lát chanh, Rose uống Coke, tôi chọn nước trà. Tuy đi chung vài lần nhưng chưa lần nào chúng tôi tò mò về chi tiết cá nhân của người khác. Lần này Rose khai mào trước:
- Tôi có vấn đề này, mấy bà nghĩ sao rồi cho ý kiến nhé. Tôi ở đây gần bảy năm vì sợ hai con trai sẽ phải đi lính ở Taiwan. Chồng tôi thích ở lại vì ông ta làm nha sĩ ở đó và không muốn phải đi học lại ở Mỹ, tôi nghe tin anh ta có lẹo tẹo với cô phụ tá đã lâu. Bây giờ tôi nên bỏ hắn hay không?
Bà Mỹ Annie trả lời không chần chừ:
- Theo tôi thì nên bỏ ngay, chia gia tài, lấy tiền cấp dưỡng cho con, và tìm người khác ở bên đây.
Annie không biết rằng chồng của cô Tầu đã mua nhà ở vùng Westlake gần một triệu bạc cho ba mẹ con của cô Tầu và mỗi tháng đều gửi tiền cho hai con trai của ông. Đến phiên tôi cho ý kiến, dựa trên sự tình cảm và luật pháp:
- Đối với tôi thì Rose nên nghĩ lại về vấn đề tình cảm của mình trước. Cô còn thương tía tụi nhỏ hay chỉ cần tiền nhà và tiền cấp dưỡng mà thôi. Vả lại cô nên hỏi cho chắc chắn, luật ở Taiwan có áp dụng cho cô đang là công dân Mỹ hay luật ly dị ở Mỹ có áp dụng cho chồng cô ở Taiwan hay không. Chỉ cần mở hồ sơ là cô đã mất tiền rồi dầu chưa biết kết quả ra sao.
Rose nghe xong câu này, cô mừng rỡ phát biểu: 
- Cám ơn hai bà, tôi giải quyết được vấn đề rồi, cũng vì tôi đi làm gặp James. Dĩ nhiên vì “xa mặt cách lòng” với anh chồng ở Taiwan, và tụi nhỏ còn đang học trung học. James rất cởi mở và thương tôi hết lòng, anh ta đã ly dị và có hai con gái lớn đã lập gia đình. Tôi tính nếu tôi ly dị xong sẽ cho thuê nhà rồi dọn về ở với James.
Annie hỏi ngay cô Tầu:
- Như vậy, nếu Rose cho thuê hay bán nhà, sẽ có lợi cho Rose nhưng có chắc là sẽ hạnh phúc với James không? Khi hai con của Rose đến thăm mẹ và gia đình hai con gái của James đến thăm bố hoặc ở chung có bất tiện hay không?
Mục này hơi rắc rối vì đương sự đang thấy đời mầu hồng, chưa kịp nghĩ đến nên không có câu trả lời. Hai bà ngoại quốc nhìn tôi và hỏi:
- Này, đến phiên con Kim khai báo đời tư, gia phả đi chứ.
Tôi cười đùa trả lời:
- Tôi chỉ có tương lai phải lo kiếm việc làm, vì dĩ vãng đã quên mất sau lần vượt biên. Hiện thời phải tập ăn chay vì quá mập chứ không phải muốn vào chùa. Có ai đói không vậy? Cả bọn quay ra chọn thức ăn.
Người ta nói “you are what you eat” chẳng hiểu vì nghĩa bóng hay nghĩa đen! Annie chọn đủ loại sushi, Rose ăn tôm cua, tôi lấy đậu hũ mềm hầm với đậu đen và món cải xanh xào dầu hào. Nhìn cô Tầu bẻ từng càng cua chúa (King crab) vừa ăn, vừa nói ngồm ngoàm thật ngon lành. Bà Mỹ Annie gảnh gót nhón từng miếng sushi, vài lát gừng và một chút mù-tạc cay mầu xanh lá cây, vừa tập vài danh từ Mễ đã học trong lớp vừa liếc xem cái anh chàng Spanish đến ăn trưa gần đó có nghe thấy không! Cách này thật hiệu quả và tài tình vì chàng ta đã quay sang hablar (nói tiếng Mễ) ngay tức khắc. Cô Tầu Rose không cần làm chuyện đó vì nó đang có anh chàng James, người Mỹ. Tôi không rành cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Mễ, ưu tiên cho Việt Nam nên không phải lo sợ nghe gà hóa cáo hay phải xử dụng sign-language mỗi ngày, mặc dầu vẫn còn “ngồi bên song cửa gửi thư...” gần hết cả mùa xuân mà chưa nhận được email đáp ứng nào vì nơi tôi ở rất ít Việt Nam. Chỉ có vài người già còn “độc thân” đang phải ở chung với gia đình của con cái...
Đi ăn lần này, bà Annie xem chừng có vẻ thân thiện hơn, bà nói:
- Kim, cô giải thích cho tôi tại sao những đứa trẻ lại cần ra khỏi Việt Nam vào năm 75 vậy?
Tôi không hiểu bà ta muốn nói hay ám chỉ điều gì. Tôi nói:
- Trẻ con cần được sống gần cha mẹ. Bà nghĩ sao về nếu bà phải xếp hàng cả ngày để chờ mua thực phẩm cho gia đình. Bà sẽ không còn tự do ngôn luận, hay tín ngưỡng; ngay cả mỗi sáng sớm bà phải nghe loa phóng thanh ồn ào đọc tin tức, đánh thức bà dậy. Mỗi tối bà phải họp tổ, cho ý kiến để hoan hô chính sách nhà nước mà bà phải học thuộc lòng. Bà sẽ không được chưng diện vì gây chú ý càng nhiều bà càng có vấn đề.
Nghe đến khoản này thì Annie chịu thua:

- Tôi không ở được với cộng sản đâu. Một tuần mà không đi chải tóc làm móng tay, ra đường không phấn son thì không phải là tôi rồi. Nhưng tôi có một lý do khác đã làm tôi ghét cộng sản chiếm miền Nam năm 75.
Bà uống một ngụm nước lạnh có lát chanh tươi. Đôi mắt to tuyệt đẹp mầu xanh da trời, với hàng mi cong chải mascara cẩn thận, chớp nhẹ vài cái rồi cúi xuống im lặng một chút như hồi tưởng lại dĩ vãng... Annie bắt đầu chậm rãi kể:
- Những tháng cuối của Việt Nam trước khi rơi vào tay Cộng Sản tôi đều thấy và nghe bình luận trên truyền hình. Tôi đã từng nuôi hai đứa trẻ Việt Nam tại nhà sau khi Cộng Sản nắm quyền ở Việt Nam. Gia đình của hai đứa trẻ này có cả thẩy mười một người. Đứa con trai nhỏ lúc đó khoảng mười tuổi, nó hay ngồi trong nhà im lặng, nhìn ra biển hàng giờ thật lâu. Tôi tự hỏi nhiều lần, nó đang nghĩ gì trong đầu mà trông nó thật buồn bã, cô đơn. Đứa con gái em nó cũng ít nói vì chúng chỉ biết bập bẹ vài tiếng Mỹ. Chồng tôi chính là người bảo lãnh cho gia đình đông đúc này. Trong lúc chờ tìm một căn nhà cho họ thì tôi chỉ thuê tạm được hai chỗ ở hai nơi khác nhau, tổng cộng bốn phòng ngủ cho mười một người nên tôi phải mang hai đứa trẻ này về nuôi.
Chồng tôi cũ của tôi là kỹ sư dân sự, nhưng thật ra là nhân viên cao cấp trong chính phủ Mỹ. Ông ta thường xuyên bay về Saigon trong những năm cuối của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi chẳng bao giờ hỏi chi tiết về công việc ông ta ra sao, vì ông lớn hơn tôi nhiều tuổi. Đời sống của tôi thật sung túc, hạnh phúc không thiếu thốn điều gì. Căn nhà của vợ chồng tôi có trồng hoa thật đẹp, và nhiều cửa kính rất lớn hướng ra biển...
 Annie chợt ngừng lại ăn thêm thức ăn, rồi tươi cười nói:
- Tuy họ ít ngữ vựng tiếng Anh nhưng họ ra dấu và hay biếu tôi những món ăn đặc biệt nên nhờ đó tôi cũng biết khá nhiều thức ăn Việt Nam.
Cái nhìn của bà lại chợt thành xa xăm; Annie tiếp tục:
-          Tôi hoàn toàn thấy sự chăm sóc, giúp đỡ của chúng tôi đối với gia đình họ là chuyện nên làm cho đến một ngày kia chồng tôi nói với tôi là ông ta muốn ly dị để cưới cô con gái lớn của gia đình này. Cô ta lúc đó khoảng 22 tuổi, đã có một đứa con gái nhỏ, không nghe họ nói gì về cha đứa bé. Tôi chỉ nghe họ nói cô đã từng vào vòng chung kết trong cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam trước đó.
Khuôn mặt Annie thật buồn, đôi mắt xanh blue bắt đầu đỏ hoe, hình như đang rớm nước mắt...
Bà Annie nói không hề thấy có dấu hiệu gì về sự liên hệ giữa hai người. Ngay cả bắt đầu quen nhau từ Việt Nam hay mới hẹn hò ở Mỹ bà cũng không rõ vì chồng của bà ít nói về gia đình Việt Nam này trừ khi cần thiết. Bà nói cô Việt Nam kia cũng không làm gì điều gì để cho bà nghi ngờ. Bà thật đau lòng vì bà nghĩ người Á Đông hiểu đạo đức và biết tôn trọng người khác, nhưng không ngờ tình đời đen bạc. Nói đến đoạn này thì khuôn mặt bà Mỹ tỏ vẻ giận và không vui. Cô Tầu Rose nhìn tôi ái ngại, tôi chột dạ nghĩ là bà chắc cũng giận lây vì tôi là người Việt Nam... Annie cho biết:
- Lúc đó vì tôi còn trẻ, không có kinh nghiệm đời nên tôi rất khổ tâm, chính vì không ngờ chuyện “nuôi ong tay áo” xẩy ra dễ dàng như vậy. Tôi nghĩ là cô Việt Nam kia chẳng thương gì ông chồng của tôi, tại vì tôi là người Mỹ nhưng tôi ở nhà để chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho chồng con của tôi. Thời đại đó không mấy người đàn bà cần ra ngoài đi làm nhất là khi có một chồng giầu sang. Năm 75, ông ta đã gần 50 tuổi nên cô gái Việt 22 tuổi đó chỉ lợi dụng mà thôi. Mấy cô biết tại sao không, vì sau đám cưới ít lâu, cô ta đòi sang một nhà hàng ở Hollywood. Rồi tôi nghe ông chồng cũ mắc phải bệnh chơi bời, dĩ nhiên không phải do tôi mà ra. Những năm kế tiếp tôi không biết tin gì của họ, nhưng sau đó có người bạn gái cho biết cô ta đã bỏ ông chồng cũ của tôi rồi, để lấy một người khác.
Cô Tầu thấy chi tiết gay cấn, hứng thú hỏi tiếp:
-          Thế bà có biết cô ta lấy Việt hay Mỹ không? Và có thể là ông chồng cũ của cô ta chăng.
Bà Annie trả lời bà cũng không hỏi thêm chi tiết để làm gì. Bà chỉ nói là chính Chúa đã làm cho kẻ phụ bạc bà biết sự đau khổ khi bị bỏ rơi ra sao...
Cô Tầu Rose hăng hái phát biểu cảm tưởng:
- Bà Annie, tôi thấy ngoài đôi mắt mầu xanh thật đẹp như bầu trời, bà lại được cả vóc dáng cân đối và sự giầu có nữa, trông bà chỉ gần 50 mà thôi. Bà cũng đừng nên buồn vì ông chồng cũ nữa nhé vì chắc chắn có nhiều người rất thích làm quen bà, vì bà nói chuyện vui vẻ và duyên dáng.
Annie cười tươi vì nghe Rose khen, bà nói:
- Lúc tôi còn nhỏ, tôi như con búp bê tóc xoăn vàng luôn bị người ta nựng và bẹo má. Mắt tôi có khi đổi mầu tùy theo áo và tùy ánh sáng. Khi ai khen tôi xinh đẹp thì mẹ tôi chỉ ngay vào chị tôi và nói liền “Con bé kia tuy xinh xắn nhưng con bé này khôn ngoan hơn.” Bây giờ chị tôi đã chết vì cancer, anh tôi cũng qua đời vì tim. Tiền hưu dự trữ tôi có đầy đủ, tôi cũng đã gặp những người trẻ hơn tôi rất nhiều nhưng chỉ là qua đường trong một thời gian ngắn vì tôi không thích đàn ông ăn bám vào tôi và không biết tự trọng.
Cô Tầu láu táu ngắt lời:
- Tôi không nghĩ bà có thể tìm dễ dàng một người đàn ông nào ở tuổi của bà, lại có xe sport mui trần như bà. Vì tôi đọc báo thấy đa số đàn ông có địa vị, giầu sang ở Trung Hoa đang tìm cách bỏ vợ cũ, rồi lấy các cô gái trẻ để cho họ được cái cảm tưởng trẻ trung, vẫn còn hấp lực với phái nữ. Có người cặp với những cô gái nhỏ tuổi hơn con cháu của họ nữa. Người Á Đông có những truyền thống về đạo đức, luân thường đạo lý mà bây giờ còn lột xác mau chóng, thay đổi nhân sinh quan như vậy thì làm gì người Mỹ có thể khác được vì họ đã chế được Viagra rồi. Hình như cả người Việt Nam cũng đang có cùng vấn đề như vậy phải không Kim, chúng ta có thể gọi đó là tệ nạn của thời đại hay không?
Tôi nghe xong không biết cho nói thế nào, tôi chỉ biết an ủi bà Annie :
- Bà Annie ơi, bà may mắn hơn tôi rất nhiều vì bà không phải học thêm tiếng Anh, bà có đầy đủ vật chất, ngoài cô con gái, bà lại có con chó nhỏ làm bạn để nói chuyện hàng ngày, bà có xe sport làm người ta phải trầm trồ ngoái cổ lại, bà có nhà riêng không phải mướn phòng ở trọ. Ông chồng cũ của bà bây giờ có lẽ cũng đã tám mươi tuổi rồi và cô Việt Nam kia cũng đã có bỏ ông ta từ lâu, nhớ hoài đến chuyện cũ sẽ chỉ làm bà đau khổ.
Bà Annie nhoẻn miệng cười thật tươi, duyên dáng cắn một trái dâu đỏ thắm:
- Hai cô thật tốt bụng, đã nghe và an ủi giúp tôi lên tinh thần nhưng các cô hiểu lầm rồi vì sau khi ly dị ông chồng cũ tôi đã lấy một người khác, dĩ nhiên là Mỹ, cũng khá giả. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp và hạnh phúc, đứa con gái là con của ông chồng thứ hai, không phải con của ông thứ nhất. Tôi vừa ly dị ông chồng thứ hai, cách đây bốn năm vì ông ta muốn lấy một cô người Thái. Khi quen biết các ông già (người Mỹ) trên 60, 70 tuổi tôi cũng phải để ý vì vấn đề sức khỏe, dễ ốm đau. Khi dùng nhiều thuốc để trợ tim, thuốc cao mỡ, hay tiểu đường là những bệnh thông thường của tuổi già thì trên tóc hay da người sẽ dễ có mùi. Thế nhưng nhiều người già lại ít tắm rửa vì sợ lạnh, có khi quên tắm vì tưởng mình đã tắm rồi. Chưa kể đến chuyện ông nào trải qua một hai cái ly dị thì nghèo mạt rệp, xe không có, nói chi đến nhà. Tôi lại từng là chủ thẩm mỹ viện thì sự vệ sinh, và chăm sóc bề ngoài cho đẹp đẽ của một người đối với tôi rất quan trọng. Tôi có một căn nhà và một con chó rất xinh xắn, con gái tôi đã lập gia đình năm ngoái. Bây giờ tôi vừa bán tiệm về hưu, chỉ cần tìm một người bạn đường điều kiện đầu tiên phải sạch sẽ, không có mùi hôi, thích nhẩy đầm; phải biết nói chuyện vui đùa, khi đi chơi chung; tôi thích nhất đi cruise, nếu mà hắn muốn ngủ chung giường với tôi thì hắn phải bao tất cả, nếu tôi yêu thương hắn tôi sẽ trả giúp phần của tôi. Nhưng đàn ông lịch sự và sạch sẽ thì đang có vợ chăm lo. Một số khác phải lo thuốc men vì bệnh tật hay đang ở nhà già rồi, nên cho đến bây giờ tôi cũng chưa tìm được ai như ý muốn... mấy ông bạn Mỹ già tôi quen biết, đang tìm vợ Á Đông trẻ vì họ hy vọng sẽ có người cơm nước, chăm sóc cho họ lúc ốm đau, nhưng tôi nghĩ là các cô vợ trẻ chỉ thích tiền và cần đi Mỹ mà thôi, nên họ cũng không thắc mắc tuổi tác vì càng già, thì càng mau về nước Chúa.
Cô Tầu Rose liếc nhìn tôi, giấu mặt cười mím chi, thì ra, đi ăn chung một ngày mà tôi học được cả rổ khôn. Người đàn bà ngoại quốc có những điều hay, thực tế để chúng tôi học hỏi thêm về đời sống trên xứ người.  Có lẽ bà Annie chưa có câu trả lời tại sao hai người đàn ông trước của bà đã từng say đắm trước sắc đẹp quyến rũ, thân hình cân đối, mái tóc óng ánh như những sợi tơ vàng, cách nói chuyện dí dỏm nhất là đôi mắt xanh mầu da trời thật thu hút của bà mà lại bỏ đi theo những người đàn bà Á Đông khác... tại vì lòng tốt, vì tình, vì thích của lạ mới mẻ hơn, hay vì nhiều loại thuốc “hưng phấn” giúp cho sinh lý đang tràn lan trên thị trường?
Tại Việt Nam có bán rất nhiều vỉ thuốc “hưng phấn” giả của Trung quốc gây ra những cảnh cười ra nước mắt, phải đi nhà thương. Lý do khác nhau: lên cả ngày không chịu xuống vì người dùng quá vội vàng không kịp đọc kỹ, nên uống gấp đôi liều lượng để có ép-phê tức thì và lâu dài hoặc uống thuốc xong cả giờ mà đến hẹn lại “không lên” gì cả...
Tôi thông cảm khi biết bà Annie cũng từng đau khổ vì nhớ ngày 30 tháng 4 dù không cùng nguyên nhân như đa số người Việt Nam. Điều làm tôi thấy nhẹ nhõm là bà không hề giận lây vì tôi cũng là người Việt như tình địch cũ của bà. Chúng tôi lại hẹn gặp nhau trong lớp học tiếng Tây Ban Nha tối thứ ba và rủ nhau tiếp tục đi ăn chung lần tới.

Tưởng Như Hạ