Trong buổi họp báo khi nhậm chức “Chủ tịch quốc hội” ngày 23/7/2016, bà
Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật
to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ
chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó
làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…”
Làm gì cho đất nước là một câu nói quen thuộc được biết là của cố Tổng Thống
John F. Kennedy: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm
gì cho tổ quốc” (Ask not what your country can do for you, ask what you
can do for your country).
Tuy nhiên, theo Chris Matthews trong tác phẩm Jack Kennedy: Elusive Hero,
nhóm chữ “đừng hỏi” thật ra phát xuất từ những lời cảnh cáo của ông George St
John, hiệu trưởng trường trung học Choate ở Connecticut thường dùng để căn dặn
học sinh và nhập tâm vào cậu học trò Kennedy. Nhưng ông hiệu trưởng George St
John cũng không phải là người đầu tiên nói câu nói đó mà chính Tổng thống thứ
29 của Mỹ Warren G. Harding trong diễn văn trước đại hội đảng Cộng Hòa 1916 đã
nói một câu tương tự như câu của Tổng thống Kennedy.
Dù ai nói, vấn đề là làm gì cho tổ quốc, cho đất nước.
Vâng nhưng trong trường hợp Việt Nam, trước hết là tổ quốc nào, là đất nước
nào?
Cho đến nay, đối với đa số các em đang ngồi trong trường học tại Việt Nam,
Việt Nam mà các em được dạy là “xứ sở của anh hùng, độc lập, tự do, hạnh phúc,
một đất nước, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam, đã liên tục đánh gục
ba tên đế quốc đầu sỏ Pháp, Nhật và Mỹ”.
Ý thức của các em là bản sao của một bài hát tuyên truyền được lặp đi lặp
lại suốt hơn bốn chục năm qua, nhiều đến nỗi thấm vào trong các em thành một
tính bẩm sinh.
Nền giáo dục nhồi sọ Cộng Sản có khả năng đầu độc và làm thay đổi toàn bộ ý
thức của con người về lịch sử, nhân sinh và vũ trụ.
Việt Nam có trên 600 tờ báo nhưng báo chí Việt Nam chỉ được phép khai thác
những ham muốn vật chất, những thú vui sa đọa, trụy lạc thay vì cổ võ cho các
giá trị cao đẹp của quyền sống, quyền tự do dân chủ của con người.
Ý thức của các em khi sinh ra giống như một tờ giấy trắng, đảng Cộng Sản vẽ
lên đó hình gì, sẽ hiện lên hình đó, chế độ độc tài sơn lên màu gì, sẽ hiện ra
màu đó.
Một dòng sông không chảy không còn là sông nữa mà chỉ là một ao tù.
Thực trạng Việt Nam đặt ra cho những ai còn nghĩ đến tương lai dân tộc những
trách nhiệm lương tâm và đạo đức.
Đừng trách dòng sông sao không chảy mà hãy kiên nhẫn phân tích cho các em
thấy đất nước mà các em sống bị cai trị bởi một nhóm người già nua, cực đoan,
bảo thủ bám vào chiếc ghế quyền lực ngay cả khi biết mình đang chờ chết.
Đừng trách dòng sông không chảy mà hãy chứng minh cho các em thấy Việt Nam
mà các em biết là một trong năm nước trên thế giới vẫn tiếp tục bám vào chủ
nghĩa Cộng Sản, một ý thức hệ một thời bành trướng nhờ chiến tranh, đấu tố, ám
sát, đang lùi xa vào quá khứ.
Đừng trách dòng sông không chảy mà hãy chỉ ra cho các em thấy Việt Nam mà
các em biết là quốc gia có 100 ngàn phụ nữ chỉ vì chén cơm manh áo mà phải bán
thân lưu lạc xứ người, bị đánh đập, xô đuổi, ném ra đường phố như những nô lệ
tình dục thời Trung Cổ.
Đừng trách dòng sông không chảy hãy phân tích cho các em biết Việt Nam là
quốc gia có 50 triệu thanh niên nhưng đa số không còn sức sống, không có hoài
bão cho tương lai của đời mình và cho đất nước mình.
Thay vì trách dòng sông không chảy, hãy chung tay dời tảng đá CS độc tài,
lạc hậu ra khỏi lòng sông. Các thế hệ cha chú nếu không vượt qua được những
hiện tượng tiêu cực rẽ chia, phân hóa nhiều khi rất nhỏ và tập trung sức mạnh tổng
hợp của dân tộc để tháo gỡ cơ chế chính trị, kinh tế và văn hóa độc quyền cộng
sản thì lời trách cứ kia chẳng qua là tự trách mình.
Thay vì so sánh các em, các cháu sinh dưới chế độ CS với tuổi trẻ Nhật, Mỹ,
Nam Hàn, Hong Kong v.v.. hãy làm tất cả những gì làm được để tuổi trẻ thấy rằng
Việt Nam là một dân tộc đáng yêu nhưng cũng là đất nước đang cần một cuộc thay
đổi toàn diện để hy vọng có thể hội nhập vào dòng tiến hóa của loài người.
May mắn thay, trong các thế hệ sinh ra sau 1975, một số nhờ nhiều các yếu tố
tôn giáo, gia đình và nội lực bản thân, đã thoát ra khỏi được nhà tù bao bọc
bằng bốn bức tường dày của tuyên truyền CS và dấn thân cho lý tưởng cao cả phục
hưng dân tộc. Họ vẫn còn khá ít nhưng là biểu tượng của tương lai.
Các em, dù đang ở trong tù hay ngoài tù cũng đều đang đấu tranh và tiếp tục
đấu tranh theo nhiều cách khác nhau.
Cùng nhau xuống đường, nhưng nếu điều kiện chưa cho phép hãy gởi cho nhau
những bài hay, chuyền cho nhau những tin tức mới, giúp đỡ nhau khi công an trấn
áp, nương tựa nhau khi gặp khó khăn v.v.. Tất cả đều cần thiết.
Sự chuyển động của núi rừng bắt đầu từ từng chiếc lá, và nếu cùng cất lên
theo cùng một nhịp sẽ trở thành một khải hoàn ca.
Trần Trung Đạo