25 September 2018

ĐÊM ĐÔNG LẠNH LẼO - Thu Phong



Để nhớ nhà thờ Dran
dinhcuong

Ngày 25 tháng 11 năm 19xx.
Bố ơi,

Nô-en năm nay bố nhớ về nha bố. Con ghiền giọng nói của bố ghê đi. Bố về dẫn mẹ và con đi lễ, nha bố. Đã một năm rồi mà con vẫn còn nhớ hơi ấm của tay bố một bên, tay mẹ một bên. Rồi mình về nhà và ăn rề-vây-dong. Rồi con đi ngủ để chờ Ông già Nô-en tới. Chỉ nghĩ đến thôi, con đã muốn điên lên được. Bố ơi, bài làm của con được cô giáo khen, con đi ngủ đúng giờ, luôn nghe lời mẹ và bà. Vậy con có thể xin Ông già Nô-en một con búp bê biết nhắm mắt mở mắt không hở bố? Nếu bố có gặp Ông già Nô-en thì bố nói giúp con nhé. Thôi, con buồn ngủ quá rồi, con xin tạm biệt bố. Chúc bố nhiều sức khoẻ, bình an. Con cầu nguyện chiến tranh mau chấm dứt để bố về ở luôn với con, với mẹ, với bà.
Tái bút: Bố ơi, cô nói ông già Nô-en không bao giờ chết, phải không bố? Cô nói như vậy để trả lời cho câu hỏi của một đứa bạn con. Nó thật ngu ngốc phải không bố?

Ngày 15 tháng 12 năm 19xx
Con yêu của bố,
Bố rất vui khi nhận được thư con. Và hài lòng vì con học giỏi, ngoan. Bố yên tâm được biết cả nhà mạnh khoẻ. Bố đã nhắn với Ông già Nô-en cho con một con búp bê biết nhắm mắt mở mắt. Bố sẽ cố gắng hết sức để về dự lễ Giáng-sinh như mọi năm. À, cô con nói đúng đấy.

Hôn con.
Bố.

Thị trấn không lớn, cũng không nhỏ. Đất thị trấn bị cắt ngang, cắt dọc, bởi ruộng lúa, nương rẫy, bởi những hương lộ trải nhựa loang lổ, cỏ mọc cả trên mặt lộ. Nhà xa xôi rải rác, nấp sau cây cối, lộ ra mái ngói màu đất nung hoặc tôn lấp lánh trong nắng và xám xịt trong mưa. Nhà trung tâm thị trấn san sát, nằm hai bên quốc lộ, thường bằng gạch. Nhưng cũng có nhà bằng cây ván, mái ngói âm dương, cũ mới xen lẫn. Đó là cửa hàng, tiệm thuốc tây, quán sách, hiệu cắt tóc, bưu điện… Sâu vào trong là trường học, bệnh viện. Sâu hơn nữa, nhà thờ nằm trên vùng gò, nóc vươn cao, đỉnh thập tự thường có bầy chim én chao lượn. Khung cảnh yên bình, ngoại trừ lâu lâu một đoàn xe nhà binh chạy qua thị trấn khiến các xe lôi phải áp sát vào lề. Khi ấy, dân thị trấn ngước nhìn gương mặt đen sạm mệt mỏi của lính với ánh mắt thản nhiên. Họ đã quen. Họ cũng mệt mỏi vì cuộc chiến dai dẳng. Đôi khi vọng về tiếng đại bác rền rền, xa xăm không rõ từ phương nào. Thỉnh thoảng, trong đêm mịt mùng xuất hiện ánh hoả châu tựa mắt những con quái vật khổng lồ toả khói trắng.
Cuối thị trấn, ven quốc lộ, ngôi nhà ấy được xây gạch, mái ngói, xinh xắn, khang trang. Nơi mảnh sân hẹp trước nhà có một giàn mướp. Cổng rào dầy kín hoa giấy đỏ. Lối vào nhà trải sỏi trắng, lạo xạo dưới mỗi bước chân ra vào. Đêm xanh, thật xanh, những vì sao vời vợi nhấp nháy. Từ khung kính cửa sổ, sáu cây đèn cầy giả, với những bóng điện làm thành một đỉnh tam giác, đang toả ra những tia sáng ấm cúng. Trong phòng khách, lốc lịch trên tường đã vơi nhiều, tờ lịch ghi ngày hai mươi bốn tháng mười hai. Ở đầu tủ, chiếc máy thu-phát-thanh vang ra một bản thánh ca: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa… ” Âm thanh thánh thót tựa tiếng hát các thiên thần, từng hồi chuông rộn ràng pha trộn, gợi hình ảnh những người chăn chiên, trong giá rét, tiến về hướng một ngôi sao lớn đang toả ánh huyền dịu xuống lều tranh, máng cỏ. Trong nhà, ba người phụ nữ: bà lão, thiếu phụ, cô bé, đều đang ở phòng khách. Không ai tỏ vẻ lắng nghe bài hát. Họ bồn chồn, cùng chờ đợi một người. Bà lão, tuổi ngoài bảy mươi, gầy, mặc áo len màu đen, đầu quấn khăn, mắt hằn vết chân chim, mang kính trắng, ngồi đan trên chiếc ghế mây, tay cầm que hờ hững, nhìn ra sân. Thiếu phụ chừng hai mươi sáu tuổi, đẹp, săn chắc, nhưng hốc hác. Nàng mặc áo len xám, cổ quàng khăn, đứng nơi cửa nhìn ra đường. Sát bên nàng, chừng tám tuổi, xinh xắn tựa một thiên thần nhỏ, cô bé mặc áo len đỏ, đầu đội mũ len. Cô bé ngước nhìn đồng hồ rồi nhìn thiếu phụ, nói: Mẹ ơi chín giờ bốn mươi phút rồi mẹ. Có vẻ như ba người đang chờ đến thời khắc ấy. Ờ, năm rồi bố về đúng giờ này, thiếu phụ nói. Hạ đôi tay xuống, bà lão tiếp lời: Và vẫn còn kịp dẫn hai mẹ con đi lễ. Bà lão thở dài. Chợt bà ngẩng đầu lắng nghe, rồi nói: Con coi có phải có tiếng xe ngoài đường không? Cả thiếu phụ lẫn cô bé đều không nghe. Tuy vậy, cô bé nghiêng đầu: Con ra xem, mẹ nhé! Không đợi thiếu phụ phản ứng, cô bé buông tay nàng, đẩy cửa kính, chạy ra sân. Thiếu phụ bước theo.
Hai mẹ con đứng ở cổng rào. Đoạn đường trước nhà im, vắng, tối. Phía trung tâm thị trấn lấp loé ánh đèn di chuyển. Nhưng không có chiếc xe nào chạy về hướng họ. Hai mẹ con đứng đấy không biết trong bao lâu. Chợt một ngọn gió lạ thổi tới. Giá buốt chạy dọc sống lưng, thiếu phụ rùng mình. Nàng dẫn con quay vào nhà. Thôi con đưa cháu đi lễ trước đi, nó về mẹ bảo nó đi sau, bà lão nói. Dắt xe đạp ra cổng, thiếu phụ cài lại cúc áo, cột lại mũ cho cô bé, đỡ nó lên xe. Quay lại phía sau, nàng nói: Thưa mẹ, con đi. Thưa bà nội, con đi, cô bé tiếp lời mẹ. Nhìn theo một lúc, bà lão vào trong, đến bàn thờ Chúa, chắp tay, quỳ xuống.
Thiếu phụ đạp xe đi. Đèn xe, khi mờ, khi tỏ quét qua lại trong đêm. Nàng chở con gái ngang qua đồng lúa, nghĩa địa, tối tăm, lạnh lẽo, lập loè đom đóm, văng vẳng tiếng côn trùng lẫn trong gió. Thảng hoặc, họ gặp một vài người đi đường. Thiếu phụ bảo: Con chú ý xem có gặp bố không. Và đạp hối hả, mong mau đến. Cô bé ôm chặt lấy mẹ. Con có lạnh không? Dạ hơi hơi lạnh. Con nhìn trời xem có thấy ngôi sao lớn nhất kia không? Dạ có, mẹ ơi có phải ngôi sao đã chỉ đường cho ba vua đến hang Bê-Lem nơi Chúa hài đồng được sinh ra phải không mẹ? Ờ, và nó vẫn toả sáng soi đường cho chúng ta. Họ nói chuyện không dứt, vì lạnh, vì sợ. Vào thị trấn, thiếu phụ vòng qua bến xe. Một người sống nơi bến xe chỉ vào hàng xe khách đang nằm im lìm, cho hai mẹ con biết chuyến xe cuối về bến đã lâu.
Từ nhà thờ ra, họ không xem hang đá, họ muốn đi nhanh về nhà. Thiếu phụ hỏi cô bé cầu nguyện gì với Chúa. Cô bé đáp nhanh: Con cầu xin bố về và xin Ông già Nô-en cho con con búp bê biết nhắm mắt, mở mắt. Thiếu phụ lại đạp nhanh, lần này, vì hy vọng. Bà lão chờ họ ở cổng, dường như từ bao giờ. Chạy vào nhà, rảo mắt tìm kiếm, cô bé hỏi: Bố về chưa nội? Bà lão nhìn hai mẹ con buồn bã, khẽ lắc đầu. Trong nhà, bà ôm cháu, nói: Ôi sao tay chân cháu lạnh ngắt thế này. Rồi bà lão xoa xoa tay cô bé hỏi: Con có sợ không? Cô bé trả lời: Dạ hơi hơi sợ. Rồi nói tiếp: Nếu có bố thì con không sợ gì cả. Cô bé kéo mẹ đến bên cây thông Giáng Sinh giữa phòng nói: Mẹ ơi nội mang cây thông ra nè mẹ. Bà lão nói: Bà đang trang hoàng nó. Thiếu phụ và cô bé giúp bà sửa lại những nhánh thông xộc xệch, treo trên đó những sợi dây màu lấp lánh, mẫu hình cái chuông, con cừu, ngôi sao, chiếc kèn, ngôi nhà… Mẹ ơi, có một cành thông bị gẫy nè, mẹ. Cô bé gần như la lên, giọng trong trẻo. Thiếu phụ nói: Nếu bố về, bố đã… Bà lão nhìn thiếu phụ, đưa một ngón tay lên miệng. Thiếu phụ kịp ngưng câu nói. Thấy cô bé đưa tay che miệng ngáp, thiếu phụ nói: Con buồn ngủ rồi đấy, hãy đi ngủ đi, con. Cô bé ngừng tay: Dạ vâng. Thiếu phụ dẫn cô bé vào phòng ngủ. Ở cửa phòng, cô bé bỗng đứng lại, ngước nhìn mẹ, nói: Bố về mẹ đánh thức con dậy nhé! Thiếu phụ nói: Ờ, mẹ sẽ đánh thức con dậy. Mẹ ơi, Ông già Nô-en sẽ đến chứ, cô bé hỏi. Bối rối, thiếu phụ trả lời: Mẹ không chắc con ạ. Rồi ngay sau đó nhận ra sự vụng về của mình, nàng nhìn mẹ chồng lúc này đang đến bên họ, chữa lại câu trả lời: À tất nhiên là ông ấy sẽ đến. Ổng cũng vào qua lối cửa sổ như năm rồi hả mẹ? Ờ… Mẹ ơi, cô con kể Ông già Nô-en vào nhà qua ngả ống khói, mẹ ạ. Thiếu phụ chưa kịp giải thích, cô bé đã tìm ra được câu trả lời cho mình: Chắc tại ống khói nhà mình nhỏ quá ổng chui qua không lọt phải không mẹ? Bà lão bước đến nắm lấy tay cô bé, nói thôi, cháu vào ngủ nhé, ông già Nô-en chỉ cho quà lúc cháu ngủ thôi.
Trong phòng ngủ của mình, cô bé sắp xếp lại tập sách, áo quần ngăn nắp. Đã lên giường, cô tuột xuống đặt đôi giày của mình thật ngay ngắn. Để ông già Nô-en vui lòng, cô bé giải thích với bà nội. Bước ra phòng khách, bà lão trông thấy thiếu phụ đang đến bên chiếc xe đạp. Con đi mua quà, mẹ ạ, thiếu phụ giải thích. Bà lão nhìn đồng hồ. Đồng hồ chỉ mười một giờ mười phút. Phía ngoài, cửa kính mờ đi vì sương đêm. Ờ, mẹ cũng quên mất, bà lão nói, rồi thêm: Mà giờ này còn cửa hàng nào mở cửa không, con? Con không biết mẹ ạ, để con đi thử xem, thiếu phụ dắt xe ra cổng. Bà lão theo thiếu phụ ra cổng, thấy lộ vắng, tối, bà nói hay thôi đi, con, khuya quá rồi. Nhìn về phía thị trấn thiếu phụ nói trên đó còn tấp nập, hôm nay Giáng-Sinh, người ta thức khuya lắm, mẹ. Không đợi mẹ chồng nói thêm, nàng đạp xe đi, nhanh chóng biến mất trong bóng đêm. Vào nhà, bà lão bước nhẹ đến phòng cô bé. Trông thấy cháu ngủ say, bà kéo mền đắp lại cho nó. Bước ra phòng khách bà lão cầm lấy que đan, bỏ xuống, đến bên cây thông, dời chỗ vài vật trang trí trên đó, nhìn đồng hồ, đi vào trong, đi ra với bộ đồ lông đỏ viền trắng trên tay, đặt bộ đồ lên bàn vuốt vuốt những nếp gấp, nhìn đồng hồ, đi ra cổng dõi mắt về phía thị trấn. Bà lão co ro đứng chờ ở đấy một lúc, kêu lên: Ôi lạnh quá, mình lại thấy nhức mỏi cả người, ồ, hèn gì, mình phải vào nhà mặc áo lạnh thôi. Rồi bà quay vào nhà, ngồi xuống xa-lông, đầu bà từ từ ngoẹo sang một bên. Không gian lặng lẽ, vạn vật im tiếng, ngoại trừ chiếc đồng hồ vẫn kiên nhẫn đếm thời gian đều đều không dứt.
Khi thiếu phụ dắt xe vào nhà, bà lão mở mắt, kêu lên: Thằng Hai về đấy hả con? Con đây mà, mẹ, anh ấy vẫn chưa về sao mẹ? Thiếu phụ nói giọng lạc đi vì lạnh. Bà lão khẽ lắc đầu. Thiếu phụ nói: Các cửa hàng đều đóng cửa cả mẹ ạ. Hai mẹ con ngồi xuống xa-lông. Họ nói năm nay chiến sự ác liệt hơn năm rồi, thiếu phụ nhìn xa xăm, không rõ nói một mình hay nói với bà lão. Họ điên cả hết rồi, bà lão cũng nhìn xa xăm, lẩm bẩm, cũng không rõ nói một mình hay với thiếu phụ. Chợt bà lão nhỏm người, nói giọng hoảng hốt: Con có nghe thấy tiếng gì không, tiếng đại bác, có tiếng đại bác! Thiếu phụ lắc đầu, nắm lấy tay bà lão, nói: Không có đâu mẹ, con không nghe gì cả, đêm nay đình chiến mà mẹ. Rồi thiếu phụ đổi giọng nói: À, mẹ soạn sẵn bộ đồ Ông già Nô-en đấy à? Cầm bộ đồ đưa lại cho thiếu phụ, bà lão nói ừ, đây con xem, nó vẫn còn mới… Thiếu phụ cầm lấy bộ đồ như người mất hồn. Không biết nó có bình an… À không, bà lão nói rồi đưa tay lên bịt miệng, chữa lại: Không biết nó mập ốm thế nào, có còn mặc vừa không? Thiếu phụ rót nước ra tách, tay run run. Chiếc tách rơi xuống nền gạch, vỡ toang. Thiếu phụ hoảng hốt cúi nhặt các mảnh vở. Bà lão đến bên thiếu phụ, cùng nhặt, nói: Không sao đâu con. Thiếu phụ lau nước loang trên mặt gạch nói con xin lỗi, rồi đi rót lại ly nước khác trao cho bà lão, nói: Mẹ uống chút ác-ti-sô nóng. Vâng, đã năm năm rồi, mùa Giáng-Sinh nào anh ấy cũng mặc nó. Bà lão uống một ngụm nước, đặt tách xuống, ngước lên bàn thờ Chúa: Năm ngoái, cháu có khoe là nhìn thấy Ông già Nô-en lúc ông quay lưng bước đi, không khéo nó phát hiện ra Ông già Nô-en chính là cha nó. Anh ấy cố tình gây tiếng động, anh ấy nói muốn cho nó nhìn thấy Ông già Nô-en nhưng anh ấy không để nó nhận ra… Không nói gì nữa, hai người đến cửa kính, nhìn ra ngoài. Sao sáng ghê, mẹ ạ, thiếu phụ ngước nhìn sao trời, nói bâng quơ. Trong đầu bà lão lại là một bầu trời cũ: Năm ngoái sao sáng hơn… Thiếu phụ sửa lại khăn quàng cổ cho bà lã,o nói: Năm nay cũng lạnh hơn… Năm nay lạnh hơn, bà lão lập lại, rồi quay vào trong nói: Để mẹ vào xem cháu ra sao.
Bà lão đi vào nhà một lúc rồi đi ra. Khi bà lão quay lại chỗ thiếu phụ, hai người lên tiếng, gần như cùng một lúc: bà lão nói không biết nó có nhận được cái áo len mẹ đan không; thiếu phụ nói không biết anh ấy có nhận được cái khăn quàng cổ của con không. Họ vẫn đứng đấy. Và đối đáp như thế. Rồi thôi.
Đêm bao la, huyền diệu, trọng đại. Những ngôi sao vần vũ. Và trong lúc vũ trụ di chuyển, đất trời hoà lẫn vinh danh Thiên Chúa trần thế cung kính đón nhận tin lành từ hàng ngàn năm, ở một góc trời bé nhỏ, những con chiên lạc mất nhau chỉ biết cầu xin ơn Chúa và chờ đợi. Thiếu phụ quay sang bà lão, nói: Mẹ có vẻ mệt rồi, mẹ vào ngủ trước đi, mẹ. Bà lão đã đi, thiếu phụ vẫn đứng đấy, nơi cửa kính, nhìn ra. Mái tóc dày đen mượt của nàng che khuất đôi vai nhỏ nhắn. Mái tóc dài nửa lưng có vẻ dài thêm qua mỗi phút giây chờ đợi. Chiếc khăn quàng vẫn quấn quanh cổ nàng. Con xem mẹ có giống Ông già Nô-en không, có tiếng bà lão sau lưng. Thiếu phụ quay lại, cười gượng, nói: Mẹ mặc trông ngộ lắm, sao mẹ không đi ngủ đi. Mẹ có quà cho cháu đây. Bà lão đưa ra một gói vải nhỏ đựng trong hộp thiếc. Thiếu phụ mở ra. Đó là một chiếc lược ngà. Nó tặng mẹ trước ngày nó đi, bà lão nói giọng rưng rưng. Thiếu phụ cẩn trọng gói lại, giao trả bà, nói: Mẹ hãy giữ nó, nó là kỷ vật của anh ấy tặng mẹ, con có quà cho cháu rồi. Bà lão cởi chiếc áo lông trên người. Thiếu phụ mặc vào người bà chiếc áo len, nói: Mẹ vào ngủ đi, mẹ, con sẽ lo quà Giáng-Sinh cho cháu. Ờ, mẹ vào ngủ đây, bà lão nói. Ở ngưỡng cửa bà lão dừng lại, nói: Nhưng con đừng thức khuya quá lắm đấy. Làm sao bây giờ, một mình, trơ trọi, thiếu phụ tự hỏi, hy vọng sự trở về của chồng như ánh nến sắp tắt. Nàng đứng tần ngần giữa phòng một lúc rồi vặn tắt đèn huỳnh-quang, mở đèn bóng tròn trên tường. Ánh sáng trắng chan hoà, trang trọng, biến đi. Ánh sáng hồng nhạt hiện ra ấm áp và êm dịu. Đêm càng lúc càng dày hơn, sâu hơn, rộng hơn. Tiếng thánh ca có lúc gián đoạn, giờ lại vang lên: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa… ” Bỗng thiếu phụ trông thấý ánh đèn từ xa, từ hướng thị trấn, rọi tới. Sau đó là âm thanh động cơ xe, âm thanh của một chiếc xe hơi. Nàng xô cửa, quày quả đi ra cổng. Nàng đặt hai bàn tay lên ngực, nín thở, chờ đợi. Ánh đèn chiếu tới, quét hai vệt dài trên đám lá cây trước nhà. Chiếc xe vẫn không giảm tốc độ, vượt ngang qua cổng, mất hút trong sự ngỡ ngàng của thiếu phụ. Đứng đấy, nơi cổng, giữa đất trời lồng lộng, thiếu phụ bất động. Mặc sương thấm dần qua áo, mặc giá lạnh ngấm dần qua cơ thể, nàng vẫn đứng đấy, dõi mắt về phía thị trấn, hướng của những chuyến xe từng chuyên chở tình yêu của nàng quay về. Hướng ấy, cũng có ngôi giáo đường, nơi đã bao lần nàng cùng chồng và con, chung lời cầu nguyện. Bất chấp xa xôi cách trở, bất chấp chiến tranh, họ vẫn có mặt bên nhau trong đêm thánh lễ. Thiếu phụ đứng đấy cho đến khi kiệt sức, quỵ xuống. Gượng dậy, nàng bước nặng nhọc vào nhà, rót cho mình một ly nước. Nàng nhìn lên đồng hồ. Kim ngắn của đồng hồ chỉ số 2, kim dài đến rất gần số 12. Chưa kịp uống nước, thiếu phụ bỗng dừng tay. Nàng tự hỏi có phải là có tiếng xe dừng trước cổng. Cảm giác chiếc xe dừng rõ rệt, như khuấy động bầu không khí tịch mịch, như lên tiếng đáp lại nỗi tuyệt vọng của nàng. Nàng đặt ly nước xuống, bước vội ra cửa. Ngoài trời vẫn vắng, tối. Nàng không nhìn thấy ai. Ủ rũ, thiếu phụ bước vào nhà, đến àn thờ Chúa, chắp tay, quỳ xuống. Nàng lẩm bẩm: Xin ơn Chúa…
Có tiếng chuông cửa. Thiếu phụ đứng lên, nhìn ra. Tiếng chuông lại reo lên. Anh ấy đã về, cuối cùng anh ấy cũng đã về, thiếu phụ reo lên mừng rỡ. Mở cửa, thiếu phụ lao vào người đàn ông, người đàn ông mặc bộ đồ Ông già Nô-en, kêu lên: Sao anh có đồ …. Rồi nàng lùi lại, lắp bắp xin lỗi ông… xin lỗi… Khách lịch sự hỏi có phải nhà của chồng nàng. Và gọi đúng tên con gái nàng. Nàng không rõ giọng nói quen hay lạ. Cả dáng vẻ, cử chỉ của người đàn ông trong vai Ông già Nô-En cũng vậy, có thể lạ, cũng có thể quen. Nàng gật đầu. Khách đưa ra món quà, nói tôi mang quà Giáng-Sinh cho cháu. Thiếu phụ chăm chú nhìn Ông già Nô-en trong giây lát rồi gật gật đầu. Cầm búp bê trong tay, nàng nhìn thấy rõ đó là một con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, chính là món quà con gái nàng muốn xin với ông già Nô-en, là món quà mà giờ cuối nàng đã tìm mua khắp thị trấn mà không được. Cám ơn ông, nhưng ông là…, nàng ấp úng. Tôi là Ông già Nô-en, xin lỗi, tôi rất vội, xin bà dẫn tôi vào phòng ngủ của cháu. Theo gót thiếu phụ, Ông già Nô-en rón rén vào phòng cô bé, đặt món quà ở cạnh giường, đứng nhìn vào mùng một lúc, lặng lẽ bước ra. Chào bà, Ông già Nô-en nói, rồi đi nhanh.
Thiếu phụ sững sờ nhìn theo, quên cả tiễn khách. Ông ấy mang một đôi giày lạ không biết có phải là giày lính không có lẽ là giày lính vì nó không giống với bất cứ đôi giày dân sự nào nhưng nó cũng không giống với đôi giày của anh ấy, nhưng anh ấy có lần nói ngay cả quân ta cũng không mang giày giống nhau – thiếu phụ nghĩ, mắt nàng gần như hoa lên. Mãi khi xe nổ máy, mở đèn, vút đi khỏi, thiếu phụ mới chạy ra cổng, nhìn theo. Cám ơn ông… cám ơn ông… nàng mấp máy môi. Thẫn thờ quay vào nhà, thiếu phụ nhìn thấy bà lão từ trong bước ra. Ai đấy con, nó về hả, bà lão hỏi. Ông già Nô-en mang con búp bê đến cho cháu, giọng thiếu phụ rưng rưng, nhưng không phải là anh ấy, mẹ ơi!. Thốt lên câu nói, thiếu phụ ngồi phịch xuống ghế. Nàng cắn môi, nước mắt trào ra. Không, chính là nó mà! Bà lão nói rồi chậm chạp, run rẩy bước ra sân, vừa đi vừa lẩm bẩm… Nếu không phải nó thì ai, chẳng lẽ có Ông già Nô-en thực sao? Trong nhà, thiếu phụ gục xuống tay vịn của ghế xa-lông thổn thức, vai run lên từng hồi. Trong lúc chiếc máy thu-phát-thanh ở đầu tủ vẫn phát ra bản thánh ca về một đêm đông lạnh lẽo.

Thu Phong