04 October 2018

HỒI ỨC CỦA MỘT NHÂN CHỨNG - Nguyên Thao


Cải cách ruộng đất 1946-1957. Hình www.rfa.org
Sau chiến thắng trận Điện Biên Phủ năm 1954, Cộng sản Việt Nam đã ký hiệp định Genève, thôn tính và cai trị được một nửa nước Việt Nam. Giặc ngoài coi như đã dập tắt, chúng quay lại nghĩ đến chuyện quét sạch giặc trong, đó là giai cấp phong kiến. Bởi vậy qua năm 1955, 1956, chúng phát động phong trào cải cách ruộng đất, một cuộc cách mạng mà chúng gọi là long trời lở đất, tầm vóc ngang hàng với chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực chất và cốt lõi của phong trào là đập nát hệ thống phong kiến mà tiêu biểu là tầng lớp “trí, phú, địa, hào” còn sót lại trong xã hội để thực thi chuyên chính vô sản không bị vướng mắc.

Gia đình tôi là một nạn nhân của phong trào đó và bản thân tôi đã buộc phải đi tham dự những buổi đấu tố người thân ruột thịt của mình theo lệnh của chúng, nên tôi viết ra đây những sự thật diễn tiến của phong trào chỉ có phần thiếu chứ không có phần thêm, ghi lại những ngày tháng đầy máu và nước mắt, dã man và ghê tởm, một trang sử ô uế, dơ dáy nhất trong lịch sử của dân tộc.

Tôi chỉ ghi lại một cách tổng quát sự việc chứ không muốn đi sâu vào chi tiết vì đi sâu vào chi tiết thì có lẽ phải viết thành một cuốn sách, vả lại tôi muốn bôi xóa đi trong não bộ của tôi những hình ảnh man rợ của thời thượng cổ mà ở thế kỷ 20, cộng sản Bắc Việt còn áp dụng trên đất nước của mình.

Đứng đầu phong trào cải cách ruộng đất thời ấy là Trường Chinh. Dưới Trường Chinh là một đội Cải cách ruộng đất. Đội này quyền hạn to lớn, nhận lệnh từ Trung ương đi thẳng về địa phương mà không qua chính quyền tỉnh, huyện, xã. Vậy ai là người được sung vào đội này. Thưa đó là những đảng viên trung kiên, thuộc ba đời nghèo khó (tam đại bần cố nông), mù chữ, dốt đặc cán mai, được tuyển chọn từ địa phương đi lên qua các cấp đảng điều tra và xác nhận lý lịch. Sở dĩ tôi nói như vậy vì lúc ấy trong làng tôi có “ả M...” được tuyển chọn sung vào đội này. Vùng quê Nghệ Tĩnh người con gái lớn lên quá lứa tuổi lấy chồng được gọi là “ả”. Ả M... con một góa phụ nghèo đói trong làng. Sau năm 1945, cộng sản có tổ chức các lớp bình dân học vụ về đêm, ả M... mới được đi học nên giỏi lắm ả M... chỉ tòm tèm đánh vần đọc chữ. Cuộc đời của ả M... lớn lên nào biết gì ngoài ruộng đồng rồi vào núi, ra chợ, lặn lội kiếm kế sinh nhai, nhưng ả M... được gia nhập đảng và trở nên đảng viên trung kiên, hăng say hội họp.

Đội được tập huấn một thời gian, sau khi mãn khóa, được phân bổ về các làng xã để thực thi công tác.

1. Đội về làng

Khoảng độ tuần lễ trước khi đội về làng, dân làng được huy động ra làm vệ sinh đường sá sạch sẽ. Các khẩu hiệu chào đón đội được viết kẽ khắp nơi, từ cột đình làng cho đến bụi tre, gốc dứa. Bầu không khí trở nên trang nghiêm pha lẫn chút khiếp sợ, coi đội như những đấng quyền uy về để thay đổi nếp sống dân làng. Riêng đối với thành phần như chúng tôi, tuy cũng là dân làng nhưng nghe tin đội về thì cảm thấy như những tên đao phủ sắp giáng lên cuộc đời của gia đình mình những nhát búa đấu tranh giai cấp không khoan nhượng, tương lai không biết sẽ đi về đâu.

2- Công việc đầu tiên của Đội: Bắt rễ, xâu chuỗi

Chỉ vài ngày sau khi đội về làng, thái độ của dân làng đối với thành phần chúng tôi thay đổi hẳn. Mới vài ngày trước đó gặp nhau còn chào hỏi, thì giờ đây cúi mặt làm ngơ. Rõ ràng sau vài đêm hội họp, đội đã chỉ giáo cho họ rõ “ai là bạn, ai là thù”: Giai cấp bần cố nông là nòng cốt của Đảng, giai cấp trung nông được liên kết, phú nông bị cô lập, còn địa chủ cường hào, trí thức phản động là những kẻ thù. Tôi không rõ số lượng đội viên về trong xã tôi là bao nhiêu nhưng trong làng tôi ở chỉ có hai người. Họ chia nhau đến ở trong những gia đình tiêu biểu nghèo nhất làng để áp dụng đường lối tam cùng “cùng ăn, cùng ở và cùng làm.” Thật vậy, họ là những người xuất thân từ nghèo khó như ả M... nên không trở ngại việc ăn ở chung với gia đình nghèo, vả lại lệnh ở trên buộc họ phải làm vậy. Có ăn ở chung với nhau họ mới tìm hiểu được thành phần trí, phú, địa hào trong làng, cuộc sống của họ, cách đối xử với dân làng và nhất là sự bóc lột của họ đối với người nghèo khổ ra sao? Giai đoạn này gọi là giai đoạn “bắt rễ.” Nếu sau một thời gian 5, 10 ngày chung sống, được Đội rỉ tai tuyên truyền về tội ác của giai cấp địa chủ cường hào trong làng rồi mà những gia đình nghèo khó ấy vẫn tỏ thái độ không hận thù mà lại có đôi phần bênh vực thì đội chuyển đến một gia đình khác và cho cái rễ ấy là “rễ thối.” Họ cứ làm như vậy cho đến khi tìm được cái rễ tốt, một cái rễ có lập trường giai cấp, nói nôm na ra là cái rễ ấy phải biết nghe lời tuyên truyền của đội, suy nghĩ một chiều, phải biết hận thù và nhất là phải biết đặt điều nói láo tội ác của giai cấp trí phú địa hào trong làng mà không hổ thẹn với lương tâm để nay mai ra đấu trường đấu tố.

Khi đã kiếm được cái rễ tốt rồi thì từ cái rễ ấy phải đi móc nối với những người khác cùng chí hướng lập trường với mình, hoặc xúi dục những kẻ non dạ, sợ sệt, bất mãn đứng về phía của mình, số lượng càng nhiều, càng tốt. Giai đoạn này gọi là “xâu chuỗi.” Xong giai đoạn “xâu chuỗi” và những người trong chuỗi được đội kiểm tra tư tưởng lập trường rồi thì đội mới bắt dân làng hội họp để học tập. Dĩ nhiên thành phần chúng tôi đâu được tham dự mà ngược lại chỉ nằm kín trong nhà về đêm và xung quanh nhà du kích địa phương thay phiên canh gác, nghe ngóng theo dõi, đến nỗi muốn đi cầu, đi tiểu cũng phải mang thùng, mang xô vào trong nhà sử dụng, đâu dám bước ra ngoài sợ bị bắt và ghép tội âm mưu phá hoại, chống đối Đảng, chống đối nhân dân. Ngoài ra, nằm trong nhà, chúng tôi cũng phải cảnh giác cao độ, đóng kín gài chặt các cửa sổ, các khe hở, sợ chúng ở ngoài ném vào các giấy tờ, truyền đơn có tính chất phản động rồi ập vào nhà soát xét bắt bớ. Những thủ đoạn đê hèn, bần tiện này đã từng xảy ra trong thời gian phát động giảm tức, giảm tô năm 1953. Chúng tôi sống như người có mắt mà mù, có tai mà điếc, có miệng mà câm, bị cô lập hẳn với những người xung quanh kể cả anh em bà con họ hàng ruột thịt. Hằng ngày lo kiếm kế sinh nhai, trời sẩm tối là đóng cửa nhà lên giường nằm ngủ, ngay những chuyện mà người trong nhà muốn bàn tán với nhau cũng phải ghé tai nói nhỏ sợ tụi du kích ở ngoài nghe ngóng rồi kết tội âm mưu tính kế. Chúng tôi sống như trong người mang đầy ung nhọt, chỉ trông chờ ngày chúng vỡ mủ cho nó thoải mái. Trong lúc đó dân làng cũng chẳng sung sướng gì ngoài các người trong rễ và chuỗi, vì hàng ngày họ phải đi làm việc vất vả để kiếm sống, tối đến nhiều khi chưa kịp ăn đã phải ra đình làng hội họp đến nửa đêm có khi đến một giờ sáng mới về, chưa kịp ngủ thì Trời đã hừng sáng phải thức dậy ra đồng làm việc. Những buổi họp như vậy thì rễ và chuỗi thi nhau lên phát biểu, tố cáo địa chủ, phản động đủ điều xấu xa, gian ác, bóc lột, cường hào, đến nỗi người nghe cũng phải giật mình và thầm nghĩ đây toàn chuyện vu cáo nhưng nào ai dám bàn tán, hé môi ngay trong buổi họp. Những ai ở đâu thì họ không biết chứ những gia đình đã sống trong làng từ đời này qua đời khác, ai ra sao người ta cũng rõ. Đành rằng những người giàu có thì cuộc sống sung túc hơn, nhưng họ cũng không phải là ngồi mát ăn bát vàng, ít nhiều họ cũng có lao động, họ cũng có tình nghĩa lân lý, giúp đỡ người nghèo đói khi hoạn nạn, điển hình nhất qua vụ đói năm Ất Dậu 1945, hoặc trận lụt khủng khiếp năm Quý Tỵ, 1953, những người giàu có trong làng đã biết nhường cơm xẻ áo, tương thân tương trợ. Những buổi họp như vậy cứ kéo dài đêm này qua đêm khác để cho các diễn viên “rễ và chuỗi” tập vở kịch đấu tố thành thạo, lúc đã chín mùi đội mới quyết định ngưng để chuyển qua giai đoạn đấu tố.

3- Đấu tố: bắt địa chủ, đắp mô đất, rào đấu trường

Kể từ ngày đội về cho đến ngày phát động đấu tố, thời gian kéo dài gần ba tháng. Các đội viên phụ trách các làng mang tổng kết tội ác địa chủ, cường hào về xã họp, từ đó mới quyết sẽ đem những ai ra đấu trường để đấu. Trong buổi họp mật này, chúng cũng quyết định sẽ giết những ai và giết bao nhiêu người trong số những người sẽ đem ra đấu. Khi đã có quyết định rồi thì Đội sẽ cùng du kích xã đến niêm phong nhà cửa của người bị đấu mà đội gọi là những tên địa chủ, cường hào đầu sỏ và bắt người bị đấu đi giam một nơi khác có khi xa xã chín, mười cây số. Song song với việc bắt địa chủ thì du kích xã còn phải lo việc rào đấu trường, đắp mô đất và dựng lên một cái rạp sơ sài để cho Tòa ngồi xử án. Đấu trường là một khoảng đất rộng trong xã, xung quanh được rào sơ sài bởi những cây tre nối kết lại. Trên khoảnh đất ấy được dựng lên một cái sạp bằng mấy tấm ván, cao chừng một mét, trên có mái che và trong đó đặt một cái bàn với hai ghế. Cách cái sạp chừng năm, sáu mét là một mô đất được đắp lên một bên cao, một bên thấp. Bên cao để cho người đấu đứng đấu và bên thấp để cho người bị đấu quỳ xuống. Trên mặt đất của người quỳ còn được bỏ vỏ mít có gai nhọn hoặc những viên đá nhám để khi quỳ đầu gối bị đau. Phía cuối của đấu trường được làm thêm một cái rặc nhỏ giống như cái chuồng để nhốt trâu bò. Cái rặc này là nơi để cho con cái địa chủ ngồi xem, tách biệt với nông dân ở ngoài.

Sau một tuần lễ, công tác chuẩn bị hoàn tất, Đội quyết định ngày khởi đấu, phần lớn đấu về đêm để ban ngày nông dân tranh thủ sản xuất. Trên các ngả đường dẫn đến đấu trường, dân chúng với bó đuốc cháy sáng trên tay ùn ùn kéo tới, đứng xa nhìn như những lũ ma trơi đi ăn đêm. Không một ai dám ở nhà vì sợ phê bình mất lập trường vì còn thương địa chủ. Tập trung đâu đấy xong xuôi, làng nào ngồi vào vị trí làng ấy. Vợ con địa chủ bị lùa vào rặc ngồi và gài chặt then cổng lại, có du kích đứng canh giữ ở ngoài. Cả một vừng lửa sáng rực, ánh sáng lập lòe. Tòa bắt đầu bước ra. Những tiếng hoan hô vang dậy, theo sau là những tiếng đả đảo địa chủ. Tòa tuyên bố đây là Tòa án nhân dân đặc biệt được thiết lập để xét xử những tên địa chủ cường hào, ác bá đầu sọ trong xã. Tòa chỉ có hai người, một tự xưng là giai cấp công nhân ngồi ghế chánh án, một tự xưng là đại diện giai cấp nông dân ngồi ghế phụ thẩm theo đúng sách lược là công nông liên minh. Ngoài hai người đó, Tòa không có công tố viên, biện lý, luật sư bào chữa; ngay cả đến một người thư ký cũng không. Đúng là Tòa án của loài muông thú ở trong rừng và xử án theo luật rừng.

Yên lặng một chốc, Tòa ra lệnh giải địa chủ tới đấu trường. Người địa chủ với hai cánh tay bắt quặt ra phía sau bị trói chặt lại được tên du kích dắt đi như dắt một con chó. Mặt mày hốc hác, phờ phạc vì mấy ngày bị giam giữ đâu được cho ăn uống gì nhiều. Cả đấu trường vang lên tiếng đả đảo tên..., đả đảo tên... vang dội. Những ngọn đuốc từ các cánh tay lên cao xuống thấp, trông thật ghê rợn. Tôi tưởng tượng như cảnh xảy ra của Diêm Vương xử án ở dưới âm ty địa ngục, hoặc một bộ lạc man rợ của thời thượng cổ, chứ không phải ở trên đất nước Việt Nam ở thế kỷ 20, thế kỷ mà con người sắp bước chân lên mặt trăng. Tôi ngửa mặt lên Trời để nhìn, lòng se sắt tê tái, nước mắt khô cằn không còn để chảy; lòng hoài nghi vào sự linh thiêng của Trời đất, Thánh thần không chứng dám thảm cảnh này hay sao?

Thế rồi giờ đấu bắt đầu. Người địa chủ quỳ trên mô đất, ngước mắt nhìn nông dân hỏi tội. Lúc này những cái rễ và chuỗi tranh nhau lên hò hét hạch tội và bao giờ theo sau cũng có câu “mi có nhận tội không?” Cứ thế, cứ thế, đấu cho đến khi nào người bị đấu gục mới thôi... Gục đây có nghĩa là nhận hết tội lỗi của nhân dân đấu. Nếu chưa gục thì những tiếng đả đảo lại thét lên và đấu hết đêm này qua đêm khác cho đến khi gục. Cái đau đớn và oái oăm là trong số người lên đấu đôi khi là con đấu tố cha (thường là con bà thứ), vợ đấu tố chồng (vợ thứ) em đấu tố anh (con bà cả, bà hai). Những trường hợp này phần lớn vì sợ sệt, vì ganh tỵ về quyền lợi, vì muốn tỏ ra có lập trường dứt khoát với địa chủ, được xui dục bởi mấy cái rễ và chuỗi ở trong làng. Trong nhiều đêm liên tiếp đấu hết người này sang người khác, thường mỗi đợt đấu ba người. Sau khi đấu xong, Tòa tuyên bố nghỉ một hay hai ngày rồi mới tập trung dân chúng lại xử án. Trong lúc xử án, Tòa ra lệnh cho đấu bổ túc cho đến lúc không còn ai lên đấu nữa Tòa mới xử tội. Tôi không nhớ rõ hình như bộ luật cải cách ruộng đất chỉ ngắn gọn trong chín câu, mỗi câu là một điều vi phạm và phạm một trong ba điều là bị tử hình tại chỗ. Đối với những người bị kết tội tử hình thì Tòa vừa đọc xong đến chỗ tịch thu toàn bộ gia sản là du kích đã lên vặn đầu địa chủ, nhét giẻ vào miệng, bịt mắt lại và cột dắt đi treo lên giá, chưa cần Tòa đọc tiếp bốn chữ tử hình tại chỗ. Điều đó chứng tỏ rằng giết ai chúng đã bàn bạc trước và súng ống đã sẵn sàng đặt dưới cái sạp của Tòa ngồi. Tử tội không nói được điều gì dù là một lời kêu oan chứ đừng nói đến việc kháng cáo. Thế rồi một trong những tên “rễ” nhảy lên cầm súng dí ngay vào ngực của người tử tội nổ súng, máu phun ra ngay vào mặt và áo quần... Cái ác độc trong sự hiểu biết ngu xuẩn của lũ người ấy tưởng rằng hành động của mình như vậy là vinh quang, tắm được máu quân thù đúng như trong bài quốc ca mà chúng thường hát “Đường vinh quang tắm máu quân thù.” Sau đó chúng lấy dao chặt dây trói cho người địa chủ rớt xuống và lấy dây cột vào chân kéo lê trên mặt đất đến một hố chúng đã đào sẵn, lấy chân đá xuống và không quên lật úp mặt địa chủ xuống vì chúng quan niệm rằng khi chôn mặt nằm sấp xuống thì dòng họ địa chủ sẽ tuyệt nòi.

Viết đến đây tôi không muốn tả chân thêm được nữa. Tôi muốn để cho linh hồn những người thân yêu của tôi bị chết oan uổng yên nghỉ nơi suối vàng. Nhiều hành động man rợ và ghê tởm đến độ không có một từ nào tả nổi, tả hết cách hành xử giữa con người và con người mà Thượng Đế đã ban cho bộ não khôn ngoan hơn loài vật. Giờ này ngồi viết lại cảnh này, trái tim tôi như muốn rướm máu lại, đầu óc tôi xâm xoàng. Ai đã tạo nên cảnh ấy. Đảng Cộng sản Việt Nam dưới triều đại Hồ chí Minh. Đảng đã dạy lớp người nào thi hành cái cảnh ấy. Tầng lớp ngu muội nhất trong xã hội loài người, tầng lớp sẽ lên nắm quyền cai trị nhân dân theo đường lối triệt để chuyên chính vô sản của Đảng giao phó.

4. Hậu quả của cải cách ruộng đất

a) Về phía địa chủ: Cha, anh bị giết hoặc tù đày. Nhà cửa, tài sản bị tịch thu. Đuổi ra khỏi nhà chỉ vỏn vẹn với một bộ áo quần rách rưới trên người không mang theo được cái giường, chiếc chiếu, cái đèn dầu, lếch thếch đến ở nhà của một gia đình nghèo khó đổi cho họ đến ở nhà mình. Không có một dụng cụ gì trong tay kể cả cái dao, cái rựa làm sao để sống. Con cái địa chủ vẫn được cấp phát đất ruộng để trồng trọt nhưng không có trâu bò, cày bừa kể cả cái cào, cái cuốc làm sao mà sản xuất. Biết mượn ai và ai dám can đảm cho mượn. Không sản xuất thì bị ghép tội chống đối cách mạng, chống đối nhân dân.

b) Về phía nông dân: được cấp phát ruộng đất, tài sản tịch thu của gia đình địa chủ như trâu bò, dụng cụ sản xuất. Nhưng thành phần địa chủ trong xã có được bao nhiêu người và tài sản tịch thu được đâu có nhiều để phân phối cho người nghèo trong xã với số lượng đông đảo. Chẳng hạn như hai hoặc ba bộ gia đình thuộc diện bần cố, được bình chọn vào ở nhà của địa chủ hoặc chung nhau nhận được một con trâu, từ đó đâm ra ganh tỵ, cấu xé nhau, tạo nên sự chia rẽ trầm trọng.

5. Phong trào sửa sai

Như tôi đã viết ở phần đầu, cải cách ruộng đất chỉ là cái vỏ bề ngoài, cốt lõi của nó ở bên trong là thi hành biện pháp trấn áp. Trấn áp để triệt tiêu uy tín, ảnh hưởng và làm nhục giai tầng phong kiến trong xã hội, đồng thời tạo nên một sự sợ hãi trong quần chúng nhân dân, dọn đường cho thành phần vô sản lên nắm quyền cai trị tại các địa phương được suông sẻ. Bởi vậy Đảng mới đưa những đội cải cách về nông thôn, một loại người mà não bộ không tìm ra được chút nào về chỉ số thông minh để thực thi công tác. Về làng, Đội là những ông Trời con, phối hợp với các rễ và chuỗi tác oai, tác quái, muốn bắt ai đấu tố thì bắt, muốn giết ai thì giết, chẳng cần những người ấy là địa chủ hay phản động cường hào. Đau đớn thay là những gia đình có con cái đã từng tham gia kháng chiến, hoạt động cho cách mạng từ năm 1945 khi cộng sản mới cướp được chính quyền, thậm chí có người tham gia vào đảng Cộng sản từ năm 1930 và hiện còn giữ chức vụ trong guồng máy tại Trung ương, thế mà ở nhà cha bị đấu tố đến chết vào năm 1953 và anh bị giết năm 1956 qua hai đợt phát động giảm tức giảm tô và cải cách ruộng đất. Điển hình ông Bác họ của tôi chỉ hành nghề lương y, có ba người con trai. Người con trai thứ hai đang là chủ tịch Ủy ban hành chánh một huyện gần giới tuyến, người con trai đầu đã bị bắt đấu tố và giết chết tại chỗ. Biết bao nhiêu trường hợp tương tự đã xảy ra có giấy mực nào tả nỗi, tả hết. Hàng chục ngàn người vô tội bị lũ Đội xác người mà đầu óc ma quỷ ghép tội địa chủ phản động cường hào đem ra đấu tố và giết chết, tổng kết trên 70% là bị giết lầm oan uổng.

Cũng vì lý do đó mà sau khi cải cách ruộng đất chấm dứt thì một số gia đình thuộc diện này đã ra tận Ba Đình đội khăn tang trên đầu khiếu nại. Để thoa dịu sự phẫn nộ vì uất ức, ông Hồ Chí Minh đã ra tiếp kiến, nghe giải bày rồi chảy nước mắt. Việc này tôi cũng chỉ nghe qua lời đồn đãi, còn việc ông khóc thiệt hay khóc giả chỉ có lương tâm của ông biết vì thời đó ông là Chủ tịch nước kiêm luôn Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam kia mà. Sau màn chảy nước mắt là việc khiển trách và hạ tầng công tác của ông Trường Chinh và phong trào sửa sai ra đời. Sửa sai được gì nữa khi hàng chục ngàn người dân vô tội bị giết oan đã nằm trong lòng đất lạnh, nhà cửa tài sản đã bị tịch thu toàn bộ và chia năm xẻ bảy cho người khác rồi, cuộc sống đã trải qua những ngày thê lương, thảm khốc, danh dự bị dày vò, chà đạp, sỉ nhục đến tận cùng, thử hỏi trên cõi đời này có cái gì để đền bù lại được mà minh oan, xin lỗi. Những sách lược độc ác bao giờ cũng đổ lỗi cho các địa phương đã thi hành lệch lạc, điển hình như vụ Tết Mậu Thân sau này ở Huế. Màn kịch này được Đảng ưu việt cứ diễn hoài từ ngày cướp được chính quyền cho đến nay và rồi còn tiếp diễn nữa, nếu còn Đảng cai trị. Riêng bản thân tôi cũng lợi dụng được sửa sai đó mà thoát khỏi lũy tre làng và trải qua bao thăng trầm còn sống được đến ngày hôm nay để viết lại những tội ác dã man, ghê tởm nhất mà Đảng đã chỉ đạo cho những đảng viên thuộc thành phần nồng cốt trung kiên nhất thi hành trong vụ cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào năm 1956.

*

Hơn 36 năm sau, tôi về lại làng, ngôi làng đã cho tôi bao kỷ niệm thân yêu trong thời thơ ấu, nhưng rồi từ ngày Đảng cộng sản nắm quyền cai trị đã gieo biết bao tai họa, bây giờ nhìn làng tôi thấy dửng dưng, tình nghĩa khô ráo, chỉ còn chút tình thương với bà con ruột thịt. Tôi có dò hỏi cuộc sống của những rễ và chuỗi, những người đã hăng say đấu tố trong thời kỳ cải cách ruộng đất bây giờ ra sao thì được trả lời con cháu họ vẫn nghèo mạt rệp chẳng có gì thay đổi. Tôi chỉ biết mỉm cười thương hại.

Nguyên Thao