Năm Hậu ba mươi chín tuổi, Hậu gặp một chuyện ly kỳ, chạng vạng
trên đường về nhà, qua cua Bún Bò, Hậu bị đâm.
Thằng cha này giết người mà nhát hít, nhắm mắt đâm hai nhát
nhưng chỉ ngoáy trúng bả vai. Thấy Hậu đổ gục, người này còn sám hối một câu,
xong quăng dao xuống mương cống chạy mất. Sau câu nói ấy Hậu mới thấy mình chết
ngắc.
Vết thương lành nhưng Hậu mắc chứng trầm uất, hoang tưởng, rối
loạn tâm thần. Hẳn cái cú sốc chết đi sống lại ấy khủng khiếp lắm. Hậu đã khóc
suốt tháng đầu nằm viện, uống thuốc vào thì ngủ thiếp, thức dậy đã thấy nước mắt
chảy thành hàng (như thể Hậu đã khóc sẵn trong mơ). Tháng thứ hai Hậu vật vờ,
nín thinh nín thít, nằm không muốn dậy (mà đã dậy thì chẳng muốn nằm), đang ăn
rớt đũa Hậu thà lấy tay bốc chứ không thèm lượm lên. Rồi bỗng một ngày Hậu tỉnh
queo, xin bác sĩ cho xuống bếp bệnh viện nấu cháo từ thiện với chị em, "Chớ
rảnh quá biết làm gì bây giờ". Giỏi giắn, tươi tắn, đến nỗi không ai tin Hậu
còn bệnh (bác sĩ nhiều khi còn không dám tin), nhưng mãi Hậu vẫn không nhận ra
chồng. Thường nhiều lần lại thăm, Hậu ngó lơ, Thường nắm tay, Hậu quạu quọ, mặt
nhăn như khỉ ăn gừng, bảo, tui có chồng rồi nghen, cha nội. Chồng tui tử tế
đàng hoàng chứ đâu có cà chớn như ông. Thường buồn quá, tha thểu ra về.
Hôm mới giải phẫu xong, cảnh đời mới buồn ác liệt. Khi tỉnh
dậy, Hậu chỉ biết tê tái hỏi một câu, "Sao anh đành đoạn giết em?"
(trời đất ơi, chắc là hết chuyện nói rồi). Ba đêm Thường thức trắng, con mắt trỏm
lơ, người căng như sợi dây đàn, lặng người theo mỗi tiếng Hậu rên, hớt hải khi
Hậu trở mình, nhưng đến khi Hậu hỏi câu ấy, Thường mới quỵ xuống, rối rít gọi
em ơi, em à, em sao vậy, thấy đau ở chỗ nào. Anh đây mà, chồng em đây, không nhận
ra anh sao...
Hậu chỉ nhếch một nụ cười tê dại, thấy mình quên thật rồi,
điên thật rồi. Cái người đàn ông đang đứng trước mặt mình đây, là chồng, vậy mà
bây giờ nhìn mặt thấy xa lạ, ghê tởm, thấy mình nẫu lòng ra, muốn chết quách đi
cho rồi. May, sau này Thường không đến nữa, vì bận túi bụi thay Hậu tiếp nhận
chức Tổng giám đốc công ty Mặt Trời, nghiễm nhiên là Chủ tịch Hiệp hội đồ chơi
(những gì Hậu để lại nặng nề hết sức). Thường than với nhỏ Thỏ, "Gặp mẹ
con lòng ba đau quá". Mà, không đau sao được, kỷ niệm tươi rói như mới hôm
qua, hai người cùng nhau nấu bữa cơm chiều, cùng nhau sơn lại đôi cánh cửa, sửa
hàng rào, cụm nụm trồng hành quanh chậu ớt. Buổi sớm chung xe đến công ty, vào
đấy thì mỗi người một phòng nhưng ngang qua lần nào cũng búng vô cửa kính chóc
chóc, để ngẩng lên ngó nhau cười. Hậu đi kiểm tra công việc ở chi nhánh miền
Tây, Thường gọi điện thoại theo, ngập ngừng hỏi chỗ ấy mưa nhiều không?
Lúc đó, Hậu đang căng thẳng vì phát hiện ra một vụ bê bối
tài chính động trời nên trả lời nhát gừng, lạnh ngắt. Phải biết đấy là cuộc trò
chuyện cuối cùng, thể nào Hậu cũng nói thêm vài câu em nhớ anh em yêu anh lắm,
thể nào cũng nhắc chuyện tình xưa xanh mướt màu rau muống luộc chấm tương kho,
chuyện Thường đạp xe chở Hậu đi dưới pháo hoa những giao thừa... Mối tình đẹp
nhưng cũng nhiều trắc trở, mấy bận Thường tránh đi vì dư luận đồn đãi Thường lợi
dụng con gái nhà giàu, là mấy lần Hậu tất tả giữ người yêu lại, " Người ta
nói gì kệ họ, em tin anh".
Vậy mà bây giờ lạnh lẽo, tan hoang như đồng sau bão, đến nỗi
hay tin Thường lấy vợ, Hậu dửng dừng dưng, tỉnh bơ ba khía. Lòng chỉ se đau khi
thấy nhỏ Thỏ mặt xìu co, tủi buồn ngồi thút thít, nó chờ Hậu khóc quá trời, chỉ
có nước mắt rơi là hy vọng một trí nhớ, một tình yêu, một mái ấm về lại... Hậu
biết nó nghĩ gì nên ôm lấy đôi vai nhỏ, bảo "Chừng con lấy chồng, mẹ khóc
cho con coi ". Thỏ mếu máo cười, ai mà thèm... Rồi mẹ với con nhìn buổi
sáng đã lên cao, nghe mùi gió chướng ngọt ngào, thấy chỗ u ám như bệnh viện mà
trời xanh, trời đẹp như vầy, chắc ở ngoài kia nắng nhuộm đời tươi rực rỡ. Hậu bảo
con, sẵn bữa nay mẹ xuất viện cho rồi. Thỏ phì cười.
Tưởng nói chơi, nhưng Hậu ra viện cũng đơn giản như trả
phòng khách sạn. Đã mướn sẵn một căn nhà nhỏ như hộp diêm quẹt nằm trong con đường
cũng nhỏ, Hậu dọn ngay vào đó. Hàng xóm gầy gò ra xe đỡ ít đồ đạc còm nhom. Buổi
chiều, Thỏ chở sách vở, quần áo, búp bê... lại, kêu Hậu ngồi nó chải tóc cho, bảo
thiếu con mẹ bê bối cho coi. Mà, mẹ ơi, con nghỉ chơi với ba rồi...
Hậu trở lại bệnh viện, xin việc. Người ta dành cho Hậu một
chỗ làm ở khoa ngoại thần kinh. Công việc đơn giản chỉ quét dọn và săn sóc bệnh,
nhưng những người trước bỏ việc vì sợ. Hậu thì thấy chỗ này dễ thương. Đi qua
căn phòng cũ, nắng vẫn chênh vênh đeo ngoài cửa sổ, nghĩ tức cười, sao mình có
thể ở đây từng ấy tháng trời vậy cà. Để kết bạn với đám người buồn cười, một cậu
nhóc múa may vèo vèo, kêu Chỉ Nhược nàng ui, nhoẻn miệng cười khi Hậu gọi lại bằng
Vô Kỵ. Một phụ nữ trạc ba mươi, chín năm trời giắt hoa lá trên đầu thi hoa hậu,
rớt ngay phần ứng xử : Trước hết, em xin cảm ơn các đấng sinh thành, sau đó cảm
tạ cha mẹ đã đẻ ra em... Một anh chàng làm thơ không hiểu nổi, nhiều lúc giảng
thơ cho Hoa Hậu nghe, tự mình ngất ngư cười, câu này tui hổng biết viết về cái
gì. Một ông đẹp người, hiền hậu, lên cơn thương nhớ vợ mới xé áo quần. Có lần
ông lẻn ra ngoài, trèo lên lan can tầng bốn ngó xuống sân gọi vợ hời hời, Hậu dịu
dàng kêu: "Xuống đây với em, mình ơi", ông trở xuống, ở truồng tồng
ngồng, ôm Hậu vào lòng, ông khóc. Hậu cũng khóc, trong vòng tay ấm mà nghe mình
lạnh ngắt, khóc cho một trái tim đã chết ngoẻo cù nèo.
Chết ngay ở cua Bún Bò, ngay sau khi thằng cha giết mướn run
rẩy bảo, "Đừng oán tôi nghen, có oán hận thì oán chồng bà". Trong một
thoáng Hậu xâu chuỗi các sự kiện lại. Chồng mình. Khoản tiền thất thoát. Cô kế
toán trưởng chi nhánh miền Tây. Những lời đồn đại (mà trước giờ Hậu chẳng
tin)... Hậu nghe tim mình vỡ bục ra, giãy đành đạch rồi nín luôn. Sau coi phim
thấy cảnh hiếp đáp éo le cũng không thương khóc nữa (hoàn cảnh ấy thì sức mấy
mà đau bằng mình). Có lần đi chợ gặp Thường, Hậu ung dung chào, hỏi. Xong đứng
nấn ná ở đấy trông tim nó lồm cồm ngồi dậy nhói chơi, nhưng không ăn thua, nó lặng
như tờ.
Trái tim đã mắc chứng vậy nên tội mấy ông đi qua đi lại tán
tỉnh tòm tem, nói thương em quá chừng. Hậu cười, thương thiệt hông à, lúc trước
tui bị điên đó nghen. Ai nghe nói cũng sửng sốt, chạy dài, dù có tiếc hùi hụi,
chắc lưỡi, than, "Đẹp vậy mà điên, uổng thiệt". Nhưng tưởng tượng thử
coi, hai người đang ngủ bỗng dưng vợ bật dậy lấy dao kề cổ ta, cười khà khà
khà, quá ớn.
Chỉ Nhâm còn lại, Nhâm cười, ai cũng một thời điên, vì quá
sung sướng, quá khổ đau, vì danh vọng... Nói tới đây, Nhâm thảng thốt cúi đầu,
tôi đã có lần điên vì tiền, lúc đó, con gái tôi đau nặng lắm... Hậu gật đầu miệng
ờ ờ (như đã chứng kiến cảnh ấy rồi, đã biết tỏng rồi), nhưng chưa thôi dọa
thêm, "Nhâm không sợ thiệt sao? Tôi điên là quên chồng tuốt luốt".
Nhâm cười, "Tôi sẽ làm cho cô Hậu nhớ tôi hoài". Mà có vẻ như Nhâm chẳng
làm gì thì Hậu cũng nhớ, cũng hay nghiêng ngó người ta. Nhâm ở kế bên, hai nhà
chung vách, mới đầu Hậu không thấy mặt, chỉ nghe tiếng cơm sôi, tiếng đập muỗi.
Và những cái thở dài xao xác như lá rụng hoa rơi. Thằng cha nào mà coi bộ đời
cũng buồn, Hậu nghĩ, đến nỗi không nghe tiếng con nít cười, tiếng đàn bà càu
nhàu chạy gạo. Một bữa Hậu mở cửa ra, đá nhằm Nhâm nhậu say nằm ngủ đại dưới thềm.
Kỳ cục thiệt, không hiểu sao Hậu thảng thốt, nghe tim nhót lên một cái, chết
cha, mình với thằng cha này có duyên gì mà gặp ở đây.
Nhâm thì tin là có duyên phận, bởi nhìn Hậu, Nhâm thấy
thương như gặp ở kiếp nào, hồi nào... Mỗi chiều về, thấy mẹ con Hậu ngồi trước
cửa nhổ tóc sâu, Nhâm thấy lòng êm đềm như cỏ. Cứ muốn ngồi gần đấy cho đủ một
chòm hạnh phúc, để bình yên nhả khói thuốc lên trời. Nhâm thương cả nhỏ Thỏ, một
lần nó bước qua khi Nhâm mới vừa ngủ dậy, thảng thốt, bàng hoàng, Nhâm kêu lên
hai tiếng con ơi. Để rồi bẽ bàng nhìn nhỏ Thỏ cười.
Nụ cười đó, con gái Nhâm không bao giờ có. Thương Nhâm, nó
chỉ thiu thỉu gượng nhếch môi mỗi khi chuẩn bị vào phẫu thuật. Rồi tới một ngày
nó thôi không cười được nữa, dù là một cái cười thiêm thiếp, xanh leo lét, như
mộng mị, chiêm bao...
Nó đi rồi, Nhâm nhậu suốt tháng sau, định là sẽ nhậu hết nửa
đời còn lại. Đỡ hết biết, một ngày kia mẹ con Hậu đến, chui vào cái hộp kế bên,
cười giòn, họ còn kéo ra sàn nước, chỗ tắm giặt chung, con xối nước cho mẹ gội
đầu. Hình ảnh ngọt ngào vô phương.
Nhâm phụ hồ ngoài công trường, mong ngày qua mau, chạy về
nhà, có khi chỉ để coi Hậu ngồi giặt áo. Nhỏ Thỏ cười, kéo Hậu lại thông báo
tin... buồn, ông đó mê mẹ quá trời. Ờ, mà ổng coi bộ hiền hén, tại đời cũng buồn
quá. Hậu gật gù. Đẹp trai. Mũi cao. Nhưng để râu tóc quá dài, dọn lên sẽ đỡ hì
hợm. Hơi bê bối, Thỏ nói, bằng chứng là bạ đâu ngủ đó. Con người có vẻ phức tạp,
vì chơi với mấy người cũng có vẻ... phức tạp. Cái thẹo dưới cằm quá ấn tượng, gặp
một lần chắc là khó quên, Hậu nói với vẻ như đã biết rành, nhưng cái tâm lương
thiện. Con thấy sao? Mẹ thấy sao? Hai mẹ con bình luận như đang đứng trước máy
giặt sắp mua về.
Sau đó là một mùa mưa dài, chuyện của Nhâm với Hậu không có
biến động gì lớn. Cũng đi qua đi lại, cũng bịn rịn trong lòng, cũng giả đò kiếm
chuyện nói chơi, nhưng thay vì trong bối cảnh nắng ngột cả người bây giờ hai
người nhìn mưa rơi. Nhìn nước bò lên ngập đám cỏ đằng trước, mấy con cá nhỏ đủng
đỉnh lội tới lội lui, thò lỏ nhướng con mắt coi lũ người ta chẳng ra gì. Nước
tràn vô nhà ngập nửa ống chân, bèo hoa dâu trôi bồng bềnh chân giường, đi làm về
Nhâm qua nhà, hì hụi tát. Bữa sau nước lại chảy vào, không thấy Nhâm than, biểu
Hậu cứ ngồi trên giường, bôi thuốc lên mấy chỗ nước ăn. Có đám trẻ lội bủm xủm
đi qua hát rằng "Ước gì mình đừng ngăn cách, ước gì nhà mình chung vách,
anh... khoét tường... hú hí với em". Hậu lắc đầu, "Con nít nhà ai mới
tí tuổi đầu mà quỷ quái", Nhâm cười, sẵn nói luôn, "Tôi tháo vách thiệt
à, cô Hậu".
Câu này, Hậu coi như là lời tỏ tình, thì đã là lần thứ năm.
Tính luôn một bữa đòi góp gạo nấu cơm, một bữa đòi trả tiếp tiền nhà, một bữa
nhỏ Thỏ bị đứt chân mà mắc cỡ không cho Nhâm cõng, Nhâm gắt, thì cháu cứ coi
tôi như cha, một bữa gió buồn thiệt buồn, Nhâm nói phải chúng ta ở chung nhà chắc
là vui lắm...
Vui gì, chuyện tình này chắc bỏ lửng lơ như vậy thôi. Hậu vẫn
nói cái câu, "Nhâm đâu có hiểu nhiều về tôi..." để thay lời từ chối.
Bởi Hậu gật đầu, hẳn nhiên hai người sẽ lấy nhau. Sau bữa tiệc nho nhỏ sẽ là
đêm động phòng (chớ còn gì nữa), Nhâm sẽ phát hiện Hậu có một cái thẹo lớn trên
vai. Thể nào Nhâm cũng hỏi tại sao, mà Hậu không nghĩ ra được câu chuyện gì để
nói. Kể sự thật rằng một bữa đi qua cua Bún Bò, Hậu bị đâm, sợ Nhâm sẽ đau. Tuần
trăng mật chưa bắt đầu đã lịm buồn, dở cười dở mếu...
Nhiều khi không thể tin được, làm gì có chuyện trùng hợp lạ
lùng vầy. Nghĩ đời thiệt mắc cười, sao biết nhau ở đây, để thương nhau đến mức
này, để rồi nhận ra lúc trước đã gặp gỡ một lần, ở cua Bún Bò, trong một tối
đèn thì u ám vàng vọt mà cái vệt sắc lạnh của con dao lại lóe lên...
Nguyễn Ngọc Tư