Khi tôi còn bé, những buổi trưa ở thôn quê thật buồn. Chỉ có
nắng ngùn ngụt bốc khói. Và gió, những cơn gió hừng hực rượt đuổi nhau khiến lũ
rơm rạ phải cuống quít chạy trốn trên đường làng. Cái tiếng gà trưa lúc này
nghe ra đúng là thật não nùng. Mà cái tiếng của một ông thợ hoạn lại càng não
nùng bi thiết hơn!
He…o thiến hông?
Âm “he…o” kéo dài tưởng chừng lê lết bỗng đột ngột vút lên
cái âm thiến sắc nhọn như lưỡi dao của ông.
Thế rồi đâu đó có tiếng chủ nhà: Ông thiến ơi, vào đây!
Những con heo bị thiến độ chừng hơn một tháng tuổi. Heo đực,
chỉ một nhát là xong ngay. Nhưng heo cái, người thợ hoạn phải treo ngược lên cô
ả lên, rạch một đường lên bụng, đưa mấy ngón tay mò mẫm lôi ra một chút thịt sống
đẫm máu gọi là hoa sung. Sau đó là may và bôi lọ nghẹ trộn với lá dâm bụt. Thế
là xong. Anh, ả được thả vào chuồng, được chăm chút, chỉ ăn rồi ngủ, để rồi sáu
tháng sau hoặc hơn, lại được treo ngược lên một lần nữa, lần này không phải ông
thợ hoạn mà là anh đồ tể.
Cái tiếng ụt ịt nũng nịu thầm thì bấy lâu bỗng đổi thành cái
tiếng éc chói tai như con tàu kéo hồi còi vĩnh biệt.
Gà, chỉ có gà trống mới thiến. Một khi hai hòn dái giấu kín
trong bụng được lấy ra, anh không thèm gáy, không thèm đá lộn, đương nhiên
không thèm túc túc cù rủ và nhường con trùn hay con dế cho các chị gà mái nữa,
chỉ ăn toàn bắp ngâm nước cho mềm ra để tạo mỡ. Cuối tháng chạp, anh được nhốt
trong một chiếc lồng hình con vịt, được các chàng trai khúm núm đem đi tết cha
mẹ vợ sắp cưới. Để rồi sau đó anh nằm bảnh chọe trên một chiếc dĩa to kềnh tươm
mỡ vàng ai thấy cũng thèm!
Chó bị thiến cũng là chó đực. Thiến để anh không đi tơ, đêm
ngày nằm gác mõm trên thềm nhà canh giữ sự an nguy cho chủ. Vì sợ hai hàm răng
trắng nhởn có thể ngoặm vào bất cứ ai trong cơn hốt hoảng, nên người ta vuốt ve
cho anh ngúc ngoắc đuôi ngoan ngoãn rồi bất ngờ úp một cái cối giã gạo lên đầu
anh. Thế là hai hòn dái quý báu của anh cứ việc phơi ra cho người ta xẻo một
nhát đi đứt. Khi được thả ra, anh chạy biến, trốn vào một bụi rậm, nằm liếm mãi
cái vết thương cho đến khi khô máu mới dám thập thò trở về nhà. Anh được chủ
yêu hơn, cưng chiều hơn, trở thành một thành viên tận tụy của gia đình, đến lúc
già chết được đeo mấy đồng tiền vào cổ để đi đò qua sông Mịch La.
***
Với con người, ba tiếng “đau như hoạn” nhất định là thống
thiết hơn cái tiếng éc hay tiếng ẳng. Đó là nỗi đau không được làm đàn ông,
không được truyền giống, đau vì “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông
nhỏ…”.
Còn hơn đau, đó là nỗi nhục.
Vậy mà có nhiều kẻ sẵn sàng chịu đau chịu nhục để được trở
thành hoạn quan.
Carter
Stent miêu tả về việc cát thể (hoạn) ở Trung Hoa cuối đời Mãn Thanh
như sau:
Trước khi cát thể, người có ý định trở thành thái giám được
đặt nằm nghiêng trên một cái giường thấp và được hỏi lần cuối cùng có hối hận
gì khi bị thiến hay không. Nếu người đó trả lời không thì một người sẽ giữ chặt
bụng người đó, hai người khác banh hai chân ra giữ cho khỏi cục cựa. Băng vải
được quấn chặt ở bụng dưới và hai đùi, và bệnh nhân được cho uống một thang thuốc
mê (ma phế thang), bộ phận sinh dục của y được chà xát bằng nước ngâm ớt. Cả
dương vật lẫn dịch hoàn được cắt xoẹt bằng một nhát dao sát tận đáy, một nút bằng
kim loại cắm ngay vào lỗ sinh thực khí và vết thương được băng chặt bằng giấy bản,
bên ngoài quấn vải thật chặt.
Người thái giám lập tức được những “đao tử tượng” dìu đi
quanh phòng trong hai ba giờ liền trước khi được quyền nằm nghỉ. Người đó vừa
đau đớn, vừa khát nước nhưng không được ăn uống và tiểu tiện trong ba ngày. Sau
ba ngày, vải băng được cởi ra và cái nút được rút ra và nếu bệnh nhân có thể đi
tiểu được ngay thì vụ giải phẫu thành công và qua được thời kỳ nguy hiểm. Nếu
người thái giám không tiểu tiện được có nghĩa là đường sinh thực khí đã bị thu
hẹp hay bịt kín và chỉ còn đường chờ chết.
Có gia đình chuẩn bị việc cho con mình tương lai sẽ làm
thái giám tử khi còn nhỏ. Một bà vú (bảo mẫu) được thuê để đặc biệt chăm sóc
cho đứa trẻ ngay từ khi còn nằm trong nôi. Bà vú này có một thủ thuật riêng, mỗi
ngày ba lần nắn bóp dịch hoàn đứa trẻ khiến đứa bé đau đến khóc thét lên. Lực
bóp cũng tăng thêm và cơ quan sinh dục của đứa bé dần dần bị hủy hoại. Khi lớn
lên không những mất khả năng sinh dục mà dương vật còn teo dần khiến đứa trẻ có
nhiều nữ tính, không có yết hầu, hai vú nhô cao, mông nở, giọng nói lanh lảnh,
dáng điệu ẻo lả và trở thành “ái nam, ái nữ”.
Kinh hoàng như thế nhưng nhiều người vẫn xăm mình chịu trận,
đủ biết cái bả vinh hoa nó có một hấp lực còn mạnh hơn cái bản năng gốc đã được
tạo hóa cài đặt từ trong bụng mẹ.
Từ khi có chế độ cộng sản thì cái nước Tàu mênh mông không
còn tiếp diễn ra cảnh man rợ đó nữa. Nhưng để được đứng dưới ngọn cờ của đảng,
có biết bao người đã tự hoạn. Hai tiếng “đồng chí” hết sức trung thành đã thay
cho hai tiếng “hoạn quan”. Họ không chỉ phục dịch mỗi hoàng đế Mao Trạch Đông
mà cả trăm cả ngàn ông hoàng bà chúa ở Trung Nam Hải.
Nước Nga đâu khác gì.
Bắc Triều Tiên cũng vậy.
Thì thôi, đành một lẽ. Dẫu sao họ cũng tự thiến chứ không phải
bị đè ra thiến.
Ở xứ ta, từ khi có
người gọi đích danh tự do là cái con cặc, thì cả nước bỗng ngớ ra bởi
vì, sao trông nó buồn thiu ỉu xìu đến như vậy. Hóa ra nó đã bị thiến tự bao giờ!
Cho dù không bị treo ngược lên như heo hay úp một cái cối giã gạo lên đầu,
nhưng hơn nửa thế kỷ nay, từ khi vào mẫu giáo, nó đã bị bóp cho nát bét cái tư
tưởng tự do như với cái dịch hoàn, thì còn đâu khí thế mà vùng lên được.
Cho nên dẫu có muốn ngồi nhìn hòn dái đâm đinh
như nghệ sĩ Pyotr Pavlensky trình diễn Fixation bằng cách đóng đinh bìu dái
mình trên Quảng trường Đỏ cũng không còn dái đâu mà đóng.
Ô hô, cả nước bị thiến! Đúng là đau như hoạn!
Khuất Đẩu
PHỤ LỤC:
Ngồi nhìn hòn dái đâm đinh
Phạm Thị Hoài
Tháng 11/ 16/ 2013
Một người đàn ông đến trước Lăng Lenin tại Quảng trường Đỏ, cởi bỏ hết áo quần,
ngồi bệt xuống, dùng búa đóng một chiếc đinh dài xuyên qua bìu dái, găm chặt
cặp tinh hoàn của mình xuống nền đá lát địa điểm nổi tiếng này.
Nghệ sĩ Nga Pyotr Pavlensky tuyên bố rằng màn trình diễn mang tên Fixation
của mình hôm Chủ nhật tuần trước, nhân Ngày Cảnh sát Nga, là “ẩn dụ về sự vô
cảm, sự thờ ơ với chính trị và thái độ duy định mệnh của xã hội Nga hiện đại”.
Nước Nga đang trở thành một nhà nước cảnh sát, song thay vì sử dụng sức mạnh
của số đông thì dân chúng chỉ bất động ngồi nhìn chính quyền tóm chặt dái mình,
đóng đinh mình vào nền tảng của chế độ và phó mặc cho số phận. Một ẩn dụ mạnh.
Một chân dung bạo liệt về bạo lực và bất lực. Một tuyên ngôn đau đớn về tuyệt
vọng và khuất phục.
Quảng trường Ba Đình cũng là khung cảnh thích hợp cho hành động nghệ thuật
ấy. Một hành động cực đoan. Song trong nghệ thuật, cực đoan bao nhiêu cũng
không đủ.
(Nguồn: pro&contra)