22 November 2018

Ý NGHĨ BÌNH DÂN - Hồ Đình Nghiêm


Thời xưa đi học xa- sinh viên chứ không phải lẹt đẹt ở bình dân học vụ đâu- để cầm cự thoi thóp với chuyện sách đèn, tiền nào của đó tôi vẫn thường ghé quán cơm bình dân độ nhật, nhai nuốt cùng “giá áo túi cơm”. Y như tiền nhân Nguyễn Công Trứ: Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch (Hàn nho phong vị phú). Quyết không lấy đó làm điều, tuy chẳng là quân tử tôi nào coi trọng miếng ăn (dù nó là chuyện lớn).


Vừa qua, nhà báo Phạm Đoan Trang có ra cuốn sách mang tên “Chính Trị Bình Dân”. Xét hoàn cảnh từng trải, tôi thương chữ bình dân. Tôi nào có được học cao trông rộng gì, nên nghe an tâm khi kề cận với những thứ “bị” xem là bình dân. Tôi cũng mặc nhiên coi ý nghĩ của mình chỉ khoanh vùng ở mức bình dân.
Bình dân là chi? Thử cắc cớ một phen. Là đơn sơ, thấp kém, là phổ thông không sang chảnh. Là bụi bặm, là mặt mộc, là bụi môn, là rau răm, là lá hẹ, là lai rai ba sợi. Là vụn vặt đó đây, sương sương, nhan nhãn, rề rà. Là ngây thơ chân chất (và chân đất) dễ xiêu lòng nghe theo lời rù quến của chính nghĩa của cách mạng trên cao gửi xuống lời hô hào xúi bậy các thứ. Hoặc trường kỳ rỉ tai, tiêm nhiễm, đầu độc. Bình dân, dạng loại dễ thẩm thấu, chao đảo, thích chín bỏ làm mười, cốt yên thân, do vậy hơi bị ức hiếp, thiệt thòi. Thời mô cũng rứa. Đừng đào xới tại răng?


“Qua cầu cầu yếu phải nương
Điệu này biết bạn không thương ta rồi
Cực lòng ta lắm bạn ơi
Bỏ thề trôi nổi lệ rơi hai hàng.”

Tiếng nói của người bình dân, kiện tụng chẳng hạn, thường không đến tai cửa quyền. Tục ngữ, ca dao, điệu hò khoan nhặt do vậy là một cách thức thổ lộ, phô bày những ẩn ức, thoạt nghe qua cứ ngỡ là tức cảnh sinh tình. Nào giá trị cao sang. Chúng chỉ… bình dân.

“Bần dữ tiện thị nhân chi sở ố
bởi anh nghèo nên duyên số lửng lơ
cơ chi anh giàu sang như thiên hạ
bà nguyệt ông tơ đã xây vần.”

Nam bình dân nói xong tới phiên bình dân nữ:

“Cau em cũng không ăn
rượu em cũng không uống
mang bầu chịu tiếng
dạ khát khao ôm giếng mà ngồi
trách tấm lòng anh ở bạc như vôi
nghe ai lưỡi mềm chuốt ngót
bỏ em rồi anh ơi!”

Toàn cả than thở, trách cứ đời sống và đổ lỗi cho nhau. Tôi mới xem được tấm hình chưng rõ sự khác biệt giữa hai đối cực: Bình dân nghèo xác xơ và quan chức trân tráo với bao tài sản cướp đoạt được. Giữa thật thà và dối gạt hung hiểm. Ngây thơ ngác ngơ và ngang ngược phồng mang trợn mắt. Xem xong, lại một lần nữa đâm thương yêu nặng lòng với bình dân. An ủi chút gì, ngộ ra đó là tấm ảnh không bình dân một chút nào cả mà chắc tất thảy bá tánh từng ngó qua, hoặc “một tấm ảnh hơn vạn lời nói ra” đó vô tình đã mang bình dân vượt lên khỏi số phận hẩm hiu như đã từng để đi vào lòng người, số đông mãi đứng chung với tầng lớp chịu áp bức. Có nhiều lý do để góp thêm giá trị cho tấm ảnh, trong muôn một, chính là thời gian ghi hình rơi vào ngày 20 tháng 10. Ngày mà trong nước xem là Ngày Phụ nữ VN. Bức hình nổi bật hai chủ điểm, đại diện cho dân: đẹp mặt Nguyễn Thị Thuỳ Dương, bên kia hoá trang cho gang thép máu lửa của miệng nhà quan: Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Cả hai đều Nguyễn Thị, đều phận “nhi nữ thường tình”, nhưng thị Thuỳ Dương sáng rỡ chừng nào thì thị Quyết Tâm ngó tăm tối chừng đó. Ấy là bàn sơ qua về chuyện nhan sắc chứ chưa luận tới tên mang. Thuỳ Dương nghe dễ thương cách gì trong khi Quyết Tâm tượng trưng cho sắc máu không khoan nhượng. Đại trượng phu đứng gần, có cơ hội bàn chuyện mần ăn e cũng sa vào hoàn cảnh trên bảo mà dưới không nghe. Nôm na là khi gọi tên Thuỳ Dương sao thấy nó thân mật bình dân dễ mến đến lạ, còn nhắc đến Quyết Tâm cứ ngờ vực “nàng” như nhân vật trong Liêu Trai Chí Dị, vừa bước ra từ những trang sách luận cương chính trị, từ băng rôn biểu ngữ, từ hoan hô đả đảo… Đã thấy chưa? Muôn năm bình dân vẫn thu phục lòng người. Nguyễn Huệ Quang Trung cũng từ áo vải bình dân mà lôi kéo đám đông đi theo, rồi có ngày thành tựu mộng lớn đó thôi. Bình dân đã tạo nên chính nghĩa vậy!
Bà Trần Thị Mỹ, một cư dân Thủ Thiêm đã phát biểu: “Nhiều người nói tôi đi khiếu nại khi tóc còn xanh mà bây giờ nhìn xem tóc tôi đã bạc trắng”. Chao ôi là bình dân, nghe luống những ngậm ngùi! Một anh nhà văn tiếng tăm chưa chắc đã viết ra được một câu thoại “tầm cỡ” kiểu ấy. Tóc đã bạc mà chưa xong việc khiếu nại, vậy thì biết đến bao giờ? Trên đầu vẫn cuồng loạn những đám mây vân cẩu chẳng rõ chúng trôi về đâu. Trời đất mang mang, ai người tri kỷ? Chưa bao giờ, bây giờ cái dấu hỏi ấy nó lớn tới khủng khiếp!
Trên có mượn lời cụ Nguyễn Công Trứ, trích từ Hàn Nho Phong Vị Phú. Bài ấy còn có những câu:

“Gặp khi chân sẩy đường cùng, nên phải tới cửa này cửa nọ.
Thân thỉ to to nhỏ nhỏ, ta đã mỏi cẳng ngồi trì.
Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ.
Thầy tớ sợ men tìm đến cửa, ngảnh mặt cúi đầu”.

Thời nay có mỏi cẳng ngồi trì e cũng không yên, thế cho nên mới “bức xúc” sinh đột biến, dẫn tới hành động ném dép quăng giày. Nhưng mà thời nay vũ như cẩn so với thời phong kiến chuyện vuốt râu làm bộ với lại ngảnh mặt cúi đầu, trong khi một bộ phận không nhỏ người dân cứ luôn phải chân sẩy đường cùng. Xưa nay vẫn nguyên trạng một sự tình. Không nhớ chính xác có đúng là lời của Albert Einstein (?): “Chúng ta không thể thắng được bọn ngu, bởi chúng quá đông!”
Nghe đâu Nguyễn Thị Thuỳ Dương (thuỳ mị nết na) bị phạt 750.000 đồng cho “bọn ngu” vì “động thái” mà chị ấy thi triển môn Lãnh Nguyệt Bảo Hài nhắm vào Quyết-tâm-mù nghe lạnh đường dép bay. Tại sao không là giày? Xin thưa, đã là bình dân thì chân mang dép là phải đạo, ngó cho có chút tử tế khi vác mạng tới gặp mặt quan; chứ thông lệ bình dân thảy đều đi chân đất cả. Trên ruộng vườn nức nẻ phèn chua nước mặn, trên cuộc đất máu thịt cha ông để lại bỗng một sớm một chiều hỏng giò chẳng còn nơi đặt chân. Có bình dân không nếu bảo: Khóc đi em, hỡi quê hương dấu yêu?
Chân không mang giày, chân đi dép. Hạng bình dân thường nghèo, đắp đổi, xuề xoà chống cự với khó khăn, luôn trực diện. Gia đình chật vật, có con em còn ôm sách vở tới trường nuôi mộng vinh hiển mai này, thì con em đó ắt có khi phải chân sẩy đường cùng. Con em không bán mình chuộc cha như Thuý Kiều, con em bận nghe lời thầy gạ “đổi tình lấy điểm”. Ngựa quen đường cũ, nhằm trang trải học phí cũng như mua sắm nhu yếu phẩm kể cả dép bị đứt quai, con em phải cực lòng nghĩ tới việc bán dâm. Bộ giáo dục nghe thế rất lấy làm tâm tư bèn ra chỉ thị “Sự bất quá tam”: Cho em mang trôn đi bán tới ba lần thôi nhé. Thầy biết em “chơi” tới lần thứ tư là thầy đuổi học đấy, liệu cái thần l… hồn!

“Ngó lên độn cát, cát càng cao càng lở
Ngó xuống bến đò, đò càng chở càng đông
Ai nói với anh, em bán phấn buôn son?
Đâu còn chi nữa, anh đã đem lòng phụ em!”

Người bình dân cất giọng “hò ru em”, thường than thân trách phận:

“Em bước xuống đò
hai mái chèo, chèo thốc
ngó lên cánh buồm
gió giục buồm lay
ôi thôi duyên nợ lỡ vay
khác chi bèo nọ tan ra
khốn trông hiệp lại
buồn thay hỡi buồn”.

Họ khẳng định:

“Anh em là ruột là rà
Vợ chồng như áo cởi ra là rồi”.

Không biết “là rồi” mang ý nghĩa chi? Nó hay theo cách của nó, nó thuyết phục theo lẽ của nó. Tựa như bốn chữ “hết xôi rồi việc”.
Thời nay, món ca dao dường như đã thất lạc, chẳng mấy ai truyền khẩu, vọc chữ thêm. Ca dao không kịp đáp ứng với tình hình luôn sôi sục biến chuyển, bày ra những vấn nạn cười ra nước mắt.
Ngẫm lại, tôi là thằng người lạc hậu, vẫn xúc động khi nghe điệu hò trên sông vắng, chong đèn tìm về quá khứ ngồi đọc thầm ca dao. Tôi yêu giản dị, thật thà, bình dân. Tôi yêu những người tay không một tấc sắt. Tôi yêu người dân không đủ chữ để kêu gào nỗi oan. Tôi yêu thấp cổ bé miệng. Và tôi hiểu, bạn bè tôi giờ này học vị họ đã thành tựu, lên cao, xa cách vị thế và lối suy nghĩ bình dân của tôi một khoảng cách dài miên man. Nói có chút thời thượng rằng, khoảng cách ấy bằng đường đi một chiếc dép vừa cật lực ném ra, khỏi tay. Bình dân (chứ không là Buồn ơi) ta xin chào mi.

Hồ Đình Nghiêm
Halloween, 2018.