Vâng. Chuyện tình của những người tuổi ngoài sáu chục. Tuổi
hưu trí ở quê hương xưa nay. Tuổi sửa soạn dăm năm để lãnh tiền an sinh xã hội
của những người tỵ nạn. TUỔI GIÀ.
Nói là Già nhưng làm sao biết được mình tới tuổi già rồi nhỉ?
Phải chăng ở cái tuổi mà ta tốn tiền gia nhập các câu lạc bộ
thể thao thể dục mà chẳng bao giờ lui tới, vì ngại tới lui; tuổi mà cơ thể thấy
chỗ nào cũng đau nhức, không sử dụng được, duy có chỗ không đau thì lại bất khiển
dụng; tuổi đang mang kiếng trên mắt mà cứ đi khắp nhà tìm cặp kiếng; tuổi mà
ánh sáng từ đôi mắt tưởng như tinh anh nhưng thực ra là do nắng phản chiếu lên
kính hai tròng; tuổi cho là mình biết nhiều mà chẳng ai thèm hỏi ý kiến; tuổi
kè kè một cuốn sổ tay chằng chịt địa chỉ, tên bác sĩ, tên thuốc đau nhức; tuổi
luôn luôn tắt đèn mà mục đích là để tiết kiệm chứ không vì lãng mạn với người
phối ngẫu…
Hoặc là tuổi đã đóng góp nhiều công sức để phục vụ cộng đồng,
quê hương, gây dựng gia đình con cái; tuổi mang nhiều khôn ngoan, kinh nghiệm
trường đời; tuổi có thể an hưởng nhưng không quên tiếp tay với thế hệ đến sau
trong duy trì tinh hoa văn hóa dân tộc, truyền thống tốt đẹp gia đình Con Rồng
Cháu Tiên Việt Nam…
Trước hết là chuyện tình cảm thương yêu của những người già đơn côi.
Và xin phép mượn nội dung đoản văn “Tiếng chuông ái tình” của
Lê Khánh Thọ.
Chuyện kể cặp lão niên Quang và Liên gặp nhau vào một ngày rằm tháng bẩy khi
hai người lên chùa lễ Phật, làm việc công quả. Họ làm quen với nhau rồi “Tiếng
chuông ái tình” xuất hiện khiến hai trái tim già cằn cỗi bỗng nhiên “nhịp đập
nhanh nhanh”. Nàng tưởng như mình trở về thời nữ sinh Trưng Vương, còn tâm trạng
chàng thì như hồi cắp sách tới trường Quốc Học. Họ thương yêu nhau.
Mối tình của ông Quang với bà Liên thì được con cháu hỗ trợ
vì họ thông cảm đời sống đơn côi tuổi già không người chăm sóc của ông. Còn con
gái bà Liên thì đay nghiến “Mẹ già rồi mà không nên nết”. Bà khổ tâm than thở với
đám con cháu ông Quang. Rằng con bà không thông cảm tâm sự của người mẹ lớn tuổi
cô đơn. Rằng trái tim bà vẫn rung động như thời thanh xuân. Rằng bà cần tình
yêu thương của ông. Rằng ông 69 tuổi cũng cần người bạn đời nâng khăn sửa túi.
Nhưng họ vượt qua mọi trở ngại để thương yêu, hỗ trợ nhau như đôi nhân tình trẻ
không rời nhau nửa bước. Họ âu yếm chăm sóc nhau, dịu dàng trao đổi với nhau những
lời nói đầy những ân tình. Ông Quang thì tươi tắn rạng rỡ trông trẻ hơn trước đến
mười tuổi. Còn bà Liên thì hai ba ngày lại đi làm tóc, chau chuốt sắc đẹp, để gặp
người tình.
Câu chuyện dường như đưa ra đáp số cho vài thắc mắc.
Rằng góa bụa tuổi già vẫn còn tìm được nương tựa lẫn nhau
trong tình yêu đến muộn.
Rằng con cái cũng không nên quá khắt khe với tái giá tục huyền tìm bạn đường mới
của mẹ cha đơn côi.
Rằng tận tình chăm sóc qua lại cần phát sinh từ tình cảm chân thành với nhau.
Và rằng vợ chồng cao tuổi vẫn còn nhiều cơ hội tốt để thuận buồm xuôi gió đi nốt
đoạn chót cuộc đời với nhau.
Vì hôn nhân vợ chồng thuở ban đầu khắng khít là do yêu nhau. Đó là TÌNH, tình
yêu trai gái. Rồi với thời gian, hóa chất đam mê ban đầu cũng dần dần lợt phai.
Từ đây, gắn bó tình già sẽ từ sự hiểu nhau, sự chia sẻ vui buồn, phụ thuộc lẫn
nhau, thích nghi, trọn vẹn cho nhau.
Mức độ thỏa mãn trong hôn nhân ở giai đoạn này được nhìn qua
phẩm chất của đời sống hai người: hạnh phúc bên nhau, cố kết với nhau, biểu lộ
thương yêu, giảm thiểu phiền não. Hai người có thể yêu nhau trở lại khi cùng
nhìn về một hướng, sắp xếp cho tương lai cũng như tận hưởng hiện tại, giải quyết
trở ngại, khó khăn. Bây giờ đối với nhau cần có NGHĨA, nghĩa phu thê.
Phải chăng đó là do Tình và Nghĩa của những người rất thương
yêu nhau. Không nề hà tuổi tác. Vì như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã viết:
“Tuổi đó tuổi vàng hay tuổi ngọc;
Yêu nhau ai tính tuổi bao giờ”
Xuân Diệu thì:
“Tình không tuổi và Xuân không ngày tháng”
Và Goethe cũng thêm:
“So, lively brisk old fellow
Don’t let age get you down
White hair or not
You can still be a lover”.
Đó cũng là quan niệm của cụ Nguyễn Gia Thiều chúng ta:
“Có âm dương, có vợ chồng;
Dẫu từ thiên địa, cũng vòng phu thê”
Để được sống trong cảnh “Đôi chồng vợ ra vào khắng khít, mắm
muối mà vui”, như cụ Vương Hồng Sển đã viết.
Rồi đến chuyện TÌNH chung chăn chung gối, tình dục tuổi già vì ở tuổi này cũng
có nhiều điều để nói với nhau.
Có người bâng quơ hỏi rằng, vào tuổi này còn có nhu cầu “phòng the” hay không?
Rằng liệu họ có những khó khăn gì, có điều gì cần “đề cao cảnh giác”?
Rằng bị tiểu đường như tôi, mới mổ tim như ông nó thì có rủi ro nào khi lâm trận
thương yêu, đáp ứng sinh lý? Và nhiều thắc mắc tình trường lớn nhỏ khác nữa cần
được làm sáng tỏ.
Vì giải quyết sinh lý là một phần trong cuộc sống, trong các hoạt động của con
người. Khác chi nhu cầu thỏa mãn thực phẩm, không khí, giải trí, bạn bè. Mà người
tuổi cao không là ngoại lệ.
Nhà thơ lão thành Hoàng Cầm đã từng lạc quan với:
“Bạn ơi khi thấy ông già ấy
Bơi chải chìm trong mắt mỹ nhân
Xin chớ bĩu môi cười chế riễu
Hãy chào cái dáng dậy thì xuân”
Còn kinh nghiệm cổ nhân Đông phương ta vẫn điều độ trong quan niệm:
“Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất trản trà
Thất nhật dâm nhất độ
Lương y bất đáo gia”
Vậy thì nếu có thắc mắc thì cũng là chuyện hữu lý, thường
tình mà thôi.
Một trong nhiều thắc mắc thường được nêu ra là tới tuổi nào thì tình dục của
con người giảm hay mất đi?
Nhiều chuyên viên về vấn đề hấp dẫn giới tính đều đồng ý là sự đòi hỏi và khả
năng hành động tình dục của con người tồn tại suốt đời, trừ khi bị bệnh hoạn.
Hoặc theo quan niệm cũ xưa, tự cho là khi về già mình sẽ hết tình.
Từ năm 1926, Raymond Pearl đã nhận ra rằng 4% những người tuổi từ 70 tới 79 đều
làm tình ba ngày một lần, 9% thì mỗi tuần một lần.
Theo nghiên cứu của nhà tình dục học Alfred Kinsey vào năm
1948 và 1953 thì số những lần giao hợp của nam giới giảm dần, nhưng đa số đều
giữ được khả năng tình dục tới tuổi 70, 80; còn ở nữ giới thì không có thay đổi
mấy với tuổi già.
Master & Johnson, một tổ chức có uy tín về vấn đề tình dục, cũng có cùng nhận
định như A. Kinsey: đời sống tình dục ở người cao tuổi vẫn mạnh cho tới tuổi 80
hay hơn nữa, mặc dù nó sẽ thưa thớt dần và không vũ bão như lúc còn trẻ.
Ta biết rằng tình dục mạnh nhất vào tuổi 18, 20. Thống kê cho hay ở tuổi này, họ
có thể yêu nhau một tuần 3, 4 lần, đến lúc 40 tuổi thì 2 lần rồi một tuần một lần,
cho tới tuổi 60, 70 thì khi này khi khác, nhưng không mất hẳn.
Có người đã ví làm tình như đi xe đạp: đã biết đi xe đạp thì chẳng bao giờ quên
được, ngoại trừ không có xe mà đi hoặc xe đổi kiểu. Đang đi xe ghi đông cao, mà
đổi sang xe cuộc, xe đua, thì phải thích nghi với kiểu xe mới. Chỉ có một điều
khác là, ngược lại với động tác làm tình, ta phải bơm bánh xe đang xẹp trước
khi cưỡi nó. Còn làm tình thì cưỡi lên xe rồi mới bơm.
Năm 1981, Starr và Wiener nghiên cứu về tính dục của 800 người
trên 60 tuổi, đưa ra kết quả như sau: 99% trả lời vẫn còn muốn có tình dục; 62%
nói khi nhìn hình ảnh gợi tình thì cũng động lòng cao hứng; 75 % thấy đời sống
tình dục tốt đẹp hơn lúc trung niên vì không phải lo lắng gì; 88% than phiền là
chưa bao giờ được chỉ dẫn về tính dục lúc còn bé.
Theo bác sĩ Domeena C. Renshaw, giáo sư Thần Kinh Tâm Trí
trường Đại học Y khoa Loyola, Chicago, thì đời sống tình dục của con người tồn
tại cho tới khi chết và không có gì là bất thường khi bệnh nhân cần sự giúp đỡ
về vấn đề này.
Còn GS Frank E Kaiser, chuyên khoa người già của đại học St Louis, cho rằng:
“Thật là kỳ thị người cao tuổi khi gọi họ là già dịch chỉ vì họ tiếp tục muốn
có đời sống tình dục”
Năm 2000, phụ trang Parade bên Mỹ đã thực hiện vịêc thăm dò về đời sống tình ái
của những vị lớn tuổi: 40% quý vị trên 75 tuổi trả lời còn rất sung mãn về vấn
đề này; 45% nói vẫn còn tận hưởng lạc thú làm tình.
Kinh Cựu Ước có ghi: “Moses chết vào tuổi 120 mà nhãn quan vẫn tinh tường, khả
năng tình dục không giảm.”
Tục ngữ, ca dao ta có câu:
“Già thì già tóc già tai;
Già răng già lợi, đồ chơi không già”
hoặc:
“Càng già, càng dẻo, càng dai
Càng gẫy chân chõng, càng sai chân giường.”
Do đó, thưa quý đồng niên, còn vui xuân được thì ta cứ vui xuân, vì nếu không
“cái già sồng sộc nó thì đến ngay”.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức