09 March 2019

PHẤN QUỲ HƯƠNG - Trần Huy Sao


Khi tôi học lớp Nhì trường Tiểu học Bạch Đằng, tôi phải cám ơn chị Hương. Bởi vì, chính chị đã đưa tôi lên… đài danh vọng. Đã cho tôi ngây ngất hưởng cái phút giây được đứng trên bục giảng, được phép thay vào chỗ đứng của thầy giáo Ngữ dù chỉ là một vài phút phù du, để đọc to bài luận văn của mình cho cả lớp cùng nghe. Thầy Ngữ, thường ngày, rất là vui tính. Buổi sáng hôm ấy, khi vào lớp trả bài Luận văn của tuần trước, gương mặt Thầy trở nên nghiêm trang. Thầy kêu đúng tên tôi lên đứng trước bàn. Như thường lệ, tôi vòng tay đứng khép nép trước vẻ mặt nghiêm nghị và ánh nhìn xoi bói của Thầy. Cả lớp im lặng như nín thở, theo dõi từng cử động của Thầy. Phút yên lặng trải dài làm tôi chịu đựng hết muốn nổi. Thầy từ tốn sửa lại gọng kính, vuốt lại thẳng thớm chồng giấy Luận văn của lớp và lấy riêng ra một bài để riêng bên trái. Thiệt tình lúc đó tôi muốn vụt chạy ra khỏi lớp rồi đến đâu thì đến. Tôi chịu không nổi cái không khí ngột ngạt và dáng điệu khác lạ của Thầy. May là lúc đó Thầy tằng hắng lấy giọng, sửa lại dáng ngồi ngay thẳng rồi hỏi tôi:


– Bài Luận văn tuần rồi là của em làm?
Tôi ngơ ngác một thoáng, rồi trả lời:

– Dạ thưa, của em làm.
– Không có ai “” cho em? À, ý Thầy muốn nói là không có ai chỉ vẽ cho em cả?
Lúc này tôi đã lấy được phần nào bình tỉnh, dứt khoát trả lời để chứng tỏ mình lúc nào cũng ngay thẳng:
– Dạ không. Không có ai chỉ cho em cả
– Cũng không ai đọc trước khi em nộp bài?
– Dạ, cũng không.
Thầy gật gù. Vẻ mặt bớt nghiêm trang:
-Thầy muốn hỏi là tại sao em không viết về Mẹ hay hay Cha em như cả lớp đều viết. Em không yêu Cha, Mẹ bằng chị Hương à?
– Thưa Thầy, Cha Mẹ em là người em yêu kính nhất.
Thầy gật gù hơi mạnh làm cặp kính trễ xuống sống mũi. Lẹ làng, thành thạo, Thầy dùng ngón tay trỏ đẩy lên một cái, cặp kính trở về nguyên vị trí:
– Tốt. Tốt. (Thầy thoáng ngập ngừng). Nhưng… còn chị Hương, chị Hương nào vậy?
Tôi bối rối, chưa kịp trả lời. Thầy hình như nhận thấy câu hỏi của mình quá tò mò, vội nói:
– Thôi được rồi
và đưa cao bài Luận văn của tôi lên, tuyên bố với cả lớp:
– Đây là bài Luận văn đạt điểm cao nhất. Bài sẽ được đọc cho cả lớp cùng nghe
Thầy đưa bài Luận văn cho tôi, cố làm ra vẻ trân trọng:
– Xin kính mời, tác giả.
Cả lớp không hẹn mà cùng “ồ” lên một tiếng, ồn ào như cái chợ vỡ. Quả là một tin sét đánh ngang tai. Cái thằng tôi suốt cả quãng dài thời gian trong cuộc tranh tài, cứ lẹt đẹt gần như về chót với những bài Luận văn của lớp. Vậy mà hôm nay bỗng dưng bứt phá, giành được chiếc huy chương vàng óng. Trời còn muốn sụm nữa chứ nói gì cái lớp học chút xíu này. Chính tôi đây mà cũng cảm thấy váng vất cả đầu, không tin là sự thật. Thảo nào Thầy cứ gặng hỏi tới lui…
Lớp ồn ào quá, Thầy phải gõ thước xuống bàn, vãn hồi trật tự. Tôi vừa ngượng ngùng vừa vui sướng cầm lấy bài Luận văn từ tay Thầy. Hình như thấy tay tôi run, Thầy nhắc khẽ:
– Bình tỉnh. Bình tỉnh…
Cố gắng cách nào đi chăng nữa tôi cũng phải đứng lặng một đỗi để lấy lại trạng thái cân bằng. Tôi biết rằng, đây là cơ hội vàng ròng, chắc chắn sẽ không bao giờ có được lần thứ hai. Do vậy, tôi cố tình đọc to, ngưng giọng rất đúng ở những dấu phẩy, chấm và xuống đoạn. Thầy Ngữ thoáng ngạc nhiên, gật gù đắc ý theo nhịp đọc của tôi. Cả lớp, lúc đầu còn xì xào bàn tán, sau đó lại yên lặng lắng nghe. Tôi không thể ngờ là tôi có thể viết được như vậy! Hay dỡ thế nào thì chưa biết được nhưng mà cách hành văn thật là trôi chảy, dễ đọc. Tôi đọc một cách trơn tru liền lạc. Khi bài đọc chấm dứt, Thầy Ngữ cố tình vỗ tay thật lớn để cổ võ, nhưng cả lớp vẫn yên lặng chẳng có trò nào hưởng ứng cả. Tiếng vỗ tay hơi khựng lại, cụt hứng, rồi nhỏ dần.
Tôi bước xuống bục giảng trở về chỗ ngồi giữa cái không khí yên lặng và mấy chục cặp mắt nhìn ngẩn ngơ. Lần bươcù xuống đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong suốt quãng đời học sinh của tôi…
Buổi học trôi qua trong trạng thái bềnh bồng ngầy ngật. Tôi mang cái cảm giác đó cho tới khi tôi ngồi trên đỉnh đồi Trọc. Tôi muốn tìm chị Hương. Chị phải là người đầu tiên chia sớt nỗi mừng vui của tôi. Hàng ngày, chị vẫn thường đi quanh ngọn đồi Trọc này để lượm phân bò, phân ngựa. Chị mang sau lưng một cái “gùi” thật lớn như mấy người Thượng ở xã Lát. Dáng người còm cõi co ro, thầm lặng giữa cảnh đất trời bao la bất kể ngày mưa hay nắng, nóng ấm hay giá lạnh, thấy sao mà cô đơn buồn thảm quá! Tôi không biết chị từ đâu đến và ở làm công cho chú Vạn từ lúc nào. Công việc nhà vườn nặng nhọc, chị làm không hở tay, từ tờ mờ sáng cho tới tối mịt. Hình như chị không có một ngày nào rảnh, kể cả những ngày Tết là dịp để mọi người được nghỉ ngơi hội họp vui chơi sau một năm dài làm việc vất vả. Chị vẫn thầm lặng với công việc như mọi ngày. Không cười. Không nói. Dáng điệu lúc nào cũng hoảng hốt sợ sệt, cố tình lảng tránh mọi người. Chị là một cái bóng thầm lặng trong cái xóm nghèo vốn đã rất thầm lặng của tôi. Mọi người hình như đã quên lãng là có một người cùng xóm cơ cực còn hơn cả mình. Nhưng tôi, tôi vẫn nhớ và nghĩ đến chị. Chị đâu có họ hàng thân thích gì với tôi. Chị chỉ là một cái bóng mờ nhạt âm thầm dễ quên lãng trong nhịp sống áo cơm, trong cái xóm nghèo quanh năm tất bật với những công việc mưu sinh chật vật. Nhưng cứ mỗi buổi sáng nằm nướng trong chăn nệm ấm, tôi lại nghĩ đến chị. Giờ này chị đang oằn vai với đôi tùng tưới, đi từ luống rau này tới luống rau khác. Trời lạnh cắt da, làm sao chị có thể chịu đựng được, không phải một ngày mà là ngày này qua ngày khác! Những lúc ngồi trong nhà, bên cạnh lò than ấm áp trong khi ngoài trời mưa phùn và những cơn gió bấc lạnh lùng, tôi lại ngậm ngùi nhớ về chị. Giờ này chị vẫn phải đi quanh ngọn đồi Trọc để lượm từng bãi phân bò, phân ngựa. Chiếc quần đen vá chằm vá đụp, có nơi được buộc túm lại bằng những sợi dây thun. Chiếc áo len tưa sợi, tả tơi lòi cả hai cánh tay tím đi vì lạnh. Dáng chị vẫn nhẫn nhục âm thầm. Đứng lên, ngồi xuống cho đến khi chiếc gùi nặng trĩu trì kéo bởi sức nặng làm chị như muốn bật ngửa người ra sau. Mỗi lần nghĩ đến những hình ảnh đó, trong tôi có một cảm giác bứt rứt xốn xang không thể diễn tả được. Tôi chỉ là một thằng bé, tôi chẳng làm gì được, ngoài lòng cảm thương một con người cùng khổ tận cùng cả sự cùng khổ trong cuộc đời này. Có phải chăng đó là lý do để tôi viết bài Luận văn nói về cảnh đời của chị? Lúc bấy giờ thì tôi chưa nghĩ được điều đó. Sau này, khi nghiệm lại, tôi thấy đó là một lý do để tự giải tỏa tâm lý nặng nề, trì kéo trong lòng. Chính khi người ta nói lên được điều ấm ức trong lòng thì sẽ thấy dễ chịu hơn…
Lần đó, chờ mãi không thấy chị Hương, tôi cụt hứng tiu nghỉu bỏ về. Tất nhiên, người thứ hai tôi phải san sẻ nỗi vui mừng là Mẹ tôi.
Tôi hôm đó, tôi nhớ, khi tôi đang học bài thì Mẹ tôi nhẹ nhàng đi đến phía sau. Mẹ vuốt đầu tôi trìu mến:
– Mẹ đã đọc bài Luận văn của con. Con viết hay lắm, cảm động lắm.
Tôi cười ngượng nghịu, trong lòng cảm thấy vui sướng. Mẹ tôi để bài Luận văn xuống bàn, ngập ngừng một chút rồi hỏi tôi:
– Bài ni con có phải nộp lại cho Thầy không?
Tôi lắc đầu. Mẹ vội vàng cầm lên, thoáng nét vui:
– Vậy thì để Mẹ giữ bài Luận này. Mẹ muốn đọc thêm nhiều lần nữa. Mẹ sẽ giữ nó…
Tháng Mười-Hai, hoa Quỳ Hương còn rộ nở. Đường xóm nhỏ rực lên màu vàng óng nắng hanh của cuối mùa Đông, bắt đầu dợm bước qua Xuân. Những sáng trời se lạnh, nắng lên muộn màng, tôi đi giữa hàng Quỳ Hương hoang dại hai bên vệ đường. Nắng và màu hoa hòa nhập cho tôi có một cảm giác lâng lâng buồn. Chẳng biết buồn chuyện gì, nhưng có cảm giác vậy thôi. Buồn trời. Buồn đất. Buồn vu vơ. Chứ có gì mà buồn ở tuổi tôi, cái tuổi ăn ngủ vô tư!
Ba tôi nói tôi có tâm hồn nghệ sĩ. Tôi không hiểu một tâm hồn nghệ sĩ là như thế nào. Có hào phóng như Ba tôi không? Và nhất là có những bài Thơ mà Ông thường đọc lên cho bạn bè cùng nghe. Thơ đọc hoài không hết. Lúc nào trên bàn ngủ của Ông cũng có một cây đèn sáp, một cuốn vở trắng và một cây bút. Ông thường nói với chúng tôi là Ông sẽ ghi những câu thơ bất chợt đến trong giấc ngủ. Bởi thơ chợt về trong giấc ngủ là Thi Thần. Nhưng tôi có thấy Ông ghi lại câu nào đâu! Cuốn vở trước sau vẫn còn trắng giấy. Thường thì Ông làm thơ theo ngẫu hứng, đọc lên trong những lúc họp mặt bạn bè đông vui. Rồi sau đó, cũng chẳng thấy Ông ghi vào đâu cả. Những buổi họp mặt sau, Ông lại đọc lên. Bài thơ có thể dài thêm vài đoạn hay ngắn đi vài câu. Thêm bớt một vài chữ theo cảm hứng. Cũng chẳng thấy ghi vào đâu cả. Vậy mà, lúc nào Ông cũng có nhiều bài thơ để đọc cho bạn bè nghe. Để góp ý. Để luận bàn tương đắc. Thi Thần. Thi Tửu. Thi ngẫu hứng. . Thơ theo Ba tôi đi suốt cuộc đời nhưng mà không có giấy trắng mực đen. Những năm cuối đời, khi tôi gợi ý muốn gom hết những bài thơ của Ông để lưu giữ, sau này sẽ in thành tập để con cháu còn có dịp đọc và nhớ đến. Ba tôi đồng ý, hẹn một ngày nào thanh thản sẽ ghi lại ít chục bài tuyển chọn. Nhưng rồi, không có ngày nào gọi là thanh thản hết. Khi Ba tôi đi xa, Ông để lại chỉ có bốn bài thơ. Mỗi bài ngắn gọn chỉ có bốn câu để gởi cho bằng hữu, cho hiền nội, cho con cháu và một bài tự thân. Có lẽ Ông đã chuẩn bị bốn bài thơ này sẵn, từ khi biết là mình sẽ “không xong”. Bốn bài thơ ngắn, lại được nắn nót ghi chép cẩn thận, cho một đời người. Còn cả trăm bài chỉ là phút giây vui qua, chẳng nên xôn xao bận rộn vì nó làm gì.
Nhiều khi, tôi nghĩ, chính Ba tôi mới là con người nghệ sĩ. Còn tôi mà nghệ sĩ nỗi gì!
Ở quê tôi, Ba tôi thường nói, từ đầu thu cho đến lúc dợm vào Xuân là mùa-hương-phấn. Mùa Hương Phấn. Nghe sao mà lãng mạn, tình tứ và đầy chất thơ. Nhưng đó chỉ là một cách nói văn vẻ cũng như khi Ông ngẫu hứng làm thơ vậy thôi.
Thật ra thì thê thảm lắm! Hương phấn nỗi gì! Ho thắt cả ruột. Đầu lúc nào cũng hâm hấp nóng. Mũi dãi lòng thòng. Người lúc nào cũng thấy uể oải như con gà mắc dây thun. Đó là trạng thái của dị ứng khi hít phải phấn thông và phấn hoa Quỳ. Khi tiết trời bắt đầu se lạnh và những cơn gió chướng bắt đầu lồng lộng từ những đồi thông bạt ngàn, thổi tràn về thôn xóm. Những luồng gió vừa se da, vừa mang những bụi phấn thông li ti, tản mạn hòa nhập vào không khí. Kịp khi tàn thu, tiết Đông trời se lại, le lói nắng vàng nhưng hanh khô. Mùa hoa Quỳ rộ nở. Là lòai hoa hoang dại màu vàng tươi mọc bụi mọc bờ. Nhất là khi đi trên con đường có hai hàng hoa Quỳ đang mùa rộ nở, rực vàng dưới nắng. Tha hồ nhìn ngắm, tưởng tượng. Và cũng tha hồ hít thở những bụi phấn li ti
Ba tôi thường gọi là Phấn Thông Vàng, là Phấn Quỳ Hương. Những cái tên lại cũng thiệt là lãng mạn, tình tứ và đầy đặn chất Thơ. Nhưng thôi, đừng hơi đâu mà nghĩ đến những vẻ dáng mỹ miều đó nữa! Hãy cứ ngồi ủ rũ mà ho khan, tức ran lồng ngực. Hãy cứ lấy khăn tay mà lau cho mau những dòng mũi nước, nhớ là nhẹ tay chút, không thôi cái mũi lại đỏ như trái cà chua, rát chịu đời không thấu! Còn chuyện mỹ miều tình tứ gì đó là chuyện của người thơ, của Ba tôi. Căn bệnh theo mùa này chẳng làm chết ai nhưng thiệt là khó chịu. Bệnh một lần cho biết thú-đau-thương của Mùa Hương Phấn để rồi sau đó, được cái ân huệ là miễn nhiễm hoàn toàn. Mỗi người chỉ bị một lần, duy nhất một lần thôi, để nhớ đời và để làm kỷ niệm.
Cuối mùa Đông năm đó, bất ngờ cậu Tâm của tôi từ Huế vô thăm. Tôi có nghe Mẹ tôi nói nhiều về Cậu nhưng chưa một lần gặp mặt. Nghe đâu Cậu cũng có làm thơ viết văn. “Một con người cũng có tâm hồn nghệ sĩ lắm”, như Ba tôi thường nói. Mẹ tôi thì nhìn Cậu ở một cái nhìn khác. Mẹ nói Cậu là một nhà tu khổ hạnh. “Nếu như hắn đi tu, cuộc sống tu hành hợp với hắn hơn”, Mẹ tôi thường nói vậy khi có dịp nhắc đến Cậu.
Khi hai Cậu cháu gặp nhau ý nghĩ của tôi về Cậu có khác. Nhìn Cậu quả có một vẻ dáng đạo mạo, khắc khổ của một nhà tu. Nhưng đôi mắt nhìn của Cậu như có ẩn nụ cười và nhất là cách nói năng thì thật là trái ngược. Gặp tôi ở phòng khách, Cậu ôm tôi vào lòng trìu mến. Cậu cứ vuốt vuốt đầu tôi, mấy ngón tay ấm áp chà qua xát lại rồi ngừng lại ở sau ót. Cậu bật cười, ghé sát vào tai tôi thì thầm:
– Thôi, chết rồi chú mi ơi! Cái đầu ni bị méo rồi. Chắc là hồi nhỏ được nằm nhiều hơn là được bồng ẵm. Mai mốt lớn lên đi nắn lại nghe, con. Đừng để con gái chê là đầu cá lóc, ốt dột.
Tôi ngây thơ hỏi lại Cậu:
– Nắn bằng máy hả Cậu?
Cậu cười ngất, vỗ vỗ vai tôi:
– Nắn bằng tay cũng được, bằng máy làm chi cho tốn tiền.
Mẹ tôi ngồi bên, đẩy nhẹ Cậu một cái:
– Cậu ni thiệt! Biết nói giỡn nữa à! Răng không đi dạy mà vô đây. Có chuyện chi không?
Cậu lắc đầu, ôm tôi sát hơn:
– Cũng không có chuyện chi. Trường lớp phải sửa sang sau cơn bão lụt, vô thăm anh chị với cháu vài ngày sẵn dịp học cách trồng rau.
Mẹ tôi ngạc nhiên nhìn Cậu:
– Ủa, chớ bộ định bỏ dạy về vườn răng?
Rồi bà day mặt qua chỗ khác, làm mặt giận, nói lẫy:
– Đừng có nghĩ dại nghe. Hồi nớ chăn trâu chăn bò chưa chán hay sao? Quên lời Ba Mạ dặn rồi chắc. Khi Ba sắp “đi”, Ba có…
Đang ôm tôi, Cậu vội vàng bỏ tay chụp lấy vai Mẹ tôi lắc nhẹ:
– Thôi, thôi đừng nhắc nữa. Không có phải rứa đâu. Để em nói cho chị nghe mà…
Thấy Mẹ tôi vẫn còn làm mặt giận, Cậu nói bâng quơ:
– Không nghe thì thôi! Chuyện hay quá mà không nghe. Uổng thiệt. Uổng thiệt…
Mẹ tôi vẫn không quay mặt lại:
– Đang nghe đây. Chuyện chi, nói mau
Cậu nheo mắt với tôi, le lưỡi, lắc đầu:
– Chị còn nhớ nhà thờ Họ mình không? Có miếng đất hương hỏa phía sau đó. Em thấy năm nào ôn Tương cũng trồng rau thu huê lợi mà không ra chi cả! Muốn giúp Ôn, em vô đây học cách trồng rau, sẵn mua cho Ôn ít giống. Đất mô cũng là đất. Ngoài nớ, có nơi người ta trồng được tại sao mình không? Thấy Ôn già lụm cụm, cũng tội…
Mẹ tôi nghe Cậu nói xong vội quay người lại, đổi giọng vui liền:
– Ừ, em nói rứa thì nghe được. Để mai mốt thằng Tân dẫn em qua nhà chú Vạn coi cho biết. Giống rau hắn cũng có nhiều lắm
Rồi Mẹ nói với tôi:
– Dắt Cậu qua nghe con. Nhớ đừng quên đó
Đêm đó, Mẹ và Cậu tôi ngồi chuyện trò rất khuya. Tôi nằm chờ Cậu để hỏi cho ra lẽ về cái đầu méo của tôi, phải nắn bóp cách nào. Chờ hoài không thấy Cậu vô, tôi ngủ quên lúc nào không biết.
Ngày hôm sau, khi tôi đi học về, thấy Cậu bắt đầu có triệu chứng nhiễm phấn hoa. Cậu hắt hơi hoài. Tới chiều thì mặt mũi đỏ ngầu, ngồi co ro thiệt tội. Giấc tối thì nằm xụi lơ chịu trận. Đón khách phương xa kiểu này cũng thiệt là quái ác, nhưng như vậy mới có dịp nhớ đời!
Ngày hôm sau nữa, thấy trong người đã hơi khỏe, Cậu nhất định phải qua nhà chú Vạn. Trời đang trở tiết. Cái lạnh se da theo từng cơn gió thổi về từ hướng núi. Hai Cậu cháu đi dưới bầu trời xám, nặng nề những đám mây tưởng chừng như úp chụp xuống ngọn đồi Trọc phía trước. Qua khỏi ngọn đồi đó, nhìn xuống thung lũng là nhà chú Vạn. Dáng Cậu co ro trong chiếc áo bành-tô dày cộm của Ba tôi. Nhìn Cậu, tôi thấy Cậu giống con gấu đang từng bước một nặng nề lên con dốc dựng đứng. Lên nửa con dốc, Cậu ngừng lại thở rồi bỗng nhiên hỏi tôi:
– Chị Hương là người làm công cho chú Vạn hả?
Câu hỏi làm tôi khá ngạc nhiên. Tôi không trả lời Cậu mà hỏi lại:
– Ủa, sao Cậu biết chị Hương?
– Cậu có nghe Mẹ con nói, với lại Cậu cũng đã đọc…
Cậu ngập ngừng, ánh mắt nhìn xa xăm, khẽ thở dài rồi nói, như nói với chính mình:
– Sao lại có những cảnh đời cùng khổ như vậy được!
Cơn gió từ đỉnh đồi thổi tràn xuống, lạnh điếng. Hai Cậu cháu đi sát nhau hơn. Tôi nghe mơ hồ tiếng gió xoáy rít từ phía thung lũng, nghe rõ cả tiếng thở mệt nhọc của Cậu. Giữa cảnh trời đất bao la, Cậu cháu tôi như hai sinh vật nhỏ bé di động, cô đơn và đầy bất trắc.
Khi vừa lên tới đỉnh, tôi giật mình khựng lại trước hình ảnh đột ngột. Chị Hương. Chị đang ngồi khom xuống, chiếc gùi lớn trì kéo sau lưng. Bàn tay chị tái xám, đang nắm miếng phân bò đã se cứng. Gió xoáy cuộn từ dưới thung lũng vần lên làm tóc chị bay giạt về một bên. Chiếc áo len sờn rách tả tơi lòi hai khuỷu tay tím ngắt. Nghe tiếng động, chị giật mình ngước nhìn lên. Đôi mắt, lúc đầu, thoáng lên chút kinh ngạc, hoảng hốt rồi bỗng dịu xuống, sững sờ. Chị ngồi như người chết sững và đôi mắt đăm đăm nhìn về phía trước, về phía Cậu tôi không hề chớp. Tôi nắm lấy bàn tay Cậu giật giật, rồi nói nhỏ:
– Chị Hương. Chị Hương đó Cậu…
Và tôi ngước mắt nhìn lên, kinh ngạc sững sờ. Rõ ràng, tôi thấy đôi mắt chị Hương là đôi mắt Cậu. Cũng đăm đăm nhìn về phía trước, không hề chớp. Ánh nhìn trong đôi mắt đó, có một nét gì rất lạ mà tôi không thể nào diễn tả được. Vừa hung bạo, vừa dịu dàng. Cậu đứng lặng người như thế rất lâu. Hoảng hồn, tôi giật mạnh tay Cậu
– Cậu. Cậu…
Cậu vẫn nhìn đăm đăm về phía trước, rồi như người trong cơn mộng du, Cậu bước từng bước về phía chị Hương. Khi hai người đối mặt gần nhau. Cậu quỳ xuống, cởi chiếc áo bành-tô, phủ chụp lên người chị. Sự việc xảy ra đột ngột, tôi cũng hóa sững sờ. Chị Hương và Cậu tôi vẫn nhìn nhau . Chiếc áo bành-tô phủ lên cả chiếc gùi, nhìn chị như người gù lưng. Bỗng nhiên, chị thoáng giật mình rồi cúi gầm mặt xuống. Tôi nghe tiếng khóc vỡ òa không kìm hãm rồi chị bật người dậy vùng bỏ chạy xuống ngọn đồi. Chiếc áo bành-tô mắc vào chiếc gùi một khoảng xa, rồi rớt xuống nằm trên đám cỏ. Cậu tôi vẫn giữ tư thế quỳ trên đám phân bò, đầu Cậu cúi gập xuống. Tôi không dám làm kinh động Cậu. Tôi biết, dù rất mơ hồ, là có một điều gì đó rất khác thường, đã đến với hai người. Cậu tôi và chị Hương.
Cậu ở tư thế quỳ như vậy một lúc khá lâu rồi giật mình ngẩng lên, ngơ ngác nhìn quanh. Thấy tôi đang đừng nhìn, Cậu thở dài, nói:
– Thôi, mình đi về…
Tôi ngạc nhiên, hỏi lại Cậu:
– Nhưng mà mình chưa tới nhà chú Vạn mà Cậu!
Cậu tôi nói, như nói với chính mình:
– Tới. Nhất định là phải tới, nhưng không phải là hôm nay.
Hôm sau, lẽ ra Cậu về như dự định nhưng Cậu vẫn còn nán lại cùng với Ba Mẹ tôi đi đâu chẳng biết, suốt cả một ngày.
Buổi tối hôm đó, tôi còn nhớ, khi nằm trên giường ấm, Cậu hỏi tôi:
– Nghe Ba con nói mùa ni là mùa phấn gì đó, con hè!
Tôi trả lời liền:
– Là phấn thông vàng, là phấn quỳ hương.
Cậu cười khoái tra, ù rồi xuýt xoa:
– Trời ơi, cái tên nghe thiệt là hay! Nhất là phấn quỳ hương, sao mà đúng y.
Tôi thắc mắc:
– Đúng cái chi, Cậu? Bộ Cậu chưa thấy ớn sao? Con thấy Cậu mũi dãi lòng thòng, thảm quá trời! Cậu phải nhớ đời đó.
Cậu tôi nói thầm thì một mình:
– Phải nhớ đời. Phải nhớ đời. Nhớ cái phấn Quỳ bên Hương… Phấn Quỳ bên Hương. .
Rồi Cậu cười ngất. Tôi ngơ ngác, chẳng hiểu Cậu đang nói gì.
Buổi sớm, khi tôi thức dậy thì Cậu đã ra đi
Bỗng nhiên, cách khoảng hơn một tháng sau, vào đúng ngày hai-mươi-tám Tết, Cậu lại vào thăm.
Đêm hôm đó, hai Cậu cháu lại có dịp chuyện trò. Nhân vui câu chuyện, tôi nhắc lại chuyện phấn Quỳ Hương. Cậu lại cười khoái chí, nói với tôi:
– Đã quen, quen lắm rồi, con ơi!
Rồi Cậu ngâm khe khẽ
– “Đi đâu cho Thiếp đi cùng. Đói no Thiếp chịu, lạnh lùng Thiếp cam”.
Lại một lần nữa, tôi ngơ ngác, chẳng hiểu Cậu muốn nói gì!
Buổi sớm khi thức dậy, không thấy Cậu. Mẹ tôi nói Cậu đã đi rồi. Đi lúc ba-giờ-sáng.
Từ đó, Cậu không vào thăm nữa…
Vậy mà, cuối cùng, điều đáng nhớ trong đời tôi vẫn là Cậu. Lần này, có thêm Mợ của tôi. Thú vị hơn nữa, là có cả tôi trong đó.
Vào khoảng thời gian Hè, cách năm năm sau lần cuối Cậu vào thăm, tôi được theo Mẹ về quê cũ. Nhà đầu tiên tôi đến và người đầu tiên tôi gặp là Mợ tôi. Là chị Hương của ngày nào! Tôi đứng sững sờ ngơ ngẩn quên cả chào hỏi. Mẹ tôi và Mợ cầm tay nhau mừng rỡ rồi nhìn tôi, cười ngất. Tiếng cười của Mẹ thì vui. Tiếng cười của Mợ tôi nghe như có nghẹn ngào vì nước mắt Mợ lăn dài. Và Mợ ôm lấy tôi, lúc này, lại bật khóc lớn. Tự nhiên, tôi nhớ lại tiếng khóc ngày nào trên đỉnh đồi Trọc và tiếng khóc ngày hôm nay, sau năm năm gặp lại. Tiếng khóc của chị Hương ngày đó cũng có nỗi mừng vui nhưng có trộn thêm niềm tủi nhục. Tiếng khóc của mợ Tâm tôi nay chỉ có nỗi mừng vui, trọn vẹn. Hai tiếng khóc từ hai cảnh đời trái ngược đã lắng lại trong tôi những buồn vui lẫn lộn.
Khi hai Cậu cháu gặp nhau, Cậu bắt tay tôi. Điều đó, thầm nói với tôi rằng, Cậu đã nhìn tôi với một cách nhìn khác. Chỗ đứng của tôi trong Cậu không còn là chú bé ngày nào mà đã là một anh chàng bắt đầu dợm lớn, chững chạc hơn. Điều đó cũng đúng thôi vì tôi đâu còn ở độ tuổi tin rằng sẽ đi nắn cái đầu méo lại để con gái khỏi cười ốt dột, như ngày nào. Tôi đã “ cảm thấy” được cái nhìn trân trối của hai người trong phút đầu gặp nhau trên đỉnh đồi Trọc. Tôi hiểu được những câu nói bóng gió xa gần của Cậu đêm nào. Tôi cũng hiểu điều Cậu phải làm là cùng với Ba Mẹ tôi sắp xếp mọi việc một cách hết sức âm thầm cho hai lần ra đi , không phải của Cậu, mà của chị Hương. Một lần dàn xếp để chị ra đi khỏi nhà chú Vạn. Một lần sắp xếp cho chị ra đi khỏi một nơi tăm tối của cuộc đời. Cậu sẽ ngạc nhiên vì tôi còn hiểu nhiều hơn nữa. Tôi hiểu lời nhận xét của Mẹ tôi về Cậu. Tôi cho rằng, Cậu đâu cần phải đi tu, cho dù trái tim Cậu vẫn trầm luân cảnh đời trần tục nhưng tấm lòng Cậu có khác gì một bậc chân tu.
Nhưng, trong lòng tôi, vẫn còn có điều gì đó ấm ức. Có thể là vì lòng tự ái và thêm một chút, mặc cảm về sự tin cậy. Sự việc lớn lao như vậy mà tất cả mọi người đều gạt bỏ tôi ra ngoài, bình thản, dửng dưng. Tôi có nói chuyện này và tỏ ý dỗi hờn Mẹ. Mẹ tôi cười, dấu dịu:
– Con nói rứa cũng đúng, nhưng chuyện người lớn mà con! Ngày đó, con còn nhỏ, biết để làm gì? Bây giờ thì con đã biết mọi chuyện và cũng hiểu rằng người lớn đã không làm điều gì xấu để phải giấu con là được rồi.
Mẹ nói đúng. Nhưng tôi vẫn cứ còn ấm ức.
Như hiểu được điều đó, cho nên trước ngày tôi về lại, Mợ có ý kêu riêng tôi vào phòng khách. Mợ nghẹn ngào nói với tôi:
– Ngày đó, Cậu đã đem Mợ đi, đem Mợ ra khỏi cảnh đời tăm tối. Cho Mợ đươcï cái quyền làm con người. Dạy cho Mợ biết nói. Biết viết. Biết đọc. Biết thấy lại mình. Đối với Mợ, tưởng như là giấc mơ…
Rồi Mợ lấy từ trong túi áo một tờ giấy xếp tư đã phai màu. Cầm lấy tay tôi, Mợ lại nghẹn ngào:
– Đây là kỷ vật mà Cậu con đã dành cho Mợ. Mợ quý lắm, quý vô cùng. Ngày trước, Mợ mong rằng sẽ có ngày đọc được những gì trong đó. Nay thì đã đọc được rồi và đã đọc rất nhiều lần. Chỉ có một điều, Mợ đã nguyện là không bao giờ về lại nơi xưa. Mợ không đủ cam đảm nhìn lại cuộc đời của mình. Những năm, tháng đó như là cơn ác mộng. May là con ra đây. Mợ không có quyền giữ mãi được. Vật hoàn cố chủ, con cầm đi…
Tôi cầm tờ giấy từ tay Mợ và bỗng thấy bàng hoàng, sững sốt. Tờ giấy học trò đã úa màu theo thời gian, những dòng chữ cũng đã nhòe nhoẹt đi nhiều chỗ. Nhưng tôi làm sao có thể không nhận ra được, đó là bài Luận văn của tôi ngày nào! Bài Luận văn tôi viết về chị Hương. Chính là bài Luận văn đã một lần đưa tôi lên… đài danh vọng. Và chỉ có một lần, một lần duy nhất trong đời.
Sự việc bất ngờ quá làm cho tôi xúc động thẩn thờ. Mợ ôm chằm lấy tôi, tiếng nói Mợ lạc đi, tưởng như từ một nơi xa vắng nào đó, vọng về:
Con ơi! Bài Luận văn này của con đã cứu cuộc đời của Mợ… .

Trần Huy Sao
(Tuyển tập Thơ Văn VIẾT DƯỚI HIÊN TRĂNG, 2018)