27 April 2019

CHỒNG CON - Hồ Đình Nghiêm



Em lấy chồng. Bị tai nạn, em mới vừa hai mươi. Tôi nghe bạn em nói: Mi ăn gian, dám qua mặt ông anh để nhanh chân chạy đi tìm hạnh phúc mình ên. Em có hai cô bạn thân, Phạm và Nguyễn, cả hai vẫn còn kén cá chọn canh. Phạm quay sang tôi, giọng đùa cợt: Hồi nào tụi em mới được uống chút rịu nồng anh rót cho? Tôi trả lời: Không dám đâu! Chữ này vay mượn từ mấy cô, vẫn thường nghe mấy cô ưa dùng. Ngay cả em cũng vậy, lý ra em nên áp dụng “không dám đâu” trong trường hợp này. Đúng là em đã “ăn gian”, chưa gì tôi nghe hụt hẫng khi nghĩ tới chữ mình ên.
Em ở với tôi trong một căn hộ 4 rưỡi có hai phòng ngủ. Tôi đi cày quần quật, lương lậu dùng chi trả mọi thứ. Em cùng hai người bạn vẫn giữ một lập luận khó bề lay chuyển: Đàn ông con trai mà, lưng dài vai rộng nên ra án ở tuyến đầu khói lửa, đàn bà con gái chân yếu tay mềm ở hậu phương chỉ cậy nhờ có bấy nhiêu thôi. Nguyễn thì thắc mắc, cả hai khác họ, chắc không mắc mớ tới ruột thịt, vậy thì liên hệ anh em này nên hiểu là sao? Tôi biểu em làm phát ngôn viên, so ra đứa mồm năm miệng mười là em chứ lời tôi phân trần thì chẳng thuyết phục được một ai, bà con thêm dị nghị. Em lên giọng: Nhiều chuyện quá, nói đã nhiều lần mà bạn bè chẳng chịu nhập tâm. Cứ đa nghi tới bốn chữ “anh em kết nghĩa” là sao?

Chạy xấc bấc xang bang qua được tới chốn đây bọn tôi đều ra đi mạng không. Không tài sản, không gia đình, không tổ quốc. Vì lỡ ba không nên có thêm bốn không cũng chẳng lấy đó làm điều. Đám cưới em không việc gì mà làm rình rang cho tốn kém. Chỉ gửi email, chỉ điện thoại, chỉ nhắn miệng: Lễ Phục Sinh chúng ta có một long weekend, từ Good Friday cho tới Easter Monday, mời bằng hữu đến Quán Ba Miền chúng ta cùng chung vui.
Em lấy chồng, em không lên xe hoa, em không xuống đò sang ngang, em không có tứ thân phụ mẫu để gạt lệ thốt lời tạ từ rằng con sáo đã đủ lông đủ cánh âu cũng nên sổ lồng bay đi. Một đám cưới không giống thiên hạ, cổ kim chưa hề xảy ra. Mười nhân mạng âm thịnh dương suy đặt cọc một cái bàn tròn trong Quán Ba Miền có cấp giấy phép được quyền ực rượu bia. Ba Miền cho dễ tính, vì miệng lưỡi mười đứa tuồng không cùng khẩu vị. Sài Gòn Huế Hà Nội mỗi nơi có thu giữ đặc sản riêng, ông ăn chả bà ăn nem, ông thích múi mít bà khoái ngậm sầu riêng cũng là căn bản của tự do dân chủ chớ nên ngầy ngà bắt bẻ rằng khi yêu, yêu cả mùi mắm tôm hoặc mắm ruốc hoặc những món hiểm hóc bốc mùi khác. Ai bịt mũi thì ta phải tôn trọng tới khoảng ô nhiễm môi sinh, chớ lên mặt làm đày khuyến mãi nên ăn Chin-su hùm bà lằng gì đấy.
Chú rể, chồng em chính là thằng bạn thân của tôi. Nguyễn nói chùng vụng vào tai tôi: Anh xử sự như đứa quân tử dị đó. Anh cày bừa tắt quạt ở hãng xưởng thì giờ giấc đó bạn anh thoải mái vào nhà tự tung tự tác liên hồi kỳ trận khiến đứa em kết nghĩa của anh phải chịu mang trống chầu. Phạm lay tay Nguyễn: Gạo đã thành cơm, mi nói chi lời khét khê đến thế, quan trọng là bạn mình đồng tình đứng đợi cửa, chẳng nề hà việc bầu bì ăn cơm trước kẻng. Giờ này mà mang quân tử với tiểu nhân ra luận bàn thì thiệt chẳng hợp lẽ. Đáng quan tâm là nên chọn mua thứ quà cưới nào thực dụng và hôm đó tụi mình có nên trang điểm ăn mặc cầu kỳ không? Nó được mấy tháng rồi anh? Tôi làm hến mở miệng: Ba tháng thì phải.
Theo đề nghị của em là tôi nên đi tìm một cái ấp nhỏ mà an thân cư ngụ, để phụ chú về sự phân giải nọ, em kèm theo bốn chữ “độc thân vui tính”. Và bốn chữ khác “chín bỏ làm mười”. Phần em vừa lập gia đình, mai này sẽ sinh con nên tiếp tục “định cư” ở địa chỉ này. Đồ đạc chẳng có gì, tôi thồ hai chuyến xe là dứt điểm. Bàn ghế, kệ tủ và đống tạp chí sách báo Việt ngữ bao năm đặt mua dài hạn tôi gửi tặng lại cho đứa bạn thân và em một chút gì “văn hoá chữ nghĩa lưu vong”.
Tôi thuê một cái apt. 2 rưỡi vừa sơn sửa lại, lựa địa điểm gần chỗ cày bừa vì vậy khá khuất lấp. Tiền thuê hàng tháng gần bằng hai tuần lương. Có sẵn bếp lò tủ lạnh và bao luôn điện nước. Ngày đầu bước vào, tôi mang ý nghĩ giống như một đứa tỵ nạn vừa được đệ tam quốc gia thu nhận. Trống vắng, mới lạ đi kèm chút tủi thân. Tôi quen hít thở trong không gian giam giữ hương mùi của em, quen nghe những tiếng động do em tạo ra, quen ăn những thức chính tay em xào nấu. Đó là căn nhà cũ mà mỗi chúng ta khi vượt biên đều luôn hồi nhớ, quặn lòng.
Rồi em sinh con đầu lòng, em đi biển mồ côi. Nguyễn nhắn tin: Em đến chỗ anh rồi tụi mình vào bệnh viên cùng lần để thăm mẹ tròn con vuông. Em đã mua hai bộ áo quần em bé, phần anh chỉ lựa một tấm thiệp chúc mừng rồi ghi vào ít chữ. Cho địa chỉ đi, khoảng 6 giờ em lại.
Nguyễn tới, cô đi nhìn ngó từ trước tới sau, bình phẩm: Lạnh chết đi được, không nấu nướng, không ti-vi, không giàn máy nhạc, không sách báo. Bộ anh tính đi tu sao? Tôi giả ngây: Anh sẽ buông bỏ kinh kệ nếu em giả bộ làm ma nữ. Nguyễn cười, giọng trong vắt vang dội giữa căn phòng trống: Được, hồi nào tinh thần em xuống thấp, để tránh trầm cảm, em sẽ đến quấy phá anh, kéo anh về lại phía trần tục. Em sẽ mượn chỗ anh để tập món nữ công gia chánh, bếp lò tinh tươm như thế mà không để nó dính dầu mỡ nghĩ cũng uổng phí. Tôi gật gù: Lời em thật chí lý, anh nghe rất ăn ý. Hình như em tuổi Tý?
Chúng tôi đến bệnh viện, hỏi thăm khu hộ sinh và được bày đường là các sản phụ hiện tĩnh dưỡng ở lầu 4. Vào tháng máy, chỉ có Nguyễn và tôi. Túi quần tôi luôn chêm nạm tiền giấy cho ấm, nếu ở Việt Nam đổi ra 200.000 có thể tôi sẽ mạnh dạn dồn Nguyễn vào một góc mà hôn hít cưỡng dâm chả sợ phạm luật. Nguyễn ngó tôi, nhắc lại câu “bộ anh tính đi tu thật à?”. Tôi nói khi cửa thang máy vừa mở rộng: Chữ tu có đồng nghĩa với chữ tù chăng? Cộng đồng mạng có liên tu chửi bới?
Em không xanh xao như tôi tưởng tượng mặc dù em sinh đẻ tự nhiên, họ chỉ chích một mũi kim sau cột sống. Thằng nhỏ nặng ba ký tám, em cho Nguyễn hay, nó khóc to lắm, làm như nó muốn khóc giùm mình vậy. Một người đàn bà, một người con gái cứ tỉ tê chuyện đẻ đái cho nhau nghe, liên hồi trút bầu tâm sự. Ở đây lạ lắm, y tá biểu mình gắng tự lực mà bước đi vào phòng vệ sinh một mình, đừng kiêng cử gió máy nước nôi các thứ. Họ mà nghe trùm chăn ngồi xông lửa cho cửa mình thu bé lại chắc họ chết khiếp. Đứa bé đâu? Ờ, chúng nằm cách biệt, chốc nữa mới mang tới để mình cho bú. Mi có đủ sữa cho bé không? Có chớ, chảy ra ngon lành mà… Em ngước mắt lên tôi: Họ biểu em đặt tên cho baby để làm giấy khai sinh, anh thấy Trần Tinh Tú nghe có đặng không? Nguyễn chen vô: Sao, có đẻ con mới thấy tinh tú quay cuồng hả?
Họ tên đầy đủ của bạn tôi là Trần Nam Tĩnh, em tên Tú Trinh. Như vậy cho con em mang tên vậy thì cũng ô kê. Tôi hỏi: Ba nó đi đâu hổng thấy? Ảnh chạy đi mua cho em tô cháo cá vì nghe em than nhạt mồm, nuốt thức ăn ở đây không trôi. Ảnh chìu em lắm, trao toàn quyền cho em việc đặt tên con. Tội nghiệp, người gì ít ăn ít nói, mấy đêm nay ảnh ngủ không tròn giấc, thương hết biết!
Vì không có liên hệ huyết thống với sản phụ lẫn hài nhi nên y tá đuổi khéo chúng tôi ra. Lần này, khi trở xuống gặp phải bốn người đứng sẵn trong thang máy, nếu vắng tẻ mồm miệng tôi đang nhạt dám liều mạng húp tô cháo lú từ môi mọng của Nguyễn gợi mời chực trao. Nguyễn đòi tôi đưa cô về nhà, cô bảo thấy đàn bà sinh con sao ngán quá, chẳng biết đó có phải là nghĩa vụ thiêng liêng? Tôi thưa: Cái muốn khác với tai nạn, nếu không muốn người ta có trăm phương nghìn cách để ngăn ngừa, như kiểu dầm mưa thì nên mặc áo đi mưa chẳng hạn. Về tới trước cửa, Nguyễn hứa hẹn, hôm nào trời mưa em sẽ đến gõ cửa phòng anh, đêm tối cho thêm phần lãng mạn.
Có hôm đi làm overtime về tôi thấy có tờ giấy gấp làm tư dán trước hộp thư của tôi. Mở ra, đọc phải hàng chữ của bạn tôi, Trần Nam Tĩnh mần thơ:

Thà làm điều tốt gần nhà
Hơn đi xa thắp hương mà cúng vái
Biết chạy thẳng hơn quẹo trái
Va vấp xanh máu mặt tái cũng đành
Trao nhau chút của để dành
Người đi thủng thẳng chẳng rành sáu câu
Vọng cổ ứ hự niềm sâu
Cải lương xuống thấp ta rầu phận nhau
Môi hôn tình lỡ vội lau
Đắp bồi an ủi nỗi đau vẫn tràn.

Tái bút: Không riêng cô Phạm, ngay cả mọi người đến thăm đều nhận xét về một thực tế đau lòng: Đứa bé sao mặt mũi nó giống y như người anh kết nghĩa với vợ anh. Tôi tự hỏi, giữa hai đứa mình, tôi và bạn, ai là kẻ hạnh phúc? Nghe Nguyễn nói vu vơ rằng bạn có ý định tu? Bạn đừng đi xa thắp hương cúng vái cho nhọc sức, ghé tới nhà tôi biểu lộ bao điều thiện cho vợ con tôi được viên mãn một nụ cười tròn trịa. Ôi, tình bạn! Ôi, tình yêu! Than thì than vậy chớ tôi chưa thấu hiểu “đời là bể khổ, tình là dây oan”.

Hồ Đình Nghiêm
Lễ Phục Sinh 2019