04 April 2019

KHOẢNG CÁCH - Trần C. Trí


Anh đã đến cái tuổi nhớ chuyện xưa nhiều hơn chuyện nay. Nhất là số và tên. Nhiều con số liên quan đến những chuyện xa lăng xa lắc, hay tên tuổi của nhiều nhân vật đã chìm rất lâu vào quá khứ, anh vẫn nhớ rõ mồn một. Ngược lại, nhiều con số quan trọng trong sinh hoạt thường nhật hay ở sở làm, hoặc tên tuổi của nhiều người tiếp xúc với anh hầu như hằng ngày, anh lại quên một cách dễ dàng. Chẳng hạn như chiều hôm nay, vợ con đi vắng cả, anh ra ngồi ở hàng hiên sau nhà. Nắng hanh vàng phủ trên cỏ xanh và hoa dại một mầu mật óng ả, ngọt ngào. Tách trà thơm trên bàn toả ra mùi thơm thanh thoát, vừa đưa anh ra khỏi thực tại, vừa kéo anh về một quá khứ nào xa thăm thẳm ở quê nhà. Không dưng bốn chữ Nha Trang Thương Cuộc hiện ra trong trí anh. Và cùng với cái tên đó, khung cảnh nhà ông ngoại cũng bừng sáng, linh hoạt trong ký ức của anh. Dãy nhà hình chữ H nằm khuất sau một khoảng vườn rộng mênh mông phía trước với cây cỏ đủ loại màu sắc và hương thơm. Những con người bên trong đi qua đi lại, nói cười, bận bịu tíu tít. Những âm thanh khi náo nhiệt, khi trầm lắng. Cánh nhà bên trái là nơi ăn ở, sinh hoạt trong gia đình. Cánh nhà bên trái dành cho hoạt động xuất nhập cảng của đại gia đình mà ông ngoại là đầu tàu.

Cùng với cái tên của công ty, anh cũng không bao giờ quên số điện thoại của nó. 2284. Công ty của ông ngoại thành lập khoảng cuối thập niên 60. Vài năm sau, nhu cầu sử dụng điện thoại tăng cao. Mỗi số điện thoại thời đó phải thêm một số 0 sau con số thứ nhất. Số điện thoại của Nha Trang Thương Cuộc, vì thế, đã trở thành 20284. Vặn nhanh đến mấy mươi năm sau, số điện thoại ở Việt Nam bây giờ là đến bao nhiêu con số ? Anh chưa bao giờ bấm số gọi ai ở quê nhà. Qua bạn bè, người quen, anh biết được ngày nay số điện thoại trong nước đã lên đến nhiều con số, tuỳ theo loại. Chẳng hạn như số điện thoại nhà hay công sở thì 7, có khi 8 số. Còn điện thoại cầm tay đến 10 số. Ở ngoại quốc gọi về Việt Nam còn phải bấm hai số cho quốc gia, hai số vùng, để gọi điện thoại nhà hay cơ sở thương bại, vị chi là đến 11, 12 con số.
Nhưng thật ra anh không cần bận tâm chi đến những con số rắc rối như thế của ngày nay. Anh chỉ nhớ là ngày xưa khi ở nhà, lúc cần má, anh chỉ việc cầm điện thoại lên, quay số 20284 là bên đầu dây kia đã nghe tiếng má : “A-lô ! Nha Trang Thương Cuộc nghe đây ạ.” Hiếm khi anh gọi mà má không có mặt tại bàn giấy để bắt điện thoại. Má được ông ngoại giao cho công việc ở văn phòng chính của công ty, giao dịch bằng thư từ hay điện thoại với các hãng lớn nhỏ từ Sài Gòn trở ra miền Trung, lên cả tận Đà Lạt, trong tất cả những công việc liên quan đến xuất nhập cảng đồ thủ công mỹ nghệ thời đó. Má và các dì đi làm đều mặc áo dài rất thướt tha, như rất nhiều phụ nữ cùng thời. Nha Trang ngày đó sao mà nhỏ gọn, mà thanh bình. Hằng ngày má đi bộ từ cư xá sĩ quan lên đến nhà ông ngoại để làm việc, nắng cũng như mưa. Khoảng cách mà ngày nay anh tưởng tượng rằng chắc chẳng còn ai chịu khó đi bộ như vậy nữa. Anh không thể nào quên hình ảnh má lầm lũi đi đều bước đến chỗ làm, băng từ đường này sang đường khác. Má hay vừa đi vừa cúi đầu, nhìn hình ảnh đó có một điều gì buồn buồn làm sao đó. Chỉ có một chi tiết vui vui là vì hay cúi đầu đi, thỉnh thoảng má lại bắt gặp một tờ giấy bạc của ai đó làm rớt trên vệ đường.
Thốt nhiên anh nhìn qua cái cell phone để bên cạnh tách trà và muốn nhấc nó lên để bấm số gọi má quá đỗi. Tim anh chợt đập mạnh, nghĩ đến lúc mình bấm hai số Việt Nam, cộng hai số vùng cho Nha Trang, rồi 20284, thì sẽ ra sao nhỉ? Chuông điện thoại sẽ reo lên bất tận vì đó chỉ là một con số vô nghĩa của một thời nào xa tít tắp trong quá khứ? Hay má vẫn bắt phone lên như ngày trước? Hay là một người xa lạ nào khác? Anh chợt thèm nói với má thật nhiều, kể lể đủ thứ, y hệt như ngày xưa. Chắc má sẽ gắt nhẹ: “Có vậy mà con cũng gọi. Để cho má làm việc. Lúc nào cần mới kêu má chứ!” Chắc anh cũng ước gì mình còn nhỏ dại như thuở đó, để vùng vằng đặt điện thoại xuống, phụng phịu với má qua cái máy vô tri vô giác nằm im lìm sau khi kêu một cái “cụp” cộc lốc dưới bàn tay hờn dỗi của anh.
Tiếng mở cửa lách cách phía trước nhà cùng với tiếng hai mẹ con vừa bước vào vừa cười nói chợt kéo anh về thực tại. Anh ngoảnh lại nhìn vào trong. Hoàng Lan đang đưa tay vuốt má Jimmy, nói gì đó trong tai thằng bé. Jimmy rời mẹ và chạy ra patio. Nó ào đến, ôm choàng lấy anh, thủ thỉ: “Bố làm gì ngồi một mình ngoài này vậy?” Anh cũng vòng tay ôm con, hít hít mùi tóc khét nắng quen thuộc của thằng bé, không trả lời. Nắng cũng vừa nhạt trên sân cỏ. Tách nước trà anh quên uống cũng không còn thoảng mùi thơm nữa.
…………………………………………………………………..

Tối hôm qua anh không ngủ được. Suốt đêm anh cứ chập chờn, mê không ra mê, tỉnh không ra tỉnh. Mọi khi mất ngủ như vậy, anh đã vùng dậy ra phòng ngoài bật ti-vi xem cho buồn ngủ trở lại. Hay ra ngoài sân sau ngồi cho đến khi rục rã mới trở vào dỗ giấc ngủ. Nhưng lần này anh cứ nằm đó, chong mắt nhìn cái trần nhà trắng toát. Bên cạnh, Hoàng Lan ngủ thật say. Thỉnh thoảng cô ngáy nhè nhẹ một chút. Cách ngáy của cô cũng khoan thai, từ tốn như trong tất cả những gì cô làm ban ngày. Không biết anh có tưởng tượng hay không, nhưng hình như có lúc cô còn mỉm cười trong bóng tối nữa. Điều mà nhất định anh không tưởng tượng là tiếng thở dài của chính mình, cũng trong bóng tối. Đêm cứ thế chầm chậm trôi qua. Nếu có ai lắng nghe thật kỹ, sẽ nghe được những tiếng ngáy nho nhỏ quyện vào dăm ba tiếng thở dài trong ánh sáng nhờ nhờ của bầu trời nửa tối nửa sáng từ bên ngoài hắt vào căn phòng ngủ mênh mông, lạnh lẽo lúc gần sáng.

Khi đến chỗ làm thì anh chỉ muốn gục ngay xuống bàn. Mắt anh cay xè, hai thái dương căng cứng, miệng khô khốc. Ánh nắng hồng tươi của buổi sáng sớm đã tràn vào văn phòng của anh, nhưng không đủ làm anh tỉnh táo được chút nào. Cô thư ký đã mang vào cho anh ly cà phê đậm như mọi lần, và anh đã nốc cạn chỉ trong một thoáng. Cũng chẳng thấm vào đâu. Anh loạng choạng đi vào phòng vệ sinh để rửa mặt. Anh vốc từng vốc nước mát lạnh, xát liên hồi vào mặt, gáy, cổ. Thấy đỡ hơn một chút, anh thong thả trở lại văn phòng, ngồi thừ xuống chỗ bàn giấy. Anh ngó mông ra làn cửa kính của tầng thứ năm trong toà nhà công ty. Những toà nhà cao thấp chung quanh như nhấp nhô trong biển nắng hồng buổi sáng. Chúng như lúc ẩn lúc hiện trong một thế giới khác, ngoài thế giới của riêng anh.
Anh uể oải bật cái computer lên. Những con số chi chít trong bản kết toán mà anh đang cố hoàn tất cả tuần nay còn nằm nguyên trong máy. Mắt anh hoa lên. Các con số chồng chéo lên nhau rồi xoay tròn trên màn ảnh làm anh choáng váng. Rồi tự nhiên con số 20284 chợt loé lên thật to, nổi bật lên ngay giữa màn ảnh, trong khi những con số khác nhạt nhoà đi, làm thành một cái nền cho con số điện thoại to tướng đó nằm chính giữa. Anh lại tần ngần ngó cái điện thoại nằm im lặng trên bàn. Anh chỉ cần với tay một chút là có thể nhấc cái ống nghe lên rồi bấm số vào máy. Đơn giản chỉ có vậy thôi.
Mấy hôm trước, anh có hỏi cô thư ký xem muốn gọi về Nha Trang thì cần bấm những số nào. Cô vào mạng xem một chốc rồi cho anh biết: “Chú bấm 84 là số để gọi Việt Nam, rồi chú bấm tiếp số 25 là số vùng của Nha Trang, xong chú bấm số điện thoại chú cần gọi.” Trong lúc anh đang nhíu mày như để cố ghi nhớ hết những con số đó, cô thư ký tinh nghịch nói tiếp: “Hồi giờ cháu đâu có bao giờ thấy chú gọi ai ở Việt Nam đâu. Cháu nói cái này chú đừng ký đầu cháu nhe. Chú gọi điện thoại cho bồ nhí ở bển hả chú?” Anh nhớ lúc đó mình đã cười khà khà đáp lại: “Ký đầu cô thì tôi được cái gì? Tôi còn cám ơn cô đã làm tôi cảm thấy mình còn có giá lắm là đằng khác!”
Rồi ngày làm việc cũng thong thả trôi qua. Anh cặm cụi làm cho xong bản kết toán để sẽ đem ra trình bày trong buổi họp cuối tuần. Trời mùa xuân nên ánh sáng ban ngày còn nấn ná thật lâu. Khi anh gõ những con số cuối vào máy, đồng hồ trên tường vừa vặn chỉ 5 giờ 15 chiều. Cơn buồn ngủ ngầy ngật ban sáng không còn nữa. Nhưng anh cũng không muốn đứng lên để ra về chút nào. Có lẽ Jimmy thì còn mong anh về chứ Hoàng Lan thì… Thốt nhiên, anh tự hỏi bây giờ là mấy giờ bên Việt Nam. Anh mở cái cell phone ra, đi vào chỗ giờ quốc tế và thấy rằng bên đó đã sáng rồi. Như ngày xưa thì giờ này má đã lên nhà ông ngoại, bắt đầu một ngày làm việc mới. Còn anh cũng ở trong lớp học như mọi ngày. Ý tưởng gọi điện thoại cho má chợt trở về trong anh. Anh bật cười nhỏ với ý nghĩ vớ vẩn đó. Nhưng rồi nó không chịu rời anh nữa. Anh mường tượng ra má ngồi nơi bàn làm việc, bận rộn với những xấp giấy tờ và những cú điện thoại thỉnh thoảng lại reo vang. Má mặc một chiếc áo dài màu mỡ gà, tóc bới gọn về phía sau. Thân hình má hơi đẫy đà. Má thường đổ thừa là do phải cố ăn những món mà ba và anh không chịu ăn hết.
Hôm nay thì thì anh muốn gọi má lắm rồi. Anh cần nói chuyện với má thật chứ không phải để mè nheo vớ vẩn. Chắc má sẽ không la anh, bảo để khi khác hãy gọi. Nhưng sau khi anh bấm số thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tim anh đập nhanh hơn với ý nghĩ đó. Anh không muốn nghĩ đến những tình huống khác nhau khi chuông điện thoại bắt đầu reo ở đầu dây bên kia. Rồi không gian chung quanh bỗng nhạt nhoà đi, ánh nắng không còn hực hỡ như vài phút trước đây nữa. Anh chỉ còn cảm thấy một sức thôi thúc lạ kỳ, mời gọi anh vươn tay tới cái điện thoại. Anh chợt làm động tác đó một cách máy móc. Rồi như từ trong vô thức, anh bấm nhanh dãy số 84 25 20284. Chuông điện thoại bắt đầu reo bên kia đầu dây. Một lần. Hai lần. Ba lần. Có tiếng máy nhấc lên. Rồi giọng quen thuộc của má: “A-lô! Nha Trang Thương Cuộc nghe đây ạ.”
Hơn ba mươi năm rồi anh mới nghe lại giọng má. Anh ngập ngừng nói: “Má…”, rồi nghẹn ngào không còn nói gì thêm được nữa. Bên đầu dây kia, giọng má thật bình thản: “Huy đó hả con? Sao giờ này còn sớm quá mà con đã gọi? Má mới bắt đầu làm việc thôi.” Anh muốn khóc. Thật lâu rồi anh chưa bao giờ được khóc. Hai mũi anh cay nồng. Anh hít hít vài cái, lấy lại bình tĩnh rồi nói: “Má khoẻ không? Con chỉ muốn gọi hỏi thăm má vậy thôi.”
May quá, lần này má không la anh vì sao không có gì cần mà lại gọi má. Anh lắng nghe giọng của má, như muốn nuốt từng lời, từng chữ. Giọng má thật thản nhiên như giữa má và anh chưa từng có một sự gián đoạn nào về thời gian hay không gian. Má cũng hỏi thăm anh, nhưng không phải kiểu như lâu ngày hai người mới nói chuyện với nhau. “Jimmy ngoan chứ hả con?” – “Dạ, nó ngoan và chăm học lắm má à.” “Công việc con rảnh lắm sao mà có thì giờ gọi cho má vậy?” – “Bên này tới giờ đi làm về rồi mà má.” “Con đang gọi má ở đâu vậy?” – “Dạ, con còn ngồi trong sở.” “Sao lại còn ngồi đó? Không đi về kẻo con Hoàng Lan lại trông.”
Anh chợt cười chua chát: “Cô ấy không trông con về đâu. Má đừng lo.” – “Ý, sao con lại nói vậy?” – “Hoàng Lan hết thương con rồi, má à!” – “Trời đất, chuyện gì xảy ra vậy con?” – “Chẳng có gì xảy ra hết. Mọi sự diễn ra một cách từ từ thôi.” – “Con nói như vậy là sao? Má không hiểu.” – “Đơn giản lắm, má. Cô ấy hết thương con, đi thương người khác rồi.” – “Ủa! Người khác là ai?” – “Má nhớ thằng Hiền không?” – “Thằng Hiền học với con từ hồi tiểu học phải không? Ai chớ thằng đó thì má nhớ. Bộ con quên có lần nó lên nhà ông ngoại chơi với con, bị con chó của ông ngoại nhào đến sủa, má chạy ra đuổi giùm nó, trượt chân té sóng soài đó hay sao?” – “Đúng là thằng Hiền đó đó má.” – “Rồi thằng Hiền nó quyến rũ vợ con hả?” – “Chẳng ai quyến rũ ai hết má à. Hai người tự động tìm tới nhau. Lớn hết rồi mà.” – “Tụi nó cặp kè ngay trước mũi con? Rồi con chịu trận như vậy à?” – “Họ đâu có cần cặp kè đâu má. Họ siêu lắm.” – “Siêu là sao?” – “Là họ không cần làm những chuyện thường tình như đi chơi với nhau hay nói với nhau lời này tiếng nọ cho lộ liễu. Họ chẳng cần hẹn hò riêng tư gì cả. Nhưng nếu có dịp gặp nhau ở nhà con hay ở nhà thằng Hiền, họ chỉ cần trao đổi với nhau những ánh mắt mà người khác phải ý tứ lắm mới bắt mạch được.” – “Vậy thì tụi con còn qua lại với nhau làm chi để tạo điều kiện cho tụi nó?” – “Vợ chồng thằng Hiền với vợ chồng con chơi với nhau mấy chục năm nay rồi. Con cũng không biết làm sao chấm dứt chuyện qua lại. Con có bắt được tay vây được cánh gì đâu mà tự dưng thay đổi những thói quen từ trước tới giờ được.” – “Con vợ thằng Hiền có biết chuyện này không?” – “Con nghĩ là cô ấy cũng biết. Nhưng chẳng ai làm được gì cả.”
Má đột ngột nói: “Có xe hàng mới từ Sài Gòn ra. Má phải ra kiểm hàng. Bữa khác con gọi lại má. Đừng làm chuyện gì dại dột nghe con. Phải nghĩ tới thằng Jimmy.”
Anh luyến tiếc gác máy xuống. Nhiều cảm xúc khác nhau vẫn dạt dào trong anh, nhưng bây giờ thì anh cảm thấy hoàn toàn bình tĩnh, không còn hoang mang như trước nữa. Buổi tối đã đến, căn phòng anh ngồi nhá nhem vì anh mải nói chuyện không bật đèn. Nhưng hàng trăm ngàn ánh đèn từ những toà nhà chung quanh đã đua nhau bừng lên, lấp lánh đủ màu. Một lần nữa, anh thấy mình ở trong một thế giới rất riêng tư, tăm tối, cô độc, trong khi thế giới bên ngoài chói chang đèn đuốc, như đang hăm hở bước vào một thời điểm thân mật, ấm cúng của thời khắc đoàn tụ trong mỗi gia đình sau một ngày làm việc. Anh rời văn phòng. Mọi người trong công ty đã ra về hết cả. Anh đi thang máy xuống tầng hầm để lấy xe. Xa lộ buổi chiều kẹt cứng như mọi ngày. Anh thong thả lái xe, cho xe nhích từng chút trong dòng xe hối hả, đông nghịt. Có gì phải vội vàng đâu. Anh chợt nhớ tới một câu trong bài học tiếng Tây Ban Nha của cuốn L’Espagnole sans peine mà anh từng học thuộc lòng lúc còn ở quê nhà: “No tengo prisa. Nadie me espera.”
…………………………………………………………………….
Lần mất ngủ kỳ này không dưng lại là một điều hay cho anh. Anh không phải chạy ra phòng ngoài để kiếm một cuốn phim gì xem cho buồn ngủ, hay ra hiên sau ngồi chong mắt ngó thăm thẳm vào bóng đêm. Anh cũng bước ra hiên sau, nhưng lần này đã có mục đích. Một giờ rưỡi sáng. Anh nhẩm tính và độ chừng ở Nha Trang đang vào khoảng bốn giờ mấy buổi chiều. Giờ này chắc má đang sửa soạn kết toán trong sổ sách để ra về. Anh bật cái cell phone lên, ánh sáng lập loè của nó toả ra trong bóng đêm, trong sự yên lặng huyền bí của một buổi sáng mới yếu ớt bắt đầu, và trong cái lạnh ngai ngái của thời tiết giữa mùa xuân. Bằng một thao tác gần như đã thuần thục, anh bấm số của Nha Trang Thương Cuộc.
Lần này chuông reo khá lâu, anh đã thất vọng toan cúp máy thì vừa may lại nghe giọng quen thuộc của má. Hồi hộp và xúc động không kém lần trước, anh nói vào máy, gần như thì thào: “Má hả má? Con nè.” – “Má đây. Đang sửa soạn về thì con gọi. Hôm nay cũng không nhiều việc lắm. Có gì lạ không con?” – “Dạ không, con chỉ muốn nói tiếp chuyện bữa trước với má.” – “Ờ, chuyện không vui của vợ chồng con đó hả? Bữa đó tới giờ má cứ nghĩ tới tụi con mà buồn quá.” – “Má nói làm con áy náy lắm. Con lớn rồi chẳng những không giúp gì được cho má mà còn làm má buồn.” – “Không sao đâu con. Nói vậy chớ bây giờ má buồn cũng như vui, không có gì khác nhau đâu. Phần con, con tính sao?” – “Con rối trí lắm má à. Nhất là hai người đó khéo lắm. Họ không để lộ ra một bằng cớ nào cả. Ngay cả nếu họ có làm gì rõ ràng, con cũng không biết phản ứng ra sao. Má nghĩ coi. Nếu con phản ứng này nọ, con sẽ mất một lần cả vợ lẫn bạn.” – “Còn con Hoàng Lan thì sao? Nó có vẻ gì muốn cho con biết hay tính chuyện ly dị với con không?” – “Ồ, cô ấy khéo lắm má à. Vừa tỏ ra lạnh lùng với con, mà vừa vẫn chăm sóc hai cha con chu đáo, đâu vào đó, không trách được tiếng nào.” – “Vậy con cứ để tình trạng lập lờ này kéo dài hoài hay sao?” – “Con có nghĩ đến việc ngồi xuống nói chuyện thẳng với cô ấy. Con cũng chớm nghĩ tới chuyện ly dị. Nhưng rồi con thấy thương thằng Jimmy quá má ơi. Nó đâu có tội tình gì. Với lại con thấy mình tính chuyện sao mà tầm thường như vậy. Hồi giờ con đã thấy mình tầm thường quá rồi. Con không muốn mình tầm thường hơn nữa.” – “Con nói hồi giờ con tầm thường là sao?” – “Dạ, là lớn lên, yêu thương một người, rồi lấy người đó, y như thiên hạ chung quanh. Không tầm thường là gì hở má? Rồi tới khi vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, cũng muốn lục đục bỏ nhau, cũng y như thiên hạ chung quanh. Tầm thường quá, má thấy không?”
Anh chợt nhận thấy mình đang nói thao thao không ngừng. Chắc má đang ngồi im nghe bên đầu dây kia. Anh hốt hoảng hỏi: “Má, má còn nghe đó không?” Tiếng má dịu dàng đáp: “Má vẫn nghe con đây.” Anh buồn rầu nói: “Con không biết phải làm gì đây, má à.” – “Còn phần con Hoàng Lan, con có nghĩ là nó có ý định bỏ con không?” – “Con nghĩ là cô ấy muốn đứng trên hết cả mọi sự bình thường.” – “Nghĩa là sao?” – “Dạ, là yêu ai mà không cần phải làm những chuyện mà một đôi tình nhân thường làm. Là không yêu chồng nữa mà không cần phải bỏ hắn. Là cứ tiếp tục sống và yêu theo kiểu của riêng mình mà không cần phải thay đổi gì cả.” – “Má thì má thấy nó có thay đổi một chuyện mà con chưa chịu thấy đó thôi.” – “Chuyện gì má thấy được mà con không thấy được hở má?” – “Con có nghĩ là con Hoàng Lan biết là con biết chuyện của nó với thằng Hiền không? – “Biết chứ má. Cô ấy thông minh lắm mà.” – “Vậy mà nó vẫn an nhiên tự tại sống bên cạnh con như không có gì hết, phải không?” – “Đúng vậy đó má.” – “Vậy thì con nhỏ này siêu y như con đã nói. Nó thương thằng Hiền mà không cần lấy thằng Hiền. Nó hết thương con mà không cần bỏ con. Má nghĩ là con nên bắt chước nó đi.” – “Má nói vậy là sao?” – “Con không thấy là trong một ý nghĩa nào đó, nó đã bỏ con rồi à? Nói cách khác, nó đã ly dị với con trong lòng từ lâu rồi.” – “Ý má nói là con cũng có thể ly dị với cô ấy trong lòng luôn sao?” – “Đúng vậy. Đâu có cần phải đưa nhau ra toà. Đâu có cần phải sần sượng ra mặt với nhau. Đâu có cần phải chia chác của cải chi cho mất lòng. Mọi thứ đều có thể diễn ra ngay trong đầu con thôi.” – “Nhưng như vậy thì có khác gì đóng kịch đâu, má?” – “Con nghĩ đi, từ đầu ngày tới cuối ngày, con phải đóng kịch bao nhiêu lần với người này, người nọ? Không thế này cũng thế khác. Ai mà không đóng kịch? Vả lại, nếu phải đóng kịch mà con có thể giữ một mái ấm cho thằng Jimmy, má nghĩ cái vai của con cũng có ích lắm đó.”
Rồi thình lình má lại chấm dứt cuộc điện đàm như lần trước: “Thôi, bữa khác mình nói chuyện tiếp nghe. Má phải đóng cửa nẻo để sửa soạn đi về. Gặp con ở nhà sau.”
Anh nhìn sững cái vòng tròn đỏ trên màn ảnh điện thoại. Anh không muốn bấm vào nó để kết thúc cuộc nói chuyện, mặc đầu đầu dây bên kia má đã cúp máy. Cái vòng tròn đỏ cuối cùng rồi cũng tự động biến mất. Cùng lúc, anh ngẩng lên để thấy trời đã bắt đầu hửng sáng, Một vài tiếng chim ríu rít nho nhỏ đâu đó như để chào mừng một ngày nữa lại bắt đầu.
……………………………………………………….
Chiều Chủ nhật. Thêm một ngày nắng đẹp. Khi những tia nắng yếu ớt cuối cùng tan loãng vào không gian thì gia đình nhỏ của anh cũng tề tựu quanh chiếc bàn chữ nhật trong nhà bếp, dùng bữa cơm chiều như tất cả những gia đình êm ấm khác. Jimmy phải đợi mẹ nhắc mấy lần mới chịu ăn hết chén cơm chan với canh bầu. Hoàng Lan đẩy đến cho anh dĩa thịt bò bí-tết nhưng anh khẽ khoát tay tỏ dấu đã đủ rồi. Hai người nói với nhau những câu bâng quơ, vô thưởng vô phạt. Cả Hoàng Lan và anh như cố ý nói với Jimmy nhiều hơn để khoả lấp những khoảng trống vụng về giữa hai người. Jimmy là một cái cớ để Hoàng Lan và anh có thể sinh hoạt với nhau một cách bình thường. Anh nhìn nét hồn nhiên, vô tư của con và chợt thấy rằng má đã khuyên anh một điều vô cùng đúng đắn.
Từ mấy hôm nay, Hoàng Lan, với sự tinh nhạy cố hữu của người đàn bà, chợt cảm thấy một điều gì đó khác lạ từ anh. Bình thường, người phải hoang mang, phải thắc mắc, phải nghi ngờ, phải đoán già đoán non về nhiều việc, không ai khác hơn là anh. Nhưng bây giờ thì khác. Người đó chính là Hoàng Lan. Cô không che giấu những tia mắt dò xét hướng về anh. Mọi lần, cô là một cuốn sách bí hiểm, anh khó mà giải được những mật mã trong đó. Những biểu cảm trên gương mặt cô hầu như đóng băng, ngoại trừ những lúc có Hiền bên cạnh. Những lúc đó, tia nhìn ấm áp dành cho Hiền toả ra trong mắt cô mà cô không cần giữ kẽ. Hôm nay, anh thấy có phần đắc ý là mình đã lật ngược tình thế. Anh không cần làm một cuốn sách bí hiểm. Anh chỉ muốn toả ra sự an nhiên tự tại mà lâu nay Hoàng Lan đã tỏ ra trước mặt anh, để đến lượt cô phải thắc mắc. Anh đã nghe lời má để làm thủ tục ly dị với Hoàng Lan trong tâm hồn. Và lập tức anh thấy được một sự bình yên mạnh mẽ, tràn ngập cả thân thể, tâm trí anh. Từ mấy ngày nay, anh đã có thể nói chuyện với Hoàng Lan nhiều hơn. Anh không còn phải thắc mắc gì về chuyện của cô và Hiền nữa. Anh không phải đánh những dấu hỏi to tướng về Hoàng Lan nữa. Một biên giới nào đó đã hoàn toàn bị phá vỡ giữa hai người. Anh không thấy ngại ngần gì nữa khi tiếp xúc với Hoàng Lan. Anh thấy mình đã hoàn toàn được giải thoát khỏi một ngục tù vô hình, như một con chim nhỏ giờ đây có thể tha hồ xoải cánh trong bầu trời rộng lớn. Tất cả những ý nghĩ và cảm xúc mới mẻ đó trong anh đã toả ra qua sắc diện, lời nói, hành động của anh, và Hoàng Lan đã nhận được những tín hiệu đó, chắc là cũng với những dấu hỏi to tướng trong đầu cô.
Cả nhà ăn uống xong xuôi, Jimmy nũng nịu nhắc mẹ đi ăn kem như Hoàng Lan đã hứa. Cô hỏi anh có muốn đi với hai mẹ con không cho có lệ. Anh nở ra một nụ cười tươi tắn nhất với cô, bảo thôi hai mẹ con cứ thoải mái đi với nhau đi, anh muốn ở nhà một mình thưởng thức một buổi chiều đẹp cuối tuần. Khi tiếng xe của Hoàng Lan vẳng xa dần, anh đứng dậy, vươn vai, thở hắt ra ngoài, thấy thật dễ chịu trong căn nhà rộng mênh mông và hoàn toàn im lặng. Một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu anh. Anh chạy lên lầu, lục tìm trong ngăn kéo bàn làm việc lấy ra gói thuốc lá hút dở từ mấy tháng trước. Lâu lắm rồi anh không hút một điếu thuốc nào. Nhưng hôm nay, anh muốn thưởng cho mình cảm giác thú vị với hương nồng của thuốc lá quyện vào vị đắng của cà-phê. Anh háo hức cầm một điếu thuốc đi xuống lầu. Anh pha cho mình một ly cà-phê đậm đặc, mang ra ngoài hiên sau nhà, và không quên mang cả cái cell phone như một người bạn đồng hành không thiếu được.
Không gian ngoài sân yên ả, ấm áp. Anh bật lửa, mồi điếu thuốc rồi rít một hơi dài sảng khoái. Anh nhấp một ngụm cà-phê, cố tình giữ lại một chút khói trong miệng để hai tố chất giao hoà với nhau, mang lại cho anh một cảm giác lâng lâng khó tả. Lâu lắm rồi anh mới có được cảm giác bình yên như hôm nay. Tất cả là nhờ má. Sực nhớ đến má, anh nhìn vào cái phone để xem mấy giờ. Gần 6 giờ ở Mỹ. Giờ này ở Nha Trang đã là thứ Hai, và chắc má cũng đang bận rộn với ngày làm việc đầu tuần bên đó. Nhưng anh muốn gọi má ngay để báo tin vui cho má biết. Rằng anh đã làm theo lời má khuyên và kết quả thật ngoài sức tưởng tượng.
Anh hớp một ngụm cà-phê, rít thêm một hơi thuốc dài nữa và bắt đầu bấm những con số quen thuộc của Nha Trang Thương Cuộc. Lần này, anh không còn nghe tiếng chuông điện thoại đổ dài như mấy lần trước nữa. Thay vào đó, anh nghe một âm thanh khó nghe từ tổng đài báo hiệu có sự trục trặc. Rồi giọng Bắc thu sẵn của một người đàn bà lạnh lùng vang lên: “Số máy quý vị gọi không có. Xin vui lòng kiểm tra lại.”
Anh nhíu mày, bấm lại số một lần nữa.
– 8…4…2…5…2…0…2…8…4
– Số máy quý vị gọi không có. Xin vui lòng kiểm tra lại.
– 8…4…2…5…2…0…2…8…4
– Số máy quý vị gọi không có. Xin vui lòng kiểm tra lại.
– 8…4…2…5…2…0…2…8…4
– Số máy quý vị gọi không có. Xin vui lòng kiểm tra lại.
Anh thẫn thờ đặt cái điện thoại xuống. Bóng tối cũng vừa vặn nhuộm thẫm không gian sau vườn nhà anh. Ly cà-phê đã cạn. Điếu thuốc chỉ còn trơ lại cái đầu lọc, bay mùi khen khét khó chịu. Cảm giác ung dung tự tại ban nẫy của anh dường như cũng không còn nữa.

Trần C. Trí