28 May 2019

THẮP TẠ - Hồ Đình Nghiêm



Từ trái: Tô Thùy yên, Hồ Đình Nghiêm và Đinh Cường

Thắp Tạ là tập thơ thứ hai của thi sĩ Tô Thuỳ Yên phát hành vào năm 2004.

mây bay bay như những vẫy biệt…
nàng đứng cho tàn như một nén nhang.

Với tôi, người đại diện cho hội hoạ: Hoạ sĩ Đinh Cường. Đại diện cho thi ca: Thi sĩ Tô Thuỳ Yên. May mắn là có khi tôi được ngồi chen vai thích cánh với nhị vị. Và còn buồn đau nào hơn khi, hai người tôi ngưỡng mộ đã lần lượt kẻ trước người sau bỏ tôi ở lại với bóng tối. Mới hưởng lấy hơi ấm từ thân nhiệt toả lan, giờ lạnh ngắt như “Lúc tàn khuya. Nhà hương hoả tối mốc. Còn ai không, có gọi chỉ thêm buồn…

Tranh Đinh Cường nhốt chặt sự thơ mộng, thì thơ Tô Thuỳ Yên mở rộng một cảnh quang hiu quạnh, rờn rợn đến thắt lòng: Đánh mất trong đành đoạn, tang thương trong bể dâu, vắng bặt nụ cười khi nhìn lại. Sau cùng là một lìa xa.

Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…
Máu bung từ mỗi lỗ chân lông,
Mọi người nghe chính mình kêu rú…
Liệu sáng mai còn ai nữa không?
Trong thơ Tô Thuỳ Yên chất chứa ngập đầy những dấu hỏi, bao gợn lòng chẳng thể giải đáp nguôi ngoai. Một kẻ hạnh phúc là kẻ đó không hề đơm đặt, thổ lộ ra đôi điều ẩn khuất? Dấu hỏi nào mà chẳng gây cảnh bi thương?

Ở bài “Mòn Gót Chân Sương Nắng Tháng Năm”:

Chẳng hẹn mà sao vẫn đợi nhau?
Bắt gặp lòng ta bay đảo điên?
Tên đoá hoa này, ngươi nhớ chăng?

Ở bài “Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch”:
Ai thở dài chi cho não nuột?
Ở bài “Bất Tận Nỗi Đời Hung Hãn Đó”:
Ồ, sao tất cả lặng trang?
Ở bài “Chim Bay Biển Bắc”:

Ngọn cỏ cần chăng danh phận cỏ?
Nói khác đi điều đã quá xưa?
Kiếm hoài công cái có nơi ta?

Ở bài “Goá Phụ”:
Em khóc hoài chi lẽ diệt sinh?
Ở bài “Mùa Hạn”:

Bao giờ mây sẽ chuyển về đây?
Hạnh phúc chan hoà lên cỏ cây?
Áo chưa người giữ để xin buông?
Người khách xa nào sẽ đến đây?
Nhà ta biết có còn nguyên vẹn?
Tái hợp nào không nhuốm ngậm ngùi?

Ở bài “Tàu Đêm”:

Thành tàu sao chẳng vỗ mà ca?
Mai này xô giạt về đâu nữa?
Đất lạ, người ta sống thế nào?
Có xót thương người qua biển dâu?
Nhớ thương nào giấu thấm vành khăn?

Ở bài “Ta Về”:

Một đời được mấy điều mong ước?
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?
Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?
Mười năm, cây có nhớ người xa?
Thân thích những ai giờ đã khuất?
Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao?
Ai đó trong hồn ta thổn thức?

Ở bài “Đi Về”:

Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?
Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?
Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai?

Ở bài “Người Ở Lại”:

Có phải người buồn hay ngó xuống?
Chỉ có bóng mình sao?
Đời còn chỗ nào vui?
Để đến nỗi ngồi hoài bên giếng cạn?
Tàn đời mạt kiếp liệu còn gặp?

Ở bài “Nỗi Đợi”:

Vương tử, sao đời đến nỗi vậy?
Quân rã, còn ai điểm trống canh?
Hỏi ai, ai có là tri kỷ?
Ai có buồn chớp bể mưa nguồn?
Lệ nào, ôi chẳng của tiền nhân?

Ở bài “Thức Giấc Trong Biệt Giam”:

Những sớm hôm mưa nắng thể nào?
Có nhớ trong này chờ cháy ruột gan?

Ở bài “Giấc Hoành Môn”:

Đất bạc phước rồi chăng?
Đạp vô thường đổ nát mà đi?
Chọn lấy cho mình một cách chết?

Ở bài “Ánh Tàn Dư”:

Ôi điều ước cùng thiên thu hoạ hoằn người sực nhớ ra chưa?
Ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc?

Những dấu hỏi. Hỏi là cốt hỏi vậy thôi vì biết chắc chẳng có lời đồng vọng, hay nói khác đi, bạn đã ngộ phần nào ở nỗi im thin thít kia.
Khi còn ngồi bên nhau trong gang tấc, tôi có lần e dè đưa ra một ước muốn với hai anh: Xin cho hỏi thăm mười câu về công việc tạo hình, ý nghĩa đích thực khi làm ra cái đẹp mà hai anh đã từng và vẫn còn theo đuổi. Hoạ sĩ Đinh Cường cười hiền: Anh em trong nhà e khó ăn khó nói. Thi sĩ Tô Thuỳ Yên vỗ vai: Giờ mình nên “nghe im lặng mà sống, nhìn trời đất mà vui”, xin Nghiêm bỏ quá đừng làm khó anh nha.
Ai trong chúng ta cũng có khi từng lỡ một chuyến tàu, xe đò, máy bay. Ngày ấy, nếu tôi một tâm một dạ sắt son đòi hỏi cho kỳ được thì Đinh Cường cũng như Tô Thuỳ Yên đã vị tình đáp trả sự nhiều chuyện của chú em. Một lần thôi nhé, rồi mãi mãi chia xa. Câu đó vĩnh viễn đã không thốt ra.
Giờ đây, tôi xin chép lại một đoạn đầu trong bài “Giã Biệt” để nhớ anh:

Khuya đó, anh lên đường,
Từ bỏ căn nhà,
Từ bỏ quê hương…
Tất cả không còn của anh nữa.


Anh lên đường, cúi mặt lên đường
Giả tảng không nhìn nỗi sỉ nhục.
Phi trường bị đánh thức
Rộn vội cho xong
Để còn ngủ gỡ lại.
Anh ngậm nghẹn lời từ biệt,
Liên tưởng việc xe chôn kẻ tội đồ
Dấp dúi về khuya
Ở một nơi nào không phải là thánh địa.
Bạn bè anh còn sót lại kể chẳng mấy người
Không tiễn đưa anh,
Ý chừng ngại nhắc nhở…


Ôi những trang gia phả phiền hà,
Người ta đã xé bỏ,
Hòng đoạt trọn gia tài,
Vứt lông lốc ra ngoài cho gió cuốn.

Thi sĩ Tô Thuỳ Yên ơi, tôi thật tình “ngại nhắc nhở”. Nhưng khi anh thực sự vắng mặt, cầm lòng không đậu tôi buộc phải lèm bèm (chữ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền) đôi câu. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt rám nắng của anh hôm đó, nhớ nụ cười rộng miệng của anh khi nghe tôi giới thiệu vợ mình. Và anh có ngay một bộc lộ thân tình: “Ủa, dzậy đây là Bích nhỏ, Bích lớn ngồi kia kìa”.
Xin thành thật chia buồn cùng chị Bích (lớn). Lời ấy nghe thật khuôn sáo, bởi tôi nhớ lời anh Võ Đình dạo nào: “Không ai chia được (cùng mình) nỗi mất mác lớn lao ấy!”
Lại nhớ bài thơ “Anh Hùng Tận” có bốn câu:

Ta gạn dăm lời thơ tặng bạn
Dẫu từ lâu bỏ việc văn chương.
Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen.

Tên tôi, anh từng không nhớ. Bây chừ cũng thôi trông thấy quen quen.

Cánh cửa lớn lao nào
Mở ra và đóng lại
Kín như bưng,
Tưởng chừng không có cửa.

Cánh cửa này, ta cũng sẽ đi qua.
Thi sĩ Tô Thuỳ Yên vừa khuất bóng sau cánh cửa vội đóng. Anh mất, văn chương viết tiếng Việt từ nay cũng khép lại một con đường. Lộ trình riêng anh khai mở, những con đường khác chưa định hình ra một danh xưng lớn lao như anh. Vĩnh biệt nhà thơ, với tôi, độc cô cầu bại.

Hồ Đình Nghiêm
22 tháng 5, 2019