Roberto Fernández Do Pho, kỹ sư không gian Nasa về hưu đã nhiều năm, hiện
sống tại New York, Hoa Kỳ. Rô, tức Roberto (cha Việt, mẹ Tây Ban Nha) sinh tại
Rock Hill, South Carolina, là một người có sức học đáng nể. Từng là dược sĩ,
rồi nha sĩ, cuối cùng là kỹ sư, đặc biệt Rô còn có một tâm hồn thi sĩ, sáng tác
những bài thơ yêu quê cha nước Việt còn hơn cả đất mẹ. Hồi còn học ở Đại học,
võ sư đệ tam đẳng huyền đai karaté Roberto, những lúc rảnh rỗi trao nhau vài đường
quyền lúc nào Rô cũng hơn tôi bằng thế võ gia truyền. Nhân dịp sinh nhật thứ
75, già Rô tổ chức tại gia, thức ăn Tây-Mỹ đề huề, có khách khứa nhảy đầm, có
bạn bè ca hát, có chàng ngâm thơ, nàng dâu Đại Hàn đệm piano. Trong lúc trà dư
tửu hậu chỉ còn hai người đàn ông, già Rô khề khà tiết lộ tôi mới biết ông là
hậu duệ đời thứ 8 của dòng họ Phó. Thoạt nghe tôi chẳng lấy gì làm lạ, dù nhà
cách mạng lừng danh Phó Đức Chính là ông cố của Rô. Nhưng khi già Rô trịnh
trọng đưa tôi coi bộ gia phả viết bằng chữ Nho của dòng họ Phó, tôi mới ngạc
nhiên thực sự.Bộ gia phả gồm ba tập: một tập bằng chữ Nho đựng trong hộp kính
màu ngọc bích khằn keo rất kỹ, một tập bằng tiếng Anh và một tập bằng chữ quốc
ngữ, chuyển ngữ từ tập chữ Nho từ năm 1811. Bộ chuyển ngữ tuy giấy đã ố vàng
nhưng chữ vẫn còn tương đối rõ nét, đặc biệt ở những trang viết về nội tổ của
Rô từng là vệ sĩ của Chúa Nguyễn. Vừa đọc lướt qua bản tiếng Việt tôi ngỏ ý
muốn chụp lại những tư liệu này để viết thành truyện nhưng Rô lắc đầu cười bí
hiểm, phán cho một tràng: “Ông bạn là nhà văn, nghe đồn ông có trí nhớ phi
phàm, muốn dựng truyện gì ông cứ dùng trí mà nên chớ tôi chưa từng nghe ai nói
ông viết bằng… máy chụp ảnh gì sốt. Có đúng thế không nào, bạn già?”. Già Rô
cay cú đến thế là cùng. Về nhà tôi căn cứ theo lời kể của Roberto qua gia phả
dòng họ Phó, cũng như dựa theo sử liệu nhà Nguyễn và các truyện dã sử về thời
Tây Sơn tôi viết ra cốt truyện này. Truyện như sau:
Chưởng cơ Phó Đô Úy là một võ quan của Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần. Úy xuất
thân từ một gia đình có truyền thống võ nghệ lâu đời. Từ nhỏ ông học võ từ cha
và học môn phi tiêu từ các võ sư nổi tiếng vùng Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa).
Thiếu thời Phó Đô Úy đã tỏ ra là một người cơ trí, lanh lợi, sức khỏe hơn
người, lớn lên được phép cha theo phò Chúa Định. Ngay từ khi đầu quân, Chúa
biết Úy có võ nghệ nên được tuyển vào cấp Đội. Sáu tháng sau truy phong thành
Cai đội. Từ Cai đội thăng lên Chưởng cơ.
Năm 1774, thành Phú Xuân thuộc huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên – Huế rơi vào
tay nhà Trịnh. Chưởng cơ Phó Đô Úy cùng các vệ sĩ chính qui hộ giá Chúa Định và
gia tộc chạy vào Quảng Nam rồi vào Gia Định, trong đó có Nguyễn Phúc Ánh, lúc
đó mới 12 tuổi. Nguyễn Phúc Ánh là con trai thứ ba của hoàng tử Nguyễn Phúc
Luân. Khi quân Trịnh chiếm kinh thành thì Phúc Luân đã chết dưới tay quyền thần
Trương Phúc Loan, để lại sáu người con trai và ba gái. Sáu người con trai đều
chạy vào Nam, lần lượt bị quân Tây Sơn sát hại, chỉ còn lại Nguyễn Phúc Ánh,
sau này là vua Gia Long.
Hồi còn ở Phú Xuân, Chưởng cơ Phó Đô Úy thường để mắt tới vị thiếu niên này.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng thần thái Nguyễn Ánh uy nghi, oai vệ, tỏ ra là người có
chí khí. Hằng ngày Chưởng cơ Úy luyện võ sau phủ, Ánh lặng lẽ đứng nhìn, không
nói gì. Nhưng Úy tinh ý nhận thấy cặp mắt sắc bén của Ánh chứa chan nỗi buồn và
đầy thù hận.
Cuối năm 1776, bộ tướng của Chúa Nguyễn là Đỗ Thành Nhân đánh lui quân Tây
Sơn do Đông Định Vương Nguyễn Lữ chỉ huy, chiếm lại Sài Gòn. Tần Chính Vương
Nguyễn Phúc Dương hợp quân với Đỗ Thành Nhân, cùng sự trợ giúp của Mạc Thiên
Tứ, con của Mạc Thiên Tích nên lực lượng Chúa Nguyễn ngày một thêm hùng mạnh.
Nhưng năm Đinh Dậu 1877, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ thống lĩnh đại
binh áo vải cờ đào vào đánh chiếm Gia Định lần thứ tư, Chúa tôi nhà Nguyễn lại
thua cùng tàn quân bỏ thành chạy vào Tam Phụ (Định Tường), qua cửa Cần Giờ,
chạy dài xuống Cần Thơ, Kiên Giang, ra đảo Thổ Chu, thuộc Phú Quốc lánh nạn.
Ngay từ khi chạy nạn, bộ hạ tâm phúc của Nguyễn Ánh là Phúc Điền đã thận
trọng cắt cử Phó chưởng cơ và Cai đội hợp với sáu vệ sĩ thành một toán khinh
binh mở đường, trực chiến khi có biến; còn Chưởng cơ Phó Đô Úy đi đoạn hậu,
dùng cây rừng quét sạch dấu vết Chúa Nguyễn và đoàn tùy tùng đi qua. Nhưng
trong một lần bỏ chạy, không may Tần Chính Vương Nguyễn Phúc Dương và một số
quan lại bị quân Tây Sơn bắt giết.
Có lần, vừa tới địa phận Kiên Giang thì trời chiều đổ mưa. Rừng ở đây dầy
mịt tạo thành bức tường kiên cố che chở cho Chúa Nguyễn và đoàn tùy tùng bên
trong. Khi Chúa tôi vượt qua bên kia kinh Tà Lưa an vị trong một cánh rừng thì
Chưởng cơ Phó Đô Úy ở bên này bờ, đang lui cui xóa các dấu vết bất ngờ
đụng phải nghĩa quân Tây Sơn rượt tới. Toán quân này không nhiều, khoảng
mươi mười người, đứng đầu là một vị chỉ huy, vóc người tầm thước, chắc nịch,
mặc y phục đen, mặt đen, râu quai nón tua tủa, tóc phủ ót, trên đầu quấn một
miếng vải đen.
Vừa thấy Phó Đô Úy, quân Tây Sơn hung hăng vung gươm lao tới, Úy bình tĩnh
vội lùi lại, cùng lúc ra tay phóng ám khí hạ gục hai tên xong hươi đao lên
khiến chúng khựng lại. Người chỉ huy áo đen gườm mắt quan sát thấy Úy tuy cao
lớn nhưng không có đồng bọn nên tỏ ra khinh mạn. Phất tay ra hiệu cho đám thủ
hạ lùi lại, một mình y cằm con dao chủy thủ khệnh khạng bước ra giữa khoảng đất
trống dạng chân, hất hàm, quắc mắt nhìn Úy thách thức. Từ ngày hộ giá Chúa
Nguyễn nhiều phen vào sinh ra tử chiến đấu chống nhà Tây Sơn, đây là lần đầu
tiên Úy đấu tay đôi với địch thủ ngoài chiến địa.
Dưới vòm cây rậm rạp Chưởng cơ Phó Đô Úy ưỡn ngực hít một hơi sâu, vừa rút
dao bước ra đã nghe người áo đen cười lạnh, lao tới. Giữa khu rừng tĩnh mịch,
tiếng kim khí lấp loáng giao nhau xoèn xoẹt tạo thành thứ âm thanh man rợ, rin
rít, bén ngót đến rợn óc. Hai đối thủ lao vào nhau như hai con thú lạnh lùng ác
chiến. Lạ một điều, họ không hề gầm gừ hay thốt lên một lời mà cả bọn lính thú
cũng nín hơi theo dõi trận đấu.
Thủ pháp cực kỳ mau lẹ và hiểm ác của một chiến tướng đã quen trận mạc,
người chỉ huy áo đen không ngờ lần này gặp phải cao thủ khiến sự háo thắng ban
đầu của y giảm xuống rất nhiều. Tuy nhiên, tính hiếu chiến, quyết tâm hạ địch
thủ khiến y nảy ra một độc chiêu. Lùi lại hai bước, người áo đen đảo cặp mắt
sọng máu nhìn đối thủ xong lặng lẽ như bóng quỷ nhún mình lao vút tới phi thân
nắm chặt cành cây đu mình lấy đà đá thẳng vào ngực Đô Úy đồng thời đâm ngọn
chủy thủ xuống huyệt Thiên linh trên đỉnh đầu địch thủ.
Trước đòn sát thủ cực kỳ hiểm độc, Đô Úy vội ngửa người ra sau cùng lúc tung
mình đá thốc vào hạ bộ khiến người chỉ huy hự lên một tiếng ngã lăn xuống đất.
Thấy chủ tướng bị hạ, đám lính thú hộ vệ vội vàng xúm lại khiêng y và hai đồng
bọn chạy biến vào rừng.
Sau khi củng cố lực lượng, năm Canh Tý 1780, Nguyễn Phúc Ánh xưng vương ở
Gia Định. Hai năm sau, thấy thế lực của Nguyễn Vương ngày càng vững mạnh, anh
em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ lại kéo quân vào đánh, Sài Gòn thất thủ, Nguyễn
Vương lại bôn tẩu về Hà Tiên, dùng thuyền nhỏ vượt biển, phía sau quân Tây Sơn
truy đuổi gắt gao, quyết bắt Nguyễn Ánh cho kỳ được.
Trong trận thủy chiến ở đảo Điệp Thạch, thuyền của Nguyễn Vương bị quân Tây
Sơn tấn công. Trước tình thế cấp bách, Phúc Điền khoác áo Vương cầm gươm ra
đứng trước mũi thuyền giả dạng Nguyễn Vương bị quân Tây Sơn xông lên thuyền bắt
sống. Phúc Điền sa vào tay giặc, chết như một anh hùng cứu chúa. Cũng may, Cai
cơ Đồng Nhượng là người biết lo xa, hộ giá Nguyễn Vương lẫn trong đám thủy binh
lên thuyền, nên đã thoát thân vào rừng.
Cùng lúc đó, thuyền hộ vệ của Chưởng cơ Phó Đô Úy cũng hỗn chiến với quân
Tây Sơn. Đây là một cuộc chiến đầy bất hạnh diễn ra giữa hai phe không cân sức.
Các thuyền nhỏ của Nguyễn Vương bị những chiến thuyền của quân Tây Sơn bao vây,
tiêu diệt hết phân nửa. Thủy binh trung thành của Nguyễn Vương bị chém ngã la
liệt xuống nước, máu nhuộm đỏ mặt biển. Cùng chung số phận, đồng đội trên
thuyền hộ vệ thảy đều hy sinh. Chưởng cơ Phó Đô Úy, thương tích đầy mình, cuối
cùng bị một nhát chém mạnh đến nỗi lệch cả bả vai. Chưởng cơ Úy loạng choạng
lùi về phía mũi thuyền đang bốc cháy, dùng tàn lực lia ngang một đường gươm rồi
lao mình xuống biển, lặn một hơi dài. Lúc trồi lên thở, Úy đụng nhầm các tử thi
và những mảnh thuyền vỡ. Úy bám vào miếng ván, ngửa mặt lên trời, thả người cho
sóng giạt vào bờ, miệng vẫn còn ngậm chặt lưỡi dao găm.
Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, nội bộ chia năm xẻ bảy, nhà Tây
Sơn suy yếu dần. Tình hình đất nước lại rơi vào cảnh nhiễu nhương, vua còn nhỏ,
quyền thần lộng hành, chia bè rẽ phái, lòng dân lại hướng về Nguyễn Vương. Nắm
được thời cơ, Nguyễn Vương lo củng cố nội bộ, thu thập nhân tài, rèn binh khiển
tướng, tích trữ lương thảo, mua sắm thêm vũ khí, mặt khác Nguyễn Vương cử phái
đoàn ra nước ngoài cầu viện.
Năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh diệt xong nhà Tây Sơn, lấy lại thành Phú Xuân,
lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long, mở đầu vương triều nhà Nguyễn, cũng
là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cũng như hầu hết vua chúa ngày xưa, khi nắm
quyền bính trong tay, ông cũng không tránh khỏi việc giết hại những người cùng
nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử với mình, như công thần Nguyễn Văn Thành và Đặng
Trần Thường. Chưa kể vua Gia Long vẫn ôm mối thù với anh em nhà Tây Sơn đã giết
hại thân bằng quyến thuộc của mình nên đã ra tay trả thù vô cùng khốc liệt.
Nhận thấy mức độ thiên lệch cả công và tội của hoàng đế Gia Long, vì lo xa
nên toàn bộ gia quyến Phó Đô Thống (cha của Chưởng cơ Phó Đô Úy, hy sinh ở Phú
Quốc) âm thầm rời bỏ Thanh Hoa chạy về làng Đa Ngưu, tỉnh Hưng Yên ẩn cư. Từ
đó, trải dài qua hàng thế kỷ, dòng họ Phó sanh ra Phó Đức Chính, sau trở thành
nhà cách mạng cùng 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng tổng khởi nghĩa chống
thực dân Pháp, nhưng bị thất bại. Toàn bộ 13 đảng viên gồm đảng trưởng Nguyễn
Thái Học cùng ông và 11 nghĩa sĩ khác bị Pháp xử chém. Phó Đức Chính là người
thứ 12 lên đoạn đầu dài và là người duy nhất nằm ngửa để xem máy chém rơi xuống
đầu ông.
Hiện nay, già Rô, tức kỹ sư không gian Nasa về hưu Roberto Fernández Đô Phó,
dù cuộc sống chịu ảnh hưởng văn minh Âu Mỹ, nhưng trong nhà ông ở ngoại ô
Syracuse, New York vẫn lộng kính trưng trên tường những hình ảnh trắng đen và
ảnh màu đã phai của dòng họ Phó, trong đó có Phó Đức Chính, chưa kể cuốn gia
phả đồ sộ của dòng họ Phó nhà ông.
Phan Ni Tấn