08 June 2019

PHỐ ĐỎ - Phan Tấn Uẩn


Thành phố cứng đờ khô chết sau cơn chém giết bão bùng khiếp đảm hai ngày trước. Ông Chí lúi cúi nhận mặt thằng Lớn trong dãy xác người ê ẩm nằm sãi dượi giữa đường, hiên. Những xác chết mềm nhũn như những sợi bún nằm hớ hênh, bắt ngang bắt dọc trước mặt phố, chao nghiêng dưới trụ đàn gốc cây. Ông Chí mếu máo, khóc rấm rức, nước mắt không còn trào nổi. trước mặt ông, những cụm tóc tơi tả như chòm râu bắp phủ xòa lơ thơ trên đài trán bạn thếch xanh xao. Những đôi mắt trợn trừng nuối tiếc chưa muốn vĩnh quyết dứt lìa. Ông Chí khẻ trờ tới khom xuống rà mắt thật kỷ trên từng vết tật ở cánh tay của tảng thịt chết. Con phố lạnh buốt điêu tàn.
Những u uất phơi trãi chung quanh, rải rác đôi ba người mang hoàn cảnh ông Chí, đang nghẹn khóc đầu góc phố, sục sạo tìm kiếm tăm tích con cháu. Buổi sáng im lìm mun sẩm trì nặng trong hơi thở. Ông Chí sửng sờ đứng sựng lại khi nghe một tràng tớt tức tửi đứt cụt giữa trời không. Tiếng tớt ngắn cụt xao loãng của một ông già đầu đường chừng như còn thê lương chín khúc hơn cả vùng tâm tư nát hoảnh cồn cào trong ruột ông. Nghĩ thế, ông Chí tỉnh hơi ngước dòm phía người già. Thêm một khối thịt nằm đông cứng, gãy chân, vỡ sọ, dựa vắt trên tảng đá lớn bên đường. Người già đó vẫn còn quệt nước mắt, những vệt ghèn nhòe nhoẹt dán chặt trên đĩnh má cao. Ông Chí tới gần, ngó xuống chân người già, một thân thịt khác bị bắn tóe nát ở một bắp đùi, dấu bắn mới hoảnh tướt ra từ bả vế một nắm thịt màu nâu nhạt tĩa lia ria như miếng thịt bò gân. Cả bắp vế đó không khác chi cái đùi bò. Xáp mặt người già, ông Chí chỉ tay xuống tảng thịt:

– Bác khóc cái xác ni?
Người già bập bẹ trong tiếng khóc, dụi tay lên một con mắt bét ghèn:

– Ôn rõ mắt coi dùm tui thử ở cánh tay nó có châm chữ kỷ niệm chiến thắng Đồng Xoài không?
Ông Chí cúi xuống lật qua về hai cánh tay một hồi rồi lắc đầu. Trên đó chỉ xâm lên một cái hình rằn rằn rện rện, không có chữ kỷ niệm đồng xoài đồng xiết nào hết. Hai ông già ứa lệ nhìn nhau nghẹn cứng lời. Khu phố nhìn quanh tản lặng ớn gáy. Mấy người đàn ông nóng ruột nóng gan đi lục sạo thân nhân trong rừng xác ngổn ngang bên kia đường, đều biến mất vào các ngã phố. Lệnh cấm trăm phần trăm đối với dân chúng vẫn úp xuống lạnh lùng. Hai ông già khốn khổ còn ngo ngoe trong cơn ác một tày trời.
– Tui cũng mất tăm một thằng con.
Người già xếp chiếc khăn tay vào túi áo:
– Từ thuở mẹ đẻ tới chừ tui mới thấy…
– Tui đoán còn chết tởn nữa bác nạ…
Súng lại nổ lắc rắc. Những hòn đạn bay xéo ngang đầu ghê dữ. Ông Chí lặng thần nghe ngóng, thế ni thì chuyện hiểm ác còn găng lắm chớ không phải chơi. Kể từ khuya qua từ dưới gậm phãn, ông Chí sung sướng nhận ra tiếng súng đã ngưng bặt. Nghiệt một thằng Lớn ở luôn trên đồn cảnh sát hai ngày đỏ lửa khiến vợ chồng ông Chí chết ruột chết gan y như chuyện con ông đã chết thiệt rồi. Ông Chí nhìn qua khe cửa, trời còn mù mù đen hoắm, mấy nhánh ổi xá lị gãy oắp xuống lỏng thõng đu đưa qua về quá tàn tệ. Ông Chí chẳng ngờ những viên đạn dữ đã mò đến vùng ông, chừng muốn chém đứt lìa cả khu vườn khoảng sân quanh đó. Ông lẩm bẩm, thế ni thì hai bữa trước đứa mô vô phúc ló đầu ra, chắc “nó” cũng thiến tiệt rồi, có mô mà ác tăng ác đế dữ ri trời… Khi ngó lũ con bầy cháu không hao hớt đứa nào, ông Chí vui thầm. Ông càng vui hơn khi thấy bọn nhỏ chẳng đứa nào sứt trán sướt da gì ráo. Vẫn còn thiếu thằng Lớn. Hắn đụng ngay phiên trực trên bót hôm đầu tiên nổ súng, kẹt luôn khiến ông Chí bồn chồn xót ruột, nổi ám ảnh bị mất thằng Lớn cứ quanh quẩn sát phạt ông suốt ngày nầy ngày khác.
Ông ngồi yên một xó canh chừng trời sáng. Súng đạn nó thường tháu cáy, thâm thù với tình thương lắm như tình cha con ông Chí. Bầu trời rõ ửng trên mấy cành lá nhỏ, ông Chí chun tuốt khỏi gậm phản ra ngõ dòm loanh quanh. Đứng đó ông càng nóng ruột gắt. Những âu lo thương xót tự đâu đùn lên cao ngất trong lòng ông và đắp quanh hình bóng thằng Lớn. Tuổi già ông cũng thường yên nghỉ dưới vùng kỷ niệm bát ngát kinh qua trên dòng sống, nhưng thằng Lớn thực sự vẫn chưa in hằn được dấu tích nào trong vùng kỷ niệm sâu dày đó của ông. Bây giờ bóng dáng hắn bỗng dưng khêu lên từng mẩu đời bé mọn vô tích, dựng cao lên trong ký ức ông Chí những kỷ niệm tưởng như từ người chết bỏ lại (một người trước khi nhắm mắt gục xuống, hốt nhiên trong phút chốc, nhớ lại hết thảy quãng đời y đã đạp qua). Ông Chí tần ngần muốn chạy băng lên ngã đồn dò hỏi tăm tích thằng Lớn. Lỗ đạn bung tóe trên một thân cây. Miếng hũng đục sâu trên thành tường. Nhìn bằng ấy thứ, ông Chí đủ chùn bước bỏ đứt ý định. Ông lộn trở vô nhà càng nghe quay quắt mạnh trong ruột gan. Mạ mi, nói dại tau sợ thằng Lớn chết quá. Mụ Chí làu bàu, ba mi rán dò thử. Dò…mạ mi ra ngoài mà dò. Mấy bửa ni rúc đầu dưới phản, mạ mi biết người ta làm chi ở mấy chục tỉnh không? Nói xong, ông Chí ra dạng chân chống nạnh giữa bậc thềm buồn khướt, nom lên phía bót. Tiếng nổ còn thay nhau điểm thưa thớt, âm vọng qua mấy trời xám bệnh. Loáng thoáng sau những khoảng trống trông qua hàng cây, đường xe lửa, ông Chí tưởng như bãi chiến đã dàn sẳn trên các hình lộ tử thần. Bất ngờ ông mạnh chân trở lui ra ngõ. Chừng một cây số từ nhà ông tới phố, ông Chí rán quên trăm ngàn quan san cách trở, đạp lên hiểm độc chạy tìm thằng Lớn. Những hàng rào kẽm gai chăng đầy khít rịt trước mặt. Từng cơn dọa dẩm cú vọ tạt vào mặt ông. Ông Chí lò dò men nhẹ theo mép cỏ gai con đường sỏi bạc, ngước dòm qua một khoảng rộng đặc ngùn ám khí. Tâm thần ông Chí không khác chi một con cá lảy đãy trên thớt gỗ. Súng ống lính tráng nhìn qua khoảng trống, trốn miết xó nào không thấy. Ông Chí, trong thoáng chốc, bỗng giẩy nẫy, khám phá dưới dãy hào lũy ngụy trang, những ổ súng, lỗ châu mai, những mủ sắt thùng đạn đầy nghịt hờm hờm.
Người ta cấm chân ông đấy, nhưng ông vẫn sấn tới. Một người lão điên cuồng, chắp tay vừa đi vừa lạy lục cúc bái trời đất cách chỗ ông không xa. Ông Chí tỉnh hồn chợt hiểu, ngoài ông, còn có nhiều tay liều mạng quá cở. Cả chục người từ phía ông Chí ùa lên phố, lom khom è ạch đi trong nước mắt cạn khô. Họ sẽ moi tìm người ruột thịt bạc phúc vô phần? Họ kiên tâm lộn lui sống chết trong căn nhà con cháu đầy đàn? Trên hai bờ con đường sỏi bạc, vài ba xác thịt nằm duỗi chết ngay đơ vô tình như mấy cọng rác rơi rớt sau lưng. Ông Chí ra tới phố, dấu vết trận chiến nằm xơ rơ rách nát thảm thương. Như thằng Lớn có nằm queo thân tủi hổ trong bãi xác nghi ngút đó, ông Chí còn phải mệt công phanh mò mới nhận nổi mặt hắn. Mặt mũi thằng Lớn đôn hậu trung trung, cá biệt chan hòa trên ba dòng sông lớn chảy hiền hòa ươm dày mạch sống tổ tông. Ông Chí chưa tin thằng Lớn rục xương mất biệt, nhưng ông đã khóc.
Quê hương đen mùa xuân đỏ bây giờ, chao ôi là buồn! Sao ông khóc, ông Chí? Xương máu đó đâu phải của con ông, sao ông khóc? Ông Chí. Ông Chí.Mồ mả đầy cao trên đầu nghỉa địa cho con cháu mai sau đắp cỏ khóc than. Ông Chí ngộp hơi choáng váng. Thằng Lớn nhà ông nhăn nhó qua cầu hồn phách tiêu tán lạc đạn trôi song, hay hắn nằm xuống nhẹ nhàng như bài ca dao mẹ ru ngủ xóm đồng, ông Chí cũng yên long bớt khóc khi ông đã xoắn chặt thâm tình vào bãi xác chỉ có một thân nhân mang tên tổ quốc ông…Ông dại đờ mù chóa theo những vầng đom đóm mắt vàng lè vung tỏa như ngọn pháo bông. Người già vẫn dòm miết lên con xác bất động. Ông Chí cúi nhìn kỷ cái xác, đứa mô bắn chó quá, đạn ghim nát như tổ ong từ rún lên tới đầu, hết đường nhận mặt.
Ông Chí ngóc đầu lên:
– Bác nói đứa mô châm chữ trên tay?
– Con tui…
– Hắn châm…
– U chao, được thằng con đấu đái hậu lai, hắn như thẫu mắm treo đầu giàn. Tui sẳn sàng chết cho hắn sống, nhưng căn sự như ri, ôn nghĩ có chó không? Cả nhóm rằn ri của hắn chết trụi lụi lụi trong đợt xua quân làm cỏ Việt cọng việt kiết chi đó. Hắn xớt chết ba lần, lảnh cả chùm huy chương rực rực trên áo. Tui vẫn nói tui vẫn rất xa lạ với mấy thứ nớ. Nhưng mình sinh con chứ ai sinh tâm sinh tính hắn. Khổ quá ôn nạ. Đánh thắng mô một trận ở miệt trong, hắn châm luôn chữ trên tay làm kỷ niệm. Tui hỏi ôn chừ hắn nằm chết queo râu như mấy cái xác ni, ai châm kỷ niệm cho hắn đây ôn. Hay chỉ mình tôi ngồi bóp bóp cái bọc nước mắt xép lẹp của tuổi già rỉ rả từng giọt ra khóc hắn…
Ông Chí can chỉ:
– Bác nói quá chớ thật ra ai muốn chi rứa.
– Tui tức… Thương hắn quá mà tui tức. Con nói không biết nghe.
-Trăm sự cũng tại tai biến mà ra cả.
– Tai biến chi. Ít lắm mười phần sống cũng còn trong tay ba bảy phần, ai đời chỗ hắn mất trụi hết.
– Bác coi tui có thua chi bác mô.
– Ôn chắc thằng nhỏ nhà ông chết không?
– Chắc bác nạ.
– Ai nói? Ôn có thói nghi vặt rồi…
Ông Chí hắt hơi sặc sụa, cơn ho cào ngứa trong cổ khô. Đường phố ngủ dọc dài mê vùi thảm não. Ánh nắng le lói chạy suốt trên mấy hang hiên. Người già uể mệt dòm lại con thịt chết dưới chân. Mặt mũi hắn giống con ông. Tấm áo trận kho queo xách ngược qua sườn bụng phát lộ hơ hớ mảng da trắng méc, từng vết máu vấy tỏa se sắt trộn nhòa trong màu áo xanh nâu. Con ông chết rồi cũng thế. Ông Chí bỗng nhiên nhập nhòa trong một vùng cay đắng mênh mông, thằng Lớn chỉ khiêm nhường nằm gọn ở một vuông nhỏ xót xa tan loãng trong đó. Ông sực nghĩ câu chuyện gia đình ông không lớn hơn dòng máu đỏ chảy trên song, niềm lo âu cho thằng Lớn nhỏ nhoi như vết trầy xây xớt trên mặt da. Mùi thịt thối nặng nghịt hơi thở bắt đầu bay lan từ những con xác sình mũn lạnh ngắt rơi xuống trong những giờ đầu nổi lửa. Một loạt đạn bắn xéo ở góc ngã tư bãi chiến khu phố, chừng như chĩa mũi vào hông một ngôi lầu đúc kiên cố được ước tính như một ổ địch cứng đầu cố thủ. Ông Chí vội tay kéo người già nép sạp xuống, bò tấp sát vào chân một cửa phố. Những tràng đạn dòn khô tiếp lần cuồng thét hối giục hai ông lão quấn sát mình nhau. Người già thở hổn hễn bên tai ông Chí, vòng tay run run thắt cứng lưng ông. Ông Chí nghĩ dại, như hai đứa tau có vô tình nằm rục luôn xuống đây, mụ Chí thế chưn tau chạy tìm thằng Lớn, tìm tau, tìm rang cũng không gặp, rồi lại một đợt lửa đốt lên, mụ Chí nằm trốn đạn xuống một nơi mô đó lại cũng bị đạn xéo chết ngon ơ, chồng lên bãi thịt người vốn đã cao, lại cao hơn, lòng đất đỏ máu càng đỏ hơn, ngọn gió đã tanh rích thịt người sẽ còn thúi hơn. Nhưng cũng chưa hết, lũ con bầy cháu tau lại tiếp chưn ôn nội mệ nội cha mạ chúng hắn đi tìm xác, rồi cũng… Rắc-rắc-rắc, phụp-phụp, ông Chí ngước dòm lên tường hai hòn đạn gâm cứng phá tung một miếng vách, những vụn vôi nạm đá rớt rào rào lên hè phố, ngay gần đầu họ. Ông Chí bình tỉnh hỏi người già:
– Bác sợ chết không?
Người già run lẩy bẫy không định hồn nghĩ tới lời ông Chí. Dáng co quắp gầy mòn nhăn rúm làm ông Chí bồi hồi xúc cảm. Không biết bác ni ở mô, nhưng con bác, qua nhiều điều bác kể, cũng có thể biết hắn làm việc chi rồi. Hắn con một. Chưa vợ. Bác buồn. Tội nghiệp quá…
Một hồi lâu im phắc sau loạt đạn dữ, ông Chí lồm cồm ngồi khom lưng đỡ người già. Họ đứng dậy dìu nhau đi giữa bãi thịt rợn hồn…
Ba cổ xe mượn của lính, hồng thập tự, y tế, đi vào thành phố. Chừng ba mươi người trẻ ngoi đầu nhú bên phía hông dò dò xuống đường. Mỗi cái xe loe ngoe một tấm cờ trên mui. Tấm cờ lừng đừng vô can giữa hai phía. Tấm cờ che bọc ba mươi tấm lòng ngộp đầy thương yêu tự nguyện dọn sạch những con xác. Đoàn xe, từng chiếc, rải rác, đậu ở ngã tư đường, hè phố, trước rạp hát. Một người con gái, nương theo tia nhìn ngạc nhiên của ông Chí, nhỏ nhẻ như khuyên can:
– Đó, bác thấy chưa. Cháu đâu có láo.
Người con trai đứng gần đó lôi một chai dầu trong túi áo:
-Bọn cháu đã nói bác đừng đi theo.
Ánh nắng hực hơi lửa hầm hầm thiêu đốt trên da, mùa xuân không còn gương mặt êm dịu chan hòa trên ngọn lá non cồn cỏ, những nụ tầm đâm đầy sức sống. Ông Chí thẩn thờ đâm buồn sướt mướt. Những con xác biến dạng một cách quái đản qua mấy ngày nằm lãng quên như đất cỏ. Những chiếc bụng cương sình căng to không khác chi chiếc trống đình hay bụng ễnh ương. Nắng thui lên da một lớp nâu sẫm bầm tím, những con xác lăn lóc như con bò quay trên chồng than đỏ. Từng rãnh da nứt nở ngoằn ngoèo, những luồng nước vàng nước đỏ men theo đó chảy ra loàm loệm quá gớm tởm. Ngang cở nầy phải nhặt xác chôn gấp. Bệnh truyền nhiểm dịch hạch bắt đầu giơ cao nanh vuốt đe dọa. Ông Chí kinh hồn không ngờ sự việc đã biến lật quá lẹ. Mấy ngày trước ông viếng qua đây dò mặt thằng Lớn, những con thịt nầy còn cho ông hiểu đó là xác xương đồng loại ông. Bây giờ ông chưa biết gọi cái bãi xác đó bằng một tên gì. Thằng Lớn hay cậu trai con người già, dầu có ngủ trong đó cũng chẳng ai nhận ra. Không phân biệt nổi cả đàn ông đàn bà, con trai con gái, lính tráng Việt cọng, dân chúng trong đống thịt ngổn ngang đồ sộ. Đặc biệt, ông Chí chợt thấy những sợi quai dép Bình-Trị-Thiên, những bộ đồ đen lẻ tẽ bó chặt lên một số con xác, mấy người thanh niên nói, họ là li1nhcha1nh quy Bắc Việt vô đó, ai biết đứa nào đặc công không? Ông Chí đảo mắt nhìn khắp vẫn không tìm gặp dấu vết đặc công đặc kiết gì hết. Một người thanh niên nhắc lại ông Chí:
– Thôi bác về không mang bệnh.
– Mấy anh lo việc mấy anh. Kệ tui.
Ông Chí thụt lui ngữa lưng trên vuông cửa chiếc GMC. Đám người trẻ chặt khúc từng toán nhỏ đi nhặt xác. Tấm masque bọc kín miệng, chai dầu thơm bật nùi bôi đầy lên mũi, mỗi người vẫn còn bắt ngửi quanh quất đây đó một mùi thối khiếp vía mửa mật bay ra từ những con xác vĩ đại. Khởi đầu hai người khiêng một xác, nặng quá không nổi, họ gọi nhau ơi ới chụm thành bốn người lo một cái. Chiếc brancard đặt giữa đất. Khối thịt trì xuống không muốn suy xuyển trên tay bốn người con trai đầy sức. Ông Chí e ngại cái bọc nước ọc ạch trong bụng con ễnh ương vỡ xì ra, những vòi nước độc ghê hồn từ đó bắn vòng cầu tung cong khắp mặt mũi, ria xéo xuống đường lờm lờm trong cổ. Ông rảo nhẹ tới gần toán người, họ đang hì hục bưng nhẹ một con xác. Nửa chừng, họ bỏ xuống chạy tung tóe bốn góc như bầy ong vỡ tổ. Lớp thịt trên con xác đã rữa nát bầy nhầy. Chiếc gant bọc dày kín lên khắp bàn tay, ông Chí vẫn nhìn ra nơi đó những vụn thịt bấy mũn màu đỏ xám lều phều chun qua các kẽ hở trên các ngón nhỏ, không khác chi cầm một nắm đất sét nhão nhoẹt bóp chặt lại. Một mùi thối nặc nồng kinh dị hít vào muốn mửa máu mửa mật tung phả chung quanh. Toán người loăn quăn chạy nhặt những tấm giấy lót tay. Họ lại bôi thêm dầu thơm trên mũi, trở lui chụm đầu vào nâng đống thịt bỏ lên brancard.
Ông Chí ngán ngẩm, chết chi mà tội rứa trời. Buổi sáng ông nhất quyết nhập đoàn lượm xác, đi cho biết thằng Lớn thế nào, rồi còn dò hỏi được tăm tích gì về cái đám con cháu thân thích láng giềng không. Tới đây, nhìn sự thể biến hình lạ loắc, ông Chí chắc nhắn không cam tâm trở lui. Ông muốn đi riết đến hồi nào con đường trước mặt không còn thấy máu me vung vít, những con bò thui sình thối phải nằm trên một góc đất dã man nào đó của loài thú rừng. Phe ni thuyết tê, hừ, tổ cha cố tổ mi. Không biết mi là ai, nhưng ông Chí vọt miệng chửi đỗng, chửi cho nát nước bè “nó” ra… Nắng chóa chém nghiêng chém dọc ngang mình rát bỏng, ông Chí lôi khăn quẹt mồ hôi. Toán người lạnh ạnh nhấc chiếc cáng ểnh ương tới phía cái xe lính. Tấm cửa sau đã mở hoát, một khoảng rộng đủ lớn để vần chiếc cáng vào xe. Ông Chí vọt lẹ tới gộp tay bưng giúp toán người. Chiếc cáng thả xuống ngay cửa xe, toán người lại chạy tóe dời ra xa, thở, bôi dầu. Ông Chí lạch bạch bước sau một người con trai, gượng cưới hì hì. Ông đứng lại thở, chỉ tay quanh bãi xác:
– Ai biết người mô có mang gần đẻ giữa nớ không?
– Chịu, bác.
Người con trai vừa cười vừa thở hào hển, hai tay gác chéo sau lưng. Toán người xúm lui phía cáng, gọi thêm bốn người khác nâng nổi thân thịt ngang ngực, đưa vô lòng xe. Bất thần, ông Chí nghẹt hơi xây xẩm, té xỉu bất tỉnh xuống mặt đường. Còn gì nữa chung quanh ông cũng chìm lịm theo viên đá thả xuống đáy hồ. Toán người vực ông Chí thả trên băng lái. Chiếc xe tháo máy hụ còi buồn thảm chạy về bệnh viện…
***
Đoàn xe xác lạnh lùng lăn qua âm thầm ngang từng dãy phố kéo cứng cửa. Người ta hắc hơi ho sặc, bịt mũi, chui trốn, mửa ói. Mùi xú uế. Nơi họp xác trong bệnh viện, đám người mất thân nhân, nhận không ra mặt con cháu anh em, than khóc ngút trời. Những mái tóc rủ xõa bời bời rối nùi điên dại. Người già mất đứa con trai xâm chữ lảy đảy chạy quanh dãy xác sắp dài hàng. Tìm trong đó một hồi, đôi mắt người già mù chóa theo màu nước đỏ nước xanh, nâu sẫm trên những con xác đều đều giống nhau như khuôn đúc. Người già biết không đường nào nhận ra thằng con. Dưới tàn cây úa héo, tiếng kêu than nghiêng ngữa dội động trong cỏi tim ông đau nhói. Người già thất vọng lảo đão đi về một dãy phòng. Phòng số… Ông Chí dưỡng bệnh trên giường, lan man ngó qua phía bên xa góc sân.
– Bác. Bác.
Người già dừng lại, ngơ ngáo quay mắt nhìn loạng choạng chung quanh. Ông Chí gọi lớn thêm một tiếng, người già quay mặt chợt thấy, nhảy tuốt lên thềm:
– Ủa, răng ôn nằm đây? Bị đạn hả?
– Bác vô đây chi?
– Thằng nhỏ tui, chịu. Không tìm ra ôn nạ.
– Tui nằm đây nghe họ khóc ngoài nhà xác xốt ruột quá. Tui biết không ai tài chi tìm ra mặt bà con trong đống bò thui khiếp vía nớ. Ôn cũng rứa chớ chi. Bữa qua tui theo đám trẻ trên chùa đi lượm xác bị té xỉu gần chết vô nằm đây hơn một ngày mới hơi khỏe khỏe…
– Còn thằng trẻ ôn?
– Chưa có tin. Nhưng chỉ nói bác nghe chớ thằng Lớn hắn biết được rồi cho mình bạc bẽo, thiệt tui không còn quá xót lòng về hắn nữa. Thấy thiên hạ rồi nghĩ chuyện mình không thấm thía vô mô hết…
Tiếng động cơ rì rầm phía ngoài. Ông Chí nhỗm phóc dậy ngoái đầu loáng thoáng dòm ra phía nhà xác. Đám thân nhân ngồi khóc thê thiết khi đoàn xe thiểu não bò ra nghĩa địa. Ông Chí nghĩ đến những linh hồn đang lất vất giữa vùng trời bất hạnh buốt rét chập chờn trước mắt, những linh hồn đang bay tìm một nơi nào đó dựng cho bát nhanh, thắp lên đám hương khói. Quê hương ông hằng năm đã có ngày hăm ba tháng năm cúng tạ oan hồn tập thể, những bó hoa nắm đậu, trái cây, kính cẩn dâng mời giữa đêm không, ông cầm nắm nhang đưa lên trán lâm râm nguyện cầu nghe rợn rợn trong từng thớ thịt những bóng lạ thấp thoáng đâu đây. Ông buồn tủi nhớ về ngày đó. Tụi Tây đã chém đứt thiên ức vô vạn đồng bào ruột thịt ông ở cửa An Hòa trong Thành Nội, ông sôi máu căm hờn bọn sài lang chó đẻ, nhưng câu chuyện lịch sử nầy vẫn nguôi ngoai vơi dần trong ông, ông đã tìm thấy trong đó đầy đủ lý lẽ biện minh cho hành động bạo tàn của những con thú thực dân. Thêm một ngày hăm ba tháng năm bây giờ, nhưng tủi hổ quá…
Ông Chí thở dài:
-Bác, tui chán không muốn nghĩ tới đống thịt, nhưng vẫn bị ám ảnh… ảnh
Người già thất vọng:
– Không biết họ chôn mô cho hết đây nữa.
– Dưới chưn núi, tui biết. Nhưng coi bộ miếng đất cũng chật chôi lắm. Có lẽ họ đào lỗ bự chôn tập thể, chỉ còn cách nhét đại đống xác xuống lỗ như những con mắm thính mắm rò rỉ nước trong lòng đất…
– E thằng nhỏ tui cũng nằm dưới nớ rồi ôn.
Người già sụt sùi khóc, nhưng ông Chí không còn thấy dòng lệ nhỏ tươm nhòa dưới mí mắt. Chiếc miệng méo xệch xách cao một bên mép dồn lên những luống da nhăn trầy trật điểm cho vuông mặt người già một nét sầu thảm, nhưng buồn cười. Ông Chí lại thở mệt nằm dượi xuống, cơn ngầy ngật xây xỉu của hôm nào đi lượm xác chừng như lộn về nhảy múa táo tợn trước mắt. Người già quờ quạng đưa tay vuốt vuốt lên ngực ông Chí nghe tiếng dội thình thình trong đó tưởng như hai nắm tim muốn vọt phóc ra khỏi buồng phổi. Tiếng la than ngoài nhà xác, tiếng xe ì ầm lết đi, tiếng đập thổn thức trong tim ông Chí, những đổ nhào bấy vụn râm rỉ trong cơn đau người già, khu bệnh viện bao úp lên những thứ đó phật phờ mòn mỏi trong một khoảng không thâm u như cỏi chết chường mặt đâu đó. Ông Chí ngất hơi, bên tai còn lao xao một âm động rã rời bị tán mũn như một nắm bột khô. Người già loay hoay chạy tìm y tá y sĩ rồi bước lê ra ngã nhà xác. Vài ngày sau đó, một cục hạch cồm cồm nổi cao bên háng, ông Chí bị nhiễm độc tử thi. Cơn sốt liệt giường đè ông một ngày dài nhắm mắt rên hừ hừ mê mẩn. Mấy người con gái nhặt xác hôm đó cũng vấp chứng bệnh tương tự nhưng nhẹ hơn ông Chí.
Thằng Lớn, những ngày biến động, ằm treo chân trong phòng bệnh viện. Hắn gác ở một đầu cầu thị xã hôm mở màn địch quân ngụy trang đột nhập thành phố. Một đồng nghiệp hắn ra hỏi giấy một tên giả trang đàn bà nhà quê lên tỉnh trong khi hắn đứng canh chừng. Tên khả nghi vờ lúi cúi móc giấy tờ, bất thần rút lẹ cây súng hạ thằng Lớn và đồng nghiệp hắn. Hắn may mắn bị đạn xéo, nát giò, nhanh tay, hắn nẽ luôn tên lạ mặt một phát đầu chết không kịp ngáp. Thằng Lớn vô bệnh viện bó chân, mất đứt liên lạc gia đình. Ông Chí nhận tin hắn sau hôm người già gặp ông trong bệnh viện. Cha con vừa biết tin nhau, ông Chí lại vùi lịm trong cơn sốt trầm trọng chưa biết hồi nào tỉnh dậy để thất thểu kéo chân qua từng khu phố, con đường bãi chiến đổ nát tan thương. Trong hơi thở vùi sản, ông Chí thãng thốt lảm nhãm chuyện thằng Lớn bị treo giò, mụ Chí ràn rụa nước mắt lay gọi tên ông, chuyện người già có thằng con phình bụng ễnh ương chôn bẹp trong hầm xác dưới chân núi…

Phan Tấn Uẩn

“Tết Mậu Thân 1968, sau ngày chết chóc, đường phố Nha Trang chưa kịp dọn xú uế. Anh Hồ Hửu Trực một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tình nguyện nhập đoàn lượm xác trong thành phố. Anh đã kể chúng tôi nghe nỗi kinh hoàng tột độ khi phải bưng những cái xác sình thối như con bò u, phình bụng như con ễnh ương, lên xe chở đi vào những hố chôn tập thể… Những chi tiết anh Hồ Hữu Trực kể được sử dụng trong PHỐ ĐỎ” (Phan Tấn Uẩn)

Nguồn: VĂN Số 148 ngày 15-2-1970