20 August 2019

BIA KHÔNG ÔM - Hồ Đình Nghiêm


Con đường mang tên một vị thánh. Saint Nicholas. Thành phố này có không dưới ba mươi vị. Ông thánh, bà thánh nằm đó đây, cắt ngang nhau, chồng lên nhau, nối tiếp nhau và đa số quần tụ trên vùng đồi cao.

Xe buýt nặng nề leo dốc, máy nổ lớn và cảnh vật bên ngoài trôi qua từ tốn, quen mặt. Những ngọn đèn luôn thắp sáng trước một tảng màu diêm dúa có treo hình cô gái khỏa thân đứng cheo leo trên mái che, những bậc cấp uốn lượn dẫn lên một dãy sân tennis có rào lưới chắn bên ngoài. Xe sẽ dừng ở trạm đổ, nơi ngã tư luôn tụ gió và cái bảng đường mang tên St-Nicholas đứng run chân dưới ụ đất vun nhiều cỏ dại với hoa vàng lưa thưa.
Lữ đi lại trên lộ trình này không biết bao nhiêu lần. Mỏi mòn tới độ có thể ngồi ngủ gà ngủ gật một giấc ngắn để khi mở mắt ra, xe buýt vừa tấp sát vào lề, thả Lữ xuống đúng nơi chốn, cũ một lập trình. Lữ yêu cái màu xanh nhợt nhạt đong đưa bóng trải bị thu bé giữa hai hàng cây rậm lá, con số 40 nằm trên tấm bảng trắng nhằm lưu ý quý vị lái xe chớ nên đạp ga chạy vội mà làm chi. Cuối đường rồi cũng tới với nắng chan hoặc mưa vụng trút.

Lữ đọc trên mặt báo địa phương một cột tin nhỏ: Thử nghiệm ở bến xe đò, cho phát thanh nhạc giao hưởng cổ điển để thế rock’n roll luôn gào thét, trong vòng tuần lễ, mức độ cướp giật và những hành vi phạm pháp gia giảm hẳn. Lữ kể lại cho Vân nghe khi cả hai ngồi bệt trên cỏ trong một buổi chiều yên ả và đứng gió. Nhà hàng xóm không còn gửi ra tiếng cười đùa của con trẻ, sợi dây căng phơi áo quần có máng tấm drap dài lết phết, dật dờ như cánh buồm nhác chơi của con thuyền lạc phương hướng giữa biển lặng. Trôi từ đâu lại mơ hồ tiếng dương cầm dìu dặt, vướng víu trên những bụi hoa cúi đầu bên hàng rào thấp. Những nốt nhạc rời đi, ẩn chứa thứ nỗi niềm khiến người nghe phải vọng tưởng ra nhiều điều.
– Tại sao Lữ kể chuyện đó ra? Vì nghe được tiếng đàn rã rượi?
– Cũng có thể, nhưng sau hết nó mang chút liên quan. Những người trú ngụ trên con đường mang tên một vị thánh hình như có ảnh hưởng đôi phần. Hiền lành, ít nói và hơi khép kín.
– Đừng tưởng tượng.
– Ở quê nhà người ta sống bất an trên những địa danh Cách mạng tháng tám, Đồng khởi, Xô viết Nghệ tĩnh chưa đủ để chứng minh?
Lữ ngưng nói, phân tâm vì tiếng đàn không dưng dừng lại, câm bặt. Những câu chuyện giữa Lữ và Vân đôi khi cũng tựa tiếng đàn khuất mặt ấy. Trỗi lên vu vơ, không đầu đuôi, gần mà xa, để ngưng đọng trong tẻ nhạt.
– Vân thích nhạc khích động không?
– Chẳng thích nhưng vẫn nghe. Người mình giống như bộ máy xe hơi vậy, chạy hoài ở một tốc độ tựa nhau là điều cần tránh, làm yếu bộ máy ấy đi. Chiều nào cũng nghe từ nhà hàng xóm vọng ra tiếng nhạc trầm buồn, thú thật Vân cũng hơi oải.
– Thử vào nhà mở một đĩa nhạc rậm rật lên xem không khí có thay đổi?
Vân đứng lên, quay người đi tới cửa, chiếc váy màu vàng như vệt nắng cuối chiều rút vội vào khung đen án che. Lữ vén tay áo nhìn xuống mặt đồng hồ, thời gian luôn đi mau cho những đôi tình nhân, nó cũng vội vã không kém với riêng Lữ. Tấm bảng ấn định 40 cây số một giờ cắm ngoài kia vô tình đã là cái cớ để Vân ứng xử trong vận hành tình bạn giữa hai đứa. Song hành chậm chạp, không dẫm chạy trên đường biên, chưa đến lúc chúng ta phải gia tăng tốc độ. Người lái xe biết tuân thủ những biển báo quy định, kẻ ấy chẳng bao giờ gặp tai nạn?
Vân trở ra, cô đi chân trần, tay cầm lon nước ngọt và cánh cửa mở đàng sau thủy chung vẫn tĩnh yên không một âm thanh khuấy động.
– Uống nước đi. Ba má Vân sắp về rồi.
Lữ chẳng đón nhận thức uống, Lữ đưa tay ra chỉ để bao phủ những ngón của Vân. Rờ rịt, rồi cảm nhận cái lạnh giá băng đang lan truyền. Có những đôi nhân tình không cần phải thốt bye, see you…một trong hai đứa sẽ tự hiểu thời điểm để quay lưng. Ba má sắp về là ảnh hình của cánh cửa sẽ đóng chặt, là lời chào tạm biệt không tiện nói ra.
Lữ bước giữa lối mòn xuôi về bờ lề xi-măng, Lữ sững ngó tấm bảng đóng cọc trên bãi cỏ của một công ty địa ốc mua bán nhà cửa. Với Lữ, đó là bóng dáng chiếc xe xăm xăm chạy vào ngõ cụt và rồi thì nó chết máy liền khi.
Lữ giật chuông làm hiệu khi xe buýt chạy qua hình vẽ sáng đèn cô gái tóc vàng khỏa thân. Lần này thì có một thay đổi nhỏ. Lữ đọc ra hàng chữ bóng lộn nhảy múa: “Hơn hai mươi vũ nữ trần truồng liên tục xuất hiện trên bục với vô vàn tiết mục đặc sắc. André kính mời”. Đường này mang tên gì hở ông André? Ông làm cách mạng và thay tên đường Lucifer rồi chăng? Hay đường Satan?
Xe dừng để hoán đổi khách, kẻ lên người xuống. Những xác lá vàng không yên thân luôn xô giạt, trời sang mùa và Lữ co ro dẫm vào lối quen.
– Xin lỗi, có phải anh là người Việt?
Lữ quay mặt lại, người con gái luôn ngồi nhấp nhổm thắt thỏm hoang mang cũng đã xuống tới và đang chạy đuổi kịp Lữ.
– Anh biết đường Nicholas có nằm gần đây không?
– Là con đường chúng ta đang chôn chân.
Mặt cô gái ửng đỏ, nhưng mà Lữ biết là do thời tiết mang lại chứ chẳng phải ở nguyên nhân nào khác. Tay cô nắm một vuông giấy, không là bản đồ, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn ngó vào đó.
– Ở đây có vẻ kín cổng cao tường. Anh biết nhà số 911 nằm ở đoạn nào không?
– Biết. Tôi đang đi tới con số khẩn cấp nằm lòng ấy.
– A, hay quá. Anh là gì của Vân?
Người con gái reo lên, vỡ ra thứ tiếng trẻ con ngồi trong cửa hàng McDonald’s cạo tấm vé trúng được cái hamburger free. Cô đi sát vào Lữ với sự cả tin rất hồn nhiên.
– Chỉ là bạn. Còn cô?
– Là láng giềng khi xưa ở Việt-nam. Tôi mới qua và Vân hứa sẽ tặng cho một đống đồ dư thừa.
Lữ bước khoan thai, khác với lệ thường. Chậm chân cũng chỉ háo hức chờ nghe thêm những tin tức khác. Thứ tin thường lạ lẫm của người đang xào xạc chân khua vạn dặm khởi từ gốc gác của sự đến. Lữ nhớ tới những buổi uống bia cùng bè bạn diễn ra trong căn nhà trọ chôn thấp hơn mặt đường tựa một cái hầm tránh bom đạn. Khói thuốc đặc quánh, ngọn đèn vàng hiu hắt trên đầu, độ lượng cho thêm nhiều bóng đen ngồi quây quần xôm tụ: Mấy ông à, chỉ còn chờ đợi chuyện lạ đến từ những cô gái chân ướt chân ráo vừa ở quê nhà sang tới. Tình yêu, tui thấy đó là món hàng treo đàng sau cửa kính với giá tiền cao ngất ngưỡng trời ơi đất hỡi! Có đứa gằn giọng: Biết người ta ngu ngơ chưa kịp hoàn hồn thì bèn nhào tới chơi trò lợi dụng sao cha nội? Bất lương cũng vừa phải thôi chớ!
– Trời lạnh quá! Người con gái nói khi so vai rụt cổ.
– Chưa đâu. Lạnh này chỉ mới là lạnh nháp thôi, bữa nào nó mới thiệt tình bước tới, để có muốn than van cũng không xong khi cứng miệng chẳng mở lời được.
– Anh đang đe nẹt hù dọa đấy hở?
– Không, cô chưa nghe bài hát của dân tình chốn Québec này đó thôi. Mon pays c’est hiver. Mùa đông, trời ạ, bạc trắng cả tấc lòng trong sáu tháng nửa năm.
– Anh đã trải qua bao nhiêu cái bạc trắng nọ?
– Tôi chẳng nhớ chính xác. Hình như hai mươi sáu, hai bảy gì đó.
– Gia đình anh đều sang tuốt đây?
– Không. Tôi, chỉ một mình ên. Không rõ tôi may mắn hay bị chịu hình phạt lưu đày.
– Sao anh lại nói vậy? Tôi và Vân là hai đứa bạn thân, mỗi khi nhận được quà hoặc xem ảnh Vân gửi về, anh biết tôi đã từng ước nguyện điều gì không? Giá mà được gặp lại Vân, tôi sẽ chịu làm tôi mọi cho ai có công mang tôi đi.
– Và bây giờ? Người nào đã có được chức ông chủ diễm phúc kia?
Người con gái cười thành tiếng. Cô đã cởi bỏ được chút co ro trong bộ dạng.
– Tôi đi theo diện bảo lãnh. Tôi có ông anh trước kia du học ở đây. Vân chưa từng nói cho anh nghe về một người mang tên Bảo?
Lữ lắc đầu. Bảo, cái tên nghe xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc. Gọi dạ bảo vâng. Hay bão với dấu ngã, như đường ta đi nhiều giông bão quá.
Khi bước hẳn khỏi lề đường, tiếng đàn dương cầm nhặt khoan xô tới. Bùi ngùi, Lữ nhấn chuông rồi nép người sau lưng cô gái, mái tóc dài rối ấy gây cho Lữ thứ cảm nhận mơ hồ về bàn chân đứng của mình chẳng thể thích hợp với nơi chốn. Váng vất chút lạc lõng, lúng túng hơn cả người vừa từ Việt-nam sang tới.
Người mở ra cánh cửa dầy nặng là Vân. Lữ đọc được trong mắt Vân tràn đầy cả niềm vui, và nó chỉ phủ lấp tới người con gái. Hai người ôm nhau, òa vỡ những tiếng cười tròn trịa, và rồi thì xô đẩy nhau, tựa hạnh phúc quá thì ta chỉ có mỗi một động tác nọ để chia sẻ; chẳng biết làm gì hơn.
– Tao đâu ngờ nhà mày đẹp đến dường này, không có anh đây dắt lối dám tìm hoài chẳng ra.
– Anh Bảo có lại không?
– Dĩ nhiên rồi, biểu tao đến trước trò chuyện với mày, còn anh thì đi mướn chiếc xe van để tha đồ đoàn cho dễ.
Vân nói Lữ đóng cửa kẻo gió lùa, lạnh. Tiếng đàn bị nhốt bên ngoài và trong nhà, Lữ nhìn ra nỗi trống vắng của những vật thể bị dời đổi. Mẹ của Vân từ nhà bếp đi lên, nhìn Lữ thăm dò rồi quay sang han hỏi người bạn của Vân. Qua đối đáp, Lữ biết ngoài tình láng giềng xưa cũ, hai gia đình họ vừa thắt chặt thêm mối liên hệ khác.
– Hồng, qua phòng bên này đi, tao đã lựa sẵn phần dành cho mày đây.
– Ừ, thích gì thì cứ lấy. Có dọn nhà mới thấy, đồ đoàn đâu mà lắm thứ. Còn cậu này thì sao?
Câu nói đuổi sau lưng Vân, vọng dội trong phòng kín. Lữ đứng yên một đống ra đó, là món đồ đã buộc kín giây nhợ và nếu vất được thì có lẽ là thứ đáng dụt bỏ trước tiên. Vân sẽ dọn tới một khu vực khác, căn nhà này rộng quá so với gia đình Vân và nó vừa có người mua với giá cao. Bởi thế Vân ưa làm một buổi tiệc nhỏ gọi là tiếp nhận bạn mới tiện thể giã từ nơi chốn cũ. Một bữa tiệc mà kẻ đến sớm được tiếp đãi với ngộ nhận: Quét nhà ra rác, thích gì thứ cứ lấy. Nếu thích Vân tôi lấy có được không?
Có thứ mùi lạ chờn vờn, nó cứu Lữ thoát khỏi sự bức rức khi mẹ Vân vội chạy tới nơi phát ra hương mùi. Thịt đút lò già lửa, nồi thịt hầm trào bọt, gà nướng khét? Dẫu là món gì thì khi nấu nướng ta cũng nên dọn lòng mà ân cần lân la với ông Táo, còn hơn phó mặc nó cho củi lửa để khoanh tay thẩm định tên thực khách đứng xớ rớ kia.
Còn lại một mình, Lữ bỏ ra ngoài trời với đôi chân thèm được sãi bước. Lữ bước xuống khỏi triền cỏ ẩm, trông xuôi ngó ngược con đường đang bắt đầu làm mặt lạ với Lữ, chẳng có lý do gì để mai này Lữ dẫm chân lên nó, giết qua những cuối tuần nhạt trôi, chẳng định hình. Một cô gái tóc nâu đang khom mình móc sợi dây dài vào cổ con chó đen. Người và chó tuồng như đang chuẩn bị một cuộc đi dạo. Chó luôn vẫy đuôi, còn người thì lần hồi gài kín những hạt nút áo. Lữ bước lại gần, rất đỗi buồn miệng:
– Hèn gì tôi không nghe được tiếng đàn. Cô chơi piano rất hay, ý tôi muốn nói, tiếng đàn như mang theo nó một cái gì đó, khó cắt nghĩa.
Người con gái ngước đầu lên, những sợi tóc mềm và màu mắt xanh đang như thẫm ánh chiều tà. Những ngón tay suông dài luôn xoa vào đầu con chó có bộ mặt hiền từ.
– Cám ơn. Sao ông biết tôi chơi đàn?
– Tôi cũng không biết, có lẽ do ở linh tính, tôi chưa một lần nhìn trộm qua cửa kính.
– Tôi cũng vậy. Biết láng giềng là người châu Á, nhưng chưa bao giờ tôi trông ra mặt ông.
Cô gái nói tiếng Pháp chậm, rõ. Và Lữ, khi sử dụng ngoại ngữ anh dễ dàng dối gạt, láo khoét hơn là dùng tiếng mẹ đẻ. Buồn cười một điều là Lữ ít khi đỏ mặt nếu ba hoa bằng tiếng Tây.
– Tôi làm việc bù đầu, sáng đi chiều về và có thể cái thời khóa biểu ấy không trùng với sinh hoạt của cô. Tôi tên Lữ.
Lữ cà khịa. Cố phát âm thật rõ một cái tên “đậm đà bản sắc dân tộc” khi nhìn xuống con chó. Ở bên nhà, ba anh có nuôi một con giống thế và đặt tên Lu.
– Tôi tên Christine. Hình như ông sắp phải dọn đi nơi khác?
– Đúng thế. Tôi sẽ lấy vợ và ba má tôi quyết định mua một căn nhà nhỏ hơn để ở, phải xa vùng đất dễ mến này rồi.
– Xin chia vui cùng ông.
– Điều ấy cũng có nghĩa là trong tương lai tôi sẽ phải chịu hy sinh, đánh đổi lấy cho mình một sự mất mác.
– Lấy vợ, đơn giản là làm phép cọng chứ ai lại làm toán trừ như ông nói.
– Tôi hết nghe thầm vụng tiếng đàn thánh thót của cô.
Christine cười, bán diện được ánh sáng thoi thóp tô đường viền và hậu cảnh là khúc đường đang có lá rơi, thứ hình ảnh dường như chỉ có trên màn ảnh rộng, có nghĩa là mang đầy hư ảo.
– Cô chuẩn bị dắt chó đi dạo?
– Có rỗi việc thì đi cùng tôi, nếu ông muốn.
– Tôi có người anh. Ông ấy đã khiến lỗ tai tôi biết thẩm thấu, xiêu đổ bởi âm nhạc của Stravinsky. Le sacre du printemps. Tôi cũng mang cảm tình cho những đoạn của Brahms và chính cô là người nhắc nhớ tôi về những kỷ niệm cũ. Có phải vì thế mà tiếng đàn trở nên mê hoặc khi tình cờ mình được nghe?
– Có lẽ vậy, bởi vì tài nghệ của tôi chỉ tới ngang một âm vực nào đó thôi, vấp váp, chưa thoáng đạt. Hầu như tôi chưa hề đón nhận một lời khen, ngoại trừ ông.
– Ở xứ tôi có thành ngữ: Hát hay không bằng hay hát. Cô hiểu ý tôi không?
– Ông có thường đọc nhật báo hoặc theo dõi tin tức trên đài truyền hình?
– Loan tải về tin gì? Một cuộc thi thố tài năng piano?
– Không. Ông thấy căn nhà sơn màu xanh lục bên kia đường? Nửa tháng trước xảy ra án mạng ở trong đó.
Lữ nhìn qua ngôi nhà, nó đang bị chôn bằng vô vàn xác lá chẳng ai vun quén. Những cánh cửa gỗ đóng kín, thân cành cây leo bám chằng chịt như muốn xâm thực toàn bộ mặt tiền vôi lở. Âm u và có khả năng nhốt chặt tất cả những hoài nghi.
– Mình quay về chưa?
– Ông thấy khó chịu phải không? Tôi đến thăm người bạn và đã tới nơi, ông về một mình nhé, cám ơn đã đi cùng tôi một đoạn đường.
Lữ đốt một điếu thuốc, bởi chẳng còn ai để chuyện vãn. Điếu thuốc tàn lụn khi Lữ về đứng ngay lối vào. Lữ sẽ bước tới, sẽ ngồi xuống bàn tiệc, sẽ mang vụ án rùng rợn từ căn nhà màu lục về, thong thả kể tới cái chết của cô gái tuổi xuân xanh, thi thể trần truồng và cảnh sát tình nghi đó là hậu quả của mối tình tay ba. Mọi người sẽ tái mặt, sẽ nghi ngờ tên tường thuật. Có đứa sẽ hỏi, cớ sao anh kể chuyện ấy ra trong ngày vui này, bộ hết trò rồi sao, anh có hậu ý gì?
Ô cửa gương nơi nhà bếp sáng đèn, nó tựa một cái TV màn ảnh nhỏ. Tuy không lớn nhưng nó đang tải khúc phim tình thật rõ nét, thật chi li và đoạn phim ấy buộc chân Lữ phải cắm đứng trên cỏ. Đôi trai gái ôm siết thân để hôn nhau sát bên tủ lạnh, bàn tay đứa con trai lùa sâu vào trong váy rộng của cô gái. Những con dao nằm gần, từ bé đến lớn thảy đều run rẩy, chớp sáng thứ màu lạnh ngọt của kim loại. Thằng con trai chắc tên Bảo, Lữ tin vậy, vì mặt nó rất giống cô em, mang tên Hồng. Còn đứa con gái thì nửa quen thuộc nửa xa lạ đối với Lữ. Không tin được là Vân, sao Vân lại đành lòng nhắm mắt táo tợn đánh rơi con tim luôn tính toan.
Lữ bước ra đường, đi một mạch tới ngã tư luôn tụ gió bốn hướng đổ về. Sau giờ hành chánh, vã lại cuối tuần, lịch trình những chuyến buýt sẽ chạy thưa ra. Buồng điện thoại công cọng sáng ngọn đèn xanh, tái mét. Lữ băng qua con lộ có vẻ vắng ngắt xe cộ, hun hút, thênh thang. Năm mươi xu và bảy con số lần lượt được nhấn vào. Chuông reo, tiếng chuông vọng vào tai đứt khoảng, rời rã. Kêu cho tới hồi chấm dứt sự thúc hối.
– A-lô…
– Tao, Lữ đây. Mày bận không?
– Có chuyện gì sao?
– Đếch có chuyện gì cả. Nếu không bận thì tới chỗ thằng André ngồi với tao.
– André nào?
– Hơn hai mươi vũ nữ trần truồng. Biết chốn ấy chăng?
– A. Thằng này có tiến bộ đó chớ. Được lắm.
– Mất bao lâu?
– Cúp máy là dọt ngay. Tới liền, tới liền.
Đường tới chỗ đồi trụy xuôi đổ, ngược với xe buýt mỗi khi leo lên thảy đều gầm rú với khói đen. Nếu mọi lối đi đều buông xuôi đổ thân như thế này thì cơ thể nhẹ nhàng đỡ nhọc biết mấy mà kể.
Lữ đưa năm đồng cho tên mặc com-lê thắt nơ đen trịnh trọng đứng chực sau cửa. Hắn dềnh dàng đi dẫn lối, vai u thịt bắp lồ lộ dù không cần phải cởi quần áo ra minh chứng, chủ tiệm sẽ ngầy ngà. Ai cho mày khoe của chốn này, ưu tiên cho nữ quyền, biết không con? Cám ơn, chúc một đêm tốt lành. Hắn nói. Những cái răng trắng hếu lộ ra dưới ánh đèn ma mị. Thứ lân tinh phủ chụp để biến những động vật đi lại kia hóa kiếp thành đàn đom đóm lập lòe chợt sáng chợt tối. Nhạc kích động mở hết công suất làm những cái loa to dềnh dàng phải đàn hồi thì thụp 1000 W vỡ bờ, điếc con ráy. Một con đom đóm cái thơm nức mũi lượn tới, cọ quẹt vào người Lữ bằng thứ rung động tình cờ.
– Uống gì hả ông anh?
– Bia, xin vui lòng.
– Có tới hai mươi nhãn hiệu khác nhau…
– Thứ gì cũng trôi.
Lữ nói gần như hét bên đôi bông tai phát sinh mùi hương trần tục. Cô ở trần theo nội quy phải tuân và cô sở hữu cái báu vật đẹp trên mức trung bình. Cô có dáng đi mà nếu mang vào người hai bình nước không đậy nắp thì buộc lòng thủy sẽ hao, nước chảy khô dòng mới chịu thôi. Lữ nhớ lời bình phẩm của đứa bạn có tật ngứa tay ưa tìm hiểu người lạ chốn lạ: Chốn này thua bên mình ở một điểm. Bia mà không ôm. Vào đó thì xem như ngồi trên giếng mà khát nước, ông láng cháng cầm lòng không đậu để tháy máy tay chân thì nó quẳng xác ông ra ngoài đường ngay, đôi một cái rầm chẳng vị nể mình mẩy đui què mẻ sứt.
Ở trên bục nhảy đặt giữa căn phòng có đứa con gái vừa lăn lộn vừa tháo bỏ miếng vải nhỏ, thua cả cái khăn mù-soa, nó ném cái vật che thân tối hậu kia vào mặt một thằng đàn ông đang hả miệng ra ngó. Nạn nhân cười khoái trá khi nhặt được, trùm vào đầu, cột ở cổ, lau ở mặt, hôn ở mũi và sau rốt ngồi thừ người ra, như thể bị chuốc bùa mê thuốc lú. Lữ mường tượng tới bàn tay của thằng Bảo khi lùa sâu vào chiếc váy Vân mặc. Lữ trả tiền chai bia vừa mang tới với bàn tay tự dưng run rẩy.
– Có bán bia ôm không?
Mái đầu cúi thấp, ngang tầm Lữ ngồi để lắng nghe rõ hơn. Ấm áp, thơm tho.
– Cái gì? Nhãn bia của nước nào? Chưa hề nghe qua.
Lữ quay đầu, nhớn nhác. Đứa bạn vẫn chưa đến. Hắn từng nói, bia nội địa ở Việt-nam uống khá lắm. Hắn có vẻ thông hiểu nhiều chuyện. Tết này, cái thằng người rành đường đi nước bước kia lại có mặt tại Sài-gòn, hắn sẽ lò dò đi thăm thú những tụ điểm trá hình lành mạnh. Hắn sẽ… tới bến. Mẹ mày, có sung sướng thì cũng chừng mực nào đấy thôi. Hãy nhìn tao mà noi gương. Lữ sững mặt ngồi ngó những cánh bướm di động vây quanh. Hoang mang, chấp chới.

Hồ Đình Nghiêm