Tôi đi vào giấc ngủ chập chờn. Trong giấc mơ có những ánh
đèn lồng dài dặc. Rồi một lúc nào đó của giấc mơ những đóm đèn lồng biến thành
đàn đom đóm bay la đà chớp tắt trên những ngôi mả thuộc nghĩa trang dòng họ ở Hội
An. Nói là giấc mơ thì không hẳn. Phải nói là đêm hôm đó đêm 27 tháng Tư năm
2001 trên chuyến xe lửa đi từ Sài Gòn ra Hội An là hỗn độn của rất nhiều mảnh hồi
ức, của những giấc mơ ngắn và cũng là của thực tại. Chúng hòa trộn vào nhau hầu
như không tách rời ra được. Bởi ngay cả trong giấc mơ hay những lúc đắm mình
trong hồi tưởng tôi luôn luôn nghe rùng rình tiếng nghiến bất tận của con tàu
trong đêm và cái cảm giác bay trôi như con tàu không di chuyển theo hướng của
con đường sắt mà cứ tịnh tiến ngang ngang như xê dịch của loài cua. Về đêm toa
tàu ướp lạnh như một ngăn đá khổng lồ. Cái lạnh khiến tôi nhiều lần thức giấc
kéo cái chăn bông lên cằm và qua hành động đó tôi thấy lóe sáng ánh đèn duy nhất
còn bật trong căn phòng tối. Dưới ánh đèn đó Jean-Francois Bernardet miệt mài
ngồi viết trong đêm. Rồi hình ảnh Bernardet nhòe lẫn hình ảnh một đêm nào ở Ðà
Lạt, lạnh lẽo và xa xôi, tôi sực thức giấc nửa đêm mơ màng kéo cái chăn bông
lên cằm và qua tấm màn tuyn tôi thấy bóng mờ của bố tôi đang cặm cụi ngồi viết
văn trong đêm khuya khoắt dưới ánh sáng vàng của ngọn đèn chụp.
Tôi tỉnh dậy trong tiếng rung chuyển loàng xoàng của con tàu
đi qua một cây cầu sắt. Có tiếng gõ cửa rồi một ánh đèn pin lua vào trong
ca-bin tối. Giường bên cạnh Thái Vân bật đèn ở đầu giường. Nàng xòe bàn tay chắn
nguồn sáng chiếu thẳng vào mắt. Một người đàn ông cao to đứng chắn ở cửa. Ông
ta bận đồng phục xanh đầu đội nón cát-két. Tôi nhận ra ông ta là kiểm soát viên
của con tàu Euro-Train. Bằng tiếng Anh ông ta xin lỗi phải đánh thức chúng tôi
dậy trong đêm vì con tàu vừa đi vào địa phận của nước Áo và theo luật ông ta buộc
phải kiểm soát vé vào lúc này. Thái Vân mở bóp lấy ra hai xấp Euro-Passes mà
chúng tôi đã mua từ bên Mỹ. Ông ta xem xét kỹ rồi nói: “Vé của ông bà có hiệu lực
trong 4 quốc gia: Pháp, Ý, Thụy Sĩ và Ðức. Không có nước Áo. Bây giờ ông bà
đang trên lãnh địa Áo. Vì vậy nên ông bà phải trả tiền vé mỗi người là 18
đô-la. Chúng tôi chỉ nhận tiền mặt, không nhận Visa”. Thái Vân cự lại: “Nhưng
chúng tôi không có ý định đi thăm nước Áo. Tại sao chúng tôi lại phải trả tiền
nhỉ?”. Ông ta trả lời: “Tôi biết. Ông bà không có ý định đi Áo. Nhưng chuyến
tàu hỏa Geneva-Munchen đi từ Thụy Sĩ sang Ðức lại băng qua một dải ở phía cực
tây của Áo quốc”. Rồi ông ta mỉm cười: “Cũng may cho ông bà lắm đấy! Dải đất
này chỉ rộng có 6 cây số. Nếu không thì ông bà phải trả một số tiền lớn hơn nhiều
vì chúng tôi tính tiền vé theo số ki-lô-mét”. Tôi hậm hực móc ví trả 36 đô-la.
Ông ta nói cảm ơn rồi vội vã sang toa bên cạnh. Cái mửng này chắc sẽ được lập lại
ở các ca-bin khác. Mỗi đêm nước Áo chắc thu được bộn bạc. Tiếc tiền vợ chồng
tôi chúi mũi nhìn qua cửa kính hy vọng nhìn thấy một dải của dòng Danube cho đỡ
nhớ nhung những cô em tươi môi, ngồi giặt yếm yên vui... Ðời là khúc nhạc...
Ðời là tiếng thơ... Bên ngoài con tầu ầm ầm đi vào ruột của khu rừng ngập đầy
bóng tối.
Trên sân ga thành phố Hồ Chí Minh đường Kỳ Ðồng con tàu tốc
hành xuyên Việt dài thượt sơn màu đỏ ké có kẻ hai đường viền dài màu kem đã được
“nâng cấp” cho xứng với số tiền khá cao mà năm chúng tôi bỏ ra cho vé toa
“cút-xép” có máy lạnh. Chúng tôi theo đám hành khách ngoại quốc đi lần về phía
đầu tàu. Khi tôi bước lên toa tôi có cảm tưởng như năm chúng tôi là những người
Việt Nam duy nhất lên toa tàu ấy. Qua cửa sổ bên hông một hành lang hẹp tôi
thoáng thấy chị Ðạt đứng trên sân ke lẫn trong đám đông người đưa tiễn. Bốn người
cùng đi với tôi chiếm trọn một phòng. Còn tôi ở buồng bên cạnh. Tôi kéo ngang
cánh cửa đôi. Bên trong hai chiếc giường sắt hai từng ở hai bên giữa là lối hẹp
nhìn ra cửa sổ. Một người ngoại quốc cao quá khổ xây lưng về phía tôi đang đẩy
cái ba-lô và hành lý lỉnh kỉnh lên góc chiếc giường trên cao mé trái. Ông ta
xoay người toan sỏ một chân lên cái khoen kền để lấy thế đu lên. Tôi nói: Hi!
Anh ta đáp lại giọng vui vẻ: Hello! Mặt anh ta nom trẻ măng. Tôi cúi người
xếp hành lý lên giường phía bên phải từng dưới. Phòng ngủ nhỏ nhưng ngăn nắp sạch
sẽ. Giường nệm trải drap trắng, gối cũng trắng được bọc trong bao nylon và một
chăn bông xếp gọn ghẽ dầy cộm. Chăn bông? Trời này mà chăn bông? Tôi
nhìn đồng hồ tay. Còn 15 phút nữa tàu mới chạy. Tàu chưa chạy thì cái máy lạnh
cũng nghỉ thoải mái. Không khí trong toa cứ hầm lên thôi. Bên ngoài hành lang
hành khách ngoại quốc lũ lượt đi qua kéo theo những chiếc va ly có bánh xe.
Bỗng có hai người Việt bước vào phòng gần như cùng một lúc
nhưng xem ra họ có vẻ không liên hệ với nhau. Một người đàn ông đứng tuổi tóc
hoa râm và một cô gái ăn mặc trẻ trung, trẻ quá không tương xứng với gương mặt
đã thoáng lộ nét răn ở đuôi con mắt. Người đàn ông hành lý không có gì ngoài một
mớ báo chí Việt ngữ cầm tay, ông ta ngồi xuống chiếc giường dưới mé trái, né
tránh một cái chân thò xuống từ giường trên của anh ngoại kiều quá khổ. Anh này
bận quần đùi lộ cái chân bị thương có băng vải thô ở bắp vế, phần không vải che
thì lại rậm rịt những lông chân. Người hành khách Việt liếc nhìn cái chân nhíu
mày lộ vẻ khó chịu. Còn cô gái nhìn tấm vé nhìn số giường và sau khi biết là
giường của cô ở từng trên thì lộ vẻ thất vọng. Cái va ly của cô to trông lại rất
nặng nề. Cô ta lưỡng lự nhìn cái va ly như thể không biết cách nào đẩy nó lên từng
trên mà đút nó dưới sàn thì không yên tâm. Sau cùng cô ta nhìn tôi nở một nụ cười
ngoại giao: “Anh là người Việt Nam hả?” Tôi gật. “Anh làm phước đổi chỗ cho tôi
được không? Cái va ly của tôi nặng quá mà xem bộ cái giường cao tôi cũng khó mà
leo lên được” – “Tôi sẵn sàng đổi giường cho chị. Chị có thể đút cái va ly xuống
đây. Tha lên giường làm gì cho nặng”.
Tôi ra ngoài hành lang. Từ cửa sổ con tàu nhìn ra sân ga Hòa
Hưng tôi không biết từ lúc nào con tàu đã nhẹ nhàng chuyển bánh. Tôi thấy chị Ðạt
lùi xa lùi xa. Người chị nghiêng nghiêng, chị giơ tay vẫy vẫy, bóng chị nhỏ dần
lẫn vào đám đông. Chị Ðạt là con dâu của bác cả Chi, anh ruột mẹ tôi. Bác Cả có
hai con trai. Anh Ðộ và anh Ðạt. Trong gia đình cứ gọi là anh Ðộ chứ tên trên
giấy tờ của anh là Ngọc, Phạm Kim Ngọc. Chị Ðạt là người miền Nam. Ba chục năm
trước tôi đến nhà bác Cả ăn giỗ, bên cạnh một anh Ðộ, lúc đó là Tổng trưởng
Kinh Tế của miền Nam Việt Nam lạnh lùng và xa cách, một chị Ðạt hiền dịu nhỏ nhẹ
vồn vã. Giọng nói của chị thuần miền Nam nghe lạ tai trong một đại gia đình Bắc
Kỳ chúng tôi. Ba mươi năm sau từ Mỹ trở về thành phố cũ bây giờ đã đổi tên, tôi
đến thăm chị, chị ở một mình nơi căn nhà cao rộng của bác Cả, đường Phan Thanh
Giản, bây giờ mang tên Điện Biên Phủ, nhìn sang nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, bây
giờ biến thành công viên thành phố. Cả hai bác Cả và anh Ðạt đã qua đời. Anh chị
Ngọc sang ở bên Mỹ từ những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Chị dẫn tôi lên lầu
tư rồi lên sân thượng. Một căn buồng nhỏ xinh xắn nằm ở một góc sân. Từ cửa sổ
căn phòng nhỏ nhìn ra là ngang tầm với ngọn cây, công viên Mạc Ðĩnh Chi nhấp
nhô lá xanh. Bốn mươi mốt năm về trước, một ngày trước cuộc binh biến
11-11-1960 ở Sài Gòn, bố tôi bất thần trở về căn gác chợ An Ðông, ông nhìn tôi
nói nghiêm nghị: “Ngày mai con có đi chơi đâu thì không được lảng vảng gần khu
Dinh Ðộc Lập”. Cuộc đảo chính thất bại. Tôi nghe nói bố tôi sau đó đã lẩn trốn ở
nhiều nơi trong thành phố mà một nơi ông ở lâu là nhà bác Cả. Tôi còn biết là
chính chị Ðạt là người lo cơm nước và là liên lạc viên trong thời gian mấy
tháng ông lẩn trốn ở đây.Ba mươi năm sau từ nước Mỹ trở về đến thăm chị lần đầu
tiên tôi bước lên cái sân thượng ấy. Căn buồng nhỏ bây giờ dùng làm gian thờ
phượng nom cũ kỹ tiều tụy. Chị Ðạt chỉ vào cái bàn nhỏ siêu vẹo. Cái bàn ấy chú
Tam vẫn ngồi viết. Tôi nhìn lên mảnh trời này của Sài Gòn tự hỏi phải chăng bố
tôi đã ngồi đây bên chiếc bàn này trong suốt sáu mươi đêm ngày miệt mài viết bản
chúc thư văn học và phải chăng bàu trời kia bên trên nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi “sương
đã tan hết, trời cao và rộng bao la. Hai người cùng yên lặng nhìn màu xanh của
nền trời không vẩn một đám mây, ngơ ngác như lấy làm lạ rằng còn được trông thấy
ánh sáng của thế gian” (Giòng Sông Thanh Thủy - Nhất Linh). Tôi giơ tay vẫy
lại chị Ðạt mặc dù tôi biết chắc chị chẳng thể nào nhìn thấy tôi. Nước mắt dàn
dụa tối qua chị Ðạt trao cho tôi một gói bảo vật mà chị đã trân quí gìn giữ từ
hơn 40 năm qua xem đó như một phần của thân thể mình: “Ðây là trọn bộ 11 quyển
Văn Hóa Ngày Nay mà chú Tam đã tặng anh chị. Ðây là những bức tranh do chính
chú Tam vẽ. Ðây là bản thảo viết dang dở. Ðây là những tài liệu mà chú đã tín
nhiệm giao cho chị giữ, trong đó có cả bức thư từ chức của chú Tam gửi cụ Hồ Chủ
Tịch. Chị bây giờ già rồi, chị giao tất cả lại cho em vì chú Tam có lần nói với
chị là chú thương em nhất, bây giờ chị trao cho em mà lòng chị xót xa như phải
cắt bỏ một phần khúc ruột của mình”. Nói xong chị cúi gập người xuống. Chị Ðạt ở
cái tuổi về chiều của cuộc đời. Nhìn chị dẫm lạch bạch hai chân xuống sàn nhà
và khóc như một đứa trẻ nít mắt tôi cũng đẫm ướt theo chị.
Tôi trở vào buồng. Cô gái ngửng lên nhìn tôi bắt chuyện:
“Trông anh như Việt Kiều về nước. Anh ở nước nào vậy hà?” – “Tôi ở Mỹ. Tiểu
bang Washington” – “Anh ở Ði Xi hả? Em cũng có mấy người bà con ở đó! Còn em ở
Ca-Li...” (Cô ta chuyển xưng em ngọt sớt). Tôi cười: “Không phải DC Thủ Ðô đâu.
Tôi ở ngay trên đầu của cô. Thành phố Seattle”. Tôi nắm thanh kền nhún người đu
lên giường.Nằm ngược đầu tựa lưng vào ba-lô tôi nhìn nhà cửa cây cối vùn vụt chạy
qua. Ở giường bên kia anh chàng thanh niên ngoại quốc cũng tựa lưng trên ba-lô
đang hí hoáy viết. Trong tư thế nửa nằm nửa ngồi anh ta viết trên một quyển
sách bìa cứng. Cái chân bị thương của anh ta vẫn bỏ thõng xuống ngang tầm chiếc
giường trống.Ông tóc hoa râm không biết bỏ đi đâu. Lát sau, cửa buồng mở. Ông
tóc hoa râm bước vào, theo sau là một bà mặc đồng phục quần tây xanh dương, áo
trắng cộc tay túi áo có đeo phù hiệu nhân viên hỏa xa. Bà ta nói mấy câu với
ông khách. Tôi hiểu ra là ông ta muốn đổi phòng nhưng lại không có giường nào
trống trong toa cút-xét này. Khi bà soát vé đi ra thì có một thanh niên vào
phòng chuyển cái va-ly nhỏ và cái cặp da cho ông ta rồi anh ta thối lui dáng điệu
lễ phép gần như cung kính. Bên ngoài trời về chiều. Con tàu ầm ầm chạy qua cầu
sắt. Ánh nắng dịu đi trên thành cầu Bình Lợi. Dưới cầu con sông nước đục một
chiếc phà đen đi qua. Dừa nước mênh mông. Từ hành lang hai cô gái đẩy cái tủ thấp
có bánh xe mang khay thức ăn vào phòng. Thức ăn còn nóng trông sạch sẽ. Giường
bên kia thoáng cái, khay của anh ngoại kiều đã sạch nhẵn. Ăn xong anh ta ngửng
nhìn tôi, mắt anh ta ánh một tia vui. Hình như anh ta đang nghĩ về một cái gì
vui lắm. Cũng có thể là anh ta hài lòng về khay thức ăn được anh ta “quản lý” rất
gọn. Not bad? Tôi nói, chỉ vào thức ăn. Not at all ! Anh ta vui vẻ
trả lời đồng thời nhoài người qua giường tôi bắt tay: “Tôi là Jean. Jean
Francois Bernardet. Tôi đến từ nước Pháp”. Tôi ngạc nhiên: “Ông người Pháp? Tôi
ngỡ ông người Mỹ. Ông nói tiếng Anh đúng giọng lắm...” – “Thì cũng nghề nghiệp
thôi! Nghề của tôi cần thông thạo nhiều thứ tiếng. Tôi đang học cả tiếng Việt
Nam đây... Còn ông?” - “Tôi người Việt Nam. Nhưng tôi sống ở Mỹ” – “À , ông là Việt
kiều” (Anh ta nói hai tiếng Việt kiều rất sõi).
Theo đám Việt kiều và người ngoại quốc tôi tiến về phía
khung kính rộng của phi trường Tân Sơn Nhất. Ðám đông bên ngoài thân nhân đứng
nghển cổ ngó vào phía trong. Những tấm bảng carton nhô cao khỏi đầu người, những
cái tên viết bằng đủ loại tuồng chữ: Tạ v. Bửu, Nguyễn v. Chí, Lê Huỳnh, John
Smith... Không có tên tôi. Lần cuối gặp đã 26 năm trước nhưng đứa em vợ ra đón
không thể nào không nhận ra tôi. Chúng tôi vẫn gửi hình về đều. Lúc tôi bước ra
ngoài phi trường, như thể vừa mở một cái lò hấp, cơn nóng tháng Tư của Sài Gòn
chụp xuống hừng hực. Nắng chói lòa. Không khí như bốc khói rung rinh trên nền
xi-măng những chiếc tắc-xi hai màu xanh vàng nối đuôi nhau. Không thấy bóng thằng
Hùng đâu. Tôi bắt đầu cảm giác những giọt mồ hôi đọng lại lăn dọc sống lưng. Bỗng
một chiếc tắc-xi đâm vào chỗ tôi đứng. Thằng Hùng mở cửa, nó khẽ gật đầu chào rồi
vội vàng đỡ lấy va-li của tôi chất phía sau xe. Ngồi băng trước nó bảo tài xế
lái đến Khánh Hội. Xe chạy. Thằng Xinh, đứa em cột chèo, quặt chiếc xe máy rồ
ga chạy theo chiếc tắc-xi. Tôi nhìn hai bên nhìn xung quanh. Tôi dáo dác lạc hướng.
Hoàn toàn tôi không nhận ra chốn cũ. Bên ngoài phi trường chỗ này xưa kia là mảnh
trời rộng, là những khoảng trống, là màu xanh hàng cây phi lao của Bắc Việt
Nghĩa Trang, là cánh cỏ mướt rộng mà hồi bé chúng tôi vẫn đến hóng mát thả diều.
Tất cả vụt mất. Tất cả khoảng trống màu xanh lấp đầy bằng nhà cửa xây san sát hỗn
độn. Ðến một ngã ba chiếc tắc-xi quẹo trái qua một con đường rộng đông xe. Ngay
chỗ rẽ ở mé trái là cổng của một trại lính.Tôi đọc hàng chữ đỏ. Doanh trại Quân
Ðội Nhân Dân. Tôi ngờ ngợ. Rồi chợt nhớ ra. Cái cổng hùng tráng ở đó đã biến mất.
Cái cổng của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Tôi lặng người. Hai mươi sáu năm trước,
cũng tháng Tư này, lúc tờ mờ sáng ngày 30, từ trong cổng ấy một chiếc xe jeep
lách qua hai vòng kẽm gai chạy vọt khỏi cổng trại. Trên xe có bốn quân nhân.
Người lái là một Ðại Tá. Phía trước bên cạnh một Trung Tá. Ngồi băng phía sau
hai Trung Úy... Tôi rợn lên ở sống lưng.
Lúc xe vượt qua cổng ấy tôi có cảm giác như có nhiều mũi
súng đang hướng phía sau. Như trong một cuốn phim câm đen trắng được quay rất
chậm chiếc xe jeep trong hồi tưởng của tôi lặng êm chạy qua cổng trại của Bộ Tổng
Tham Mưu. Lúc đó là 5 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Cánh cổng hùng vĩ vắng
hoe. Lực lượng dù đông đảo trấn giữ ở đây đêm trước đã bất ngờ rút. Chiếc jeep
lăn trên đường Công Lý. Trời còn mờ tối. Phố xá vắng. Chốc chốc vọng tiếng nổ ỳ
ầm ở xa. Có xen lẫn những tiếng súng nhỏ. Chân trời lóe sáng từng chập. Ngồi
băng sau là hai Trung Úy. Hùng và tôi. Xe chạy về hướng trung tâm thành phố. Trời
đã tỏ rạng hơn. Hai bên đường vắng xe đám đông người đi bộ gương mặt thất thần
xao xác đi tất tả đi xuôi đi ngược đi vất vưởng đi không định hướng như những
thân xác không hồn. Cảm giác của tôi lúc đó thật lạ. Không âu lo. Không sợ hãi.
Không kinh hoảng. Chỉ thuần một sự mê lịm. Chúng tôi hoàn toàn phó thác số phận
mình vào tay người lái xe. Ðại tá Nguyễn Tiến Lộc. Ðại Tá là anh ruột Trung Tá
Lạc. Cả hai là anh rể của Nguyễn Ðình Hùng, thằng bạn rất thân của tôi. Xe jeep
đi qua đường Trần Quốc Toản rẽ vào trong sân rất rộng của trụ sở Ủy Ban Liên Hợp
Quân Sự. Trong sân một số đông người đã tụ ở đó. Ai nấy đứng ngửa cổ ngóng lên
trời cao nhìn vài chiếc phi cơ cuối cùng rời khỏi thành phố bay về hướng biển.
Trong đám đông có vài ánh lóe tuyệt vọng của những chiếc gương nhấp nháy làm hiệu
lên bàu trời. Sau khoảng 15 phút đứng chờ ở đó tôi nghe tiếng Ðại Tá Lộc nói:
“Không xong rồi !”. Ðại Tá ra lệnh chúng tôi thay đồ dân sự. Chúng tôi vứt bỏ đồ
trận và súng ống ở trong sân của trụ sở rồi leo lên chiếc jeep. Phía trước tôi
nghe mẩu đối thoại khẽ, ngắn. Trung tá Lạc: “Mình đi đâu?”. Ðại tá Lộc: “Tôi
tìm đường xuống Gò Công”. Trung tá Lạc: “Không nên. Không kịp. Tụi nó đã vào
sát Sài Gòn. Ði Nhà Bè. Gần nhất”. Xe chạy qua đường Thống Nhất, tôi nhìn lại lần
cuối Tổng Cục CTCT, đơn vị cuối cùng tôi phục vụ trước khi được biệt phái về
giáo chức. Bên cạnh Tổng Cục tôi chứng kiến cảnh dân chúng trèo tường vào trong
Tòa Ðại Sứ Mỹ. Trên hè rộng trước Toà Ðại Sứ la liệt đồ đạc do dân chúng tràn
vào hôi của bỏ lại. Xe qua Khánh Hội. Một cảnh tượng tương tự xẩy ra ở Kho 5.
Dân chúng tràn vào kho hôi của hoặc tìm đường ra tàu thoát thân. Ðu trên hàng
rào mắt cáo của kho 5 bầy người đông nghẹt chen nhau hỗn loạn. Trên đường Trịnh
Minh Thế dẫn đến nhà Bè có rất nhiều vòng kẽm gai chắn ngang đường. Trung Tá Lạc
chốc chốc lại xuống xe kéo vòng gai để chiếc jeep lách qua chạy tiếp. Gần đến
Nhà Bè một cảnh tượng tôi không bao giờ quên được.Một toán lính Ðịa Phương Quân
khoảng vài chục người đi nghênh ngang giữa lộ. Ðám lính không súng ống, không
giầy trận tơi tả đi về hướng Sài Gòn. Vừa đi vừa lột vứt áo trận xuống đường. Ðến
Nhà Bè ngang một bến tàu là kịch đường.Tuyệt lộ. Chiếc jeep đỗ khựng. Chúng tôi
nhìn quanh. Bến tàu vắng hoe. Giữa lòng sông Sài Gòn những chiếc tàu đủ loại lướt
qua mang theo những đợt người di tản sau cùng của thành phố. Bốn chúng tôi nhìn
đoàn tàu hối hả đi ngang trên lòng sông rộng, nghĩ tới vợ con tất cả đã rời khỏi
nước bằng máy bay của cơ quan DAO từ hai hôm trước mà lòng não nùng tuyệt vọng.
Ðúng lúc ấy một người đàn ông không biết từ đâu chạy tới nói nhỏ: “Các ông di tản
?”. Chúng tôi gật đầu. Ông ta bèn “mách nước”: “Ở mé kia có một cái xuồng máy vừa
cặp bến. Họ đang lấy xăng. Các ông có thể xin quá giang qua tàu lớn đậu ở ngoài
song”. Mách xong ông ta ngửa tay xin Ðại Tá Lộc cái chìa khoá xe jeep. Trong nỗi
tuyệt vọng và cơn mê hoảng chúng tôi lúc ấy không ai nghĩ đến việc ông ta có thể
lừa chúng tôi để lấy xe. Cầm chìa khóa trong tay ông ta biến mất. Chúng tôi chạy
vội đến chỗ ông ta chỉ thì quả nhiên có chiếc xuồng máy đậu. Trên xuồng có dăm
ba người lính. May mắn tột cùng làm sao một người lính trên xuồng vừa mới vượt
thoát từ Ðà Nẵng về nhận ra ngay Ðại Tá Lộc khi ông còn phục vụ ở ngoài Quân
Ðoàn I mấy năm trước. Bốn chúng tôi sau đó xuống xuồng máy chạy ra giữa dòng và
được chuyển qua một con tàu lớn đi ra cửa biển. Con tàu mang tên Tourane 3.
Cùng thời gian ấy cách 10 cây số về hướng tây nơi trung tâm thành phố bây giờ
mang tên Hồ Chí Minh chiếc xe tăng đầu tiên của phía bên kia từ hướng Thị Nghè
đang tiến trên đường Thống Nhất hướng về Dinh Ðộc Lập.
Giường bên cạnh từng dưới ông tóc hoa râm ngồi bó gối xỉa
răng. Lát sau ông ta đứng cạnh giường vươn vai rồi kéo ngang cánh cửa đôi bước
ra ngoài hành lang. Tôi móc trong ba lô lấy ra bao thuốc lá. Bao thuốc màu
xanh. Tôi đã bỏ thuốc lá từ lâu. Tôi mua bao thuốc này cho bố tôi. Ngày mai khi
tàu đến Hội An di cốt của bố mẹ tôi và chị Thư, người chị cả, sẽ được chôn cất ở
nghĩa trang riêng của dòng họ Nguyễn Tường. Bố tôi chỉ ghiền một loại thuốc
Bastos xanh mà tôi bây giờ không thể kiếm đâu ra. Tôi vào một nhà hàng Pháp ở
Sài Gòn mua gói Gauloise thay thế vì bố tôi có lần nói hồi ông ở Paris ông hút
Gauloise có hương vị đậm và màu xanh bao thuốc cũng giống giống màu bao Bastos.
Thay vì đốt nhang tôi châm điếu thuốc. Giống như ba mươi năm trước tôi đốt điếu
thuốc đúng “gu” trên mộ những thằng bạn thân đã ra đi trong cuộc chiến. Ðiếu
Ruby cho thằng bạn thiết Trịnh Kim Ðồng chết ở Bình Ðịnh, điếu Capstan cho đứa
anh vợ Nguyễn Thái Hòa chết ở An Lộc, điếu Pall Mall cho ông anh họ Nguyễn Tường
Hướng chết ở Cà Mâu, mặc dù anh Hướng chả biết hút thuốc. Theo hành lang tôi đến
cuối toa. Tôi mở cửa bước ra chỗ tiếp nối giữa hai toa tàu.Gió lồng lộng. Ông
tóc hoa râm đứng vịn lan can nhìn ra rừng cây cao su. Những hàng cây thẳng tắp
liên tiếp xoay qua vụt vụt như rẽ quạt. Nhìn rừng cao su tôi liên tưởng đến
truyện Dọc Ðường của Thanh Tâm Tuyền tôi đã đọc mấy chục năm trước mà tôi rất
thích xem như một trong những truyện ngắn hay nhất của văn học miền Nam. Những
cây cao su tôi nhìn thấy bây giờ dường như xơ xác ốm o hơn cây cao su trong ký ức
tôi và những vệt sữa trắng rịn ra ở những nhát cắt xéo hình như cũng mỏng hơn.
Một lát sau ông tóc hoa râm móc túi lấy ra hộp thiếc Craven “A”, mở hộp nhón một
điếu, gõ gõ đầu thuốc vào hộp rồi ông ta xoay người dí đầu vào thành cửa, bật
tách một cái bật lửa mạ vàng châm thuốc. Rít điếu thuốc ông ta ngửng lên thấy
tôi. Cặp mắt ông ta sắc và lạnh. Tôi bóc bao Gaulois xin ông ta mồi lửa châm điếu
thuốc. Hai người đứng yên lặng hồi lâu trong tiếng động rùng rình của con tàu
đi vào rừng lá. Tôi toan tìm một câu mở đầu để khơi chuyện nhưng tôi bỗng có
linh cảm rất lạ rằng ông ta không những sẽ không bắt chuyện mà dường như lại
còn ác cảm với tôi. Bỏ giở điếu thuốc tôi trở vào trong toa. Thay vì về phòng
tôi mở cửa buồng bên cạnh. Trong phòng bốn người đã ăn xong đang nằm đọc báo.
Anh Việt và chị Thoa tôi chiếm chiếc giường đôi mé phải, bên trái là giường anh
chị Ninh. Anh Ninh cùng họ Nguyễn Tường chúng tôi, nhưng anh thuộc chi miền
Trung. Anh chị sinh sống ở Ðà Lạt. Trong chuyến về Việt Nam của ba anh chị em
tôi, anh chị Ninh đã từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn cùng đi với chúng tôi ra Hội An.
Việc di chuyển di cốt và chôn cất cần nhiều thủ tục mà chỉ những người ở địa
phương như anh Ninh mới am tường. Nói chuyện một lát, trước khi tôi về phòng,
anh Việt giao tôi một cái va ly nhỏ màu đen và nói: “Thiết mang ít hành lý hơn
anh. Cho anh gửi cái va ly này sang bên đó”. Rồi anh nháy mắt với tôi: “Tối nay
cho cậu út ngủ chung với cậu mợ. Thích nhé!”.
Trở vào phòng tôi lách tránh một thanh niên đứng sau cửa
đang nói chuyện với ông tóc hoa râm ngồi trên giường.Anh tây ba lô không thấy ở
giường trên. Tôi đẩy chiếc va ly vào trong cùng rồi đu lên giường. Ngoài cửa sổ
trời đã choạng tối. Tôi bật đèn ở đầu giường nằm khoanh tay sau gáy đầu tỳ vào
ba lô. Tiếng rung của con tàu không cho tôi nghe rõ câu chuyện hai người đang
nói nhưng tôi cũng nhận ra giọng nói Nghệ Tĩnh của ông tóc hoa râm. Ông ta nói
liên hồi. Mặt ông ngước lên. Những lúc ông ta ngừng nói thì bắp thịt ở một bên
má của ông ta co giựt một cách bất thường khiến đuôi con mắt và một bên miệng
chốc chốc lại nhích một cái như bóp vào nhau. Còn anh thanh niên kia chỉ khẽ dạ
dạ. Chốc chốc ông ta dừng lại, hỏi bằng giọng sẵng hơi to và đó là câu duy nhất
tôi nghe được nguyên vẹn: “Tôi nói thế chú có nắm được không?”. Anh thanh niên
lại gật đầu dạ dạ. Lát sau anh ta mở cửa đi ra.Trên giường ông tóc hoa râm có
thêm một xấp báo Việt ngữ. Tôi đoán là ông tóc hoa râm đi tàu cùng với hai “đệ
tử” là hai thanh niên đã mang va ly và sách báo cho ông ta. Hai thanh niên này ở
toa tàu khác sang. Chắc hẳn là không chịu thấu tiền vé rất cao của toa “cút
xép” máy lạnh. Tôi lục ba lô lấy ra cái gói mà chị Ðạt đã trao cho tôi đêm trước.
Tôi cởi cái giây buộc rất cẩn thận bằng vải đỏ. Dưới ánh sáng vàng của ngọn đèn
nhỏ ở đầu giường tôi lần giở xem qua bộ Văn Hoá Ngày Nay và những tài liệu
khác. Tôi bàng hoàng đọc những dòng chữ nhỏ thân quen của bố tôi. Văn Hóa Ngày
Nay những số đầu có viết lời Thân tặng hai cháu Ðạt - Nhất Linh. Tập cuối
lời đề tặng viết Chú Ba Nhất tặng hai cháu Hai. Bên cạnh có nét chữ nắn
nót của chị Ðạt. Deep memory of my uncle Nhất Linh (Nguyễn Thị Hai). Những
bài viết dang dở. Ðời Làm Báo. Một truyện ngắn bỏ lửng. Con Cá Vàng.
Một truyện dài viết được vài trang. Hai Con Mắt. Tập bản thảo. Viết
và Ðọc Tiểu Thuyết. Rất nhiều tranh vẽ. Những bức thư. Những ghi chú trong
sổ tay. Ở một trang trong sổ tay có hàng chữ ngoệch ngoạc: “Giản dị thế mà
không nghĩ ra. Trên đời không có gì quan trọng cả”. Nhưng một bức thư làm
tôi chú ý. Bức thư nét chữ đã mờ viết trên tấm giấy vàng vọt mà thời gian năm
mươi lăm năm qua đã làm phai những đường kẻ. Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 1946.
Bức thư gửi người mà bây giờ thành phố Sài Gòn mang tên. Kính gửi Cụ Chủ Tịch
Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Bố tôi viết lá thư từ chức Bộ Trưởng Ngoại
Giao này chỉ ba ngày sau khi Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến ra mắt quốc dân
ngày 2 tháng 3 năm 1946. Ông có thói quen viết làm hai bản tất cả những tài liệu
quan trọng. Ngay cả lúc cuối đời thói quen đó ông cũng không bỏ. Giây phút trước
khi tự kết liễu đời mình ông cũng cẩn thận ngồi chép hai bản chúc thư giống hệt
nhau. Ðời tôi để lịch sử xử... Tôi nhớ tới niềm vui bèo bọt của tôi lúc ấy
khi thấy ông trở lại vẻ thanh thản, tới thái độ quả quyết của ông như sẵn sàng ứng
phó với phiên tòa xử ông ngày hôm sau, tới việc ông lừa anh Triệu và tôi đi mua
rượu cho ông uống và đôi mắt cuối cùng của ông nhìn tôi rất lạ. ”Lúc tôi sắp
bước xuống cầu thang, cha tôi gọi giật tôi lại, tôi nghe ông gọi tên tôi bằng một
giọng xúc động nhưng ngay lúc ấy tôi không để ý. Ông nhìn lâu vào mắt tôi, ngập
ngừng đưa một cánh tay về phía trước như muốn nói điều gì lại thôi, chỉ hỏi: Ði
có 15 phút thôi à? Ðến bây giờ nghĩ lại tôi còn nhớ rõ cái nhìn của cha tôi lúc
ấy ánh mắt như gửi đến tôi những điều mà ông không thể diễn tả bằng lời”
(Niềm Vui Chết Yểu - NTT Nguyệt san Văn Học - Sài Gòn 1964). Trầm ngâm hồi lâu
tôi cất tất cả vào bọc và định bụng khi về lại Mỹ tôi sẽ đọc kỹ hơn. Trong lúc
bỏ cái bọc vào ba lô tay tôi đụng cái va ly và sực nhớ là bố tôi đang ở ngay
sát bên cạnh tôi trong suốt thời gian tôi mê mải đọc những hàng chữ của ông.
Bức thư gửi người mà bây giờ thành phố Sài Gòn mang tên
|
Nhớ
tới khoảng thời gian sau cùng với bố tôi trên cõi thế tôi liên tưởng một chuyến
xe hỏa khác năm năm về trước đã đưa vợ chồng tôi ngang qua một thành phố lạ mà
tên của nó được nhắc tới trong mẩu đối thoại giữa hai bố con trước những giờ
phút cận kề cái chết của ông. Trên chuyến tàu Munchen-Berlin trong phòng chúng
tôi có thêm người khách. Ca-bin nhỏ toa hạng nhất giống y toa couchette chỉ
khác là hai giường đổi thành hai băng ghế nệm da, hành khách ngồi đối mặt nhau.
Ông già người Ðức ăn mặc lịch sự, bận complet nhưng không cà-vạt. Ngồi ở ghế đối
diện ông khách lâu lâu lại nhìn chúng tôi khẽ nhích một nụ cười ngoại giao.
Thái Vân lấy ra trong giỏ hai quả táo mua ở Munchen, cắt gọn ghẽ để trên đĩa giấy.
Ði du lịch dễ bị táo bón nên hễ có dịp là cô nàng nghĩ ngay đến fiber của trái
cây. Nàng đưa đĩa giấy mời ông khách đối diện, nói vài câu chào hỏi bằng tiếng
Anh. Ông ta đáp lại cũng bằng Anh ngữ. Qua câu chuyện giữa nhà tôi và ông hành
khách Ðức tôi biết ông ta là một giáo sư đã về hưu của một trường đại học ở
Munchen. Ông đến Berlin để dự đám cưới một người cháu gái. Ông ta có vẻ thích
nói chuyện tuy tiếng Anh của ông ta không được trôi chẩy lắm. Nhiều lúc đang
nói ông ta khựng lại khá lâu nhíu mày như cố nặn ra một từ Anh văn thích hợp.
Nhà tôi phải đoán ý ông, lâu lâu gài giúp một từ ngữ, ông ta liền vỗ trán, lập
lại từ ấy một cách mừng rỡ rồi tiếp tục câu chuyện. Hai người đang nói về đời sống
ở bên Ðức, bên Mỹ và so sánh mức sống của người dân ở hai quốc gia.
Con tàu bỗng rúc một hồi còi dài. Ngoài khung cửa những căn
nhà ngói đỏ tươi loáng loáng vụt qua. Con tàu giảm dần tốc độ vào ga. Lại qua một
thành phố của nước Ðức. Dưới ke đám đông chờ sẵn lên tàu. Một đám thanh niên Ðức
đứng tụ quanh một cột đèn. Ðám hippy của những năm 60 mà tôi đã thấy nhiều lần
trên phim ảnh. Nhưng dữ dằn quái đản hơn. Tóc punch màu đỏ ké dựng ngược trên đầu,
hai tai đeo kiềng lủng lẳng, áo da bóng nhẫy, thắt lưng to bản, miệng phì phà cần
sa. Con tầu giật nhẹ rồi từ từ chuyển bánh. Một hàng chữ lớn hiện ra trên nóc
nhà ga làm tôi chú ý rồi sửng sốt. Numberg. Ngờ ngợ tôi quay quay qua hỏi ông
hành khách Ðức: “Thưa ông, có phải đây là thành phố Nuremberg không?” - “Ðích
thị!”. Ông ta trả lời. Tôi hỏi tiếp: “Có phải đây là thành phố sau thế chiến II
được dùng làm nơi xử các tội phạm chiến tranh Ðức Quốc Xã?” – “Ðúng thế! Ông biết
rõ nhỉ?”. Ông khách chồm tới, có vẻ ngạc nhiên. Tôi nói: “Tôi biết thành phố
này qua một cuốn phim xi-nê tôi xem đã lâu lắm, phim có cái tựa tiếng Pháp:
Jugement à Nuremberg!” - “A, phim ấy tôi cũng xem rồi. Vào cái thời những năm
60 ấy... Nhiều tài tử gạo cội lắm...”. Tôi lặng người. Ông ta còn nói nhiều.
Nhưng tôi có nghe đâu. Năm giờ đồng hồ sau đó một cái chết gây chấn động. Lúc
đó tôi hoàn toàn không hay biết gì về quyết định khốc liệt của ông. Bố tôi. Ba
mươi hai năm trước một buổi sáng ngày mồng bẩy tháng bẩy. Chỉ có ông và tôi
trên căn gác chợ An Ðông Sài Gòn. Tôi nhìn bản cáo trạng kết tội ông “phản quốc”
và buộc ông ngày mai phải trình diện trước tòa án, tôi nói: “Cậu coi
Jugement à Nuremberg chưa?”- “Rồi”- “Ðấy, cậu chẳng cần phải nói gì cả. Cứ im lặng
như ông Bộ Trưởng Ðức mà hay. Cũng chẳng cần viện cớ bệnh không nói được ở tòa.
Ðể con lại luật sư Ðinh Trịnh Chính lấy lại mấy giấy bác sĩ. Con nghĩ chẳng cần
dùng cách ấy. Mình vẫn khỏe mạnh như thường mà chả thèm nói gì cả, cũng chẳng cần
trả lời những câu hỏi của tòa. Cứ im lặng như hến thế mà hay!”. Quả thật tôi
không ngờ ông đã đi sâu đến như thế, không chỉ im lặng ở tòa mà chọn sự im lặng
trong cung cách ra đi vĩnh viễn... (Niềm Vui Chết Yểu - NTT Nguyệt san Văn
Học - Sài Gòn 1964).
Trong va ly màu đen có ba bình tro. Ðó là di cốt của bố mẹ
tôi và người chị cả. Ba mươi tám năm trước nơi yên nghỉ của bố tôi là nghĩa
trang chùa Giác Minh Gò Vấp Sài Gòn. Ở trên này ông được cả một thành phố Sài
Gòn ngậm ngùi đưa tiễn. Nhưng ở dưới kia ông mới thực sự tìm thấy sự an bình
vĩnh cửu mà ông đã không có được trên cuộc đời này. Dưới đó bố tôi không cô độc.
Ông gặp lại nhiều người. Bà nội tôi và chú Hoàn (em rể bố tôi) đã ở đó trước bố
tôi không lâu. Người kỳ cựu nhất ra đón ông phải kể tới là nhà văn miền Nam Hồ
Biểu Chánh. Mười ba năm sau, năm 1976, bố tôi lại có thêm một láng giềng mới là
thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Cuộc gặp gỡ bàng hoàng của đôi tri kỷ. Người đến sau kể
người đi trước kinh nghiệm một năm trời đọa đầy ở thế giới trên kia. Cái thế giới
mà từ 13 năm trước bố tôi tiên đoán sẽ xẩy ra. Giữa khoảng đó bố tôi có dịp hội
ngộ nhiều người. Thím Sáu (Bà Thạch Lam). Thím Long (Bà Hoàng Ðạo). Bác Thụy.
Anh Hướng. Chị Thư. Người mà bố tôi chờ đợi nhất là mẹ tôi thì mười tám năm
sau, năm 1981, bà cũng nối gót theo ông. Nhưng bà lại ở một nơi thật xa. Xa lắm.
Nghĩa trang Orsay ngoại thành Paris nước Pháp. Tôi không biết là ở thế giới bên
kia bố tôi có thực hiện nổi một chuyến Ði Tây thứ ba trong đời để đi thăm mẹ
tôi hay không. Còn chị cả của tôi chị Thư là vợ của anh Nhị Lang. Hai người lấy
nhau ở Sài Gòn trước khi Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước. Cuối năm 1951 bố
tôi từ Hà Nội vào Nam sinh sống mang theo người con cả và út. Chị Thư và tôi.
Anh Nhị Lang lấy chị tôi những tưởng chị sẽ để anh thong dong đi theo giấc mộng
hải hồ như mẹ tôi đã tần tảo nuôi con để bố tôi sống đời bôn ba cách mạng.
Nhưng chị tôi không phải là mẹ tôi. Chị thuộc một thế hệ khác. Chị “đổi mới”.
Thế là thảm kịch bắt đầu. Không lâu sau ngày cưới chị tôi nốc cạn chai Eau de
Javel tự vẫn. Bố tôi hối hả đưa chị đến nhà thương rửa ruột. Chị thoát chết
nhưng chỉ về thể xác. Năm sau anh Nhị Lang lên núi Bà Ðen đi theo ông Trịnh
Minh Thế, bỏ chị sống thui thủi một đời trong gian nhà gỗ nhỏ ở Bàn Cờ xây trên
miếng đất do cụ Phan Khắc Sửu nhượng lại. Chị chết năm 1976 trong một tai nạn
thảm khốc ở Sài Gòn. Từ ở bên Mỹ tôi nghe có người nói mẹ tôi ôm xác con khóc
ngất. Tôi không thể hình dung nổi loài người còn có một sự đau xót nào hơn là nỗi
đớn đau của mẹ tôi lúc đó. Tôi cũng tưởng tượng khuôn mặt sững sờ của bố tôi
vào cuối năm ấy khi ông đang tiếp chuyện với thi sĩ Vũ Hoàng Chương thì chị tôi
bước vào.
Tôi nhìn lên. Qua khung cửa hẹp của nhà liệm là mảnh trời
trong và cao của thành phố Sài Gòn nơi những tia nắng đầu ngày lọc qua hàng lá
me non của bệnh viện Ðồn Ðất ướp một khoảng sáng xanh dịu và tôi có ý nghĩ là
qua khung cửa ấy linh hồn của bố tôi đã thanh thoát bay lên. Tôi không biết ở
trong mơ hay trong hồi tưởng tôi cảm giác con tàu rùng mình vì lạnh trong đêm
tôi mơ màng kéo cái chăn bông lên cằm và ở khóe mắt tôi ngọn đèn duy nhất trong
phòng lung linh ngọn nến cháy trên mặt quan tài. Thi sĩ bước vào phòng. Ông mặc
bộ đồ vét màu trắng ngà, cà-vạt đen, người cao gầy, gương mặt xanh xao. Chúng
tôi mặc đồ đại tang. Anh Thạch khẽ hích tay và nói rất nhỏ vào tai tôi: “Thầy
Vũ Hoàng Chương!”. Căn phòng đầy chật người. Mùi hương trầm mặc. Trong cơn mê dại
mẹ tôi chắp tay tụng kinh trước quan tài bố tôi. Ðó là buổi sáng ngày mười ba
tháng bẩy năm một chín sáu ba. Cả một thành phố Sài Gòn ngưng lại nín thở chờ đợi
giờ khởi hành của đám tang sẽ cử hành ngay sau khóa lễ. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương
lách qua đám đông người tiến đến giữa phòng. Ông vắt cánh tay trái lên trán rồi
gục đầu xuống quan tài. Ông lịm xuống rất lâu. Vai ông không rung. Tôi biết ông
không khóc. Nhưng khuôn mặt xanh xao của ông toát một vẻ cực kỳ trầm lắng. Bàn
tay phải của ông xòe rộng ve vuốt lên trên mặt gỗ. Rồi bất thần những ngón tay
gầy xương của ông cụm lại, nắm chặt. Ông bắt đầu gõ bàn tay gân guốc lên trên
quan tài. Cạch! Ngừng lại. Cạch cạch! Ngừng lại hồi lâu. Cạch!
Cạch! Cạch! Cạch! Sau đó liên tiếp ba tiếng gõ. Phải rất nhiều năm sau này
tôi mới liên hệ tiếng gõ ấy của thi sĩ Vũ Hoàng Chương với câu đối thời danh của
ông và tôi tự hỏi phải chăng trong lúc gõ trên mặt quan tài bố tôi ông đã nạo hết
tâm can sáng tác đôi câu đối chữ Hán bất hủ:
Sổ thập niên bút mặc thành danh; nhất khả đoạn, nhị khả
tuyệt, nhi tam bất hủ.
Song thất dạ vân tiêu lạc phượng; tiên phong hóa, hậu văn
hóa, ư trung lập ngôn.
Một hồi còi tàu hụ khiến tôi chợt ý thức mình đang tiếp chuyện
với vị giáo sư đại học Munchen và tôi bắt đầu lắng nghe những lời nói của ông
ta: “Ông vừa nhắc đến phiên toà xử ở Numberg làm tôi nhớ lại thời trẻ của mình.
Bây giờ nhìn lại thì mọi chuyện đã quá rõ. Nó hiển nhiên như một chân lý. Nghĩ
lại tôi kinh sợ và ghê tởm cho sự tàn bạo của chế độ Ðức Quốc Xã. Những vụ thủ
tiêu cả triệu người ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng, thưa ông, lúc đó thì khác.
Tôi đã là một thiếu nhi trong hàng ngũ cả triệu những thiếu nhi khác bận đồng
phục mang dấu chữ vạn trên cánh tay. Lúc đó tôi nghĩ rằng những việc tàn bạo
kia là việc phải làm, thậm chí còn cho là đạo đức nữa. Tôi kiêu hãnh. Tất cả những
gì tôi nghĩ, tôi cảm và tôi hành động hồi đó đều đến từ một con tim chân thực.
Cái gì làm cho con người của tôi hồi đó nó nghịch hẳn với con người của tôi bây
giờ. Ðó là sự ngu muội muôn thủa của con người trước ảnh hưởng của ngoại cảnh,
của môi trường sống. Nhất là môi trường đó sôi lên vì một hệ thống truyền thông
tinh vi. Ông không hiểu đâu. Ông không sống trong bầu khí đó ông không thể hiểu
đâu”. Ông ta ngừng lại, lấy thêm miếng táo trên đĩa giấy nhà tôi đưa mời ông.
Nhưng ông chỉ cầm tay, không đưa lên miệng. Trông ông ta khổ sở vì phải diễn tả
một vấn đề làm ông thao thức mà không được dùng tiếng mẹ đẻ. Tôi nói: “Tôi hiểu
ông chứ. Bởi vì chính dân tộc tôi đang phải sống trong bầu khí tương tự”. Câu
chuyện của ông giáo sư Ðức khiến tôi nhớ đến tác phẩm cuối đời của bố tôi, đến
nỗi ám ảnh khôn cùng của ông trên đường tìm về sự thực: “Bên này dẫy núi
Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm” (Pascal), đến guồng máy nó cuốn ông
sang bên kia thế giới và câu thơ Nguyễn Du mở đầu Giòng Sông Thanh Thủy như một
lời tự giải vì sao giấc mộng lớn của ông không thành: “Trời kia đã bắt làm người
có Nhân”.
Ðêm đã chụp xuống tự lúc nào. Ngoài khung cửa đen thỉnh thoảng
lóe vài đốm sáng yếu ớt. Một hồi còi kéo dài. Tiếng còi trong đêm nghe xa vắng
hơn như vọng về từ một con tàu khác. Tôi với chiếc va ly nhỏ ôm bố tôi, mẹ tôi
và chị Thư vào lòng. Năm 1989 nghe tin nhà nước sắp giải tỏa các nghĩa trang ở
Hạnh Thông Tây, Gia Ðịnh, anh Thạch tôi lúc ấy là người duy nhất trong gia đình
còn ở lại Việt Nam đã làm lễ hỏa táng hài cốt bố tôi và chị Thư đưa tro về thờ ở
chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu Sài Gòn. Cùng thời gian ấy di cốt của bà Nội
tôi, bác Thụy, anh Hướng, chú Hoàn và thím Long cũng được bác Mai, Tuấn (Duy
Lam) và Minh Thu đưa về chùa Kim Cương. Hai mươi năm về trước vào tháng Tư năm
1981 anh Việt từ Pháp trở về Việt Nam dìu mẹ tôi lên máy bay sang Paris chữa bệnh.
Hai mươi năm sau cũng vào tháng Tư anh lại ngồi trên máy bay trở về Sài Gòn
nhưng lần này tay anh ôm bình tro người mẹ. Từ nước Mỹ tôi về Việt Nam trước.
Tôi đón anh Việt và chị Thoa ở phi trường Tân Sơn Nhất rồi đưa thẳng di cốt mẹ
chúng tôi đến chùa Kim Cương gửi tạm. Nơi đây lần đầu tiên bà gặp lại bố tôi
sau 38 năm ly biệt. Mẹ tôi cũng “đoàn tụ” với những người thân mà trước đây
chính bà đã tiễn họ đến nghĩa trang chùa Giác Minh với rất nhiều nước mắt của
bà, xa nhất là bà Nội tôi và gần nhất là chị Thư. Mẹ tôi không lưu ở chùa Kim
Cương lâu. Sáng hôm nay bà đi theo bố tôi lên chuyến tàu xuyên Việt về quê chồng
ở Quảng Nam, có người chị cả của tôi đi theo. Tuy là đất quê chồng nhưng Hội An
nơi ấy bà gần gũi còn hơn bố tôi gần gũi. Trong suốt ba thập niên do công việc
mua bán cau khô mẹ tôi đã gắn bó với miền đất này như một mảnh đời thân thương
của mình. Từ miền đất lạnh lẽo phương trời tây ngàn trùng xa cách mẹ tôi hôm
nay trở về chốn cũ, bên chồng bên con. Tôi đặt tay lên va ly nắn chỗ phồng lên
của ba bình tro và nghĩ tới chuyến tàu đi về miền an nghỉ sau cùng của song
thân tôi như một chuyến trăng mật thứ hai của người.
Tôi mở va ly. Ba bình tro được lèn chặt bằng quần áo của anh
Việt và tôi. Cái vụ quần áo này làm chị Ðạt sáng nay bất bình, còn anh Việt tôi
cũng nổi sùng với chị. Anh Việt tôi là người thực tế. Việc gì anh cũng tính
toán đâu ra đấy. Từ việc hỏa thiêu hài cốt của mẹ tôi, xin giấy di chuyển bình tro
từ Pháp về Việt Nam mà cái bình tro bên Pháp họ làm bằng thép trông như quả
bom, làm sao lọt qua chục con mắt cú vọ của bọn hải quan ở phi trường. Ðủ thứ
anh phải lo. Sáng nay làm lễ cầu siêu anh chỉ sợ dềnh dàng trễ chuyến xe lửa.
Anh đã tính trước nên mang sẵn từ Pháp một cái va ly nhỏ vừa đủ để đựng ba cái
bình tro. Lễ xong đến lúc bỏ ba cái bình vào va ly chúng tôi mới biết là nếu
không có gì chẹn thì hai cái bình bằng sứ của bố tôi và chị Thư sẽ vỡ mất. Anh
nói tôi mở va ly có bao nhiêu quần áo nhầu trong đó có lẫn cả đồ lót của anh và
tôi anh nhét cứng vào va ly. Nhưng khi chúng tôi vào từ biệt Thầy trụ trì chùa
Kim Cương lúc trở ra thì cái va ly lại bị mở tung ra, bao nhiêu quần áo lót vứt
ra vung vãi. Rồi chị Ðạt ở đâu chạy lại, chị hớt hải đi xin vải. Chị dẫm chân cằn
nhằn: “Ai lại thế! Ai lại thế! Chú thím Tam giận chết”. Nhưng tìm đâu được vải
bây giờ. Anh Việt nhìn đồng hồ tay. Anh không còn bình tĩnh được nữa. Vừa nhét
lại đống quần áo lót vào va ly anh nói với chị Ðạt: “Trễ giờ rồi. Có nhét cái
gì vào đó thì ông bà cụ cũng không biết đâu!”.
Tôi cầm trên tay bình tro của bố tôi. Bình màu xanh có hình
bố tôi in trên men sứ. Ðó là bức hình ông ưng ý nhất do chú Lê Văn Kiểm chụp ở
Ðà Lạt. Ảnh chụp nghiêng, bố tôi mặc áo măng tô, ở phía sau trên tủ chè có hoa
phong lan và cây kèn clarinette. Tự nhiên tôi muốn nói với bố tôi vài lời.
Nhưng nghĩ sao tôi im lặng. Tôi biết đêm nay là dịp duy nhất trong đời tôi được
ở gần ông kể từ khi ông ra đi 38 năm về trước. Ðiều tôi nghĩ trong óc và tôi muốn
biểu lộ là tấm lòng thành của tôi đối với ông. Một tấm lòng tha thiết yêu mến
và biết ơn. Nhưng tôi không thể nói lên thành lời. Tôi có cảm tưởng là lời nào
thốt ra rồi cũng sẽ thành tầm thường và không thực. Có lẽ một phần bởi vì trong
suốt bao nhiêu năm sống bên ông tôi chưa từng một lần nào nói được một câu thân
thương hoặc một lời cảm ơn, với ông. Thằng Thao, con tôi bây giờ thì trái hẳn lại.
Nó nói hầu như hàng ngày câu “Cảm ơn bố!” một cách rất tự nhiên. Có thể là nó
được hấp thụ theo lối Mỹ nên dễ dàng biểu lộ tình cảm ra ngoài cửa miệng. Năm
nay nó được 27 tuổi. Mẹ nó luôn luôn nhắc nó: “Mày phải cảm ơn cả ông nội mày nữa”.
Nó biết là mẹ nó không nói đùa. Câu chuyện ấy mẹ nó kể không biết bao nhiêu lần.
Lúc ấy nó mới được 15 tháng. Cố nhiên nó không thể hình dung được quang cảnh hoảng
loạn ở phi trường Tân Sơn Nhất vào cái buổi chiều ngày 28 tháng Tư năm 1975 ấy.Trên
trời máy bay A 37 vần vũ thả bom xuống phi trường. Dưới sân bay đám người di tản
đông nghẹt toé ra như bầy kiến vỡ tổ.
Quả thật đó mới đúng là thâm tình. Trong giờ phút ngoặt quan
trọng nhất của cuộc đời, người bạn đã nghĩ đến tôi và đi tìm tôi. Buổi sáng đó
Nguyễn Ðình Hùng hớt hải phóng xe đến nhà tôi ở chợ An Ðông. Nó nói chúng tôi đến
nhà anh rể của nó ngay vì manifest di tản dành cho thân nhân Ðại Tá Lộc
còn dư một chỗ và nó đã nhét đại tên vợ tôi vào. Tôi tức tốc phóng xe gắn máy đến
nhà Ðại Tá Lộc ở đường Trương Quốc Dung. Ðằng sau xe vợ tôi ôm thằng Thao. Lúc ấy
vợ tôi có bầu con Thi ba tháng nhưng nàng dấu tiệt điều này không dám cho ai
hay biết. Ðại Tá Lộc là thành viên của Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Phe. Vào những
ngày cuối của cuộc chiến, một chương trình di tản bằng phương tiện máy bay của
không lực Mỹ được thiết lập dành cho vợ con và thân nhân của những thành viên Ủy
Ban Quân Sự. Chương trình điều động bởi một sĩ quan cương trực của Quân Lực
VNCH, Ðại Tá Dương Hiếu Nghĩa. Chiếc jeep của Ðại Tá Lộc chất đầy thân nhân của
4 gia đình đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc giữa trưa. Mãi sau này tôi mới biết
là vợ tôi và thằng Thao phải nằm chịu trận ở phi trường cho mãi đến 9 giờ đêm
hôm đó mới lên được máy bay C130 đi Guam. Việc ném bom vào phi trường của phi
công địch Nguyễn Thành Trung đã làm tê liệt kế hoạch di tản trong mấy tiếng đồng
hồ. Trước vụ ném bom một việc bất ngờ xẩy ra cho vợ con tôi. Khi Ðại Tá Lộc đưa
danh sách thân nhân của ông cho Ðại Tá Nghĩa thì mới biết là thằng Thao con tôi
không có tên trong manifest. Ðại Tá Nghĩa là một quân nhân rất nguyên tắc.
Dù là đứa bé nó cũng là một người. Không có tên trong danh sách thì không lên
máy bay. Trong lúc cực kỳ rối rắm ấy thì vợ tôi nghe Ðại Tá Lộc nói với Ðại Tá
Nghĩa: “Không có chuyện gì mờ ám ở đây đâu. Nói thẳng với anh đứa bé này là
cháu nội của ông Nguyễn Tường Tam. Và đây là cô con dâu của ông Tam”. Cái tên của
bố tôi bật ra lúc đó chắc hẳn phải có tác dụng đối với Ðại Tá Dương Hiếu Nghĩa
vì ngay sau đó ông vẫy cho vợ con tôi đi qua. Ðại Tá Lộc trước khi lên xe jeep
quay trở về còn véo vào má thằng Thao và nói đùa với nó: “Ông nội mày to lắm
mày mới đi được đấy!”. Thằng Thao mà phải ở lại thì vợ tôi ở lại. Vợ con tôi ở
lại thì cố nhiên tôi cũng ở lại. Cuộc đời của chúng tôi nếu không có cái tên của
bố tôi can thiệp vào phút chót thì giờ này đã hoàn toàn khác hẳn, nếu không muốn
nói là khốn đốn hơn nhiều. Lòng biết ơn đó của tôi làm sao tôi có thể diễn tả bằng
lời? Không lý tôi cũng nói với bình tro cái câu đơn giản của thằng Thao: “Cám
ơn bố!”.
Có tiếng cười rộ của cô gái ở dưới giường tôi. Cô đang nói
chuyện với anh chàng tây con. Xem ra câu chuyện có vẻ đến hồi thích thú. Cả hai
đều ngồi ở thành giường. Anh chàng tây tên Jean Francois bỏ thõng hai chân xuống
giường dưới nơi ông tóc hoa dâm lúc này đã thay bộ đồ ngủ đang ngồi bó gối đọc
báo. Một đống báo Công An, Tuổi Trẻ vứt trên giường. Tôi bắt đầu theo dõi
câu chuyện của Jean. Anh ta nói có duyên. Cái nhiệt tình của anh lôi cuốn người
nghe. Những chuyến đi xa. Những chuyến du lịch. “Ði du lịch đối với mọi người
là đi nghỉ mát. Ði du lịch đối với tôi là đi làm việc”. Anh ta nói trái khoáy.
Từ giường dưới cô gái lâu lâu xen vào. Nhưng cô lại cứ nhè thành phố thân yêu của
anh ta mà chê bai. Nào là Paris bẩn quá, sông Seine sặc mùi nước tiểu, đường phố
thì đầy cứt chó. Nhưng xem ra anh tây con này không mảy may phật ý. Trái lại
anh ta diễn tả một cách duyên dáng những tệ nạn và thói xấu của dân tây khiến
chúng tôi thỉnh thoảng lại cười rộ lên trong căn buồng hẹp. “Cô để ý xem! Ở
Paris suốt ngày đêm lúc nào cũng có những xe cứu thương chạy rần rần trên đường
phố, hụ còi nhặng xị cả lên! Ðừng tưởng là thành phố này nhiều tai nạn xe cộ.
Không có đâu! Họ chở cấp cứu những ông bà du khách bị bể bọng đái vì không tìm
đâu ra chỗ đi tiểu đấy!”.
Trên chuyến tầu trong đêm, từ trái: Jean Francois
Bernardet, Thái Vân, Nguyễn Tường Thiết
|
Trong khi
đó người đàn ông tóc hoa râm chăm chú đọc như không bận tâm đến câu chuyện
ồn ào của ba người. Cũng có thể ông ta không hiểu câu chuyện. Lâu lâu ông ta lại
đưa ngón tay út lên đầu gãi nhưng chỉ thọc ấn móng tay xuống da đầu như không
muốn làm hư mái tóc hoa râm được chải kỹ lưỡng. Nhìn những cọng tóc cứng màu muối
tiêu của ông ta bất giác tôi nhớ tới bữa đi nhậu mấy hôm trước với thằng bạn
cũ ở bến Bạch Ðằng. Nhân bàn về việc những thành phần ăn tiêu rộng rãi nhất ở
trong nước, người bạn nói: “Nhất muối tiêu nhì Việt kiều” - “Muối tiêu ?” - Tôi
hỏi lại – “Thì cũng phải thôi. Không lý bao nhiêu năm hy sinh đời bố chỉ để củng
cố đời con. Mà củng cố cũng không hết của. Bây giờ đã hai màu tóc rồi. Vung tiền
cho dân sống nhờ chứ!”. Tôi nhìn kỹ ông tóc hoa râm bây giờ nó biến thành muối
tiêu. Một nhân vật có tầm cỡ? Một “tướng về hưu”? Dám lắm!
Tôi chỉ cái chân băng bó của anh tây con. Anh ta nói: “Tai nạn
nghề nghiệp! Tôi đi thử chiếc xe bình bịch thì bị trượt ngã. Chiếc xe cổ lỗ sĩ ấy
nó nặng quá. Nó đổ kềnh lên chân tôi. Cũng là may không gẫy xương nhưng cái ống
bô nóng bỏng làm cháy một mảng da chân. Không có tai nạn ấy thì tôi đã không ở
trên chuyến xe lửa này. Giờ này đáng lẽ tôi đang đi trên con đường mòn nổi tiếng
ấy. Con đường mòn Hồ Chí Minh ấy mà. Bằng cái xe bình bịch của tôi (anh ta dùng
cái từ “bình bịch” một cách rất Hà Nội). Con đường mòn chiến tranh này đã trở
thành ám ảnh cho nhiều du khách có óc mạo hiểm. Tôi là người may mắn lắm nghe!
Có nghề nào thích bằng được trả tiền để đi du lịch! Lại được đi rất nhiều nơi.
Chắc ông đã biết là một trong những sách bán chạy nhất là những cuốn Hướng dẫn
Du Lịch. Sách của cơ sở Du Lịch chúng tôi được in bằng nhiều thứ tiếng và được
cập nhật hoá thường xuyên.” Anh ta ngừng lại, lục trong ba-lô lôi ra cuốn sách
giơ tôi xem. Viet nam: The adventuous, up-to-the-minute guide. “Vì thế
mà tôi được cử đi chơi suốt năm. Nhưng đi mãi những nơi du khách thường đi cũng
chán. Ngủ mãi trong các khách sạn năm sao cũng chán. Bây giờ tôi chỉ thích khai
phá những chỗ mới những con đường mới. Bài tôi viết thường chỉ dành cho một số
du khách thuộc loại đặc biệt. Chẳng hạn như đêm nay nếu tôi không bị cái chân
đau thì tôi đã được ngủ ở khách sạn ngàn sao trên rặng Trường Sơn rồi...”. Cô
gái dưới giường hỏi ngây thơ: “Có khách sạn ngàn sao hả ông?”. Anh tây cười:
“Có chứ! Nếu trời trong tôi có thể đếm được những vì sao trên bàu trời...”. Tôi
hỏi Jean: “Thế bây giờ ông đi đâu bằng chuyến tàu hỏa này?” – “Tôi đi Hội An. Tối
mai là đêm rằm. Tôi sẽ viết bài tường thuật chi tiết về cái đêm rằm lạ lùng mà
tôi mới được nghe ấy. Thành phố tắt đèn. Dưới ánh trăng trên những con phố hẹp
bên những dẫy nhà hai trăm năm cũ người ta rước kiệu và đèn lồng... Vô số đèn lồng
những chấm sáng dài dặc đi quanh co trong phố cổ... Một tháng một lần thành phố
tắt đèn... Hội An hiện nay là nơi quyến rũ hàng đầu cho những du khách ngoại quốc
đến Việt Nam...”.
Câu chuyện giữa ba người trên tàu đã ngừng từ lâu. Màn đen đặc
ở khung cửa cho tôi cảm tưởng đêm đã về khuya. Trong phòng đèn đã tắt chừa một
ngọn le lói ở đầu giường đối diện. Tôi đi vào giấc ngủ chập chờn mang theo hình
ảnh những chiếc đèn lồng dài dặc của Bernardet. Rồi một lúc nào đó của giấc mơ
những đóm đèn lồng biến thành đàn đom đóm bay la đà chớp tắt trên những ngôi mả
thuộc nghĩa trang dòng họ ở Hội An. Nơi đây mới thật sự là nơi an nghỉ cuối
cùng của song thân tôi. Trong giấc mơ dưới ánh trăng đàn đom đóm lập loè trên
những gò đống. Trong giấc mơ tôi nhìn thấy tuổi thơ của mình đạp trên đám cỏ
may trên nghĩa địa đồng làng Phượng Vũ. Trong giấc mơ tôi trở về Hội An không
phải để chôn cất mà để thăm lại hai thân đã nằm ở đó như đã từ lâu, lâu lắm.
Trong giấc mơ tôi trở thành Trương của bố tôi một buổi chiều về làng thăm mộ
hai thân. Trong giấc mơ tôi ôm bình tro bố tôi trong tay tôi không biết mình là
Nhất Linh, là Trương hay là chính tôi nữa. “Chiều đến, Trương xuống cuối
làng thăm mộ hai thân chàng. Trương không muốn chết ở quê nhưng chàng mong khi
chết rồi người ta sẽ đem chàng mai táng ở nghĩa địa nhà; chàng thấy nằm ở các
nghĩa địa gần Hà Nội có vẻ tạm thời không được vĩnh viễn và ấm áp như ở đây, cạnh
những người thân thuộc. Chàng hơi buồn nghĩ đến chẳng bao lâu nữa lại có những
đứa trẻ như chàng hồi còn bé, chạy nhẩy trên mộ chàng, hoặc thả diều, hoặc bắt
châu chấu những buổi chiều hè lộng gió. Chàng sẽ không biết đau khổ là gì nữa:
trên mặt đất, chỗ chàng nằm chỉ còn có mấy ngọn cỏ may hồng rung rung trước gió
thờ ơ và ở một nơi nào đó Thu mà chàng không bao giờ quên vẫn đi lại, cười nói,
sống tự nhiên trong ánh sáng của thế gian trên kia” (Bướm Trắng - Nhất
Linh).
Nguyễn Tường Thiết