20 August 2019

LÃO NĂM CỐI ĐÁ - Trần Bảo Định



1.
Lão chạm mức tuổi tám mươi, cái tuổi mà thời đó trong làng chỉ cần bảy mươi thì đã là “Thất thập cổ lai hy”! Người làng đặt cho lão cái hỗn danh “Năm Cối Đá”. Nhà tôi cách nhà lão một cái nhảy qua mương; lúc ngẫu hứng hoặc những khi trời se lạnh ủ chiều tà, lão thường gọi tôi sang nhâm nhi rượu và ngồi nghe lão kể chuyện đời xưa, hoặc chuyện đời lão.


Lão “Năm Cối Đá” là dân thứ thiệt trong cái làng An Vĩnh Ngãi đã bao lần thay tên đổi họ theo thời cuộc. Lão nói: “Làng mình do sáp nhập làng Hòa Ngãi và Vĩnh Phú thành làng Vĩnh Ngãi (1) rồi bảy năm sau (2), làng Vĩnh Ngãi sáp nhập làng An Trị thành làng An Vĩnh Ngãi, thuộc tổng Thạnh Hội Thượng, quận Châu Thành”.
Bâng khuâng chiều, lão nhìn qua khói bếp nhà ai cuối xóm thả khói theo mây và đột nhiên, lão nốc ly rượu lưng chừng cạn. Một tiếng “Khà” tràn hơi men như để nhớ điều đã quên. Chậm rãi, lão học lại tích sự ghi dấu trên từng mảnh đất làng. Rằng, nghe nói thời đàng cựu, những người đầu tiên đặt chưn tới và có công góp phần khẩn hoang lập ấp vùng đất nầy là Bà Lý, Bà Tàu và Ông Tường – Bà Tàu gốc Minh hương. Ngườì làng nhớ ơn, lấy tên hai bà, một ông đặt tên rạch mang nước về tưới tiêu đồng ruộng; đó là rạch Bà Tàu, rạch Bà Lý, rạch Ông Tường. Riêng rạch Cây Bần, lại là một chuyện khác. Cây bần – còn gọi là cây Thủy Liễu, trái to tròn hơi dẹt, gọi là bần dĩa mọc thành rừng đôi bờ một con rạch thuộc chi lưu sông Bảo Định đã giúp lưu dân vượt qua đói ăn bằng trái lúc xanh có vị chua, hơi chát và lúc chín tới vừa chua, ngọt và thơm. Thường thì, từ tháng sáu kéo dài đến tháng chín lịch nhà nông: Bần trổ bông, và bông bần cho người món gỏi; lá, búp non bần cho người ăn sống và ăn một lần rồi không dễ gì quên.

– Vậy, sao quê mình người ta lại hay hò:

Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?
(Ca dao).

Đôi mắt lão đỏ hoe, buồn xa xăm… Rồi đột ngột, lão nói lảng sang chuyện khác.
Hồi nhỏ, lão có cái tên tục là Năm Chì và khi giò cẳng vững vàng, chưn tay cứng cáp, cụ ở trần trùng trục phụ má cày cấy mướn trên cánh đồng nhấp nhô gò nỗng phía Đông sông Bảo Định. Lão nói: “Người làng, không ai không thuộc lịch nhà nông:

Tháng chạp là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu,
Tháng hai trồng cà,
Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng… (3)

Tôi dợm hỏi: “Có khi nào lịch thay đổi?”, thì lão đã nói tiếp:
– Lòng người thay đổi thì trời đất thay đổi và lịch nhà nông cũng đổi thay! Thiên – Nhân – Địa, mà!”.
Tôi tin lời lão vì thời đó, ai nấy đều tôn trọng thiên nhiên, đều biết giữ gìn sự cân bằng sinh thái.
Lão kể: “Làng mình từ xưa tới giờ, như đã mặc định: đàn bà cấy lúa còn đàn ông nhổ, gánh, bỏ mạ cho đàn bà cấy. Riêng lão, làm cả việc của đàn ông lẫn việc đàn bà: tay cầm phảng phát cỏ, tay cầm cây cù nèo móc cỏ thoăn thoắt dưới trời mưa giông; hoặc cùng má, đầu đội nón lá, lưng mang tấm lá chầm che mưa che nắng, mỗi khi cấy lúa mướn ruộng người”.

2.
Tên vận vào người lòi ra tánh – tánh do trời sanh, cái tên cúng cơm do mẹ đặt. Cho nên, với Năm Chì, mẹ ngang tầm trời. Khi mẹ qua đời, Năm Chì rời làng đến Thất Sơn tìm thầy học đạo. Đường thăm thẳm, Năm Chì quyết chí đi, vì: Có đi có tới. Đêm quán trọ bên đường, anh nghe người ta nói: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh”. Anh không hiểu, hỏi chủ quán. Chủ quán cắt nghĩa: “Núi không cần cao, có tiên thì linh”. Năm Chì, người phương xa tới, làm sao biết Thất Sơn núi nào cao núi nào thấp; núi nào có tiên và núi nào không tiên!? Tuy vậy, Năm Chì không hoang mang; có lẽ do cái tên Chì nên lì chăng?

Chưn ướt chưn ráo trên đất lạ quê người, Năm Chì – chàng trai vùng nước lợ đồng bằng – khác gì con chim lạc bầy giữa rừng đại ngàn; cũng có những lúc, anh thối chí muốn quay về nhưng rồi, như có ma lực từ núi non hùng vĩ níu gót chưn anh. Với sức lực cơ bắp, Năm Chì theo tiều phu vô rừng kiếm sống; trong số tiều phu Năm Lực theo, anh kết ông Bảy Căm Xe – không ai biết họ tên thật của ông, chỉ biết con người ông như loại gỗ căm xe bền chắc, chẳng ngại nắng mưa và bọn mối mọt, bất khả xâm hại. Năm Chì thầm cảm ơn thần núi cho anh kết người anh cần kết: “Chì, nghĩa là lì mà khộng lộm; nó đồng dạng với cừ khôi nên một khi gặp căm xe thì nào khác chi cá gặp nước”.
– Nầy chú em! Chú em tới đây cầu thực hay cầu đạo?
Ông Bảy đã bộc trực hỏi Năm Chì.
– Dạ! Cháu tới đây cầu đạo.
– Vậy, chú em tu Phật hay tu tiên?
Năm Chì chưa kịp trả lời, thì ông nói luôn: “Tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”!
Có tiếng khọt khẹt của khỉ, không thấy khỉ. Rừng im ắng, gió lay rừng rụng nắng xuống cánh đồng xa… Năm Chì không hiểu không gian tịch mịch, hay lòng mình tịch mịch!?

Thất Sơn hòn dọc dãy ngang
Nói sao cho hết cả ngàn phong cương (4).

Đếm thời gian qua những mùa rừng nguyên sinh Thất Sơn thay lá, Năm Chì thầm nhủ: “Hơn nửa chục mùa rừng thay lá, Năm Chì lẽo đẽo theo ông Bảy cắt rừng, lội suối, trèo đèo, leo núi… khắp miền Thất Sơn (5), trú nhiều am, gặp nhiều đạo sĩ nhưng rốt lại vẫn huờn tay không: vì hợp nhãn thì không hợp lòng; thuận lời thì nghịch ý. Ông Bảy nói: “Dẫu là tu tiên cũng còn phải tùy duyên!” Anh lì thời gian, chờ duyên!
Ông Bảy Căm Xe có người anh em bạn – Hai thợ đá – ở núi Sam, ông gởi Năm Chì tá túc nhà chú Hai. Nói nhà cho oách vậy; thiệt ra nhà chú Hai là cái hang đá được chú đục đẽo, cải tạo lại gọn gàng để làm chỗ tránh nắng mưa. Mỗi khi có ai hỏi chuyện nhà cửa, thì chú Hai thường nói trớ cho qua chuyện: “Khôn cất trại, dại cất nhà, tui chẳng khôn mà cũng chẳng dại nên chẳng ngại ở hang!”. Nhớ hôm đầu tiên chú Hai gặp Năm Chì, chú gọi Năm Chì bằng tiếng gọi trìu mến: chú em! Ông Bảy mừng ra mặt, bởi tiếng gọi chú em ở vùng rừng núi huyền bí nầy đồng nghĩa ruột rà, sống chết có nhau.
– Nầy, chú em! Tu tiên chi bằng tu người!
Chú Hai cười khanh khách, tiếng cười dội vách đá rền như sấm nổ chuyển mùa. Năm Chì vốn tay bạo gan, vậy mà, cũng phát rùng mình. Rồi, chú kể lại cuộc đời chú bỏ đi, không dè đi bỏ mà thần núi với ma rừng chê nên chưa chịu nhận.
– Qua từng là đạo sĩ hơn mười năm, từ hang động Kim Quang ở núi Tà Lơn, Campuchia tới Bảy Núi miền đất Việt. Nơi qua nương thân bây giờ chính là am cũ hồi xưa. Qua chọn núi Sam dừng bước chưn đạo sĩ và đồng thời, cũng là nơi chốn qua cởi áo đạo sĩ trả về mười phương. Hết duyên!
Chú Hai buông tiếng “hết duyên” trôi theo tiếng thở dài thậm thượt. Bồi hồi, chú Hai nói: “Qua buông dùi mõ cầm búa tạ, nêm sắt, xà beng để bổ và xeo tách đá… nặng nhọc mà lòng thảnh thơi”! Nghe hai tiếng “thảnh thơi”, Năm Chì giựt mình: “Tu tiên cốt giữ lòng thảnh thơi, chớ nào tu tiên để giúp người”. Tự hỏi rồi tự trả lời, Năm Chì nghĩ: “Giúp người, bất cứ hoàn cảnh nào cũng giúp được; đâu cần phải tu tiên rồi thành tiên thì mới giúp được người”. Nhiều lúc, sờ mình mẩy chú Hai nhám cào dăm đá dính lì da thịt, Năm Chì nể phục và thương chú.
– Lòng thanh thản, đó là cách tu người đó, chú em!
Năm Chì bỏ ý định tu tiên, ông Bảy Căm Xe mừng thầm, với ông, đời là quán trọ, nơi khách lữ dừng chưn một đêm rồi sớm mai ra đi. Ông Bảy và chú Hai thành đôi bạn tâm giao cũng từ cùng ý nghĩ: thành người trước khi thành tiên, Phật! Mấy tháng gần đây, Năm Chì chợt nhớ làng, nhớ Sáu Lai da diết… lòng những muốn quay về, mỗi khi nhìn núi Sam. Quê Năm Chì không có núi nhưng có sông. Sông dài, rạch chằng chịt hun đúc tánh khí người cần lao “trượng nghĩa khinh tài”. Những lúc rảnh việc nhìn núi Sam, Năm Chì mường tượng núi giống con sam sống ở những khúc sông gần cửa biển. Hỏi chú Hai, thì chú Hai nói: “Núi coi hình thù vậy, nhưng chứa bao huyền thoại và di tích được lưu truyền và gìn giữ, như miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự, chùa Hang, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu… Người trong vùng, trọng tâm linh nặng tín ngưỡng!”
Trăng đồng bằng vắt mình qua núi, thắp sáng thứ ánh sáng mờ đục hơi sương viền núi Sam huyền ảo. Năm Chì thao thức nghiệm lời chú Hai nói lúc ban chiều: “Sam biểu tượng sự thủy chung chồng vợ”. Năm Chì liên tưởng tới đời sống của con sam ở sông rạch quê nhà: “Con sam cái lớn hơn con sam đực, cái trước đực sau và đực sau bám chặt cái trước, nó không bao giờ rời nhau dù bị bắt hay phải chết!”. Người ta thường nói: “Bám như sam” là vậy! Trong giấc ngủ chập chờn, Năm Chì mơ thấy Sáu Lai – người bạn gái cùng xóm chỉ cách nhau con rạch, mà Năm Chì thầm thương trộm nhớ – Hồi đó, những khi lội rạch xúc tép mò tôm, Sáu Lai thường dặn Năm Chì đừng bắt con sam mà tội nghiệp! Và, cả làng không ai ăn thịt sam dù thịt sam chế biến được nhiều món ngon, như: tiết canh, gỏi, chưn sam xào chua ngọt, xào sả ớt, sam hấp, trứng sam chiên giòn… Bởi, ăn thịt sam là ăn sự thủy chung! Bỗng dưng, Năm Chì buột miệng hát nho nhỏ làn điệu lý con sam:

Sông sâu nước chảy có nguồn
Con sam có cặp theo luồng nước sông
(Ca dao)

– Chú em! Bộ mớ hả?
Chú Hai lồm cồm ngồi dậy lắc chưn. Năm Chì nín khe, giả đò như say ngủ.
Thương Năm Chì, chú Hai không cho học nghề làm đá như chú. Năm Chì thắc mắc, chú giải thích: “Làm đá, cái nghề nhiều gian khổ mà cũng lắm hiểm nguy: mù mắt vì miểng đá văng vô mắt, rơi xuống vực thẳm vì đá sụp, chết tốt vì đá lăn đè…”. Rồi, chú dứt khoát không cho Năm Chì làm đá.
– Tu người chính là rèn luyện nhơn cách thành người, và có thành người thì mới giúp người được!
– Nghĩa là sao hả chú?
– Nghĩa là chú em phải rành một nghề và nghề đó, có lợi ích cho mọi người.
– Nghề gì chú?
– Nghề làm cối đá xay bột!
Chú Hai nói chắc cứng.
Như để động viên chú em Năm Chì, Chú Hai quả quyết: “Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”!
Mừng húm, Năm Chì liền nghĩ ngay tới Sáu Lai với ước mơ hai đứa:

Trăm năm tình viên mãn
Bạc đầu nghĩa phu thê


3.
Âm thầm, Sáu Lai đêm ôm thương ngày ngậm nhớ đợi người! Đã bao mùa bông bần trổ rụng tàn hoa trắng bến sông, nhưng người mong thì vẫn mong người mỏi mòn. Má nói: “Hoa con gái chỉ nở một lần và chỉ một lần thôi, nha con!”. Những lần má trộm nhìn thấy con gái ngồi nơi bến sông lặng lẽ khóc, má ôm con vô lòng: “Người đi nào có hẹn về đâu mà chờ!” Rồi, má bắt Sáu Lai đi lấy chồng. Lấy chồng xa, tuốt dưới miệt Cà Mau, mấy năm đầu Sáu Lai còn về thăm má; rồi sau đó, thì thưa dần… thưa dần và bặt tin.

Năm Chì quay về xóm nhỏ, mang theo cái nghề làm ra cối đá xay bột với bao niềm hy vọng gặp lại người xưa. Bùi ngùi, Năm Chì thẫn thờ trên bến sông cũ, nước mặn từ biển theo gió chướng tràn bờ hại đồng, hư ruộng, giết cây trồng…, và Năm Chì không còn nhìn thấy con sam xứ sở. Hỏi ra mới biết, người ta ham tiền nên tranh nhau bắt con sam bán cho những kẻ thừa tiền háo ăn chơi món lạ; đặc biệt, món ăn trứng sam, cách tận diệt sam tuyệt chủng nhanh nhứt. Bất giác Năm Chì giựt mình, con sam tuyệt chủng thì môi trường sinh thái sẽ không thể nào ổn định và ngay cả núi Sam, hôm thắp hương từ giã thần núi, Năm Chì đã nhận ra sự biến dạng của núi Sam do bàn tay con người gây nên. Mất Sáu Lai, mất con sam… Năm Chì khoắc khoải trong nỗi cô đơn và như mất tất cả!
Năm Chì sống một mình, tâm và lực dồn vào việc đẽo khối đá thành hai thớt: thớt trên, thớt dưới. Mồ hôi rớt hột trên đá hóa thành cối đá xay bột và Năm Chì trở về làng mang theo cả triết lý nhơn sinh: “Âm – Dương”, từ “Mẹ cha – Trời đất” với “Trong âm có dương, trong dương có âm. Âm cực sinh dương, dương cực sinh âm”. Cối đá xay bột của Năm Chì được người làng ưa chuộng; cũng từ cối đá, gạo ngâm nước trước một đêm rồi cối đá xay ra bột và bột, làm ra nhiều loại bánh – nhứt là các loại bánh Tết, đứng đầu là bánh tráng nức tiếng làng.
Cối đá xay bột làm nên danh phận Năm Chì và người làng, gọi “Lão Năm Cối Đá” khi Năm Chì lên tuổi lão.
***
Tôi nhắc lại câu hò:

Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?

Uống thêm ly rượu hong ấm cơn lạnh chiều, lão nói chậm rãi:
– Lúc nào cháu biết thương nhớ người dưng, thì cháu sẽ thấm và hiểu câu hò.
Rồi, lão nói luôn: “Ngoài ra, bần còn là vị thuốc dân dã cứu giúp lưu dân những khi bịnh tật: Bong gân, bí tiểu tiện, cầm máu hoặc giảm đau. Đồng thời, cây bần giữ đất khỏi sạt lở. Ân tình giữa người và cây, nên người lấy tên cây đặt tên rạch”.
Chẳng thèm để ý tôi, lão tủm tỉm cười:
– Có rạch thì có đò ngang và đò ngang thay bằng cây cầu. Cây cầu mượn tên rạch làm danh xưng, cũng từ đó, những cây cầu: Bà Tàu, Cây Bần, Ông Tường, Bà Lý có mặt trong làng.
Thinh không, lão vui đó rồi buồn đó: “Ngày mai, chắc gì làng giữ được những cây cầu, và người chắc gì còn dùng cái cối đá để xay bột!”.
Nghe lão nói, tôi buồn lây, và chưng hửng: không rõ ý cụ muốn nói gì…, mà cũng phải thôi, bởi với tuổi đời “hỉ mũi chưa sạch” như tôi, thì mần sao hiểu nổi, mần sao không chưng hửng!
Tôi rót đầy ly rượu cạn của lão. Ngoài bến sông, bìm bịp kêu tiếng kêu bạn tình nhanh chưn kẻo nước lớn. Lão lim dim đôi mắt, không biết đôi mắt lim dim vì mơ màng hay vì chói nắng quái chiều hôm.
Ly rượu chiều uống hoài chưa chịu cạn, khác chi chuyện đời xưa lão kể hoài chưa chịu tới chuyện đời nay! Lão nói: “Trang lứa lão giờ chẳng còn ai, họ lần lượt rủ nhau thành người thiên cổ!”. Mỗi lần nói vậy, hình như mắt lão ngân ngấn nước. Tôi không nỡ bỏ lão ngồi uống rượu một mình trong nỗi cô đơn, dù mấy bận đã dợm bước.
Nghĩ thương lão Năm Cối Đá, đứa con làng đã tặng người làng cái cối đá xay bột, một thời vang bóng!

Trần Bảo Định
(1) Nghị định ngày 6.1.1916, “Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 – 1954)”, Nguyễn Đình Tư, Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2017.
(2) Nghị định 29.11.1923.
(3) Khuyết danh, “Việt Nam thi văn hợp tuyển”, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951.
(4) “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, Nguyễn Liên Phong
(5) Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” (phần An Giang tỉnh, mục Sơn Xuyên), ghi Thất Sơn (tên chữ đầu tiên) gồm các núi Tượng, Tô, Cấm, Óc Nhẫm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa. Sách “Thất Sơn huyền bí”, Hồ Biểu Chánh và “Thất Sơn Mầu nhiệm”, Nguyễn Văn Hầu thì gọi các núi đó là: Tượng, Tô, Cấm, Trà Sư, Két, Dài, Bà Đội Ôm. Theo “Việt Nam tự điển”, Lê Văn Đức, Sài Gòn, 1972 và Vương Hồng Sển dẫn lại trong “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam”, gọi đó là các núi: Tượng, Tô, Cấm, Sam, Két, Dài, Tà Béc… “ Những Trang sử về An Giang”, Trần Thanh Phương, 1984; Thất Sơn gồm: Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài Năm Giếng (Anh Vũ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Két (Ngũ Hồ Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn). Thất Sơn (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên) có 37 ngọn núi (đã có tên), nhưng bảy núi vẫn không thay đổi (“Địa chí An giang”, tập 2, UBND tỉnh An Giang xuất bản, 2007, tr. 283, 386, 387).