31 August 2019

VỊ THUYỀN TRƯỞNG HY LẠP - Trần Thụ Ân


Chiếc tàu dầu trông không lớn lắm có lẽ vì bề dài hơi ngắn không tương xứng với bề ngang của nó. Và đó cũng là hình ảnh đặc thù của vị thuyền trưởng Hy Lạp còn đậm nét trong ký ức của tôi sau 41 năm.
Ông cũng khá cao đó chứ, ít gì cũng một thước bảy, nhưng cái bụng kia có vẻ trấn áp cả thân thể ông.

Bộ râu quai nón tuy không rậm lắm nhưng cũng mang đến cho gương mặt sạm nắng nét hùng dũng của một vị thuyền trưởng chuyên chở dầu qua lại vùng biển Thái Bình Dương. Ông trạc 40.

– Nếu họ có chết thì chính là lỗi của các ông.
Ông thuyền trưởng đập mạnh xuống bàn, trả lời nhân viên của sở Di Trú sau khi được hỏi liệu hai người Việt Nam mới được vớt lên, có sao không nếu chiếc tàu dầu rời cảng Nagoya tiếp tục cuộc hành trình đi Singapore.

Với nét mặt giận dữ, với tiếng nói sang sảng như vậy tôi chẳng cần dịch sang tiếng Nhật thì nhân viên sở Di Trú chắc chắn đã hiểu rõ ràng câu trả lời.
Vị thuyền trưởng nói tiếp, lần này diệu hơn, chậm rãi hơn, phát âm tiếng Anh thật rõ ràng có lẽ để nhấn mạnh thêm sự mỉa mai phải có đối với những người vô cảm:
– Hôm qua các ông đã dẫn bác sĩ đến khám bệnh cho họ mà bây giờ lại hỏi tôi câu đó. Tôi là thuyền trưởng, tôi chỉ biết điều khiển chiếc tàu này và tôi quyết định chiều ngày mai sẽ rời bến.
Dẫu lời nói dịu dàng nhưng vẫn là gương mặt nghiêm nghị của vị tướng cầm quân ra mặt trận. Bình thường mặt trận của ông là những đợt sóng dữ, những cơn bão cấp 7, cấp 8 ngoài biển khơi, nhưng hôm nay mặt trận của ông là những mặt người lạnh lùng, không chút tình cảm.
Khi dịch lại câu nói này chính tôi cũng phải cố gắng giữ cho mình bình thản vì trong thâm tâm nỗi trắc ẩn cũng đã dâng lên ngập tràn.
Hai nhân viên sở Di Trú lật đật chào từ giã vị thuyền trưởng mà chẳng hứa hẹn gì.
Hôm nay trời âm u, nhưng không mưa; sáng nay khi leo thang dây từ chiếc thuyền nhỏ của sở Di Trú lên boong tàu dầu, gió thổi lạnh buốt. Nhìn xuống dưới chân, sóng nhấp nhô, nước biển đen ngòm, nghĩ thầm nếu lỡ tay rớt xuống mặt biển cách xa cả bảy, tám mét dưới kia thì không biết sẽ ra sao?
Âm thanh của những bước chân nện đều đều trên boong tàu sắt quyện vào tiếng gió vi vút rít lên từng hồi làm nên một bản hòa tấu tệ hại. Chiều nay có lẽ trời sẽ mưa.
Khi về đến khách sạn mới trưa mà trời đã lấm tấm những giọt nước cuối thu. Gió se lạnh nhưng chính tình cảnh không rõ ràng của anh Ngân, chị Phương mới làm tôi rùng mình lo lắng.
Sáng nay lúc nhân viên sở Di Trú phỏng vấn anh chị, cả hai đều phải nằm trên giường, không ngồi dậy nổi dù chiếc tàu dầu đã cưu mang anh chị được ba ngày ba đêm rồi. Anh Ngân thì máu cam chảy, thỉnh thoảng
phải ngưng lại để chùi mũi bằng chiếc khăn nhỏ do thủy thủ tàu Hy Lạp cho, mình mẩy lở loét khắp nơi, râu mọc lởm chởm làm khuôn mặt xương xẩu thêm thiểu não. Chị Phương thì nói không ra hơi, nước da ngâm đen, thân thể dẹp lép, nhưng đôi mắt to màu nâu sậm vẫn còn nét tinh anh.
Rồi anh chị sẽ ra sao nếu chiếc tàu dầu này tiếp tục chuyến hải hành lênh đênh trên biển thêm cả tuần nữa?
Anh Ngân khoảng ngoài 30, còn chị Phương chỉ chừng 25. Chẳng lẽ tuổi đời của anh chị ngừng lại ở những con số này?
Anh Ngân và chị Phương là anh em thông gia và chỉ là hai người còn sống sót trong nhóm 141 người trên chiếc ghe đã vượt biên từ Vĩnh Long nhưng gặp phải bão, sau năm ngày năm đêm lạc hướng về phía Phi Luật Tân và bị mắc cạn trên đảo san hô.
Vốn là một sĩ quan tác chiến với hơn mười năm trong quân ngũ, ba năm tù “cải tạo”, thuần thục nhiều phương pháp “mưu sinh thoát hiểm”, anh Ngân đã đem ra áp dụng để sống còn.
Để bớt bị khát nước, lúc trời nóng anh ngâm mình dưới biển cho tới khi trong người thấy lạnh mới leo lên.
Để có nước, mỗi sáng sớm trước khi mặt trời mọc, anh vớt lấy từng giọt sương đọng lại trên nóc bằng thiếc của chiếc ghe. Có hôm cũng được cả… muỗng cà phê.
Nhưng mấy cơn mưa phớt đến liền đi mới chính là những vị cứu tinh thật sự. Anh dùng tất cả quần áo, vải vóc đế cố gắng giữ lấy những giọt nước ngọt ngào từ trời gởi tặng rồi vắt vào một ruột bánh xe mà anh đã nhặt được đâu đó trong ghe, để dành cho cả nhà năm người uống từ từ.

Những cơn mưa hiếm hoi ghé ngang
Đâu ngờ cứu sống được vài mạng

Những hòn đá san hô trồi lên từ lòng biển là thủ phạm đã đâm thủng chiếc ghe vượt biên nhưng chính chúng từ nhiều ngàn năm nay đã là một giang sơn phì nhiêu với cư dân là đám nghêu sò ốc hến; rồi đám nghêu sò ốc hến này lại là nguồn thực phẩm vô giá cho chính những người trên ghe vượt biên. Đúng là một thí dụ điển hình của cái vòng sinh diệt trong vũ trụ bao la này.
Vì không còn thứ gì tạo ra được lửa, người ta phải ăn sống trên đảo san hô này; lúc đầu thì còn ói mửa nhưng sau đó cơ thể tự nhiên quen dần vì cần thức ăn để sống còn.
Nhưng rồi sau cả tháng người ta chết gần hết vì kiệt sức, vì khí hậu khắc nghiệt, vì bệnh tật…
Ở trên đảo san hô được khoảng ba tuần, bổng đâu có một thùng phuy sắt, loại 200 lít, trôi dạt đến và anh Ngân bắt được nên anh dùng mấy miếng ván, đinh, dây thừng… từ chiếc ghe bị mắc cạn ghép vào để làm thành một chiếc bè. Vào ngày thứ 33 ở đảo san hô, sau khi dự trử thức ăn tức là bỏ thịt của những con ốc, con sò vào những bao vải nhỏ, cột phía dưới chiếc bè để giữ cho tươi; mang theo ruột xe chứa lượng nước ngọt có được, anh rời đảo để đi tìm sự sống. Sự sống đã đến vào ngày thứ chín sau khi rời đảo san hô và được chiếc tàu dầu Hy Lạp vớt lên.
Nhưng sự sống này có kéo dài thêm được không nếu không được lên bờ tại Nagoya, nếu phải tiếp tục lênh đênh trên biển khi sức lực đã cạn dần sau nhiều ngày bị sóng biển dập vùi thân xác…
Thật ra khi rời đảo san hô có tất cả bốn người, vợ chồng anh Ngân, chị Phương và người em trai tên Châu; người thứ năm trong gia đình là chồng chị Phương đã chết trên đảo san hô. Chiếc bè lênh đênh trên biển đến ngày thứ bảy thì vợ anh Ngân qua đời vì kiệt sức. Anh Châu lúc được tàu Hy Lạp cứu lại lỡ tay làm tuột mất sợi dây thừng nên trôi mất theo sóng biển mênh mông. Còn chị Phương thì mấy người thủy thủ phải mất cả giờ mới thảy được cái phao lọt vô đầu vì chị hầu như đã không còn chút sức lực nào nữa, chị chỉ còn có thể ngồi dậy và may mắn đón lấy được chiếc phao cứu mạng; đâu ngờ chút sức lực còn sót lại đó đã là bước nhảy vọt, bay ra khỏi cửa tử.
Chiếc tàu dầu còn lòng vòng quanh đó khoảng mười phút để cố tìm anh Châu nhưng bóng hình nhỏ nhoi của anh đã chìm mất vào bóng đêm bao la của biển.
Có lẽ tình trạng của Anh Ngân, chị Phương trên chiếc bè mong manh, bơ vơ giữa đại dương bao la đã xếp anh chị vào vị trí đầu bảng của boat people, nếu có ai cắc cớ phân chia theo mức độ hiểm nguy dành lấy sự sống từ cõi chết.
Ăn cơm trưa xong tôi lên phòng nằm nghỉ. Căn phòng vuông vức mà cái giường đã chiếm hết phân nửa diện tích, đi ba bước đã đụng vách.
Trên vách ngay cửa vào có treo một bức ảnh của Nhật Hoàng với ngày tháng đã ở lại khách sạn này vẫn không làm cho nó sang trọng chút nào.
Nhìn qua cửa sổ mưa bắt đầu nặng hột, chắc chỉ chừng trong một tháng tuyết sẽ rơi. Cái lạnh lẽo kinh người sẽ lại ào ạt đến tấn công trại tỵ nạn, một nơi nằm tuốt trong vùng hẻo lánh gần hồ Biwako, mà nhà ga xe điện gần nhất cũng phải mất nửa tiếng đi bộ. Có năm, giữa mùa đông, chỉ trong một đêm tuyết rơi phủ trên mặt đất dày đến cả gang tay.
Chợt một ý nghĩ thoáng đến trong đầu, tôi liền chạy xuống lobby lấy mấy tờ báo lên phòng.
Sáng sớm hôm sau, chưa kịp mở mắt đã có điện thoại từ sở Di Trú gọi tới, bảo là phải đến bến cảng ngay để ra tàu dầu Hy Lạp. Tuy vậy ông Takahashi vẫn như mọi khi, chậm rãi lái chiếc xe van rời khách sạn; chiếc xe chạy trên đường, hôm nay dưới mắt tôi, cứ như là người ta đang thả bộ hóng gió ngoài bãi biển vậy.
Ông Takahashi là người được trại tỵ nạn giao cho nhiệm vụ tiếp xúc với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, các Tòa Đại Sứ, Sở Di Trú hoặc tất cả cơ quan nào liên quan đến những người tỵ nạn trong trại. Lúc này trại chỉ còn khoảng 30 người nên ông cũng ít tới.
Khi xe của chúng tôi đến bến cảng thì mặt trời vừa ló dạng, đẹp như ngọn đèn dầu hột vịt thả nổi trên mặt biển.
Vừa bước xuống xe đã thấy hai nhân viên sở Di Trú trong đồng phục màu xanh đang đứng chờ ở bãi đậu xe. Khi chúng tôi đến gần ông trưởng đoàn liền nói :
– Không hiểu sao mấy tờ báo đã biết tin có hai người boat people Việt Nam được vớt. Đây này cả hai tờ Asahi và Yomiuri đều đăng hình chiếc tàu dầu Hy Lạp nè.
Vừa nói ông vừa đưa hai tờ báo cho chúng tôi xem. Ông thêm:
– Chúng tôi ra đó để làm thủ tục cho hai người này lên bờ.
Ôi không có gì vui hơn khi nghe được tin này.
Hôm nay chiếc tàu dầu Hy Lạp được cập sát bến cảng nên chúng tôi chỉ cần bước lên một cái thang móc thẳng vào boong tàu.
Ông thuyền trưởng Hy Lạp trông vui hẳn khi mới gặp chúng tôi, có lẽ ông đã được tin là sở Di Trú đã cho phép hai người Việt Nam lên bờ.
Ông tiễn chúng tôi đi cho đến khi chúng tôi bước ra khỏi chiếc tàu dầu. Ông cũng không quên chúc anh Ngân chị Phương sớm bình phục và may mắn.
Nụ cười hiền từ giữa chùm râu quai nón lấp lánh dưới ánh nắng ban mai trông thật kỳ diệu. Thật kỳ diệu vì ông đã dành lại được hai mạng sống từ tay biển dữ trả về lòng đất lành. Và có lẽ đối với ông, hai mạng sống đáng giá gấp bội so với số tiền mấy triệu đô la mà hãng của ông phải bồi thường vì trễ hạn.
Khi dìu anh Ngân và chị Phương lên xe van để về trại tỵ nạn tôi thấy vui khôn tả. Có lẽ suốt ba năm làm việc giúp người tỵ nạn hôm nay là ngày vui nhất của tôi.
Trưa nay mặt trời nhạt nhòa trong làn sương mỏng, qua lại không biết bao nhiêu cua quẹo vẫn kiên trì đuổi theo sau xe chúng tôi như cố mang đến chút ấm áp cho hai người khách từ chốn xa xôi vừa mới đến xứ sở của Thái Dương Thần Nữ.
Khi xe chạy được một đỗi, ông Takahashi xoay qua hỏi tôi:
– Không biết sao mà mấy nhà báo lại hay tin người Việt Nam được tàu Hy Lạp vớt vậy cà?
Tôi không nói gì cả mà chỉ mỉm cười. Ông đâu hiểu được rằng chính những nụ cười như vầy là phần thưởng vô giá cho tôi khi làm việc giúp người tỵ nạn.
Hôm nay ngồi viết lại câu chuyện này, tôi biết chắc rằng ở tận một phương trời xa xôi nào đó vị thuyền trưởng Hy Lạp đang an hưởng tuổi già sau một thời lênh đênh trên biển cả. Chắc ông không biết là có hai người Việt Nam vẫn luôn mang ơn ông suốt đời.

Trần Thụ Ân
(8/2019)