Cuối năm, ngồi đọc lại những đoạn viết rời của Lữ Kiều, bỗng
bàng hoàng nhớ lại một thời khói lửa nhiễu nhương suốt 30 năm. Thời mà anh gọi
là lịch sử chọn chúng tôi, chứ chúng tôi không chọn. Hay nói như Nguyễn Gia Thiều,
“cái quay búng sẵn trên trời/ mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Còn hơn
thế nữa, không phải đi mà bị lôi xềnh xệch trong đêm tối đen. Đó là số phận của
những người nhỡ sinh ra trong khoảng 40, 50 thế kỷ trước.
Cho nên, cái tựa đề “Chàng nho sinh dưới gốc tùng”
cũng chỉ là một cảnh viễn mơ ngậm ngùi mà thôi!
Sự thực thì: “ngày-hai-mươi-tuổi, có-những
đêm-chong-đèn-ngồi”. Không phải “chong đèn ngồi nhớ lại”, mà ngồi nhớ tới.
Nhớ nỗi khắc khoải của Trang tử: ta hóa thành bướm hay bướm
hóa ra ta? Nhớ một tiếng “được” thều thào của Nguyễn Du trước khi nhắm mắt, như
dấu chấm hết cho nỗi đoạn trường. Và nhớ những lúc nghe Beethoven với khúc giao
hưởng số 9, ở đó anh đếm được đến những 24 lần cái nét nhạc bừng bừng thất
thanh hạt lệ nóng trong cái hành âm cuối-cái choeur ấy-như một âm thanh ma trơi,
càng nghe càng rùng mình.
Anh cũng nhớ tới G. Nasser, người đã quyết liệt quốc hữu hóa
kênh đào Suez trước sức ép nghẹt thở của Anh, Mỹ để phục sinh một Ai Cập huy
hoàng của 6000 năm trước, nhớ tới Che Guevara, nhà cách mạng latinh cực kỳ lãng
mạn, đã chết một cái chết đẹp như bài thơ.
Anh còn nhớ tới Hà Thúc Nhơn, một bác sĩ chống tham nhũng giống
như chàng Don Kihôtê tự tin một cách ngây thơ, để rồi cuối cùng gục chết thảm
thương ở quân y viện Nha Trang.
Và dù đau đớn đến xé lòng, anh vẫn không thể không nhớ tới
những người điên nói cười ngô nghê trước cảnh chợ Đông Ba bị đốt cháy hôm mùng
hai tết Mậu Thân và cầu Tràng Tiền bị Bắc quân giựt sập để chứng tỏ cho thế giới
thấy được sự hiện hữu nghiệt ngã và tàn nhẫn của họ.
Anh cũng không quên những người tù không chịu trở về Bắc ở
trại tù Phú Quốc, không phải ở lại để hồi chánh mà để khỏi bị loại khỏi cái bầy
đàn gọi là “sinh Bắc tử Nam”.
Cũng không thể không nhớ tới hai cha con một anh địa phương
quân hồn nhiên đi bắt cúm núm, cha tóc đen mũi tẹt còn con tóc vàng sợi nhỏ, để
rồi cảm phục cái cách anh ta biến nỗi đau của mình thành niềm vui sống...
Và, đương nhiên rất nhớ tới Huế.
Anh gọi Huế là người tình cũ, một người tình có mái tóc dài
đà đuột ngát hương, là Hương giang, cài chiếc lược ngà lóng lánh, là cầu Tràng
Tiền. Người tình cũ ấy cực kỳ kiêu sa, đài các, nhưng cũng cực kỳ yếu đuối.
Nàng đã hai lần bị tổn thương, hai lần bị làm nhục *. Nàng đáng yêu
muôn phần, nhưng thật không dễ để cùng nàng đi trọn đường tình.
Anh, cũng như những trai Huế khác, Trịnh Công Sơn, Lữ Quỳnh,
Trần Hoài Thư ... đều tự nhận mình là người tình phụ. Tôi phụ em một thời bé
dại chứ không phải em phụ tôi.
Ngày chàng 20 tuổi, những đêm chong đèn ngồi nhớ, để mà chi?
Thưa để viết!
Hóa ra đây là những ghi chép, những suy tư, những chiêm nghiệm,
những thao thức của một người muốn viết như một lần dấn thân.
Nhưng viết như thế nào?
“Viết như Kinh Kha cầm cây chủy thủ, “Viết như Kinh Kha
buồn!”
Kinh Kha buồn.
Không phải vì sông Dịch lạnh.
Không phải vì đất Tần lang sói.
Chàng buồn.
Vì phải lên đường cùng với Tần Vũ Dương to xác nhưng hèn yếu.
Buồn vì thái tử Đan quá nôn nóng không đợi được Cao Tiệm Ly. Nghĩa là buồn vì cảm
thấy việc lớn sẽ không thành. Buồn nhưng không sợ, dù biết rằng “nhất khứ hề
bất phục phản“. Ba ngàn tân khách tiễn đưa tóc dựng ngược khi nghe chàng cất
tiếng hát. Trong cổ kim chưa có một cuộc lên đường nào bị tráng như thế.
Tần Thuỷ Hoàng chưa biết sợ ai ngoài chàng.
Chàng đã bị băm vằm, nhưng hơn 2000 năm qua chàng vẫn sống.
Và chàng vẫn tiếp tục sống đến nhiều ngàn năm sau nữa. Chàng sống không phải vì
đã vung con dao chuỷ thủ trước mặt Tần Thuỷ Hoàng. Chàng sống vì đã dám chứng tỏ
sự bất khuất. Chàng sống bằng chính cái chết của chàng.
“Viết như Kinh Kha buồn”
“Viết như Kinh Kha cầm chuỷ thủ”.
Nghĩa là, biết chẳng đi tới đâu, biết là thất bại mà vẫn cứ
viết. Phải viết. Vì đó là sứ mệnh của những nhà văn ở các nước nhược tiểu, những
nước không chỉ có một Tần Thủy Hoàng ngất ngưởng trên ngai vàng đẫm máu, mà còn
có rất nhiều bạo chúa ở khắp nơi, nhất là trong lĩnh vực văn chương và nghệ thuật.
Biết là thất bại nên “viết còn là một thú tội”
Vì, đã là nhà văn thì “không có sự thật nào là cấm
ky."
Rồi chàng vẽ ra “một nền kiến trúc mới, tinh thần khí thế
như tiền nhân những ngày xưa hào hùng... Phải giết con sâu bò trên giấy trắng.
Sống hùng dũng và viết như chém đá”... Làm sao đừng ngụy tín. Bởi vì tự hạ giá
mình, chúng ta hạ giá văn chương”.
Không nguy tín, không tự hạ giá mình nên ngay từ tuổi 20,
anh đã xác tín mình không thể nào và không bao giờ là nhà văn cộng sản.
Anh viết: “Người cộng sản không tin ở giá trị tự thân cô
đơn của nhà văn...” Y là đám đông. Y bị lãnh đạo một cách tự nguyện”
Viết như thế quả thực rất khó. Vậy nên, cho dù những gì anh
đã sống, đã hạnh phúc, đã khổ đau, đủ để làm nên một cây chủy thủ, nhưng anh vẫn
ngại ngùng chưa viết, dù rằng trong anh vẫn luôn giục giã:
“Kinh Kha thôi đừng bịn rịn, hãy lên đường!”
Thực ra, chẳng phải anh không đủ tự tin để cầm lấy bút như
Kinh Kha cầm cây chủy thủ. Anh dùng dắng, đắn đo chỉ vì tự trọng. Cái cốt cách
rạng rỡ nhất của một nhà văn chính là lòng tự trọng. Viết hay không viết, còn
hơn Hamlet tự hỏi “to be or not to be”.
Bởi vì, viết cho ai? Cho những em bé sơ sinh khi anh đang ở
tuổi 20, hay viết cho thế hệ vừa bị cướp mất và vừa tự đánh mất cái “bản lai diện
mục” của chính mình.
Viết làm sao, nếu không phải là khúc sinh ca của đồng lúa trỗ
thì cũng đừng là bão giông, là hí luận để làm ngu dại cả một dân tộc. Theo anh,
“nhà văn đích thực, là nhà văn bị đầy đọa, nhà văn của địa ngục”... Đó
là nhà văn bị đóng đinh. Nhà văn bị trừng phạt: viết!
Vì vậy, những đoạn viết rời được bạn bè góp nhặt để in thành
sách cách đây 10 năm chỉ được anh khiêm tốn gọi là: Thử Bút. Như thử test trước
khi tiêm thuốc. Đó là tính cẩn trọng của một người vừa yêu vẻ đẹp ngất ngây của
văn chương mà cũng vừa thấp thỏm ngại ngần trước uy lực phù thủy của ngôn ngữ.
Thử bút, nhưng có nhiều đoạn rất đẹp, gần như hoàn chỉnh.
Như viết về Mẹ trong Sen. Viết về Huế trong Người tình cũ. Và, rất cá tính, rất
đời trong Quán trên đồi.
Ngày đầu năm, lên chơi điền trang Thân Trọng, ngôi nhà gỗ cũ
kỹ đối với anh, quý nhất vẫn là những bức phác thảo, những bức tranh của Đinh
Cường, Lưu Công Nhân, Dương Cẩm Chương. Chỉ vào một bức tranh do chính anh vẽ,
anh bảo: “Một bức tranh ai hiểu thế nào cũng được... Nhưng nếu cần giải thích
thì cũng có thể. Như bức này. Những mảng màu trắng đục là những trang báo. Con
cá thì mắt không bao giờ nhắm. Cây đèn dầu tuy bé nhỏ nhưng vẫn tỏa ra ánh
sáng. Tức là, người viết phải luôn tỉnh thức và viết dưới ánh sáng của lương
tri”.
Vậy đó! Viết hay vẽ, đối với anh tuy là một hình phạt, một định
mệnh, thì vẫn là một dấn thân hết sức nghiêm cẩn. Bởi thế, cho dù con đường anh
đi chưa trọn, chỉ một tập truyện ngắn, 7 vở kịch, một tập thơ, đúng là thử viết,
thử bước chứ chưa thực sự đi vào đất Tần bất trắc.
Nhưng chẳng phải vì thế mà tôi bớt kính trọng anh. Bởi vì,
tuy có ít nhiều hồ đồ, tôi đã thực sự xúc động khi nhìn thấy mình trong Thử Bút
những năm anh 20, 30. Ở tuổi đó, tôi cũng có những đêm thao thức: viết cái gì,
viết cho ai, viết hay không viết?
Cứ tưởng tuổi tam thập là vừa đủ vốn sống để có thể phóng
lên giấy trắng những con chữ chứ không phải những con sâu, thì, hỡi ơi, cả đất
trời bỗng dưng sụp đổ.
Tháng 4, 1975 Lữ Kiều bẻ bút!
Đành nghe trong im lặng khúc giao hưởng số 9 ai điếu cho
chính mình.
Ở đâu đó, anh viết, tình yêu như là sự chết. Và chết chỉ một
lần. Nhưng rồi anh lại bảo, tình yêu cũng có thể phục sinh. Và anh đã làm sống
lại chàng Kinh Kha bằng cách cầm cọ vẽ. Những nhát vẽ từ năm 1982 đến nay như
chém vào đá. Và những con cá không bao giờ nhắm mắt, dù đã chết. Những con cá vẫn
tỉnh thức.
Nhà văn bị bức tử giờ thành họa sĩ. Thì cũng như Trang tử mơ
thấy mình hóa bướm. Tuy hai mà một. Có sao đâu!
Khuất Đẩu