Buổi sáng cuối tuần nào hắn cũng ra quán cà phê quen thuộc ở thành phố
Westminster. Ngồi cả ngày dưới bóng cây dù trước quán. Nắng dọi nghiêng tới đâu
hắn xoay quanh tới đó. Nhiều hôm không có ai quen ra quán hắn cũng vẫn ra ngồi
đấy cho đến xế trưa. Trước khi rời quán, hỏi hắn đi đâu. Hắn trả lời
– Đi loanh quanh ra phố Bolsa.
Rồi hắn đi thật, đi lững thững ra ngoài parking lái chiếc xe Camry đời cũ,
chạy chậm, khói xe bay mù mịt. Có hôm nghe tiếng đề máy kêu thật to, đề hoài mà
không thấy nổ. Hắn trở vào quán cười nói “may mà không chết máy dọc đường.”
Sau đó hắn gọi cho con gái. Chờ xe tow đến câu xe ra shop sửa chữa. Xong xuôi
hắn đi bộ ra bến xe buýt chờ chuyến về nhà. Cũng chậm rải bình an vô sự.
Ngày thường hắn có công việc chính là đưa rước cháu ngoại đi học. Đúng giờ và
cẩn thận. Xe cộ đời mới an toàn. Chăm sóc mấy đứa nhỏ cho đến chiều cha mẹ
chúng đến rước. Khoảng giờ trống hắn thường ra mấy quán dọc phố Bolsa ngồi chờ
đọc báo hoặc kiếm bạn tán dốc. Vậy thôi.
Đi đâu, ở chỗ nào hắn cũng khoác chiếc áo ghi-lê bốn túi màu ka ki cũ bạc
màu trắng thếch. Đầu đội mũ phớt vành nhỏ cũng màu ka ki. Ít khi hắn dở nón ra
chỉ trừ khi chào cờ. Mặc dù tóc vẫn còn dày bạc muối tiêu chưa hói. Hắn luôn
đeo cặp kính gọng đen màu hơi nhạt có dây ràng chặt phía sau gáy. Hắn làm quen
với tất cả mọi người. Thích ngồi nghe kể chuyện cũ, ít khi tranh luận chuyện
thời sự. Thỉnh thoảng cũng pha chuyện với bạn. Ai rủ đi đâu hắn theo đó.
Hội họp hay cầm cờ đi biểu tình hắn đều tham gia nhưng không phát biểu hay la
to theo khẩu hiệu mà chỉ lẳng lặng theo đoàn người đi quanh phố cho đến khi
cuộc biểu tình giải tán.
Hắn sang định cư Hoa Kỳ theo diện HO1 đến nay cũng gần 30 năm, làm đủ mọi
ngành nghề. Hồi mới sang đây với một vợ hai con hắn được giới thiệu sang trung
tâm dạy nghề ở San Pedro để học nghề lắp đặt, sửa chữa đường ống dẫn nước. Ra
trường ban đầu làm cho một công ty Plumping của người Mỹ da trắng. Sau vài năm
hắn tách ra và mở một công ty nhỏ làm riêng cũng khá, nhưng than cực muốn
chuyển nghề. Qua làm thư ký ở văn phòng kế toán của một người bạn. Sau đó đúng
vào lúc nhà cửa trong vùng người Việt tị nạn giá cả lên cao hắn lại đi học
ngành địa ốc và trở thành chuyên viên mua bán nhà cửa. Gần 10 năm trong nghề
hắn thành thạo và có uy tín trong cộng đồng người Việt. Nhưng cũng không khá
lắm. Cho đến khi đứa con trai út lập gia đình ra riêng hắn mới thôi việc, nghỉ
hưu non. Không biết có buồn gì hay không về việc thằng con trai sanh đẻ tại Mỹ
lớn lên học hành thành công lại về Việt Nam ra tận ngoài Hà Nội lấy vợ.
Hai đứa con gái lớn tốt nghiệp Bác sĩ ra trường làm việc tại quận Cam và đã
lập gia đình riêng, một với người Mỹ da trắng, một với người Đài Loan. Hắn có
cháu ngoại đầy đàn đủ cả trai lẫn gái.
Vợ hắn lúc mới qua Mỹ có người chị ruột qua đây hồi cuối tháng 4 năm 75 giúp
đỡ mở một shop may làm ăn cũng khá. Ngoài công việc bề bộn ở shop, cô ấy rất
giỏi vừa lo tươm tất việc nhà vừa chăm sóc các con chu đáo đưa rước đi học suốt
cho tới khi chúng lên Đại học. Tử vi của hắn cung mệnh chính diệu thiên di và
thân cư thê. Thầy tướng số nói vậy. Hắn tin là thật.
oOo
Ngược về hồi năm 54 khi mới lên 5 hắn theo gia đình di cư vào Nam, ban đầu
tạm trú tại các trại tỵ nạn sau đó di chuyển khắp nơi và cuối cùng về lập
nghiệp ở xóm Bến Đò gần chợ Thạnh Trị, Mỹ Tho. Lúc bấy giờ người Bắc di cư
thường hay định cư tại các khu dinh điền do chính phủ lập ra hoặc quần tụ nhau
thành từng khu riêng ở các thành phố lớn gần Sài Gòn, Biên Hòa. Ít có gia đình
nào dời đi lẻ tẻ ở các địa phương trong Nam. Gia đình hắn là gia đình người Bắc
duy nhất ở chợ Thạnh Trị. Cả xóm không biết gia chủ tên gì nên chỉ quen
miệng gọi là ông Tư Bắc.
Khi mới về đây ngày nào ông cũng cỡi xe đạp có gắn thùng đồ nghề cồng kềnh
phía sau xe đi vòng quanh các xã ven ngoại thành làm nghề gò thùng tưới nước
rẫy cho dân quê. Sau nầy có nhiều khách quen ông mở sạp ở chợ Thạnh Trị chuyên
mua bán, sửa chữa thùng tưới cho cả vùng từ Tân Hiệp cho đến Chợ Gạo. Nhà đông
con trai, khách hàng lại nhiều và buôn bán đắt nên ngoài giờ học tất cả các con
đều phụ giúp ông. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Ông mua nhà ngay phố chợ
và lập tiệm “Kiến An” mua bán đồ hàng sắt, thiếc … Sau nầy mua bán thêm đồ phụ
tùng máy bơm nước. Chỉ mười năm sau gia đình ông thuộc hàng giàu có ở khu phố.
Sinh hoạt gia đình rất nề nếp, con cái học hành đàng hoàng thành đạt.
Hắn là con trai thứ ba trong gia đình, học hành rất giỏi luôn lãnh phần
thưởng ưu hạng ở trường. Trong lớp chỉ có mỗi mình hắn là nói tiếng Bắc khó
nghe, bạn bè hay châm chọc “bắc kỳ ăn cá rô cây…” “dân rau muống.” Nhưng hắn
vẫn vui vẻ và không bao giờ tập pha tiếng Nam trong cách tiếp xúc, vẫn giữ
giọng chuẩn Hà Nội, hắn nói với chút tự hào. Theo lời ông Tư hắn là đứa gò hàn
khéo nhất nhà. Có cơ sẽ nối nghiệp ông.
Tự thân hắn rất ít nói. Một phần gia đình người Bắc quan hệ rất hạn chế, dè
dặt. Phần khác người địa phương không nói ra nhưng cũng hay kỳ thị chê bai lối
sống tằn tiện, ít tham gia ăn nhậu phóng đãng nên hàng xóm cũng ít khi mời mọc
giỗ chạp. Khi di cư vào Nam hầu như gia đình nào cũng lo làm ăn mua bán xây
dựng cơ ngơi vững chải ít khi tụ tập thành băng nhóm ăn nhậu hay làm điều phạm
pháp. Cả thành phố Mỹ Tho ngoại trừ người Hoa tập trung buôn bán ở phố chợ còn
có các cửa tiệm người Bắc chuyên kinh doanh ngành nghề như tiệm chụp hình Thiện
Ký ở phố bờ sông, Nam Bình gần cầu Quay, tiệm may Hải Phòng gần nhà thờ chánh
tòa … Không biết có bao nhiêu người nhưng họ cũng có lập hội Tương Tế Bắc Việt
và có nghĩa trang riêng ở ngoài ngã ba Trung Lương gần nghĩa trang Triều Châu.
Năm Tết Mậu Thân 68 chiến cuộc lan tràn tới thành phố và khu chợ Thạnh Trị
là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhà cửa chợ búa cháy rụi, người chết rất
nhiều, trong đó có gia đình ông Tư Bắc, vợ bị thương nặng và mất một đứa con vì
đạn lạc.
Sau chiến cuộc, lệnh tổng động viên được ban hành. Mấy anh em con nhà ông Tư
Bắc lần lượt lên đường nhập ngũ. Hắn vào trường Sĩ quan Thủ Đức chọn binh chủng
Thiết giáp. Ra trường trấn đóng vùng cao nguyên thuộc Thiết đoàn 7 Kỵ binh biên
trấn.
Mùa hè đỏ lửa năm 1972 hắn chỉ huy chi đoàn xe tăng M41 xung phong lướt đạn
trọng pháo, lừng lửng tấn công vào ổ mai phục của địch trên đèo Chu Pao. Sống
chết trong gang tấc. Đồng đội bị bắn cháy khốc liệt. Xe tăng của hắn vẫn không
hề nao núng khiến địch hoảng sợ và rút lui. Cuối cùng một tuần lễ sau, đơn vị
của hắn rầm rập băng cầu Dakbla tiến vào thành phố Kontum dưới sự reo hò của
các đơn vị bạn. Hắn được đặc cách thăng cấp tại mặt trận. Phóng viên chiến
trường có bài báo tường thuật trận đánh ác liệt trên đèo Chu Pao trong đó có
ghi lại chiến công của hắn.
Từ đó hình ảnh người sĩ quan gan dạ lan rộng về tận miền cao nguyên. Đi đâu
ai cũng biết. Lúc nào hắn cũng đội chiếc mũ bê rê đen có thêu phù hiệu đơn vị
sáng chói. Khi thì vắt ở cầu vai lúc thì cầm tay xếp gọn. Tướng người trắng
trẻo to cao giống Tây lai, ăn mặc tươm tất. Nhìn quân phục biết tư cách. Ra phố
ăn uống với bạn bè lính tráng hắn chỉ uống một chai bia không hơn không kém.
Không thuốc lá, cờ bạc. Mấy cô chiêu đãi viên hay chủ tiệm ăn, cà phê mê hắn
như điếu đỗ nhưng hắn vẫn cứ phớt lờ như “người cõi trên.”
Đến khi có lệnh ngưng bắn năm 73 hắn đi phép về Mỹ Tho cưới vợ do gia đình
kết nối. Hai gia đình quen biết nhau từ năm 54 trên đường vào Nam. Vợ hắn bị đẻ
rớt trên tàu di cư và mẹ ruột của hắn chính là người đã đỡ đẻ cho sản phụ. Khi
tàu cặp bến Nha Trang cả gia đình có trẻ sơ sinh xuống tàu tạm cư ở đấy. Sau đó
mẹ hắn vẫn thường hay tìm cách liên lạc với gia đình cháu bé. Có lẽ thương đứa
con gái do chính mình đỡ từ thuở nhỏ nên mẹ hắn đã rủ gia đình ba mẹ cô ấy về
Mỹ Tho định cư, mở một tiệm may nổi tiếng ở chợ Vòng Nhỏ sinh sống. Hai đứa trẻ
lớn lên trong Nam nhưng cùng nói tiếng Bắc, giọng chuẩn Hà Nội không lai. Hiền
lành, đẹp đẽ thật là xứng đôi.
Tháng 4 năm 75 cộng sản chiếm thành phố, khi cờ xanh đỏ chứ chưa phải cờ đỏ
sao vàng treo đầy phố, ông Tư Bắc đóng ngay cửa tiệm bỏ nhà dời cả gia đình về
xóm di cư ở tận ngoài ngã ba Long Định gần cầu kênh Xáng để làm nông sinh sống
cùng với người bà con đã lập nghiệp tại đây từ lúc mới vào Nam. Hai người con
lớn của ông kịp thời di tản sang Mỹ trước khi cộng sản chiếm thành phố. Riêng
hắn, sau khi đơn vị tan hàng cũng trở về đây sống với gia đình được chừng hơn
tháng. Sau đó ra trình diện đi cải tạo theo diện sĩ quan chế độ cũ.
Cải tạo một năm ở trại Mỹ Phước (Vườn Đào), Tiền Giang. Sau đó hắn bị đưa ra
Bắc lên tận miền Thượng du lao động khổ sai trong đội khai thác đá. Bặt tin
nhà. Đến khi Trung quốc phát động chiến tranh tràn qua biên giới, các trại cải
tạo được di dời về miền xuôi. Hắn theo đội chuyển về trại Nam Hà. Đến lúc nầy
tù nhân mới có chế độ thăm nuôi. Hắn viết thư về gia đình xin quà như bao tù
nhân khác nhưng đặc biệt là xin thêm một cái kính đeo mắt màu nhạt không có độ.
Nhớ hôm lần đầu tiên thăm nuôi, khi vừa trông thấy hắn ra tới nơi, vợ hắn
xỉu ngay tại chỗ. Người đen đúa ốm trơ xương, quần áo tù lếch thếch, gương mặt
hốc hác choàng qua đầu một sợi dây cao su nhỏ dẹp màu đen che một bên mắt trái
bịt kín bằng một miếng vải đen dày xếp nhỏ. Hắn kể lại cách đây mấy năm lúc mới
ra Bắc hắn được phân công về tổ gài mìn bắn đá của đội. Một hôm tai nạn xảy ra
kíp mìn chưa gài đã phát nổ, hắn bị thương nặng khiêng về trạm xá. May mắn còn
sống sót nhưng đã gởi lại một con mắt văng đâu đó trên đồi đá Hoàng Liên Sơn.
Cải tạo gần 8 năm hắn trở về Long Định, Tiền Giang sống chung với bố mẹ, vợ
con. Lúc bấy giờ ông Tư Bắc đã lập một nhà máy xay lúa cỡ nhỏ trong khu người
Bắc di cư năm 54. Cả hai vợ chồng hắn phụ giúp trông coi nhà máy. Được vài năm
khi có phong trào Việt kiều gởi quà về cho thân nhân và đồng thời về nước thăm
gia đình. Vợ chồng hắn mở một sạp bán quần áo cũ gọi là hàng si-đa tại chợ Long
Định. Lâu dần sạp của hắn trở thành đại lý đủ các loại hàng hóa nước ngoài chủ
yếu là thuốc tây. Vì có anh chị đang ở Mỹ thường xuyên gởi quà về nên khách
hàng rất tin cậy hàng hóa của hắn là hàng thiệt, kể cả các mặt hàng về lậu từ
bên Campuchia.
Để được yên thân mua bán làm ăn, hơn nữa chỉ còn một con mắt nên hắn tình
nguyện làm người đưa thư trong khu phố để khỏi phải đi lao động xã hội chủ
nghĩa hằng năm. Được chừng vài tháng chính quyền xã gọi hắn lên điều tra về
công tác đưa thơ. Tình thật, nhưng không đúng việc đúng người hắn bị cho thôi
việc sau khi làm tờ trình không có quan hệ với bọn người vượt biên vượt biển.
Ký giấy cam kết không làm tai mắt, đưa tin cho bọn phản động. Tuy chột mắt
nhưng tướng tá, tay chân vẫn còn khỏe mạnh, lao động tốt nên không được miễn.
Cán bộ xã nói vậy. Chính quyền đặc ân cho phép hắn nếu muốn, được đóng tiền
thuê người lao động xã hội chủ nghĩa khỏi phải đi nông trường.
Lúc bấy giờ ngã ba Long Định là điểm tập kết rất thuận tiện cho khách vượt
biển đi từ Sài gòn. Qua khỏi cầu kênh Xáng xuống dốc là tới khu thị tứ sầm uất
nằm ngay ngã ba. Kênh Xáng là con kênh sâu rộng do người Pháp đào để xã phèn từ
miệt Đồng Tháp Mười. Khoảng gần cầu kênh Xáng là chỗ nước sông cái chảy vào tới
nơi do đó mà các ghe chài thường hay ra lấy nước ngọt khi nước lớn chở về trữ
để dùng trong mùa nước hạn hay các nhà máy chở về trong các khu kinh ngọn để
làm nước đá bán cho dân chúng.
Kênh Xáng rất thích hợp cho ghe lớn neo đậu. Bờ bãi hai bên rậm rạp, xóm chợ
di cư nằm dọc theo bờ kênh, ghe xuồng tấp nập nên khách vượt biển rất dễ dàng
trà trộn với người địa phương, nhưng thuận lợi nhất là ghe ra vàm sông cái rất
gần. Khách đi xe đò xuống khoảng xế trưa quanh quẫn ở khu chợ chờ chạng vạng
tối xuống ghe lớn đậu sát bờ kinh. Đủ người ghe thẳng đường ra sông cái non một
tiếng đồng hồ. Dân di cư ở Long Định vượt biển thành công rất nhiều.
Riêng hắn không có ý định vượt biên vượt biển. Bạn bè người thân rủ đi, hắn
luôn từ chối “không muốn đi” chỉ vậy thôi chứ không nêu lý do hay nói dài dòng.
Có một lần anh bạn chuẩn bị vượt biên đến nhà hắn chơi nói đùa rằng:
– Có lẽ hắn chờ “tàu há mồm” đến rước như hồi năm 54 cho an toàn.
Quả thật, hắn đã cùng vợ và hai con lên tàu sớm nhất, không phải “tàu há
mồm” mà là tày bay Southwest Airlines đi qua Mỹ định cư theo chương trình HO
vào cuối năm 1990. Thời kỳ nầy người miền Nam qua Mỹ ào ạt theo đủ thứ
diện. Không phải 1 triệu như trước đây mà có đến gần 3 triệu người di cư. Riêng
tại thủ phủ Little Saigon có hơn hai trăm ngàn người định cư. Gia đình ông Tư
Bắc cũng như gần hết xóm di cư ở ngã ba Long Định đều qua Mỹ ở rải rác khắp các
tiểu bang.
oOo
Kể từ khi về hưu non ở tuổi gần 60 hắn vẫn thích ra phố hằng ngày. Nay ngồi
chỗ nầy mai chỗ kia cũng loanh quanh ở khu Phước Lộc Thọ. Ông Tư Bắc ngày mới
qua Mỹ tuy đã nghe nói nhiều nhưng vẫn hết sức phấn khích khi hắn đưa ông đi
trên phố Bolsa thấy toàn người Việt nói tiếng Việt. Có đủ cả các bảng hiệu tiệm
ăn mang địa danh ba miền Hà Nội, Huế, Sài gòn. Quan hệ giao dịch mua bán ở đây
dùng toàn tiếng Việt. Sinh hoạt rất dễ dàng như một thành phố chính hiệu ở Việt
Nam. Hàng hóa đầy đủ cả không thiếu một thứ gì. Lễ hội truyền thống hay Tết do
các cộng đồng người Việt tổ chức có rất đông người tham dự, có khi lên đến hằng
trăm ngàn người.
Hồi mới qua hắn cũng đủ tiêu chuẩn để được hưởng trợ cấp người bị thương tật
hoặc có trẻ em dưới 18 tuổi, nhưng hắn đã từ chối và xin đi học nghề thành
thục, sau đó có công ăn việc làm ổn định. Hầu hết người già hay đau yếu ở Mỹ
đều được trợ cấp xã hội đầy đủ kể cả bảo hiểm sức khỏe. Trong thập niên 90 khi
chương trình HO được mở ra có hàng trăm ngàn người qua Mỹ định cư. Đa số đều
lớn tuổi hoặc ở thêm một thời gian ngắn là đến tuổi 65 để được hưởng trợ cấp
cho đến mãn đời. Có người lãnh tiền liên tục đến gần 20 năm. Hắn thường hay nói
đùa tất cả đều thuộc biên chế Sư đoàn 605 (chỉ mức tiền được lãnh từ những năm
90 là 605 đô la/tháng) Tiếp sau đó, các chương trình bảo lãnh đoàn tụ, ra đi có
trật tự khiến nhân số người ra đi định cư gia tăng lên gấp đôi, gấp ba so với
lúc ban đầu.
Trẻ em dưới 18 tuổi thuộc các gia đình di dân HO và bảo lãnh đều được đi học
miễn phí. Khi lên Đại học 4 năm còn được lãnh học bổng hằng năm. Tại thủ phủ
Little Saigon và các thành phố lân cận người ta có thể thấy toàn bảng hiệu các
Bác sĩ, Nha, Dược sĩ đều mang họ Việt. Trong các cơ sở thương mại kỹ nghệ tỷ lệ
kỹ sư người Việt là vượt trội, nhất là kỹ sư nữ. Hắn thường hay nói con cái
sang đây mà không tốt nghiệp Đại học mới là chuyện lạ.
Sự hội nhập của người Việt vươn ra khắp nước Mỹ thật đáng khâm phục. Chỉ sau
30 năm người Việt đã có mặt trong hầu hết các lãnh vực hoạt động xã hội, khoa
học, kinh tế, chính trị … Chưa có một sắc dân nào trên nước Mỹ chỉ cần 20 năm
định cư mà đã có thể biến một nông trại trồng cam hoang vu rộng lớn trở thành
một thành phố sầm uất với dân số trên 200 ngàn người gần như thuần Việt. Hắn
rất thích thú về điều nầy. Ngồi trong quán ở đây mà cứ ngỡ như là đang ngồi ở
giữa vườn cam.
Ngoài tình đồng hương gắn bó với lối sống hợp quần, người Việt còn rất nặng
tình gia đình nên hầu như bất kể nghèo giàu gì ai cũng có gửi tiền về Việt Nam
cho bà con, gia đình, thân nhân. Khi tình hình người Việt định cư càng nhiều
thì tổng số tiền gửi về Việt Nam càng lớn, đứng nhất nhì so với các sắc dân khác.
Từ ngày đặt chân qua Mỹ hắn đều gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam hằng 3
tháng một lần cho đến khi gần như hầu hết gia đình anh chị em được bảo lãnh qua
Mỹ định cư mới ngưng, không gởi nữa.
Mấy năm trước đây khi còn khỏe mạnh ông Tư Bắc về Việt Nam mỗi năm một lần
nhằm vào ngày kỵ giỗ và để đốt cho Bà Tư một nén nhang. Mộ bà nằm ở Long Định,
Tiền Giang. Thỉnh thoảng đôi ba năm vợ hắn cùng với các con cháu trong dịp hè
cũng có về Việt Nam thăm viếng họ hàng và đi du lịch. Riêng hắn chưa bao giờ về
Việt Nam. Ai hỏi, hắn chỉ trả lời “không muốn về.” Vậy thôi. Không giải thích
lý do hay nói dài dòng. Có anh bạn thân bảo rằng
– Có lẽ hắn thuộc phe chống cộng tới chiều.
Nghe được hắn trả lời:
– Bây giờ cả nước chống cộng. Chứ không riêng gì dân di cư.
Hắn tham gia từ xa mọi tổ chức có đăng thư mời trên báo, đài có nghĩa là
đóng tiền mà không dự. Chỉ duy nhất tổ chức ái hữu binh chủng Thiết giáp và
đồng hương thì hắn mới đích thân tham dự. Đặc biệt khi đi hắn luôn luôn mặc
thường phục. Có người bạn muốn hắn mặc quân phục trong buổi họp mặt đồng đội.
Vang danh “người hùng Chu Pao” nhưng hắn im lặng.
Hình như ít khi hắn đóng góp cho các quỹ từ thiện dù dưới bất cứ hình thức
nào. Hắn chỉ gửi tiền về cho quỹ giúp các tù nhân chính trị. Hắn chăm sóc đưa
rước mấy đứa cháu nên hằng tháng hai đứa con gái lớn đều có gởi cho hắn một số
tiền. Bao nhiêu không ai biết, hắn gởi hết về cho quỹ.
Bàn tính khi ông Tư Bắc tới trăm tuổi già mấy đứa con của hắn dự định mua
một phần đất ở Rose Hills hoặc đưa thi hài về Việt Nam nằm cạnh mộ bà Tư ở Long
Định. Hắn bảo rằng ở đâu cũng được. Thâm chí thiêu xong gởi chùa một thời gian
rồi đem rải tro ra biển cũng tốt. Giữ lòng thành kính và tưởng nhớ vẫn hơn.
Tất cả đều có thể mất hay thay đổi kể cả màu da hay tiếng nói nhưng sắc thái
và nền văn hóa của người di dân vẫn còn tồn tại mãi. Chừng nào hồn Việt vẫn còn
trong con người Việt. Hắn nghĩ và nói vậy.
Trần Bạch Thu