Một trong những công việc đầu tiên của chính quyền là hủy tất
cả các ấn phẩm (sách, báo) của bộ Văn hóa ngụy, kể cả các bản dịch tác phẩm của
Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt. Năm
1976 một ông thứ trưởng Văn hóa ở Bắc vào thấy vậy, tỏ ý tiếc.
Nhưng ông thứ trưởng đó có biết rõ đường lối của chính quyền không, vì năm
1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc hủy sách đó mà còn cho là
nó chưa được triệt để, ra lệnh hủy hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về
khoa học tự nhiên, về kĩ thuật, các tự điển thôi; như vậy chẳng những tiểu thuyết,
sử, địa lí, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của cha ông mình viết bằng chữ
Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều, Chinh phụ ngâm... in ở trong Nam
đều phải hủy hết ráo.
Năm 1975, sở Thông tin văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã bắt các nhà xuất bản hễ
sách nào còn giữ trong kho thì phải nạp hai hay ba bản để kiểm duyệt: sau mấy
tháng làm việc, họ lập xong một danh sách mấy chục tác giả phản động hay đồi trụy
và mấy trăm tác phẩm bị cấm, còn những cuốn khác được phép lưu hành.
Nhưng đó chỉ là những sách còn ở nhà xuất bản, những sách tuyệt bản còn ở nhà
tư nhân thì nhiều lắm, làm sao kiểm duyệt được? Cho nên sở Thông tin văn hóa ra
chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách phản động, đồi trụy trong mỗi
nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng
ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi
nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kì loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết
là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Họ không thể vào hết từng nhà được, ghét
nhà nào, hoặc công an chỉ nhà nào là vô nhà đó.
Một nhóm ba thanh niên cũng xin vào xét tủ sách của tôi. Nhà tôi tiếp họ, hỏi:
- Các cháu học ở đâu? Có đọc sách ông Nguyễn Hiến Lê không?
Một người học Đại học, đáp có đọc sách tôi. Nhà tôi bảo:
- Nhà này là nhà ông Nguyễn Hiến Lê đấy.
Họ vội vàng xin lỗi rồi rút lui.
Lần đó sách ở Sài gòn bị đốt kha khá. Nghe nói các loại đồi trụy và kiếm hiệp
chất đầy phòng một ông chủ thông tin quận, và mấy năm sau ông ấy kêu người lại
bán với giá cao.
Lần thứ nhì năm 1978 mới làm xôn xao dư luận. Cứ theo đúng chỉ thị “ba hủy”, chỉ
được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải hủy hết, vì nếu không
phải là loại phản động (một hủy), thì cũng là đồi trụy (hai hủy), không phải phản
động, đồi trụy thì cũng là lạc hậu (ba hủy), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn,
nhiều lắm là vài mươi cuốn tự điển, toán, vật lí... Mọi người hoang mang, gặp
nhau ai cũng hỏi phải làm sao. Có ngày tôi phải tiếp năm sáu bạn lại vấn kế.
Mấy bạn tôỉ luôn nửa tháng trời, ngày nào cũng xem lại sách báo, thứ nào muốn
giữ lại thì gói riêng, lập danh sách, chở lại gởi nhà một cán bộ cao cấp (sau
đòi lại thì mất già nửa); còn lại đem bán kí lô cho “ve chai” một mớ, giữ lại một
mớ cầu may, nhờ trời.
Một luật sư tủ sách có độ 2.000 cuốn, đem đốt ở trước cửa nhà, chủ ý cho công
an phường biết. Rồi kêu ve chai lại cân sách cũng ngay dưới mắt công an.
Ông bạn Vương Hồng Sển có nhiều sách cổ, quí, lo lắng lắm mà cũng uất ức lắm,
viết thư cho sở Thông tin văn hóa, giọng chua xót xin được giữ tủ sách, nếu
không thì ông sẽ chết theo sách.
Một độc giả lập một danh sách các tác phẩm của tôi mà ông ta có trong nhà, đem
lại sở Thông tin hỏi thứ nào được phép giữ lại, nhân viên Thông tin chẳng cần
ngó tên sách, khoát tay bảo: Hủy hết, hủy hết.
Bà Đông Hồ quen ông Giám dốc thư viện thành phố, bán được một số sách cho thư
viện, tặng thư viện một số khác với điều kiện được mượn đem về nhà mỗi khi cần
dùng tới.
Tôi nghe lời khuyên của một cán bộ Văn hóa, làm đơn xin sở Thông tin văn hóa
cho tôi giữ tủ sách để tiếp tục làm việc biên khảo, đơn đó ông bạn cán bộ đem
thẳng vô ông chủ sở, ông này chỉ đáp miệng rằng tôi là nhân sĩ thành phố, cứ
yên tâm. Họ có thói việc lớn, việc nhỏ gì cũng không trả lời bằng thư, sợ lưu lại
bút tích mà chịu trách nhiệm.
Ít tháng sau tình hình dịu lần rồi yên, không nhà nào bị kiểm kê. Chính quyền bảo
để xét lại và một năm sau, nạn “phần thư” kể như qua hẳn. Tủ sách của tôi không
mất mát gì cả, nhưng từ đó tôi không ham giữ sách nữa, ai xin tôi cũng cho.
Ngành báo chí và ngành xuất bản, chính quyền nắm hết vì coi đó là những công cụ
giáo dục quần chúng. Ở Sài gòn chỉ thấy bán vài tạp chí Nga, Ba lan, tư nhân muốn
mua dài hạn phải đăng kí trước ở sỏ Bưu điện. Một người cháu tôi từ Pháp gdi về
cho tôi một tờ Nouvel Oservateur (của khối cộng), số đó bị chặn lại. Nghe nói tờ
Humanité của đảng cộng sản Pháp cũng không được bán trong nước.
Tôi chưa thấy một cuốn sách Nga hay Trung hoa nào bán ở Sài gòn, trừ mấy cuốn về
Lénine, về khoa học đã được dịch ra tiếng Việt. ở các thư viện Hà Nội có thể có
sách bằng Nga văn hay Hoa văn nhưng chỉ cán bộ mới được phép coi, mà cán bộ
trong ngành nào chỉ được coi về ngành đó thôi. Cũng có người đọc lén được.
Sau ngày 30-4-75, tôi muốn tìm hiểu cách mạng Nga từ 1917 đến 1945, nhờ mấy bạn
cách mạng tìm sách cho, họ bảo chính họ cũng không được đọc vì không thấy một
cuốn nào cả. Sau tôi mới biết rằng loại đó ngay ở Nga cũng không ai được phép
viết. Như vậy kiến thức hạng trí thức ngoài đó ra sao, ta có thể đoán được. Một
nhà văn hợp tác với viện khoa học xã hội lại nhờ tôi giới thiệu cho mươi nhà
văn, học giả giỏi tiếng Anh và tiếng Việt dể dịch cho viện bộ Bách khoa tự điển
Anh gồm 25 cuốn, mà phải dịch gấp vì đó là chỉ thị của một ông “bự”. Tôi bảo có
50 nhà dịch cũng không nổi vì phải tạo hằng ức danh từ mới (riêng ngành
Informatique trong 30 năm nay đâ có một vạn thuật ngữ rồi); mà ví dụ có dịch nổi
thì cũng phải mất ít nhất mười năm mới xong; xong rồi lại phải dịch lại hoặc bổ
túc rất nhiều vì lỗi thời mất rồi: ở Anh, mỗi năm người ta sửa chữa, bổ túc, in
lại một lần; rồi lại phải bỏ cả chục năm nữa, không biết có in xong được không.
Xong rồi, bán cho ai, ai đủ tiền mua? Cán bộ Văn hóa vào hàng chỉ huy mà dốt tới
mức đó!
Tháng 4-1980, có một thông cáo cấm kiều bào hải ngoại gởi một số đồ nào đó về
cho thân nhân trong nước, như quần áo cũ, các thực phẩm đóng hộp, các thuốc tây
không có prospecties cho biết cách dùng, trị bệnh gì..., mà chỉ cho người ta một
thời hạn không đầy một tháng để thi hành. Kẻ nào thảo thông cáo ra quyết định
đó không hề biết rằng những gia đình có thân nhân là kiều bào ở những nơi xa
xôi, hẻo lánh khắp thế giới, phải viết thư cho họ thì họ mới biết mà thi hành
chỉ thị được; và ở thời này, thư máy bay từ Sài gòn ra Hà Nội mất có khi một
tháng (trường hợp của tôi), từ Sài gờn qua Pháp, Gia nã đại mất hai tháng, có
khi bốn tháng. Báo chí vạch điểm đó ra cho chính quyền thấy, họ mới gia hạn cho
thêm 5 tháng nữa. Trị dân mà không biết một chút gì về tình cảnh của dân cả. Họ
có vận dụng trí óc của họ không?
Còn hạng nông dân ngoài Bắc thì khờ khạo, ngớ ngẩn so với nông dân trong này
không khác gì một người ở rừng núi với một người ở tỉnh. Mấy anh bộ đội bị nhồi
sọ, trước 1975 cứ tin rằng miền Nam này nghèo đói không có bát ăn, sau 30-4-75,
vô Sài gòn, lóa mắt lên, mới thấy thượng cấp các anh nói láo hết hoặc cũng chẳng
biết gì hơn các anh.
Một anh bộ đội đi xe đò từ Long Xuyên lên Sài gòn nghe hai chị bình dân miền
Nam nói với nhau lên Sài gòn sẽ mua xe tăng, máy bay, tàu chiến... mỗi thứ vài
chục cái; anh ta hoảng hồn, tới trại kiểm soát vội báo cho kiểm soát viên hay
có gián điệp trên xe. Chiếc xe phải đậu lại ba bốn giờ để kiểm soát, điều tra rất
kĩ, sau cùng mới hay rằng hai chị hành khách đó đi mua máy bay, xe tăng, tàu
chiến bằng mủ về bán cho trẻ em chơi. Hành khách trên xe nổi dóa, chửi thậm tệ
anh bộ đội; khi xe tới bến Phú Lâm, họ còn đánh anh ta tơi bời nữa. Kết quả của
nền giáo dục miền Bắc như vậy. Chính một cán bộ nói với tôi: “Càng học càng
ngu. Thầy ngu thì làm sao trò không ngu? Nhồi sọ quá thì làm sao không ngu? Có
được đọc sách báo gì ngoài sách báo của chính quyền đâu thì còn biết chút gì về
thế giới nữa?”
Một cán bộ khác cho tôi hay ở Hà Nội người nào có được 50 cuốn sách là nhiều rồi.
Anh ta mới thấy ba trong số 9 tủ sách của tôi đã bảo nhà tôi nhiều sách như một
thư viện. Nhà bác học Sakharov trong một bài báo tôi đã dẫn, bảo ở Nga không có
đời sống tinh thần (vie intellectuelle). Chúng ta có thể tin lời đó được.
Trước 1975, thấy cuốn nào in ở Bắc cũng từ 10.000 bản trở lên, có thứ 30.000,
100.000 bản, tôi và các bạn tôi phục đồng bào ngoài đó ham đọc sách. Bây giờ
tôi hiểu lí do. Hà Nội mỗi năm xuất bản không biết được 100 nhan đề không
(trong này, thời trước được khoảng 1.000 nhan đề); sách được gởi đi khắp nơi
không có sự cạnh tranh, mà ai cũng “đói sách”; lại thêm nhiều sách có mục đích
bổ túc cho sách giáo khoa, nhất là loại dạy chính trị, như vậy in nhiều là lẽ
dĩ nhiên. Sách bán rất rẻ, nên cuốn nào viết về văn học, sử học mới ra cũng bán
hết liền. Mấy năm nay, giấy khan, in ít, sách vừa phát hành đã bán chợ đen ở Hà
Nội, không vào được tới miền Nam; những cuốn như lịch sử tỉnh Vĩnh Phú, ngay cả
bộ Hồ Chí Minh toàn tập, ở Long Xuyên không làm sao kiếm được một bản, các cơ
quan giáo dục cũng không mua được. Trái lại bộ Lê Nin toàn tập giấy rất tốt,
thì ở khắp miền Nam bán chạy veo veo; người ta mua về để bán kí lô.
Tóm lại, chính sách là chỉ cho dân được nói theo một chiều, trông thấy một hướng;
nên chỉ một số rất ít giữ được tinh thần phê phán, nhưng chẳng thi thố được gì,
sống nghèo khổ, bất mãn.
Nguyễn Hiến Lê
Trích "Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê"