Hạ Tri Chương, thi sĩ đời Thịnh Đường, xa quê từ nhỏ, lúc trở
về đã già, tuy còn giữ giọng nói quê nhà, nhưng lũ trẻ thấy người lạ, bèn hỏi
“Khách ở phương nào đến đây?”
(Khách tòng hà xứ lai?)
Đối với chúng ta, xa quê gần bốn mươi lăm năm, gần nửa thế kỷ,
tính theo đời sống của một con người, thì thời gian này cũng là quá nửa đời người.
Lúc bỏ nước ra đi, dù có hai mươi ba mươi, thì nay trở về
cũng đã là một ông già bảy, tám mươi tuổi, tóc đã bạc, trí nhớ không còn minh mẫn
như xưa.
Gặp lũ trẻ trong nước ngày nay, dù là ở trên con đường quê
hay trong quán cà phê phố thị, cũng không ai đặt câu hỏi: “Khách ở phương nào đến
đây?” Vì, lớn lên chúng biết và có nhiều kinh nghiệm về những người tuồng như
xa lạ trở về.
Những ông già lạ mặt trở về lối xóm được biết là những “Việt
kiều” không cần phải hỏi, nên nếu còn sống, ông Bùi Bảo Trúc có “tưởng tượng
mai về khu Ngã Sáu” thì người ta cũng biết ông là ai. Chỉ tiếc rằng “Tiếng quê
nghe vẫn đầy âm cũ, mà cũng lạ tai câu trẻ thơ,” vì ngôn ngữ đã khác hẳn xưa rồi!
Tôi có một cô bạn, hồi hương sau nhiều năm xa xứ, đi một
chuyến từ Sài Gòn ra Hà Nội. Để tránh mua cái vé xe lửa giá cao Việt Kiều, cô
mượn cái “Chứng Minh Nhân Dân” của người nhà bản địa để mua vé “công dân XHCN,”
tiết kiệm được mấy chục đồng.
Lên xe lửa, khi người soát vé xem vé, bấm vé cho cô xong,
lúc nhận lại tấm vé, cô buột miệng nói hai tiếng: “Cám Ơn.” Soát vé chứ có cho
chác, biếu xén gì đâu mà phải cám ơn. Cái này mới mệt, người trong nước đã quên
mất hai chữ “cám ơn” lâu rồi. Vậy đây là người ở đâu mới lại? Người soát vé bèn
“hỏi cười: Khách ở phương nào đến đây?” Thôi đúng đây là Việt Kiều hồi hương,
phải mua vé khác giá cao hơn, chịu khó đóng thêm mấy chục đồng, chưa phạt cô
cái tội gian dối là may rồi!
Ra Hà Nội, cô Việt kiều đói bụng vào quán ăn, cũng còn mang
cái giọng “đi xa mới trở về,” cô nói với người bán hàng: “Cho tôi bát bún!”
“Hương âm vô cải” nhưng nội dung thì đã thay đổi rồi! Cô được câu trả lời như
tát vào mặt: “Ở đây có bún bán, chứ chẳng có bún cho!” Lạ đường hỏi thăm, thì
được câu trả lời là “Đéo biết!”
Những Hạ Tri Chương thời nay dù đã luống tuổi, tóc đã bạc hồi
hương, bỡ ngỡ như thấy mình trẻ lại khoảng năm mươi tuổi khi nghe một thằng oắt
con hay một cô gái đáng tuổi cháu ngoại, gọi khách bằng tiếng “mình,” nghe qua
có vẻ ngọt ngào thân thiện, nhưng quả là suồng sã. Tiếng đại danh từ “mình” bây
giờ vừa nói về ngôi số một, như một người tự giới thiệu trên mục “tìm bạn tri
âm” của một tờ báo: “Mình năm nay ba mươi tuổi, tốt nghiệp Đại Học…” mà cũng là
ngôi thứ hai “mình ơi” như gọi một người yêu dấu! Như một mục trên tở báo Phổ
Thông của Nguyễn Vỹ ngày xưa.
Người đi xa về, được nghe tiếng “mình” trong ngôi thứ hai
này, được hỏi, sau khi kéo ghế ngồi xuống trong một nhà hàng: “Mình ăn gì?” Hay
là thân mật hơn như trong gia đình: “Nhà mình có mấy người?” Ông Hạ Tri Chương
nhìn kỹ mặt người đối thoại, không hề thấy quen biết, cũng chẳng phải là bà vợ
già của mình đang ở một nơi xa quê hương, thế thì vì sao lũ trẻ, chúng gọi ta bằng
“mình?”
Chữ nghĩa bây giờ loạn xạ, mà âm thanh thì xa lạ, nghe chất
chua hơn là vị ngọt, chẳng còn phong cách như của Hà Nội một thời. Có lẽ người
đi mang theo quê hương, nên lúc trở lại nhà, vẫn giữ giọng nói ấy, chữ nghĩa ấy,
phong cách nho nhã, trong sáng ấy, đã bao năm “hương âm vô cải” (tiếng quê vẫn
thế).
Người đi xa trở về quê cũ, nói cũng không ai hiểu, mà cũng
chẳng hiểu gì ai nói, ngẩn ngơ đoán chừng. Không lẽ cùng quê hương với nhau mà
phải cần đến người thông dịch.
“Ôi, chốn quê hương đẹp hơn cả!” Ông già, bà cụ nào mà không
nhớ câu nói ấy trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của một thời niên thiếu. Ai mà
không biết chuyện vào mùa Thu, khi cây thay lá, cũng là lúc những con cá hồi
trưởng thành, sau một quãng thời gian vùng vẫy ngoài biển lớn, ngược dòng nước
để trở về với cội nguồn. Mới đây, nhiều người cũng đã từng nghe câu: “Nếu đi hết
biển, con sẽ trở về làng xưa!”
Thế nào chúng ta cũng phải trở về, nhưng không phải là hôm
nay!
Trở về khi bạn bè, thân quyến đã không còn ai. Trở về không
còn ai là tri kỷ. Trở về khi đất trời trống vắng người xưa, mà những người mới
không quen, lũ trẻ thì ngu ngơ xem chúng ta là người lạ lạc loài trên đất mình
ngày cũ, hỏi: “Khách tòng hà xứ lai?” (Ông ở xứ nào tới vậy?)
Đó cũng là tâm trạng u hoài, xót xa của Trần Tử Ngang trong
“Đăng U Châu đài ca.”
“Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẽ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.”
(Bài Ca Trên Đài U Châu *Trần Tử Ngang – Trần Trọng San dịch.)
Trở về chốn cũ để ngậm ngùi.
“Ngước mắt trông lên trời cũng lạ
Nhà ai đây, chứ phải nhà tôi!”
(Trở Về Quê Cũ – Nguyễn Bính)
Huy Phương