Dân Hong Kong đã phản ứng dữ dội ngay sau khi đặc khu trưởng Carrie Lam
tuyên bố lệnh cấm mang mặt nạ đối với người biểu tình. Đây chẳng khác gì hành
động tuyên chiến mở ra thêm một mặt trận cho người Hong Kong. Vấn đề Hong Kong
đã leo thang đến giai đoạn có thể nói là đỉnh điểm của khủng hoảng có thể dẫn
đến một kết cuộc khiến Hong Kong sẽ không bao giờ có thể trở lại là một Hong
Kong như Bắc Kinh muốn, một Hong Kong như người Hong Kong từng sống và một Hong
Kong như thế giới từng thấy. Sự kiện Hong Kong vẫn luôn cần được theo dõi, bởi
nó mang lại nhiều bài học trực tiếp lẫn gián tiếp…
I- Đầu tiên là bài học về cách tổ chức. Cuộc biểu tình “không
thủ lĩnh” cho thấy nó được tổ chức chặt chẽ và tốt đến mức việc xuất hiện thủ
lĩnh là hoàn toàn không cần thiết. Khi tất cả cùng hành động, thủ lĩnh nếu có
mặt cũng chẳng ý nghĩa gì. Họ đã tổ chức như thế nào? Không có nhiều chi tiết
được tiết lộ, nhưng nếu quan sát kỹ, vẫn có thể rút ra được bài học về cách huy
động đám đông, cách phân công công việc, cách thức thực hiện các công tác “hậu
cần”, cách làm truyền thông và cả cách thức “xây dựng cảm xúc” để lôi kéo sự
ủng hộ. Người biểu tình tổ chức tốt đến mức họ đã xây dựng được một mô hình với
cấu trúc chặt chẽ cùng tinh thần kỷ luật cao, trong đó “đơn vị” nào phụ trách
công việc gì và làm thế nào để hoàn toàn trách nhiệm, từ các đội xung phong
tuyến đầu, các đội cứu thương, các đội “tiếp vận” lương thực-nước uống, đến các
đội “hậu tuyến” chuyên lo mua sắm quần áo, thiết bị… Việc tổ chức tốt đã giúp
họ phản ứng tức thời trước bất cứ diễn biến mới nào và họ rất nhanh nhạy trong
việc nắm bắt diễn biến để đẩy tình thế tiếp theo đi theo hướng họ muốn. Họ cho
thấy họ luôn nắm thế chủ động để phản ứng lại các động thái của chính quyền. Khẩu
hiệu “we burn, you burn with us” cho thấy rõ điều đó.
Để làm được tất cả những điều trên, tinh thần đoàn kết là quan trọng nhất.
Đó là bài học giá trị nhất mà Hong Kong mang lại trong cuộc biểu tình này.
Dường như không ai trong họ muốn làm “ngôi sao” hay không ai trong số những
ngôi sao thật sự có dấu hiệu mắc “bệnh ngôi sao”. Họ không “giành công”, không
tuyên xưng cá nhân, không dè bỉu nhau, không cãi nhau vặt vãnh và đổ thừa qua
lại. Có rất nhiều nhóm riêng biệt, từ các nhóm sinh viên, đến các hội đoàn,
nhưng chẳng nhóm nào đố kỵ nhóm nào; và không nhóm nào “nhường” trách nhiệm cho
nhóm nào. Chủ nghĩa cá nhân không tồn tại trong mô hình đấu tranh
không-thủ-lĩnh này. Đối với người biểu tình, vấn đề lớn nhất là hiệu quả, là
những gì đạt được cho mục tiêu chung, chứ không phải cá nhân nào đạt được điều
gì và cá nhân nào được tung hô.
Bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào cũng có thể nghiên cứu và học nhiều điều từ
cuộc biểu tình này, cho dù đấu tranh bất bạo động nhắm đến các mục tiêu chính
trị và lật đổ thể chế, hay chỉ thuần túy xây dựng một phong trào dân sinh hướng
đến các mục tiêu liên quan đời sống người dân hoặc cải thiện môi trường.
II- Điều thứ hai khiến sự kiện Hong Kong cần được quan tâm
là hiệu ứng chính trị của nó đối với Bắc Kinh. Chưa bao giờ trong lịch sử cộng
sản Trung Quốc mà một vùng đất thuộc kiểm soát họ lại trở thành một chiến
trường thật sự tuyên chiến trực tiếp và thách thức vai trò lãnh đạo tuyệt đối
của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay ở thời điểm mà sức mạnh Trung Quốc được xem
là ghê gớm nhất kể từ khi Đảng cộng sản giành quyền cai trị. Trung Quốc đã mạnh
đến mức có thể khiến bất kỳ nguyên thủ nào phải ít nhiều kiêng nể, có thể khiến
đại công ty nào cũng “khấu đầu” tuân theo luật chơi Trung Quốc, có thể khiến
hơn 1 tỷ người trở thành “thần dân” ngoan ngoãn trước một triều đại phong kiến
kiểu mới và một hoàng đế tột đỉnh quyền uy. Điều đó không xảy ra ở Hong Kong.
Khi ném trứng vào Tập Cận Bình, người Hong Kong không chỉ thách thức Bắc
Kinh. Họ đang đẩy Tập Cận Bình vào cái thế mà Tập phải đối mặt những mâu thuẫn
nội bộ chính trị bên trong Trung Quốc, trước câu hỏi rằng, những gì Tập làm đối
với Hong Kong vài năm qua là đúng hay sai và liệu có phải trả giá quá đắt
không, khi ngay trong thời điểm huy hoàng kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh mà hình
ảnh Trung Quốc lại trở nên tồi tệ đến như vậy. Cuộc biểu tình Hong Kong, nói
cách khác, đang ít nhiều làm suy yếu vị thế quyền uy bao trùm của Tập. Thay vì
có thể tiếp tục an vị tột đỉnh vinh quang, giờ Tập phải xem ai trong Bộ Chính
trị dùng lá bài Hong Kong để làm mình mất uy tín trong cuộc chiến giành giật
quyền lực vốn chưa bao giờ lặng yên trong “triều đình” Trung Nam Hải. Ngoài ra,
Hong Kong cũng còn làm ảnh hưởng cả những “giấc mộng” khác của Tập nói riêng
cũng như của Đại Hán Trung Quốc nói chung. Đó là thôn tính Đài Loan.
III- Sự kiện Hong Kong tạo ra một hiệu ứng thức tỉnh tức
thì đối với người Đài Loan. Nó cho người Đài Loan thấy rằng mô hình “một quốc
gia, hai thể chế” – rất có thể được áp dụng nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan – sẽ
chỉ là một lớp vỏ ngoài dối trá hơn là một thực thể chính trị mà Bắc Kinh tôn
trọng. Sự kiện Hong Kong đang ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện chính trị bên
trong Đài Loan. Với cuộc bầu cử vào tháng 1-2020, các ứng cử viên tổng thống,
giờ đây, kể cả một số đảng vốn ủng hộ Bắc Kinh, đang gần như nhất loạt ủng hộ
người biểu tình Hong Kong. Đơn giản, đó là cách lấy phiếu.
Sự kiện Hong Kong cũng vô hình trung giúp bà Thái Anh Văn “trồi lên từ đống
tro tàn”, như bình luận của Foreign Affairs, khi bà từ tình trạng bị “mất điểm”
bỗng dưng “tăng hạng” trong các cuộc thăm dò dư luận kể từ khi cuộc biểu tình
Hong Kong xảy ra. Ngày 9-6-2019, bà Thái viết trên Twitter: “Chừng nào tôi còn
là tổng thống thì cái gọi là “nhất quốc, lưỡng chế” không bao giờ là một chọn
lựa”. Hong Kong đang đẩy Quốc dân đảng (vốn luôn chủ trương thân Trung Quốc) ra
xa hơn khỏi tầm với Bắc Kinh, đồng thời đưa Đài Loan nhích lại gần Mỹ hơn. Nói
riêng về yếu tố địa chính trị, đây rõ ràng một hiệu ứng khiến Bắc Kinh rất “khó
chịu”.
IV- Hong Kong cũng đang tạo một hiệu ứng ở Mỹ. Cho đến thời
điểm này, Mỹ – chính xác hơn là Quốc hội Mỹ – là nơi mạnh mẽ nhất, so với tất
cả các nước thế giới, lên án gay gắt Bắc Kinh. Không chỉ chỉ trích suông, Quốc
hội Mỹ còn đang treo lơ lửng trước mặt Tập Cận Bình “Dự luật dân chủ và nhân
quyền Hong Kong”. Ảnh hưởng của luật này sẽ tạo ra những phản ứng dây chuyền
gây khó khăn cho Trung Quốc, không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với châu Âu. Ảnh
hưởng của luật này không chỉ gây ảnh hưởng kéo theo đối với châu Âu mà còn đối
với châu Á trong việc (có thể) tái “định hướng” lại quan hệ ngoại giao với
Trung Quốc. Đó là một viễn cảnh mà những cậu thanh niên rất trẻ như Hoàng Chi
Phong hình dung khi họ thực hiện các chiến dịch vận động hành lang tìm kiếm ủng
hộ từ ngay giới chóp bu lãnh đạo thế giới. Tương tự Đài Loan, sự kiện Hong Kong
cũng là yếu tố quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, khi mà người
Mỹ gốc Hoa là nhóm đông nhất trong số các cộng đồng người Mỹ gốc Á, tập trung
nhiều nhất ở California và New York.
V- Hiệu ứng cuối cùng, dù không phải là chót hết, là hiệu
ứng nhận thức. Giới trẻ nói riêng và người Hong Kong nói chung đã mang lại
không chỉ cảm xúc mà còn là cái nhìn mới về nhận thức cho thái độ đứng lên nhằm
ngăn chặn những gì mình đang hoặc sẽ bị tước mất. Qua đó, họ cho thấy, một khi
không có nhận thức hoặc bất lực trong việc đánh động nhận thức, thì chẳng bao
giờ có thể đưa đến thay đổi. Và chỉ khi nhận thức đạt đến mức độ phổ quát thì
hành động mới xảy ra. Họ cũng cho thấy, nhận thức không chỉ là những lời kêu gọi,
không chỉ là những phát biểu suông, mà nó – phần lớn – đến từ nền tảng tri
thức, từ đọc sách, từ môi trường giáo dục, từ những thói quen được định hình và
dạy dỗ qua nhiều thế hệ. Cũng từ nhận thức và hiểu rõ việc mình làm, họ không
hề lạc quan như được tưởng. Họ biết họ đối mặt khó khăn nào. Họ biết ngày mai
có thể sẽ chết, như một cậu thanh niên thậm chí ghi lời nhắn “di chúc trong túi
tôi” trên chiếc nón bảo hiểm, nhưng ngày mai cũng sẽ không đến nếu hôm nay họ
chỉ lặng thinh ngồi nhìn tương lai bị cướp đi và thế hệ kế tiếp sẽ nhận lãnh
một di sản tan hoang chỉ bởi cha anh họ đã chẳng hề làm gì.
Cuộc biểu tình chưa kết thúc. Càng theo dõi, càng thấy nhiều bài học từ nó.
Bất luận kết quả thế nào, bài học dữ dội nhất mà Hong Kong đang mang lại là
muốn ngăn chặn sức mạnh hoang dại của con quái vật Trung Cộng thì hành động và
chỉ hành động mới là giải pháp. Đó là cách duy nhất, không có chọn lựa thứ hai.
Mạnh Kim
1- Hong Kong là nơi đầu tiên thuộc kiểm soát Trung Quốc dám thách thức trực tiếp quyền lực Bắc Kinh (Reuters)
2- Biểu tình chống luật cấm mang mặt nạ ngày 4-10 (New York Times)
3- Học sinh xuống đường chống luật mang mặt nạ tại Trung Hoàn (New York Times)
4- Luật mang mặt nạ càng khiến Hong Kong rơi vào tình trạng bạo động dữ dội (New York Times)
5- Nhiều cơ sở kinh doanh-thương mại Trung Quốc tiếp tục bị đập phá (South China Morning Post)