19 October 2019

NHỮNG CHUYẾN ĐÒ (3) - Việt Dương



Mùng 2 Tết, Nghiêm đi với hai người lính lên Vị Khê. Khi tới bến, Sửu, người đẩy đò, nói với Nghiêm:

- Em với Hoàng tới nhà cô Vân, rồi Hoàng đi với em về nhà ở phía sau đình. Xếp cho biết mấy giờ về để em ra bến chờ.

- Tôi muốn hỏi ông cụ cô Vân ít điều về xã Vị Khê, không biết câu chuyện sẽ bao lâu, nhưng chừng hơn 1 giờ, các cậu cứ tới nhà cô Vân.

Nhà Vân ở trước bến. Đó là một căn nhà gạch cũ, có lẽ đã được truyền lại từ mấy đời, có dậu dâm bụt bao quanh. Ở cổng vào có mấy bụi hồng và một hàng cây lựu.

Vân mặc áo len xanh, tươi cười ra đón khách:

- Năm mới, em xin chúc xếp và hai anh mạnh khỏe, an lành.

- Năm mới, anh em chúng tôi cũng chúc cô và gia đình vạn sự như ý.

Ông giáo đón khách ở cửa. Nghiêm cúi chào ông giáo:

- Năm mới, con xin chúc bác trường thọ, gia đình yên vui. 

Hai người lính cúi đầu:

- Năm mới, chúng con xin chúc thầy và gia đình mọi sự như ý.

- Thật quí hóa, năm mới, xin chúc ông đồn và hai anh mạnh khỏe, may mắn – Ông giáo bắt tay Nghiêm và hai người lính, rồi ông nói:

- Mời ông đồn và hai anh ngồi.

Sửu lấy trong giỏ xách mấy thứ quà Tết để lên bàn: Một gói trà Chính Thái, một hộp bánh quế, một chai rượu Dubonnet và cây thuốc Cotab. 

Ông giáo nói:

- Ông đồn đến thăm là quí lắm rồi, lại còn quà cáp thế này nữa!

Nghiêm nói:

- Thưa bác, để bác uống trà đầu năm.

Ông giáo nhìn Nghiêm:

- Ông đồn cho nhiều thế này, tôi không biết nói thế nào…

Vừa lúc đó Vân bưng khay trà đặt lên bàn, nàng cười nhìn ông giáo:

- Thưa thầy, ông xếp trước năm 45 cũng là thầy giáo. Nghe con nói thầy là giáo viên, ông mừng nói là Tết sẽ đến thăm thầy. Nhà giáo đến thăm nhà giáo – Nàng quay lại Nghiêm:

- Xin mời xếp và hai anh ngồi xơi nước.

Sửu nhìn ông giáo thưa:

- Tết con đến chúc thọ thầy, bây giờ con xin phép thầy cho con với anh Hoàng về thăm nhà. 

Ông giáo nói:

- Hôm nay Sửu mới về hả. Thế thì thầy không dám giữ - Ông lấy trong túi áo mấy bao giấy đỏ đưa cho Sửu và Hoàng: Thầy mừng tuổi cho hai anh và mấy đứa bé.

- Dạ, cám ơn thầy.

Sửu và Hoàng cúi đầu bước ra cửa.

- Rồi tôi cũng sẽ qua chúc tết hai bác – Vân vừa nói vừa rót nước ra chén: Mời thầy, mời xếp xơi nước.

Nghiêm ngồi đối diện với ông giáo. Sau những lễ nghi với những lời nói, bây giờ anh mới nhìn rõ nét nghiêm nghị ở khuôn mặt vuông với hai con mắt sáng của ông giáo. Ông đã trên 50 theo lời Vân, nhưng dáng quắc thước, tóc còn nhiều màu đen, trông ông trẻ hơn cái tuổi đó.

Nghiêm chưa biết phải mở đầu câu chuyện như thế nào thì ông giáo nói:

- Thế ra trước khi vào lính, ông đồn cũng là nhà giáo?

- Dạ, thưa bác, trước 45, con dạy học mấy năm, nhưng là dạy tại nhà, như là trường của mấy ông đồ ngày trước. Con quí nghề dạy học, nhưng gia cảnh nhà đã không cho phép con học cao hơn.

- Thế sao sau 45, ông đồn không tiếp tục việc dạy học?

Nghiêm đáp:

- Quê con trường học rất xa, trẻ thất học nhiều, nhưng sau 45 muốn tiếp tục nghề đó cũng không được, nên con trở về nghề nông, rồi do chiến tranh phải chạy ra thành phố, trước khi vào lính.

Nghiêm vừa nâng chén trà chưa kịp mời ông giáo thì Vân bưng một cái mâm để lên bàn. Trên mâm có chiếc bánh chưng, đĩa giò lụa, giò thủ và đĩa dưa hành. Nàng đặt chiếc bát, đôi đũa trước ông giáo và Nghiêm với câu nói: Mời thầy, mời xếp, rồi nhìn Nghiêm: Bánh chưng nhà gói bằng nếp Vị Khê. Lâu nay người ta vẫn nói là nếp Hà Nam có tiếng thơm và dẻo. Em không biết lời đó đúng hay sai?

Nghiêm nói:

- Nhìn bánh đã biết là dẻo, nhưng cô ở chợ cả ngày thì giờ nào cô gói bánh, nấu bánh?

Ông giáo cười nói:

- Em nó gói buổi tối, còn nấu thì phần tôi.

Vân cười, gắp bánh và giò để vào bát ông giáo, cho Nghiêm, rồi đặt tay lên vai ông giáo:

- Thầy ăn bánh đi… Mời xếp.

- Xin mời bác.

- Ông đồn cứ tự nhiên.

Nghiêm gắp vào bát 1 lát bánh, một miếng giò lụa và mấy củ hành. Trong khi ăn, anh nghe tiếng pháo và tiếng cười nói chúc nhau ở trước nhà. Anh nhìn ông giáo với bàn thờ ngát hương trầm và tưởng như đang sống trong cảnh thanh bình của thời trước. Xa nhà đã mấy năm, anh không có Tết, hôm nay mới lại được sống lại khung cảnh tết, qua ông giáo anh nhìn thấy hình ảnh của người cha nghiêm, đôn hậu và qua Vân anh nhìn thấy hình ảnh của một người vợ hiền, đảm đang. 

Đang ăn, bỗng ông giáo đặt bát xuống đứng lên, tới bàn thờ lấy chai rượu đặt xuống bàn:

- Mải nói chuyện, quên mất. Tết phải có chút rượu, ông đồn ạ - Ông nói rồi gọi:

- Vân ơi, đem cho thầy 2 cái chén.

Vừa bước từ nhà dưới lên, Vân nói:

- Xin lỗi thầy, con quên mất. Thật đoảng quá.

Nàng mở chai rượu rót ra chén rồi để trước ông giáo và Nghiêm.

Ông giáo nâng chén nói:

- Mời ông đồn.

- Dạ, mời bác – Nghiêm nâng chén uống một hớp, rồi nói:

- Rượu này đằm mà rất thơm.

- Cũng em nó làm.

Vân cười nói:

- Em học mấy bà làm rượu, làm mấy thứ mứt như sen, quất, bí và gừng.

Nghiêm nói:

- Vậy là cô bận rộn suốt tháng chạp, ngày đi chợ, đêm sửa soạn tết.

- Tháng chạp nhà ai cũng bận rộn, cả năm mới có được mấy ngày vui, mà như thế mới có không khí tết. Trước chiến tranh em còn nhỏ, nhưng vẫn còn nhớ và mong ngày hội đình trong tháng giêng. Ai cũng quần áo mới đi hội đình. Bây giờ cũng chợ tết, cũng quần áo mới, nhưng không còn cái vui của ngày trước. Em sống giữa chợ nên thấy được sự bất an trong lòng mọi người, mà chính mình cũng trong tâm trạng đó.

- Tôi cũng vậy. Trước 45 tôi đã là người lớn, nên biết nhiều về hội đình. Vùng quê tôi, hội đình kéo dài suốt tháng giêng, vì mỗi làng vào hội đình khác ngày nhau, có lẽ các cụ ngày trước đã cùng nhau định như thế, nên hội đình xã nào cũng rất đông, vì dân làng, nhất là trai gái đua nhau đi hết hội đình làng này tới hội đình làng khác… Nhưng bây giờ thì hết rồi. Nghiêm uống một hớp rượu, rồi hỏi:

- Thưa bác, bây giờ hội đình Vị Khê còn làm được những gì?

Ông giáo đáp:

- Chỉ còn giữ được lễ. Như ông đồn thấy đó, sân đình vẫn đầy cờ, nhưng không còn những cuộc thi hào hứng như ngày trước như thi nấu cỗ, làm bánh, hát, bơi trải và đánh vật. Gọi là hội đình thì phải có hội mới vui và có ý nghĩa, còn lễ trong 3 ngày tết thì chỉ có các vị bô lão cùng Ban Lý Dịch, và trong mấy ngày đó, tôi cũng phải tới đình với các cụ ấy.

Vân xuống bếp lấy đôi đũa, gắp thịt gà cho ông giáo, cho Nghiêm, và rót thêm rượu vào hai chén, rồi ngồi xuống ghế cạnh ông giáo.

Nghiêm nhìn Vân nói:

- Cô cứ tiếp rượu như thế thì tôi say mất.

Ông giáo cười:

- Ông đồn cứ uống đi, rượu nhẹ không sao đâu, mà có chuếnh choáng chút ít thì cũng là cái vui ngày tết. Năm nay có ông đồn tới nên ngày đầu năm vui hơn, chứ mọi năm không có bạn tôi cũng ít uống rượu.

- Thưa bác, con cũng ít uống rượu.

Vân đứng dậy gắp giò thủ cho ông giáo và cho Nghiêm.

Nghiêm nói:

- Món nào cũng ngon cả. Bánh chưng dẻo mà thơm, đúng như lời người ta nói là nếp Hà Nam thơm có tiếng. Quê tôi vùng cao, sát đồi núi, không có thứ nếp này đâu.

Vân cười nói:

- Vậy xếp ăn thêm bánh chưng – nàng nói rồi đứng dậy…

Nghiêm vội nói:

- Cám ơn cô, nhưng bây giờ thì đủ rồi.

Ông giáo nói:

- Vậy thì chiều mùng 3 tết, mời ông đồn lên đây uống rượu với tôi. Bao lâu nay chỉ có hai bố con, theo lệ thì cũng uống một, hai chén, nhưng buồn. Em nó như cái bóng lên xuống, còn tôi thì ngồi yên một mình nghe tiếng pháo thưa xa gần – Ông uống cạn chén rượu, rồi nhìn Nghiêm: Ngày mùng 3, ông đồn không có gì bận chớ?

Nghiêm đáp:

- Dạ, con không có gì bận. Cám ơn bác, con sẽ lên.

Thấy ông giáo và Nghiêm uống cạn rượu và đã đặt đũa xuống bàn, Vân dọn mâm và đem bình trà mới, Nghiêm đỡ bình trà, rót hai chén, đặt một chén trước ông giáo:

- Mời bác uống trà.

- Cám ơn ông đồn.

Sau khi đã uống cạn chén nước, Nghiêm hỏi:

- Thưa bác, trường Vị Khê có mấy lớp và được bao nhiêu học sinh?

Ông giáo đáp:

- Trường có 3 lớp, lớp năm, lớp tư và lớp ba. Mỗi lớp chừng năm chục. Hết hè năm nay thì phải có thêm lớp nhì, rồi thêm lớp năm, không biết sẽ phải sắp xếp ra sao, vì chỉ có 3 ông thầy. Lấy đình làm trường được cái rộng, nhưng có điều bất tiện là các lớp ở gần nhau, nhìn thấy nhau, thành ra lời đọc, lời giảng ở lớp này thì lớp kia nghe. Ở những vùng khác tôi không biết, còn ở Hà Nam này thì các xã hầu hết phải lấy đình làm trường. Ngay Phong Cốc có được cái trường rộng rãi thì người ta lại dùng làm trụ sở Bang. Trước năm 45 đó là trường của huyện và tôi đã dạy ở đó. Bây giờ về đây dạy được cái gần nhà, nhưng lại vướng vào chiến tranh, nên không biết ngày mai ra sao.

Nghiêm nói:

- Thưa bác, đó là tình cảnh chung của đất nước. Ở đây còn đỡ chớ ở quê con, vùng giáp núi rừng nên đêm ngày chẳng lúc nào yên. Chính vì thế mà con phải chạy ra thành phố.

Ông giáo uống nước, trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Ông đồn mới về Vị Dương mà đã làm được nhiều việc. Chuyện quân sự thì tôi không dám nói, nhưng về dân sự thì người ta nói nhiều về chợ Vị Dương, rồi mới đây tôi lại nghe các vị bô lão ở đây nói đến việc ông dự định làm con đường từ Vị Dương lên Vị Khê. Nếu dự định đó mà thành thì đúng là kéo hai xã lại gần nhau – Ông ngừng lại một lát, rồi tiếp: Có thuở đời nào hai xã chỉ cách nhau hơn 3 cây số mà bao đời nay không có được con đường, nên gần mà thành xa, đi lại quá khó khăn.

- Thưa bác, đó mới chỉ là dự định. Hai Ban Lý Dịch và các vị bô lão của hai xã đều muốn làm, nhưng khó là hai cái cầu, cần rất nhiều gỗ, ván và sắt, nhưng Bang không có ngân sách trợ giúp.

- Nhìn vào đâu cũng khó do thiếu ngân sách. Vì tất cả ngân sách của Pháp và Bảo Đại đã phải dành cho chiến tranh mà chiến tranh này sẽ đi tới đâu và bao nhiêu tiền cho đủ. Tôi là dân, không biết tin vào đâu, còn ông đồn, ông là lính cầm súng, ông có niềm tin gì vào cuộc chiến tranh này?

Điều băn khoăn và câu hỏi của ông giáo cũng là điều mà Nghiêm đã nghĩ suốt mấy năm nay, nhìn xa anh không có lời giải đáp, nhưng nhìn gần thì anh có thể thấy một phần, nên anh đáp:

- Thưa bác, câu hỏi của bác, nếu trả lời khẳng định thì con không dám. Nhưng con tin vào sự lựa chọn của mình là không có cái tốt thì phải chọn cái xấu vừa và chiến đấu chống lại cái quá xấu. Kết quả tới đâu chưa biết, nhưng ở phạm vi cá nhân, ở phạm vi có được, con làm hết sức vì sự lựa chọn đó.

Nghiêm nhìn nét trầm ngâm của ông giáo, chờ ông nói, nhưng vừa lúc ấy thì Sửu bước vào:

- Chào thầy.

- Thưa xếp, mình về được chưa ạ?

Nghiêm gật đầu, rồi đứng dậy:

- Thưa bác, đầu năm con đến chúc thọ bác. Bây giờ con xin phép.

Ông giáo đứng lên bước ra nắm chặt tay Nghiêm:

- Cám ơn ông đồn đã tới thăm.

Nghiêm cúi đầu định đi ra thì Vân từ dưới bếp đi lên, tay xách cái giỏ xách của Nghiêm:

- Cám ơn xếp đã đến thăm. Xin gửi xếp ít quà Tết của miền quê.

- Cám ơn cô Vân – Nghiêm vừa nói vừa đỡ cái giỏ.

Ông giáo đưa Nghiêm ra tới thềm, còn Vân đi với Nghiêm tới bến đò.

6

Nghiêm và 2 người lính là những người khách về sau cùng trong bữa giỗ nhà Vân.

Sau khi tiễn Nghiêm ở cổng, ông giáo đi vào, ngồi lại ở cái ghế trên hiên. Trong nhà vẫn rộn lên tiếng dọn bát đĩa và tiếng cười nói của Vân và mấy đứa cháu đến phụ Vân làm cỗ trong ngày giỗ ông cụ nội. Ông giáo không biết ông nội và chỉ được nghe cha ông kể lại là ông nội đậu tú tài, làng gọi là ông Tú Vị Khê, đã đi theo Trần Trung Lập nổi dậy ở Lạng Sơn và đã bị chết, khi quân khởi nghĩa bị quân Pháp đàn áp. Gia đình không biết ông chết ngày nào, nên đã lấy ngày ông từ biệt gia đình làm ngày giỗ. Cha ông cũng nối nghiệp văn, theo nếp gia đình, nhưng cảnh nhà sa sút, chỉ theo được hết bậc tiểu học với cái bằng certificat và được bổ làm hương sư. Đến ông cũng vậy, chỉ qua được bậc tiểu học. Ông giống cha ông ở một điểm là học tiếng Pháp và đi làm cho Pháp, nhưng rất ghét Pháp. Vì thế ông đã có cảm tình với Việt Minh, coi họ là những người dám xả thân vì hận nước. Tuy thế ông vẫn đứng xa họ. Về điều này, ông tự vấn, thấy mình không tham gia Việt Minh không phải vì hèn nhát mà vì ông thấy họ có một bức thành ngăn cách, một cái gì đó rất khác ông. Gặp Nghiêm, ông thấy ở người thanh niên này, nghĩ đi đôi với sống. Nghiêm nói: Con không theo Việt Minh, vì họ ác và tham lam. Ở quê con, con biết đám nông dân bất hảo, lưu manh đi theo họ và đã được ban cho quyền sinh sát để khống chế những người khác. Lưu manh, bất hảo mà có quyền, có súng thì chết dân. Tới Vị Dương làm đồn trưởng, con được người Vị Dương cho biết là đám lãnh đạo Việt Minh ở Vị Dương cũng là những tên bất hảo. Thì ra ở đâu cũng thế, đám lưu manh, bất hảo mới có đủ liều lĩnh, mưu mẹo để chiếm quyền. Nông dân chân chất làm sao thắng được những tên bất hảo đó, tuy cùng mang cái tên là bần cố nông… Lời của Nghiêm giải cho ông được điều mà lâu nay ông băn khoăn là ông có cảm tình với họ mà lại sợ. 

- Thưa bác, chúng cháu về ạ.

Ông giáo nhìn lên:

- Chị em dọn dẹp xong rồi đấy hả, có lấy phần oản, chuối về cho em không đấy?

- Dạ, có ạ.

Nhìn theo 3 đứa cháu gái đi nhanh ra cổng và khuất vào bóng đêm, ông mủi lòng nghĩ đến con ông và những đứa cháu trước tương lai vô định của cuộc chiến tranh.

- Thầy vào uống nước, con mới pha bình trà mới.

Ông giáo đứng lên đi vào nhà. Dưới ánh đèn dầu lung linh, ông thấy Vân giống mẹ, giống cả tiếng nói, nhưng sắc sảo hơn mẹ ở con mắt và linh lợi hơn mẹ ở cách hành xử ở đời. Ông thương con phải đầu tắt mặt tối, dậy từ 5 giờ, ngày mưa cũng như ngày nắng và về đến nhà khi trời đã tối, nhưng tin là con tháo vát như thế thì có thể vượt qua được những nghịch cảnh.

- Con giống mẹ lắm, Vân ạ. Nhìn nghiêng dưới ánh đèn dầu thì giống như đúc.

Vân cười:

- Vậy hả thầy?

- Nhưng mẹ con thì được sống trong thời bình. Thầy đi dạy học, mẹ chỉ ở nhà nội trợ. Còn con thì phải sống trong thời loạn, cực nhọc mà đời sống chẳng yên.

Ông giáo cầm chén nước, uống mấy hớp, rồi để xuống bàn:

- Con pha trà của ông Nghiêm hả?

- Dạ, trà ngon thì thầy uống, chớ để dành làm gì.

- Con gặp được Nghiêm vào thời bình thì tốt lắm, vào thời loạn ly thì chẳng biết thế nào – Ông ngưng lại, uống hết chén nước, rồi nói: Người ta không bằng lòng con ạ!

Vân nhìn ông giáo:

- Con là dân. Con đã làm mọi phận sự của người dân: mua hàng tiếp tế, đóng thuế. Còn đời sống tình cảm là đời sống riêng tư của mỗi người. Con không phải là người của họ, tại sao không bằng lòng?

- Người ta sợ Nghiêm nên muốn con xa lánh Nghiêm.

- Sao họ không biết là vì họ mà con đã phải nhờ anh Nghiêm mua cho những thứ mà con không thể mua những lượng lớn như thuốc Tây, pin đèn đem từ Quảng Yên về đây. Vì họ con đã phải nói dối.

- Người ta muốn con chinh phục Nghiêm theo hướng khác, chớ không phải là mấy việc đó. Nhưng thấy con không thể, nên đánh tiếng nói với thầy bảo con xa lánh Nghiêm.

- Thật lạ. Con không phải Việt Minh, không làm địch vận, tại sao lại bảo con làm việc đó – Vân nhìn ông giáo như muốn khóc: Thế thầy bảo con phải làm gì?

- Thầy thương con, nhưng đời của bố con ta ở trong tay họ. Thầy không bảo con phải xa lánh Nghiêm, nhưng khuyên con tìm cách đối xử có chừng mực. Đừng mời Nghiêm đến nhà và bảo Nghiêm cẩn mật.

Nhìn những dòng nước mắt chảy dài trên má Vân, ông giáo thở dài đứng dậy đi ra hiên. Ông ngồi xuống ghế nhìn bầu trời lác đác ánh sao và nghe tiếng khóc của Vân mỗi lúc một lớn. Thế là mối lo của ông từ ngày biết Nghiêm đã thành sự thật. Ông biết là từ nay gia đình ông sẽ không còn những ngày yên ổn, thương con nên không thể bảo con đoạn tuyệt với một người như Nghiêm, nhưng ông sợ là Vân khó đi hết con đường. Nghe tiếng gió ào ào thổi qua rặng tre trước bến, ông liên tưởng đến những ngày mưa gió, Vân gánh hàng xuống đò. Mới 16 tuổi Vân đã phải lầm lũi với đời sống gió mưa ấy, và đến nay đã 19 mà con ông không để ý đến bất cứ một anh nào ở xã Vị Khê này. Đã có mấy gia đình quen biết bắn tiếng, nhưng Vân chỉ một lời: Con chưa nghĩ đến chuyện ấy. Cứ để con thay mẹ sống với thầy. Đến nay Vân gặp được người thì chiến tranh lại ngăn chia. Mặc dù ông không theo Việt Minh, nhưng họ hàng có người theo nên mặc nhiên người ta xếp gia đình ông vào cùng phe. Chiến tranh này biết sống chết thế nào? Tại sao phải sợ? Nghe tiếng gió ào ào ở ngoài bờ sông, nghĩ đến tiếng khóc của Vân, nước mắt ông bỗng trào ra. Lấy tay áo chùi nước mắt, đợi cho nước mắt ngưng chảy, ông gọi:

- Vân ơi.

- Dạ.

- Ra đây thầy bảo.

Vân ra đứng dựa vào tường, cạnh ghế. Ông cầm tay con:

- Thầy đã nghĩ kỹ rồi… đến tuổi này cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Thầy không muốn con cứ phải lầm lũi một mình với gánh hàng, con đò và mưa gió… Con cứ làm theo ý con.

Vân khóc thành tiếng, ngồi xuống, gục đầu trên đầu gối ông.

Ông đặt tay vào đầu Vân:

- Đừng khóc nữa con.

7

Nghiêm và 3 người lính ra đến bến thì Vân đã chống đò đợi sẵn.

- Chào cô Vân.

- Chào xếp, chào các anh.

Nghiêm bước lên đò, rồi tới 3 người lính. Khi Vân đẩy đò ra, Nghiêm nói:

- Cho chúng tôi quá giang nên cô phải đi sớm, đi xa, rồi về chắc phải muộn. 

- Dạ, đi một mình cũng buồn. Có xếp và các anh thì vui hơn – Vân vừa đáp vừa dùng sào lái con đò cho thẳng.

Nhìn 3 người lính ngồi chăm chăm với khẩu súng hướng nòng ra ngoài, Nghiêm nói:

- Hôm nay không có ai quê Hà Nam, nên không có bạn nào giúp được cô.

Người lính tên Sáng, cầm khẩu Max 38, nói:

- Em đổi về Vị Dương đã trên năm, cũng đã nhiều lần tập đẩy đò. Em đẩy được. Cô Vân đưa sào cho tôi.

Một người lính khác tên Tam cười nói:

- Thưa xếp, để cho Sáng đẩy thì đến tối may ra mới tới. Hôm nọ chỉ đẩy một đoạn ngắn mà nó phải vật lộn với con đò, làm trò cười cho mấy cô đi gặt.

Vân nói:

- Cám ơn anh Sáng. Tôi quen với con đò và cây sào này rồi, để tôi chở các anh một chuyến.

Đò đã đi qua đồn Vị Dương. Trong màu áo cánh nâu, đầu bịt khăn đen, che kín cổ, Vân khoan thai vuốt cây sào. Có lúc nàng phải cúi xuống đẩy cây sào cho gần sát mép đò, rồi lại vuốt theo cây sào đứng dậy. Nàng đứng chênh vênh ở một bên đuôi đò, và cây sào như là cái gậy giữ thăng bằng, nếu không chỉ một cơn sóng làm nghiêng đò hay một cơn gió lớn là bị bạt xuống nước.

Đò qua Vị Khê, nhìn cái bến gần nhà Vân, Nghiêm nói:

- Ở Hà Nam toàn là đường thủy, nên có nhiều bến đò. Bến đò nào cũng có quán nước, bến lớn thì nhiều quán, bến nhỏ thì một đôi cái, nhưng dù nhỏ hay lớn thì đều là cảnh nghèo và buồn. Khi tới Quảng Yên, đi qua bến Rừng, bến Ngự, bến Chanh, tôi mới cảm được những hình ảnh bến đò trong thơ văn Việt Nam trong mấy chục năm qua.

- Dạ, em không đọc được nhiều, nhưng cũng có gặp cảnh bến đò như trong cuốn Dọc Đường Gió Bụi của Khái Hưng hay thơ của TTKH – Vân ngừng lại, vuốt theo cây sào lên cao, rồi đẩy xuống, mới tiếp: Em chỉ đẩy đò đi buôn, một mình một con đò. Những ngày mưa gió thì cái bến buộc đò còn buồn hơn những cảm xúc của nhà văn và thi sĩ.

- Tôi thấy con lạch dẫn vào chợ Vị Dương dài mấy trăm thước là cái bến lý tưởng cho đò khách, đò buôn. Hôm nào gặp ông Lý Phúc, tôi sẽ nói với ông ấy trồng mấy cây gạo và phượng vĩ dọc theo bến. Chỉ 5, 7 năm sau là bến có cây, và sẽ có vài cái quán nước. Nhưng đến lúc ấy chắc cô không còn một mình, một đò ở bến đó nữa.

Vân vuốt cây sào lên, rồi hỏi:

- Thế em đi đâu?

- Năm, bẩy năm nữa, đời có nhiều biến đổi, chẳng lẽ cô lại không. Rồi 15, 20 năm sau có dịp trở lại chợ Vị Dương thì bến đã đầy hoa gạo, hoa phượng đỏ.

Vân quay nhìn ra ngòi, nhưng Nghiêm biết cô quay đi để dấu nụ cười. Khi Vân quay lại, Nghiêm chỉ nhìn thấy đôi mắt vui lung linh với đôi môi trong cái khăn đen.

- Cây lớn thì nở hoa, rồi thành cổ thụ trên bến, nhưng đời người thì chẳng biết thế nào. Em sợ chiến tranh nên không dám nghĩ đến ngày mai.

Nghiêm định nói một câu an ủi Vân, nhưng chẳng biết nói thế nào nên yên lặng nhìn thân thể Vân chuyển động theo cây sào. Vân không dám nghĩ đến ngày mai, còn Nghiêm, hơn 30 tuổi mà vẫn lầm lũi một mình. Nhiều khi trong căn phòng cô độc, anh ao ước có tiếng nói của phụ nữ. Và những lúc ấy anh nghĩ là tiếng nói của Vân sẽ lấp đầy những trống vắng mà anh đã phải sống trong những năm qua.

Đò đi vào một đoạn ngòi rộng, nhấp nhô những con sóng đập vào đầu đò tạo thành một thứ âm thanh vui. Lần nào đi đò anh cũng lắng nghe tiếng reo vui của nước với con đò, nhưng không thể tìm được tiếng nào để gọi thứ âm thanh đó.

- Cô Vân này, ngày nào cô cũng đẩy đò, thế có để ý đến tiếng sóng đập vào đầu con đò?

Vân cười:

- Dạ, có nghe chớ, vì đò chỉ có mình em thì âm thanh đó càng lớn.

- Vậy cô thử dùng một tiếng để gọi âm thanh đó xem.

Vân lắng nghe một lúc:

- Khi sóng lớn đập vào thì nghe rào rào từng chập như sóng biển đập vào bờ. Còn khi sóng nhỏ thì thành tiếng róc rách, lanh canh.

- Cô dùng mấy tiếng đó thì chỉ mô tả được một phần thôi. Nhưng khi nghe âm thanh đó cô cảm thấy thế nào?

Vân cười:

- Em không cảm gì cả, chỉ thấy đó là tiếng nước đi liền với con đò. Nhưng hỏi em như thế thì chắc xếp cảm thấy một điều gì đó?

- Tôi cảm thấy đó là tiếng reo vui của nước với con đò – Nghiêm ngừng một lát, rồi hỏi: Nhưng những ngày mưa to gió lớn thì sao?

Vân đáp:

- Nếu gặp ngày mưa to, gió lớn thì âm thanh đó không còn reo vui mà là tiếng nước đe dọa.

Ba người lính cười, một người nói:

- Nghe xếp hỏi cô Vân, em cũng lắng nghe, nhưng không biết gọi nó bằng tiếng gì.

Đò đã đi vào con ngòi thuộc Phong Cốc, một bên là thôn xóm nhiều nhà gạch, còn một bên là cánh đồng lúa. Thỉnh thoảng có một cây cầu gỗ bắc ngang qua ngòi, lớn và cao để những con đò đi qua. Trên đồng lúa có những con cò trắng bay lên, lượn xuống và có nhiều toán thợ gặt. 

Bỗng ở phía xa vẳng lại mấy câu hò:

- Cách sông em chẳng qua đâu,

Lội thì ướt áo, qua cầu thì xa.

Nghiêm lắng nghe tiếng hò đáp lại, nhưng tiếng hò nhỏ lại ở xa nên âm thanh lạc mất. Đi một đoạn nữa lại có tiếng cất lên:

- Xa xôi kỳ ngộ anh nhầm

Hỏi nàng có bạn tri âm chăng là.

Có bạn thì phải nói ra

Thì anh mới dám giao hòa kết duyên.

Sau câu hò là những tiếng cười rộ lên mà không có tiếng hò đáp lại.

Nghiêm cười:

- Người ta hỏi, không biết hò đáp lại mà chỉ đối lại bằng tiếng cười. Thế là bên gái thua rồi. Nếu có cô trong đám thợ gặt đó thì cô đáp lại thế nào?

- Em cũng cười theo các chị ấy, chớ có biết hò đâu mà đáp.

- Tôi tưởng ở miền quê thì hầu hết các cô gái đều biết hò ít nhiều, vì đó là một thứ để tiêu khiển trong đời sống ở thôn làng. Nếu không biết hò thì khó nhập vào cuộc vui chung.

- Ở quê của xếp thì em không biết, còn ở Vị Dương, Vị Khê thì không phải hầu hết các cô gái mà chỉ một số biết hò, vì hò cần giọng tốt. Những cô nào có giọng tốt thì tìm bạn, tìm thầy là các bà có tuổi để học. Phải học đủ các giọng, rồi học thuộc hàng mấy trăm câu hò đối đáp. Bên các cậu cũng thế. Mẹ em là người hò có tiếng trong làng, nhưng bà mất sớm nên em không được học. 

Nhưng đó là trước kia, chớ bây giờ thì không còn ai nghĩ đến việc học hò. Nếu cô cậu nào biết là do cha mẹ truyền cho.

Có mấy con đò đi qua làm thành những con sóng lớn đập vào mạn đò làm nước bắn tung tóe lên đò. Nghiêm lấy tay đập những giọt nước văng đọng trên quần áo, rồi trở lại chuyện hò:

- Thế Vị Khê, Vị Dương, các cô, các cậu hò vào những dịp nào?

- Dạ, em không biết hết, nhưng biết chắc là họ hò khi đi gặt, đi cấy, hò trong đám cưới. Em không đi cấy, đi gặt nên không biết hò đối đáp ra sao. Còn trong đám cưới thì em nhớ rõ là mỗi đám cưới, bên trai cũng như bên gái phải đi mời một hay hai người hò nổi tiếng, giọng hay, nhớ nhiều và đối đáp nhanh. Và cuộc hò đối đáp giữa nhà trai và nhà gái sẽ diễn ra trong khi rước dâu. Vì chuyện thi hò này mà đám rước dâu nào, giàu cũng như nghèo, đều đông người đi coi, vừa coi cô dâu, chú rể, vừa nghe hò và coi xem bên nào thắng.

Nghe thầy em kể lại thì mẹ em vừa là hoa khôi vừa là người hò có tiếng trong xã, nên đám cưới nào, bên gái cũng cố mời cho bằng được. Em nhớ câu:

Cách sông em chẳng qua đâu,

Lội thì ướt áo, qua cầu thì xa.

Là câu hò của bên gái trong khi rước dâu…

Vân ngừng lại, cúi xuống đẩy cây sào tới gần sát mép thành đò, nàng phải đứng lên cúi xuống như thế trong một đoạn gần trăm thước mới đứng lại bình thường, vuốt cây sào, rồi tiếp câu giải thích:

- Ở Vị Khê, Vị Dương, đám rước dâu phải đi qua những con đường nhỏ có cầu, có mương, có lạch nước, vì thế khi hò lên câu đó là đám rước gặp phải một cây cầu hay lạch nước, nên họ không đi nữa, đứng lại hò cho tới khi nhà trai thắng hoặc hò được một câu hợp ý, họ mới qua cầu. Do chuyện hò đối đáp mà đám cưới nào cũng đông vui và đặc biệt là nhà gái chỉ cách nhà trai một quãng đồng, hay vài thôn xóm mà phải đi tới mấy tiếng.

Nghiêm hỏi:

- Nhưng đám cưới bây giờ còn tục hát hò như thế không?

- Dạ, chỉ còn ở mấy đám cưới nhà giàu, nhưng không còn đông vui, mà người hát hay, nhớ nhiều cũng không còn.

- Đến rồi! Cô Vân đẩy nhanh quá.

Nghe tiếng Sáng, Nghiêm nhìn lên, rồi nói:

- Nắng thế này mà cô đẩy suốt 3 tiếng.

- Em đã quen. Không đội được nón, nhưng cái khăn này cũng che được nắng, gió.

Vân cho con đò chậm lại, rồi len vào một chỗ trống ở cuối bến.

Mọi người vừa bước xuống thì một cậu trai chừng 13, 14 tuổi chạy đến:

- Chào chị, chị lại gửi đò?

Vân đáp:

- Chị gửi như những lần trước, mãi đến 4, 5 giờ chị mới về.

- Vậy chị để đó, em cột cho.

Vân vừa cho tay vào túi thì Nghiêm giữ tay Vân lại:

- Cô để tôi trả, rồi hỏi cậu bé: Bao nhiêu em?

- Dạ, ông đội cho 5 đồng.

Nghiêm đưa tờ 5 đồng, rồi đưa thêm:

- Cho em thêm 1 đồng. Coi đò cẩn thận nha em.

- Dạ, con cột đò, rồi ngồi ở sau quán kia.

Vân nói:

- Mẹ bán nước, con coi đò. Nó coi cẩn thận mà giá cũng vừa phải. Ở đây có cả chục người coi đò.

Nghiêm nói:

- Bây giờ cả toán đi theo tôi sang một chuyến đò khác.

Sáng nói:

- Đường đất không bao xa mà toàn là sông nước, nên lên đến tỉnh mất cả nửa ngày đường.

Sang đến bến Ngự, Nghiêm dẫn mọi người tới tiệm ăn Bạch Đằng:

- Bây giờ mình vào đây ăn cơm, rồi đi đâu hãy đi.

Mấy người lính nhìn nhau, rồi Tam nói:

- Thưa xếp, bọn em cần về nhà. Sáng ở Yên Hưng, còn em và Ngô thì ở mãi Quỳnh Lâu.

- Đi như vậy thì gấp quá. Nhưng nhớ 3 giờ rưỡi phải có mặt ở Tỉnh Đoàn, Phòng Tiếp Liệu để nhận một số đồ. Nếu tôi họp chưa xong thì cứ vào đó chờ tôi. Súng đem về nhà phải lấy đạn ra và khóa an toàn.

Sáng nói:

- Dạ, bọn em biết. Thôi chào xếp, chào cô Vân.

Ba người lính đi nhanh ra đường và lẫn vào đám đông.

Nghiêm đưa Vân vào tiệm, tìm một cái bàn gần cửa sổ quay ra sông. Anh đưa bản thực đơn cho Vân:

- Em chọn món ăn.

- Anh chọn cho em, gọi mấy món bình thường thôi.

Nghiêm nhìn qua bản thực đơn rồi gọi cô bồi bàn:

- Cô cho tôi canh bí đao, cá song rán và thịt bò sào cải làn – Còn uống, Vân uống gì?

- Dạ, cho em nước chanh.

- Cô cho tôi hai chai limonade.

Đây là bữa ăn đầu tiên của Nghiêm với Vân. Vì mấy lần ăn Tết, ăn giỗ ở nhà Vân thì Nghiêm ăn với ông giáo và những người khác. Đối với bên ngoài, hai người vẫn giữ sự cách biệt theo lối xưng hô từ lúc mới gặp nhau. Hai tiếng anh và em, hai người chỉ mới gọi nhau mấy lần sau món quà của Nghiêm vào cuối năm vừa qua. Anh đã tặng Vân một cái áo len màu xanh da trời mà Vân đã mặc hôm mùng một Tết, một cái đồng hồ, và một cái áo mưa màu nâu. Trong gói quà ấy anh đã kèm theo một bức thư tỏ tình. Sở dĩ Nghiêm phải viết thư, vì trong hoàn cảnh của cả hai rất khó gặp nhau, Nghiêm đi đâu cũng đem theo hai người lính, còn Vân thì gắn liền với cái quán giữa chợ và con đò. Thỉnh thoảng anh đứng trên sân đồn, nhìn thấy Vân đẩy đò qua thì cũng chỉ nhìn nhau cười. Sau bức thư ấy, Nghiêm đã nhận được bức thư của Vân để trên chiếc bánh chưng trong cái giỏ nàng đưa cho anh hôm mùng một Tết. Trong thư chỉ có mấy chữ: “Lòng vả cũng như lòng sung”.

Sau bữa ăn, trong khi đang uống trà, Nghiêm nói:

- Vân này, mấy tháng nữa, anh sẽ viết thư cho ông anh ở Đầm Hà ra Vị Khê làm lễ hỏi, rồi sau đó một tháng sẽ làm lễ cưới. Vì Đầm Hà ra đây cách trở sông biển lại chiến tranh, anh không muốn ông phải đi lại mấy lần. Em về thưa với thầy trước, rồi anh sẽ lên nói với ông sau.

Vân nhìn Nghiêm nước mắt trào ra… một lúc sau mới gật đầu.

Nghiêm đưa cho Vân chiếc khăn tay. Nàng lau nước mắt rồi gấp chiếc khăn bỏ vào túi.

Anh rót cho Vân chén nước nóng, rồi hỏi:

- Sao lại khóc?

- Em vui.

Nghiêm gọi cô bồi bàn tính tiền, rồi nói:

- Bây giờ anh lên Tỉnh Đoàn họp. Em mua hàng mất bao lâu?

- Dạ, chừng 2 tiếng.

- Đợi anh cùng về thì muộn quá. 7, 8 giờ mới tới Vị Khê, hay em cứ về trước cho sớm.

- Em muốn đi với anh, chẳng mấy khi anh ạ.

Nghiêm đến chỗ mấy chiếc xe tay, hỏi một người mặc áo kaki:

- Tới chợ bao nhiêu bác xe?

- Dạ, ông đội cho 8 đồng.

Anh trả tiền, rồi bảo Vân:

- Em lên xe đi.

Bác xe tay nhìn Nghiêm:

- Chỉ có một mình cô thôi ư, vậy trả lại ông đội 2 đồng.

Nghiêm lắc đầu: Bác cứ giữ lấy. 

Chàng đặt tay lên vai Vân:

- Có sớm cũng phải 4 giờ anh mới họp xong.

Vân nhìn Nghiêm:

- Sớm muộn gì cũng được, anh ạ.

Khi chiếc xe tay đã mất hút sau hàng cây bên đường, Nghiêm nhìn đồng hồ, rồi theo phố Bạch Đằng, đi bộ lên Tỉnh Đoàn.

Hôm ấy mãi 8 giờ đò mới về đến Vị Khê. Trong khi mấy người lính giúp nàng đem những kiện hàng lên nhà thì Vân dẫn Nghiêm đi tìm thuê đò cho Nghiêm về Vị Dương. Trên đường Nghiêm nói:

- Vân ạ, sau buổi họp ở Tỉnh Đoàn, anh đã nhận được lệnh tuần sau phải thuyên chuyển đi nơi khác.

Vân giật mình đứng sững lại:

- Anh thuyên chuyển, mà đi đâu?

- Quận Hoành Bồ. Nhưng rồi đây em sẽ phải bỏ cái quán ở chợ Vị Dương, có tiếc không?

Nghe câu hỏi, Vân cảm thấy nhẹ hẳn người, vì Nghiêm đi sẽ kéo nàng ra khỏi mối lo canh cánh về điều ông giáo nói: Người ta không bằng lòng mà hôm nay ở quán ăn nghe Nghiêm nói, nàng đã khóc vì vừa vui vừa sợ, nên nàng hỏi?

- Thế em vẫn nói với thầy điều anh bảo em?

- Em nói với thầy ngay đêm nay. Ngày mai hoặc ngày mốt anh sẽ lên thưa chuyện, nhân tiện chào từ biệt ông. Khoảng tháng sau anh sẽ thư cho em và trong 3, 4 tháng nữa, sau khi ổn định ở đơn vị mới, anh sẽ thực hiện những điều mình nói với nhau… Nếu không phải thuyên chuyển thì em về với anh sớm hơn. Bây giờ phải chậm lại mấy tháng…

- Em mong từng ngày – theo lời nói, Vân gục mặt vào ngực Nghiêm. Nghiêm vòng tay ôm Vân và cảm thấy người Vân như rũ trong tay anh.

(Còn tiếp một kỳ)

Việt Dương