Hạ sĩ nhất Khang dẫn một tiểu đội 7 người đi phục kích ở đầu
một con ngòi gần bờ đê. Dưới ánh trăng lu mờ nhạt, ông dấu mình bên một mô đất,
hy vọng có thể nhìn thấy bóng người cách xa vài chục mét. Gần nửa năm nay, ông
đi kích nhiều theo đà tăng cường hoạt động của địch, và lần nào nằm trên đê, ngửi
mùi nước mặn, ông cũng nhớ thời Nghiêm ở Vị Dương. Vì trong một năm dưới quyền
Nghiêm, ông đã được phân công làm việc ban ngày, còn ban đêm là việc của
Nghiêm. Nghiêm thường đi kích với 1 tiểu đội khi có tin tức, hoặc với 2, 3 người,
nằm ở ven một làng nào đó, lần theo tiếng chó sủa, và đã đạt được nhiều kết quả
theo lối hoạt động đó. Trung sĩ Minh về thay Nghiêm vẫn tiếp tục một số hoạt động
của Nghiêm, nhưng có một điểm khác là ông không ra khỏi đồn ban đêm mà đã ủy
thác cho Khang, và ông cũng biết tiếng Tây nên vẫn giữ được liên lạc với đồn
Gót. Vì thế, Trung bình một tháng, 2 đồn Gót và Vị Dương thường phối hợp phục
kích một lần ở 2 địa điểm thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Đêm nay là hoạt động
theo sự phối hợp đó. Dưới quyền 4 đời đồn trưởng, ông chưa thấy ai tận tụy với
nhiệm vụ và mạo hiểm như Nghiêm. Có lẽ vì lối hoạt động mạo hiểm đó mà Nghiêm
đã bị chết chỉ sau một thời gian ngắn đến Hoành Bồ.
Hạ sĩ Nam, tiểu đội trưởng bò đến bên Khang, nói nhỏ:
- Tôi buồn ngủ quá, đêm nay về sớm được không?
- Sớm cũng phải 3 giờ - Khang đưa Nam bi đông nước: Trà đặc,
uống cho tỉnh.
Nam vừa cầm bi đông nước thì có tiếng súng nổ ở phía đông bắc,
xa chừng 3, 4 cây số. Nam vội đưa trả Khang chiếc bi đông trong tiếng nổ rền với
những tia đạn lửa vụt lên không.
Khang nói nhỏ:
- Toán Gót đụng rồi. Tao đinh ninh chúng đi lối này thì
chúng lại chọn ngả trên. Đi bảo mấy thằng cẩn thận, coi chừng chúng chạy xuống
đây.
Chừng nửa giờ sau tiếng súng thưa dần rồi ngừng. Phỏng chừng
khoảng cách, Khang nghĩ là giao liên đã chọn ngả trên, vì coi thường đồn Gót
cho là ban đêm đám lính Tây, lính Tàu không dám ra khỏi đồn.
Hạ sĩ Nam bò tới bên Khang lấy bi đông uống một hơi, rồi
nói:
- Thế là đám Gót hốt trọn ổ. Chắc là có phản công nên súng mới
nổ lâu như thế.
- Chúng về đông chớ không phải vài tên như chúng ta thường gặp
trước đây – Khang nói, rồi lấy vạt áo che đèn pin nhìn đồng hồ: Nửa giờ nữa
mình về.
Sáng hôm sau, trung sĩ Minh đi với hạ sĩ nhất Khang và 3 người
lính ra đồn Gót, và đã được trung úy Charles và một trung sĩ người Việt, tên là
Công, ra đón. Khi tới giữa sân, trung sĩ Minh quay lại nói với Khang: Tôi đi với
trung úy Charles vào văn phòng, còn anh dẫn anh em đi với trung sĩ Công.
Đứng lại giữa sân, trung sĩ Công nói với Khang:
- Trung úy Charles nhờ anh nhận diện những người địa phương,
trong số người bị bắt đêm qua.
Đến trước một căn nhà xây, Công lấy chìa khóa mở cửa:
- Mình vào đây.
Dưới nền xi măng, số người bị bắt đang nằm, nghe tiếng mở cửa
đã ngồi dậy. Vừa nhìn thoáng người ngồi dựa vào tường, Khang sửng sốt: Sao Vân
lại ở trong đám người này! Vân, đầu tóc rối bù, nhìn Khang rồi cúi xuống. Có tiếng
thì thầm của mấy người lính: Vân, quán tạp hóa…
Khang điểm lại một lần nữa 5 khuôn mặt, rồi nói nhỏ với
trung sĩ Công:
- Trong số này, tôi chỉ biết một người là cô mặc áo nâu ngồi
dựa tường. Tên cô ấy là Trần thị Vân, bán tạp hóa ở chợ Vị Dương.
Trung sĩ Công nhìn Vân một lúc, quay nói với Khang:
- Thôi, chúng ta đi ra.
Công khóa cửa, rồi dẫn Khang và 3 người lính vào phòng ăn,
pha cà phê, lấy bánh tây, bơ và phó mát ra mời thầy trò Khang.
Trong khi Khang uống cà phê, Công nói:
- Tôi xin anh ít chi tiết về Trần Thị Vân.
- Được, anh cứ hỏi.
- Trần thị Vân quê quán ở đâu?
- Xã Vị Khê, bang Hà Nam.
- Tên cha mẹ và nghề nghiệp.
- Mẹ chết lâu rồi, còn cha là Trần văn Sơn, giáo viên trường
Vị Khê.
- Anh em mấy người?
- Không có anh em.
- Nó bán tạp hóa từ năm nào?
- Khoảng năm 1950, khi chợ Vị Dương mới chỉ có mấy cái quán
và một khu đất nhỏ để người ta họp chợ buổi sáng.
- Từ năm 1950 đến nay, nó có làm gì để các anh phải nghi ngờ
về hành vi của nó không?
- Không, cô ta bán nhiều thứ hàng, vui vẻ, nên chúng tôi thường
đến mua hàng, thế thôi.
- Anh có nghĩ nó bán hàng để làm địch vận?
- Không, vì từ năm 1950 đến nay, đồn Vị Dương không xảy ra
chuyện gì lớn mà cũng không có ai tán tỉnh được cô ta thì không thể nghi ngờ
chuyện địch vận. Vì thế tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy cô ta ở trong đám này.
- Lạ nhỉ - Trung sĩ Công nói rồi gấp cuốn sổ lại:
- Các bạn cứ ăn uống tự nhiên – Công nói rồi đi ra.
Khoảng 20 phút sau, Công trở lại với trung sĩ Minh, vừa đi
vào Công nói:
- Anh Minh uống cà phê đã.
Trung sĩ Minh nói:
- Thôi cám ơn anh, chúng tôi tới để mừng đồn Gót thắng lớn,
bây giờ thì xin về.
Ra khỏi cổng đồn Gót, trung sĩ Minh nói:
- Cũng đồn mà nhìn họ với nhà xây, pháo đài, phòng ăn, phòng
ngủ, thấy đồn Vị Dương thật thảm, đồn gì mà chỉ có một cái lô cốt, còn toàn là
nhà tường đất lợp tranh. Nếu chúng tấn công, bắn cháy nhà thì chúng ta chạy đi
đâu.
- Tôi không biết ở các quận khác và các tỉnh khác ra sao,
còn ở bang Hà Nam thì xã nào đồn cũng như thế cả - hạ sĩ nhất Khang nói, rồi hỏi:
- Kết quả trận đánh đêm qua thế nào anh?
Trung sĩ Minh nói:
- Charles cho biết, toán kích của Gót tới địa điểm lúc 9 giờ,
khoảng 1 giờ thì thuyền chở hàng tiếp tế tới đậu bên phải con ngòi. Nửa giờ sau
thì trên đê xuất hiện một toán gồm 4 người, đi xuống đầu ngòi, bấm và tắt đèn
pin 5 lần. Đèn pin trên thuyền cũng bấm tắt 5 lần. Khi thấy cả bọn vác hàng lên
đê thì toán kích khai hỏa. Chúng bám bờ đê bắn trả. Cuộc chạm súng diễn ra
trong khoảng 30 phút thì địch im lặng. Toán kích tiến lên đê kiểm soát thì thấy
2 chết, 1 bị thương, một người nằm gần xác chết giơ tay hàng. Rồi ở gần một bờ
đất 4 người khác cũng giơ tay hàng.
- Thế bên Gót vô sự à?
- Không, Gót chết 1 Tây, 2 Tàu bị thương – Minh trả lời rồi
nói: Tôi bảo Charles trao cho Vị Dương những người bị bắt để Vị Dương khai
thác, hy vọng sẽ tìm được mạng lưới mua hàng, chuyển hàng và những tên cơ sở.
Nhưng Charles từ chối – Minh thở dài: Vào tay mình thì có thể tìm được ít manh
mối, chớ chúng nó biết gì địa phương này mà giữ mấy người đi chuyển hàng.
Khang nói:
- Nó coi đó là chiến lợi phẩm thì giữ, rồi chuyển cho Phòng
Nhì khai thác.
Minh hỏi:
- Anh có nhận diện được người nào trong đám bị bắt không?
- A! Vân bán tạp hóa, anh ạ.
Minh ngạc nhiên:
- Tại sao nó lại hy sinh một nguồn tiếp liệu vô hạn một cách
lãng nhách như vậy?
Khang nhìn Minh:
- Tôi không hiểu ý anh.
Minh im lặng cúi đầu đi một đoạn xa mới nói:
- Tôi nghe lính nói chuyện dan díu giữa nó với ông Nghiêm
thì ngờ là nó đã xử dụng ông Nghiêm làm bức bình phong để mua hàng. Cái quán đó
là nơi mua hàng và trữ hàng cho bọn cơ sở.
Khang nói:
- Cô ta bán hàng để sinh nhai và phải mua hàng cho Việt Minh
ở Vị Khê thì có thể, vì không thể tránh được. Còn anh suy luận cô ta quyến rũ
ông Nghiêm để dùng ông ấy làm bình phong thì tôi nghĩ là không đúng, vì mấy lẽ:
Thứ nhất là ông Nghiêm rất nhạy bén, nhìn sự việc rất nhanh và tận tụy với
trách nhiệm. Ở đây chỉ một năm mà đã thực hiện được nhiều việc mà có một số việc
anh đang nối tiếp. Hơn thế ông ấy sống đơn giản và nghiêm khắc, đi đâu cũng có
hai người lính đi cùng. Thứ nhì, chuyện tình cảm giữa ông Nghiêm với cô Vân là
chuyện chân thật. Nếu ông ấy không chết thì tôi đã là người đứng ra tổ chức đám
cưới cho ông, vì gia đình ở xa và chỉ còn một người anh. Thứ ba, tình cảm của
cô Vân đối với ông cũng rất chân thật chớ không phải là thứ tình địch vận. Vì
khi tôi ra chợ báo cô biết là ông Nghiêm đã chết ở Hoành Bồ thì cô ấy khóc ngất,
không thể nói được nữa. Và sau đó cô ấy đã ngả bệnh cả tháng không đi bán hàng.
Chuyện tình cảm của hai người tôi biết rõ, nên nói để anh hiểu thêm.
Trung sĩ Minh nói:
- Tôi suy luận thế thôi. Ông Nghiêm đã chết rồi, không nên
nói chuyện này nữa. Bây giờ mình đi lên chỗ chạm súng – Minh lấy tấm bản đồ chỉ
vào chỗ đánh dấu bút chì đỏ: Chạm súng ở đây.
Hạ sĩ nhất Khang coi rồi nói:
- Ở gần thôn Đông. Đi tắt thì gần, nhưng bây giờ phải đi
theo đường chính cho an toàn. Đám lính Tây, Tàu đang đi lùng sục, không biết
chúng ở đâu.
Hơn 1 giờ sau, Minh lên tới đầu con ngòi và thấy lính Tàu đứng
gác con thuyền chở đồ tiếp tế. Thấy toán lính Việt đi tới, viên thượng sĩ Tàu,
trước kia đã mấy lần vào đồn Vị Dương ăn tiệc thời Nghiêm làm đồn trưởng, nhận
ra Khang, nên vui vẻ hỏi bằng tiếng Việt:
- Các ông từ đồn Vị Dương tới?
Trung sĩ Minh đáp:
- Tôi là đồn trưởng đồn Vị Dương. Tôi mới gặp trung úy
Charles và ông bảo tôi tới đây quan sát trận địa và nhận 2 xác Việt Minh để
chôn cất. Thượng sĩ cho chúng tôi lên đê và coi 2 xác đó. Viên thượng sĩ Tàu dẫn
cả toán lên đê, chỉ chiếc thuyền nằm trên cạn, nhưng không cho Minh lên thuyền,
rồi dẫn Minh tới chỗ 2 xác chết. Đó là hai thanh niên chừng 20 tuổi, nằm ngửa
trên vũng máu đã trở thành màu đen với những đàn ruồi bu trên mặt, trên quần áo
bết máu. Từ đê xuống ngòi, những bao hàng nằm ngổn ngang với con đò.
Sau khi quan sát hai xác, Minh nói với viên thượng sĩ:
- Chiều nay ông Lý trưởng và dân Vị Dương sẽ lên đây nhận 2
xác này về chôn cất. Khi họ đến, thượng sĩ cho họ nhận. Bây giờ chúng tôi về.
Cám ơn thượng sĩ.
Minh, Khang bắt tay viên thượng sĩ, rồi đi xuống đê.
Trên đường về, trung sĩ Minh nói với Khang:
- Tôi nhận hai xác cho dân Vị Dương chôn sớm, vì tôi không
muốn Tây phơi xác họ trên đê như thế.
Nhìn 2 xác chết, hạ sĩ nhất Khang nhớ lại ngày ông dẫn
Nghiêm tới đây, chỉ cho Nghiêm thấy con đường xâm nhập nhận đồ tiếp tế của Việt
Minh, và Nghiêm đã lên đây nằm nhiều lần, nhưng không gặp. Ông liên tưởng đến
cái chết của Nghiêm ở ven rừng Hoành Bồ và nghĩ đến Vân,đầu tóc bơ phờ, tựa
lưng vào tường nhìn ông như muốn khóc. Ông ngậm ngùi nhớ lời Nghiêm nói với ông
khi từ giã Vị Dương: Khoảng 3, 4 tháng nữa, tôi trở lại đây với ông anh tôi thì
trăm sự phải nhờ anh.
**
Đêm thứ ba sau đêm bị bắt, Vân bị gọi lên thẩm vấn. Trung sĩ
Công hỏi Vân về tên tuổi, sinh quán, cha mẹ, anh em, nghề nghiệp, vừa hỏi vừa
ghi chép và quan sát Vân.
- Mày vào Việt Minh năm nào?
Vân đáp:
- Tôi không vào Việt Minh, tôi chỉ là dân.
Công gằn giọng:
- Phải khai đúng, nếu không sẽ bị tra tấn, mà bị tra tấn thì
sẽ chết đi sống lại.
Vân nói:
- Tôi khai đúng tôi là dân, không phải Việt Minh. Nếu bị tra
tấn đến chết, tôi cũng không biết gì để khai.
Công nhìn chăm chăm:
- Không là Việt Minh, tại sao lại chở đồ tiếp tế Việt Minh?
Vân đáp:
- Người ta bắt tôi đi dân công thì tôi phải đi.
Công hỏi:
- Mày biết những người đi cùng?
Vân đáp:
- Tôi biết họ cùng ở Vị Khê, nhưng không biết họ làm gì.
Công hỏi:
- Trong toán ai là người chỉ huy?
Vân đáp:
- Người đứng tuổi ở nơi khác tới, nên tôi không biết. Chỉ biết
ông ta là người chỉ huy
Công hỏi:
- Tại sao biết nó là người chỉ huy?
Vân đáp:
- Tất cả nhận lệnh trong đêm và ngay khi khởi hành, tôi cũng
không biết là phải đẩy đò đi đâu. Lúc đó người lớn tuổi mới lên tiếng và cho biết
đi đường nào.
Công hỏi:
- Người phó của nó là ai?
Vân đáp:
- Tôi không biết, vì cũng ở nơi khác đến, nhưng anh ta chết
rồi.
- Ai cho mày biết là phải đi dân công?
Vân đáp:
- Họ đến nhà tôi ra lệnh trong đêm và tôi cũng không biết họ
là ai.
Công gấp cuốn sổ, đứng dậy nói:
- Thôi đi.
Công dẫn Vân qua sân, tới một gian nhà xây và gõ cửa. Trong
có tiếng vọng ra:
- Entrez.
Công đẩy cửa bước vào. Trung úy Charles nhìn Vân, chỉ tay
vào cái ghế:
- Asseyez- vous là.
Công nói:
- Ông ấy bảo ngồi xuống đó.
Vân bước tới cái ghế thì Công nói: Elle est très gentile - rồi
đi ra, khép cửa lại.
Vân nhìn Charles, nhìn gian phòng, rồi bật khóc:
- Trời đất ơi – cô vừa kêu vừa quỳ lạy Charles.
Trung úy Charles lạnh lùng đứng dậy, đi tới khóa cửa.
9
Nghiêm xách một gói bánh kẹo, đứng ở bến đò chợ Phong Cốc để
chờ đò đi Vị Khê, chợt có tiếng gọi:
- Anh Nghiêm.
Nghiêm quay lại nhận ra người gọi, nhưng một lúc sau miệng mới
bật ra tiếng:
- Vân.
Vân đi lại gần anh:
-- Anh còn sống ư? Đi theo em.
Nàng bước nhanh xuyên qua chợ, rồi đi vòng ra phía sau đình
Phong Cốc. Tới quãng đường vắng, Vân mới nói: Anh chờ đò xuống Vị Khê ư? Không
để Nghiêm trả lời, nàng tiếp: Không trở lại Vị Khê được đâu. Vị Khê, Vị Dương
nhiều người biết anh. Họ nhận ra anh là chết. Bây giờ trở lại bến. Đò đậu ở bên
trái, em xuống trước và đứng để anh dễ nhận.
Nhìn vẻ mặt hốt hoảng của Vân, Nghiêm nhận ra tình thế nên gật
đầu:
- Anh hiểu rồi – Nói xong Nghiêm cúi đầu đi ngược chiều với
Vân, vòng phía bên phải đình ra chợ. Anh đi loanh quanh chừng mươi phút, rồi xuống
bến thản nhiên lên đò.
Khi đò ra giữa ngòi, Vân nói:
- Bây giờ em chở anh trở lại Quảng Yên – Vân vừa vuốt cây
sào vừa nhìn Nghiêm đăm đăm: Sao người gầy mà xanh thế?
Nghiêm không trả lời thẳng mà nói:
- Anh vào Hoành Bồ được gần một tháng thì bị phục kích, lính
chết còn mình bị bắt, và đi tù ở trong rừng núi từ đó. Sau ngày ký hiệp định
Geneve một tháng thì được trao trả tù binh ở Quảng Yên và được phục dưỡng ở trại
Khê Chanh chung với lính Tây. Anh mới được xuất trại ngày hôm qua, và hôm nay
trở lại Vị Khê tìm em. Ở Bến Chanh không có đò đi Vị Khê nên phải đi đò Phong Cốc.
Vân nói:
- May mà không có đò đi Vị Khê, chớ đến Vị Khê là người ta bắt
anh. Nhiều người đã bị bắt như vậy. Bây giờ suốt ngày người ta bảo dân đi kêu gọi
lính trở về quê làm lại cuộc đời. Nhưng những người trở về bị bắt thì người ta
lại bảo những người đó là kẻ thù phải trả nợ máu.
Nghiêm không quan tâm đến điều Vân nói mà nhìn dáng Vân đẩy
đò, một hình ảnh theo anh trong tù. Anh nhìn hai cánh tay đưa lên hạ xuống và
hai bàn tay vuốt cây sào đẫm nước chảy thành dòng.
- Sao không nói mà lại nhìn em như thế?
- Em gầy, mặt không còn tươi với nét rạng rỡ như trước.
- Hai năm biết bao nhiêu thay đổi. Anh đi được 2 tháng thì
ông Khang ra chợ báo tin là anh đã chết ở Hoành Bồ. Em nghĩ đến gia đình anh ở
quá xa, đường sông biển lại chiến tranh, chẳng biết người ta chôn cất anh ở
đâu… Buồn quá và tuyệt vọng nên em ngã bệnh cả tháng… Trong dân người ta loan
nhiều tin về cái chết của anh và có một ông chú họ đi Việt Minh hoạt động ở
Bang Hà Nam thúc đẩy thầy khuyên em nhập vào cơ sở…
Nghiêm cau mày:
- Theo anh hiểu thì thầy không thiên Việt Minh.
- Nhưng thầy em không có sự suy nghĩ dứt khoát như anh. Ông
chê những tên đứng đầu cơ sở ở Vị Khê là không biết làm tính cộng, tính trừ,
nhưng lại vẫn nói với em là Việt Minh có khả năng chống lại Tây. Cả đời đi làm
cho Tây, nhưng ông ghét Tây và coi Bảo Đại là tay sai của Tây. Ông rất quí anh,
thích nghe anh nói chuyện, nhưng sau đó thì những câu chuyện bay đi mất.
Vân ngừng lại khi đò đi vào chỗ nước sâu, phải ngồi xuống
theo cây sào mà vẫn nhìn Nghiêm…
Nghiêm nói:
- Ở hoàn cảnh của thầy và của em rất khó. Ông đã già, còn em
là gái giữa thời loạn, dù không ưa Việt Minh cũng không có cách nào thoát ra khỏi
làng Vị Khê. Vì thế ông khuyên em theo họ là một chọn lựa thực tế giữa hai đường
sống, Việt Minh ở bên cạnh nhà, còn đồn Bảo Chính thì nhỏ và xa quá. Khi còn ở
quê, anh cũng phải chịu một tình cảnh như thế, muốn làm một người dân bình thường
cũng không được, chẳng theo Tây thì phải làm du kích hay lên rừng kháng chiến.
Anh là thanh niên nên dễ chạy, tìm đường ra thành phố, tưởng tìm được lối thoát
khi vào lính Bảo Chính Đoàn của chính phủ Quốc Gia, nhưng cuối cùng vẫn lại là
đường cùng.
Qua đoạn nước sâu Vân nói:
- Sau vụ trung sĩ Phúc, đồn trưởng Vị Khê, bị trúng mìn chết
và bác Lâm, một người họ xa bị bắn chết vì tội chống thuế, thầy bảo em mấy lần
là phải đi theo họ. Nhưng em nói với thầy là em sợ mấy ông cơ sở, sợ những hoạt
động trong bóng tối, nên chỉ muốn làm dân dù có chết cũng được. Cuối cùng thì
em phải đi dân công.
- Họ bắt em làm gì?
- Em phải đi chuyển hàng tiếp tế và đã bị lính đồn Gót bắt.
Họ giam đám dân công 4 người với một ông cán bộ 10 ngày. Ngày nào cũng bị một
trung sĩ người Việt gọi lên vặn hỏi.
- Có bị đánh đập tra khảo gì không?
- Người cán bộ bị tra khảo, còn mấy người dân công thì
không, nhưng vẫn bị gán cho tội là Việt Minh và cả 5 người bị chuyển lên Quảng
Yên. Em bị giam ở nhà tù Khê Chanh gần một năm và được thả tháng 10 năm ngoái.
Vân nhìn Nghiêm đăm đăm, quên cả cây sào để đò chạy xiên vào
gần bờ. Khi đẩy đò ra giữa giòng nàng vẫn nhìn Nghiêm:
- Anh đi tù Việt Minh, em đi tù Tây, gặp lại nhau mà không
dám tin ở mắt mình. Ngày trước em mong anh lên nhà từng ngày để làm cơm, pha
trà cho anh… Bây giờ hết chiến tranh thì cũng không còn mong có những ngày đó nữa.
Vì người ta trả thù nhau, người thắng trả thù người bại. Khi hai đồn Vị Dương
và Vị Khê rút bỏ thì ngay đêm đó hàng chục người ở Vị Dương và Vị Khê đã bị bắn
chết. Đi chợ Vị Dương em nghe chị Tâm bán tạp hóa nói là ngày đồn rút, các ông
Lý Phúc, phó lý Sơn và xếp Khang đã lên Quảng Yên, nhưng sau Lý Phúc và phó Lý
Sơn lại nghe lời vợ con trở về làng và bị bắt đi biệt tích, chỉ có xếp Khang là
thoát. Ông Khang khôn lanh và tốt quá – Vân ngừng lại khi có hai chiếc đò đi gần
đò mình.
Nhìn hai đò đã vượt lên xa, Nghiêm hỏi:
- Thế còn những ông trong ban Lý Dịch xã Vị Khê?
- Cả mấy chục người bỏ làng đi theo lính lên Quảng Yên,
nhưng lý trưởng Nam đã bị bắn ở Quảng Yên, còn người ta đồn là phó lý Tấn đã chạy
qua Hải Phòng.
- Còn gia đình các ông ấy?
- Ở Vị Dương em không biết, còn ở Vị Khê thì nhiều gia đình
đã lánh lên Quảng Yên, chờ di cư vào Nam theo hiệp định Geneve.
- Vậy em biết chương trình di cư của hiệp định Geneve?
- Em biết, vì người ta bàn tán nhiều mà thầy cũng có một tờ
báo ở Hải Phòng nói về hiệp định.
Nghiêm hỏi:
- Thế tại sao em không bảo thầy di cư?
Vân đáp:
- Anh hỏi như thế là anh không hiểu thầy em. Như em đã nói
là ông quí anh và rất thương anh, nhưng đó là chuyện cá nhân, còn ông ủng hộ Việt
Minh dù không làm gì. Bây giờ Việt Minh thắng, ông vui. Ông bảo những người di
cư là đi theo Tây. Rồi em lại mới đi tù về, ông coi chuyện tù của em như một
thành tích, một vinh dự của gia đình dưới chế độ mới. Như thế làm sao em bảo
ông di cư.
- Ông không đi thì em đi với anh. Hôm nay anh xuống Vị Khê
cũng chỉ để nói với em việc này. Trước đây anh đã lỡ hẹn vì chiến tranh. Bây giờ
anh chờ em ở Quảng Yên.
Vân yên lặng nhìn ra xa một lúc lâu, rồi nói:
- Mẹ em mất năm em 10 tuổi. Một bố, một con sống với nhau đến
giờ… Em lòng nào bỏ ông… Vân lấy cánh tay chùi nước mắt - Con đò lại chạy xiên,
muốn quay ngang, khi lái được đò thẳng lại, Vân nói: Trời cho anh sống, nên hôm
nay em lại lên Phong Cốc mua hàng… Em tính lên mua thêm ít cá khô thì nhìn thấy
anh. Nếu không thì giờ này…, Vân ngừng lại một lúc, rồi nói: Trời cho anh sống,
nhưng không cho em sống với anh.
Nghiêm lặng yên nhìn những con sóng gợn lăn dần vào mạn đò,
và mủi lòng nhìn theo bóng Vân chạy dài trên sóng nước. Đã bao năm tháng cái
bóng ấy đã xuôi ngược với con đò vì miếng cơm manh áo mà đời chẳng yên. Anh muốn
kéo Vân ra khỏi con đò, nhưng trời và người đã không cho Vân đi. Nghiêm bỏ cái
bóng nhìn lên và lúc này anh mới nhìn rõ chiếc áo cánh đen Vân mặc đã bạc màu:
- Từ ngày đi tù về em sinh sống ra sao, còn bán hàng ở chợ Vị
Dương không?
- Em không bán hàng ở chợ nữa mà bán tại nhà. Hiện nay thầy
nghỉ dạy học, vì trường Vị Khê đóng cửa. Nhưng họ nói là tới niên khóa mới thầy
sẽ được đi dạy lại.
- Nhà mình có ruộng đất gì không?
- Không anh ạ. Nghe thầy em nói thì trước kia, thời ông cụ nội,
nhà có mấy mẫu ruộng, nhưng gia đình sa sút nên bán dần, đến đời ông nội thì chỉ
còn ngôi nhà với mảnh vườn ở phía sau. Nếu thầy còn dạy học, em bán hàng thì vẫn
sống được – Vân ngừng lại một lúc lâu, rồi nói:
- Em có linh cảm rồi đây thầy sẽ khổ, vì ông đã ở lại với những
người ông chê, nhưng lại thắng được Tây và những người thắng cũng chẳng coi ông
ra gì, vì khi họ chiến đấu thì ông đi dạy học, đi làm cho Tây. Trước kia, ở đâu
ông cũng được kính trọng, ra đường ai gặp cũng cúi chào. Bây giờ chỉ mới được
ít tháng mà em không còn nhìn thấy những hình ảnh đó nữa. Đi họp thôn, họp xã,
ông đến và ông về chẳng ai cần biết tới.
- Sao em không nói với ông những điều đó?
- Em có nói, nhưng ông bảo đó là nếp cũ, và bảo em phải biết
thích ứng dưới chế độ mới.
Con đò ra khỏi khu vực xóm làng, đi vào đoạn ngòi rộng, hai
bên là cánh đồng ruộng, gió lộng từng cơn làm dấy lên những con sóng lớn. Tiếng
reo của nước trước mũi đò mỗi lúc một cao. Nghiêm bồn chồn nhìn dáng Vân vuốt
cây sào. Sáng nay trên đò đi Phong Cốc, anh nghĩ là chỉ một lời gọi là ông giáo
và Vân sẽ đi với anh lên Quảng Yên, nhưng sự việc đã đảo ngược ngoài dự tưởng.
Nghe tiếng reo của nước trước mũi đò, Nghiêm sợ hãi nghĩ đến
con ngòi đã ngắn lại và bến đã đến gần. Anh nhìn dáng Vân khoan thai vuốt cây
sào giữa bầu trời đỏ ở phía đông, và biết rằng chỉ một lát nữa là anh sẽ chỉ
còn có thể hình dung dáng dấp ấy ở một phương trời nào đó.
Con đò chậm lại, Vân đẩy đò vào một chỗ trống ở cuối bến, rồi
bước xuống buộc đò. Một cậu trai chạy đến hỏi:
- Chị có gửi đò không?
- Không em ạ, chị chỉ đậu một lúc, rồi sẽ đi ngay.
Vân lên đò, đến ngồi trước Nghiêm:
- Với em, ngày hôm qua anh là người chết, ngày hôm nay sống
lại… Em bất hạnh không được sống với anh. Em cầu mong ở nơi xa, anh sẽ có một đời
sống yên bình…Nàng vừa nói vừa dúi vào thay Nghiêm một gói giấy.
Nghiêm đẩy gói giấy trở lại, rồi cầm tay Vân một lúc, nước mắt
trào ra:
- Thôi anh đi, để em về, chiều rồi… lại một mình, một con
đò.
Anh lấy tay áo chùi nước mắt, bước xuống. Vân nhìn Nghiêm lảo
đảo bước lên dốc đê và mắt mờ dần. Nàng ngồi thụp xuống khoang, gục đầu vào sạp
đò. Con đò tròng trành theo những cơn sóng đập vào bờ.
Việt Dương