Ông thích lái xe chạy ra khỏi thành phố. Với ông, thành phố
đồng nghĩa với tù hãm. Nếu được ngồi ghế trước trên chiếc xe đò chạy đường xa,
cỡ bự, hơn 60 ghế, để nhìn trời cao đất rộng thì càng tốt. Tha hồ mở mắt. Chứ
loanh quanh mãi tại nhà như con gà ăn quẩn cối xay, chán lắm. Nhiều khi muốn
khùng luôn. Hết ngó cái vườn hoa cũ, lại nhìn ngôi nhà xưa, ngày này đến ngày
khác. Buồn tình ngẩng mặt trông lên, thấy mây cũng “già”. Mây già nua–hình như
một thi sỹ nào nói vậy ông tình cờ nghe loáng thoáng qua một thằng sính thơ. Và
bỗng nhiên nhớ. Thường ông hay quên những chuyện ruồi bu, nhưng thơ thì cố nhớ.
Mà nghĩ cũng đúng, mây bay đã ngàn năm, Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay, hay
lâu hơn, lâu hơn là cái chắc, không già sao được.
Ông thuộc một ít thơ, nhờ cố đọc đi đọc lại cho đến khi thuộc
lòng, loại thơ học ở nhà trường thời Trung Học. Chỉ thế thôi cũng đủ loè người
mới quen. Có khi tò mò đọc thơ bây giờ, chẳng hiểu gì, nói gì đến cảm xúc, hoặc
dùng để tán láo. Đọc vài dòng điên cái đầu. Nghe người ta ca tụng Truyện Kiều,
ông lớn tiếng, Biết Rồi, Nói mãi (Còn có hai chữ Khổ Lắm chen vào giữa nhưng
ông không nói để tỏ ra rằng mình không bắt chước ai cả). Ông phán, Truyện Kiều
đương nhiên là hết sẩy, là đỉnh cao nhất, khỏi phải rườm lời. Thật ra ông chỉ đọc
mấy đoạn được trích dẫn làm bài giảng văn năm lớp Đệ Tứ (lớp 9), rồi lớp Đệ Nhị
(lớp 11). Ông định bụng sẽ đọc hết Truyện Kiều, biết đâu có dịp đem nó ra thi
thố, nhưng nó dài quá. Mấy trăm câu nhỉ? Hay mấy ngàn, mấy vạn? Nên hẹn rày, hẹn
mai, như hẹn những món nợ mà ông nhất định quỵt.
Hôm nay, có việc đi lên miền Bắc, ông ra bến xe đò sớm, để
chiếm chỗ ngồi đằng trước, tha hồ phóng tầm mắt. 8 giờ 30 sáng xe khởi hành, 7
giờ 45 ông đã có mặt. Thế mà khi “hồ hởi” bước lên xe, đã thấy có người ngồi tại
một trong hai chiếc ghế ngay sau ghế của tài xế.
Thấy còn một ghế trống bên cạnh, ông huơ huơ tay ra dấu. Anh
chàng hành khách liếc ngược một cái, mặt khó đăm đăm, uể oải gật đầu, rồi quay
ra phía cửa nhìn dáo dác. Làm bộ tìm ai hả? Gai cái mặt của tui không thèm ngó
hả? Hỗn láo! Hắn khoảng trên dưới 70, cái đầu bù xù thấy ớn, cái cằm lờ vờ mấy
cọng râu. Kỳ quái, tóc nhiều mà râu không rậm. Rồi ông cố nhìn con mắt của nó,
chẳng khác gì người ta hay quan sát mắt ông, rồi bàn ra tán vào. Cặp mắt tên
này bất thường, không tập trung, chỉ muốn điều tiết thật xa, nhìn ông mà có lẽ
không thấy ông. Nó người tầm thước, ăn mặc xuyềnh xoàng, áo quần nhăn khúm. Dường
như có một thứ mùi gì thoang thoảng bốc ra từ nó. Mùi mồ hôi? Không phải. Mùi
nước hoa rẻ tiền? Không phải. Mùi thiếu vệ sinh? Có lẽ đúng phần nào. Đúng hơn,
nói chung là mùi tởm lợm? Ông thường phán đoán ngang ngạnh như thế. Tóm lại,
theo ông, hắn là một thằng khó ưa, mà đáng ghét nhất vẫn là cái đầu bù xù.
Thế ông dễ thương? Đầu hói, mặt lưỡi cày, luôn luôn gờm gờm.
Trước kia, khi còn trẻ, còn nhiều ảo tưởng, chủ quan, thơ ngây, nghĩ mình cũng
không đến nỗi. Bảo là khá dễ thương cũng không sai mấy, và cũng có thể gọi là đẹp
trai nếu được nhìn từ xa hay trong bóng tối. Bây giờ ông tự biết khó ai ưa
mình. Mặt mày luôn luôn nhăn nhó, cau có. Cặp mắt thì nói lên rất nhiều. Có khi
vô tình soi vào gương, thấy nó đầy nét nghi ngờ, xoi bói, hống hách, sẵn sàng
gây hấn bất cứ ai. Nham hiểm nữa. Đã thế, một nét đặc trưng ít người theo kịp,
vâng, nó pha chút giễu cợt, hoạt kê nửa mùa của một thằng hề lỡ bộ, ấm ớ, chẳng
ra môn, chẳng ra khoai. Dễ thương thế quái nào được.
Biết thế, những khi muốn lấy lòng ai, ông cố gắng nặn ra một
cái nhìn thật hiền từ. Ông biết cái nhìn chưa đủ sức thuyết phục, nó còn phải
được hỗ trợ bởi “những bắp thịt mặt” thật thư dãn, mềm mại, tiếng nói thật êm
ái, du dương, cử chỉ thật dịu dàng, quyến luyến. Và ông thành công. Ngắn thôi.
Nghĩa là người đối thoại với ông cũng cảm thấy vui lòng trong giây lát khi mới
gặp nhau. Sau một khoảnh khắc ngắn, đâu hoàn đấy, ông không thể che giấu mãi
chân tướng. Người ta lại “né” ông.
Ông cũng thích châm chọc, đố kỵ, và tìm cách hạ thấp giá trị
của đối phương, thậm chí hạ nhục người nào tài giỏi hơn ông. Khoái trá khi làm
tổn thương kẻ khác, dù lạ hay quen. Nhưng đối với những ai thua kém, ông tìm
cách ve vãn, dụ dỗ, ngọt ngào, ban ơn. Lại có cái tật khoe khoang, phách lối,
nhận vơ thành công của kẻ khác. Như một hệ luận, khi thất bại, tìm cách chống
chế, thậm chí vu cáo. Nhưng lại bộp chộp, hớ hênh, trở mặt, bội bạc, nóng nảy,
ưa mắng nhiếc. Chà, lắm chuyện quá. Nhưng chưa hết. Nổi tiếng nhất, đúng hơn
tai tiếng nhất, đấy là nói dối liên miên, xoen xoét, xoèn xoẹt, “dối người, dối
mình, giả nhân, giả nghĩa” không chút ngượng ngùng, áy náy. Không biết, hay
không cần biết phải trái, tốt xấu, đúng sai, chỉ hành động theo cảm tính.
Có khi ông chột dạ, hoạ hoằn lắm, tự hỏi những nhận xét đó của
“tha nhân” e có đúng phần nào chăng. Nhưng sao là đúng, sao là sai, giới hạn của
hai thứ đó rất mù mờ. Đúng sai lộn tùng phèo. Cho nên ông thường nhắc cái gọi
là danh ngôn mà ông hiểu lờ mờ. Đúng nơi này, sai nơi khác; Đúng hôm nay, sai
ngày mai. Lại nữa, cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nói cách khác, tính của ông
là tính trời.
Nhớ hồi bé, và cả hồi niên thiếu, ông rụt rè, thẹn thùng,
ngoan ngoãn, rất dễ thương. Rồi ông thay đổi tính tình một cách quái lạ và bí ẩn.
180 độ. Cái thay đổi đó xẩy ra vào lúc nào nhỉ? Khi vào đại học chăng, đấy là
khi bỗng dưng ngưỡng mộ một thằng mới quen biết. Nó hào hùng, vênh váo, ẩu tả,
coi trời bằng vung. Nhìn lại mình, thấy mình thiếu “đàn ông tính“. Ông bắt chước
nó. Dần dần phát triển khác, tự chuyển biến. Hay là khi cái “con nhỏ khốn nạn”đó
mà ông hết lòng yêu dấu bỗng trở chứng coi thường mình, lạnh nhạt với mình, bỏ
đi theo một thằng bạn còn khốn nạn hơn, để lại một mình mình với vết thương
không bao giờ thành sẹo? Hay là khi lớn lên tự nhiên mình thay đổi tính tình,
như có loại cỏ cây đến thời kỳ thì trổ vỏ, trổ gai, như có loại cầm thú đến thời
thì kỳ mọc nanh, mọc vuốt. Mấy lần ông thử lắng lòng dò tìm nguyên do cái thay
đổi quái lạ bí ẩn đó, mà không tìm thấy. Câu hỏi vẫn còn nguyên. Ông tâm đắc
câu thành ngữ tiếng Anh: The question remains. Nó biến thành người bạn đồng
hành của ông.
Có thể kể thêm, kể không hết đâu, ông thích ăn miếng trả miếng.
Ăn một trả hai. Vậy lỗ vốn sao? Còn khuya! Nó cắn ta đau một, ta phải cắn nó
đau hai. Hoặc nó dộng ta một cái, ta dộng nó hai cái. Đó là phương châm hành động
của ông. Nghĩa là ông thích đốp chát liền một khi, không chút chần chừ. Và thù
dai. Và không quên trả thù.
Ừ, thằng bù xù này hỗn láo. Mình chắc chắn lớn hơn tuổi nó,
đàn anh của nó, sao nó không biết kính trọng, dám ngoảnh mặt làm lơ? Muốn “sinh
sự”? Ta “sự sinh”. Hắn gốc người nước nào nhỉ? Phi, Mễ hay Ba Tây? Cũng có thể
Việt Nam, Lào, Thái hay Tàu? Nhưng “số đông áp đảo” trên loại xe đò Hoàng này,
khác với loại xe đò Grey Hound ông thỉnh thoảng đi, là người Việt, hay đúng
hơn, người Mỹ gốc Việt. Cũng có khá nhiều người Việt mới qua chưa có quốc tịch
Mỹ. Chắc thằng đầu xù này cùng quê cũ với mình, cũng con Rồng cháu Tiên, cũng
thích cắn xé nhau, rồi mỗi người đi một ngả. Đoàn kết là chết hết, chia rẽ là sống
lẻ tẻ, câu nói thường nói hồi vượt biển nghe ra cũng không sai. Tổ tiên ta đã
thế, ta nối chí thôi. Ăn thua đủ. Cãi cọ đến cùng. Không chừng nhờ thế mà cuộc
sống vốn làng nhàng có thêm chút ý vị, khác gì trách cá kho ngon hơn nhờ trái ớt
phá phách cay xé miệng. Không lẽ đây lên đó suốt 7 tiếng câm miệng hến? Đường
xa cãi nhau, thời gian qua mau. Miễn là đừng để sự cố thoát ra khỏi tầm tay trở
nên trầm trọng như vẫn thường xẩy ra từ trước đến giờ. Ông nghĩ tới những trận
cãi cọ, xô xát, đập lộn trong đời mình. U đầu, sứt trán, nguy hiểm. Vài lần vào
tù. Vâng, ông đi từ Orange County lên San Jose.
Nhớ lần sắp xa quê hương không có ngày về, ông đáp chuyến xe
lửa từ Nha Trang vô Sài Gòn mất đến 12 tiếng đồng hồ, lâu hơn chuyến này đến 5
tiếng. Đối với lần đi đặc biệt đó, ông hạ quyết tâm làm một việc trái với thói
quen của mình. Thay vì đi lân la đấu láo, cà khịa, ông quyết để dành trọn vẹn
thời gian hiếm hoi ngồi yên một chỗ ghi lại những gì đáng nhớ của quê hương. Ôi
quê hương thân yêu nay đành bỏ nó mà đi! Câu nói thấm đẫm tình tự ấy làm dậy
lên lòng yêu nước trong ta, cho nên ta phải ghi nhớ lại thật kỹ, trong lòng,
trong bụng, trong tim, trong đầu, những gì ta sợ quên, hay những gì ta cho là
quan trọng. Nếu cần, lấy sổ tay ra ghi. Để làm gì vậy? Để nhớ. Nhưng nhớ để làm
gì? Để khỏi quên. Lại lẩn thẩn, lòng vòng. Hay là để kể lại cho vài thằng bạn
cho chúng nó nghe, và mong chúng thấu rõ nỗi lòng ta. Tránh hiểu lầm hả? Cần
quái gì. Nhưng phải kể.
Ông chỉ có vài ba thằng bạn, không thân, và ông cũng thừa biết
rằng những gì ông cho là quan trọng, là đáng nhớ, thì mấy thằng khốn nạn đó sẽ
làm bộ đón nghe và tỏ vẻ quan tâm một cách vờ vĩnh. Chúng sẽ nghe lỗ tai này
qua lỗ tai kia. Ông phải “kiểm chứng” lại. Mười lần như một, chúng chả nhớ, chả
biết ông nói gì. Thế là ông nổi cáu, kiếm chuyện, cãi cọ, xỉ vả. Vậy cố gắng lắng
lòng nhớ chuyến đi để làm gì vậy? Ghi chép cái gì, và để làm gì? Những câu hỏi
đó không có câu trả lời. Và còn có quá nhiều câu hỏi khác nữa. Ông sính tiếng
Anh. Những câu ngắn gọn, dễ nhớ, không sợ hiểu sai, là ông tìm dịp xổ ra cho ra
vẻ ta đây là bậc thâm ... không lẽ bậc thâm Anh như người xưa vẫn nói bậc thâm
Nho. Vậy mà cũng có khi trật, bị chúng nó bêu riếu. Nay ông băn khoăn tự hỏi liệu
câu cụt ngủn trên có thể kéo dài thêm đôi chút cho thích hợp với sự kiện mình
có lắm câu hỏi mà không có câu trả lời. Vâng, liệu có thể nói, Lots of questions
remain?
Bỗng từ bên kia bàn, một anh chàng đầu bù xù, lại cái đầu bù
xù thấy muốn lộn ruột, muốn vày một cái cho nó long tóc gáy, nó ngồi cùng vợ, bỗng
chồm người tới, ân cần hỏi han:
“Anh ơi, tôi gọi anh là anh được chớ. Anh có điều gì lo nghĩ?”
Ông hơi thảng thốt:
“Ủa, tại sao anh nói vậy?”
Vợ hắn ngồi cạnh nhanh nhẩu tranh lời:
“Anh ơi, thấy cái điệu bộ của anh, em đoán ra ngay. Chau
mày, lắc đầu, thở dài. Trông ... trông tội nghiệp quá.”
Ông quắc mắt, lầm bầm trong cổ họng:
“Đồ dư hơi.”
Cặp vợ chồng có vẻ không hiểu, lúng túng. Người chồng ngần
ngại hỏi:
“Anh nói cái gì vậy anh? Tui nghe không được rõ.”
“Tui nói rõ anh nghe đây. Anh dư hơi hả. Và chị kia nữa.”
Anh chồng khựng lại, ngả người lui, mím miệng. Chị vợ hơi
tái mặt, tay đè lên ngực, hỏi nhỏ nhẹ:
“Em ... tôi vẫn chưa ... Nhưng dư hơi? Sao lại dư hơi, thưa
anh?”
Ông đưa hai tay lên trời, lắc đầu, tỏ vẻ vô cùng thất vọng:
“Dư ... dư hơi mà không hiểu sao. Chỉ có lũ dư hơi như, như
... thì mới ưa chỏ mũi vào chuyện của người khác.”
Anh chồng không nén giận nổi, đập bàn, nói như hét:
“Ô hay cái thằng cha này!”
Chị vợ níu tay chồng, nói lắp bắp:
“Thôi anh, thôi anh.”
Ông nhún vai, mắt giễu cợt:
“Thằng con của tui lại muốn sửng cồ?”
“Nè! Coi chừng.” Hắn trợn mắt, gằn giọng. “Con? Con cái gì?
Sao lại con?”
Ông làm bộ ngạc nhiên:
“Sao chậm hiểu thế! Có cái thằng cha này thì phải có cái thằng
con kia.”
Thế là anh chồng gầm lên một tiếng chồm tới, người vợ hai
tay ôm chặt lấy chồng, mếu máo. Mấy người ngồi gần đó đều đứng dậy. Ông tỉnh bơ
cười mỉa. Anh chồng phân bua với mọi người. Lời qua tiếng lại. Anh chồng dần dần
bớt lời,chị vợ ngồi im thin thít, nhưng ông vẫn lè nhè, lảm nhảm theo thói
quen. Đúng ra ông độc thoại, miệng nói tai nghe, tai gần miệng, chứ chẳng chịu
nghe đối phương. Nếu có nghe là bất chợt nghểnh mặt nghe tiếng gió hú từng hồi
ngoài kia, hú to gấp ngàn lần tiếng heo bị chọc tiết, và tiếng bánh sắt lăn
trên đường sắt. Xà và nà khẹt, xà và nà khẹt, a, tên một thành phố Lào. Ông bật
cười thành tiếng, nhớ Trần Văn Trạch chu mồm trước mi-crô thổi thổi, nói nói, bắt
chước tiếng xe lửa. Cái hình ảnh tưởng như chìm khuất đâu mất trong quá khứ xa
lắc bỗng dưng hiện lên. Ông không nín được cười, và nghe rõ tiếng cười lạc lõng
của mình. Hoặc có khi đang tranh luận gay go, bỗng đùng một cái, ông nhắc tới tỷ
số chung cuộc của trận đá banh giữa hai đội tranh giải vô địch. Trong lúc mọi
người thắc mắc chẳng biết ông định giở cái trò gì, ông liền trở lại cuộc tranh
luận đang dở dang.
Thì bây giờ vấn đề vẫn còn đó, cái đầu bù xù vẫn lù lù trước
mặt. Ô, nghĩa là trận chiến vẫn còn tiếp diễn -Câu nói ông nhớ nằm lòng lúc ông
đi tù cải tạo. Vậy là ta lại tiếp tục nói thôi.
Thời gian cứ thế trôi qua, trôi qua. Có lẽ đã nửa khuya rồi.
Bỗng ông lên giọng lè nhè như người say rượu:
“Tôi nói là tôi nói chung, chẳng mắc mớ ai cả. Chuyện đời
mà. Chuyện trên trời dưới đất mà. Trời kêu ai nấy dạ. Có những đứa con hiếu thảo,
lễ nghĩa, thì cũng có những đứa con trời đánh thánh vật, coi cha mẹ như ngang
hàng, muốn mắng là mắng, muốn nhiếc là ...”
Anh chồng chịu không thấu, vùng đứng dậy co chân đạp mạnh
cái bàn về phía ông. Chị vợ hốt hoảng níu cái bàn lại mà không nổi, liền chạy tới
chỗ để hành lý, xách va-li, và ráng sức kéo chồng đi qua toa khác.
Còn lại một mình nhìn cái mặt bàn nằm nghiêng ngửa, ông cười
khoái trá. Thế là tụi nó co vòi cả rồi, đáng đời. Mình lại thắng trận vẻ vang
như mọi khi. Ông cười to. Tiếng cười lại hòa lẫn trong tiếng gió hú, tiếng còi
tàu chốc chốc, tiếng bánh sắt quay nhanh, và kêu rầm rầm mỗi khi tàu chạy qua cầu.
Toa xe thì lắc lư như con đồng đang lên, hành khách thì đã từ lâu ngủ khò, ngáy
khì. Có người mớ ú ớ. Những thứ hỗn độn và rất quen thuộc đó trên toa xe lửa bỗng
nhắc nhở ông mục đích của chuyến đi này. Ôi, chuyến xe lửa cuối cùng trên quê
hương thân yêu. Lòng ái quốc, khi vừa bước lên tàu, đã có dịp trỗi dậy. Hãy lắng
nghe, lắng nghe. Thế mà ... Ôi cái tụi khốn nạn! Bọn chó má đã làm tiêu hao hết
thì giờ thiêng liêng của mình! Ông càng nén giận xuống, cơn giận càng dâng lên.
Nó như than hồng dưới lớp tro mỏng, lâu lâu bùng lên thành ngọn lửa. Thành tiếng
gầm gừ nơi cửa miệng của ông. Tụi mắc dịch hiện nằm ngủ như chết tại toa nào nhỉ?
Mình có nên tìm đến ăn thua đủ? Ông cảm thấy mệt rã rời, và ngủ thiếp lúc nào
không hay, hai cánh tay vòng trên mặt bàn nghiêng, đầu ngoẹo kê vào một cánh
tay, miệng há hốc.
Tiếng chân bước vội vàng, xao xác, khua động; tiếng người
kêu ơi ới,loáng thoáng lúc gần lúc xa; tiếng la hét nghèn nghẹn như có ai bị siết
cổ; tiếng gầm gừ động cơ xục xà, xục xịch -những thứ tiếng hỗn tạp đó vang vang
trong cái đầu đờ đẫn của ông. Mệt lả. Muốn nghẹt thở. Vùng vẫy mãi không thoát
nổi bóng đè. Bỗng như mũi tên bật tung ra khỏi dây cung, ông giật bắn choàng
người tỉnh giấc, đầu ngóc lên khỏi mặt bàn. Mắt mở ra được. Ngọn đèn ma quái
trên trần toa xe nhểu ra chút ánh sáng tù mù vàng khè. Mồ hôi tươm ướt cả mái
tóc, ướt cả thân áo. Ông ráng ngồi thẳng người lại, mắt thao láo nhìn quanh ngơ
ngác. Xe lửa đã đến ga Sài Gòn.
(Còn tiếp một kỳ)
Ngự
Thuyết