28 November 2019

CHUYẾN XE ĐÒ (Tiếp theo và hết) - Ngự Thuyết



Nhiều năm tháng đã trôi qua, biết bao chìm nổi đã xẩy đến với đời ông. Tóc ông chen hai thứ, muối nhiều hơn tiêu, mặt mày nhàu nát, đôi mắt mệt mỏi, đi đứng lụm cụm, thế nhưng bọn người xấu miệng vẫn bảo ông chẳng khác gì củ gừng, càng già càng cay.

Nay lên chiếc xe đò lại gặp một tên đầu bù xù. Cái đầu bù xù thấy muốn lộn ruột. May là chỉ có một mình nó ngồi lù lù một đống như con khỉ đột. Bị vợ bỏ chăng? Bỗng cô bán vé bước nhanh lên xe hất hàm hỏi ông:

“Chú đi đâu?”

“San Jose.”

Cô ta không nói gì thêm, lại nhảy lẹ xuống xe. Tên hành khách bỗng quay nhìn kỹ vào mặt ông, rồi vồn vã, liến thoắng:

“Vậy mà tui cứ tưởng anh là Tàu khựa. Coi cái mặt anh kìa. Nó ... nó khó nói quá. Chắc chắc anh lớn tuổi hơn tui. Hơn ba bốn tuổi hả? Không chừng tui phải kêu anh là chú. Nhất tuế như huynh, tam tuế như thúc. Mà anh có biết chữ Nho không? Có biết lễ nghĩa Thánh hiền không? Còn tui, tui biết lễ nghĩa, bao giờ cũng kính trọng người lớn tuổi hơn. Như anhchẳng hạn ...”

Ông bực mình chận lại:

“Anh nói nhiều quá ...”

Người kia ngắt lời ngay:

“Dạ, dạ, anh nói không sai. Anh cũng giống như nhiều người khác cứ biểu tui nói nhiều. Nhưng có miệng để ăn để nói thì khi không ăn miệng rảnh nói. Có sao đâu. Mà anh tuổi con gì? Con trâu phải không? Phải biết tuổi mới dễ kêu. Tui kêu anh là kêu đại, chẳng biết trúng trật, xin anh tha lỗi. Tui con rồng, tuổi thìn. Thiệt ra đầu năm con rắn nhưng tui thích rồng hơn. Anh trâu hay chuột. Chắc anh hơn tui bốn năm tuổi, lẽ ra tui phải kêu anh là chú. Nhất tuế như…“

Ông quát:

“Thôi!Thôi!“

“Cho tui nói tiếp vì tui chưa nói hết. Tui nói tới đâu quên mẹ nó rồi? À, à, hồi nãy tưởng anh là Tàu khựa, nói dơ miệng. Mà anh phải biết Tàu khựa là cái gì đã. Nó không giống Tàu thường. Tàu không khựa dễ thương vô cùng. Tui quen con nhỏ dễ thương lắm. Quen chay thôi, chớ không có gì khác. Nó là người ...”

Ông lắc đầu thở dài:

“Nhức cả đầu cả óc.”

“Ô, ô, chết chưa. Đàn em có ve dầu gió trị bá bịnh mà không phải là dầu Nhị Thiên Đường ba Tàu ngày xưa đâu.” Lúi húi tìm ve dầu trong túi xách tay để ngay dưới chân. Mở nắp, đưa ông. “Trong uống ngoài xoa tức thì hiệu nghiệm. Xoa trước uống sau cũng được. Nói là uống chớ thiệt ra chỉ cần chấm mút một cái là đủ. Uống nhiều lủng bụng. Hay để tui xoa cho. Xoa 3 chỗ, mũi, cổ, màng tang.” 

Anh ta nhón người đứng dậy định thoa dầu cho ông. Ông la lớn:

“Không được đụng vào người tôi!”

“Dạ, dạ, không xoa vô người. Tui chỉ xoa trên cổ, mũi, và màng tang. Nếu cần xoa thêm cái ót. Chắc chắn không xoa vô người, không xoa vô lỗ rún. Đau bụng, hoặc ăn không tiêu, mới xoa dầu vô lỗ rún.” 

Ông trợn mắt:

“Anh cất chai dầu đi ngay!”

“Dạ, dạ, tui cất ngay. Mà anh hết đau chưa? Đau gì như giả đò vậy. Ô mà anh đi đâu? Xe này chạy Cao Lãnh phải không. Tui đi Sa Đéc. Tới Cao Lãnh lại phải đón xe khác đi thêm. Phiền quá phải không anh.”

Hành khách đã lên đầy xe từ lúc nào. Cô hồi nãy lại bước nhanh lên cắt ngang cuộc nói chuyện giữa hai người, hỏi to:

“Hai chú ăn bánh mì hay xôi.”

Ông trả lời bánh mì. Anh ta vui vẻ nói, Đúng ra tui ăn chay, ăn chay suốt cả tháng chín này, nhưng anh ăn bánh mì thì tui cũng ăn bánh mì. Tui nịnh anh mà, anh đừng kiêu ngạo tui nghe. Nói như vậy là trật phải không anh. Cũng cứ nói. Có sao đâu. Tui thấy cái mặt của anh coi bộ tài ba ghê gớm lắm, anh tha thứ cho những cái trật lất của tui. Nghe anh, nghe anh.”

Tài xế là người cuối cùng bước lên xe. Anh ta nói một câu tiếng Anh chào mừng hành khách, dặn dò giờ đến, nơi đến, không chút vấp váp, rồi tự dịch ra tiếng Việt. Hình như chẳng ai để ý nghe. Xe từ từ lăn bánh.

“Hay quá, xe chạy sớm. Mà mấy giờ rồi, tui không có đồng hồ. Thiệt ra tui gốc Tân Uyên chớ không phải Sa Đéc. Hồi nhỏ lần đầu được đi Sài Gòn ban đêm thấy đèn điện tui sợ quá, đòi về nhà ngay. Bị ba tui cho một cù loi. Tân Uyên thuộc Biên Hoà chắc anh biết. Coi tướng mặt là tui biết anh biết. Mà qua bên này mới thấy lạ lùng thiệt, lạ hơn Sài Gòn nhiều. Ai đời các cô gái dễ thương, các đàn bà dễ thương, và bà già nữa cũng bắt chước bé gái con nít con nhà giàu người mình mặc áo đầm, tóc bung bê, chạy cà tưng cà tửng. Học xong tiểu học ba tui dọn nhà lên Tây Ninh ở. Gần Tòa Thánh. Nhờ vậy lớn lên tui lấy vợ Tây Ninh. Vợ tui dễ thương lắm, hiền như cục đất. Ở Tây Ninh gọi Toà Thánh là Tòa Thánh, các nơi khác kêu Thánh Thất. Thánh Thất nhỏ hơn, có cái nhỏ như cái nhà tui ở …”

Ông buột miệng hỏi:

“Anh theo đạo Cao Đài?”

“Đạo nào tui cũng theo. Đạo Phật, Đạo Chúa, Đạo Cao Đài, Đạo Hoà Hảo, Đạo Nho, tui đều theo. Người ta theo đạo nào cũng đều kêu tui là đạo hữu. Hữu là có. Tui có đạo, chớ không phải vô thần. Anh đạo gì?”

Ông cươì khẩy, gằn giọng:

“Chữ hữu có nghĩa là bạn.”

“Vậy là anh bù trớt chữ Nho. Hữu là có, vô là không, ai cũng biết, chỉ có anh là không biết. Không biết thì phải nghe lời người biết mới giỏi thêm. Tui có học chữ Nho dượng Ba dạy hồi nhỏ trong xóm, tay cầm bút lông thỏ xe tròn và nhọn hoắc xỉa thẳng vô quyển ngoáy ngoáy. Dượng rung đùi nói: Ai về học lấy chữ Nhu, Nhu tức là Nho, Chín trăng em đợi ba thu em chờ. Vậy mà em tui, tức là vợ tui chớ không phải em gái tui, nói theo Cải Lương mà, chờ tui lâu gấp đôi, tới sáu thu, bảy thu lận.” Mắt muốn rưng rưng. “Tui tù cải tạo ở Sa Đéc tưởng mút mùa. Em thăm nuôi, bới xách, khổ em lắm em ơi. Nay đỡ đỡ thì đứa con ...” Anh nghẹn lời, không nói tiếp được.

Ông ngẫm nghĩ, Thằng cha này điên chẳng ra điên, khùng chẳng ra khùng. Nói năng ngang như cua. Mình không thể nào giở lý lẽ ra. Đành phải ngồi chịu trận hay sao đây. Được cái nó điên hiền. Ông thấy vui vui hỏi:

“Hồi nãy anh nói đi Sa đéc. Sao lại đi Sa Đéc? Xe này đi San Jose đấy nhé.”

“Đi San Jose? Không phải đi Sa Đéc? Chết cha. Ô, không sao. Tui ở Tây Ninh chớ đâu phải Sa Đéc. Sau cũng có về Sa Đéc tìm vợ con. Cách 3 cây số tới núi Bà Đen. Ở trong Trại Đường. Thiệt ra tới Trại Đường bữa trưa thôi chờ ăn. Bữa trưa thôi. Hướng Đạo Sinh họ học ở đó, chơi ở đó, được ăn trưa, ăn cơm, ăn đồ ăn, uống nước chế từ trong bình đàng hoàng, no nê, đi đái đi ỉa. Bà già làm bếp dễ thương lắm, bà rất già, rất cũ. Lúc nào còn dư cơm bả vét cho tui ăn với nước tương xé chút ớt. Hết cơm thì nhịn đói, nhưng tới chiều cũng phải tới bả kiếm cơm cháy mà ăn. Bả để dành cơm cháy. Không ăn đi bộ về nhà sao nổi. Mà cái bà cũ đó có bà con gì với tui đâu. Tui ở đó buổi trưa để đi học. Và chờ ăn.”

“Bà đó tên Cũ?” 

“Ai nói với anh như vậy? Cũ nghĩa là già. Tui có biết tiếng Anh đôi chút, chớ không phải chỉ chữ Nho. Tui ở Quy Thiện cách 20 cây số. Về sau người ta có làm cái sân bay ở Quy Thiện. Có lần tui được ba tui dẫn đi lên núi Bà Đen thăm anh hai tui. Ảnh là lính của tướng Trình Minh Thế đóng quân trên núi Bà Đen. Trong núi ảnh chui ra, ông già và tui chờ trong quán hủ tíu. Thím bán quán dễ thương lắm. Ba tui biểu, Nhỏ tới đây húp một miếng. Nhỏ là tui đó. Ở nhà ba tui kêu con ra đường kêu nhỏ. Ảnh được ăn nguyên một tô, xít xa ngon. Thăm xong ảnh vô núi đi đường khác. Tui hỏi sao vậy? Ảnh nói về đường cũ Việt Minh nó biết khi mình ra thì khi mình vô nó rình chặt cổ. Vậy mà về sau ảnh cũng bị chặt cổ như thường. Ba tui không bao giờ khóc mà cũng khóc. Hồi đó tui nghĩ ba tui không biết khóc, hai tay che lấy mặt, không nghe tiếng khóc mà chỉ thấy nước mắt ứa ra từ những kẽ ngón tay. Thiệt thiệt lạ lùng. Tui khóc theo, khóc ré. Mà anh có biết tướng Trình Minh Thế không?”

Ông bỗng dưng muốn tham gia vào câu chuyện, vui vẻ trả lời:

“Biết, tôi có nghe tiếng ông tướng đó. Ông ta theo ông Diệm đánh Bình Xuyên, bị bắn chết tại cầu gì gì đó ở Sài Gòn. Ai bắn, ai giết, anh biết không?”

“Cái đó tui nói thiệt tui không biết. Cái số nó thế, không ma giết thì quỷ giết, chạy sao nổi. Đức Hộ Pháp đã nói mà ổng không chịu nghe, ổng không chịu chờ. Ra sớm quá là trật. Thì mới bỏ núi mà đi có hai ba tháng rồi chết thảm... Anh ơi, vợ tui hiền như cục đất. Tui đánh nhẹ một cái, bả la lên, tui nói tui đánh nựng mà, bả nói già dịch. Chớ có phải đánh thiệt đâu. Mình đánh vợ thì nhục nhã là về phần mình, phải không anh. Tui đã nghĩ như vậy từ lâu chớ không phải chờ đến khi ... Tụi nó khác, bọn đánh vợ thiệt, bị bắt đi học. Chớ tui không phải vậy.”

“Đi học cái gì vậy?”

“Thì đi học vì đánh vợ. Cô giáo dễ thương lắm. Cô nói nghe lọt lỗ tai lắm. Nhục nhã, nhục nhã ... Không, không ... anh không được chận họng tui, để tui nói tiếp. Trường học đi trên đường Tully qua khỏi cầu quẹo trái một cái là tới. Đóng 25 đô một buổi học Thứ Năm mỗi tuần từ năm giờ rưởi tới sáu giờ rưởi chiều. Được cho uống đầy đủ nhưng ăn thì chán bỏ mẹ. Chỉ có bánh khô, kẹo cứng, ăn no sao được. Sau buổi học lại phải đi quất một tô gì gì. Nè vợ tui nhét thêm tiền vô ví tui nè để đói bụng ăn thêm. Học 16 tuần. Tui, tui không phải như tụi nó, học dưới 16 tuần thôi. Mà học hơn mười tuần rồi... Nè, nè, để tui nói tiếp. Cấm tui nói, tui khổ lắm. Vợ tui hiền như cục đất. Bả nói với người ta ổng nựng tui mà. Đồ mắc dịch. Không phải, đồ già dịch.” Nước mắt bỗng lưng tròng. “Nhưng tui cũng cứ phải đi học. Bả đi theo năn nỉ mãi không được. Tuần này là tuần thứ mười một. Còn bốn năm tuần nữa thôi, rồi tui sẽ tới ở với con lâu hơn.” 

Giọng nói của hắn thỉnh thoảng chen tiếng khóc, mỗi lúc một thảm thiết. Ông bực mình xẵng giọng:

“Tôi không nghe anh nói nữa.”

“Tui xin anh nghe. Lạy anh, cho tui nói. Anh không chịu nghe thì tui không biết nói cái gì. Tui nói tui xả hơi. Hay là anh muốn tui gọi bằng chú? Anh hơn tui mấy tuổi? Đáng lý ra tui phải kêu anh bằng chú. Mà tui kêu là anh cho nó thân thiết, gần gũi. Tui ở tù tại Sa Đéc là vì bả. Trước đó tui đóng quân ở đâu bả đi theo tới đó. Đeo dính như con đỉa hút máu. Lo cơm lo nước, giặt giủ, và ngủ với nhau. 

Ở Sa Đéc chưa được một năm, tui phải đổi gấp ra Phú Quốc vào cái thời gian bọn người mình sắp sửa đứt bóng. Hơn sáu ngàn đồng bào miền Trung được chở ra Phú Quốc tỵ nạn. Đói khát đã đành, nhưng không có nước tắm. Tui thì dĩ nhiên có đủ. Thấy có mấy đứa con gái người Huế, người Quảng Trị nói líu lo như chim kêu dễ thương quá mà tui có hiểu gì đâu, mà áo quần rách rưới và hôi hám, tui nhường nước tắm của tui. Trưa nào, giờ nghỉ trưa, cũng cho mấy nhỏ vô phòng làm việc của tui, đóng hết cửa lại, nhất là cửa sổ, và tắm trong cái thau nhựa bự như người ta rửa rau, rửa trái cây, trái xoài, trái bưởi. Tháng tư mà, trời nóng muốn chết, thấy tụi nó tắm xì xà xì xụp mà thèm.”

Ông ngắt lời:

“Thế con trai, đàn ông không tắm sao?”

“Con trai, đàn ông không cần. Cứ việc ở trần, mặc xà lỏn, lấy khăn nhúng chút nước lau mồ hôi là ngon rồi.”

“Hết nước tắm, tui đành phải thức khuya, nửa đêm mặc nguyên áo quần lính lội ra biển tắm nước mặn, xong lên nằm bãi cát nửa tiếng khô queo. 

Rồi có lệnh tàu bỏ Phú Quốc ra khơi đem theo hơn sáu ngàn người. Tui đi theo thì được ngay. Tụi nó, dễ thương quá, rủ tui đi. Nhưng để bả lại một mình ở Sa Đéc sao được. Quay về với bả, thì vô tù. Bả hiền như cục đất, thăm nuôi bảy tám năm. Tui ra tù, bả sinh đứa con gái. Đứa con độc nhất của tụi tui. Dễ thương lắm.” 

Khóc thành tiếng.

Ông nhìn ngơ ngác, hiểu lờ mờ. Anh ta buồn rầu nói tiếp:

“Rồi tui, vợ, và con, gia đình quấn quýt ba người, vượt biên mấy lần đều bể. Sau đó, Trời Phật ngó lại, tụi tui đi Mỹ theo diện máy bay. Qua đây, bả đi nấu ăn mướn, tui gác dan, nó đi học. Rồi ... rồi ... nó chết ...” 

Anh ngừng kể nén tiếng khóc chực bung ra. Người anh rung lên như con chó lạc chủ đứng một mình ngoài mưa ướt ngó quanh. Ông nghĩ rằng câu chuyện đến đây là hết. Nhưng không. Sau cơn xúc động, anh thì thầm kể tiếp:

“Tui không đánh bả mà hàng xóm cứ đổ hô. Bả đi theo năn nỉ không xong.Tui cưng nó. Hành lý mang theo không có bao nhiêu mà tui cũng đem theo đôi giày cũ rách của nó nhỏ bằng hai ngón tay này này. Để làm kỷ niệm. Con búp bê gãy một chân. Và đặc biệt là trái banh te-nít. Bàn tay nó nhỏ xíutui phải bứt trái banh trụi nỉ trụi lông cho vừa tay nó đánh thẻ. Mà nó kêu cũng còn to. Làm sao nhỏ như trái banh bông, nhưng trái banh bông quá nhẹ, vồng ẩu, gió bay. Chừng đó thôi. Phi trường đi, phi trường đến xét thấy hỏi lung tung tui không biết trả lời làm sao. Nay nó lại đi, để mấy thứ đó lại làm gì, tui chôn theo.” 

Lại khóc nghèn nghẹn. 

“Nó sốt dữ lúc nửa khuya. Mà vì tui hay vì bả cho uống thuốc ẩu? Có trời biết. Tui điên lên, đập phá lung tung. Tui muốn chết theo nó cho xong cuộc đời này. Rồi tui nghĩ tui chết bả sống một mình với ai. Như cái hồi tui tính nhảy lên tàu ở Phú Quốc. Vậy tui theo nó hay theo bả? Tui không thể trả lời câu hỏi đó. Tui tìm dì Ba. Dượng đã chết rồi, có dượng thì chắc ăn hơn. Dì biểu cháu đừng có điên. Người sống phải theo người sống chớ. 

Không có nó, cái phòng vắng teo, rộng rinh, buồn thiu. Buồn muốn chết. Hai vợ chồng cãi lộn hết ngày qua đêm. Bả hết hiền rồi hả? Không phải vậy, bả cũng còn hiền như ... như cục đất, nhưng ưa khịa mà thôi. Hồi đó tui ở dưới này, tức là Santa Ana, chôn nó ở đó. Buồn quá trở lại Sa Đéc sống được với bả chưa tới một tuần lễ... Ô lộn. Dọn nhà lên San Jose mà nhớ nó quá phải về thăm hoài. Lần này cũng về từ hôm Thứ Hai, hôm nay Thứ Năm đi học một mình, bả không đi theo tui, bả bận theo nó, ở lại thuê người xây lại mộ. Chủ Nhựt bả mới lên với tui.

Anh ơi, tui phải chịu khó học thêm năm sáu tuần cho hết khóa rồi tìm cách dọn nhà về Santa Ana ở luôn với nó. Bả cũng đồng ý, theo tui. Tui đi đâu bả theo đó, suốt nhiều nơi chỗ tui đóng quân. Dù nhỏ bây giờ không còn. Anh thấy chưa, tui nhớ ba tui, tui kêu con gái tui là nhỏ khi tui nói chuyện với anh, tức là với người ngoài.

Bây giờ tui nhớ nhớ quên quên, đầu óc lộn lạo, chớ trước kia đâu đến nỗi. Tui nói thiệt đó mà chú có tin không? Ô, chú ngủ gục hả? Kệ chú, chú giả đò ngủ tui cũng cứ nói cho biết mặt.”

Ông ngủ chập chờn. Giật mình tỉnh dậy tai lại vẫn tiếp tục nghe tiếng kể chuyện đều đều thỉnh thoảng chen tiếng khóc nghèn nghẹn. Nó kéo dài lê thê như những trận mưa dầm nơi quê cũ thời thơ dại, khơi dậy một vài kỷ niệm êm đềm tưởng đã rơi vào quên lãng. 

Dường như mình không mấy khó chịu vì tên đồng hành ba hoa trên chuyến xe đò này. Bỗng chốc thay đổi tính tình? Vô lý. Hay là vì nỗi bất hạnh to lớn của hắn đã đánh mình gục ngã? Hay là vì cái tâm hồn đơn sơ, mộc mạc của một thằng điên, điên không biết gian dối, đã như một thau nước lạnh đổ lên cái đầu rối rắm này. Xưa nay mình chịu thua ai đâu, lại ghét đàn bà, không ưa đàn ông. Tại sao? Có lẽ câu trả lời đang hiện lên. Tại vì cái “con nhỏ khốn nạn” đó chăng, hay đấy là lý do chính trong những lý do khác? Để quên, thì rượu và rượu. Để trả thù, sao lại trả thù, thì sống một mình, không vợ không con. Lè nhè khi say cũng như khi tỉnh. Nhưng Khi Tỉnh rượu, lúc tàn canh, thấy không an tâm. Cuộc đời sa mạc hoang vắng, tịch liêu. Vậy sao cứ cứ lì lợm, sắt đá, gây hấn? Muốn che giấu cái gì? Phải chăng cái yếu đuối và nỗi sợ không tên.

Quay nhìn lại anh chàng bù xù ràn rụa nước mắt, ông cười buồn. Một thứ tình cảm mới lạ bỗng như vừa nẩy nở trong ông. Ông có cảm tưởng ông không phải là ông nữa. 

10/2019
Ngự Thuyết