Phòng có chiều ngang 8 viên rưỡi gạch 60 phân, chiều dài 13
viên thêm miếng nhỏ 20 phân. Gọi là phòng thì hơi lớn, nhưng gọi nhà có vẻ
không cân xứng vì diện tích nền chỉ xấp xỉ 40 mét vuông chưa tính gác. Lai lịch
trích ngang trước đây của nó là căn phòng sau nhà chính bị bỏ trống nhiều năm,
kèo cột xiên xẹo, thời gian kéo mái ngói âm dương oằn xuống như lưng con ngựa
thồ chở hai giỏ đầy ứ rêu mốc, mạng nhện; là nơi lưu trú an toàn của dế tắc kè
thằn lằn rắn mối chàng hiu cuốn chiếu mối kiến… cùng các loại chuột và một bầy
mèo hoang.
Đêm nằm nghe đủ các loại âm thanh cao thấp khác nhau: tỉ tê,
ai oán, hân hoan, phẫn nộ, đằng đằng sát khí kéo dài từ đầu hôm tới rựng sáng.
Chưa kể bầy chó trong khu phố hứng tình gào rú gầm gừ phun châu nhả ngọc. Phiền
toái hết chỗ nói.
Khi căn phòng được xây mới, đám cư dân cộng sinh tự động di
tản chiến thuật khỏi nơi cư trú xách theo những âm sắc rất mất vệ sinh. Chẳng
biết chúng phiêu dạt chân trời nào, nhưng quá tốt cho sức khỏe ông bà già và đứa
nhỏ sau đó đến với tâm thế kẻ chiến thắng cay đắng não nề, vừa gục vừa ngẩng
cao đầu.
Một buổi sáng bão táp vừa lặng xuống, đang mang tâm trạng ủ
ê, kiểu nuốt vào không trôi mà khạc nhổ ra cũng không xong thì nghe rỏn rẻng điện
thoại chàng nghĩa tế và cô con gái bật Zalo gọi về. Ba mẹ coi nè, căn phòng
dành cho ba mẹ nè. Màn hình quét từ lối dẫn vào nhà, phòng khách, bếp, nhà vệ
sinh ngược lên cầu thang lên gác. Ba, chỗ đặt bàn thờ nè ba, rộng khang trang.
Còn phòng trong dành riêng cho ba với kệ sách, bàn viết và giường ngủ. Ổn không
ba, có cần thêm bớt chỗ nào ba nói, chỉ còn 2 ngày nữa là thợ thu quân. Ờ, ờ được
đó con. Tốt quá. Một mình ba trên chuồng cu, tha hồ đọc tha hồ viết nhăn cuội
và nằm chình ình nhớ lại những cuộc tình mối gặm, giáp mặt với tuổi nhỏ tuổi
già, bạn thân và bạn thổ tả. Không sửa sang thêm bớt gì nữa đâu. Ba mẹ cảm ơn
các con.
Rồi đó. Bậc sinh thành nhận lấy lòng hiếu thảo của con cái bằng
cách đùm túm đồ “tế nhuyễn” gồm mùng mền chăn gối quần áo chén muỗng… cùng hơn
50 thùng sách chất lên xe, không quên mang theo bàn thờ hoành phi câu đối và 4
khung ảnh của ông bà cha mẹ. Ra đi không hẹn ngày về!
Lênh đênh đúng một đêm trên chiếc xe giường nằm, len chặt
như cá mòi sardines marocaines thuở xưa nằm gọn trong hộp thiếc tẩm hương vị; mờ
sáng hôm sau có mặt ở miền “đất hứa”. Mất cả tuần dọn dẹp sắp xếp, ông cùi bắp
mới có thời gian quan sát từ trước ra sau, từ dưới lộn ngược lên trên… Phòng
khách nằm gọn trong 8 viên rưỡi gạch 60 phân nhân 5 viên, thông với nhà trên,
nơi ở của vợ chồng con gái và hai đứa con là một hành lang hẹp vừa đủ cho hai
người bước qua lại. Liền kề là phòng ngủ, bếp. Phòng vệ sinh sát bếp và rộng bằng
với phòng ngủ. Ý chừng chúng đề phòng khi một trong hai ông bà lỡ trợt té lúc
đi vệ sinh hay tắm táp thì vẫn đủ không gian xoãi dài chân tay thẳng thóm;
không phải còng queo ở một nơi tum húm chật chội, coi kỳ kỳ.
Cầu thang đúng 18 bậc theo phong thủy để lên gác có tay vịn
giả gỗ, nhưng khổ nỗi nó chỉ vừa đủ cho bàn chân to bè ông già đặt xéo lên một
cách cẩn thận nếu không muốn va vấp chảy máu. Căn gác thì bị thu hồi mất đi 4
viên gạch, thành ra khi đứng trước bàn thờ ngó xuống phòng khách, cảm giác đầu
tiên như được đứng trên một chòi canh dưa bắp ngoài soi, tệ hơn như vọng gác ở
các đồn lính ngoài biên ải, ngó xuống sâu tun hút, chóng mặt. Để chặn đứng phần
nào cảm giác sắp té nhào từ miệng giếng, ông già mở thùng các-tông to bằng nửa
giường cá nhân lôi ra những bức tranh của những ông bạn họa sĩ thâm tình vẽ tặng,
treo quanh tường.
Phòng trong hạp ý ông già nhất, rộng rãi thừa chỗ cho chiếc
giường to khổ, bàn viết, hai giá sách dài thòn, cao nghệu cho các ông vua bà
chúa, các nhà hiền triết, lập ngôn, các nhà văn nhà thơ họa sĩ lớn bé đông tây
kim cổ kề vai thích cánh hòa hợp hòa giải. Có điều các ông bà này luôn im thin
thít, chìa mông ra ngoài trong tư thế bị lèn khít, không to tiếng tranh biện phản
biện, không kêu la dẫy nẩy, chẳng tố cáo ai và cũng không ai trong số họ lên tiếng
phản đối phía bên kia phình to xâm lấn, rờ chạm thô thiển vào bộ ngực lép kẹp của
nàng chinh phụ hay cô gái điếm… dẫu có ăn chơi bạt mạng trác táng
be bét rượu chè gái gú như lão Zorba.
Chắc là ông già rất hài lòng, nên chi sáng hôm sau thấy ông
khui các thùng xốp, khệ nệ bưng sắp một hàng các hũ rượu lên giá: một chai
martell XO của ông bạn quý từ NJ gửi về, chai Buchanan’s de luxe của anh-bạn-lãng-tử
đất thần kinh, rồi những Rémy Martin, Hennessy, Black Bottle đầu quấn khăn
tang… vuông tròn cao thấp vơi đầy sắp hàng ngay ngắn như buổi chào cờ đầu tuần
trong trại lính nghĩa quân ngay trong lòng thủ đô. Những chai đó là nghĩa là
tình nhưng chẳng thấm vào đâu so với bình rượu Bổ thận tráng dương 20 lít sóng
sánh màu hổ phách trong bình gốm sứ da lươn sản xuất từ tay các chú khách trú
tòng teng với dân bản địa, trong các cuộc bôn tẩu phản Thanh phục Minh; bình thứ
hai nhỏ hơn chứa chất lỏng tinh luyện của Minh Mạng thang, nước rượu đen thui,
cả hai được vợ ông sưu tầm từ hơn ba mươi năm trước với một ý đồ rất rõ ràng; kề
bên là chiếc bình thủy tinh hữu nghị Việt-Tiệp, có vòng hai to gấp rưỡi vòng một
và vòng ba, bên trong là những củ sâm cao ly tươm màu mật ong; một hũ nữa là những
củ đinh lăng sần sùi như một sự thách đố về mặt văn hóa và lịch sử với anh cao
ly.
Chỗ này đặc biệt. Hẳn nhiên, chỉ có những bạn thân như môi với răng ông già mới
mời lên. Cửa lớn sẽ khép lại, cửa sổ mở toang hoác đón gió lùa phảng phất mùi
hương nguyệt quế thập thò ngoài balcon. Chiếc bàn gỗ xếp cao 3 tấc sẽ đặt ngay
trước giá rượu. Những chiếc ly thủy tinh há hốc miệng ngước chờ. Ông già và bạn
xếp bằng quanh bàn huyên thuyên chuyện tình đông tây, lũ cháu thập thò dưới cầu
thang nhóng lên… đó là viễn cảnh gió mây do ông cảm khái về khoảng không gian
riêng tư mà tơ tưởng vậy, chứ thật tình từ ngày ông ngồi nằm ở phòng này, chưa
thấy thân sơ bằng hữu chi giao nào lai vãng!
Cuối đời, có một chỗ dung thân như vậy kể cũng tạm đủ chờ
ngày vào lò hỏa táng. Ngày đó chẳng biết khi nào, nhưng hai ông bà đã thầm thì
to nhỏ bàn tính từ lâu rồi thống nhất, quyết tâm, kiên định lập trường, trước
sau như một, nhất định đi theo con đường hỏa thiêu khi nào “Nín hơi tôi thở
cái phèo/ Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không” (1).
Một bữa, con gái hỏi. Sao ba, ba cảm thấy dễ chịu không? Ờ ờ,
dễ. Phòng áp mái nóng sẽ ảnh hưởng tới huyết áp, để bữa nào con lắp cái máy điều
hòa cho ba. Ông già ngó con gái hỏi lại, cái gì? Máy điều hòa ba, cho nó mát mẻ.
Ông già dẫy nẩy. Cái vụ đó huyết áp càng như ống kéo bễ lò rèn. Chun vô chun ra
nóng lạnh bất thường dễ kêu xe cấp cứu đó con. Đường hẹp, xe khó trở đầu,
khiêng ra tới nơi coi bộ ngỏm củ tỏi từ hồi nào. Nóng thì lộn xuống nhà dưới, hề
chi vừa tốn kém vừa không mấy hiệu quả? Dạ, tùy ba chớ con thấy có thêm cái máy
điều hòa ổn hơn, hay ba ngại tốn tiền? Ờ, cả hai. Tự nhiên tốt hơn máy móc hổ
trợ. Chớ chi mà có phép thần thông như anh Tề Thiên bắt gió cứ thổi lòn hiu hiu
qua cửa sổ cửa lớn suốt ngày đêm năm tháng thì y như đang trên bồng lai rồi.
Thôi khoản này cứ đánh dấu ghi nhớ, lúc nào mở hội nghị Zalo nữa thì bàn tiếp.
Lần đó rồi thôi, ông không buồn nhớ và cũng không thấy con
gái nhắc lại, coi như cả hai đều hiểu nhau. Nhưng coi bộ vấn đề nóng và lạnh
cho căn phòng này cũng nhiêu khê âm ỉ như vùng biển đang tranh chấp, khó có biện
pháp rốt ráo cho cả hai phía.
Gì thì gì, ông già cũng đang bước tới khấc thứ 73 trên cột
nhà rồi, cụ bà trụt vài khấc. Tính toán chi cho mệt óc. Thiệt tình, khi bỏ xứ
ra đi hai ông bà cũng ngậm nước mắt trong trái tim đập lụp bụp, ruột chưa đứt
như văn chương từng tuôn ra, nhưng những cú xây xẩm thì không còn chỗ chen
chân. “Biệt thự” vừa xây mới dưới quê, tường mái chưa phủ rong rêu, rộng
thoáng. Cửa sổ mở ra gió lùa bốn mùa tám hướng, mùa nào gió đó, mát lồng lộng.
Khuôn viên vườn rợp bóng cây, hoa cỏ thơm lừng, chim chóc bay về ríu rít mỗi
sáng mỗi chiều. Có lúc, đang ngồi trên ghế xa lông gõ đen bóng, vợ ông cảm
thán: Mát, cứ như mình đang ở Đà Lạt.
Nhưng, cơ mà, niềm vui chưa quá năm chục con trăng thì thằng phá gia chi tử
hoang tàng dẫn con vợ loại gỗ mục về sừng sộ “nhà đây mà tui ở đâu?” như thể nó
là đứa từ dưới đất chui lên, tự trời cao rớt xuống hay như con của chằn tinh quỷ
sứ chứ không phải con hai người đang ngồi trước mặt nó. Lời qua tiếng lại, tiếp
đến là phồng mang trợn mắt xỉa xói, tuôn những lời lẽ ống cống gầm cầu với người
mang nặng đẻ đau, lại còn khoa chân múa tay như thể ông bà là mối cựu thù cần
phải trả xong kiếp này, trong khi hai ông bà già chỉ muốn yên tĩnh tuổi già,
vui vầy với những tử tế của con cháu. Vợ ông òa khóc tức tửi. Như chưa đã nư,
nó ra sau bếp vác chiếc rựa bén lừ lừ bước tới thẳng tay phạt gọn những cây chuối
sắp trổ buồng nằm sắp lớp, như lão Bát Lê trong truyện Chém treo
ngành của cụ Vang bóng một thời:
“Sống không thù nhau
Chết không oán nhau”
Đống chuối gục đổ tơi tả mủ máu lênh láng?
Vụ này giật gân, lan nhanh từ các hãng thông tấn ngoài vòng
rào cây xanh. Các con gái khóc hụ hụ từ xa, nước mắt chắc có vòi. Biến lớn rồi.
Bà vợ dậm chân kêu trời. Thôi thôi, nó là con thú hoang hết đường thuần dưỡng.
Bao nhiêu thói hư tật xấu trên đời ôm hết vào người, nhét cứng trong đầu có lấy
xà beng nạy cũng không ra. Hết thiệt rồi. Trời cũng chắp tay vái dài nói chi
lòng mẹ bao la như biển Thái bình, công cha như núi Thái sơn. Chỉ là hư tự
trong cảnh huống này?
Mà, thù oán cái nỗi gì khi hai ông bà ăn chay nằm đất, van
vái Long thần Thổ địa cùng Trời Phật phù hộ độ trì sinh cho mụn con trai nối
dõi tông đường để phụng tự cái cơ ngơi xẹo xọ sau một hồi hạ độc thủ tư sản mại
bản, kinh tế mới, cấm chợ ngăn sông…Nhưng quan trọng hơn hết là để cha ông
không còn chì chiết mỗi khi ngồi chung mâm, ngoài cá nục kho tương, tô canh tập
tàng điểm xuyết vài con tép cong đỏ cam phận, dĩa rau luộc, chén nước mắm còn
thêm món nhà vô phần vô phước, chó ỉa gò mả… Chén cơm chan đầy nước mắt
và khô khốc hơn dề cơm cháy để qua đêm.
Buồn buồn ông cụ lôi mấy chữ đó ra xỉa răng súc miệng trên bộ
trường kỷ, trước bàn thờ tổ tiên, cao ở trên là bức hoành phi ngạo nghễ, đến nỗi
vợ ông dần mòn hốc hác, đêm nằm thì thào bên tai “ hay anh coi cô nào lỡ thì kiếm
một đứa rồi hợp thức hóa, cơ quan chẳng biết đâu”. Mệnh đề đầu nghe chân tình
ngọt ngào, nhưng tới kiếm một đứa thì đích thị là đệ tử cô Hoạn Thư lẫy
lừng. Ông ứ hự, nội lo cho gần tiểu đội đã rút hết thịt xương gân cốt lấy tinh
lực đâu nữa mà ta bà kiếm chác? Nói kệ ổng, đừng có nghe. Sao không nghe, ngày
nào trong bữa ăn cũng mấy câu đó nhấn nhá lui tới. Phận dâu con, chắc có ngày
em điên!
Cuộc chiến tranh lạnh này dám có người sẽ điên thiệt chứ chẳng chơi. Ông trằn
trọc không sao nhắm mắt. Thương cha mẹ vợ con trong hoàn cảnh oái ăm, phải ngậm
tăm nhét sâu tận đáy lòng. Thân gái dặm trường, bơ vơ giữa xứ xa, không bà con
thân tộc, rơi đúng vào bến nước thứ mười ba đục lềnh làm nàng rối bùng hốc hác.
Cơ mà, từ nơi ngao sò ốc hến nhảy giỡn cà chơn trên bờ, ruộng đất bề bề chó chạy
thụt lưỡi, cá tôm đặc lềnh kinh rạch, lại đem lòng thương thằng cha l’écrivant
(không phải l’écrivain) xách va li lên xe đò làm dâu nhằm cái nhà có ba chữ Tộc
Tương Đại, xứ quanh năm nắng lửa mưa dầm, xa lắc. Có phải là phần số không?
Thương vợ, ông chỉ biết chia sẻ nỗi hẩm hiu ấy bằng vòng tay ôm chặt tiếng thở
dài trong đêm sâu, không nói được thành lời, như thằng câm.
Không rõ do lòng thành, ngoài giờ tới trường, đi chợ nấu
cơm, cho heo ăn, soạn bài còn chen mấy câu lâm râm cầu nguyện mà động lòng Trời
Phật Thổ địa nên đêm nằm mộng thấy hoài thai với Ngưu Ma Vương sinh ra thằng
quý tử. Ngày đầy tháng, heo eng éc, pháo nổ dậy làng, khách khứa nườm nượp. Ông
cụ áo thụng khăn đóng cười nói híp mắt, ngước nhìn ba chữ Hán ngạo nghễ Tộc
Tương Đại cẩn ốc xa cừ sáng quắc trên tấm hoành phi ông nội ông mời thợ Quảng
Nam Bình Định cẩn hồi Bảo Đại nguyên niên, nghênh ngang chiếm một chỗ khá cao
trên cây xà, giữa gian thờ rộng đến 80 mét trừng mắt ngó xuống bộ trường kỷ đen
bóng khúm núm như kẻ phạm tội, một sự chờ chực từ lâu, tuy có hơi muộn, chứng
kiến ngày đại hỷ một cách hả hê. Rồi cũng ba chữ trên tấm hoành
phi đó lại tiếp tục ngậm ngùi cùng dâu biển với câu phán xanh dờn: “…chúng
nó thì ta đày đi lao động khổ sai vùng kinh tế mới vào nơi rừng sâu nước độc.
Chúng nó sẽ chết lần mòn…” (2)
Lời tiên tri của bực thánh nhơn ĐM nhè rơi đúng vào trường
hợp ông bà “…sẽ chết đần chết mòn” trong một ngách nhỏ giữa muôn trùng hệ lụy rối
rắm nước mắt tủi hờn của những kẻ bị đẩy vào bước đường cùng.
Để tránh cảnh cha mẹ dần mòn chết vì đứa em bất nghì bất
hiếu, các con gái ông nhất tề xúm lại làm một cuộc hội nghị gia đình bằng Zalo.
Kết quả 100% phiếu thuận yêu cầu hai ông bà già lên kế hoạch di tản chiến thuật
càng sớm càng tốt để tránh hậu họa, gửi tấm thân tàn nơi con gái thứ tư, chúng
nó chung tiền phụng dưỡng, các nghĩa tế thì không ý kiến. Kể ra thì hội nghị
Zalo này chỉ một phía một chiều, thiếu tính công bằng công khai dân chủ bởi
chúng gạt phăng ra ngoài hai nhân vật chủ chốt là ông bà già và thằng em nghịch
tử du côn… Cơ khổ, hội nghị đã thành công tốt đẹp, nghị quyết đã ban hành, các
thành viên chỉ còn cắm đầu tuân thủ, không chống chế phân bua.
Chiếc xe tải trờ tới, de đít sát cổng. Đồ đạt cấp tập
khuân vác, khiêng, lôi, kéo, vác, mang… chất lên thùng trước những cặp mắt ngơ
ngác của hàng xóm. Máy nổ khọt khẹt lao cái vù tới trước, bon bon đường xa vạn
dặm.
Trước khi chờ taxi chở tới bến xe, có cuộc đối thoại ngắn
giữa ông già và ông quý tử lúc nào mặt mũi cũng nhơn nhơn: Tao và mẹ mày chịu hết
thấu cách xử sự và cách sống của mày rồi. Giờ phải nuốt bồ hòn làm ngọt ra đi.
Nhà cửa giao cho mày trông coi, lo mà làm ăn; hãy thành người lớn, sống lương
thiện tử tế, giữ giềng mối đạo đức làm người… gần tới tuổi tam thập nhi lập rồi…
Không có tiếng trả lời, trong khi bà già bắt đầu sụt sịt. Còn thằng cháu này,
mày lo mà dạy dỗ cho nên người, đừng để nó hư hỏng như mày. Ông già nói và vuốt
đầu, rồi đẩy cháu về phía thằng cha, nãy giờ núp bên gấu bà nội, hai tay bấu chặt
khừ vào ống quần nhùng nhằng. Thôi con ở lại chóng ngoan, vâng lời cha mẹ, ông
bà đi đây. Thằng bé òa khóc. Không không. Con đi với ông bà… đi với ông
baaà…à…à…
Ba mẹ xấu xa độc ác…Ba mẹ không thương con thương nội. Thằng cháu chỉ gần ba tuổi
rưỡi đã thốt ra những lời như người từng trải khiến trái tim ông già càng nát
tan hơn. Nó khóc tức tưởi ôm cứng lấy bà nội. Coi bộ tình mẫu tử nơi thằng bé
34 tháng tuổi không còn liên quan gì tới ông cha chỉ biết ăn chơi, ỷ lại buộc
người khác phải khòm lưng cung phụng, và bà mẹ đặt tình thương dưới gót chân,
đang đứng thù lù kia. Ông quan sát thấy thằng con có giật giật chút xíu ở đuôi
mắt, còn con vợ thì trơ trơ vô cảm như cành cây khô, mắt mũi ráo hoảnh. Vậy là
rạch ròi chuyện “nghĩa tử tình thâm”, đứt dây máu mủ. Xe bóp còi tin tin. Ông
bà ngoái lại ngó gian nhà năm gian lần cuối như ném nắm đất xuống lòng mộ huyệt
tiễn đưa người quá cố, dựa vào nhau lê bốn chân nặng trịch bước tới nơi không hề
mong muốn. Thằng bé loắng quắng chạy theo, tay không rời gấu quần nội. Lên xe
nó thôi khóc, ngó căn nhà qua cửa kính rồi gục mặt vào ngực bà ôm chặt khừ như
thể sợ bị ai đó đẩy xuống xe.
Cái cách nó nhìn vào căn nhà qua cửa taxi, khiến lòng ông
già quặn thắt, bởi giữa nó và căn “biệt thự” có một mối liên quan mật thiết
ngay từ khi mới 3 tháng tuổi. Đang lúc căn nhà ngói năm gian xây từ thời toàn
quốc kháng chiến diệt thù chung đã rệu rã sắp đổ quỵ phải dỡ bỏ để xây mới thì
thằng cha ôn vật và con mẹ trời ơi bồng cục thịt đỏ hỏn về đặt lên bộ phảng gõ
nói “tui sinh cho ông bà thằng cu nối dõi rồi đó…” rồi thản nhiên bước ra, tiếp
tục lên đường làm cuộc “hành hương giang hồ cống rãnh”. Tiếng khóc oe oe trộn với
vôi vữa tung bụi mịt mù như giọng ca sĩ tí hon đang hát trong nền khói màu trên
sân khấu là lán trại che bụi hứng nắng chang chang! Tất cả đều nhịp nhàng không
trật khớp giữa tiếng đổ ầm ầm của những viên gạch, khúc rui kèo, bụi bay mù và
tiếng oe oe khiến những khán giả có mặt không khỏi chùi quẹt bởi hoạt cảnh và
giọng ca quyện lấy nhau, mùi rệu.
Cái đoạn này, nếu như ông già nhanh trí lấy máy chụp hình ra quay vài “đúp” lưu
lại chắc chắn sau này nó sẽ hiểu thêm về số phận buổi đầu đời của mình trầy trật
bụi bặm là thế nào? Khốn nỗi trong đầu ông khi đó dày đặc các phép tính cộng trừ
nhân chia các khoản sao cho kháp với túi tiền, không phải chạy vạy vay mượn nài
nỉ ỉ ôi; tâm trí đâu chừa ra một chỗ hẹp cho cái sinh linh bé bỏng tội nghiệp
kia. Rồi, chớ chi mà không có cái ngày tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù
.v. v. thì chuyện ông cháu đích tôn hai đời của ông Chánh tổng Mười, con ông
giáo Ba đậu bằng ri-me xây lại nhà thờ ông bà tổ tiên rất là dễ ợt. Tất cả nguồn
cơn khiến ông quên khuấy. Nay chợt nhớ lại thì quá muộn. Tội nghiệp thằng cháu,
đeo dính cứng bà nội, không rời nửa bước.
Tạm yên ổn chưa? Đầu óc bớt căng thẳng chưa? Nhiều lần ngồi
một mình trong phòng sách hướng ra phía cây dầu cành tán vượt tầng ba ngoài đầu
đường ông tự hỏi nhưng câu tả lời thì rụt rè, lí nhí như đứa bé bước chân lên
nhà người lạ.
Thôi, đã kiên định lập trường tiến lên lò hỏa thiêu, trước
sau gì cũng đến, chớ dằn vặt lôi thôi.
Ông lại chìm lún lan man trong đống sách cũ.
Trời chưa mở mắt, ông bò dậy nấu nước pha trà để sẵn rồi
đi bộ dưới khu đất dự án cỏ mọc um tùm, rộng mấy chục mẫu tây, nơi nhà cửa phố
xá chợ búa trường học còn nằm trong máy vi tính. Bởi vậy ông tha hồ hít thở
không khí trong lành (dễ gì ở thành phố xô bồ đông đúc có một nơi như thế) nhẩn
nha đếm từng bước chân coi chừng đã chai sừng. Ông ngó lên mặt trời lỏn lẻn sau
những tàng cây thầm mong sao cái thằng chủ dự án cứ thoi thóp ngáp ngáp mãi để
đàn bò cả trăm con tha hồ gặm cỏ, để ông và các ông bà già các cô nường các em
thiếu niên nhi đồng tha hồ đi tới đi lui, hít mùi cỏ dập trộn lẫn mùi phân bò
ngai ngái; để thằng cháu nội và hai cháu ngoại và lũ trẻ trong khu phố có chỗ bắt
cào cào châu chấu cất nhà chòi chạy nhảy đá banh… Ông già cười rung hai má cóp
rọp.
Té ra cuộc bôn tẩu cũng rất chi là lộng lẫy.
(LT, táng 7/2019)
Đoàn Việt Hùng
_________
Đoàn Việt Hùng
_________
(1) Thơ Nguyễn Đức Sơn
(2) Tuyên bố để đời của ông Đỗ Mười trước sân tòa Đại sứ Hoa
Kỳ tại Sài Gòn lúc 10 giờ 15 phút ngày 20/02/1976 “…chúng ta có quyền tịch
thu tài sản, trưng dụng nhà cửa, hãng xưởng, ruộng đất chúng nó. Xe chúng nó ta
đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ. Còn chúng nó thì ta đày
đi lao động khổ sai vùng kinh tế mới vào nơi rừng sâu nước độc. Chúng nó sẽ chết
lần mòn…”.