24 December 2019

DÂM BỤT - Hồ Đình Nghiêm


Như đa số các căn nhà ẩn mình trong Thành Nội, gia cư Mít có sân trước có vườn sau. Nhà nằm trong kiệt, lối đi nhỏ, hai bên trồng dãy chè tàu thế hàng rào, đôi chỗ có chen cài cây dâm bụt đang nở bông màu đỏ làm vui mắt. Ve kêu vang rân mùa hè, cóc nhái ễnh ương đay nghiến năm canh mùa đông. Hai mùa cứ thế vận hành trôi, dấu chân để lại trên mái ngói đầy rêu xanh và vách tường phải quét lớp vôi mới mỗi độ xuân về.


Mít học lớp đệ Lục trường Nữ trung học Thành Nội. Trình độ ngang nhau, có điều tôi thì học ở trường Hàm Nghi do bởi phân chia rạch ròi chuyện “nam nữ thọ thọ bất tương thân”. Lục Vân Tiên (?) cũng có nói: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai”. Nhà tôi cuối kiệt mà nhà Mít nằm đầu đường, khoảng giữa lọt thỏm căn nhà có treo tấm bảng “coi chừng chó dữ”. Bộ hành đi bên ngoài có rón rén cách mấy cũng bị nghe phải tiếng sủa đột ngột, đe doạ thêm giọng gầm gừ như kiểu nó đang nhe nanh. Ở Huế ưa dùng chữ “không có răng mô” thì nên xét lại giùm cái kẻo có ngày sẽ bị chó cắn. Răng lởm chởm hai hàng, răng lại nói không có răng. Rứa lỡ hắn cắn tui thì o biết tính làm răng?

Tôi thọ thọ tương thân với Mít đều đều, nắm bàn tay sờ bàn chân là chuyện như cơm bữa. Lý do chính đáng là ba mạ Mít kêu anh tôi sang dạy kèm Toán, Đại số, Lý Hoá cho Mít, tiện thể anh lôi cổ tôi theo, một công đôi chuyện. Anh nói to: Sách vở thương chớ không ai thương mô nghe. Ba của Mít gật gù. Mạ Mít thì coi bộ không lọt lỗ tai: Rứa mà lâu ni tui chỉ nghe “cơm thương chớ không ai thương”. Anh tôi nói nhỏ: Thì cho sách vở thương một hồi, lập công trạng đâu ra đó mới nhường cái thương cho cơm sau. Ba của Mít hô: Nói phải đa !

Mít chỉ là tên gọi ở nhà, ra khỏi đường kiệt, đi tới trường Mít mang một danh xưng rất Huế: Sầu Đông. Thành nội có trồng nhiều cây mù u, nghe cũng ấn tượng mà chẳng hiểu sao tôi không được ba mạ đặt cho. Thằng mù u ơi! Hắn bị mù nên va đầu vô cây (sầu đông) để bị u đầu. Có thể vì nhà toàn con gái nên mạ của Mít thường nói với tôi: Tao coi mi như con cháu trong nhà, cứ tự nhiên. Bà luộc sắn khoai, kêu bằng tẩm bổ, bỏ trong rổ mang tới bàn học: Thời đi, ăn lấy thảo. Tôi thúc cùi chỏ vô eo Mít: Khoai sắn thương chớ không ai thương mô. Mạ Mít cười: Thằng ni ngó lụt lịt khờ khạo rứa mà thiệt sáng dạ chớ đừng tưởng bở! Mít nói: Ăn cho có, vì nhai ba cái thứ ni không sướng chút chi cả, chưa kể là có khi củ sắn làm mình say. Mi đang thèm thứ chi? Tôi ngó Mít đang đút khúc sắn vô miệng: Thèm ăn mít. Họ nói thơm như múi mít thì quá đúng. Mít rầy rà: Đừng đụng chạm nghe, tao tên Mít đó. Tôi ngó Mít: Rứa mới nói, đưa hun miếng coi có thơm không? Ưa hun chỗ mô? Má hí? Tôi hun má Mít, phát biểu cảm tưởng: Cũng rứa thôi, có thơm tho chi mô hè! Tôi ngó vô ngực Mít. Đồ ba de, hoang dễ sợ, liệu hồn tao mét anh mi a nghe.
Rồi Sầu Đông đổi qua học bên trường Đồng Khánh, chỉ cách một con sông ngăn đôi mà chừng như ngỡ đã xa xăm. Nghe đồn mấy thằng ở Quốc Học bỏ công ve, đi theo nói bóng nói gió nói gần nói xa Sầu Đông ơi Sầu Đông hỡi, ai đặt tên em khiến anh sáng quắt chiều quay. Sầu Đông có bực mình hay không thì chẳng rõ, nhưng điều dễ nhìn nhận, chính cái đuôi luôn đi theo ấy vô tình đã làm thay đổi ít nhiều dáng vẻ Sầu Đông mang trước đây. Bắt đầu lạnh lùng, bắt đầu xa cách, bắt đầu “người lớn”. Không mi tao nữa, thôi ấy với mình, xin hãy gọi tên nhau nhưng cấm kêu Mít ở nơi công cộng. Có bữa mạ sai: Mít, con ra chợ Đông Ba mua cho mạ chục nem tré, còn dư tiền thì lựa mua chiếc nón bài thơ mà đội. Và như vậy Sầu Đông réo gọi tên tôi, có sẵn xe đạp đó, chở Đông đi chút nờ. Tôi luôn là đứa được Sầu Đông tin cậy, nhờ vả mà chẳng cắn rứt lương tâm, đã an lòng khi muốn vượt qua tình bạn láng giềng, mơ hồ thức dậy một thứ gì khác thế bằng vòng tay ôm trước bụng tôi, năm ngón cấu vào vải áo. Hy vọng còn thừa tiền để tụi mình làm một bữa cơm hàng cháo chợ. Thân thể Sầu Đông giờ đây đã phát sinh ra hương mùi lạ thường, phải chăng vì tóc gội bồ kết? Vì ngắt lá sau vườn đun vào ấm nước sôi rồi hoà tan trong chậu sành để đêm hôm tắm táp kỳ cọ mịn da non. Chính vì thế, Sầu Đông thôi dại khờ như ngày cũ, thôi đưa má ra cho tôi hun. Cũng chính vì vậy mà làn hương thơm chôn cất sau áo xống kia đã khiến tôi dằn vặt, đè xuống, trấn nước bao nỗi thèm muốn. Tôi nghĩ, tôi yêu Sầu Đông, yêu một cách… mù u.
Tôi ngồi trên yên xe, chống một chân nghe Sầu Đông phát mệnh lệnh: Đứng y chỗ ni đợi Đông, vô chợ không lâu mô. Bóng dáng lụa là khuất chìm chưa lâu thì nghe một anh chàng nói sát bên hông: Mi là chi của người đẹp? Có bà con họ hàng chi không? Tay hắn kẹp điếu thuốc cháy phân nửa, điệu bộ ngang tàng, giọng điệu phách lối như cảnh sát đang hỏi cung tội phạm. Hắn cao hơn tôi, có thể hắn học hơn tôi tới hai lớp. Hắn có vẻ xấu trai con nhà trung lưu học lực thường thường bậc trung. Tôi làm thinh, tôi có quyền câm lặng. Bắt vô đồn, cảnh sát có đập bàn đe nẹt tôi cũng chẳng muốn khai. Nếu mi là người tình của người đẹp thì tao khỏi mất công tán tỉnh, đã hiểu chưa? Nói với người đẹp là anh Lưu xin kiếu. Hắn hút hơi khói cuối, ném mẩu thuốc cụt xuống đất, chà đạp rồi bỏ đi. Giả thử tôi đóng vai Sầu Đông, tôi cũng nghiêng nón che mặt chẳng thèm nhìn “anh Lưu” tới nửa con mắt. Người chi cục súc quá! So ra thằng tôi ngó đặng hơn nhiều. Hắn hiền khô, hắn chịu nghe lời, lúc trước hắn thèm múi mít, không biết bây chừ hắn thèm múi chi? Cam? Bưởi?
Sầu Đông đã trở ra, tay đong đưa cái bao ny-lông đựng nem tré mà chẳng thấy nón bài thơ ở mô cả. “Em” nói một câu nghe cảm động: Không sắm nón, để tiền tụi mình chở nhau đi ăn. Phải trả công “chú” xe thồ ni không thôi lần sau hết cậy nhờ. Thích ăn chi, Sầu Đông đãi. Vô ngồi quán hẳn hoi chứ thức ăn trong chợ lắm ruồi bu kiến đậu. Mất vệ sinh dễ sợ. Và rôi lại một vòng tay ôm, đồ mua cho mạ thì móc vào ghi-đông xe cho thong thả. Một tay quàng thắm thiết đã sản sinh ngộ nhận, ít nhất cũng làm Lưu nhà ta mất nhuệ khí, nản lòng rút lui. Tôi nói, Đông ăn chi mình ăn nấy, lựa chọn là quyền của Đông. Trời chan nắng lửa trên đầu nhưng Đông từ chối một cản che, quyết định dùng tiền đó để qua quán Ngự Bình cùng ăn bánh bèo bánh nậm bánh bột lọc bánh ướt. Có lẽ đời người sẽ tự chia từng cột mốc kỷ niệm mà hắn từng sống qua. Tôi đang hưởng lấy một kỷ niệm khó phai với Sầu Đông. Tôi ăn ớt cay đến nỗi phải chảy nước mắt, ở lưng quần Sầu Đông có ràng giữ một cái khăn tay, Đông trao cho tôi, chiếc khăn gấp làm tư mở rộng, đưa lên chặm, ngọt ngào thơm như múi mít.
Chiến tranh tàn phá, gậm nhắm dần, để nỗi kinh hoàng nó lấn tràn khiến chúng tôi phải lạc xa nhau trong cuộc di tản thất kinh hồn vía. Mạnh ai nấy chạy, chạy bá thở, chẳng đủ thời gian trông lui thốt lời vĩnh biệt. Đã chẳng còn một hy vọng nào nữa, bầu không khí kia đang bị chiếm đoạt, hút đi bao dưỡng khí. Người ta sống với lắm rồ dại hoang đường bóp nghẹt chút tự do riêng tư. Người ta tiếp cận với ngoa ngôn, với giảo hoạt, xảo trá. Nếu còn sót chút hy vọng nào, thì tôi, niềm trông mong có lúc gặp lại Sầu Đông đã vừa thành tựu. Xa nhau chưa lâu, nhìn ra nhau với bao tàn úa khó che đậy. Nhà Sầu Đông đã có người chiếm đoạt, căn nhà có treo bảng coi chừng chó dữ cắm một lá cờ đỏ chói, hoá ra chủ nhân là một tên cán bộ nằm vùng. Tôi bán chiếc xe đạp, tôi muốn mời Sầu Đông đi ăn một bữa cành hông nhằm bù đắp thời gian cùng sống ở địa ngục tăm tối và nghèo đói.
Sầu Đông ở tạm nhà người bà con bên An Cựu. Hai đứa nắm tay nhau đi giữa chiều sẫm màu trên các lối bắt đầu làm mặt lạ. Ăn xong, tôi đưa cô bạn gái thân yêu ngày êm đềm cũ về lại chốn trú thân tạm bợ. Gió làm tóc Sầu Đông rối, giọng lạc trôi, tiếng ngại ngần bị cuốn đi: Đông vào lại Sài Gòn, sẽ sống chung với một người mà mai này Đông gọi bằng chồng, đời sống đã không cho mình một lựa chọn nào cả, thôi cũng đành an phận. Sầu Đông ôm siết lấy hình hài trơ xương của tôi, đánh rơi từng giọt nước mắt xuống vai lạnh. Hương bồ kết đã nhạt phai, tôi hít lấy nhưng chẳng ngửi ra mùi thơm dằn vặt ngày nào. Tất cả chừng đã bội bạc. Một hơi thở nóng, cuống quýt dồn vô tai tôi: Còn thích ăn mít không? Sầu Đông cho ăn, bữa ăn sau cùng giữa hai đứa.
Tôi ôm cứng lấy em, một đứa đắm thuyền chỉ còn duy một cái phao. Tôi thương em và thương cả tôi khi ý thức rõ cái phao đang bấu víu này rồi sẽ vụt mất trong đôi tay tuyệt vọng. Lần này thì tôi khóc trên vũng ngực em, vỡ tan một nhịp đập.

Hồ Đình Nghiêm
5.12.2019