12 December 2019

TT RONALD REAGAN, NGƯỜI THẤY TRƯỚC CHẾ ĐỘ CS LIÊN SÔ SỤP ĐỔ - Trần Trung Đạo


Trong tác phẩm “Three Days in Moscow”, ký giả Bret Baier kể lại khi vừa đến Moscow sau chuyến bay dài vào cuối tháng 5, 1988, TT Ronald Reagan thay vì nghỉ ngơi, đã cùng phu nhân dành thời gian ngoài nghị trình viếng thăm chính thức để ra phố thăm những người dân Nga bình thường.
TT Ronatld Reagan có thể là vị tổng thống Mỹ đã bị bộ máy tuyên truyền Liên Sô bôi đen hơn nhiều tổng thống khác vì năm năm trước đó ông đã gọi chế độ CS Liên Sô là “đế quốc tội ác” (The evil empire). Thông tấn xã TASS tức khăc trả đũa. Qua nhiều bài bình luận TASS gọi TT Reagan là người “chống Cộng điên cuồng”.

Nhưng thay vì bị khinh thường, sỉ vả hay thờ ơ, chiều 31 tháng 5, 1988, vị tổng thống thứ bốn mươi của Mỹ đã được dân chúng Moscow hoan hô nồng nhiệt.
Sau bảy mươi năm tranh đấu trong âm thầm, trong chịu đựng, nhận thức của người dân Nga cuối cùng đã thắng bộ máy tuyên truyền CS. Trước mặt họ TT Reagan không phải là người “chống Cộng điên cuồng” như TASS bêu nhọ mà là lãnh đạo của một cường quốc tự do, dân chủ.
Ánh sáng tự do đã thắng bóng tối độc tài và đó là tín hiệu cuộc cách mạng dân chủ đang đến.
Thật vậy, chỉ một năm sau, hệ thống toàn trị CS rạn nứt và ba năm sau chế độ CS chính thức cáo chung.
Chế độ CS có hai cánh tay: tuyên truyền và khủng bố.
Trong lúc người dân không thể nhất thời chống lại được bạo lực khủng bố CS, họ có thể thắng trong trận chiến tuyên truyền. Đúng như họa sĩ Ý Maurizio Nannucci viết “Thay đổi nơi chốn, thay đổi thời gian, thay đổi nhận thức, thay đổi tương lai” (Changing place, changing time, changing thoughts, changing future).
Sự sụp đổ của Liên Sô được giải thích, biện luận, phân tích từ các góc độ kinh tế, chính trị, quân sự khác nhau nhưng đều là những góc bên ngoài. Reagan, Thatcher đều là người ngoại quốc. Chính góc bên trong nơi gần 300 triệu nạn nhân của chế độ CS đã kiên trì chống đỡ và vượt qua mới là điểm bắt đầu quyết định. Đó là góc nhận thức.
Tại Liên Sô, một anh bán rượu kể chuyện cười mỉa mai chế độ, các nhà văn, nhà thơ âm thầm phổ biến các tác phẩm cổ xúy quyền tự do, chị bán hàng rong một mình chống chính sách thuế đánh vào giới buôn bán lẻ, các bạn thanh niên sinh viên phát động phong trào mặc quần jeans xanh theo lối Mỹ trong thập niên 1960 v.v.. đã góp phần tẩy chay chế độ.
Chế độ CS dù ba đầu sáu tay trăm con mắt cũng không thể chống cự hay ngăn cản được đội quân phản kháng vô hình, vô dạng kia. Những nỗ lực của họ không được thấy và có khi không được ghi nhận nhưng chính những mạch nước chảy ngầm đó đã xoi mòn chế độ.
Các lực tác động từ bên ngoài sẽ không thể nào làm sụp nếu bức tường dày CS nếu cơ chế CS đã không bị đục rỗng trước bằng những bàn tay nhỏ, bàn chân yếu, bằng những chịu đựng, hy sinh, tranh đấu của bao thế hệ người dân 15 nước thuộc Liên bang SoViet.
Tối ngày 25 tháng 12, 1991, hàng triệu người khắp năm châu hồi hộp chờ đợi trước máy truyền hình để xem Mikhail Gorbachev đọc diễn văn từ chức Chủ tịch Liên Sô. Đây quả là một biến cố vượt qua sự tưởng tượng của con người bình thường.
Làm thế nào một cường quốc với dân số gần 300 triệu sống trên một phần sáu quả địa cầu được trang bị với 45 ngàn đầu đạn nguyên tử và được bảo vệ bởi một đạo quân 5 triệu lính, đã sụp đổ?
Không ít người vẫn khó mà tin vào mắt mình ngay cả khi nhìn Gorbachev đọc diễn văn từ chức. Tuy nhiên, với đa số người dân Liên Sô thì không. Họ rất lạnh lùng và bàng quan. Ngoài phố, không một cuộc biểu tình phản đối hay ủng hộ Gorbachev và cũng không có pháo bông mừng cách mạng dân chủ thành công. Cách mạng dân chủ đã diễn ra trước đó rồi. Không diễn ra trên đất nước mà diễn ra trong nhận thức của người dân.
Trong phần kết luận của diễn văn đọc trước hội nghị toàn quốc hàng năm của Hội Truyền Giáo Phúc Âm (The Annual Convention Of The National Association Of Evangelicals) tổ chức tại Orlando, Florida, USA ngày 8 tháng 3, 1983, TT Ronald Reagan phát biểu:
”Tôi tin chúng ta sẽ đáp ứng được thử thách. Tôi tin rằng chủ nghĩa CS là một chương buồn, kỳ quái trong lịch sử loài người mà những trang cuối cùng đang được viết ngay trong thời điểm này. Tôi tin điều này bởi vì nguồn sức mạnh trong nỗ lực mưu cầu tự do của con người không phải là vật chất mà là tinh thần. Và bởi vì nguồn sức mạnh đó không giới hạn, làm khiếp sợ và cuối cùng sẽ thắng những kẻ nô lệ hóa chính đồng bào họ.”
(I believe we shall rise to the challenge. I believe that communism is another sad, bizarre chapter in human history whose last pages even now are being written. I believe this because the source of our strength in the quest for human freedom is not material, but spiritual. And because it knows no limitation, it must terrify and ultimately triumph over those who would enslave their fellow man.)
Tám năm từ buổi chiều đọc diễn văn tại Hội Truyền Giáo Phúc Âm và chỉ hơn hai năm sau chuyến viếng thăm Liên Sô của Tổng thống Ronald Reagan, chế độ CS Liên Sô sụp đổ.

Trần Trung Đạo