Hãy cùng nhau xét ý nghĩa và cách dùng vài chữ sau đây trong thơ
MIÊN DU
1. Kết hợp MIÊN
DU có thể hiểu trên cơ sở lắp ghép nghĩa của các thành tố tạo nên nó: MIÊN và DU
-- DU 遊 là "đi, đi xa, đi chơi"
-- MIÊN có nhiều nghĩa:
- MIÊN 眠 bộ
Mục là "ngủ". Theo kiểu nói
bồi trong tiếng Việt MIÊN DU
nghĩa là "ngủ đi ". Nếu
theo cấu tạo từ tiếng Hán, thì DU
là thành tố chính:
"đi"; còn MIÊN là
thành tố phụ: "giấc ngủ, trong tư thế ngủ". Nghĩa của cả kết hợp: Đi vào giấc ngủ, đi trong tư thế ngủ. Nếu nghĩa "đi trong tư thế ngủ " thì mộng du chăng? Tên
bệnh trong y học (tiếng Anh:
Sleepwalking; còn gọi là
ngủ đi rong hoặc chứng Miên
hành)
- MIÊN bộ Mịch 綿 là kéo dài, dằng dặc không dứt. Vậy "miên du" là đi đi
hoài.
Nên biết, tiếng Hán Việt cùng giống tiếng
Anh, tính từ đứng trước danh từ, ngược với tiếng Việt. Thí dụ; White
horse (A), Bạch mã (H), ngựa trắng (V)
2. Giờ ta thử xét các câu thơ sau:
a.
Tôi miên du bước vào hoài niệm (XYZ)
- Câu thơ này có nghĩa sao?: Tôi "đi vào giấc ngủ/
đi trong tư thế ngủ" bước vào hoài niệm hay Tôi "đi đi hoài" bước vào hoài niệm?
- Lại
nữa trong câu: 'Tôi
"miên du" bước vào
hoài niệm" này, chữ DU 遊 nghĩa là đi, bước đi ... Đã có chữ bước rồi sao còn
dùng thêm chi chữ bước nữa?
Theo Nguyễn Anh
Khiêm (Ký Ức Sơ Sài)
thì tiến trình ngôn ngữ như sau: Đủ chữ/ đủ ý: Thoại –> đủ chữ/ nhiều ý: Văn –>
ít chữ/ nhiều ý: Thơ.
Do vậy trong thơ
càng ít chữ mà càng
nhiều nghĩa thì thơ càng hay. Để được ít chữ, nhiều khi nhà thơ phải làm công việc "ẩ̉n chữ", để độc giả tự đoán ra như tôi đã bàn trong bài Thủ Pháp Show Do Not Tell đã đăng trên các trang Web.
b.
Nắng miên
du chảy ngược chiều nỗi nhớ (ABC)
Đây là
câu thơ trong bài thơ "nổ̉i tiếng" ở VN. Xin tác giả ABC giải thích giùm "Nắng miên du" là gì? Nắng "đi vào giấc ngủ/ đi trong tư thế ngủ" hay nắng "bước đi đi hoài"?
c.
Tuy nhiên câu thơ sau đây dùng cụm chữ Miên du rất "ấn tượng":
Vô thường
năm tháng bước miên
du (Trần Kiêm Đoàn)
Ở đây Miên du: Viễn du xa rộng kéo dài trong không gian và
thời gian.
Cùng một chữ nhưng nếu hiểu rõ nghĩa nó, đặt đúng chổ thì câu thơ mới hay; chứ không thể dùng càn, cố tình tạo dáng làm câu thơ vô nghĩa và do đó ảnh hưởng xấu đến toàn bài.
LÁ BAY,
LÁ ĐỔ
1. Trong
bài thơ Tình Sầu Cuối Thu của thi
sĩ DEF có câu thơ
"Gió rít từng cơn đổ lá
vàng", tôi đã hỏi đùa thi sĩ: Gió "rít" thì lá bay chứ? Gió rít từng cơn có
nghĩa là gió rất mạnh và do đó lá bị cuốn hút bay đi, chứ làm
sao lá đổ. Lá đổ chỉ khi nào lá nhẹ lay cành.
Thi sĩ trả lời: "Tôi không ngồi mà rặn ra câu chữ!" - DEF
Tôi chỉ hỏi đùa cho vui, nhưng bạn DEF lại "nghiêm chỉnh" phản
biện, thôi tôi đành luận bàn thêm cho rõ với anh để cùng nhau học hỏi và
tiến bộ:
a. Lá đổ
thì chỉ có 1 chiều : Từ trên xuống dưới, chứ không thể nào từ dưới
lên trên , từ trái qua phải và ngược lại; nói chung không thể là
muôn chiều, muôn hướng. Lá
bay thì mới phát tán muôn chiều, muôn hướng. Lá muốn bay thì gió phải mạnh. Gió rít từng cơn có nghĩa là gió rất mạnh và do đó lá sẽ bị cuốn hút bay đi, chứ làm sao lá đổ. Lá đổ chỉ khi nào lá nhẹ lay cành như tôi đã nói trên. Do đó bạn DEF nên nghĩ lại câu thơ "Gió rít từng cơn đổ lá vàng".
Lại nữa 2 câu thơ kế tiếp trong khổ là "Con đường xưa nhuộm máu thu tang/ Mặt trời lặn cỏ cây câm lặng": " Gió rít từng cơn" sao mà " cỏ cây câm
lặng" được? Cỏ cây phải "uốn éo, quằn quại" chứ?
Sẵn đây tôi liên hệ luôn đến bài nhạc "Lá Đổ Muôn Chiều" của Đoàn Chuẩn & Từ Linh. Theo tôi chữ CHIỀU là buổi chiều chứ không phải là "chiều hướng" như đã giải thích trên: Lá đổ muôn buổi chiều.
Cũng chính vì điều này mà nhiều người cho là vì lỗi in ấn làm sai tên bản nhạc và đã chỉnh lại "Lá Đỏ Muộn Chiều" [1]. Tôi đồng ý theo hướng này vì nghĩa nó chính xác và thê thiết hơn.
b. Về câu nói "Tôi không ngồi mà rặn ra câu chữ".
Trong bài thơ hay "Trời Bỗng Dưng Mưa Sa" của thi sĩ Trần Vấn Lệ có câu:
"Màu tím của đôi môi"
sau những câu thơ diễn tả cô học trò gặp mưa nên vào lớp trễ giờ. Tôi đã nêu ý kiến:
- "Mưa này chắc lớn lắm/ Em lạnh đến tím
môi"
-" Cám ơn thi sĩ chăm chú từng chữ, có nghĩa là
kính trọng độc giả. Nểu như "ai đó" nói "Màu đỏ của đôi môi" thì ôi thôi...mưa
đâu? Phải không?
Thi sĩ, nhất là những người có tiếng càng phải cẩn trọng trong việc chọn lựa chữ mình dùng, không phải vì có tiếng tăm mà muốn viết sao là viết, phải tôn trọng độc giả và
danh tiếng riêng mình.
Trả lời như vầy
có vừa ý với RẶN CHỮ của bạn DEF chưa?
RÍU RÍT, RÚC RÍCH
[... Có cô thi sĩ trẻ, hơi xinh viết một bài thơ có quá nhiều lời comment "hít hà" khen: tuyệt, tuyệt trong đó có rất nhiều ông thi sĩ nổi tiếng
Bài thơ cô
thi sĩ trẻ có câu thơ như vầy: "Chuột kêu ríu rít trên
cành".
Theo tôi: Chuột
sao kêu ríu rít? Phải kêu
rúc rích chớ. Chỉ chim mới ríu rít hót ca vang :
Chuột kêu
rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ la. (Câu
hát ru Quảng Nam)
CHIM CHUỘT sao?
Nghĩa CHIM CHUỘT chắc các bạn
đã biết?...]
ĐẢO CHỮ
Xin lại được ghi
ra trích đoạn bài viết Đảo
Chữ Và Vị Trí Chữ Trong Câu Thơ vì nó cũng liên quan đến đề tài đang bàn luận:
[ ... Giờ chúng
ta xét về "nói đảo"
Hiện tượng
"nói đảo" bao gồm đảo
chữ (đảo từ), đảo ngữ... Tiếng Pháp gọi lối chơi chữ này là antimétabole; tiếng Anh là
antimetabole.
a. Phép đảo ngữ
Phép đảo ngữ (tiếng Anh: Anagram) là cách
một từ hay cụm từ được tái sắp xếp thành các ký tự của một từ hay cụm từ khác, sử dụng các ký tự ban đầu chỉ một lần duy nhất.
Ví dụ: Từ "rail safety" có thể viết thành "fairy
tales" với cùng số lượng từng chữ cái. Phép đảo chữ thông thường được dùng để chơi trò chơi đố chữ hay học từ vựng mới.
Ở đây tôi
không chú ý về phép này.
b. Phép đảo chữ (đảo từ):
Tôi thích
gọi đảo chữ hơn đảo từ vì
theo tôi chữ chính xác hơn từ [2]
Đảo: Ngược, đảo ngược.
-- Trong nói
đảo người ta thường dùng lối chuyển đổi trật tự, vị trí các
chữ trong một nhóm chữ (nhóm từ)
Bữa sáng rau muống, bữa chiều muống rau.
Hoặc:
Hôm nay có món cà chua,
Ngày mai độc nhất lại mua chua cà.
Hoặc:
- Sinh sự, sự sinh.
- Cá ăn kiến, kiến ăn cá.
- Giúp người, chớ
cầu người giúp.
- Cười người chớ
có cười lâu
Cười người hôm
trước, hôm sau người cười.
Ngồi ngủ, ngủ ngồi
đều ngủ cả
Đứng ăn, ăn đứng
cũng ăn thôi
c. Ba trường hợp
đảo chữ
-- Ta phân biệt được ba trường hợp trong phép đảo chữ:
1. Chữ mới khi được đảo có thể xem như cùng nghĩa với chữ trước khi đảo:
Ngồi ngủ/ ngủ ngồi.
Đứng ăn/ ăn đứng
Khổ đau / đau khổ...
2. Chữ mới khi được đảo sẽ "vô
nghĩa", nghĩa là không thể nào
đảo được.
Độc đáo /
đáo độc: Đáo độc vô nghĩa
Độc lập/ Lập độc:
Lập độc vô nghĩa
Tà huy / huy tà: Huy tà vô nghĩa
- Khờ khạo / khạo
khờ: Khạo khờ vô nghĩa.
- Vừa vặn / vặn vừa: Vặn vừa vô nghĩa.
Muôn trùng / trùng muôn: Trùng muôn vô nghĩa
Câu thơ:
Hư không níu trùng muôn bớt dài (PHM): vô nghĩa.
Bóng nguyệt / nguyệt bóng: Nguyệt bóng vô nghĩa
Câu thơ:
"giang đầu
nguyệt bóng miên khê"(PHM) là nghĩa gì xin cho biết?
Thi sĩ nên
xét lại! Nếu có nghĩa xin thi
sĩ cho biết tra tên từ điển Việt nào?
Sẵn dây
xin được ghi ra trích đoạn về ngôn ngữ thơ mà tôi tâm đắc của Lê Hữu:
[... Ngôn
ngữ thơ là chữ nghĩa, hình ảnh, ý tưởng … chỉ có ở trong thơ hơn là trong đời thực. Có điều, khi đọc, nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt
nào làm cho người ta đọc ra
thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ.
Chữ nghĩa cần có
sự phát minh, sáng tạo hơn là lặp lại rập khuôn người đi trước. Những vô thường, vô vi, phù vân, phù ảo, hư ảo, hư không, tà huy, miên trường… mà người làm thơ cố đưa vào
bằng được trong thơ mình thường có một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, đôi lúc khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu.
Thường, thơ khó
hiểu thì khó hay; thơ tạo dáng thì khó tạo được cảm xúc.
[Lê Hữu: Thơ lục
bát còn, tiếng Việt còn]
Như Lê Hữu nói
: "Chữ nghĩa cần có sự phát minh, sáng tạo...", Tuy nhiên không phải muốn tạo chữ mới ra sao là tạo; phải để ý đến độc giả, phải để ý đến sự trong sáng của tiếng Việt:
Những chữ mù mờ, tối
nghĩa hoặc vô nghĩa thì không nên "sáng tạo" ra. Không nên "đố chữ".
3. Chữ mới khi được đảo khác
nghĩa với chữ trước khi đảo, nghĩa có
khi trái nghịch:
Nàng rằng : "Lồng lộng trời cao,
Hại nhân,
nhân hại sự nào tại ta!" (Kiều)
Hại nhân
nói đảo thành nhân hại, cả hai chữ khác nghĩa nhau
Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả
Vợ hai nói
đảo thành hai vợ, cả hai chữ khác nghĩa nhau hoàn toàn
Con cò chết rủ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma (ca dao)
Con cò/ Cò con cũng vậy ...}
[ Đảo Chữ Và
Vị Trí Chữ Trong Câu Thơ - Nguyên
Lạc] [2]
.
Theo chủ quan tôi: "Cảm nhận đưa tới cảm xúc - tức cảnh sinh tình - rồi cuối cùng đưa tới thơ", do đó điều quan trọng nhất ở thơ là cảm xúc - "cảm xúc thật" của lòng. Những
bài thơ sắp xếp chữ hoàn
toàn do lý trí, do kinh nghiệm hoặc cố tình tạo dáng có thể hay; nhưng chắc chắn sẽ không có HỒN, nghĩa là sẽ không
tồn tại lâu trong tâm tưởng con người.
Để kết thúc bài viết, tôi xin ghi ra đây hai câu đáng suy gẫm:
- "Hãy thành thật với những thứ tồn tại bên trong
mình" - André Gide: Nhà văn người Pháp, giải Nobel văn học năm 1947.
- " Viết không khác người, đừng viết" - thi sĩ Du Tử Lê (?)
.
Nguyên Lạc
...............
[*] XYZ, ABC, DEF
và PHM là những thi sĩ có
tiếng, tôi xin tạm dấu tên
[1] Lá đỏ muộn chiều - Đoàn Chuẩn, Từ Linh
[2] Đảo Chữ Và Vị Trí Chữ Trong Câu Thơ - Nguyên Lạc