03 December 2019

VÔ TẬN XỨ (tiếp theo và hết) - Việt Dương



5

Nguyên dựng chiếc Honda trước nhà sách Ưng Hạ, rồi đứng nhìn về phía cầu Trường Tiền. Chàng bồn chồn nghĩ đến việc Thảo hẹn gặp ở đây lúc nàng đi học. Nhìn nét mặt Thảo có vẻ hốt hoảng, chàng linh cảm có điều gì bất thường.
- Anh nghĩ chi mà em đến sát bên cũng không biết?
- Ô! Anh nhìn một hướng, em tới một hướng, làm sao thấy – Nguyên quay lại đáp, rồi hỏi: Bây giờ em muốn đi đâu?
- Anh cho em tới chỗ mô xa xa.

Nguyên nghĩ một lát, rồi đạp máy cho xe đi về hướng Kim Long. Trên đường đi, mỗi lúc tới chỗ vắng Thảo lại áp mặt vào lưng Nguyên, và cứ thế cho tới khi xe dừng lại gần chùa Thiên Mụ. Nguyên dẫn Thảo lên một quán nước gần chùa và chọn chiếc bàn ở ngoài hiên quay ra sông. Quán vắng. Cô chủ quán niềm nở bước tới.

Nguyên nói:
- Ở đây có bánh bèo và các thứ chè.
- Em không ăn, cho em cái chi uống.

Nguyên nói với chủ quán:

- Cô cho tôi 2 chai cam Bireley và một bao thuốc Capstan.
Khi cô quán đi vào nhà, Thảo nhìn Nguyên:
- Anh ra Lăng Cô tới hôm nay là 28 ngày. Công việc ngoài nớ ra răng?
- Đại đội chỉ có nhiệm vụ giữ cầu, nên cũng thảnh thơi.
- Vậy anh về được mấy ngày?
- Anh về Tiểu Khu họp. Trưa mai phải đi.
 Nén tiếng thở dài, rồi chợt nhớ một điều, nàng hỏi:
- Anh đi Quảng Ngãi à?
Nguyên ngớ ra:
- Sao tự nhiên lại có chuyện Quảng Ngãi ở đây?
- Thế răng trong số quà anh đem về, ngoài giỏ cua, còn mấy gói kẹo gương, mấy ký đường phèn, đường phổi Quảng Ngãi.
Nguyên cười:
- À, anh không nghĩ ra. Đó là quà của một ông trung sĩ người Quảng Ngãi đi phép đem ra cho.

Nhìn cô quán đặt 2 chai nước cam ra bàn, rồi thấy cảnh quán vắng hiu hắt trước màu xanh của sông núi chạy dài vào chân trời, Nguyên hỏi:

- Quán này đã được bao nhiêu năm rồi cô?
Cô quán đáp:
- Tôi không nhớ rõ, nhưng độ chừng cũng tới 15, 16 năm.
Nguyên nói:
- Thời gian thật dài mà quán không mấy thay đổi, 10 năm trước, ra Huế lần đầu, tôi đã tới đây.
Cô quán nhìn Nguyên:
- Thế lần ni chắc anh ở lại Huế luôn?
Nguyên cười:
- Cũng đang cầu như thế, cô ạ.

Nghe chàng nói, cô quán nhìn Thảo chúm chím cười, vừa bước đi vừa nói:

- Nhờ chiến tranh mà Huế có nhiều rể bốn phương, chớ ngày trước không có mô.
Nguyên cười, rót ly nước cam cho Thảo, rồi hỏi:
- Hình như Thảo đang có chuyện gì bất an?
Thảo không trả lời thẳng mà hỏi lại:
- Mấy tháng ở nhà, anh có gặp anh sinh viên thường đến nhà em không?
Nguyên gật đầu:
- Có gặp vài lần.
- Chuyện của em bây chừ là ở anh đó – Nàng ngừng lại một lúc như để sắp xếp câu chuyện, rồi tiếp: Ba anh Châu, tên anh ấy là Châu, là bạn thân của ba em, nên hai gia đình rất thân nhau. Khi em với Châu còn nhỏ thì gia đình thường đùa ghép đôi, rồi khi lớn lên thì thành một thứ ước hẹn. Tuần trước gia đình anh Châu nói với mạ em là Châu còn niên khóa ni thì xong sư phạm, nên họ xin làm lễ hỏi và sang năm sẽ xin cưới.
Nguyên hỏi:
- Đó là chuyện của gia đình, còn em với Châu có giao ước gì không?
Thảo lắc đầu:
- Em với Châu chưa có giao ước gì.

Nguyên ngạc nhiên:

- Không giao ước, tại sao gia đình lại nói chuyện đi hỏi?
- Chuyện như rứa là lỗi tại em không biết dứt khoát với chuyện tình cảm. Vì cách đây mấy tháng, trước khi anh tới, Châu viết cho em một lá thư tỏ tình và ngỏ ý là sẽ bảo gia đình đi hỏi. Lúc đó em không biết trả lời ra răng. Tra vấn lại, em biết mình không yêu Châu, nhưng thấy Châu đã theo mình mấy năm, học hành cần mẫn, tính tình hòa nhã, nên nếu phải lấy chồng thì anh ấy cũng là một mẫu người đáng quí. Phân vân giữa cái sợ bị ràng buộc khi biết mình không yêu mà cũng không muốn từ chối để cắt đứt một mối liên hệ thân tình, nên em đã kéo dài thời gian bằng cách viết thư không nhận lời, không hứa hẹn mà cũng không từ chối. Em khuyên anh ấy để tâm học cho xong và nói là cả hai còn nhiều thời gian để tìm hiểu và nói với nhau về chuyện ni.
Thảo ngừng lại một lúc, rồi giọng trầm xuống:
- Em cần thời gian chẳng phải để tìm hiểu thêm hay hy vọng tình thân sẽ biến thành tình yêu, vì thời gian như thế là đã quá đủ, nhưng em mua thời gian để có một khoảng rộng ở ngoài sự ràng buộc. Em mơ hồ thấy mình cần thời gian để chờ đợi một cái chi đó. Nghĩ và làm như rứa, chừ em mới thấy là lỗi lầm.
Nguyên hỏi:
- Thế hai người không đi chơi với nhau bao giờ sao?
- Dạ có, thỉnh thoảng đi cine’ khi có phim hay, nhưng lần nào cũng đi với Chi và Trung.
- Giả dụ, Châu mời riêng em thì em sẽ tính thế nào?
Thảo trầm ngâm một lát, rồi đáp:
- Châu mời cả ba hay một mình em thì cũng là chuyện bình thường, vì hai gia đình rất thân nhau. Nhưng Châu chưa từng làm như rứa, nên em cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Mạ em thì thường khen là tính tình Châu đạo mạo giống ba anh ấy. Em chẳng biết đó là đạo mạo hay quá nhu mì nhút nhát, thiếu chất đàn ông.
Nguyên nhắc:
- Thế còn chuyện lễ hỏi?
- Đến chừ thì em biết việc không dứt khoát chuyện tình cảm đã đưa em tới một lỗi lầm là em đã nuôi dưỡng niềm tin của Châu về thứ tình không cần nói lời hứa hẹn. Chắc anh ấy coi tình thân của gia đình và bức thư viết cho em như rứa là đủ, nên khi tính việc bảo gia đình đi hỏi, Châu cũng không cho em biết trước. Mạ em rất vui khi thấy gia đình Châu lo việc sớm và coi đó là chuyện tự nhiên giữa em và Châu - Thảo dừng lại nhìn Nguyên như cầu khẩn: Chuyện đã như rứa, em không biết nói răng. Bây chừ anh bảo em làm răng?

Nguyên trầm ngâm một lát:

- Em uống nước đi đã.
Chàng châm điếu thuốc nhìn về phía núi. Mặt trời phản chiếu làm rực sáng khúc sông rộng. Từng lớp núi phía tây bắc như những giải mây ánh lên màu tím. Nghe Thảo nói về Châu và qua ánh mắt buồn ẩn nét thơ dại trong cánh áo dài trắng, Nguyên hình dung đến một gia đình nề nếp, đầm ấm với tiếng đàn vọng ra vườn dưới ánh đèn buổi tối. Phải nói gì với Thảo khi nàng cần có một cuộc đời yên ấm mà đời Nguyên thì quá xa cách với nó. Vì thế nghe Thảo hỏi, chàng nghĩ tới giờ phút chia ly.
- Anh Nguyên - Thảo gọi.
Nguyên dập tắt mẩu thuốc ném vào gốc cây, nhìn Thảo:
- Việc đã tới như thế thì em phải lựa chọn. Một bên là cuộc đời phẳng lặng yên ấm, còn một bên là là chông gai, bão tố. Bão tố ở đây anh muốn nói đến cả tương lai của em lẫn đối với gia đình, vì chắc chắn mạ sẽ không bao giờ bằng lòng cho em lấy một trên lính tương lai vô định, tứ cố vô thân, cầu bơ cầu bất như anh - Nỗi xúc động chợt dâng lên làm Nguyên nghẹn lời, chàng cúi xuống một lúc, dấu cơn cảm xúc: Nếu em chọn con đường yên ấm phẳng lặng thì chẳng có gì để nói nữa, và từ nay chuyện của chúng ta...

Nguyên chợt ngừng lại khi thấy những dòng nước mắt chảy dài xuống má Thảo. Chàng lấy chiếc khăn tay đưa cho Thảo:

- Anh xin lỗi đã phải nói như thế, nhưng em hỏi nên phải nói cho cùng.
Thảo lau nước mắt, rồi lắc đầu:
- Em không chọn như rứa, bão tố chi cũng được. Chừ bảo em làm răng?
Nghe Thảo nói, Nguyên chợt nhớ lời nàng bên bờ sông Vĩ Dạ: Nếu anh Nguyên dám thì Thảo cũng liều. Bây giờ chàng hiểu sự chờ đợi đã có tiếng đáp lại – Em cần thời gian để chờ đợi một cái chi đó. Sự chờ đợi vô vọng mênh mông mà nàng đã gặp đấy ư? Nguyên nhìn ánh mắt chờ đợi của Thảo và cố nén cơn xúc động lại dâng lên:
- Nếu em chọn con đường chông gai thì phải có nhiều can đảm và tự chủ để dứt ra khỏi mối ràng buộc đã quá lâu giữa hai gia đình cùng của em và Châu. Có hai việc Thảo cần làm ngay: Thứ nhất là thưa với mạ em cần học xong cả tú tài lẫn sư phạm như em đã nói với anh, nên chưa nghĩ đến chuyện hôn nhân và em cũng không muốn tình trạng bị đặt cọc trong một thời gian quá dài. Thứ nhì là nói hoặc viết thư bảo Châu hoãn lễ hỏi, vì em cần có thời gian để suy nghĩ kỹ hơn.

Nguyên ngừng lại một lát, rồi giải thích:

- Cách này mạ sẽ dễ nói với cha mẹ Châu mà Châu cũng không bị sốc nặng. Cự tuyệt ngay sẽ rất mệt cho em và cho cả mọi người. Cần qua được chuyện này, rồi sau sẽ tính tiếp.
- Cám ơn anh. Em bị bấn loạn, không biết làm răng.

Nguyên chợt mủi lòng trước ánh mắt vui của Thảo, vì biết rằng điều mình nói cũng chỉ để níu kéo thời gian và nghĩ đến việc phải chống chọi mà Thảo khó có thể vượt qua đối với hoàn cảnh của nàng, rồi bỗng buột miệng: Thế em không sợ chiến tranh à?

Thảo nhìn Nguyên thản nhiên:
- Em sợ, nhưng em chọn.
Câu trả lời như một nhát dao chặt đứt mối sợ hãi đang đè nặng và chàng mỉm cười trước sự sai lầm của mình khi nhìn cánh áo học trò với ánh mắt đen trong, đượm nét hồn nhiên của Thảo.
Mấy cơn gió từ ngoài sông thổi vào lật tung mái tóc phủ kín vai. Thảo đẩy mái tóc ra phía sau, nhìn Nguyên như muốn nói nhưng lại ngập ngừng cầm ly nước đưa lên môi... Thấy thế Nguyên hỏi:
- Em định nói gì lại thôi?
- Đã từ lâu em muốn hỏi anh một điều.
Nguyên cười:
- Muốn hỏi gì thì hỏi, chớ làm chi mà có vẻ nghiêm trọng như vậy?
- Hình như anh có một nỗi buồn chi nặng lắm.

Nguyên hỏi:

- Bằng cớ nào mà em đoán như thế?
- Bằng cớ trên mặt anh. Vì những lúc anh ngồi ở hiên nhà từ chiều tới tối, khi mô nhìn mặt anh, em đều thấy nét buồn đó. Anh chỉ vui khi nói chuyện còn ngồi một mình thì buồn.

Nguyên ngạc nhiên về điều nhận xét của Thảo, trầm ngâm một lúc:

- Anh không có gì vui mà cũng không có nỗi buồn gì như em tưởng. Anh hay ngồi một mình lặng yên như thế là do mồ côi cha mẹ và quen sống cô độc từ nhỏ đến giờ. Bao nhiêu năm ở Sài Gòn, anh sống một mình một gác xép hay một gian nhà ở ngoại ô, còn bây giờ thì một chiếc võng trong một cái hầm ở căn cứ hay một chiếc võng ở giữa một làng hoang. Trước đây mỗi lần về Huế, anh thấy lạc lõng giữa phố phường. Đời sống như thế thì phải hằn lên những nét buồn chớ làm sao có nét vui.
- Rứa anh không có họ hàng thân thích ở Sài Gòn?
- Anh di cư với gia đình ông chú. Năm 1955, ông chú chết trong trận đánh nhau với Bình Xuyên ở Sài Gòn. Sau đó, bà thím đi lấy người khác. Thế là hết họ hàng thân thích.
Thảo nắm chặt tay Nguyên:
- Từ nay có em.

Nguyên cười:

- Thì cứ cầu với thần sông Hương cho anh ở lại Huế.
- Khi mô cũng trêu em - Thảo xúi xuống nói nhỏ.
Thấy ánh nắng đã gần tắt ở rặng núi cao, Nguyên nói:
- Mình về thôi Thảo, chiều rồi.

Thảo ngước nhìn lên:

- Chừ anh cho em tới chợ Đông Ba. Em đi chợ. Hôm nay anh về nhà ăn cơm.
Nguyên nhìn Thảo định nói, nhưng nàng cười:
- Không phải chỉ có một mình em mời. Buổi trưa mạ bảo em xuống nói với anh mà em quên.
Nguyên hỏi:
- Thế hôm nay cô chủ định làm món gì đãi khách?
Thảo nhìn Nguyên, nét tinh nghịch đã trở lại:
- Em làm món miến sào cua Lăng Cô.

Nguyên bật cười, đứng dậy vào quán trả tiền.

Khi tới những bậc đá xuống đường, Nguyên đứng lại chỉ về phía núi:
- Em coi dòng sông và những lớp núi xanh tím kia. Quán này ở một vị trí nhìn được toàn cảnh sông Hương và núi non phía tây bắc. Hôm em bất chợt hỏi anh thấy gì là thơ mộng ở Huế, anh đã nhớ đến cảnh sắc này.
Tà áo dài lụa trắng bay lên theo gió sông, cuốn vào chân Nguyên. Thảo giơ tay giữ vạt áo, nhìn về hướng núi một lúc, rồi mỉm cười gật đầu.

6

Nguyên ngồi một mình trong quán gần suốt buổi chiều với ly cà phê đen và bao thuốc. Mưa đang phủ trắng rặng núi Hải Vân và Lăng Cô thành giải đất hoang vu, mờ ảo trong những cơn mưa lạnh. Chàng lơ đãng nhìn chiếc xe hàng ướt át, ì ạch dừng lại ở gần ngã ba đường đi vào chợ Lăng Cô. Hành khách xuống xe, mấy người đầu là binh sĩ đi phép về, kế là mấy bà đi mua hàng với gồng gánh. Người cuối cùng là một cô gái mặc áo mưa trắng mà vừa nhìn thấy, Nguyên sửng sốt lao ra khỏi quán, chạy băng qua đường ôm chầm lấy cô gái:
- Thảo!
- Em đây.
Khi hai mặt dời nhau Thảo mỉm cười nhìn Nguyên trong làn mưa bụi. Chàng lấy bàn tay vuốt những giọt nước trên má Thảo, rồi kéo nàng vào quán.
Ngồi vào bàn, Thảo nói:
- Áo anh ướt hết rồi.
- Áo jacket dày, không sao.
Cô chủ quán ngạc nhiên thấy hai người ôm hôn nhau dưới mưa ở giữa đường, một việc cô chưa từng gặp, nên bước tới tươi cười hỏi:
- Thiếu uý với cô dùng chi?
- Cô cho tôi hai ly cà phê sữa - rồi quay lại: Em uống được cà phê chớ?
- Dạ được.

Nguyên khuấy cho sữa tan đều trong ly cà phê mới đem tới, đặt trước Thảo, rồi hỏi:

- Em đi Đà Nẵng?
- Dạ.
- Sao lại chọn những ngày gần Tết mưa gió này mà đi?
Thảo đáp:
- Anh Khuê bị bệnh nặng. Mạ định đi, nhưng em bảo trời mưa lạnh để em đi.
Nguyên hỏi:
- Đêm qua một chiếc cầu bị giật sập ở Phú Lộc. Em phải đi bộ bao xa để đón xe Lăng Cô?
- Khoảng hơn 3 cây số, vì qua cầu còn phải tránh một số mô nữa - Thảo đáp, rồi cười: Phải đi vòng theo bờ ruộng trơn, em suýt té mấy lần.
- Cầu bị sập như thế, sao em không trở lại Huế?
Thảo nhìn Nguyên:
- Em cần ra với anh.

Thấy ánh mắt lạ của Thảo theo câu nói, Nguyên linh cảm niềm vui của nàng khi nghe chàng đưa ra cách xử trí ở quán Kim Long đã tan biến, nên hỏi:

- Vậy chuyện anh bảo em làm, kết quả ra sao?
Thảo lắc đầu:
- Tình thế rắc rối hơn. Cả tháng nay em như sống trên lò lửa.
Nguyên không muốn nói chuyện này ở quán, nên chàng lảng:
- Trăm năm mới có một lần gặp ở góc vịnh heo hút này. Ở đây có đủ thứ đồ biển.
Thảo nói:
- Em không muốn ăn chi. Cho em một tô cháo.
- Ăn cháo thôi ư - Chàng đặt tay lên vai Thảo: Đi đường mưa gió cả ngày. Vậy để anh bảo nấu cháo cá.

Nguyên vào phía sau nói với chủ quán, lúc quay ra bảo Thảo:

- Em đi với anh vào trong xóm để rửa mặt, rồi sẽ trở lại đây ăn cháo.
Trời đã tối và lạnh hơn dưới những làn mưa buị. Trên đèo Hải Vân vẳng xuống tiếng đại liên với ánh hỏa châu leo lét ở căn cứ hạ. Nguyên nắm chặt bàn tay ấm của Thảo đi qua đường. Hai người cúi đầu tránh những hạt mưa tạt vào mặt, đi ngược gió về phía xóm chợ.

**
Nguyên dẫn Thảo vào chiếc lô cốt đúc bằng bê tông ở gần đầu cầu. Chàng bật diêm, đốt chiếc đèn bát và thấy ánh mắt Thảo lộ vẻ ngơ ngác. Nguyên vỗ khẽ vào vai nàng:
- Em không quen cảnh sống lính tráng này đâu.
Thảo lắc đầu:
- Không phải không quen, nhưng em thấy anh tội quá.
- Trong chiến tranh mà được ở đây là nhất rồi. Khi đi lưu động thì phải nằm đất, nằm võng dưới mưa hàng tuần, hàng tháng với thứ mưa miền Trung, mưa Huế - Nguyên cười rồi nói: Em nằm nghỉ cho đỡ mệt, anh phải đi lo một ít việc.

Khi Nguyên trở vào lô cốt, Thảo đang ngồi trên giường vải, tay mân mê cuốn “Quiet Flows the Don” và đang nghe Hà Thanh hát bản “Mấy Dặm Sơn Khê” từ chiếc radio nhỏ để ở bàn: “Anh như ngàn gió ham ngược xôi, theo đường mây. Tóc tơi bời lộng gió bốn phương...”. Nguyên mỉm cười thấy nàng mở máy lại đúng lúc có bản nhạc lãng mạn của thời chinh chiến.


Nghe hết bài hát, thảo tắt máy, rồi chỉ vào hộp mứt thẫp cẩm và gói trà sen trên bàn:

- Em đem cho anh ít quà tết để trả nợ giỏ cua Lăng Cô.
Nguyên cười, đặt tay lên vai Thảo:
- Phải chi được trả bằng thanh âm.
Thảo nói:
- Em đang tập một số bản mới, ngày mô anh về em trả nợ... Có cả bản anh thường hát, gọi là Hà Nhật... chi đó, tên tiếng Anh là “When will you be back?”
- À, đó là bản “Hà Nhật Quân Tái Lai”. Khoảng năm 1952-53, có nhiều dịp đi tàu đêm từ Quảng Yên ra Hòn Gai và đảo Cát Bà, anh thường nghe người Tàu đứng trên boong tàu hát hay huýt gió bài đó, nên nhập tâm trở thành bài hát ruột của mình. Sau này vào Nam anh cũng nghe nhưng ít hơn – Chàng ngừng lại, vỗ nhẹ vào má Thảo hỏi: Mà sao em tìm ra bản đó?
- Biết mô mà tìm - Thảo đáp, rồi mỉm cười: Nhưng ngẫu nhiên... gặp trong tuyển tập nhạc Romance Piano của Đài Loan.

Nguyên buột miệng:

- Vậy thì cũng ngẫu nhiên như chủ nhà gặp..., rồi chợt ngừng lại, nhìn Thảo cười.
- Răng anh không nói hết?
- Không nói nữa. Nói hết có người lại phụng phịu bảo khi mô cũng trêu.
Thảo cười:
- Nói đi..., em không nói như rứa nữa mô.
Nguyên lắc đầu:
- Thôi, chờ khi nào trả xong món nợ thanh âm sẽ hay.
- Hết trêu lại làm khó - Thảo vừa nói vừa kéo tay Nguyên áp vào môi một lúc, rồi cầm cuốn sách để lại bàn:
- Đọc mấy câu giới thiệu trên bìa, em biết cuốn truyện ni được giải thưởng Nobel năm 1965. Thế nội dung tác phẩm viết về cái chi anh?

Nguyên nói:

- Đây là bộ truyện lớn nhất của Mikhail Sholokhok, nhà văn Nga Sô, nội dung viết về cuộc nội chiến ở Liên Sô giữa lực lượng Cộng Sản và không Cộng Sản. Ông ca ngợi Cộng Sản, nhưng cũng mô tả những sự thật trong cuộc chiến tranh đó.
Thảo nói:
- Tuần trước mạ bảo em xuống mở cửa phòng anh cho thoáng. Em thấy gia sản của anh toàn là loại sách pocket book, cả chục thùng.
Nguyên cười:
- Anh chẳng có gì ngoài mấy cuốn sách. Hơn một năm qua, anh đã đi thu thập ở khu chợ trời Đông Ba, sách từ mấy căn cứ Mỹ thải ra, thượng vàng hạ cám, bìa dính đầy bơ và dầu. Nhưng nhờ đó mà anh kiếm được nhiều sách hay. Gần một phần ba số sách đó là sách của thế giới Cộng Sản: Liên Sô, Đông Âu, Trung Cộng và cả Bắc Việt.
Thảo nói:
- Em thấy trong mấy thùng, sách còn ẩm, nên đã xếp hết ra ngoài.
- Cám ơn em đã để ý giúp anh việc đó – Nguyên nói rồi nhìn Thảo: Thôi bỏ qua chuyện sách vở. Bây giờ trở lại chuyện của em.

Nghe Nguyên nói, Thảo lặng đi một lúc, rồi nhìn chàng:

- Sau khi em nói với mạ và viết thư như anh chỉ thì em biết thực sự anh Châu không chủ động việc ni mà là gia đình anh ấy. Vì ba anh Châu đang bệnh và đã quá yếu, nên gia đình tính việc hỏi rồi sẽ làm đám cưới sớm.
- Thế còn mạ?
Thảo nói:
- Việc em không bằng lòng lễ hỏi đã làm bấn loạn cả gia đình. Mạ nói là gia đình Châu đã coi em là con dâu từ mấy năm nay, thành ra không biết làm răng. Gần cả tháng họ hàng nhà em, ông chú, bà thím, ông cậu, bà cô đã như đổ thêm dầu vô lửa. Họ bảo em là mấy năm nay tại răng không nói với Châu, tới chừ lại tự nhiên dở chứng - Thảo ngừng lại một lúc để thở: Các ông bà ấy nói là thời buổi chiến tranh, gặp được một gia đình nề nếp, gặp được Châu học hành, ngoan ngoãn như rứa là phúc mấy đời, còn kén chọn chi nữa - Tới đây Thảo nghẹn lời, nàng cúi xuống, rồi nói như khóc: Cả tháng ni, lúc nào nhà cũng như có đám tang, mạ khóc lóc còn các em thì rầu rĩ.
- Thế bây giờ em định thế nào?
Thảo nói:
- Gia đình Châu định tháng giêng sẽ làm lễ hỏi và sau đó mấy tháng sẽ cưới. Còn mạ thì năn nỉ em nhận lời. Mạ nói là để gia đình không thất hứa và không có lỗi với ba – Nàng ngừng lại một lúc nhìn Nguyên chăm chăm: Em định cho mạ biết chuyện, nhưng em sợ mạ sẽ ngăn cấm em và không cho anh ở nhà nữa. Vì thế, em đã tìm cách ra đây với anh, rồi về sẽ cho mạ biết để chấm dứt mọi chuyện ép buộc.
Nghe Thảo nói, Nguyên bàng hoàng, tay run lên và chàng phải chống bàn tay lên đùi. Hai người nhìn nhau một lúc lâu, rồi Nguyên nói:
- Gia đình đúng ở lý, còn em đúng ở tình. Gia đình không thể hiểu được thứ tình này. Em có thể quyết định đời mình theo tình, nhưng đừng bắt bà cụ phải chịu một vết thương quá lớn. Anh cũng không muốn vì giữ tình mà em phải chịu sự hy sinh quá nặng nề giữa đời sống có nhiều tương giao và dư luận. Em còn là học sinh, Thảo ạ.

Nguyên với tay rót ly nước, uống một hơi, rồi rót ly khác đẩy về phía Thảo:

- Trước đây điều anh bảo em chỉ là để mua thời gian đối với một hoàn cảnh bình thường. Bây giờ đã tới chân tường mà em đã quyết định như thế thì làm cách khác. Châu quá khó nói trong chuyện này và không thể quyết định được. Vì thế em phải viết thư cho gia đình Châu thưa là bao lâu nay em chỉ coi Châu như một người anh. Em không yêu Châu, nên không thể tiến tới hôn nhân. Em cám ơn cha mẹ Châu đã yêu thương tin cậy em, nhưng xin tạ lỗi, vì em phải sống theo tình cảm của mình. Còn với mạ, em cho bà biết việc viết thư tạ lỗi cha mẹ Châu và cho bà biết chuyện của chúng ta. Đây là cách dứt khoát kết thúc mọi mối ràng buộc, sẽ có nhiều buồn giận, nhưng không tạo ra những vết thương – Chàng ngừng lại một lát, rồi tiếp: Việc em ra đây, nói hay không thì gia đình cũng sẽ biết. Vì thế khi về, em nói với mạ là cầu sập, em đã tìm cách ra Lăng Cô, hy vọng có xe đi Đà Nẵng. Nhưng mãi tới gần tối mới tới Lăng Cô, nên em đã phải ở lại chỗ anh.

Nguyên bước tới ôm đầu Thảo, vuốt theo mái tóc phủ đầy lưng. Chàng nâng mặt Thảo lên, vuốt vào hai má xuống đến cằm, rồi tát khẽ vào một bên má:

- Liều lĩnh! Tinh nghịch thì được, chớ không được liều lĩnh, nghe không cô.

Thảo choàng tay ôm Nguyên và dụi mặt vào ngực chàng. Mái tóc dài đen nhánh phủ hết hai bờ vai Thảo và xõa trên ngực Nguyên. Chàng nghe tiếng sóng và gió ào ào ở dưới vịnh, tiếng binh sĩ đổi gác ở đầu cầu và tiếng đại liên nổ rền trên đèo Phú Gia. Nguyên đặt Thảo nằm xuống giường, rũ chiếc mền nylon rằn ri của binh sĩ Mỹ đắp cho nàng. Nhìn hai môi Thảo đỏ mọng trên khuôn cổ cao, mịn như trái nho, chàng bỗng nổi gai ốc. Nguyên tránh đôi môi, vì biết rằng nếu chạm vào đó sẽ bị cuốn trôi, nên đã đặt môi mình vào trán Thảo một lúc, rồi nói trong ánh mắt lung linh của nàng:

- Ngủ đi nhé, khuya rồi.

Chàng đứng dậy buông mùng, vặn nhỏ đèn, với tay lấy chiếc võng nylon, rồi đi ra.

Bước vào hầm truyền tin, Nguyên hỏi người lính đang nằm trên võng:
- Đây còn chỗ treo võng không cậu?
Người lính truyền tin ngồi dậy nói:
- Thiếu úy nằm võng của ông Song cũng được. Võng có sẵn mùng. Ông ấy đi phép chưa về.
- Vậy thì tốt – Chàng vừa nói vừa bước tới góc hầm thì một tiếng nổ trên đường làm rung chuyển hầm truyền tin, liền đó là tiếng nổ ở phía cầu.
- Pháo kích thiếu úy – Âm thoại viên nói nhanh – Non nước nghe Một trả lời...
- Thiếu úy, Một bảo nó đặt cối ở khoảng đầu khúc quành đường rầy.

Thấy súng cối của mình đã phản pháo, Nguyên bước ra ngoài nói lớn:

- Bắn vào một điểm C thôi, ông Linh.
Quay vào, Nguyên bảo truyền tin:
- Gọi Nhật Tảo.
- Nhật Tảo, Nhật Tảo, Non Nước gọi trả lời...
Âm thoại viên đưa ống liên hợp cho Nguyên:
- Nhật Tảo, cho tôi gặp thẩm quyền.
- Nhật Tảo, Non Nước gọi... Chào đại bàng. Nó đang pháo tôi bằng 82. Xin đại bàng cho chụp ít trái lên điểm số 3...

Nguyên trả ống liên hợp và bảo truyền tin:

- Nói với Một chú ý chân cầu gần bờ, rồi đem máy ra ngoài.
Nguyên chụp chiếc nón sắt lên đầu, bước ra khỏi hầm trong tiếng đạn nổ trên đường cùng với những tia lửa vọt lên của đạn phản pháo. Đến bên cạnh ụ súng cối 81, Nguyên nói:
- Ngừng đi ông Linh. Để pháo binh giải quyết.

Mấy người lính vũ khí nặng vừa bỏ trái đạn xuống thì những tia lửa dài như ánh chớp cùng với tiếng nổ như xé không gian bùng lên ở phía triền núi.

- Nhật Tảo, Nhật Tảo... Hướng đó, gần lại 300...
Tiếng nổ thứ hai bùng lên gần hơn.
- Nhật Tảo, Nhật Tảo... 5 trên 5, cám ơn đại bàng.

Nhìn những tia lửa lóe sáng cùng với những tiếng nổ như sét đánh ở bờ vịnh bên kia, Nguyên nhớ lại lần thoát chết khi mới ra trường được ít tháng ở căn cứ Lương Mai. Đêm ấy, khi căn cứ bị địch tấn xông và tràn ngập, chàng đã nằm giả chết giữa hai binh sĩ đã chết ở giao thông hào trong tiếng hô xung phong và ánh lửa lựu đạn địch ném vào các hầm. Nhưng ngay lúc đó chàng nhào dậy lợi dụng bóng tối theo chân địch ra khỏi căn cứ, vì nhớ lời ông đại đội trưởng nói một lần là khi căn cứ thất thủ, mất liên lạc, pháo binh sẽ bắn đạn nổ chụp lên căn cứ để tiêu diệt địch. Vừa thoát ra khỏi hàng rào khoảng hơn trăm mét thì pháo binh bắn tới và Nguyên đã bò theo một bờ đất cao, cỏ rậm ra xa tầm đạn, nằm nhìn những tia lửa bao phủ căn cứ.


Bên triền núi, những tia lửa đã tắt và âm vang của tiếng nổ như đang trải dài vào sâu trong núi rồi mất hút. Trung sĩ Linh lên tiếng:

- Năm hết, tết đến rồi mà bắn phá khắp nơi. Chúng bắn mấy chục trái, được mấy trái rơi trên đường, còn bao nhiêu xuống nước hết.
- Mục đích của nó là bắn để phá rối – Nguyên nói, rồi quay sang truyền tin:
- Báo chi khu là mình vô sự, còn kết quả pháo binh để ngày mai.

Vừa lúc đó thấy hai ông trung đội trưởng đi tới, Nguyên nói:

- Tôi đang định gọi thì các anh đã tới.
Chuẩn úy Ngô hỏi:
- Có việc chi thiếu úy?
- Sáng mai chúng ta đi lục soát khu vực bên kia xem có dấu vết gì không. Hai anh cho con cái sẵn sàng trước 6 giờ, chờ tôi qua.
Nguyên đứng dậy:
- Chúng ta đi ngủ thôi, mai còn dậy sớm.

Nguyên vừa bước vào lô cốt thì Thảo ôm chầm lấy, hôn lên mặt, lên cổ, rồi gục mặt vào ngực chàng. Chàng ôm đầu Thảo một lúc, rồi đặt nàng xuống ghế bố.

- Em sợ không?
Thảo lắc đầu và chỉ vào hai lỗ châu mai:
- Qua đây, em thấy đạn nổ gần cầu và đạn pháo binh ở sát núi.
Nguyên cười:
- Anh sợ em đang ngồi run, chớ như thế thì thành lính chiến rồi.

Nhìn mái tóc Thảo xõa phủ một bên ngực trên lụa mỏng với ánh mắt đen lung linh dưới đôi mày biếc cong, Nguyên bước đến lấy hai ngón tay đè lên hai mu mắt:

- Hai con mắt này! Thôi ngủ đi nhé, đôi mắt.
Nguyên bước ra khỏi lô cốt, đi dọc theo cầu. Mưa đã tạnh. Rặng núi Hải Vân nổi lên như một trường thành lẩn vào mây đêm. Gió hú từng cơn qua cầu và ở bãi biển bên kia vọng lại tiếng sóng ào ào bất tận. Chàng bước xuống một vọng gác ở chân cầu, hỏi người lính gác:
- Cậu thấy đạn nổ bao xa?
- Dạ, cách cầu chừng mươi, hai mươi thước.

Nguyên trầm ngâm trước hàng chân cầu có vòng dây thép gai bao quanh. Ánh điện soi sáng những con cá lớn bằng bàn tay bơi lượn lên sát mặt nước, rồi mất hút theo những làn sóng xanh cuồn cuộn qua chân cầu. Nhìn người lính ôm súng ngồi bên chân cầu dưới ánh điện, chàng nghĩ đến những chiếc cầu dài 5, 10 mét chìm trong đêm tối trên những quận lộ gập ghềnh, nửa nhựa, nửa đất đá, chạy qua những đồng ruộng, thôn làng, kênh rạch mà hai năm qua đại đội Nguyên đã phải trấn giữ với nhiều tổn thất. Vì thế, khi đại đội được về giữ một cây cầu huyết mạch có ánh sáng điện, lại ở một vị trí địch khó xâm nhập, nên Nguyên thấy yên lòng, thảnh thơi với những thú vui như câu cá dưới chân cầu, đi bắt cua với lính khi nước ròng, chạy ca nô trong vịnh để tìm luồng cá đối. Có lần chỉ hai trái lựu đạn M26 quăng xuống chặn đầu luồng và cuối luồng mà lính đã vớt lên cả trăm con, mỗi con nặng cả kí. Nhưng hơn nửa tháng nay thì tình thế đã thay đổi, vì mìn đã nổ mấy lần trên đoạn đường từ Lăng Cô lên đèo Phú Gia và Phước Tượng. Hai trung đội nghĩa quân của Lăng Cô đã không thể giữ yên cho cái xã ven biển này và đại đội Nguyên đã phải biệt phái cho xã một trung đội để giữ an ninh phía đồi cát ven quốc lộ. Cái vui được về nơi yên ổn đã hết. Rồi trong vài tháng nữa, đại đội sẽ trở lại với những cây cầu chìm trong đêm tối với thôn làng đầy mìn bẫy... Nghĩ đến Thảo, chàng sợ và thương sự liều lĩnh của nàng.

Tiếng đại liên lại nổ rền trên đèo Phú Gia. Nguyên nhìn theo mấy trái hỏa châu vật vờ bay về hướng núi.

7

Nhìn những toán hành khách lũ lượt đi vào mấy quán nước và những chiếc xe hàng đậu nối đuôi nhau chờ giờ xuống đèo, Nguyên nói:
- Huế, Đà nẵng chỉ cách nhau hơn trăm cây số, nhưng do đèo Hải Vân mà phải đi mất một ngày.
Thảo cười:
- Đường đèo nhỏ quá. Em ngồi sát cửa xe, nhiều lúc rờn rợn như xe đi ra ngoài khoảng không ở mấy khúc quành.
Nguyên hỏi:
- Trước đây em đi Đà Nẵng thường không?
Thảo lắc đầu:
- Không anh. Đây là lần thứ ba. Lần đầu đi với ba vô thăm gia đình ông bác thời còn nhỏ. Năm tê, đi với mạ thăm anh Khuê, khi anh mới được bổ làm việc ở Đà Nẵng một thời gian.

Nguyên xoay xoay ly cà phê, nhìn cánh áo dài màu vàng thẫm Thảo mặc nổi bật dưới chiếc áo len đen. Từ ngày biết Thảo, hôm nay Nguyên mới thấy nàng mặc áo dài màu. Vì thế, lúc nàng bước ra khỏi lô cốt, chàng có cảm tưởng Thảo là một bông hoa nở rực giữa trời nắng nhẹ với màu xanh trùng trùng của biển và núi.

Thảo nói:
- Lần trước đi qua Lăng Cô, em chỉ vô quán ngồi đợi giờ xe lên đèo, nên không thấy chi. Lần ni mới thấy được sự ngoạn mục. Khi bước ra khỏi lô cốt, em ngợp trước màu xanh biếc của biển, núi và trời. Nhìn anh đứng tựa thành cầu hút thuốc trong màu xanh đó, em thấy anh không có nét chi là nét của một người lính tác chiến.

Nguyên bật cười:

- Thế lính tác chiến không được đứng tựa thành cầu?
- Không phải... Em không biết nói răng, nhưng có lẽ do kiểu anh đứng hút thuốc.
Nguyên cười, rồi nói:
- Vịnh Lăng Cô ngoạn mục do núi cao bao quanh. Ở dưới nhìn lên thì núi đụng mây. Ở trên đèo nhìn xuống thì mênh mông trời biển. Còn đèo Hải Vân là một kỳ quan nên vua Lê Thánh Tông khi dừng quân ở đây đã ban cho danh hiệu là Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan. Từ ngày ra đây, anh thường lên đèo uống cà phê, nên có nhiều dịp thấy cảnh Lăng Cô thay đổi: Sáng xanh, trưa rực rỡ và chiều tím.
Thảo hỏi:
- Anh đi một mình hay đi với mấy ông trong đại đội?

Nguyên cười:

- Một mình thôi. Các ông ấy ngại xa, chê trên đèo buồn. Trong xóm chợ Lăng Cô có các cô vui hơn.
- Rứa anh lên đèo bằng chi?
- Có khi theo xe khách, có khi đi bằng Honda của mấy ông hậu cứ. Đèo Hải Vân cũng đi theo đường vòng nhiều tầng gần nhau như đèo Ngoạn Mục ở Đà Lạt, chỉ khác Ngoạn Mục là Hải Vân ở cạnh biển và ít hoa dại. Đèo Ngoạn Mục nhìn xuống nhiều tầng thung lũng với những tầng đầy hoa trắng, hoa tím, nhưng đặc biệt là loài hoa dã quì. Có những đoạn, rừng dã quì vàng rực cả một sườn đồi.
Thảo hỏi:
- Dã quì là hoa chi?
- Hoa quì màu vàng, còn gọi là huỳnh hoa có hai loại: dã quì mọc bên núi rừng, hoa nhỏ và chỉ có một lớp cánh, còn hoa quì vườn do người trồng, hoa lớn, có nhiều lớp. Hoa quì luôn hướng về phía mặt trời nên còn có tên là hoa hướng dương. Ở Huế hình như không có. Anh đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy loại hoa này. Dã quì mọc thành rừng ở Đà Lạt hay những vùng cao nguyên từ Lâm Viên xuống đến Lâm Đồng đã tô điểm cho những con đường, sườn đồi và thung lũng với màu vàng như màu áo của em.

Nguyên ngừng lại nhìn Thảo mỉm cười:

- Khi nào có dịp vào Đà Lạt, em nhớ lấy một ít hạt hoa quì đem về gieo trên đèo Hải Vân.
Thảo hỏi:
- Răng anh không làm mà lại bảo em?
Nguyên đáp:
- Em là người Thuận Hóa, phải nhớ lời chúa Nguyễn dặn con làm đẹp miền đất dựng nghiệp trên đường Nam tiến, còn anh chỉ là người đi theo thì kể chi.
Thảo cúi xuống, bưng mặt để giữ tiếng cười khiến hai vai rung lên, một lát ngước lên:
- Anh nói em không biết đường mô. Răng là Thuận Hóa, răng là đi theo mà biết ai theo ai?
- Anh theo em, nên đã bị cột ở dưới cái giếng Cồn Hến- Vĩ Dạ.
Thảo cúi xuống cười, Nguyên cười theo, rồi nói:
- Hoa quì có một đặc tính là hướng về mặt trời nên trở thành biểu tượng của người thục nữ. Năm đệ tam, học Chinh Phụ Ngâm Khúc, anh còn nhớ hai câu thơ Hán nói về biểu tượng của hoa quì:
Huỳnh hoa linh lạc vô nhân khán
Độc tự khuynh tâm hướng thái dương.
Rồi hỏi:
- Em cũng theo ban C, khi học Chinh Phụ Ngâm có biết hai câu này không?
Thảo cười:
- Thơ Việt còn nhớ không đủ để làm luận, nói chi thơ Hán. Thế nghĩa hai câu đó là răng?
Nguyên đáp:
- Nghĩa là: Hoa vàng rụng không người đoái hoài, nhưng chỉ một lòng hướng về ánh mặt trời. Trong Chinh Phụ Ngâm diễn rõ ý này ở đoạn:
 Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái
Hoa để vàng bởi tại bóng dương
Hoa vàng hoa rụng quanh tường
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần.
Thảo gật đầu:
- Đoạn ni em nhớ.
Nguyên hỏi:
- Trong ba tác phẩm Chinh Phụ, Cung Oán và Kiều, Em thích cuốn nào?
- Chinh Phụ Ngâm, anh ạ.
Nguyên cười:
- Tại sao?
- Em thích nhạc điệu của thơ và tình ý của văn. Tình ý trong Chinh Phụ hợp với em hơn, chẳng hạn đoạn- Hướng dương lòng thiếp như hoa – là nói về tâm trạng chờ đợi, nhưng điều làm tỏ lộ được của thời gian chờ đợi mỏi mòn là sự giận hờn của người chinh phụ, vì nhớ thương đến chóng mặt, quay đầu thì biến thành giận hờn.

Nàng ngừng lại một lát nhìn Nguyên với ánh mắt buồn, rồi tiếp:

- Ngoài văn tài và tình ý, nói chung em thích Chinh Phụ Ngâm có lẽ nó gần với hoàn cảnh chiến tranh ngày nay. Vì tiếng than và nỗi đau của người chinh phụ cũng là tiếng than và nỗi đau của biết bao phụ nữ quanh ta. Em nghĩ rằng những người đang mang nặng nỗi đau này sẽ rất thấm thía với câu: Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
Thấy Thảo lấy tâm trạng của chinh phụ để vận vào mình, Nguyên ân hận là đã vô tình đi từ chuyện vui của của hoa quì sang chuyện chinh phụ trong khung cảnh đưa tiễn trên đỉnh đèo heo hút này, nên chàng nắm tay Thảo một lúc, rồi hỏi:
- Hôm nào em về?
- Còn xem anh Khuê bệnh ra răng, nhưng lâu nhất cũng chỉ 2 hoặc 3 ngày.
Nguyên nói:
- Từ nay tới tết, anh không thể đi Huế được. Sau tết anh sẽ về nói chuyện với mạ. Gia đình sẽ buồn em và giận anh. Nhưng buồn giận gì rồi cũng sẽ qua. Em nhớ lời anh dặn và cứ thi xong vào sư phạm rồi mình sẽ tính – Nhìn ra đường thấy hành khách lác đác trở lại xe, Nguyên đứng dậy, đi trả tiền, rồi bảo Thảo: Em ra xe, không lát nữa đầy người khó lên.

Khi bước xuống thềm quán, Thảo nói:

- Anh ở lại đây, để em đi một mình.
Thấy mắt Thảo chơm chớp, Nguyên cầm tay nàng:
- Đừng khóc... Đi bình an, qua tết anh về.
Thảo cúi xuống một lúc, rồi nói:
- Em đi, anh.

Nàng cúi đầu bước ra đường và mấy giọt nước mắt lăn nhanh xuống hai má. Đường đèo xế chiều không còn nắng như đi vào khoảng không theo những làn mây trắng đục phủ kín sườn núi phía dốc xuống. Thảo dừng lại đưa khăn tay lên mặt và tà áo dài theo gió vờn lên như một cánh bướm vàng bên vách núi xám, ùn ùn khí núi bốc lên mù mịt dưới vực thẳm.


8

Nguyên đã đi gần khắp các gian phòng đầy người lánh nạn tại trường trung học Kiểu Mẫu, nhưng không tìm thấy gia đình Thảo. Chàng đang ngơ ngẩn đứng trước một cửa sổ ở dãy cuối thì thấy Thanh Chi ngồi ủ rũ bên cạnh bà Phán và Trung đang nằm. Nguyên bước nhanh vào phòng, cùng lúc Thanh Chi cũng vừa nhìn thấy chàng, mắt mở lớn đứng dậy.
- Thảo đâu?
Chi bật khóc: 
- Chị Thảo chết rồi!

Nguyên nhìn sững, mắt hoa lên. Chàng tựa vào tường rồi ngồi sụp trên nền nhà. Nguyên nhắm mắt lại và nghe tiếng khóc của bà Phán cùng những tiếng ồn ào vây quanh. Một lúc sau chàng mở mắt, lê tới cầm tay bà Phán. Bà đang cúi đầu nức nở trên chiếc chiếu rách, còn Trung ngồi yên nhìn Nguyên với con mắt thất thần. Nguyên cúi xuống nhắm mắt lại một lúc nữa, rồi đứng dậy kéo Thanh Chi và Trung ra ngoài.
Ngồi xuống bậc thềm, Nguyên hỏi:
- Việc xảy ra như thế nào, em?
Chi lấy vạt áo lau nước mắt, đáp:
- Nhà chạy theo người ta để thoát khu vực Việt Cộng chiếm, tới Đập Đá thì chị Thảo bị trúng đạn, đưa được tới trường Kiểu Mẫu thì chết – Chi ngừng một lúc, rồi nhìn Nguyên: Em ngồi vực chị, nghe chị gọi anh lúc chị nấc.
- Vậy mai táng chị ở đâu?
- Ở bờ sông, gần đây.

Nguyên ngồi lặng đi một lúc, rồi đứng dậy nói:

- Các em đưa anh ra chỗ chị.
Nguyên bước theo Chi và Trung, len qua những đám đông, đây đó những giải khăn sô làm trắng sân trường. Chàng dừng lại mua một thẻ nhang để trong chiếc rổ của cô bé bán nhang dạo và nhốt ruột trước cảnh mua nhang tấp nập trên hè đường trước cổng trường.

Thanh Chi, nước mắt dàn dụa, chỉ vào một nấm đất lởm chởm những tảng đất mới lẫn với cỏ. Nguyên đứng lặng nhìn nấm đất đã có những lá cỏ mới mọc màu vàng úa. Gần một tháng, từ mồng 2 tết, qua đài VOA và BBC, Nguyên đã theo dõi từng ngày tình hình chiến sự trong thời gian Cộng quân chiếm Huế. Sáng nay, trên đường về Huế, Nguyên đã hình dung đến lúc gặp ánh mắt và nụ cười chờ đợi của Thảo. Bây giờ, ánh mắt và nụ cười ấy đã biến mất dưới nấm đất cỏ úa kia... Nguyên bật diêm đốt thẻ nhang, cắm lên một tảng đất, rồi ngồi bệt xuống bên cạnh. Chàng ngồi nhìn khói nhang như thiếp đi, chợt tỉnh khi nghe tiếng Thanh Chi gọi:

- Anh Nguyên.

Nguyên đứng dậy nhìn Chi:

- Sáng nay trước khi tới trường anh đã về nhà. Nhà không bị hư hại, nhưng đồ đạc thì ngổn ngang khắp nơi. Một vài ngày nữa hai em nên về thu dọn lại nhà và bảo mạ về, càng sớm càng tốt. Anh thấy nhiều người cũng đã về - Chàng cầm tay Chi và Trung, nhìn về phía Cồn Hến, miệng lẩm bẩm: Thảo... chỉ còn các em... Nguyên định thần nhìn sự đổ nát bên kia sông, rồi lấy chiếc phong bì trong áo jacket đưa cho Chi:
- Em đem về cho mạ. Bây giờ anh phải trở lại Lăng Cô. Anh không vào trong đó nữa, vì thấy anh bà lại khóc – Chàng ngừng lại nhìn nấm mộ một lát, rồi tiếp: Em nói với mạ là việc dời mộ để anh lo.
Nguyên nhìn những làn khói nhang bay vật vờ trên nấm đất, bên cạnh giòng sông đục trôi nhanh, cúi đầu nói:
- Anh đi đây Thảo. Ít ngày nữa anh sẽ về đưa em tới một chỗ khác.

*

 Những tiếng khóc nhỏ dần rồi mất hút cùng với những người đi đưa đám tản mác dưới chân triền dốc, để lại ngôi mộ chơ vơ cùng những dấu chân trên đất ướt. Nguyên đứng lặng nhìn bầu trời sũng nước, lác đác những hạt mưa với những đám mây bay thấp trên đồi, rồi ngồi xuống một tảng đá trước mộ. Chàng đã đem Thảo đến đây để nàng được yên nghỉ với ba nàng trên một triền đồi vùng Dương Xuân Thượng mà mấy tháng trước Nguyên đã cùng gia đình lên đây trong ngày giỗ ba Thảo.
Thảo đã nằm dưới kia và sẽ tan biến trong lòng đất, còn chàng ở lại đây chơ vơ giữa cuộc đời đầy giông tố. Ngày mai chàng về đâu và tìm ai? Cánh áo dài trắng cuốn chân Nguyên chợt bay lên với tiếng nói “Từ nay có em” như văng vẳng đâu đây. Nguyên nhìn qua sông, chùa Thiên Mụ ẩn hiện trong những làn mây xám, và gió thổi ào ào qua mấy bụi cây trên đồi. Nguyên nhìn xuống ngôi mộ, bật khóc. Chàng bưng mặt, cúi gập người bên mộ Thảo, hai vai rung lên trong cơn mưa đang đổ xuống.