Hình minh họa của Ann Phong
Lá phổi của tôi nhận ra không khí. Một cái bình đựng dầu rỗng nhưng có
nắp đậy trôi bập bềnh bên cạnh. Chụp lấy nó, trồi lặn, những làn sóng có tác
dụng như bàn đạp. Xa xa, những chiếc bóng lần lượt nhảy xuống biển trong khi
chiếc tàu đánh cá của chúng tôi đang hừng hực bốc cháy. Tiếng cười của bọn hải
tặc rộ lên giữa tiếng máy tàu rồ mạnh cùng tiếng la ó hỗn loạn từ những cô gái
bị bắt đi. Một cái bóng tóc dài nhảy vọt xuống biển. Tôi đếm thấy tám cái đầu
bập bềnh trên mặt đại dương.
Bàn chân tôi cảm nhận được cát. Rắn chắc, sần sùi, nhột. Cảm giác vui
mừng đặt chân lảo đảo vào đất liền, rồi bò xuống, và cuối cùng nhấc toàn thân
ra khỏi biển. Toàn bộ trọng lượng đặt lên hai lòng bàn tay, hai đầu gối. Tôi
trườn vào bờ và bắt đầu ói.
Những tấm thân nát bấy khác bò vào đất liền. Những sinh thể màu nâu rần rần
chạy về phía chúng tôi. Tôi cuộn mình lại như một con bọ, đưa hai tay che lấy
đầu.
“Không sao, không ai làm gì cháu đâu.” Một giọng nói nữ, giọng miền nam,
thốt ra có vẻ nhân từ, lặp lại: “Đừng sợ, không ai làm gì cháu đâu.”
Vẫn trong tư thế cuộn tròn, tôi hé mắt nhìn. Người đàn bà, từ đầu tới
chân phủ ngập bùn, ngay cả trên mí mắt, kéo tay tôi dậy. Ngay từ đầu tôi đã
biết bà là người Việt trước cả khi bà cất tiếng nói. Vầng trán cao, cặp mắt màu
hạt dẻ, gò má sắc nét, đôi môi đầy đặn. Hai cánh tay sắt và bàn tay cứng như đá
của bà làm tôi ngạc nhiên. Hẳn bà đã quen làm việc nặng nhọc, quen với xung
đột.
Khác hẳn với Mẹ, người chuyên đọc thơ và chú ý chăm sóc sắc đẹp và dựa
vào Bố khi cần đến sức mạnh. Bà cào mặt hải tặc bằng móng tay của mình, cổ bà
bị cứa vì tôi.
Người đàn bà và một người cũng phủ đầy bùn giúp bà kéo tôi vào bóng mát.
Như một phép lạ, một trái dừa non có đục hai lỗ thủng hiện ra trong không
trung. Nước dừa tươi ngọt với hương vị béo ngậy. Tôi đã quên mất sự tồn tại của
thứ cảm giác sung sướng này. Đường thay thế muối, cho đến khi mọi vị giác thăng
hoa. Tôi nhắm chặt mắt.
Tôi tỉnh dậy với đôi tay và toàn thân chìm ngập trong vũng bùn mát rượi.
Trời đã chạng vạng tối, thời điểm đàn muỗi, con nào con nấy to như ruồi, bắt
đầu cuộc săn lùng kiếm ăn. Chúng vo ve giận dữ, đi tìm mâm cỗ, nhưng bàn tay đã
nhanh chóng cung cấp áo giáp bảo vệ sau khi tôi đã uống đủ chất ngọt.
Tám người sống sót kia, cũng phủ ngập trong bùn, bắt đầu ơi ới gọi tìm
người thân. Một người đàn ông phủi từng khuôn mặt bùn, hốt hoảng tìm vợ và hai
đứa con. Ông ta nhảy trở lại xuống biển, ngụp lặn tìm kiếm giữa những đám bùn
xoáy tròn. Đã không có ai đủ nhanh hay đủ mạnh để ngăn ông ta lại. Một người mẹ
tru tréo gọi con. Một thằng bé hướng ra biển tìm cha. Đứa con gái tóc dài sát
bên cạnh tôi tỉ tê khóc bà ngoại. Thuyền trưởng tàu đánh cá của chúng tôi kêu
than, “Xin mọi người tha thứ cho tôi.” Ông ta biến mất vào rừng xanh.
Những khuôn mặt ẩm ướt đầy bùn đọc tên những người đã trôi vào lòng đại
dương, hay tệ hơn nữa, những người đã lọt vào tay hải tặc. Có tới năm mươi bảy
người trên một chiếc thuyền nhỏ lẽ ra chỉ chứa mười người. Đêm kéo dài chậm chạp.
Tôi đọc tên Mẹ, Đỗ thị Mỹ Thu. Khi tôi vừa cất tiếng, những tiếng thì thầm nhận
ra tôi là con gái. Cũng có thể mọi người trên tàu đã biết điều này từ trước
nhưng không muốn đụng tới ảo tưởng an toàn qua sự giả dạng của chúng tôi.
Mùi khói thơm bốc lên và bụng tôi cồn cào đói. Trên một tấm lá chuối là
một con cá nướng cỡ lòng bàn tay được đưa cho tôi. Tôi được dặn phải nhai chậm
rãi, từng chút từng chút một, nghe ngóng xem dạ dày của mình liệu có chịu nổi
những miếng cá bóng bảy, vảy giòn, tròng mắt dai, và cái đuôi cá xòe ra như
bông pháo. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được thêm một trái dừa, được nằm xuống
trên chiếc chiếu cọ.
Dạ dày của tôi từ chối từng miếng cá, từng giọt nước ngọt, cùng lúc thải
ra bất kỳ dấu tích đại dương nào. Không nản lòng, nhiều bàn tay bùn tiếp tục
trao cho tôi thêm cá nướng, thêm những trái dừa. Và lần này tôi đi ngủ với cái
bụng bình thản hơn.
Cái bụng đánh trống và cái lưỡi không ngừng liếm mép của Hằng khiến cho
LeeRoy bật dậy và kéo Hằng đứng lên, hắn liệt ra đủ loại món ăn mà lẽ ra họ có
thể ăn vào lúc này.
“Du gô.” Hằng nói hắn đi đi, mà trong lòng không thực sự muốn hắn đi. Hơi ấm
bên trong vòng tay của hắn, nhịp thở của hắn, đã trở nên cần thiết thân thuộc
như làn da của chính mình.
Hằng đẩy hắn ngồi xuống trở lại. Hắn càu nhàu và thở dài. Có nhằm nhò gì đâu
những điều hắn nói. Chỉ cần hắn ở lại và tiếp tục nói.
Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy với những tiếng thét hải tặc, hải tặc. Những
ngón tay chỉ trỏ, những âm thanh hốt hoảng trong lúc chúng tôi chạy về phía
ngọn đồi và tự hỏi tại sao lại có hải tặc ám hại chúng tôi trên đất liền. Đàn
bà và con gái được nhét vào những khe đá. Tôi trốn cùng với một đứa con gái đã
nhảy xuống biển từ chiếc tàu hải tặc. Bà của nó đã trông chừng Mẹ và tôi. Những
bức tường đá, nhầy nhụa và ẩm ướt, tanh nồng mùi cua thối rữa. Ở phía đối diện
lối vào cuối đường hầm, những đợt sóng dữ dằn gầm rú, mở đường trở lại biển.
Ai đó ném vào hang hai cây sậy dài, rỗng, cùng với hướng dẫn hãy nhảy
thoát thân nếu bị phát hiện. Cố gắng ở bên dưới và thở và trôi cho đến khi được
cứu bởi những cây gậy chọc trên mặt nước. Đừng để bọn hải tặc nhìn thấy. Cảnh
báo cuối cùng được lặp đi lặp lại cho đến khi nó khoanh tròn chúng tôi như
những con trăn.
Nằm xuống, Hằng cố gắng đè xuống những ký ức như căn nhà sừng sững trong
lồng ngực. Tay thắt chặt nút áo, Hằng thở từng hơi thở đều đặn, tập trung nghĩ
đến một điều gì đó vui hơn.
Liệu Hằng sẽ khao khát điều gì nếu cuộc đời đã ban cho mình một quá khứ êm
dịu, ngọt ngào? Điều gì sẽ xảy ra nếu sáu năm qua chỉ là đơn thuần là một sự
tiếp nối của gia đình, trường học, bạn bè, vẽ vời và học hành? Điều gì còn lại
để khao khát?
Trống rỗng. Hằng cố gắng tưởng tượng đến điều gì đó đơn giản hơn, một tô
cháo ngào ngạt mùi xương hầm và hành lá. Rồi ngủ.
Ngay khi Hằng vừa nhắm mắt, lời ru đều đặn của LeeRoy ngừng lại. Cô ngồi bật
trở dậy trong lúc LeeRoy cựa quậy tới lui. Kéo tay hắn một lần nữa, mắt cô mở
to cầu xin anh tiếp tục nói.
Và cô không quên cộng thêm vào đó nụ cười.
Lại Thanhhà
Trích đoạn tiểu thuyết Bướm Vàng / Butterfly
Nina Hòa Bình Lê phỏng dịch