Qasem Soleimani không đơn thuần là một tướng lãnh quân đội.
Ngoài trách nhiệm bảo vệ “thành quả cách mạng Iran bằng mọi giá” y còn là người
điều hành các hoạt động bí mật của Iran bên ngoài lãnh thổ Iran. Vài bằng chứng
cụ thể như chỉ huy các hoạt động cung cấp võ khí cho chính phủ Syria, huấn luyện
quân phiến loạn Yemen và phối hợp các kế hoạch tấn công lực lượng Hoa Kỳ tại
Iraq.
Qasem Soleimani cũng không phải là nhân vật mới lạ.
Quyết Nghị 1747 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran từ năm 2007
đã nhắc đến Qasem Soleimani. Trong thời điểm đó, Mỹ cũng đã kết luận lực lượng
Quds Force do Soleimani chỉ huy là khủng bố..
Dù sao, cái chết của Iran Qasem Soleimani là một dấu chấm
sang chương trong quan hệ nhiều thù địch hơn hòa bình giữa Mỹ và Iran, và cũng ảnh
hưởng quan trọng đến vai trò của Mỹ tại Iraq trong thời gian tới.
Xung đột Iraq cùng với sự thất bại của nền dân chủ Iraq là một
nghiên cứu tình huống (case study) rất quan trọng cho người Việt quan tâm đến
tương lai dân chủ Việt Nam.
Trở lại một chút với cuộc Chiến tranh Iraq (Iraq War)
2003.
Ngày 19 tháng 3, 2003, cuộc chiến Iraq do TT George W. Bush
phát động bằng cuộc hành quân mang tên Operation Iraqi Freedom với mục đích lật
đổ chế độ Saddam Hussein chính thức bắt đầu.
Saddam Hussein bị bắt ngày 13 tháng 12 cùng năm và ngày 5
tháng 11, 2006 bị xử treo cổ.
Chế độ cộng hòa được thiết lập với hiến pháp 2005.
Theo John McGarry, giáo sư Chính trị học tại Queen's
University, Candada, hiến pháp cộng hòa Iraq “phản ảnh hình thức tự do qua hợp
tác của các cộng đồng Iraq”.
Giáo sư John McGarry và người cộng tác Brendan O’Leary trong
nghiên cứu đăng trên tạp chí Luật Hiến Pháp Quốc Tế ( International Journal of
Constitutional Law) tháng 7, 2007 đồng ý với phương thức xây dựng nền dân chủ dựa
trên hiến pháp Iraq 2005..
Nhưng hiến pháp dù hoàn hảo bao nhiêu cũng chỉ là một khung
sườn, một mô thức, một văn bản chứ không phải là một nền dân chủ.
Nền dân chủ của một quốc gia bao gồm nhiều lãnh vực không chỉ
chính trị, kinh tế mà còn văn hóa, xã hội phải được thực thi từ chính con người
trong giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn từ chiến tranh sang hòa bình, từ độc
tài sang dân chủ.
Như giáo sư John McGarry cảnh báo, thất bại của “hợp tác” sẽ
dẫn đến nội chiến và tạo cơ hội cho nước ngoài can thiệp. Thực tế chứng minh lời
cảnh báo của ông là đúng khi bạo động vẫn tiếp tục diễn ra và ảnh hưởng ngày
càng gia tăng của Iran tại Iraq.
Sự ra đời của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo Iraq (The
Islamic State of Iraq, ISI) năm 2006 đã biến xung đột nội bộ Iraq thành một loại
chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) giữa các bên có quyền lợi trong vùng.
Tròn 15 năm trước khi hiến pháp Iraq còn trong vòng thảo luận,
người viết, trong một tiểu luận đăng trên talawas cho rằng yếu tố quyết định
trong giai đoạn chuyển tiếp tại Iraq tùy thuộc vào người dân Iraq, trong đó bao
gồm cấp lãnh đạo, có đủ khôn ngoan, nhìn ra khỏi những hàng rào đang làm cách
ngăn họ hay không.
Đoạn sau đây trích từ bài viết ngày 15 tháng 1, 2005:
“Vai trò của các cường quốc trong đời sống chính trị của các
quốc gia nhược tiểu thời nào cũng thế. Những ai theo dõi cuộc tranh chấp Iraq đều
biết rằng sự quyết tâm của các chính phủ Mỹ, Anh, Nhật để lật đổ Saddam Hussein
bằng võ lực và sự chống đối phương pháp đó của Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, nói
cho cùng, cũng chỉ vì quyền lợi của quốc gia họ.
Chính phủ Mỹ chẳng căm thù gì Saddam Hussein và chính phủ
Pháp, Nga cũng chẳng thương xót gì cho số phận hẩm hiu của ông ta. Tấm hình cụt
hai tay trong thân hình lở loét của em bé Ali, nạn nhân của cuộc chiến, chắc chắn
không treo trong phòng phác thảo chiến lược quân sự của Ngũ giác Đài và cũng chẳng
bao giờ làm động lòng trắc ẩn của Putin hay Chirac khi họ nghĩ đến những mỏ dầu
ở Iraq sắp rơi vào tay Mỹ.
Tôi cũng không nghĩ người chăn cừu trên cánh đồng cỏ Iraq có
khả năng thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ hay Anh, nhưng đồng thời tương
lai của Iraq không hẳn nằm trong bàn tay quyết định của Anh hay Mỹ. Tương lai của
Iraq tùy thuộc vào lòng yêu nước của nhân dân Iraq và sự khôn ngoan của các nhà
lãnh đạo chính phủ dân cử Iraq sắp được bầu ra.
Nhân đạo nhiều khi chỉ là những gì anh cho tôi trong lúc tôi
đang cần, còn tại sao anh cho, anh nhân danh ai, Phật, Chúa, Allah, xăng, dầu,…
không phải là quan tâm của tôi, ít ra trong lúc này.
Ngày nào quyền lợi của anh và tôi tương hợp, chúng ta là bạn,
nếu không sẽ chia tay nhau và có thể trở thành đối nghịch.
Trong chính trị bạn hay địch chỉ là cách gọi, nhưng cơ hội lại
là điều có thật. Một nhà lãnh đạo sáng suốt là người biết nắm lấy cơ hội do các
biến chuyển quốc tế tạo ra để phục vụ cho sự tồn vinh của đất nước họ.
Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo của nước Iraq Mới sẽ vận dụng một
cách hữu hiệu chính sách của các cường quốc vào công cuộc phục hưng và phát triển
đất nước họ, tuy không được như Nhật Bản, Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore
trước đây, thì ít ra cũng gần với Ai Cập, Jordan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kì trong thế
giới Hồi giáo hiện nay.
Như một người đến từ một nước chiến tranh và nghèo khó, tôi
chỉ muốn nhấn mạnh đến cơ hội hiện đang có cho người dân Afghanistan, Iraq sau
nhiều năm chịu đựng dưới các chế độ độc tài hà khắc.”
Lý luận trên được người viết đưa ra từ 15 năm trước. Hôm nay
nếu cần phải viết lại chắc cũng không thêm bớt điểm nào bởi vì không ai trách
nhiệm cho sự thịnh suy của một dân tộc ngoài chính dân tộc đó.
Như chúng ta đều thấy, cơ hội đã đến nhưng nền Cộng Hòa Iraq
thất bại.
Lý do trước hết vẫn là con người.
Thành phần lãnh đạo Iraq từ cấp trung ương không biết nắm bắt
cơ hội quốc tế vàng son vừa được đem lại phối hợp với nguồn tài nguyên phong
phú vốn có để xây dựng một quốc gia mới cường thịnh cho mình và cho các thế hệ
Iraq mai sau. Dự trữ dầu hỏa của Iraq lớn vào hàng thứ năm trên thế giới nhưng
bài học làm giàu của Nhật Bản, Tây Đức không phải là sách gối đầu giường của những
lãnh đạo Iraq sau chiến tranh.
Dù là nơi phát xuất của nền văn minh Mesopotamia với tám
ngàn năm lịch sử, nhưng đúng như Loren Thompson viết trên Tạp Chí Forbes, một
trong những lý do Cộng Hòa Iraq thất bại vì Iraq không có bản sắc dân tộc
(national identity) riêng cho mình mà chỉ là những tập thể ô hợp do các cường
quốc Châu Âu tạo ra như kết quả sự tan rã của Đế Quốc Ottoman. Người theo giáo
phái Shiite không muốn để bị cai trị bởi người theo giáo phái Sunni. Người gốc
Kurds không muốn bị cai trị bởi người Á Rập.
Một quốc gia không thể vươn lên nếu không có đặc tính chung
làm nên quốc gia đó.
Nền dân chủ tại Cộng Hòa Iraq sau hiến pháp 2005 đã và đang
chịu đựng sự phân hóa trầm trọng. Những vụ đặt bom giết người hàng loạt không
phân biệt phụ nữ hay trẻ em của tổ chức cuồng tín ISI, mâu thuẫn giữa các phần
tử cơ hội, tranh giành quyền lực trong chính quyền, phân hóa sâu sắc giữa các sắc
dân đã và đang làm phân liệt Iraq.
Thời gian tới, với sự can thiệp của Iran vào nội bộ chính trị
Iraq qua ngã tông phái Hồi Giáo Shia chiếm đa số tại Iraq sẽ làm sự phân hóa đang
có trầm trọng và đẫm máu hơn.
Ngoài ra, hai ngư ông Nga và Trung Cộng đồng minh của Iran
đang ngồi chờ trục lợi sẽ có cơ hội bán vũ khí, khai thác các mâu thuẫn Trung
Đông tương tự như chính sách của Liên Sô sau Chiến Tranh Sáu Ngày (Six-Day War)
giữa Do Thái và ba nước Ai Cập, Jordan và Syria 1967.
Khác với mười năm trước, tuần này cả Nga lẫn Trung Cộng đều
kết án Hoa Kỳ. Riêng Trung Cộng còn tố cáo Hoa Kỳ theo đuổi chủ nghĩa can thiệp
và sẽ dẫn tới “những hậu quả trầm trọng cho hòa bình và ổn định của khu vực”.
Chỉ vài tuần trước, hai “ngư ông” này đã ngăn cản không cho Hội Đồng Bảo An
Liên Hiệp Quốc chính thức lên tiếng phản đối việc tấn công tòa đại sứ Hoa Kỳ tại
Iraq.
Thất bại của Iraq có gợi lên những điều gì cho viễn ảnh Việt
Nam?
Có chứ và có rất nhiều.
Việt Nam sớm hay muộn cũng sẽ có dân chủ và sự sống còn của
nền dân chủ Việt Nam sẽ đặt trên vai những người Việt có ý thức và quan tâm đến
tiền đồ đất nước.
Iraq không thiếu tài nguyên hay tiền bạc mà thiếu con người.
Chỉ riêng trong hơn mười năm từ cuối năm 2003 đến 2014,
không tính chi phí quân sự, Hoa Kỳ đã viện trợ phi quân sự tổng cộng lên tới 90
tỉ Mỹ kim để tái thiết Iraq. Kết quả thu lại được quá khiêm nhượng so với khoảng
viện trợ khổng lồ nước Mỹ đã đổ ra. Nguyên nhân để đổ thừa thì vô số. Chỉ riêng
tệ nạn tham nhũng, năm 2018, theo Transparency International, Iraq thuộc vào
nhóm cuối bảng, hạng 168 trong 180 nước được điều tra.
Sự tan rã của phong trào CS thế giới cho thấy cách mạng dân
chủ diễn ra trong bốn dạng: (1) bất bạo động như Baltics, Hungary, Ba Lan, (2)
bạo động như Romania, (3) có sự can thiệp của nước ngoài như trường hợp
Ethiopia và (4) không có sự can thiệp của nước ngoài như trường hợp Mông Cổ.
Cách mạng dân chủ tại Việt Nam sẽ đến bằng một trong bốn
hình thức vừa nêu.
Nhưng dù đến cách nào đi nữa, thực tế Iraq gợi ý cho những
người Việt trong vài trò lãnh đạo và những người Việt quan tâm những điểm cần
thiết phải học: (1) đặt quyền lợi đất nước trên quyền lợi tôn giáo, (2) lấy
trong sạch và đạo đức làm tiêu chí lãnh đạo, (3) vận dụng ngoại lực có lợi cho
kế hoạch phục hưng, hiện đại hóa và chiến lược hóa đất nước, và (4) đừng bao giờ
tin nhưng khéo léo bang giao với Trung Quốc ngay cả sau khi chế độ CS tại Trung
Quốc sụp đổ.
Trần Trung Đạo