11 January 2020

GA THẠCH LONG - Nguyễn Tường Thiết


Tranh hoa cúc do Nhất Linh vẽ, với chú thích của Nhất Linh ở mặt sau: "Tranh hoa cúc này tôi vẽ năm 1948, đúng năm Hoàng Đạo mất. Chậu cúc này do chính tay Hoàng Đạo mua về để bầy Tết, trang hoàng một gian nhà tiều tụy ở một làng hẻo lánh Quảng Đông…"


Thạch Long là tên một thị trấn ở bên Tàu, nằm bên con đường sắt Quảng Châu - Hồng Kông, nơi chú Long tôi, nhà văn Hoàng Đạo, đã gửi nắm xương. 

Năm chú Long mất tôi còn bé. Tôi không có một kỷ niệm nào với chú. Tôi không biết gì về chú ngoài những kiến thức mà bất cứ một học sinh nào của miền Nam cũng phải biết khi học về Tự Lực Văn Đoàn. Ngay cả truyện của chú tôi cũng lười đọc. Đời chú thế nào tôi không mấy quan tâm. Thế nhưng cái chết và trường hợp xung quanh cái chết của chú thì khác. Nó ám ảnh tôi đã từ lâu, có lẽ từ những ngày tôi còn bé. Không hiểu vì sao mà cứ hễ nhắc đến chú Long thì óc tôi lại thoáng hiện lên hình ảnh ga Thạch Long. Trong trí tưởng tôi nó luôn luôn là một nhà ga buồn cô quạnh bên một con đường sắt ở một chốn nào rất là xa xôi.

Năm mươi năm trước ngày 22 tháng 7 năm 1948 chú tôi đã gục chết vì bệnh tim nghẽn trên một chuyến xe hoả đi từ Hồng Kông đến Quảng Châu. Khi con tàu ngừng ở một nhà ga sau đó xác chú tôi được mang xuống đặt tại nhà quàn và được chôn cất vài hôm sau trong một mộ địa gần ga. Tôi được nghe chú Bách tôi kể lại ngày chôn cất là một buổi chiều trời mây u ám một nhóm người lặng lẽ theo sau quan tài. Trong số có cha tôi, có chú Bách và ông Vũ Hồng Khanh. 

Năm mươi năm sau ngày 18 tháng 9 năm 1998 trên một chuyến xe hoả đi từ Quảng Châu đến Hồng Kông tôi có dịp đi ngang qua cái ga Thạch Long ấy. Năm đó lần đầu tiên từ ở đất Mỹ chúng tôi đi thăm nước Tàu. Trước hôm cuối cùng của chuyến du ngoạn 16 ngày do một cơ quan du lịch tổ chức chúng tôi được hướng dẫn thăm viếng hai nơi là Quảng Châu và Hồng Kông. Để nối hai thành phố ấy tôi không ngờ là mình lại được di chuyển bằng tàu hoả. Như vậy là trên cùng một tuyến đường sắt dài 200 ki-lô-mét chú tôi và tôi đã đi trên hai chuyến xe lửa ngược chiều nhau. Hai chuyến tàu không bao giờ gặp. Bởi lẽ chúng cách nhau đúng một nửa thế kỷ. Nhưng ngày hôm ấy tôi đã để cho hai chuyến tàu giao nhau tại ga Thạch Long. Trong tâm tưởng.

Các chính khách Việt Nam lưu vong chụp hình chung với cựu hoàng Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu tại Hồng Kông năm 1947. Ông Nguyễn Tường Tam là người thứ tư, hàng thứ ba từ trái sang. Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long là người ở góc bên trái, hàng sau cùng.
Chuyến xe hoả vừa rời thành phố Quảng Châu. Nơi đến, Hồng Kông, sẽ là chặng chót của chuyến du ngoạn Trung Quốc, trước khi chúng tôi bay trở về Mỹ. Trên xe hoả đoàn du khách yên lặng. Tất cả hình như đều mệt mỏi sau một chuyến đi dài. Với bốn chuyến bay trong nội địa cộng thêm rất nhiều chuyến xe buýt và đoạn đường phải cuốc bộ chúng tôi đã đến thăm nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử của nước Trung Hoa trải qua những thành phố Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu, Nam Kinh, Bắc Kinh, Tây An, Quế Lâm. 

Suốt chuyến đi tôi thưởng ngoạn cảnh trí nước Tàu trong tâm trạng thư thái của một du khách. Cho đến ngày hôm trước tâm trạng tôi bỗng đổi hẳn. Tôi trở nên trầm lặng, ít nói. Nhà tôi tưởng tôi mệt. Chả riêng tôi. Hình như cả đoàn du lịch mà đa số ở tuổi đã cao đều thấm mệt và cũng đều trầm ngâm như tôi. Nhưng trong thâm tâm tôi tự biết mình tư lự không phải vì mệt mỏi mà vì lẽ khác. 

Ngày hôm trước đoàn du khách rời Quế Lâm bay đến Quảng Châu. Từ phi trường chiếc xe buýt chở phái đoàn về khách sạn chạy vào lòng thành phố qua những con đường nhỏ nhiều bóng rợp. Xe như chạy xuyên vào ruột hai hàng cây dài giao nhau. Đến một khu trông na ná một trại lính, cô hướng dẫn cầm micro nói với đám du khách dăm ba câu tiếng Tàu, tay cô chỉ về phía những căn nhà gạch hai từng quét vôi vàng nằm khuất sâu trong một khu rộng nhiều cây cối và có hàng rào sắt vây quanh. Khi xe chạy qua khỏi khu vực ấy tôi quay qua cô Mai - thông dịch viên tình nguyện của vợ chồng tôi vì cô là du khách người Việt gốc Hoa nói thành thạo ba thứ tiếng Việt, Hoa và Anh ngữ - hỏi cô toà nhà ấy là gì thì được cô trả lời: 

– Đó là trường Võ bị Hoàng Phố. 

Trường Võ bị Hoàng Phố! Cái trường tôi đã từng nghe nói đến nhiều lần trong đời không ngờ nay tôi lại được chính mắt nhìn thấy. Hoàng Phố nhắc tôi đến Việt Nam Quốc dân Đảng và những tranh chấp Quốc Cộng của cả một thời kỳ bi hùng. Bao nhiêu đồng chí của cha tôi đã từng xuất thân từ đấy. Ông Vũ Hồng Khanh. Anh Lê Hưng. Và bao người khác mà tôi không nhớ tên. Tôi nhớ tới hàng ghi chú sau đây được cha tôi viết trong bản thảo một tác phẩm dang dở mà tôi còn lưu giữ như một chứng tích có tầm lịch sử về những bước đi của cha tôi: Tháng 5-1946 sang Vân Nam. Tháng 12-1946 đi Thượng Hải. Tháng 2-1947 đi Quảng Châu. Tháng 7-1948 Long mất. Tháng 4-1949 ra Hồng Kông hẳn. Hoàng Phố còn nhắc nhở tôi rằng mình đang hiện diện ở thành phố Quảng Châu, vùng đất này năm mươi năm trước ghi dấu chân của ba người cật ruột: cha tôi, chú Long, chú Bách. 
Kể từ giây phút ấy cho đến ngày về dưới mắt tôi nước Tàu bỗng đổi khác. Cũ kỹ hơn. Buồn bã hơn. Thành phố Quảng Châu bấy giờ chập chờn hình bóng những người đã khuất. Tôi nhìn cảnh vật bên đường nghĩ tới nơi này cha tôi đã từng đi qua, đã từng nhìn thấy. Tôi nghĩ tới thời gian hai mươi sáu tháng ông sống ở đây. Đó là một mảnh rất quan trọng trong đời ngắn ngủi của ông. Một mảnh đời tăm tối với tôi vì tôi không hề biết đến, nay đột nhiên hé ra như một cánh cửa vừa mở cho tôi thấy thêm chút ánh sáng. Và chú Bách của tôi đã sống 40 năm tại Phật Sơn, chỉ cách đây có 20 cây số, chắc chắn là rất quen thuộc với thành phố này, từ góc phố, từng lùm cây... tôi cố ghi nhớ những nơi tôi đi qua ở Quảng Châu để về Mỹ gặp chú sẽ kể chú nghe về những nơi tôi đã đến thăm và chú đã có nhiều kỷ niệm, chẳng hạn như Hoàng Hoa Cương, lăng mộ của 72 vị liệt sĩ Trung Quốc bị quân phiệt sát hại, nơi tôi và phái đoàn được hướng dẫn đi thăm chiều hôm ấy. 

Qua một cái cổng lớn và trang nghiêm toán du lịch chúng tôi bước vào một sân gạch rất rộng hai bên trồng toàn một loại cây bách diệp, cuối sân bước lên mấy bực tam cấp, lại đến một cái sân bao la khác, ở cuối lại có bực tam cấp, cứ thế mà bước lên. Lăng nằm trên một đỉnh đồi thấp, xây xi-măng đồ sộ. Trước lăng là tứ trụ xây trên bốn góc vuông, giữa dựng một tháp cao khắc bẩy Hán tự thật lớn mà tôi chỉ biết đọc hai chữ "Thập nhị". Sau lăng là một bức tường lớn xi-măng hình tam giác, trên tường chia những ô nhỏ ghi tên tuổi những người trên khắp thế giới đã đóng góp hiện kim để xây dựng và trùng tu lăng này, trên đỉnh nhọn của bức tường có tạc một bức tượng nữ thần tự do. Tôi theo đám du khách bước vào trong lăng tham quan một lát rồi tôi tách ra. Một mình tôi đứng trên cao nhìn xuống. 

Năm mươi năm trước. Trên nền sân rộng dưới kia có ba người đàn ông bước lên bực tam cấp. Mặt họ hướng về phía đỉnh đồi. Họ là ba anh em ruột. Hai người đi đầu tuổi xuýt soát nhau, khoảng tứ tuần. Người thứ ba trẻ hơn một thập niên. Trông họ chững chạc. Đó là ba chính khách lưu vong đến đây để viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã ném tạc đạn định giết tên toàn quyền Merlin nhưng không thành đã phải nhẩy xuống sông Châu Giang tự vẫn, xác được chôn cất trước xế cổng Hoàng Hoa Cương. Họ cắm nén hương trên mộ và đứng lặng người rất lâu lòng bùi ngùi tưởng niệm vị anh hùng dân tộc. Còn hơn tình anh em ruột thịt họ gắn bó nhau trong lý tưởng tranh đấu giành độc lập cho nước nhà; họ sát cánh nhau như những bộ phận trong cùng một cơ thể. Có người ví người lớn nhất là trái tim người giữa là khối óc và người thứ ba là cánh tay. 

Tôi đứng đây trên đồi Hoàng Hoa Cương năm mươi năm sau mà lòng bồi hồi nhớ họ. Hai người đầu đã khuất bóng là cha tôi và chú Long. Người thứ ba còn tại thế là chú Bách hiện lưu lạc bên Mỹ. Trong một lần điện đàm với thím Bách, thím có nói với tôi và tỏ ý tiếc đã để mất một bức ảnh quý. Bức ảnh chụp ba người năm 1947 tại Hoàng Hoa Cương. Tôi nhìn xuống sườn đồi nhìn hàng cây bách diệp trồng thẳng tắp hai bên bờ sân gạch và tự hỏi ba người đã đứng ở đâu chụp bức ảnh này.

Ảnh chụp các nhà hoạt động lưu vong tại Hồng Kông năm 1947. Ông Nguyễn Tường Tam là người thứ sáu, từ trái sang, giữa hai ông Nguyễn Hải Thần và Trần Văn Tuyên.

Sáng ngày hôm sau xe buýt đổ chúng tôi xuống ga Quảng Châu để đáp xe lửa đi Hồng Kông. Tôi không ngờ mình lại đối diện với một hàng rào công an dầy đặc đến thế. Hồng Kông năm trước đã được chuyển nhượng cho Trung Cộng từ tay người Anh. Nhưng sự đi lại giữa lục địa và Hồng Kông vẫn rất hạn chế và sự kiểm soát thật gắt gao. Trong sân ga rộng đông người tôi không nghe một giọng nói, một tiếng cười. Sau khung cửa sổ nhỏ là gương mặt trẻ và lạnh lùng của một anh công an trong bộ đồng phục màu xanh ve. Hắn ném tôi cái nhìn xoi mói rồi cúi xuống tấm thẻ thông hành lật qua lật lại xem hình tôi trong thẻ, lại ngửng lên ngó tôi với cặp mắt bén như dao. Rồi liếc sang bên cạnh (tôi đoán có màn máy vi tính), hắn ta cắn môi, cau mày, suy nghĩ. Tôi chờ đợi. Thật lâu. Thốt nhiên tôi đứng tim. Đúng lúc tôi có cảm giác hắn sắp sửa kêu người đến bắt tôi thì hắn lại vẫy tay cho tôi đi qua. Chưa hết. Tôi phải trải thêm hai lần như vậy nữa với hai tay công an khác. Tất cả đều cùng một tác phong, cùng một cái nhìn sắc lạnh. Tôi tự hỏi cái cách làm việc thái quá của họ có cần thiết không? Hay họ được huấn luyện với chủ đích để làm tôi sợ? Mà làm tôi sợ để làm gì không biết? Hay là đe doạ đã thành thói quen, đã ăn thành nếp sống trong chế độ cộng sản? 

Bước lên toa xe lửa toán du khách chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đám chúng tôi ngồi chụm gần nhau ở mấy hàng ghế cuối toa. Tiếng cười ròn vui vẻ của mấy cô gái trong bọn tôi làm tôi chợt chú ý tới sự tương phản giữa đám du lịch và những hành khách khác trong toa. Họ đều là đàn ông, vẻ mặt nghiêm nghị. Quần áo họ hầu như toàn một màu xám. Những người lớn tuổi bận áo bốn túi, đầu đội mũ Mao Trạch Đông, một số người trẻ mặc áo vét xám, tay cầm cặp samsonite, trông như thương gia. Tôi nghĩ họ phải có gốc lớn lắm mới được cấp giấy đặc biệt để vào Hồng Kông. Bọn chúng tôi thì khác hẳn. Áo quần xuề xoà đủ loại - jeans, shorts - màu sắc sặc sỡ. Đoàn du lịch hầu hết là Hoa kiều sống lâu năm bên Mỹ. Cả đoàn hai mươi người chỉ có một bà Mỹ trắng và bốn người Việt. Ngoài vợ chồng tôi hai người Việt kia là hai cô gái gốc Hoa đi cặp với nhau. 
Theo nguyên tắc thì hướng dẫn viên phải sử dụng đồng đều cả hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Hoa. Nhưng vì đoàn chỉ có một người Mỹ nên họ có khuynh hướng giới hạn tiếng Anh ở mức tối thiểu. Chúng tôi di chuyển phần lớn bằng xe buýt. Để giúp vui một vài anh hướng dẫn viên thích kể chuyện tiếu lâm. Họ kể bằng tiếng Tàu, cố nhiên. Mấy anh nói rất có duyên vì trong suốt chặng đường dài xe cứ rung lên với những tràng cười ròn rã. Chỉ trừ ba người là vợ chồng tôi và bà Mỹ ngồi im. Có lần bà Mỹ giơ tay phản đối yêu cầu anh ta kể bằng tiếng Anh. Anh ta lễ phép trả lời rất tiếc không thể dịch sang tiếng Anh được vì chuyện anh kể dùng rất nhiều cách chơi chữ của người Tàu không thể nào dịch ra bất cứ một thứ tiếng nào khác. Chúng tôi may mắn hơn bà Mỹ vì được cô Mai là một trong hai cô gái gốc Hoa sốt sắng dịch cho chúng tôi nghe. Chẳng hạn trong thời gian ở Hàng Châu trong khi phái đoàn leo lên một cái chùa tháp cao 12 từng, anh hướng dẫn chỉ xuống một con sông lớn trước mặt, nói líu lo. Cô Mai quay qua tôi nói: 

– Anh Thiết ơi! Lấy máy ảnh chụp ngay con sông này đi! 

Tôi hỏi: 

– Sông gì thế? 

– Quan Tien River! 

– Quan Tien là sông quái gì? 

Mai phất tay vào vai tôi: 

– Sông Tiền Đường đó! Cô Thuý Kiều tự tử đó! 

Tối hôm ấy nằm trong khách sạn Hangzhou Continental trước khi ngủ tôi dại dột hỏi nhà tôi: 

– Này! Em! Cô Mai và cô Ly có chồng hay chưa có chồng hả em? 

Nhà tôi đang nằm quay mặt phía trong vội xoay hẳn người lại: 

– Ơ hay anh này vớ vẩn? Anh muốn tán hai cô ấy thì cứ hỏi thẳng chứ em làm sao biết được hai cô ấy có chồng hay chưa có chồng? 

Tôi thờ thẫn: 

– Ờ nhỉ... 

Tôi nhìn ngoài cửa sổ. Con tàu vừa kéo một hồi còi dài. Bên ngoài là cánh đồng trống. Tàu hoả chạy song song một con đường đất đắp nhô cao khỏi mặt ruộng. Trên đường một chiếc xe cam-nhông nhà binh màu lá cây chạy tung bụi phía sau. Tôi nhìn những cột điện lướt qua. Những dây thép trũng xuống rồi vươn cao rồi lại trũng xuống nối tiếp... Rồi tiếng ru rập rình của con tầu làm mắt tôi nhíu lại. Tôi trôi đi trong vũng sâu của thời quá khứ trong khi vai tôi cứ nặng dần ở một bên. Mùi mái tóc của nhà tôi thoảng qua. Vài sợi tóc bay rối qua mặt. Rồi có tiếng nói thật nhỏ ngủ đây... em ngủ đây... như mơ hồ một đêm nào trong tuổi thơ mái tóc dài của mẹ tôi xổ xuống buông xoã. Bà cúi xuống trên bờ vai tôi thầm thì ngủ đi con ngủ đi con... Vừa ru mẹ tôi vừa khẽ cất tiếng hát. Giọng hát buồn bã. Trên sông Kinh Châu có con buồm trắng... Gió thu đưa người biệt ly về cung sầu đó chăng... Tôi khóc rống lên. Rồi nức nở. Tấm tức. Mẹ tôi xoa tay trên lưng tôi. Bàn tay mềm mại. Lưng tôi nổi rôm. Tôi khóc cả đêm trên chiếc sập gụ một đêm nào rất xa xưa của Hà Nội, một đêm trời hè nóng bức kinh hồn, tôi nổi rôm cùng khắp người. Tôi đưa bàn tay nhỏ bé cào cấu làn da nổi sần lên những hột li ti nhưng cơn ngứa như tăng thêm theo từng cơn gãi. Tôi gãi đến rướm máu. Mẹ tôi giữ rịt tay tôi lại. Bà rắc bột phấn lên khắp người tôi rồi bà xoa xoa rất nhẹ. Cơn ngứa không giảm. Tôi gào lên muốn mẹ tôi mạnh tay hơn. Nhưng bà chỉ hát. Làm như tiếng hát có thể dịu đi mọi nỗi thống khổ. Tôi thiếp đi trên sông Kinh Châu có con buồm trắng... Khi tôi tỉnh dậy trời vẫn tối. Nhưng tôi chợt linh cảm chiếc sập gụ rộng chỉ có mỗi mình tôi. Hoảng sợ bàn tay tôi trườn hai bên mò mẫm xem mẹ tôi còn nằm bên cạnh không. Tay tôi tụt xuống mép sập. Tôi lạnh người khóc gào lên. Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ đâu rồi?... 

Sáng hôm sau tôi nghe nói mẹ đã bỏ chúng tôi đi thật. Bà bất thần phải sang gấp bên Tàu. Có tin chú Long vừa mất ở Quảng Châu. 

Tàu chuyển qua thành phố. Loáng loáng qua khung cửa là những căn nhà gạch xây sát cạnh đường tàu. Tôi nhỏm dậy hốt hoảng. Tôi chợt nhớ ra là chú Long đã gục chết trên tuyến đường này... 

Tôi rời ghế đi lên mấy băng phía trước. Rồi cúi xuống tôi nói với cô Mai: 

– Nhờ Mai giúp tôi việc này. Hồi ở Việt Nam học về Tự Lực Văn Đoàn chắc Mai có biết nhà văn Hoàng Đạo? 

– Hoàng Đạo à? Mai biết chứ. 

– Hoàng Đạo là chú ruột tôi. Năm mươi năm trước chú tôi chết ở trên một chuyến xe lửa đi từ Hồng Kông đến Quảng Châu. Xác chú chôn gần một nhà ga của thị trấn Thạch Long, nằm đâu đó giữa Quảng Châu và Hồng Kông. Tôi muốn nhìn cái nhà ga ấy. Những hành khách trong toa này chắc là phải biết Thạch Long. Nhờ Mai hỏi hộ tôi. Cứ nói là thị trấn có tên Con Rồng Đá, chắc họ hiểu. 

– Vâng, Mai sẽ hỏi hộ anh. 

Bỗng cô ta nhìn tôi: 

– Vậy thế Nhất Linh là thế nào với anh? 

– Tôi là con. 

Mai lại nhìn tôi. Một nét ngạc nhiên thoáng trong ánh mắt cô: 

– Thế à? Mai rất hân hạnh được biết anh. 

Tôi trở về chỗ ngồi. Nhà tôi hỏi tôi: 

– Anh hỏi cô Mai cái gì thế? 

– À, anh nhờ Mai hỏi hộ thị trấn Thạch Long ở đâu, anh muốn xem cái ga ấy. Chú Long chôn ở đó, em biết rồi. 

– Ừ, em cũng muốn xem... 

Một lát sau tôi thấy Mai đứng lên hỏi một thanh niên trẻ mặc áo vét. Anh ta lắc đầu. Cô gượng hỏi thêm. Anh ta lại lắc đầu, tay chỉ vào một ông già ngồi ở băng trước. Mai tiến đến hỏi ông già đội chiếc mũ Mao Trạch Đông màu ka-ki. Hai người nói chuyện khá lâu. Lát sau cô trở lại cúi xuống nói với nhà tôi: 

– Chị Thái Vân này! Mai hỏi được rồi. Còn khoảng hai mươi cây số nữa. Qua một cái tỉnh nhỏ nữa thì đến Thạch Long. Ông ta nghĩ Mai hỏi để xuống ga đó nên cứ nhắc mãi tàu này là tàu tốc hành đi Hồng Kông không có ngừng ở ga nào hết. 

Mai về lại chỗ ngồi. Tôi cố nhớ lại tất cả những gì có liên quan đến chú Long. 

Tại sao tiếng hát ru buồn bã của mẹ cái đêm xa xưa ấy lại khiến tôi liên tưởng ngay đến cái chết của chú? À phải rồi... cái đêm nóng kinh hồn đó là mùa hè của năm 1948. 

Năm đó tôi lên tám. Tôi học trường tiểu học Hàng Vôi số 25 đường Lý Thái Tổ Hà Nội. Nhà của chú Long ở xéo bên kia đường, số 18 bis. Ngôi nhà xinh đẹp hai từng có cây bàng trước sân. Thuở bé tôi đến đó một hai lần. Không bao giờ tôi gặp chú Long. Từ phố Hàng Bè đến phố Hàng Vôi không xa. Nhưng đến nhà chú tôi thấy mình lạc vào thế giới khác. Hôm tôi đến thì Nguyễn Tường Ánh, con trai của chú thím, từ ngoài bước vào phòng khóc tấm tức, vừa khóc vừa giơ một ngón tay bị chẩy máu. Thím Long mắng đứa con của bà, bằng một giọng êm và quý phái. Tôi thấy giọng của bà lạ. Cách xưng hô cũng lạ. Không phải "mợ" như chúng tôi thường gọi mẹ. Mà là "me". Tiếng "me" nhỏ nhẹ phát từ cửa miệng hai mẹ con tôi nghe lạ tai quá, nó tây tây làm sao, vừa quý phái vừa có lẫn chút gì mềm yếu. Bầu không khí êm trôi của gia đình chú Long như thế đó. Nó tương phản với những gì tôi được nghe kể về chú sau này. 

Trí nhớ tôi về mùa hè năm ấy có hình ảnh trường Hàng Vôi. Trường là hai dẫy nhà gạch hai từng ở hai bên, giữa là sân. Giờ ra chơi trời nóng bức đám học trò túa ra tụ trước cổng trường ngón tay kẹp đồng bạc tranh nhau thò qua chấn song sắt. Tiếng rao lao nhao ngoài cổng. Kem đây! Kem đây! Kem cam, kem bạc hà đây! Chiếc nắp bấc mở phịch. Hơi mát toả phà lòng bàn tay. Tôi rút ra trong phích một cây kem còn thở khói. Trong trí nhớ hình như sân trường có một tăng-xê trú ẩn hay là một cái lô cốt đổ nát còn để lại tôi không rõ. Một lần giữa giờ học tôi nghe có tiếng vọng sang từ một căn nhà gạch hai từng ở sát cạnh trường, ngăn bởi một bức tường cao có hàng rào kẽm gai cuộn tròn phía trên. Tôi nghe không rõ nhưng dường như đó là một tiếng hét đau đớn. Có ai bảo tôi căn nhà đó là Sở Mật thám. Tây đã tra tấn Việt Minh trong đó. Sau này cũng có ai bảo tôi chú Long bị Tây bắt và bị tra tấn. Họ còn nói thím Long mỗi lần thăm chú ở nhà giam về nhà lại mang theo một chiếc áo đẫm máu! 

Vào trong Nam tôi ít liên lạc với gia đình thím Long. Ánh lớn hơn tôi mấy tuổi nên tôi ít thân. Chúng tôi gặp nhau vài lần một năm là nhiều và thường là những dịp giỗ tết. Lần cuối tôi gặp thím Long vào dịp Tết đầu thập niên 70. Nhà thím ở Gia Định, Ngã Năm Bình Hoà, trong một cái ngõ có nhiều cây xung quanh. Tôi dựng xe gắn máy trước nhà. Vào phòng khách tôi thấy vắng không có ai. Lát sau có tiếng dép bước ra từ buồng trong. Bao nhiêu năm không gặp thím tôi thấy thím già đi, xanh xao, mệt mỏi. Duy có tiếng nói của thím vẫn thế, vẫn là giọng nói của thím Long ngày nào ở Hà Nội: êm nhẹ, quý phái. Chỉ khác bây giờ giọng thím nhỏ yếu hơn nhiều. Tôi nghe nói thím bị bịnh ung thư bên cánh tay trái, nhưng lần ấy tôi gặp thì cánh tay chưa bị cắt. Trong suốt câu chuyện với thím hôm đó tôi chỉ còn nhớ một câu thím nói. Thím nhìn lên cây vú sữa của căn nhà bên kia ngõ như thả hồn theo những ngày xưa cũ và giọng của thím nhẹ như hơi thở: 

– Cuộc đời của các anh phẳng lặng quá. Cuộc đời của chúng tôi sóng gió hơn nhiều... 

Câu nói làm tôi nghĩ đến cuộc đời gian truân của mẹ tôi, của thím Long và của bà Khái Hưng. Tôi nghĩ đến thân phận làm vợ của ba nhân vật nòng cốt Tự Lực Văn Đoàn đã chọn con đường tranh đấu chông gai. Riêng với thím tôi thấy xót xa hơn cả bởi thím xuất thân từ một gia đình quyền quý, lại là con một, khi lấy chú tôi thím không hề được sửa soạn để ứng phó với cuộc đời bất trắc. Sau lần gặp ấy cho đến ngày thím mất tôi không gặp lại thím. Nhưng tôi được nghe kể về diễn tiến của căn bệnh quái ác ấy. Cánh tay của thím phải cưa đến hai lần. Sau cùng ung thư đã lan vào tuỷ sống làm bà hôn mê suốt 24 tiếng đồng hồ trước khi từ giã cõi đời. 

Từ tiếng hét bên bờ tường kẽm gai trường Hàng Vôi, đến chiếc áo đẫm máu của chú Long và sau này cánh tay cưa của thím, những hình ảnh đó là những ấn tượng đau đớn nó luôn luôn thoáng hiện trong tôi mỗi lần tôi nghĩ về chú thím. 

Từ ngày vào Nam hình như những kỷ niệm đau buồn cũ đã được để lại bên bờ kia của dòng Bến Hải. Họ Nguyễn Tường chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới ở miền Nam. Không ai buồn nhắc nhở đến cái chết đau thương của chú Long. 

Nhưng có một lần trong đêm khuya khoắt tên chú Long được nói đến làm tôi rúng động. Nó cho tôi biết được một điều thầm kín. Đó là trong lúc cái chết của chú đã chìm trong quên lãng thì vẫn có một người âm thầm đau khổ, người đó là cha tôi. "Thuở ấy ở Sài Gòn cha tôi thường viết văn trong đêm khuya khoắt. Những khi giật mình thức giấc nửa đêm tôi thường thấy, qua khe cửa, đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lồm còm bò dậy vì có tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Một người anh họ lớn tuổi hơn, ra dáng hiểu biết, giải thích: Chú Tam khóc vì chú nhớ chú Long đấy! Sau này tôi biết ông đã khóc âm thầm nhiều đêm vào những dịp khác. Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ" (Nhất Linh, cha tôi - NTT - 1985). 

Tôi biết gần như chắc chắn cái chết của chú Long, người em và cũng là đồng chí, đã ảnh hưởng mạnh đến cuộc đời của cha tôi. Năm 1951, khi từ Hồng Kông về Hà Nội, cha tôi tuyên bố với báo chí rằng ông từ bỏ chính trị. Quyết định này của ông tôi nghĩ là sẽ không có nếu chú Long còn sống. Cha tôi có hai con người trong ông. Con người nghệ sĩ ông gần Thạch Lam. Con người cách mạng ông gần Hoàng Đạo. Sự mất mát của hai người em, nhất là Hoàng Đạo, đưa đến khủng hoảng trong tâm thần ông. 

Ngay sau ngày cha tôi chết một nhân vật xuất hiện: Như Phong. Đeo kính trắng gọng to, chiếc pipe trên miệng, khuôn mặt vuông, dáng trí thức lịch lãm, người mà chúng tôi vẫn gọi bằng cái tên thân mật: "cậu Tiến". Tôi chưa từng gặp Như Phong trước đó. Nhưng tên cậu đã là huyền thoại. Là đàn em của Hoàng Đạo, đời cậu dính chặt với gia đình chú Long. Luôn luôn là một nhân vật bí mật và chỉ xuất hiện trong những dịp thật đặc biệt, với tôi cậu Tiến là hiện thân của một người chú tôi chưa từng biết. 

Không khí thật căng thẳng sau ngày cha tôi tự sát. Công an mật vụ theo dõi chúng tôi. Hôm đó ngày thứ hai mồng 8 tháng 7 năm 1963. Giờ này theo như trát đòi đáng lý cha tôi phải có mặt trong phòng xử của Toà án Quân sự Đặc biệt tại số 131 đường Công Lý Sài Gòn nhưng hôm trước ông đã uống độc dược tự vẫn, để lại tờ di chúc chính trị: "Đời tôi để lịch sử xử..." Đúng lúc chúng tôi đang bối rối tìm cách phổ biến tờ di chúc ra ngoại quốc trước khi nó có thể bị tước đoạt bởi những bàn tay mật vụ thì Như Phong xuất hiện. Cậu giải quyết vụ này nhanh chóng. Tôi nhớ mãi thái độ của cậu hôm đó. Trong bầu khí bất an đe doạ khắp nơi, trong khi chúng tôi bấn loạn thì cậu bình tĩnh như không. Cậu còn khôi hài dí dỏm làm như thể mọi chuyện trên cõi đời này không có gì đáng phải lo âu. Trên đường chở cậu trên chiếc Vespa của tôi đến số 19 đường Ngô Đức Kế để đưa tờ di chúc đến cơ quan thông tấn xã UPI cậu bảo tôi dừng lại ở một kiosk đầu đường Nguyễn Huệ làm photocopy. Đấy là lần đầu tiên tôi biết mặt mũi cái máy sao giấy tờ này. Sau này gặp lại cậu Tiến cứ mỗi lần chúng tôi trao đổi nhau bất cứ một thứ giấy tờ gì, dù chỉ là mảnh giấy rất thường, cậu đều ghé vào tai tôi, nói thầm ra vẻ bí mật: "Nhớ photocopy!" Cả hai đều bật cười nhớ ngay đến lần hai cậu cháu làm phóng ảnh cái tờ di chúc lịch sử kia. Năm 1974 tôi dự tính in một cuốn sách "Di cảo Nhất Linh Nguyễn Tường Tam" và đang thu thập tài liệu thì Như Phong đến gặp tôi trao cho tôi một tờ giấy nhỏ. Lần này cậu không nói đùa "nhớ photocopy!" như mọi lần mà chỉ nói: "Tài liệu quý! Nhớ giữ!" Đó là lần cuối cùng tôi gặp cậu. Đúng hai mươi năm sau, ngay khi đặt chân đến Mỹ, cậu gọi điện thoại cho tôi và câu đầu tiên cậu hỏi là tôi còn giữ được tài liệu đó không. Tôi nói tôi còn giữ. Lặng đi một lát. Tôi cảm được mối xúc động của cậu ở đầu dây bên kia. Rồi cậu nói: "Tốt! Photocopy gửi cậu một bản. Nhớ in màu. Làm sao lên được màu mực tím của vạch kẻ!". Tôi mang tài liệu này đến Kingko để in. Bỗng tôi giật mình. Tôi đã giữ tài liệu này mấy chục năm nay đọc nó không biết bao nhiêu lần có bao giờ để ý cái chi tiết vạch kẻ có màu tím. Mấy chục năm mà cậu còn nhớ được cái chi tiết nhỏ nhặt này. Thì ra cậu Tiến, tôi đoán thế, trong suốt bao năm tháng dài đã nghiền ngẫm tài liệu này trong trí nhớ, đã nhìn thấy màu mực tím đó trong bóng tối âm u của những trại lao tù cộng sản. Tài liệu đó do chính cha tôi viết tay dài hai trang chữ rất nhỏ mang tên Ký trình nội dung báo cáo về việc thống nhất các đảng phái quốc gia và tổ chức đảng. Ký tên Hải ngoại Chấp hành Bộ: Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Lý Đông A (và một nhân vật nữa) cùng ký tên tắt. Tài liệu này không đề ngày. Nhưng câu "Ngày giờ đã khẩn cấp!" trong tài liệu cho tôi phỏng đoán là nó được viết cùng thời với Bức thư ngỏ gửi các bạn chiến đấu của cha tôi ký ngày 17-1-1945 trong đó có một câu tương tự: Thời giờ thật là khẩn cấp... 



Trên đây là hai trang phóng ảnh từ bản Ký Trình gốc, do Nguyễn Tường Tam viết.


Nhà tôi đập vào vai tôi chỉ về phía trước. Cách mấy hàng ghế Mai quay người phía sau miệng nói mấy câu nhưng tiếng nói bị át đi trong tiếng còi tàu. Tay cô chỉ chỉ ra ngoài ra dấu xe hoả đã vào ga Thạch Long. Tất cả xẩy ra rất nhanh chóng khi con tàu tốc hành vùn vụt chạy lướt qua ga.

Tôi rướn người nhìn ra bên ngoài. Khung cảnh ga Thạch Long hoàn toàn không giống như trong trí tưởng tôi. Trong một khoảnh khắc rất ngắn khi tôi vừa ý thức là nắm xương của chú Long tôi phải nằm ở quanh quất đâu đây thì con tàu đã rầm rộ vượt qua, bỏ lại nấm mộ trong trí tôi lùi xa lùi xa... Trong tiếng nghiến của những bánh xe hoả rung lên trên một cây cầu sắt tôi nhìn thấy chú Long đang dõi mắt nhìn tôi... cái nhìn lãng đãng, thắm thiết mà buồn bã... cái nhìn mòn mỏi đợi chờ những người thân... đã từ năm mươi năm... Sự tưởng tượng không ngờ làm tôi thật sự xúc động. Mối xúc động át đi trong tiếng còi kéo dài khi chuyến tàu rời khỏi thị trấn. Đó là khoảnh khắc duy nhất trong đời tôi đã trọn vẹn dành cho chú, một người chú bao năm như kẻ xa lạ bỗng dưng trở về... gần gũi thân thương như một người trong nhà. 

Chú tôi sinh ra và lớn lên ở phố huyện Cẩm Giàng. Gần một cái nhà ga bên con đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Nơi quê nhà. Bốn mươi mốt năm sau chú chết lại gửi xác ở thị trấn Thạch Long. Cũng gần một cái ga bên con đường sắt Quảng Châu-Hồng Kông. Nơi quê người. 

Nông nỗi nào thế hở chú Long?

Như Phong Lê Văn Tiến tại nhà Phạm Phú Minh cuối năm 1997 – do PPMinh chụp


Mới đó mà đã bẩy năm qua. 

Bốn năm trước Như Phong mất ở Virginia vào ngày 18 tháng 12 năm 2001. Tôi sửng sốt ghe tin cậu mất. Thật quá bất ngờ. Tôi tự trách mình cứ chần chờ gặp cậu để nghe cậu kể và nếu cần sẽ thu băng làm tài liệu sau này viết về một đoạn đời của cha tôi và của chú Long, một đoạn với tôi còn ngập đầy bóng tối, mà tôi tin rằng cậu là người biết rõ nhất. Sau khi cậu Tiến mất tôi cũng thắc mắc tại sao cậu không viết hồi ký? Cả cuộc đời cậu luôn luôn đứng trong hậu trường chính trị, là người biết rõ nhất cái hậu trường ấy, của rất nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. 

Một ngày kia tôi sực nhớ tới cái hôm cậu giúp tôi phổ biến tờ di chúc của cha tôi, một việc làm đã góp phần cho sự sụp đổ của một chế độ. Ngày ấy với tôi là trọng đại. Nhưng với cậu lại như đùa bỡn. Tôi hiểu ra. Hôm đó chỉ là một ngày trong đời cậu. Những ngày khác của cậu cũng thế. Cuộc đời cũng thế. Viết làm gì? Có gì quan trọng đâu... 

Đêm nay. 

Một đêm thu trong và lạnh của miền Tây Bắc lại đến. 

Tôi thức giấc nửa khuya thấy mình đối diện với ánh trăng tràn qua cửa sổ. Ánh trăng làm tôi xao xuyến. Nằm trằn trọc mãi không ngủ được tôi suy nghĩ về bài tôi đang viết về Hoàng Đạo rồi bỗng sực nhớ ra là mình có lưu giữ một chút gì của chú Long, tôi thức dậy bước ra ngoài phòng khách. Từ trên trần nhà lọt qua khung skylight ánh trăng trải xuống một khoảng sáng rất mờ trên tủ kính nơi tôi cất giữ di cảo của cha tôi. Tôi mở cửa tủ, bật một cái đèn con rồi lấy ra một bức tranh hoa cúc do cha tôi vẽ. Cạnh bức tranh là thủ bút của cha tôi ghi rõ "chậu cúc này do chính tay Hoàng Đạo mua về để bày tết, trang hoàng một gian nhà tiều tuỵ ở một làng hẻo lánh Quảng Đông". Ở một góc của bức hoạ có chữ ký Nhất Linh, 1948, đúng năm Hoàng Đạo mất. 

Trên bức vẽ là màu thời gian gần sáu mươi năm. Vài cánh hoa cúc do cha tôi cắt và dán đã long ra ở đầu mép. Tôi nhìn cái phông màu mực đỏ tươi của bức tranh loang sau những cánh hoa vàng và liên tưởng đến vệt máu đẫm trên chiếc áo chú Long. 

Cầm bức tranh trên tay, tôi lặng đi. Bức tranh là tiếp cảm đằm thắm nhất giữa tôi và hai người thân yêu đã khuất. Thoáng trong một giây tôi hình dung cả ba người là chú Long, cha tôi và tôi đều cùng nhìn vào một chậu cúc xưa. Tôi nghĩ đến sự hữu hạn của đời người và bức tranh này cùng với ánh trăng kia sẽ còn lưu lại mãi mãi. 

Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt 
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân 
(Lý Bạch)

Nguyễn Tường Thiết
Seattle, mùa Thu năm 2005