Bằng giờ năm ngoái, hàng ngàn gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chuyến
viếng thăm đầy lửa khói của Nữ Thần Pele, đứng xếp hàng làm đơn xin
chính phủ trợ cấp, hầu xây dựng lại cơ sở làm ăn hay nhà cửa của họ. Một trong
những con đường dẫn vào khu vực bị dung nham tàn phá là Quốc lộ 132. Sau một
thời gian sửa chữa, có khi phải đối phó với 700 độ F trên mặt đất, đoạn đường
này đã được phép lưu thông trở lại từ tháng Mười Một năm ngoái. Chủ nhân những
căn nhà hay cơ sở bị thần nữ Pele đùa chơi đã trở về chốn cũ, để xem
xét tình hình. Tái xây dựng hay dời đi nơi khác. Ở lại thì ra sao Dọn đi thì sẽ
đi về đâu?
Như mọi du khách khác, chúng tôi lái lên trên con đường tráng nhựa mới. Trời
hôm thứ Bẩy trong xanh. Nhiệt độ trung bình từ 70 tới 80 độ. Đôi khi trời mưa
nhẹ hạt, dù nắng vàng vẫn bao phủ vạn vật. Trong những khoảnh khắc đó, chúng
tôi hướng mắt lên vòm trời bao la, tìm cầu vồng. Nguyên một ngày trời đi qua
một trong những khu vực bị dung nham phủ tràn hai năm về trước, chúng tôi ngắm
được cầu vồng sáu lần, lúc đậm, khi nhạt.
Dọc con đường hơn năm cây số, chúng tôi không thấy có bóng người đi bộ,
ngoài những cánh đồng đá đen, nơi lởm chởm, nơi quấn thừng, chạy tới tận chân
trời. Đôi khi có những làn khói trắng bốc lên qua các kẽ nứt, từ những giọt
nước mưa thấm vào lớp đá nóng dưới lòng đất. Những làn khói trắng bay là đà đó
đây tạo nên một hình ảnh lạnh lẽo, cô đơn, quạnh quẽ, cho dù chung quanh đã có
những bụi cây bén rễ và mọc lên xanh tươi.
Trên đoạn đường này, tôi nhận thấy mọi sinh hoạt hay hình ảnh của một khu
xóm bình thường đã mất. Không máy cầy, không xe ủi đất, không trẻ con chơi
trước sân nhà, không hộp thơ, cột điện, giây cáp viễn thông, không tiếng gà
gáy, tiếng chó sủa, hay tiếng chim hót trên cành. Một bến cho tàu lên, xuống
nay chỉ là một hồ nước cạn, vì bị chắn bởi một bức tường đá dung nham cao vài
thước. Một bãi biển cát đen mới năm trước hẹp hơn, giờ đã rộng hơn gấp vài lần.
Khúc đường dẫn vào khu dân cư và cơ sở làm ăn ngày trước đã trở thành con đường
đi vào sa mạc, sa mạc đá đen. Tôi đặt tên là Sa Mạc Puna. Puna từng nổi tiếng
với những đồn điền macadamia, đu đủ, những nông trại trồng hoa lan và
nhiều loại cây cảnh khác. Puna với suối nước nóng thiên nhiên Pohoiki, với hồ
nước nóng Ahalanu, nơi hàng trăm du khách ngâm mình trong làn nước ấm mỗi ngày.
Nay, hai địa điểm thu hút nhiều du khách này và vài địa danh khác đã vĩnh viễn
xóa khỏi bản đồ.
Con người không khỏi thấy mình nhỏ bé trước sự bao la, hùng vĩ, khi yên
bình, khi vũ bão của thiên nhiên do Đấng Toàn Năng đã tạo ra. Tôi chợt nghiệm
rằng, bất cứ khi nào Ngài muốn mọi sự hoan vui thì từ cọng cỏ trong làn gió nhẹ
hay hạt cát dưới vòm trời bao la đều an nhiên. Nhưng khi Ngài muốn nhắc nhở con
người rằng ai là Thiên Chúa của vũ trụ, thì chỉ cần một Thiên Thần phất tay,
mọi trật tự trong ngoài trái đất sẽ trở thành hỗn độn.
Một thay đổi khiến tôi bàng hoàng vì chứng kiến sự thay đổi của thời gian.
Lớp đá đen đủ cỡ trên một bờ biển đã được nới rộng bởi những dòng suối dung
nham hai năm trước, để bồi thêm đất cho Đảo Lớn, là kết quả của những đợt sóng
đánh vào bờ liên tục. Chỉ trong vòng hai năm, sóng đã đập vỡ những lớp đá dung
nham, rồi dần dần biến chúng thành những viên đá đủ cỡ dưới chân tôi. Với thời
gian, những viên đá này sẽ trở thành những hạt cát mịn như trên các bãi biển
cát đen trong vùng.
Ngắm những cánh đồng đá dung nham dọc hai bên Quốc Lộ 132, tôi ngỡ rằng
chẳng ai thoát được sự tàn phá của thiên nhiên. Thế mà, ngạc nhiên sao, chúng
tôi trông thấy được hai căn nhà vẫn đứng vững giữa một biển đá đen. Hình ảnh
này không thể nào không khiến người chứng kiến phải thốt lên hai chữ “Phép
lạ!”, vì dù có ai cố gắng giải thích thế nào, căn cứ vào bất cứ định luật nào
của vật lý thì cũng phải chịu thua và gật đầu công nhận. Không phải phép lạ là
gì, khi mọi sự chung quanh căn nhà đã bị thiêu hủy hoàn toàn. Không phải phép
lạ là gì, khi những dòng sông dung nham đỏ đổ về phía căn nhà đã tự dưng chảy
lệch qua một bên, cả bốn bề tứ phía, như có một bàn tay mầu nhiệm giơ ra vạch
lối chỉ đường cho chúng tránh đến gần chu vi của căn nhà. Dù chỉ tràn gần căn
nhà thì sức nóng khủng khiếp của dung nham cũng bắt lửa, thiêu rụi mọi sự trên
đường đi của nó. Chủ nhân căn nhà này không biết mình đã làm gì để hưởng đặc
ân, trong khi hàng xóm cũng xứng đáng được nhận sự may mắn này, nay chịu bao
nhiêu là thử thách, mất mát.
Hình ảnh khác khiến chúng tôi không khỏi thương cảm khi thấy những bảng số
nhà mới được sơn vội lên trên những tảng đá đen, kèm theo câu “Private
property. Do not trespass”, khi chung quanh chỉ là đồng không mông quạnh. Dù
nhà cửa của những người kém may hiện giờ đã nằm sâu dưới lớp đá dày, có ai muốn
người lạ leo trèo lên trên. Phải chăng vì những căn nhà này từng có bàn thờ,
thờ kính Thượng Đế hay tổ tiên? Những cảnh giác này có thể đến từ kinh nghiệm
quá khứ? Trong thời gian dung nham phun trào, chủ nhân của nhiều nhà riêng hay
cơ sở thương mại đã phải treo những tấm bảng tương tự, hầu mong ngăn chặn những
kẻ ác tâm, lợi dụng khi chủ nhà bỏ đi vì sự an toàn cá nhân hay cho gia đình
họ, đã mang xe tới để “dọn sạch” tất cả những gì có thể lấy được.
Người dân trong khu vực Puna, nằm trên ngọn núi Kilauea đang cố gắng xây
dựng lại đời sống, và chuẩn bị cho lần tới, khi Madame Pele trở lên “thăm dân
cho biết sự tình”. Tin tức mới nhất cho hay vị nữ thần lửa có nhiều sức mạnh và
với tính tình sôi nổi, hay ghen và rất thất thường này lại đang chuyển mình
dưới lòng núi Mauna Loa, một ngọn núi khác của Đảo Lớn!
Khổng thị Thanh-Hương