25 January 2020

NỤ CƯỜI XUÂN - Điệp Mỹ Linh


Để biết ơn Thương Binh V.N.C.H.

Đang đọc bản tin trên Yahoo News về việc Hoa Kỳ gửi quân tăng cường cho chiến trường Trung Đông, đến đoạn: “…At Fort Bragg, some 3,500 soldiers in the Army’s 82nd Airborne Division were ordered to the Middle East in one of the largest rapid deployments in decades…” bà Phượng thở dài, nhìn chăm chăm vào tấm ảnh của đoàn quân đang di chuyển đến phi cơ quân sự để bị đưa sang Trung Đông.

Hình ảnh quân nhân Hoa Kỳ sắp bị đưa vào vùng lửa đạn gợi lại trong lòng bà Phượng hình dáng thân thương của từng đoàn quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QL/VNCH) cùng thế hệ với Bà.
Ngày xưa, khi nào thấy đoàn quân VNCH đi hành quân, Phượng cũng nhìn lên trời cao như muốn tìm hình ảnh những chiếc dù no gió, thường lửng lơ trong không gian rền vang tiếng súng và tràn ngập xác người. Cùng lúc đó, từ tâm thức u hoài, tiếng hát trầm ấm của Trọng – trung úy Nhảy Dù, anh của Uyên, bạn cùng lớp với Phượng – âm thầm ngân lên trong lòng nàng:
Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi phương trời cũ ... (1)

Trong nỗi nhớ khôn cùng, bà Phượng tưởng như thấy lại được nhân dáng dong dỏng cao của Trọng trong bộ quân phục Nhảy Dù, giày trận, bê-rê đỏ đội hơi nghiêng. Khi nào “hai đứa” đi bên nhau, Trọng cũng vừa cười vừa gật đầu nhè nhẹ vừa hát nho nhỏ: “Ta chiến binh Sư Đoàn Nhảy Dù…” (2) Khi nào thấy Trọng vừa “làm điệu” vừa hát câu này Phượng cũng cười và cảm thấy hạnh phúc ngập lòng.
Chiều Hè năm 1972, trong bữa tiệc do Trọng và Uyên đãi nhóm bạn hữu trước khi Trọng theo đơn vị ra vùng I Chiến Thuật, thấy Trọng cứ quấn quýt bên Phượng, mấy anh Nhảy Dù reo lên:
-Trọng! Hát bài “ruột” của “toi” để tặng cô Phượng đi!
Phượng ngạc nhiên, nhìn Trọng:
-Bài ruột của anh là bài nào, sao em không biết?
-“Bí mật quân sự” làm sao em biết được!
Ôm Guitar, vừa dạo vài “notes”, Trong dừng lại, nói:
-Thưa quý cô và các bạn, theo yêu cầu của các bạn, tôi sẽ trình bày tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ của Nguyễn Văn Đông để tặng một người.
Nhóm Nhảy Dù lại rộn ràng:
-Nhớ ai? Nhớ người nào? Nói tên đi!
Phượng rất hồi hộp, vì Phượng ngại, nếu ai biết nàng quen thân với Trọng rồi mách lại Ba Mẹ của nàng là nàng có “bồ” – nhất là “bồ” với quân nhân thuộc binh chủng “thứ dữ” như Trọng – thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy đến cho nàng! Như hiểu được tâm trạng của Phượng, Trọng đáp lời các bạn:
-Các bạn nghe tôi “ngân nga” bài này hoài mà các bạn không đoán ra được, dỡ quá! Nghe lại cho kỷ nè!
“Hoa phượng rơi đón mùa thu tới…
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi ...

Đời tôi quân nhân, chút tình riêng gửi núi sông…
Phượng rơi rơi trong lòng tôi…”


Mọi người đều nhìn Phượng. Phượng cúi mặt, cười, cảm thấy hạnh phúc lâng lâng.
Niềm hạnh phúc trong lòng cô sinh viên năm thứ hai đại học Luật khoa Saigon tưởng sẽ không bao giờ nhạt phai; nhưng, sau khi tựu trường, trong lúc cùng vào giảng đường với Uyên, thấy Uyên làm rơi một phong thư, Phượng nhặt lên, đưa cho bạn. Uyên giả vờ thảng thốt:
-Ý, chết! Cảm ơn bồ. Mất tấm hình này là…chết…tui!
-Hình ai mà quan trọng dữ vậy?
-Hình của anh Trọng.
-Ô, lâu rồi mình không được tin anh Trọng. Anh ấy khỏe không?
Uyên quay mặt để giấu đôi mắt ửng đỏ như sắp khóc:
-Thôi, bồ quên “cái ông” Trọng này đi!
-Có gì bất thường vậy, bồ?
-Không. “Mấy ông lính” mà, nay đây mai đó, ai biết được!
Giọng Phượng nghèn nghẹn như sắp khóc:
-Anh Trọng có “bồ”, phải không?
-Sao “bà” thiệt thà quá vậy? Quên ổng đi!
-Anh Trọng là một người ngay thẳng, trung thực, chả biết sợ ai. Nếu anh Trọng muốn đoạn tuyệt với mình thì tại sao anh ấy lại im lặng?
-Đàn ông mà! Loin des yeux loin du coeur! Thôi, quên ổng đi!
-Mình chỉ muốn biết lý do.
-Thật sự bồ muốn biết hay không?
Phượng chậm bước, gật đầu. Uyên cũng chậm bước, trao bì thư – mà Uyên làm rơi lúc nãy – cho Phượng:
-Sự thật nè!
Phượng hồi hộp mở bì thư, lấy ra tấm hình. Trong hình, Trọng ngồi, tươi cười và âu yếm choàng tay qua vai một thiếu nữ rất xinh. Lật phía sau tấm hình, Phượng thấy nét chữ của Trọng và hai chữ “Trọng-Loan”. Phượng dừng bước, lúng túng, thở dồn dập! Uyên lấy lại tấm hình, giọng xót xa:
-Thôi, quên ảnh đi!
Im lặng. Bất ngờ Phượng quay lui, đi nhanh như chạy trốn, về hướng chiếc Yamaha Dame của nàng. Trên đường đi xe Yamaha đến đại học Văn Khoa – với dự định xin đổi trường để cắt đứt mọi liên hệ với Trọng – Phượng cứ một tay cầm “ghi-đông” xe, một tay quẹt nước mắt! Lúc xe chạy ngang gốc cây sao mà lần đầu tiên Phượng gặp Trọng khi Trọng chở Uyên đến trường, Phượng dừng xe lại, khóc vùi! Một chốc sau, bình tĩnh lại, Phượng nhìn trước nhìn sau như muốn tìm lại nhân dáng oai hùng trong bộ quân phục hoa rừng và khuôn mặt rạng rỡ cùng nụ cười hóm hỉnh của Trọng thì hình ảnh Trọng và cô gái trong hình lại hiện lên! Theo từng giọt nước mắt mặn đắng tủi hờn, Phượng nghĩ đến những thanh niên đang theo đuổi nàng. Trong số thanh niên này, Phượng biết Ba Mẹ của nàng có nhiều thiện cảm với Khanh – sinh viên kiến trúc.
Như thường lệ, vào chiều thứ Bảy, Khanh đến thăm Phượng. Lần này chàng tặng Phượng bản nhạc Ngậm Ngùi của Phạm Duy. Phượng cười buồn:
-Cảm ơn anh.
-Để anh vào chào hai Bác rồi Phượng đàn và hát cho anh nghe, nha!
-Anh phải xin phép Ba Mẹ em.
-Dĩ nhiên. Anh biết mà.
Trở lên phòng khách, Khanh hỏi:
-Phượng bị Mẹ rầy, phải không?
-Tại sao anh hỏi Phượng như vậy?
-Anh thấy nỗi buồn trong mắt Phượng!
Im lặng một chốc, Phượng vờ đùa để tự dối mình:
-Dạ. Tại em bị Mẹ cho “ăn” mấy cán chổi lông gà!
-Thôi, đàn hát cho vơi buồn, Phượng nhá!
-Anh tặng Phượng bài Ngậm Ngùi mà vui sao được!
-Tâm hồn của Phượng nhạy cảm cho nên Phượng dễ xúc động; còn anh rất thực tế.
Dù thực tế đến đâu Khanh cũng không ngờ, khi tiếng Bass của Piano trầm trầm rồi giọng của Phượng vút cao ở phân đoạn cuối thì tâm hồn chàng lại chùng thấp; vì cảm nhận được nỗi đau nào đó trong tiếng hát nghẹn ngào của Phượng qua những vần thơ ướt lệ của Huy Cận:
“… Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau.
Tay anh em hãy tựa đầu
cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi!”


Cả hai cùng im lặng. Khanh đến cạnh, giúp Phượng đóng nắp Piano lại. Vừa khi đó Ba của Phượng từ nhà trong bước ra:

-Phượng! Con hát bài này “được” lắm!

-Dạ. Con cảm ơn Ba. Ba cho con làm ca sĩ chuyên nghiệp, nha, Ba!

-Không đời nào! Ba Mẹ thà ăn mắm chứ không bao giờ cho con trở thành ca sĩ.

Khanh ngạc nhiên:

-Tại sao, thưa Bác? Phượng có tài, có sắc mà.

-Biết là như vậy. Nhưng cháu cũng nên hiểu rằng đời sống của nghệ sĩ không được lành mạnh và luôn luôn chịu nhiều áp lực. Cháu thấy đó, số lượng tài tử và nghệ sĩ lập gia đình năm lần bảy lược rồi chết vì tự tử, vì ma túy, vì say rượu, vì tai nạn, v.v… cao lắm!

-Dạ, cháu hiểu rồi.

-Bác chỉ mong Phượng học xong đại học, lập gia đình, có cuộc sống đơn thuần, đầm ấm. Thế thôi.

Khanh chưa kịp nói gì, bà giúp bắt đầu dọn ra bữa ăn chiều. Từ trước đến nay, nhận thấy lúc nào Phượng cũng giữ thái độ lịch sự, nhã nhặn, kín đáo chứ không thân thiện với thanh niên nào cả, Ba Mẹ rất an lòng. Hôm nay thấy Phượng và Khanh có vẻ thân mật, Ba thầm vui, tiếp:

-Khanh! Dùng cơm chiều chưa, cháu?

-Thưa Bác, chưa ạ!

-Vậy thì cháu ở lại dùng cơm với gia đình Bác, nhé!

Khanh vui còn hơn ngày chàng thi đỗ tú tài II, hạng ưu, ban Toán. Trong bữa cơm chiều, như được cơ hội kể lại cho thế hệ trẻ về những tiếc nuối vì đã phí phạm tuổi thanh xuân trong thời gian theo kháng chiến chống Tây, Ba nói huyên thuyên. Thỉnh thoảng Mẹ phải nhắc:

-Ông để cho cậu Khanh ăn; chút nữa ăn xong rồi nói chuyện.

Khanh đáp lời Mẹ:

-Dạ, thưa Bác, cháu cần nghe và hiểu thêm về những gì thế hệ trước đã trải qua; vì cháu dạy môn sử học cho một trường trung học tư thục, Bác ạ!

Ba khen:

-Sinh viên các nước Âu Mỹ, đa số phải vừa đi làm vừa đi học; còn Việt Nam, ít có Cha Mẹ nào đành để con vừa đi làm vừa đi học.

-Vâng, Bác nói đúng. Bố Mẹ cháu cũng không muốn cháu đi làm; nhưng vì cháu có cá tính tự lập từ bé lận, Bác ạ!

-Thế thì tốt. Mừng cho cháu.

Sau bữa cơm đó, Ba Mẹ của Phượng tìm mọi cơ hội để khen Khanh trước mặt Phượng. Nhưng Phượng chỉ cười nhẹ; vì trong lòng nàng, hình ảnh vừa hào hùng vừa lãng mạn của Trọng chưa ai có thể thay thế được.

Vì tình yêu dành cho Trọng quá mãnh liệt, Phượng nén tự ái – vì nàng đã tự ý xa lánh, tuyệt giao với gia đình Uyên – đến nhà Uyên để dò tin về Trọng. Chủ nhà cho biết Bố của Uyên bị thuyên chuyển đi xa, đem gia đình theo, không để lại địa chỉ…

… Dòng kỷ niệm buồn của bà Phượng vừa đến đây, điện thoại reng. Nhất ống nghe, bà Phượng “Allo”. Tiếng Hữu reo vui:

-Bà Cô! Chiều nay bà Cô sẵn sàng, khoảng 5:30PM con về đưa bà Cô đi, nhen!

-Ờ. Cảm ơn con. Bà làm phiền con nhiều quá! Nhưng Bà già rồi, không lái xe ban đêm được mà các anh chị lại cứ khuyên Bà nên tham dự sinh hoạt của các hội đoàn cho bớt quạnh hiu! Thỉnh thoảng con chịu khó giúp Bà, Bà cảm ơn con!

-Có gì đâu, bà Cô.

-Bye, con!

Sau khi ông Khanh qua đời, thấy bà Phượng chỉ thui thủi một mình, các con của Bà mời Bà về sống cùng; nhưng Bà từ chối vì không muốn con của Bà phải “rơi” và tình cảnh “Mẹ mày, Mẹ tao”! Khi người cháu gọi bà Phượng bằng Cô, sống bên Việt Nam, nhờ Bà bảo lãnh cho Hữu – con của người cháu – được sang Mỹ du học, các con của Bà lo mọi thủ tục cần thiết để Hữu được sang Mỹ, sống với Bà để Bà bớt cô quạnh và Cha Mẹ của Hữu khỏi phải lo tiền trọ cho Hữu.

Cách nay vài tuần, biết chương trình mừng Xuân của Hội Ái Hữu Nhảy Dù có Diễm Liên – ca sĩ mà bà Phượng rất thích – trình diễn, con của Bà mua vé tặng Bà và căn dặn Hữu phải đưa Bà đi và đón Bà về.

Cài seat belt xong, bà Phượng hỏi Hữu:

-Sau khi đưa Bà đến chỗ đại hội Nhảy Dù, con đi đâu?

-Con đến nhà bạn gái của con, gần đó. Khi nào bà Cô cần về, bà Cô “điện” cho con.

-Bà nói hoài, con ở đây lâu rồi, đừng nói tiếng Việt của cộng sản Việt Nam (csVN) nữa.

-Ở Việt Nam hơn 90 triệu dân Việt, “nước ngoài” chỉ vài triệu người Việt; vậy thì tại sao phải nói tiếng Việt theo người “nước ngoài”?

-Vì tiếng Việt của người Việt di tản là tiếng Việt trong sáng, đúng văn phạm.

-Tiếng Việt “di tản” là tiếng Việt như thế nào?

-Là một câu tiếng Việt không thừa cũng không thiếu.

-Tỷ dụ?

-Tỷ dụ: Hai người đưa nạn nhân đến bệnh viện. Đó là một câu đơn giản và đúng nhất. Còn tiếng Việt của csVN thì: Cặp đôi đưa nạn nhân đi viện.

-Hai câu ấy đồng nghĩa mà.

-Tại sao đã “cặp” lại còn “đôi” mà lại thiếu chữ “bệnh”? Viện gì? Viện dưỡng lão, viện tâm thần, viện bào chế?

-Tại bà Cô “dị ứng” với csVN cho nên bà Cô phân tích nọ kia chứ ai nghe họ cũng hiểu.

-Tiếng nói và chữ viết của một dân tộc là biểu tượng văn hóa của dân tộc đó. Khi nói sai văn phạm, người nghe có thể không để ý; khi viết, nên thận trọng.

-Con biết mà! Dù thế giới có khen csVN phát triễn tốt đẹp đến thế nào đi nữa thì bà Cô cũng “chê thê chê thảm” thôi.

-Hữu à! Thế giới khen csVN phát triễn vì thế giới chỉ căn cứ vào số cao ốc, dinh thự, khu kỹ nghệ, lăng tẩm “hoành tráng” – mà thế giới không hề biết chủ nhân các khu kỹ nghệ, dinh thự đó là người Tàu và lăng tẩm là của quan chức csVN – chứ thế giới không hề biết đích thực người dân Việt Nam phải sống như thế nào!

-Nước nào cũng có nhiều giai cấp chứ đâu phải chỉ Việt Nam thôi đâu, bà Cô!

-Đúng! Nhưng không có nước nào trên thế giới mà người dân cứ bị cướp đất hết vùng này đến vùng khác; hết đợt này đến đợt kia như Việt Nam cộng sản.

-Chính phủ có bồi thường mà.

-Chính phủ bồi thường có thỏa đáng hay không, đó là một chuyện; còn phương cách hành xử của nhà cầm quyền csVN đối với người dân lại là chuyện khác.

-Con quan niệm, đời mình, mình lo; csVN làm gì kệ mẹ nó. Nhưng trong sự kiện Đồng Tâm con có thấy csVN hành xử điều gì quá đáng đâu.

-Nhân sinh quan và thái độ sống của con – cũng như của đa số người trẻ bên Việt Nam – như vậy cho nên csVN mới tồn tại cho đến ngày nay! Còn sự kiện Đồng Tâm, con nghĩ như thế nào khi nhà cầm quyền csVN bất ngờ đưa cả ngàn cảnh sát cơ động, quân đội vũ trang tấn công vào Đồng Tâm lúc bốn giờ sáng 09-01-2020 để chiếm đất của dân? Cuộc cướp đất này đưa đến hệ quả: Cụ Lê Đình Kình – 84 tuổi, có 57 năm tuổi đảng và cũng là thủ lãnh của dân làng Đồng Tâm chống nhà cầm quyền csVN chiếm đất – hơn 20 người dân bị bắt, bị đánh đập; thương vong về phía nhà cầm quyền csVN gồm có: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, thượng úy Phạm Công Huy và trung úy Dương Đức Hoàng Quân. Đó có phải là điều quá đáng hay không?

Im lặng. Nhớ cảnh Ba và các em trai – sau tháng Tư 75 – đi tù còn Mẹ và các em gái bị đuổi đi kinh tế mới, tài sản bị csVN tịch thu, bà Phượng uất, nói tiếp:

-Điều đáng đề cập trong sự kiện Đồng Tâm không những ở chỗ đảng và nhà cầm quyền csVN dùng bạo lực để giữa khuya “đánh úp”, cướp đất của dân mà điều mỉa mai nhất trong sự việc này là: Theo báo của Sở Tư Pháp Saigon thì, ngày 10-01-2020, Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước csVN Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định truy tặng huân chương chiến công hạng nhất cho đai tá Thịnh, thượng úy Huy và trung úy Quân; vì “Cả 03 người đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.” Cuối cùng, theo bản tin của RFA, ngày 17-01-2020, csVN đã ra lệnh cho lực lượng 47 – khoảng hơn 10,000 người, chuyên tấn công không giang mạng – tổng tấn công, ngăn chận thông tin vụ Đồng Tâm, không để tin lọt ra ngoài. Sau đó, Bộ Công An csVN phong tỏa tất cả tài khoản mà người Việt Nam trong và ngoài nước gửi về phúng điếu cụ Lê Đình Kình. Con chờ đó rồi sẽ thấy. CsVN sẽ tổ chức Đại Thắng Đồng Tâm như csVN từng tổ chức Đại Thắng Mậu Thân năm 1968 và Đại Thắng Mùa Xuân 1975…

Bà Phượng vừa nói đến đây, xe dừng ngay trước cửa Marriott Hotel. Hữu thở dài nhè nhẹ vì vừa thoát được nhiều điều chàng không hề biết; vì csVN bây giờ đã thuê người viết sách “phịa” ra những chuyện cướp đất thời Pháp, thời Mỹ, thời VNCH – như người csVN từng “phịa” chuyện anh hùng nhí, cán bộ gái 13, 14 tuổi ôm súng trường bắn hạ máy bay Mỹ – mà chưa bao giờ csVN để cập đến điều luật Người Cày Có Ruộng do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành.

Trước khi bà Phượng rời xe, Hữu dặn:

-Khi nào bà Cô muốn về, gọi con trước 10 phút, nhen!

-Okay.

Nhìn đồng hồ tay, biết mình đến trễ, bà Phượng đi nhanh về phòng khánh tiết. Đến gần cửa, bà Phượng nghe tiếng nhạc rộn ràng trong điệu “cha cha cha” rồi giọng Tenor vang dội cả hội trường:

“Ðầu xuân năm đó anh ra đi
Mùa xuân này đến anh chưa về…” (3)


Sau khi được đưa vào bàn, bà Phượng chào mọi người cùng bàn rồi nhìn lên sân khấu. Một “ông Nhảy Dù” đang hát. Tiếng hát và nhân dáng của “ông Nhảy Dù” như khơi lại trong hồn bà Phượng hình ảnh của Trọng; đồng thời cũng gợi lại niềm đau của mối tình đầu không trọn! Cứ mỗi lần hình bóng Trọng hoặc nỗi đau xưa trở về là mỗi lần bà Phượng cúi đầu, âm thầm tạ lỗi với ông Khanh.

Tiếng vỗ tay rộn rã cùng nhiều tiếng “bis… bis…” vang lên. “Ông Nhảy Dù” rời sân khấu, trở về bàn. Khi “ông Nhảy Dù” đi qua bàn bà Phượng ngồi, một vị khách níu tay, khen:

-Hay quá Trọng ơi!

Bà Phượng giật mình, quay về phía phát ra câu nói. Lúc nãy ông Trọng sang bàn này hàn huyên với người bạn cùng khóa Võ Bị Dalat với Ông; thấy bàn này có bốn cặp. Bây giờ thấy phụ nữ này lẻ loi, ông Trọng vừa cảm ơn bạn vừa nhìn bà Phượng trong khi bà Phượng quay mặt hướng khác, sau khi nhận ra ông Trọng. Ông Trọng đến cạnh, hỏi nhỏ:

-Xin lỗi, có phải bà là Phượng bạn của Uyên không ạ?

Bà Phượng lắc đầu, nói “xin lỗi” rồi đứng bật dậy, lấy điện thoại, vừa đi ra cửa vừa bấm số, gọi Hữu.

Đứng nơi góc phòng đợi, bà Phượng cảm nhận được nỗi xót xa, tủi hờn đối với người xưa và sự ân hận dày vò đối với ông Khanh. Bất ngờ Bà nghe giọng của ông Trọng:

-Xin lỗi Phượng, cho tôi giải thích với Phượng một lần rồi thôi. Tôi hứa sẽ không bao giờ khuấy động cuộc sống hạnh phúc của Phượng.

Im lặng. Ông Trọng tiếp:

-Anh nhà đâu mà Phượng đi một mình?

-Ông nhà tôi không còn nữa!

-Xin chia buồn với Phượng. Ông ấy và Phượng rất đẹp đôi.

Bà Phượng xoay người, nhìn Trọng, nhạc nhiên:


-Làm thế nào ông biết ông nhà tôi?

-Có lẽ Phượng đã không thấy một thương binh Nhảy Dù, chống đôi nạn gỗ đứng lặng lẽ cạnh gốc cây bàng, bên kia đường, xeo xéo nhà Ba Mẹ vào hôm đám cưới của Phượng. Đúng không?

Thật nhanh, bà Phượng nhìn hai chân của ông Trọng và nhớ lại: Khi ba chiếc xe Traction đen đưa dâu từ từ rời nhà Ba Mẹ thì anh thương binh Nhảy Dù khập khểnh đi vào hẽm nhỏ! Bà Phượng đáp:

-Tôi không hiểu gì cả.

Ông Trọng bấm số điện thoại, nói:

-Loan! Cậu cần vợ chồng cháu và Ba Má cháu ra phòng đợi ngay.

Sau khi hai cụ già và vợ chồng Loan cùng các con xuất hiện, chào bà Phượng, Trọng nhìn Loan:

-Loan! Cậu nhờ con giải thích với Bác này về tấm hình của con và Cậu chụp chung tại Đà Nẵng, năm xưa.

Loan ngần ngừ vì quá bất ngờ. Ông Trong lấy trong ví một tấm hình cũ, trao cho bà Phượng:

-Phượng nhìn kỷ đi, xem Loan và người trong ảnh có bao nhiêu điều khác biệt?

Nhìn tấm ảnh, nhìn Loan, chợt nhớ hai chữ Trọng-Loan được Trọng viết sau tấm ảnh, Bà Phượng chợt hiểu, nước mắt tuôn dài! Loan dìu bà Phượng đến xa-lông dài rồi mời Bố Mẹ và ông Trọng ngồi cạnh bà Phượng. Ông Trọng làm như vô tình, hơi kéo ống quần bên trái lên một tý. Thấy chân trái của ông Trọng được gắn prosthesis, bà Phượng chỉ thốt được tiếng “Trời!” rồi ôm mặt, khóc:

Vừa khi đó, Hữu xuất hiện, ngơ ngác nhìn mọi người trong khi ông Trọng nói với bà Phượng:

-Tôi có lỗi với Phượng. Nhưng sự quyết định của tôi đến từ tình yêu. Đời Phương rực rỡ như ánh nắng mai; tôi không nở làm khổ Phượng, đưa Phượng vào tình cảnh phải chọn lựa giữa một thương binh và Ba Mẹ.

Loan kéo Hữu ra xa, kể lại sự việc tấm ảnh cậu Út Trọng và cháu Loan – con đầu lòng của bà chị cả của Trọng – chụp năm xưa, sau khi Trọng bị thương tại Quảng Trị. Nghe xong, Hữu đến bên bà Phượng:

-Bà Cô! Con hiểu chuyện rồi. Đây là mối tình tuyệt đẹp. Con xin mời bà Cô và mọi người qua phòng ăn riêng của khách sạn để hàn huyên. Ở đây hoặc trong phòng khánh tiết ồn lắm, không thể nói chuyện thoải mái được.

Bà Phượng hướng ánh mắt về ông Trọng:

-Con nên hỏi ý ông Trọng trước.

Ông Trọng nhìn Hữu:

-Cảm ơn cháu đã hiểu tôi. Tôi có rất nhiều điều muốn nói với bà Cô của cháu; vì mai tôi phải trở về Việt Nam.

Bà Phượng ngạc nhiên:

-Không phải anh ở Mỹ à?

Ông Trọng lắc đầu. Bà Phượng tiếp:

-Sorry, từ nãy giờ quên hỏi thăm “bà đầm” của anh và các cháu.

Lúc này Mẹ của Loan mới lên tiếng:

-Có chịu lấy vợ đâu mà có “bà đầm” và các cháu!

Bà Phượng lặng lẽ nhìn ông Trọng trong khi Hữu đến quày tiếp tân lo việc đặt phòng ăn riêng.

Trong giờ phút đầm ấm như trong gia đình, vừa thưởng thức bữa ăn ngon vừa hàng huyên, ông Trọng cho bà Phượng và Hữu biết rằng Gia Đình Mũ Đỏ đã giúp Ông  món quà vô giá; ông không phải chống nạn nữa! Vợ chồng Loan tặng vé máy bay và lo thủ tục để ông sang Mỹ du Xuân.

Bà Phượng im lặng, quẹt nước mắt. Hữu cũng bị xúc động mạnh. Tự dưng ý tưởng lãng mạng thoáng qua, Hữu đứng lên, dõng dạc: “Kính thưa quý Cụ, kính thưa bà Cô của con, kính thưa ông Trọng, hôm nay, bất ngờ biết được cuộc tình đẫm lệ và lãng mạn của bà Cô và ông Trọng, con vô cùng xúc động! Con ước chi bà Cô của con và ông Trọng có thể cùng nhau đi đến cuối đời”.

Bà Phượng hốt hoảng:

-Hữu! Con nói tầm bậy! Bà già rồi.

-Người ta già hơn bà Cô nhiều mà người ta còn đi tìm tình yêu; còn mối tình của bà Cô và ông Cậu đẹp như trong xi-nê mà tại sao bà Cô và ông Cậu lại không nuôi dưỡng mối tình đó?

-Con cho Bà biết ai già hơn Bà mà còn có bồ? Chỉ đi.

Hữu lấy điện thoại, tìm bản tin mà Hữu đã đọc cách nay vài hôm, vội đọc rõ từng chữ:

-Đây là một câu trong bản tin của Yahoo News, ngày 17-01-2020: “…Matthew McConaughey has confirmed his 88-year-old mother is due to go on a date with Hugh Grant's 91-year-old father next week after The Gentlemen stars previously proposed matchmaking their parents”.
Mọi người đều vỗ tay, cười. Bà Phượng vừa cười mỉm vừa nhìn ông Trọng và bắt gặp nụ cười thật tươi cùng niềm vui ngời lên trong mắt Ông...

Điệp Mỹ Linh
https://www.diepmylinh.com/
1.-Nhớ Một Chiều Xuân của Nguyễn Văn Đông.
2.-Nhảy Dù Hành Khúc, không thấy tên tác giả.
3.-Đồn Vắng Chiều Xuân của Trần Thiện Thanh.