16 January 2020

TẢN MẠN NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM: MY WAY – DÒNG ĐỜI - Lương Nguyên Hiền


Frank Sinatra (1915-1998)

And now the end is near
And I so face the final certain
(My Way, Frank Sinatra)


Hôm nay, căn nhà tôi hoàn toàn vắng lặng, vợ con tôi đã đi chơi xa. Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp hưởng cái không khí nhè nhẹ của một buổi sáng cuối năm đẹp tuyệt vời. Nắng ấm chiếu qua khung cửa sổ tràn ập vào nhà, nắng lung linh như đang nhẩy múa trên tường. Không khí yên tĩnh của ban mai, cái ấm của nắng mới, làm tôi thèm nghe một bản nhạc mà đã lâu rồi tôi chưa có dịp nghe lại.Đó là bản “My Way” của Frank Sinatra, tôi đã nghe ở quê nhà, trước khi rời nơi chôn nhau cắt rún để đi vào nơi xứ lạ quê người. Lúc ấy, tôi thấy bản nhạc này hình như đã nói lên được tâm trạng của tôi, trước một chuyến viễn du không biết bao giờ trở về và những lời mình nói hôm nay là những lời cuối cùng khi vẫy chào chia tay với bạn bè thân thương nơi phi trường. Mà quả thật, từ ngày đó tôi đã đi biền biệt thoát khỏi hẳn nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Đến khi tôi có dịp về thăm lại quê hương sau mấy chục năm xa cách, thì đã quá nhiều đổi thay, bạn bè tôi không còn nữa, mỗi đứa một nơi và Cha tôi, người cha thân thương đã đi sâu vào lòng đất, ngay lúc ông mất, tôi cũng không về được để vuốt mắt ông lần cuối.
Bây giờ ngồi đây với cái tâm trạng giống như thế của 40 năm về trước, tôi cảm thấy bài ca này càng gần gũi tôi hơn bao giờ hết. Cả bản nhạc như một lời tâm sự cho cuộc đời mình đã đi qua: “Tôi đã sống và sống rất nổi trôi, đã đi qua bao nhiêu đoạn đường với bao nhiêu đắng cay, có đôi khi lầm lỡ, nhưng tôi không bao giờ tiếc nuối và sống rất vui”. Bài ca như một lời nhắn nhủ biện bạch cho một kiếp người đã có quá nhiều gian truân và rồi đến cuối đời mình ngồi tính sổ lại, xem còn mất những gì, cái nào còn cái nào không. Để từ đó rút ra bài học vô cùng quí giá, là tôi đã sống và sống thật sự cho cuộc sống của mình, có đắng cay đó, có thất bại đó, nhưng đó cũng chỉ là… dòng đời trôi qua:


Dòng đời trôi qua, biết bao đổi thay,
nhưng tôi vẫn là tôi vì tôi đã sống với chính con tim
(My Way, lời Việt của Nam Lộc)

Điểm chính ở đây, ca sĩ Frank Sinatra, ông chỉ muốn nhắn nhủ một điều, ông đã sống với con tim của mình. Không đắn đo, không suy nghĩ, không e dè, ông chỉ sống cho hiện tại, không bận bịu với quá khứ, không lo toan cho tương lai, ông đã lao vào cuộc đời theo nhịp tim của mình, để sống vui từng ngày, từng giờ. Đâu đây nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng muốn chia sẻ sự đồng tình của mình với ông về cái nhân sinh quan “vui” đó qua bài ca “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”:

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…
(Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Trịnh Công Sơn)

Đơn giản như thế thôi, nhưng mà không phải ai cũng dễ dàng nhận được chân giá trị ấy, vui từng ngày, sống từng giờ, yêu và sống bằng trái tim của mình. Hai người nghệ sĩ ấy đã gặp nhau ở chỗ đó. Mà khi đã sống vui, sống đủ, không còn gì để tiếc để nuối, thì dù cho mai này có sao đi nữa, cho đến lúc nhắm mắt buông tay nằm xuống, cũng sẽ dễ dàng để lại một nụ cười cho hậu thế:

Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian để lại nụ cười cho hoa
(Tếc Ke)

Để lại nụ cười cho hoa, là không để lại cho đời một chút oán hận hay thù hằn. Cuộc sống không phải chỉ như một dòng sông êm đềm lững lờ trôi, dù trong thâm tâm ta luôn luôn mong muốn mang niềm vui đến cho người, bởi vì có những lúc ngồi yên, tính sổ đời lại, không khỏi giật mình, bao nhiêu lầm lỗi đã qua, bao nhiêu cái ngang trái đã theo ngày tháng mà chồng chất:

Bạn ơi, nếu có lầm lỗi chỉ xin được mong thứ tha,
biết bao và biết bao điều xin hãy thứ tha
(My Way, lời Việt của Nam Lộc)

Xin thứ tha là để anh em gặp nhau vẫn nở một nụ cười, tay bắt mặt mừng và hơn nữa là để hóa giải cái xấu thành cái tốt, cái dở thành cái hay, cái thù hằn thành thương yêu nhân ái, cái nặng nề thành thanh thoát nhẹ nhàng. Sau cùng từ trong cái thế giới lẻ loi của thân phận mình, ta chợt cúi đầu để cám ơn đời, cám ơn người vì ta mà hoa nở, vì ta mà chim hót trên cao:

Cám ơn hoa đã vì ta nở,
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.
(Ta về, Tô thùy Yên)

Vẫn biết đời sống có những lúc cần phải phẫn nộ trước những oan trái ê chề, nhưng chỉ có những bước chân êm đi vào giữa dòng đời vạn biến, mới mang lại cho chúng ta sự bình yên vĩnh cửu. Nếu nhạc sĩ Vũ Thành An đã để lại cho chúng ta những bản tình ca “không tên” bất tử thì ông cũng để lại chúng ta những chuyện không quên. Sau những năm tháng bị đầy ải ở địa ngục trần gian, ông trở về lại căn nhà cũ, mang đầy dấu tích của hạnh phúc năm xưa, giờ đây vắng lặng đìu hiu, quanh ông chỉ là u tối não nề. Nhưng ông không một lần trách móc, than thở cho thân phận mình, ông ngồi xuống và sửa lại bản tình ca mà ông đã viết khi còn trẻ. Từ câu trong bài ca “Không tên cuối cùng”:

Này em hỡi con đường em đi đó,
Con đường em theo đó
Đúng hay sao em…

bây giờ đã thành:

Này em hỡi con đường em đi đó,
con đường em theo đó
Đúng đấy em ơi….
(Bài ca không tên cuối cùng, Vũ Thành An)

Ở đây có sự dứt khoát, nhất quán của ý chí, bởi vì ông đã khẳng định rằng “con đường em theo đó, đúng đấy em ơi“. Cũng không còn có sự chọn lựa nào khác, là phải sống với cái hiện tại đang có, với cái hiện hữu đang vây quanh, không thể sống mãi với cái dằn vặt của quá khứ và với cả những kỷ niệm bi thương như nước lũ phá đê đổ về, để rồi đôi bên cùng bị chết ngộp trong mặc cảm mất mát, thua thiệt, ăn năn, hối hận, ray rứt. Từ những cái đau của vết thương tóe máu, ông đã bước lên đỉnh cao của yêu thương để mang đến sự bình yên vĩnh cửu cho người ra đi và có lẽ cho cả chính ông nữa:

Nếu không còn được gặp nữa
Giữ cho trọn ân tình xưa
Xin gửi em một lời nguyền
Được bình yên được bình yên về cuối đời
(Bài ca không tên cuối cùng, Vũ Thành An)

Cuối cùng, xin gởi đến bạn lời cầu bình yên và tôi cũng xin lấy lời của Trịnh Công Sơn để được khép lại ở đây cho từng đêm vui:

Những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây,
chút nắng vàng giờ đây cũng vội, khép lại từng đêm vui.
(Như một lời chia tay, Trịnh Công Sơn).


Lương Nguyên Hiền