Nhà tôi ở số 22 ngõ Phất Lộc, thằng An nhà số 28. Tôi và nó học cùng vỡ
lòng, đến lớp 3 thì nó bị đúp. Ngày bé giữa tôi và nó là những trận ẩu đả liên
miên, đến mức từ nhà ra ngõ nhìn thấy nhau là lao vào đấm đá nhau.
Lúc trước nó là đầu gấu, nó bắt nạt tôi nhịn, nhưng đến năm đi học thì tôi chẳng
sợ gì nó nữa, bởi ở trường tôi phải chinh chiến với bao nhiêu thằng khác nữa.
Cả tuổi thơ chúng tôi là kẻ thù của nhau. Rồi 18 tuổi tôi đi lính, lính về làm
giang hồ, rồi đi tù…
Khi tôi quyết hoàn lương, cầm khoan, xách máy hàn đi làm thợ quảng cáo. Ngày
nọ gặp ở quán nước đầu ngõ, thằng An nói nó mở cái nhà nghỉ ở Cầu Giấy, bảo tôi
đến làm biển. Nhà nó ở ngõ Phất Lộc đã bán đi, nó ở đâu tôi cũng không biết.
Hôm đó tôi đến nhà nghỉ nó làm biển, có một mình tôi, nó phụ giúp cùng. Chúng
tôi nói chuyện ấu thơ ở con ngõ, nhưng tuyệt không nói đến chuyện hai thằng
từng đánh nhau toé máu mồm, mũi bao nhiêu trận.
Thằng An trầm ngâm nói.
– Ông ạ, bán nhà đi nơi khác là một sai lầm, mỗi lần về ngõ mình, nhà mình
của người khác, thấy buồn lắm ông ạ.
Tôi nhớ năm tôi 17 tuổi, một sớm tôi đứng nhìn ra cửa ngắm mặt trời, bố tôi
đứng bên cạnh, ông bảo.
– Bố nghĩ nên bán cái nhà này con à?
Tôi giật mình hỏi.
– Sao lại bán ạ?
Bố tôi buồn rầu nói.
– Bán để chia cho các con.
Tôi lắc đầu nói.
– Nhà của ông bà để cho bố, giờ chả đói khổ gì, bán đi mà chia, như thế con
nghĩ không nên.
Bố tôi ứa nước mắt, ông nhìn tôi rồi quay về bàn uống nước, ông ngồi trầm
ngâm.
Nhà tôi có 1 chị lớn, 5 anh em trai kế sau, tôi là thứ năm, dưới tôi là
thằng út.
Thế rồi bố tôi cũng gắng mua miếng đất chỗ này, chỗ kia, cũng cho mỗi người
một phần. Cái nhà Phất Lộc bố tôi nói cho tôi và thằng út và mẹ tôi nữa. Khi bố
tôi mất đi, tôi chỉ nghe anh tôi, mẹ tôi, chị tôi nói lại rằng di chúc bố tôi
để lại ghi như thế.
Tôi ra tù thì em trai tôi đã có vợ con, ở cái nhà Phất Lộc ấy. Tôi một thân
một mình, lại sống kiểu lang thang nay đây mai đó, làm chỗ nào ở chỗ đó, có lần
còn đi thuê nhà xóm bụi bãi rác Thành Công để ở cho gần chỗ làm.
Lúc tôi lấy vợ, ở nhờ nhà vợ cho đến lúc tôi đi nước ngoài.
Em trai tôi nghiện ma tuý, nó đánh đuổi vợ con ra khỏi nhà, làm giấy tờ ly
dị. Con em dâu đã ở ngôi nhà ấy gần 20 năm, phải khăn gói với 2 đứa con ra đi
tìm thuê một căn hộ chung cư ba mẹ con sống với nhau.
Một người phụ nữ ở quê lấy chồng thành phố, gần 20 năm thì cả ngần ấy năm
cay đắng với gã chồng nghiện, rồi đến ngày con gái sắp trưởng thành thì lếch
thếch khăn gói kéo nhau đi, thêm thằng con trai mới 5 tuổi.
Tôi nghĩ đến đứa cháu gái mình từng chăm bẵm, giờ nó có người yêu, gia đình
nhà người yêu nó thấy hoàn cảnh mẹ con nó như thế không biết có ngại gì không.
Rồi còn thằng em nó nữa, cứ ở nhà thuê rồi mai sau lại đi thuê nhà nơi khác,
học hành cũng bất ổn.
Nghĩ mãi rồi tôi bỏ hết tiền mua căn hộ giá rẻ cho người thu nhập thấp, chỉ
500 triệu để mẹ con nó có chỗ ở ổn định.
Em trai tôi nghiện , giờ nó ở trai cai nghiện, cuộc đời của nó loanh quanh ở
trong trại cai nghiện này đến cai nghiện khác. Còn tôi thì hẳn là các bạn thấy
rồi, một kẻ lưu vong, phản động không có ngày về quê hương.
Cái nhà Phất Lộc để đó. Nó nằm ở đầu ngõ Phất Lộc và đầu phố Lương Ngọc
Quyến.
Chốc lại có người nói đến số phận cái nhà ấy với tôi, rồi phần của người
này, phần của người kia, lộc của người nọ….
Nhiều bạn đọc của tôi, họ ở xa, có dịp về Hà Nội, họ đi qua cái ngõ Phất Lộc
ấy, chụp cái nhà tôi gửi cho tôi, họ bảo cho tôi đỡ nhớ. Có lần tôi nhìn tấm
ảnh, thấy trên gác nhà tôi có ánh đèn, tôi biết mẹ tôi đang ở đó, cái gác ấy là
ban thờ nhà tôi, ở trên cùng là ban thờ Phật, ở dưới là thờ ông bà nội, thờ bố
tôi, chắc ngày một, hôm rằm mẹ tôi đang thắp hương.
Tôi nhớ lại bài thơ tôi viết trong tù, đúng ngày sinh nhật thứ 23.
– 6 tháng rồi sao mẹ vẫn chưa quen
Những đêm trường cửa ngỏ chẳng cài then
Con không về, đêm dài hơn thế kỷ
Thằng nhà bên đặt trùng tên
Mẹ nó gọi, mẹ con giật mình hoảng hốt.
Hiếu con à, chốn đó sống sao con?
Kinh giải hạn, mẹ tụng dài thêm nữa
Tiếng Di đà như lay cả rèm thưa
Tuần nhang hết, tuần nhang sau nối tiếp
Nhang khói nhạt nhoà
Tượng Phật vẫn trầm tư.
Thơi gian ơi
Hãy đi như giấc mơ
Cho thư con viết
Thôi hêt màu hung nhớ.
Rồi hôm nao hạn trời con qua hết
Mẹ xem kìa
Tượng Phật sáng hào quang.
Tôi gửi bài thơ về cho mẹ từ trong tù. Rồi mấy năm sau ra tù, không xin được
đâu việc, tôi ngồi trên gian gác có ban thờ ấy, lục kinh Phật ra đọc, thấy lá
thư có bài thơ tôi gửi mẹ nằm trong giữa cuốn kinh. Căn gác trong ngôi nhà này,
có bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm mẹ tôi ngồi tụng kinh cầu Phật mong mỏi cho
tôi được bình an, được thoát nạn. Bao nhiêu là bao nhiêu ngày ?
Thực sự từ khi 18 tuổi, tôi không còn nhà ở ngôi nhà ấy nhiều, tính ra trong
30 năm qua đến nay, tôi chỉ ở ngôi nhà đó vài năm.
Trước 3 hôm tôi đi Đức, tôi về căn nhà đó gặp mẹ tôi, tôi nói con đi nước
ngoài mẹ à. Mẹ tôi hỏi
– Anh đi bao lâu.
Tôi nhìn ra cửa, tôi cảm giác như quay lại sớm năm nào, tôi đứng nhìn ra cửa
và bố tôi nói chuyện số phân cái nhà. Tôi bảo mẹ.
– Con không biết, có lẽ con chẳng bao giờ về mẹ ạ.
Mẹ tôi thở dài não nề.
– Chẳng đói kém gì, sao lại đi như thế?
Tôi cố gìm nước mắt nói.
– Thôi con đi, ở đó còn bình yên, còn hơn ở đây mẹ cứ phải lo cho con.
Tôi chào mẹ ra khỏi cửa, tôi không nhìn lại, không như lần tôi ở trại b14 về
nhà chào mẹ, lúc đi quay lại thấy mẹ tôi đứng nhìn theo. Lần này tôi đi không
ngoảnh lại, sợ thấy cảnh mẹ buồn. Thế là tôi cũng không nhìn ngôi nhà ấy lần
cuối trước khi đi vào cuộc viễn du ngàn dặm không có ngày trở lại.
Bây giờ tôi đi như thế, em trai tôi đi như thế. Mẹ tôi còn vài năm nữa là 90
tuổi.
Ai cũng hiểu nói đến số phận cái nhà ấy, là nói đến chuyện gì.
Nếu bạn đã từng xem phim Tử Chiến Thành Jerusalem, có bạn nào còn nhớ đoạn
hội thoại giữa người lính trẻ giữ thành và viên chỉ huy quân đội hùng hậu có
đôi mắt u buồn. Khi người lính trẻ giữ thành hỏi vị tướng già bên kia tại sao
phải tranh giành đổ máu để có được ngôi thành bằng đá vô tri.
– Nó chẳng là gì, nhưng nó là tất cả.
Khi bạn luôn bằng những nỗ tận cùng của bạn để giữ một ngôi nhà cũ, một mảnh
đất nhỏ.
Đó chính là thánh địa trong lòng bạn.
Có điều, muốn giữ được thánh địa của mình, ngày xưa người ta đổ máu, còn
ngày nay bạn phải vắt sức ra để kiếm tiền bỏ ra giữ nó.
Người Buôn Gió