21 January 2020

THÓI TRƯỞNG GIẢ - Phạm Đức Thân



Từ “trưởng giả” có nhiều nghĩa, nhưng các nghĩa “người đứng tuổi, người đức cao trọng vọng, bậc thức giả…” không thông dụng bằng nghĩa “người giầu có”, nhất là để chỉ những nông dân hay thương nhân bộc phát tạo nên giai cấp tư sản mới, gọi là giầu nổi, trọc phú. Ai chẳng muốn khá hơn, vinh thân phì gia, sang cả, chuyện này không có gì xấu. Vấn đề là những người mới giầu này thường tỏ ra lên mặt, hợm hĩnh, tự cho mình hơn người, coi thường người khác. Thái độ này trở thành một thói tật trong xã hội, cho nên từ “trưởng giả”, “thói trưởng giả” mang hàm ý xấu, chê bai. Nhất là phú quý sinh lễ nghĩa, có tiền bạc thường thích đua đòi, bắt chước giai cấp trên, chơi nổi, chơi trội, nhiều khi lố bịch, làm trò cười cho thiên hạ. Từ đó nẩy sinh nhóm từ “trưởng giả học làm sang” để chế giễu loại người này. Tuy nhiên cũng phải công nhận ở đây có chút ghen tị của người không có đối với người có.
Hiện tượng văn hóa và xã hội trên diễn ra mọi nơi, mọi lúc. Hơn 300 năm trước ở Pháp Molière (1622 – 1673) đã viết vở hài kịch nổi tiếng Le Bourgeois Gentilhomme (Trưởng Giả Học Làm Sang) để chế giễu hạng người như thế. Dân Anh nặng tính giai cấp có từ “snob” để chỉ hạng giầu nổi với các thói xấu hợm hĩnh, làm sang kệch cỡm. Nguồn gốc có thể do từ “snob” của miền Scandinavia nghĩa là kẻ ngu ngốc, huênh hoang, mạo danh, lang băm. Có thể là viết tắt của từ Latin “sine-nobilate” thành ra từ “s.nob” nghĩa là không phải quý tộc, mà là dân thường. Có thể là do từ “nob” nghĩa là người thực sự có quyền lực và địa vị, và snob là người không có nên ham hố theo đuổi hai thứ này. Có thể là do nông dân Pháp đọc lướt từ “c’est noble” chỉ cái gì thuộc giai cấp trên. Và cũng có thể do từ “snub” nghĩa là hếch mặt, kênh kiệu, đúng là thái độ của dân snob. Ngược lại có người cho rằng từ snob có trước và vì snob cứ hếch mặt lên kênh kiệu nên mới phát sinh từ snub để chỉ cái thái độ này. Hiện tượng thì có từ lâu lắm rồi, nhưng từ để chỉ nó thì không ai biết chắc chắn xuất xứ thế nào.

Đối với vấn đề trưởng giả dân Pháp đã có vài từ liên hệ: parvenue (người giầu bạo phát) arriviste (kẻ hãnh tiến), nouveau riche (trọc phú, người giầu mới nổi), nhưng họ vẫn thích từ đơn âm snob của Anh, nên du nhập và còn tạo từ “snobism” mà từ điển Petit Larousse (1907) định nghĩa như là thói ngưỡng mộ mù quáng, phiến diện bất cứ cái gì thời trang, thời thượng. Riêng dân Mỹ, Việt Nam không có giai cấp quý tộc rõ rệt, với một lịch sử chưa dài về giai cấp tư sản, mọi người hiện vẫn đang cố gắng leo thang xã hội, đa số tư sản nói chung là giầu mới, là hãnh tiến, hoặc tự cho là giầu bạo phát. Cho nên thói trưởng giả mang nhiều tính chất coi thường người khác, khẳng định đẳng cấp, hơn là đi tìm địa vị, giai tầng xã hội cao hơn.
Thói trưởng giả thời nào cũng có, nhưng đặc biệt phổ biến thấy rõ trong những hoàn cảnh xã hội biến động mạnh, như các cuộc cách mệnh đảo lộn giai tầng xã hội (vd. cách mạng Pháp 1789, cách mạng Nga 1917….). Gần hơn là chuyển đổi từ kinh tế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế tư bản thị trường tại các nước Cộng Sản như Trung Hoa, Việt Nam đã tạo nên một tầng lớp đáng kể tư bản đỏ mới, mà do học vấn kém, văn hóa thấp, đạo đức lỏng lẻo họ biểu lộ thói khoa trương hợm hĩnh một cách công khai, rộng khắp, lố bịch, kệch cỡm đến trở thành một hiện trạng xã hội nổi cộm, làm xốn mắt. Tư bản đỏ mới này gọi là đại gia, ngoài thương nhân, nông dân phất lên còn bao gồm cả một số đông cán bộ có chức quyền làm giầu khủng nhờ hối lộ, tham nhũng, bóc lột, cấu kết với ngoại quốc buôn bán tài nguyên quốc gia….; tất cả thi nhau phô trương múa may trên một đất nước còn chậm tiến, đa số dân chúng nghèo khổ, thực phẩm độc hại, môi trường ô nhiễm, tạo nên một bi hài kịch lớn lao chưa từng thấy trong xã hội VN, kéo theo nhiều hệ lụy văn hóa xã hội nghiêm trọng.
Thói nhà quê con gà ghét nhau tiếng gáy khiến các đại gia đua nhau xây nhà hoành tráng hơn, hiện đại hơn, tốn kém hơn, với vật liệu xây cất cũng như trang bị phòng ốc toàn hàng ngoại đắt giá như cẩm thạch, gỗ quý. Trước 1975 ở VN gần như không thấy siêu xe, nhưng nay thì đã có xuất hiện các siêu xe giá chục tỉ như Rolls-Royce, Ferrari, Lamborghini, Bently, Porsche. Còn Mercedes, BMW, Audi, Lexus là chuyện thường. Cán bộ, giáo sư chỉ cách nhiệm sở vài trăm mét nhưng phải đi xe hơi, có tài xế lái.
Quan hôn tang tế là những dịp để phô trương. Phí tổn cao ngất ngưởng, hàng chục tỉ. Mời càng nhiều khách càng nổi danh. Các thiệp mời in ấn đắt tiền, rất ấn tượng và không quên liệt kê dầy đặc những chức vụ công cũng như tư, học vị (không biết thật hay giả) của chủ cũng như của khách. Vàng bạc châu báu đeo đầy người, Đốt vàng mã cũng bạc tỉ. Những lễ lạc của ngoại quốc (vd. Valentine, Halloween, Thanksgiving, Black Friday…) được du nhập vào VN để tạo dịp tiêu xài hoang phí, phô trương tiền của. Đua nhau tìm mua hàng hiệu đắt tiền như Rolex, Gucci, Prada, Dior… để lòe thiên hạ và đem khoe trên facebook.
Ngoài ra còn bầy đặt tổ chức hội ngộ những người cùng họ Nguyễn, họ Phạm…. mà liên hệ huyết thống không có, chỉ cần cùng họ và giầu sang, có tiếng tăm hay địa vị là được mời tham gia. Điện thoại di động mới nhất, chưa thấy bán trên thế giới mà ở VN đã có người sở hữu. Cơn lốc iphone ảnh hưởng tới đại đa số dân chúng. Trẻ em, người dạo bán vé số, người buôn thúng bán mẹt cũng phải có iphone giá bằng cả mấy tháng lương người nghèo. Ăn uống sính đồ ngoại, thích các tiệm sushi, fastfood (Mc Donald, KFC…) Có bát phở giá bạc triệu. Nước VN rất nghèo nhưng có một số người xài sang không thua các triệu phú thế giới. Lố bịch đến thế là cùng.
Con cái các đại gia, nhỏ thì học trường tư thục có liên hệ đến ngoại quốc, mùa hè còn đi học hè tại nước ngoài; lớn thì phải là du học sinh Mỹ, Anh, Đức, Pháp, cùng lắm cũng là Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Tân Gia Ba, ít thấy nói đến các nước CS anh em như Nga, Tầu. Đại gia du lịch ngoại quốc thường xuyên, nhất là vào mùa hè hay ngày lễ Tết. Những dịp này du khách đến viếng các thành phố lớn VN ngạc nhiên thấy vắng nhiều người có máu mặt.
Tình trạng trên đưa đến nhiều hệ lụy tai hại về mặt văn hóa xã hội. Khuynh hướng hưởng thụ, phô trương đua đòi, hám danh, tiền bạc vật chất là trên hết, làm đảo lộn giá trị đạo đức, luân lý, chỉ người có tiền của phô ra mới được nể trọng. Người ta gian dối để cố có mảnh bằng giả hiệu. Trẻ em giết người chỉ vì một cái iphone. Để có tiền xài sang càng phải hối lộ tham nhũng nhiều hơn, càng phải trộm cắp, lừa đảo nhiều hơn. Xã hội băng hoại, giáo dục xuống cấp. Con người trở nên vô cảm, ích kỷ, xem nhẹ đạo đức, lễ nghĩa, ít ai quan tâm đến việc công ích quốc lợi dân, dửng dưng, bất lực trước viễn ảnh đen tối của đất nước. Có chăng thì cũng chính là các đại gia này, sau khi đã vơ vét được lời khủng, liền lo tẩu tán tài sản cũng như con cái ra nước ngoài, để chuẩn bị chuồn một khi có biến.
Những nhận xét trên cho thấy thói trưởng giả là môt hiện tượng phức tạp, rắc rối, đôi khi mang tính khôi hài lố bịch, và có nguy cơ tiềm ẩn tha hóa con người. Đó là tính thích phô trương hợm hĩnh, ham danh, hám lợi. Muốn gây ấn tượng ngang vai người trên và coi thường người dưới bằng mọi giá. Đề cao quá đáng địa vị, tiền bạc và những trang bị đi kèm (nhà cửa, xe cộ, nếp sống, trang phục…), coi chúng là cái đáng nể trọng, chứ không phải đạo đức hay tài năng. Chấp nhận cái thang giá trị vật chât của xã hội và theo đó hành xử mà ít quan tâm đến nhân tình, khiến đôi khi tàn nhẫn, đôi khi lố bịch làm trò cười. Luôn luôn không bằng lòng với mình, với hiện trạng của mình, vì vẻ ngoài thành đạt và tánh tự phụ không xuất phát từ thực tài của bản thân, nên cần phải được củng cố bởi nhìn nhận của thiên hạ bằng những bắt chước, cóp nhặt các hình thức bên ngoài của thiên hạ và chỉ lo bị xuống cấp trước mắt thiên hạ. Càng ngày càng lún sâu vào các thói xấu.
Các thói xấu của trọc phú nổi cộm khiến thiên hạ chê bai, chế nhạo vì họ hãnh tiến một cách kệch cỡm, học làm sang một cách điên cuồng mù quáng. Trong khi thật ra ước muốn thăng tiến khá hơn trong cuộc sống là tự nhiên của mọi người, không có gì xấu, nếu không muốn nói là còn được khuyến khích, nhưng có thể đạt được bằng những cách khác văn hóa hơn, đạo đức hơn, và nhân tình hơn. Bằng trau giồi đạo đức, rèn luyện kỹ năng, cần cù học hỏi, mở rộng kiến văn, nâng cao thẩm mỹ…chứ không phải bằng tiền của, địa vị, và những cóp nhặt các hình thức bên ngoài rỗng tuếch tưởng là có giá trị.
Nói thế không có nghĩa rằng người ta có thể thoát khỏi, không vướng mắc vào những thói xấu này trên đường đời. Vì rằng thật ra cái con vi trùng trưởng giả đã tiêm nhiễm vào mọi người (dù là trưởng giả hay dân thường), len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống mà người ta không nhận ra đấy thôi. Vần đề là liều lượng và hoàn cảnh khác nhau khiến con vi trùng tác dụng khác nhau và theo đó người ta có những tác phong khác nhau. Để ý kỹ có thể nhận diện được ít nhiều cái thói trưởng giả, thích hơn người trong nhiều địa hạt.
Con người sống một mình thường than thở cô đơn buồn chán, nhưng hợp lại thành đoàn thể, xã hội thì luôn luôn có nẩy sinh so sánh, phân biệt, như vậy bản chất so sánh hơn kém này dễ khiến phân hóa hơn là đoàn kết. Thường hay tự cho mình hơn người bên cạnh (tuy là đôi khi khiêm nhượng, nhận là chỉ hơn chút chút). Nếu không hơn được thì tự an ủi:

Trông lên thì chẳng bằng ai
Trông xuống thì cũng chẳng ai bằng mình.

Cái gì cũng có phân biệt, so sánh hơn kém. Và luôn luôn tìm phần hơn (có khi cái hơn này chỉ là danh hão vì thực chất không hơn gì cả). Hình như có vậy mới thấy an tâm thỏa mãn. Đi học thì ráng vào được các trường nổi tiếng như Chu Văn An, Pétrus Ký… hơn là Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Trãi…Hoặc Nha Y Dược, Kỹ Thuật Phú Thọ, Quốc Gia Hành Chánh… hơn là Nông Lâm Súc, Phân Khoa Đại Học Văn, Luật, Khoa Học… Võ Bị Đà Lạt hơn Sĩ Quan Thủ Đức… Gần đây ở Mỹ minh tinh Hollywood bị đi tù vì đút lót cho con vào trường nổi tiếng. Harvard, Yale, Princeton… là giấc mơ ám ảnh, đến nỗi có trường trung học lập chương trình “Preparation H” cho học sinh lớp chót chuẩn bị vào đại học. Đây không phải là thuốc trĩ chữa cho học sinh ngồi học gạo, mà là chương trình “Chuẩn Bị Harvard”.
Mọi thứ và mọi nơi đều có phân biệt hơn kém không thể kể hết. Chỉ xin liệt kê vài địa hạt tiêu biểu như hội đoàn, câu lạc bộ, nghề nghiệp, chỗ ở, xe cộ, nhà cửa, trang phục, thực phẩm, di trú…. Tù Nhân Chính Trị nghe có giá hơn Tị Nạn Cộng Sản. Virginia, Maryland quý tộc hơn New York, Florida. Sushi sang hơn fastfood. Bác sĩ hơn nha sĩ. Bác sĩ chuyên môn hơn bác sĩ gia đình. Làm cho Google, Facebook có giá hơn làm cho các nơi khác. Câu lạc bộ là chỗ phô trương đặc quyền đặc lợi vì có khi gia nhập đòi hỏi mức tài sản tối thiểu cao, chưa kể hội phí cũng ngất ngưởng, không phải ai cũng hội đủ điều kiện.
Nước Mỹ đứng nhất thế giới về tiện nghi đời sống, nhưng có mặc cảm văn hóa đối với Âu châu cho nên triết học, văn học, thời trang, ẩm thực… của Âu châu là những cái được quý trọng, theo đuổi. Lấy được người có gốc quý tộc ở châu Âu là một hãnh diện. Đặc biệt có một giai tầng gồm những minh tinh màn bạc, cầu thủ thể thao, nhân vật truyền thông nổi tiếng (gọi là celebrity) thu nhập khủng mà ai cũng thích được dính dáng đến, cho dù chỉ là gặp ngoài đường. Kim Kardashian thực sự không tài cán gì mà cũng nổi danh nhờ quen biết dính dáng đến các người nổi danh, và vì thế lấy được ca sĩ nổi tiếng Kanye West. Thói sang bắt quàng làm họ khiến người ta thường thòng tên một nhân vật nổi danh vào câu chuyện để tỏ ra có liên quan, quen biết, và được thơm lây. Tương tự, ở VN là các tên tuổi như Mai Thảo, Trịnh Công Sơn…
Vi trùng trưởng giả có khắp mọi nơi, rất khó quản lý kiểm soát, cũng khó như đối với tánh nóng giận vậy. Không hoàn toàn tránh khỏi, nhưng cảnh giác và cố gắng cũng có thể giảm xuống tối thiểu liều lượng và tác hại mà vẫn theo đuổi được hoài bão thăng tiến cuộc đời một cách tốt đẹp. Theo A. Koestler thói trưởng giả không phải chỉ là cái yếu kém rồ dại của con người nhưng là một cái gì cơ bản của não trạng con người hiện đại, phản ánh cái bệnh chung, cái xáo trộn giá trị văn hóa và xã hội trong nền văn minh hiện đại.
Tuy nhiên gác bỏ thị phi, mặc cho thiên hạ muốn hơn cũng chả sao, rèn luyện bản thân, tự mình tạo giá trị đích thực cho mình, không cần ai bảo kê cái giá trị đó, hiểu rằng tiền bạc và địa vị chỉ là phương tiện để thực hiện hoài bão tốt đẹp là một xã hội công bằng, không còn bất công. Cái giá trị đáng tôn trọng không phải là tiền của và địa vị mà là lòng tốt, độ lượng, danh dự, can đảm…. Đến lúc đó sống sẽ thanh thản, hạnh phúc, ít còn bị thói trưởng giả chi phối. Vì dẫu sao theo thi sĩ Giacomo Leopardi (thế kỷ XIX) suy cho cùng con người chẳng là cái gì cả và chẳng biết gì hết, một sự thật mà thiên hạ cứ tảng lờ.

Phạm Đức Thân