05 March 2020

XÓM SÁU LÈO - Trần Mộng Lâm


Tôi sẽ viết về Sài Gòn, thời tôi mới lớn. Sài Gòn này không phải Sài Gòn của ông Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Tạp Lí Lù. Sài gòn này cũng không phải Sài Gòn mô tả trong Chân Trời Kỷ Niệm của chị Trần Thị Mỹ, một bác sỹ thuộc thế hệ các giáo sư Y Khoa của tôi, hiện đang sống tại Pháp. Và sau cùng, điều quan trọng nhất là Sài Gòn này không phải là Thành Phố Hồ Chí Minh mà thế hệ các em, các cháu sanh sau 1975 được biết. Tôi đến Sài Gòn vào những năm của thập niên 50, thế kỷ 20. Khi đó, Việt Nam Cộng Hòa mới được thành lập. Người Pháp đã về nước, và người Mỹ chưa đến. Bởi thế cho nên những con đường đều được đổi tên, không còn mang tên các danh nhân người Pháp như trong thời trước, mà tất cả đều được đặt tên lại và mang tên Việt Nam.

Con đường Phạm Ngũ Lão đến số 283 thì thay vì xây một ngôi nhà, người ta lại đào thành một con hẻm, rộng khoảng 10 thước. Đầu con hẻm này người ta trồng hai cây cột tròn bằng sắt, cao khoảng trên môt mét, đường kính độ 20 hay 30 cm . Hai cây cột này được đặt cạnh nhau, mục đích là ngăn chặn các loại xe hơi, xe gắn máy hay xe đạp len lõi vào. Có thể ngồi trên các cột đó nghỉ ngơi. Tôi đã nhiều lần ngồi  nói chuyện với người bạn ở cột kế bên. Một trong những người bạn đó về sau tôi gặp lại tại Trường Y Khoa là anh Mai sau 75 vượt biên sang Úc nay vẫn còn ở đó. Con hẻm chạy dọc theo hai căn nhà kế bên có mặt tiền hướng ra đường Phạm Ngũ Lão (Mang số 281 và 285) . Qua khỏi hai căn nhà này, nó tiến thêm độ 20 mét nữa rồi đổi hướng 90 độ chạy thẳng ra con đường Đề Thám, thẳng góc với đường Phạm Ngũ Lão ở cách khoảng 500 mét xa hơn. Nói tóm lại, hai con đường lớn họp với con hẻm thành một hình bình hành, Xe cộ chạy trên hai con đường lớn, còn bên trong, ở hai bên bờ con hẻm, người ta xây khoảng 40 căn nhà giống hệt nhau, làm thành một cư xá gọi tên là Cư Xá Nguyễn Văn Dưỡng. Ông Nguyễn Văn Dưỡng là ông nào, đến nay tôi vẫn không biết, chỉ biết là khi đó gia đình tôi cư ngụ tại một căn nhà nằm ở khoảng giữa, bên số chẵn, đâu lưng với các căn nhà hướng ra đường Phạm Ngũ Lão, do đó nó mang địa chỉ là 283/16 đường Phạm Ngũ Lão, đến nay tôi vẫn không quên. Ra khỏi cư xá Nguyễn Văn Dưỡng, người ta gặp đường Đề Thám. Dọc theo con đường này, là một khu dành cho dân lao động, công chức, giới thợ thuyền . Ở đây không có các biệt thự có hồ tắm, có vườn riêng như trong các con đường khác như đường Tú Xương. Tất cả chỉ là những căn nhà thường chỉ như những cái hộp, trong đó nếu cần người ta dùng ván gỗ ngăn thành các phòng riêng dành cho chủ gia đình, còn con cái thì nằm vạ vật bên ngoài, để đêm đến ngủ trên những chiếc ghế bố được xếp lại lúc ban ngày. Như các anh chị và các em tôi, tôi cũng có một chiếc ghế bố riêng. Ngày nay nghĩ lại, tôi không hiểu tại sao trong cái sự chật chội đó, tôi không hề cảm thấy bực bội.
Từ Cư Xá Nguyễn Văn Dưỡng đi ra đến dường Đề Thám, quẹo trái thì đến ngã tư sau, gặp đường Bùi Viện. Tại quẹo trái ở đường Bùi Viện thì gặp Ngã Tư Quốc Tế, nơi có các gánh Cải Lương đóng đô tại rạp Nguyễn Văn Hảo gần đó và Phòng Trà Anh Vũ dành cho giới tân nhạc. Khi đó Thanh Thúy mới nổi danh với các bài hát mà tôi nhớ nhất là bài Chuyện Chúng Mình. Vắn tắt, giữa những địa danh đó là một khu phố dành cho dân lao động, giới trung lưu mà người ta gọi là Xóm Sáu Lèo. Tìm hiểu sau này, tôi được biết ông Sáu Lèo là một tên anh chị khi trước sống ở đây, chuyên cho vay tiền lấy lời, không liên quan gì tới ông tướng Nguyễn Ngọc Loan .
Vì là một xóm lao động nên ở đây sự sinh hoạt mang nét đặc biệt của Nam Kỳ, với những món ăn, thức uống rất bình dân. Ra khỏi cư xá, phía đường Đề Thám là tôi gặp những cái xe bán đá nhận, bán Xâm Bảo Lường, bán chè hột xen của người Hoa. Một ông hàng xóm cách nhà chừng vài căn là chủ một trong những chiếc xe đó. Chiếc xe lỉnh kỉnh những thức uống đó nhưng đặc biệt là phía trên, nó có những ngăn tủ nhõ mà phía ngoài là những tấm kiếng mầu, Trên các tấm kiếng đó, người ta vẽ những hình xanh xanh, đõ đỏ ghi lại những câu truyện tầu như Võ Tòng Đả Hổ hay Bát Tiên Quá Hải mà những ai thích truyện Tầu thuộc nằm lòng. Ông Tầu hàng xóm của tôi mặc những chiếc áo ba lỗ không biết đã bao nhiêu năm, rách te tua thành mấy chục lỗ mà ông ta không chịu thay áo mới, mỗi buối sáng chỉ đẩy cái xe ra bán cho bọn trẻ con trong xóm mà cũng đủ ăn, bụng ngày càng bự .Ngoài ra, cũng trên con đường ấy các bà xẩm, bà Việt ngồi bán cháo trắng ăn với cá mặn, bán bánh ướt ăn với chút mỡ hành xanh, chút tôm khô ngon lạ lùng. Cho đến ngày nay, tôi vẫn không quên những món xôi ăn buổi sáng trước khi đến trường : xôi lá cẩm, xôi đậu xanh, bắp dã, muối mè…Cho đến bậy giờ tôi vẫn không quên được những trái chùm ruột, những trái cóc người ta ngâm trong đường hóa học mầu xanh hơi vàng. Ăn thì ngon nhưng không chết cũng là may quá.
Trong dẫy nhà số lẻ đối diện, ở gần cổng chỗ đi ra đường Phạm Ngũ Lão, có một người đàn bà trẻ lối 30 tuổi. Bà này không đi làm vì có con nhỏ. Ở không, bà ta có thói quen mở radio rất lớn (Hồi đó chưa có Truyền Hình). Tôi còn nhớ lúc đó là những năm đầu của Đệ Nhất Cộng Hòa, thiên hạ thái bình, đi đâu cũng an toàn, không sợ cướp, không sợ chiến tranh. Vì lẽ đó, những bản nhạc phát ra từ cái radio mở lớn cho toàn xóm nghe là những bài hát rất dễ thương, thí dụ như bài hát Mộng Ban đầu :
Quê em miền Thùy Dương
 Gió mang mùa xuân tới
 Hôn liếp dừa lên hương
 Hương thơm tràn muôn lối….
Chỉ ít năm sau, giặc Việt Công đem chiến tranh vào Miền Nam thanh bình, các bản nhạc cũng theo thời cuộc thay đổi:
Một chiều hành quân qua thôn xưa
Lúc nắng xuân chưa nhạt mầu.
Chạng lòng tìm người em gái cũ
Em tôi đã đii phương nào
(Chiều Hành Quân-Lam Phương).
Những bài hát  này, dù không cố ý, vẫn in sâu trong ký ức tôi và ngày nay, ở tuổi già, những khi có dịp nghe lại, thấy thổn thức trong lòng gì đâu. Cả một thời thơ ấu hiện về !!
Cũng bên số lẻ, chỗ gần trổ ra đường Đề Thám, có nhà của một ông nhà văn tên tuổi, ông Lê Tràng Kiều. Đến thăm và nhậu nhẹt với ông, có các nhà văn tên tuổi khác, trong đó có ông Lê Văn Trương là người chuyên viết về các nhân vật anh hung, chọc trời, khuấy nước.
Bên số chẵn chúng tôi, không có các người tên tuổi. Ngay sát cạnh nhà tôi một bên là nhà một thím xẩm. Bà này chuyên làm làm các thứ bánh mứt nên nhà bà lúc nào cũng thơm tho . Mỗi năm, vào dịp Tết, bà mua các hột sen về, và chia cho các gia đình trong cư xá công việc lấy ra từ các hột sen phần lõi xanh chính giữa trước khi có thể ngào đường làm mứt. Tiền công trả theo trọng lương hột sen nhận về, ai có sức thì làm được nhiều tiền nên gia đình nào cũng có thêm một chút tiền tiêu Tết, không nhiều thì ít. Không may thím xẩm này có một đứa con chừng 3 tuổi, rất dễ thương, bị té bể đầu, vào nhà thương ít ngày rồi chết. Tai nạn này làm cả cư xá buồn bã nhiều tháng trời, và tôi cũng bị xúc động, lần đầu tiên trong đời chứng kiến một cái chết của một đứa trẻ sống ngay cạnh mình, và thấy cuộc đời chỉ là phù du..
Căn nhà khác kế cận là nhà một ông già đặc chất Nam Bộ. Ông người gầy ốm, đen đủi, hàm răng rụng mất nhiều cái nên trở thành móm. Tuy nhiên, ông có tài là biết đánh trên cái đàn giống như đàn Tây Ban Cầm nhưng các phím được khoét lõm  rất sâu bản Vọng Cổ nổi tiếng của Miền Nam. Ông chỉ đánh đàn khi trời đã tối, sau khi tụ họp với vài người bạn để ăn nhậu. Trong những buối họp văn nghệ đó nhiều khi tôi được phái đi mua cho các ông khi thì vài món nhậu, có khi chỉ là trái cóc hay vài con khô mực, có khi một vài chai rượu. Thành ra bài cổ nhạc Nam Kỳ đó thấm dần vào đầu tôi lúc nào không biết.
Các anh chị em tôi lớn dần tại Xóm Sáu Lèo nên ít năm sau, căn nhà trở nên quá chật hẹp cho gia đình tôi. Cha tôi tìm được một căn nhà rộng rãi hơn, ở một xóm lao động khác là Cư Xá Đô Thành trên đường Phan Thanh Giản, ngay sát cạnh bệnh viện Bình Dân. Tôi ở tại đây sau khi học hết Trung Học, Đại Học rồi ra trường. Sau khi tốt nghiệp. tôi giã từ Sài Gòn để xuống Cần Thơ làm việc. Cần Thơ là một thành phố khác tại Miền Nam mà tôi có quá nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ hơn cả là một căn nhà mà chính tôi xây dựng lên, ở tại cuối Lộ 20. Chỗ này vắng vẻ, kế cận nơi Rạch Tham Tướng chẩy qua, phong cảnh hữu tình, có cây xanh, có hoa, có nước. Căn nhà của tôi khi trước là một căn nhà ọp ẹp bằng gỗ thông. Tôi thích nơi đó nên mua về, phá đi và giao cho một người quen ở Bình Thủy xây thành một cái nhà tạm gọi là ở đươc, có gạch bông, cửa sắt. Chẳng may khi xây được phân nửa, thì ông ta lăn ra chết. Tôi không biết gì về nhà cửa nên chay lại ông chú đang làm Chỉ Huy Trưởng Kho Đạn vùng 4 cầu cứu. Ông cho tôi một ít tôn và một ít cột sắt để hoàn thành phía sau. Vậy mà cũng xong. Tôi đem về từ Bình Thủy một cây cau và một cây dừa, chính tay tôi trồng xuống, một cây phía trước, một cây phía sau. Và tôi ở tại ngôi nhà đó cho tới ngày mất nước.
Sau 75, tôi bị đi học tập và đưa về Kim Quy Đá Bạc thuộc tỉnh Cà Mau, U Minh Hạ để làm lao động, Chính tại rừng U Minh này mà tôi cảm nhận được cái hay của nhạc cổ Miền Nam. Những người bạn tù của tôi gốc gác Nam Bộ quả thật tài tình. Với những vật dụng mà ai cũng cho là bỏ đi, họ đã chế được thành những cây đàn cổ nhạc, để đêm đêm, sau khi lao động về, trải lòng mình niềm đau, nỗi nhớ trong bản Vọng Cổ . Bài Vọng Cổ chỉ hay hơn khi người ta gặp phải những giờ phút khó khăn, những niềm tuyệt vọng trong cuộc đời. Tôi chắc là nếu không có được một vốn sống nào đó tại Miền Nam, khó mà cảm thông được bản cổ nhạc này.
Thời gian cứ lạnh lùng trôi và cuốn theo nó những cá nhân, những mảnh đời. Mới đó mà tôi sống tại Montreal đã trên 40 năm, và nủa đời trước coi như là tiền kiếp. TV ra đời, rồi các máy Vi Tính. Mới đây, không còn phải làm việc vất vả nũa, tôi tình cờ tìm được trên mạng một đoạn Video ngắn nói về xứ Nam Kỳ. Tôi không thấy video này giá trị ở những hình ảnh của mấy trăm năm về trước, khi Sài Gòn mới được thành lập. Tôi không thấy xúc động khi nhìn lại căn nhà mà M. Dugas đã sống khi bà có người tình (Amant) Trung Hoa tại Sadec. Tôi chỉ xúc động khi người ta dùng bản cổ nhạc để làm phần âm thanh cho đoạn phim. Bản nhạc này tôi đã nghe bao lần, từ khi còn ấu thơ cho tới khi trưởng thành, từ những giây phút êm đềm tới những giờ tuyệt vọng trong tù. Bản nhạc này đã đủ ma lực khiến tôi viết thành những câu thơ như sau này :
Bản cổ nhạc xưa xứ Nam Kỳ.
Đêm nay nghe lại sao lâm ly.
Bạn tù ngày ấy vài ba đứa.
Đứa nào còn sống đứa nào đi ??
Lá rơi rồi tuyết đổ
Mùa Thu rồi mùa đông.
Đường về Quê Hương cũ.
Chỉ còn biết ngóng trông.
Nhà ta nay ai ở.
Vườn ta nay ai trông.
Cây cau trồng năm cũ.
Giờ có còn ra bông ??.
Xóm Sáu Lèo nay trở thành một địa điểm dành cho Tây ba lô đến lê la nơi thủ phủ của Miền Nam. Nhìn vào các ảnh chụp, chỉ thấy những ánh đèn mầu và những cảnh ăn chơi, giống như các ba Mỹ thời thập niên 60, hay một góc của Vọng Các bên Thái Lan, còn đâu là khu phố dành cho dân lao động ngày xưa. Thành phố mang đầy kỷ niệm của tôi nay cũng đã đổi tên. Nó mang một cái tên lạ hoắc, của một người không sanh ra tại nơi ấy, cũng không sống tại đây lâu năm. Đó chỉ là nơi ghé qua khi xuống tầu trốn ra ngoại quốc, làm việc trong khu vực nhà bếp trên tầu. Nói gì thì nói, sự đổi tên này chỉ chứng tỏ một điều : Áp đặt và khinh khi, cho cả một tập thể người Miền Nam. Sao không phải là Hà Nội ?? Sao không phải là Nghệ An ??
Bao giờ Sài Gòn tìm lại được cái tên của mình ?? Hay tất cả chỉ còn là ảo vọng ??

Trần Mộng Lâm