28 April 2020

CHẾT DỄ HƠN LÀ SỐNG? - Huy Phương


Kính gửi Ông Nguyễn,
Xin cám ơn tình cảm của ông muốn đọc một bài của chúng tôi viết về sự ra đi của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Mặc dầu có hân hạnh quen biết Thiếu Tướng qua cả hai thời kỳ trước và sau biến cố 1975, tôi cũng chưa dám “cái quan luận định” về nhân vật đáng kính này. Thay vào đó, cũng như nhân ngày 30 Tháng Tư sắp đến, chúng tôi xin gửi đến ông và độc giả bài viết “Chết dễ hơn là sống?” để chúng ta hiểu thêm phần nào cái khó khăn của người trong cuộc khi phải chọn giữa cái chết và cái sống trong bước đường cùng! (HP)
***
Nói một cách đơn giản “chết dễ hơn là sống,” cũng có thể hiểu rằng chọn cái sống muôn vàn khó khăn hơn là chọn cái chết. Cũng xin nói thêm rằng, xưa nay không ai gọi những người sống là anh hùng.

Trần Bình Trọng thách thức kẻ thù trước khi bị giết. Nguyễn Biểu thản nhiên dự bữa tiệc đầu người, bị Trương Phụ cột vào chân cầu, cho nước thủy triều dâng lên mà chết. Rồi Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Phan Thanh Giản cũng chọn cái chết mà trở thành anh hùng. Tháng Tư năm 1975, miền Nam chúng ta cũng có những tướng lãnh anh hùng không chấp nhận sự sống trong nỗi nhục mất nước.
Nói về những anh hùng của nước Nhật, sau khi Okinawa lọt vào tay quân đội Mỹ, Tướng Ushijima và Tướng Cho quỳ gối và tiến hành lễ tự sát. Tướng Cho đưa cổ cho Đại Úy Sakaguchi chém đầu, và Tướng Ushijima lấy gươm tự mổ bụng tự sát cùng với bảy sĩ quan tham mưu trong binh đoàn.
Năm 1945, sau khi Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, đưa đến việc Nhật Hoàng phải đầu hàng, nhiều tướng lĩnh và sĩ quan đã tự sát vì danh dự và không chịu nổi điều ô nhục, trong đó có Bộ Trưởng Lục Quân Anami, Đại Tướng Cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Sugiyama, Đại Tướng Tư Lệnh miền Đông Tanaka…
Người đời vẫn xem thường những ai chọn cái sống và không xem họ là những anh hùng. Chúng ta còn nhớ Tổng Thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử đã phát biểu Thượng Nghị Sĩ John McCain không phải là một anh hùng trong chiến tranh, vì đã bị cầm tù bởi đối phương.
Hai trong bảy quy tắc đạo đức mà các võ sĩ samurai Nhật Bản phải tuân theo, phản ánh tinh thần võ sĩ đạo rất sắc nét, mạnh mẽ, là can đảm và danh dự. Đối với một quân nhân VNCH là trách nhiệm và danh dự, những điều tâm niệm cho binh nghiệp của mình và đã chọn cái chết vì nhận ra mình không tròn “trách nhiệm,” cũng như “danh dự” bị tổn thương. Trong những phút bức bách cuối cùng này, một người chọn cái chết cho mình, là một điều dễ dàng hay khó khăn?
Những vị tướng lãnh tự sát vì quốc nhục giờ đầu hàng, là những vị có bản chất anh hùng, trọng danh dự, khí khái, không biết quỵ lụy, khó có thể sống qua những ngày tù tội, đói khát và nhất là luôn luôn bị lăng nhục bởi những kẻ thắng trận từ các hang động trở về. Ai cũng có một mạng sống đáng quý, một gia đình để yêu thương và một đất nước để phụng sự, trong hoàn cảnh này, điều gì được cho là đáng quý hơn hết? Chọn giữa chết hay sống phải là một điều rất khó khăn?
Liệu trước một tương lai, đau đớn, mù mịt, với mười bảy, mười tám năm tù, gia đình ly tán, tấm thân sẽ phải chịu bao nhiêu nỗi nhọc nhằn đau đớn và tủi nhục, liệu chúng ta có can đảm nhận lấy sự sống hay không? Tôi nghĩ chúng ta có thể quyết định về cái chết của chúng ta trong vài mươi giây hay có thể lâu hơn chút nữa, nhưng chọn cái sống, chúng ta phải dằn vặt bao nhiêu ngày và can đảm sống từng giờ, từng phút, đôi khi chưa biết điều gì có thể xẩy ra cho chúng ta trong những ngày đang tới.
Vì vậy khi đặt câu hỏi với nhiều người về những ngày cuối Tháng Tư, 1975, về cái chết và sự sống, phần lớn câu trả lời là: “Có lẽ chết dễ hơn là sống!”
Phật Giáo quan niệm cái chết chỉ là một sự chuyển tiếp, một hiện tượng hay biến cố trên dòng tiếp nối liên tục của sự sống. Thiên Chúa Giáo, chủ trương rằng, dựa vào niềm tin của một người vào Chúa Giê-su (Jesus) như là Chúa cứu thế của loài người, người ta sẽ được lên thiên đường hay xuống địa ngục.
Mặc dù có những miêu tả về những vấn đề thưởng hay phạt, thiên đường hay địa ngục ở trong nhiều tôn giáo, không ai có thể xác minh một cách rõ ràng sự hiện hữu của chúng. Nhiều người đi tìm cái chết vì chán sự sống hay sợ hãi sự sống. Ở đây chúng ta không đi tìm một chứng minh cho hai cõi chết và sống, cũng không lên án những người đã chọn cái chết cho mình là đúng hay chấp nhận sự sống lúc bấy giờ là đúng. Điều khó khăn của người trong cuộc là khi phải chọn giữa cái chết và sự sống trong bước đường cùng.
Thì những điều cụ thể đã đặt ra trước mắt chúng ta, sống là phải chấp nhận, chịu đựng trong một thời gian dài, và sống không phải là quỳ gối hay bò lết, mà sống được đứng thẳng, có nhân cách.
Chúng ta nghiêng mình trước những tấm gương uy dũng của những người đã không chấp nhận số phận an bài, tự tìm đến cái chết; nhưng chúng ta cũng không khỏi khâm phục, những người đã chọn cái sống, chấp nhận phần khó khăn, chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
Chúng ta kính trọng những cái chết nhưng cũng phải cúi đầu trước những cái sống, vì chúng tôi biết rằng, sống cho ra con người, có lẽ cũng phải chịu muôn vàn khó khăn hơn là chọn cái chết. Chết chỉ là khoảnh khắc, nhưng chọn cái sống là chịu đựng triền miên suốt cả một cuộc đời!
Chúng tôi xin trích dẫn một câu nói của nhà giáo Phạm Toàn, ông là người đồng sáng lập trang Bauxite Việt Nam: “Chết đẹp đã là rất khó. Nhưng chết đẹp là quyết định của một khoảnh khắc. Còn để sống đẹp, là cả một đời, là dằng dặc những chuỗi lựa chọn và từ bỏ cám dỗ, thật ít ai làm được.”

Huy Phương