Kỷ niệm Quốc Hận 30 tháng Tư, 2020
Bài viết này lấy cảm hứng từ tựa đề của một tác phẩm nổi tiếng
trong nền văn học Việt Nam Cộng Hoà. Đó là tựa đề “Những người không chịu chết”
(1972), một trong những vở kịch nổi tiếng của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan. Lúc vở
kịch ra đời, tôi hãy còn nhỏ lắm, nhưng cũng phần nào đủ trí khôn để thưởng thức
vở kịch này. Tôi được đọc vở kịch trước rồi sau mới xem kịch trên truyền
hình. Đã mấy mươi năm rồi nên bây giờ tôi chỉ còn nhớ lờ mờ rằng vở kịch
đó nói về một nhóm tượng người mẫu, cứ đêm đêm đêm lại trở thành người, sống,
ăn nói và sinh hoạt như bao con người bình thường khác, với đầy đủ tham, sân,
si, hỉ, nộ, ái, ố, thất tình lục dục. Bài viết này mượn cảm hứng đó để nói về—không
hẳn chỉ là những con người—mà còn là những thực thể khác, cũng không hề chịu chết,
qua dòng lịch sử nghiệt ngã của nước Việt, tính từ ngày 30 tháng Tư năm 1975.
LÁ CỜ KHÔNG CHỊU CHẾT! Đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ,
lá cờ tượng trưng cho tinh thần dân chủ và tự do của mọi người Việt khao khát một
cuộc sống an lành, hạnh phúc, xứng đáng với nhân phẩm. Lá cờ này không nhất thiết
đại diện cho một chế độ hay một chính phủ nhất thời mà là một sự tiếp nối truyền
thống lâu đời của một dân tộc hào hùng. Nền vàng của lá cờ bắt nguồn từ cả ngàn
năm trước, thuở Hai Bà Trưng quyết đánh đuổi quân Hán xâm lược, “đầu voi phất
ngọn cờ vàng”. Một số vì vua sau đó cũng dùng cờ vàng để làm biểu hiệu cho quốc
gia. Lá cờ vàng được thêm thắt, sửa đổi về sau để thành cờ Long Tinh (triều
Nguyễn 1920-1945), cờ quẻ ly (chính phủ Trần Trọng Kim) và cuối cùng là cờ quẻ
càn, hay lá cờ vàng ba sọc đỏ mà chúng ta có ngày nay, được dùng trong thời kỳ
Quốc Gia Việt Nam (1949-1955) và Việt Nam Cộng Hoà (1955-1975). Xem như thế đủ
hiểu rằng lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của một dân tộc, thấm đẫm hồn thiêng của
tổ quốc từ đời này qua đời khác. Ngày 30 tháng Tư năm 1975, lúc cả trăm ngàn
người miền Nam bỏ chạy ra khỏi nước để trốn tránh một chế độ độc tài sắp áp đặt
xuống phần đất phương nam, lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng cùng mọi người đi tìm tự
do. Lúc ấy, lá cờ vàng như vị thần hộ mệnh, đi theo đoàn người viễn xứ để bảo bọc,
che chở họ, đồng thời giữ vững, hâm nóng ngọn lửa tự do dân chủ trong lòng họ.
Trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay, chưa có lá cờ dân tộc nào tồn tại dai
dẳng và kiêu hùng nơi xứ người như lá cờ vàng ba sọc đỏ, tính đến nay đã hơn bốn
mươi năm trời, và còn biết bao nhiêu năm tháng trước mặt nữa. Không những sống
vững, sống mạnh trong các cộng đồng người Việt tự do khắp thế giới, lá cờ vàng
ba sọc đỏ còn tiếp tục “sinh sôi nẩy nở” khắp nơi trên những phần đất tự do của
các quốc gia sở tại.
Cách dây vài năm, như một phép lạ diệu kỳ, tại hội nghị quốc
tế Bandung ở Indonesia vào tháng 4-2015, lá cờ vàng ba sọc đỏ lại hiên ngang
sánh vai với các các lá quốc kỳ khác với tư cách là lá cờ của một quốc gia hội
viên. Đây là một ngoại lệ vô tiền khoáng hậu! Trên nguyên tắc, một hội nghị quốc
tế không bị ràng buộc phải trưng một lá cờ của một quốc gia không tồn tại về mặt
pháp lý. Ấy vậy mà hội nghị Bandung đã làm một việc mà ngay cả những nguyên tắc
ngoại giao quốc tế cũng khó mà giải thích. Riêng ở Hoa Kỳ, đã có khoảng
14 tiểu bang, 7 quận hạt và 88 thành phố chính thức công nhận lá cờ vàng ba sọc
đỏ là lá cờ chính thức đại diện cho cộng đồng người Việt tự do sinh sống nơi
đây. Hằng năm, vào các dịp lễ lạt cổ truyền hay sinh hoạt cộng đồng, lá cờ vàng
ba sọc đỏ vẫn phất phới tung bay như góp vui với mọi người. Nơi tôi ở—Little
Saigon, Orange County—cứ mỗi độ 30 tháng Tư về là các đường phố chính rợp bóng
cờ vàng, xen lẫn với lá cờ của nước sở tại. Mỗi buổi sáng trong mùa tháng Tư
Đen, vừa lái xe ra khỏi cổng tôi đã thấy những lá cờ vàng tung bay bên lá cờ
sao Hoa Kỳ. Tôi vừa vui vừa buồn khi nhìn những lá cờ thân yêu ấy. Hy vọng một
ngày nào đó không xa, khi đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia tự do, dân
chủ, toàn dân sẽ đồng lòng chọn lá cờ vàng truyền thống để làm biểu tượng cho
tinh thần bất khuất ngàn năm của người Việt Nam.
THÀNH PHỐ KHÔNG CHỊU CHẾT! Thành phố Sài Gòn,
cho dẫu trong hiện tại có phải “mang tên xác người”, cũng như lá cờ vàng ba sọc
đỏ, là một “thành phố không chịu chết”. Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng tên gọi
Sài Gòn không bao giờ mất đi trên môi những người Việt xa xứ. Không những vậy
mà ngay tại Sài Gòn, tên gọi này cũng không những không mai một đi mà còn tồn tại
song song với cái tên xác người. Đối với người dân thành phố, người ta vẫn nói
“mưa Sài Gòn, nắng Sài Gòn” chẳng hạn—nghe vừa thân mật lại vừa thơ mộng— chứ
chẳng ai biết “nắng mưa thành phố hồ chí minh” là cái chi chi! Một buổi sáng thức
dậy trong lòng thành phố, bạn có thể nghe tiếng người cười nói lao xao ngoài
ngõ, tiếng xe cộ, tiếng kèn xe, mùi khói xe lẫn với mùi cà-phê và hủ tiếu. Và bạn
bảo tất cả những âm thanh cùng những mùi khác nhau trộn lẫn lại đó là một cái
gì rất đặc trưng của thành phố này, rất “Sài Gòn”; chứ chẳng có ma nào nói, tất
cả những điều đó là một cái gì rất “thành phố hồ chí minh”! Loại ngôn ngữ khiên
cưỡng đó tự nó đã sượng sùng, ngượng nghịu nên không bao giờ có dịp thoát ra khỏi
đôi môi người nói. Thêm nữa, không biết bao nhiêu công ty, cửa tiệm, nhãn hiệu
hàng hoá ngày nay vẫn còn ưu ái mang tên Sài Gòn trong thành phố (bị xui xẻo)
mang tên “người… chết” này! Thành phố có thể đang tạm mất tên nhưng cái hồn Sài
Gòn vẫn còn đó, trong từng con người đang thở mỗi ngày ở đó, chờ dịp thực sự hồi
sinh.
Ở hải ngoại, Sài Gòn không những không chết đi trong lòng những
người dân Việt lưu vong mà còn thoát thai sống lại thành những Sài Gòn mới trên
đất nước tự do xứ người. Đây là những “Little Saigon” đã mọc lên ở những nơi có
đông người Việt cư ngụ. Những nơi có tên Little Saigon chính thức có thể kể đến
là ở Westminster (California), San Jose (California), San Francisco
(California), Sacramento (California), San Diego (California), Houston (Texas),
Vancouver (Canada), v.v. Đó là chưa kể những khu Little Saigon mang tên chưa
chính thức khắp nơi trên Hoa Kỳ và thế giới mà sinh hoạt thương mại, văn hoá,
chính trị cũng rộn rịp không kém gì những Little Saigon chính thức. Những bảng
tên đường tiếng Việt nhắc nhở đến Sài Gòn có thể tìm thấy ở Houston (Texas) hay
Little Saigon (California), hay những bảng chỉ đường vào Little Saigon trên các
xa lộ ở Californis đã đánh dấu sự “sinh sôi nẩy nở” của Sài Gòn không khác chi
trường hợp của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Sài Gòn không những không chết đi mà còn
tiếp tục nở rộ ra như những bông hoa biểu hiện cho dân chủ, nhân quyền trên khắp
các vùng đất tự do trên thế giới. Một mai không xa, những Sài Gòn nhỏ này sẽ
sum vầy cùng Sài Gòn lớn, như những dòng sông hân hoan đổ về biển rộng, cùng
hát bài “Hội trùng dương” trong ngày hội lớn của dân tộc.
…VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHỊU CHẾT! Những người
không chịu chết này là những người phải bỏ xứ ra đi vì không chấp nhận sống dưới
một chế độ phi nhân, độc tài. Về chủ nghĩa cộng sản, rất nhiều danh nhân thế giới
đã phát biểu những danh ngôn vô cùng sâu sắc, thấm thía. Tuy nhiên, không gì
hay bằng nghe chính những người đã từng là cộng sản nói về nó. Một trong những
người này là ông Boris Yeltsin, vị tổng thống đầu tiên của nước Nga hậu cộng sản
(nhiệm kỳ 1991-1999). Ông Yeltsin đã từng là đảng viên Đảng Cộng Sản Nga trong
29 năm (1961-1990) và từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Xô-viết.
Vào năm 1989, một trong những năm cuối cùng của Liên Bang Xô-viết, ông Yeltsin
thực hiện một chuyến công du sang Hoa Kỳ. Trên danh nghĩa, lúc này ông vẫn còn
là một người cộng sản. Trong chuyến công du, ông phát biểu như sau, do tạp
chí The Independent của Anh tường thuật lại: “Let’s not talk
about communism. Communism was just an idea, just pie in the sky”. (Xin tạm
dịch: “Đừng nhắc đến chủ nghĩa cộng sản nữa. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là một
ý tưởng, chỉ là một cái bánh vẽ trên nền trời”). Những người trốn chạy cộng sản—hay
trốn chạy “cái bánh vẽ” này—ở tất cả những nước đã từng bị hiểm hoạ này, kể cả ở
Việt Nam, giờ đây đã trở thành những người không chịu chết. Nói như vậy là nói
với một ý nghĩa có tính cách biểu tượng.
Người viết muốn nhấn mạnh rằng đa số những người tị nạn cộng
sản không bao giờ quên được vì sao họ đã trốn chạy. Khi đã an thân ở chốn tự
do, họ không chịu chấp nhận một lối sống mòn, sống cho qua ngày đoạn tháng, cho
hết kiếp lưu vong. Sống như vậy cũng không khác gì đã chết. Vì vậy, đa số vẫn
hướng lòng về quê hương, vẫn xót xa khi thấy đồng bào trong nước bị đàn áp dưới
chế độ của bạo quyền. Mỗi người trong họ vẫn làm một điều gì đó, bằng cách này
hay cách khác, để góp phần vào công cuộc tranh đấu chung của dân tộc cho một
ngày mai không còn hiểm hoạ cộng sản trên quê hương. Cũng cần phải thấy rằng những
người “không chịu chết” này là những người “không sợ chết” khi họ đã liều mình
ra khơi, nơi mạng sống chỉ như sợi chỉ mành treo chuông. Ngày nay, những người
không chịu chết này không chỉ là bậc ông, cha, chú của thế hệ lưu vong đầu tiên
mà còn là cả thế hệ thanh niên gốc Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Thế hệ
trẻ này không cam tâm, ích kỷ hưởng thụ cuộc sống tự do dân chủ mà mình đã may
mắn có từ được lúc ra đời. Họ đã cùng đứng lên, sát cánh với cha ông đấu tranh
cho tự do, dân chủ ở quê nhà bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ở Việt Nam, ngoài thiểu số được hưởng đặc quyền đặc lợi, sẵn
sàng làm lơ trước đau khổ của đồng bào, hay thậm chí đàn áp, hành hung người
dân vô tội, đa số người Việt Nam cũng là những người không chịu chết, không chịu
thua trước cường quyền. Họ là những nhà dân chủ sẵn sàng hy sinh sự an toàn của
bản thân và gia đình để cất lên tiếng nói phản đối những điều trái tai gai mắt
do chế độ gây ra trong xã hội. Họ là những người dân oan bị tước đoạt nhà cửa,
đất đai, dám chấp nhận cảnh lấy trứng chọi đá để bảo vệ tài sản mồ hôi nước mắt
của mình. Họ là tất cả những người nghe tiếng gọi của dòng máu Lạc Hồng trong
huyết quản, đặc biệt là thế hệ trẻ, dám đứng lên để cất tiếng đòi lại những phần
đất nước máu thịt của tổ quốc đang bị bọn cầm quyền “hèn với giặc, ác với dân”
nhượng bộ cho chủ nghĩa bành trướng Đại Hán từ mấy ngàn năm nay.
Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, kể từ khi miền Nam lọt vào tay
bạo quyền cộng sản. Đó là một thời gian dài đối với một đời người ngắn ngủi,
nhưng lại chỉ như là một khoảnh khắc phù du trong lịch sử, nhất là lịch sử của
một đất nước có gần năm ngàn năm văn hiến. Lá cờ không chịu chết—thành phố
không chịu chết—những người không chịu chết, tất cả những thực thể không chịu
chết đó chính là biểu hiện của một đất nước không chịu chết. Đất nước chúng ta
như đang trải qua một căn bệnh ngặt nghèo. Nhất định đất nước sẽ hồi phục một
ngày không xa. Với niềm tin vào lịch sử, vào thực tế và vào tinh thần bất khuất
của mỗi người dân Việt, chúng ta có quyền chờ đón một ngày đất Việt sẽ lại được
thái bình thịnh trị như xưa.
Trần C. Trí