30 April 2020

THÁNG TƯ ĐEN - Ngọc Hạnh


Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Thành Phố Westminster, California.(Photo VB)

Tác giả đã kề cận tuổi 90. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết.


***

Mùa Đông lạnh lẽo đã qua, cây cỏ hồi sinh đâm chồi nảy lộc sau mấy tháng ngủ yên, trơ cành trụi lá.
Nắng sáng vàng tươi khắp đó đây phủ lên vạn vật, chim hót líu lo. Trên trời xanh vài đám mây trắng bay lửng lơ. Nhà nhà sân cỏ non xanh mướt, cắt tỉa gọn gàng xinh xắn. Hoa đỗ quyên tím, hồng, đỏ, trắng đang nở rộ, toàn là hoa, chẳng thấy lá, trông thật vui mắt…

Vân đi bộ trong xóm khá rộng và yên tịnh, ít xe, có lối đi dành riêng cho nguời đi bộ. Xóm này có vài gia đình Á Đông còn lại là người da trắng. Cô Cindy nhà đối diện là Mỹ trắng, tuổi trung niên gầy gò lúc nào cũng vội vàng. Sân nhà cô rộng ngoài mấy bụi đỗ quyên lâu đời dọc theo lối đi rực rỡ màu sắc, còn có cây dogwood đang ra hoa trắng kín hết các cành . Ong người Nhật xéo xéo nhà Vân có khu vườn cây cảnh nho nhỏ  theo  cách thức người Nhật  trong nhà kiếng rất xinh.
Thật là:
   Mùa Đông lạnh lẽo đến ngày tàn
  Đàn chim vui hót đón Xuân sang
   Cỏ hoa rực rỡ khoe hương sắc
  Cây lá xanh tươi dưới nắng vàng

 Tháng tư vùng Hoa Thịnh Đốn cỏ hoa, khí hậu tuyệt vời, cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi làm Vân bùi ngùi nhớ lại tháng 4 hãi hùng, đau thương cách đây 45 năm, nhớ họ hàng bà con ở quê hương VN xa xôi mà Vân không có  cơ hội găp lại.Sau tháng 4 /75 nhiều gia đinh ly tán, trẻ con nheo nhóc, vợ trẻ xa chồng, mẹ già mòn mõi ngóng tin con. Nhiều người đang nhà cao cửa rộng phải đi ở nhờ ở đậu. Có người liều vượt biên, làm mồi cho cá nơi biển cả hay nạn nhân bọn cướp biển, phụ nữ bi hãm hiếp… Gia đình bạn Vân gồm 2 vợ chồng  và 3 con vượt biên cùng 28 người họ hàng bị bão chìm tàu. Chỉ 8 người  sống sót.  Người bạn sống nhưng vợ và 3 con chìm trong lòng biển cả mênh mông. Nhắc mà đau lòng, xót xa cho cảnh chia ly tang tóc. Sau cuộc đổi đời vào tháng 4/ 1975, miền Nam trước kia sung túc lúa gạo dư thừa còn xuất cảng nước khác mà năm ấy một số  dân Saigon phải ăn độn bo bo.  Một hoc trò Vân cho biết sau khi cha em đi tù cải tạo ít lâu gia đình em “khoái ăn sang”. Sáng trước khi đi bán mẹ em chừa mấy củ khoai cho các con ăn sáng và ăn trưa. May mắn em có người anh du học từ trước bảo lãnh sang Hoa Kỳ và thành công nơi xứ người.
Thời gian đó gia đình quân nhân, công chức tinh thần căng thẳng, vật chất thiếu thốn vì chồng đi tù cải tao. Ong Xã yêu quý Vân nằm trong số những người tù này. Mấy năm sau anh đươc thả nhưng phải về thôn quê cư ngụ, không được ở thành phố. Cứ mỗi 2 tuần hay 1 tháng Vân đến phường xin phép đi về quê thăm anh xã. Từ Saigon xe đò về tỉnh nhỏ chật như nêm. Về đến tỉnh còn đi thêm ½ tiếng mới đến nhà anh Xã ở nhờ. Đường xa có khi xe bi hư nằm ụ, sửa xong xe cà rịch cà tàng tới tỉnh trời đã tối. Vân  phải ngủ nhờ nhà bà con ngoài chợ, sáng hôm sau mới vào làng.Tình trạng kéo dài cả năm anh Xã mới được về Saigon tiếp tục dạy học.
Anh Xã có ý đinh vượt biên từ ngày mới ra khỏi trại tù, mặc kệ nguy hiểm như bị hải tặc, bão tố chìm tàu   Phường khóm công an thường mang súng đến khám nhà vào lúc giữa đêm lúc mọi người  ngon giấc.Họ đánh thức dây , gom cả nhà vào môt chỗ, bắt tất cả đứng yên để xét nhà. Ai bảo đảm anh Xã không bị tù lần nữa. Thôi thì liều tìm đường vượt biên. Đi hụt 2 lần, mất tiền  nhưng may không bị bắt. Lúc anh Xã đi tù, bà Nội các cháu buồn và lo lắm. Tưởng là đi 10 ngày nhưng rồi đi biệt mấy năm mới về may mà còn sống.
Tình Bằng Hữu
Vân muốn đi nhưng không còn tiền.  Có chút ít thì đã mất trong 2 lần vượt biên hụt. Xé lẻ để anh Xã và con trai đi trước anh Xã không đồng ý, đi cùng để  rủi ro chìm tàu thì chết cả nhà cho gọn. Môt hôm người bạn  anh Cả nghe tin anh Xã  được về Saigon đến thăm. Trước anh  chị có tiêm buôn. Khi cờ đỏ phất phới các công sở, anh chị hiến cửa tiệm cho nhà nước để mong sớm có giấy tờ đi nước ngoài do bà con bảo lãnh. Anh còn căn nhà 3 tầng  nhưng đồ đạc lớp bán lớp cho nên cũng gần như trống trơn.  Tuy thế  cũng bị công an đến đuổi mọi người đi ra và tịch thu nhà, chỉ  được mang theo cái túi sách  nhỏ đưng quần áo. Anh chị đến ở nhờ nhà người thư ký cũ. Khi biết anh Xã  và Vân muốn vượt biên chiều  hôm ấy anh chị trở lại và mang  vàng cho Vân mượn,  đủ cho 2 cha con đóng tiền tàu. Anh khuyên anh Xã  và con trai đi trước để trường hơp thất bại quay về còn nhà để ở. Nếu đi  cùng một lúc công an sẽ tich thu nhà, rũi  bị bắt trở về thì thành người vô gia cư. Vàng thì đến xứ tự do đi làm có tiền trả lại anh chị, bao giờ cũng được, nếu không có kể như quà tặng . Lòng hảo tâm của anh chị làm Vân thật sự cảm động .
Vài ngày sau có chủ tiệm vàng quen gia đình ở Mỹ tho lên Saigon  rủ  anh Xã  đi bán chánh thức, do nhà nước tổ chức nên không lo bị gạt. Ông bà sẽ ứng trước, đến nơi trả lại sau như là cất giùm vì ông bà không thể đem theo một số vàng lớn theo  được . Anh Xã và Vân bằng lòng ngay và mời anh chi bạn đến nhà gởi trả lại số vàng đã mượn. Anh tặng anh Xã cái đồng hồ anh đang cất trong túi , phòng khi cơ nhở. Thật vậy, đến đảo Hải Nam, Vân bán đồng hồ ấy lấy tiền mua thêm mua thức ăn.
Vàng ròng trả lại, nghĩa  nằm lòng,
Tay trắng không nhà vẫn hảo tâm.
Chẳng phải họ hàng là bạn hữu,
Miếng khi đói bằng gói khi no
Vượt Biên
Cả nhà lên Biên Hòa từ đêm trước để sáng hôm sau xuống tàu rời quê hương.  Gia đình ngủ trong ngôi nhà xưa nơi chuồng heo cũ tuy trải chiếu nhưng mùi phân heo còn nồng. Con trai 11 tuổi đòi về nhà. Cháu vừa đói vừa lạ chỗ không ngũ được. Lúc trưa đang ăn  dở dang thì người dẫn mối đến gọi đi, phải bỏ ăn theo nhóm. Hành lý gọn nhẹ chuẩn bị sẵn sàng từ lâu. Trước khi đi Vân đưa các con đến thăm bà Nôi vì không biết bao giờ mới gặp lại. Các cháu quyến luyến không muốn rời Bà. Vân dặn trước các con không được khóc, không cho bà biết đi vượt biên. Nhìn bà nội tóc bạc phơ, thương lắm nhưng anh Xã quyết định rời quê hương. Năm 1975 gia đinh Vân có thể đi nước ngoài với mấy người bà con nhưng thương mẹ già yếu, anh Xã ở lại và bị đi tù.
Gia đình Vân đi bằng chiếc tàu sắt cũ lẻ ra chở 1200 người nhưng nhét hơn 1300 nhân mạng, chật cứng không còn lối đi.
Lên tàu gia đình nào may mắn đến trước  được  ở trên boong thì ngày nắng đêm lạnh. Tuy thế còn khá hơn người đến sau phải xuống dưới hầm  rất ngột ngạt. Tàu chật như nêm không  đủ chỗ nằm, gia đình phải thay nhau kẻ ngủ nằm, người  ngủ ngồi. Thức ăn, nước uống hạn chế. Có người say sóng nôn mửa bẩn thỉu. Trẻ con, người già bị ốm. Có 1 người té xuống biển mất tich. Ban đêm, biển rộng biết đâu mà tìm. Vài ngày lại thấy tàu chạy vòng tròn, vòng tròn mấy vòng. Họ làm lễ “thủy táng”người chết, bà lão, em bé chết vì say sóng , bệnh tật… Đi vài  hôm gặp sóng  chủ tàu  dùng phóng thanh cho biết phải vứt bớt hành lý  nếu không tàu sẽ chìm. Nhân viên tàu sẽ đến từng gia đình nhặt bớt hành lý và vứt xuống biển. Vật dụng đem theo đã chọn thứ cần thiết gọn nhẹ nay phải vứt bớt đi, tiếc lắm nhưng phải chịu thôi.
Đảo HẢI NAM:
Theo lời hứa chủ tàu người Trung Hoa sẽ đưa người vượt biên đến Hong Kong
Mọi người không biết lúc ấy các trại ti nạn Hong Kong đã đầy nên họ không nhận thêm người tị nạn nữa. Tàu đến không được lên bờ và có thể bị kéo trở ra biển, chủ tàu bị bắt bi phạt. Tàu đi độ 1 tuần đến gần bờ đảo Hải Nam, nơi có nhiều san hô.  Tối hôm ấy lúc thấy ánh đèn dân cư thấp thoáng trên đảo tàu đang chạy châm chậm bổng nghe tiếng động mạnh và ngừng hẳn lại. Mọi người ồn ào cho đến  khi có tiếng loa trên  cho biết tàu hỏng vì vương san hô và sẽ  chìm, mọi người chuẩn bi hành lý gọn nhẹ để lên bờ …Thanh niên, nam giới  tự bơi vào bờ, phụ nữ, trẻ em sẽ có thuyền ra đón…Hóa ra chủ tàu và gia đình đã  mang tài sản xuống tàu nhỏ bỏ trốn vì đến Hong Kong họ sẽ bi bắt. Trước khi trốn có lẻ họ đã điện cho chánh quyền địa phương biết có chiếc tàu sắt bị nạn ở đia điểm…nên khi khi tàu bị kẹt ở san hô  một lúc thì có chánh quyền địa phương đứng lố nhố trên bờ đèn đuốc sáng trưng.Trẻ em, phụ nữ một số vào bờ bằng thuyền cứu trợ, một số được thuyền đia phương đón. Hành lý một mớ đã vứt bớt từ mấy hôm trước giờ phải bỏ lại một mớ nữa…
Chiếc tàu sắt đươc kéo vào ụ tàu sửa cả tháng mới xong. Từ tàu sắt lên bờ chúng tôi được chính quyền Hải Nam cho tạm trú ở rừng dương sát bờ biển trong lúc chờ sửa tàu. Rừng dương liễu do nhà nước trồng chạy dài theo bờ biển cát trắng để ngăn bớt gió và cát cho cư dân trong xóm. Trong rừng dương mát mẻ, it nắng, gió. Mỗi gia đình được phát tấm nylon trải lên cát, dưới bóng cây, hằng ngày sắp hàng đến nơi phát thực phẩm lấy thức ăn cho cả nhà. Buổi sáng phát cháo, buổi chiều phát bánh bao toàn bột, không nhân.
Phía sau rừng dương đi chừng 10, 15 phút có nhà dân chúng, họ sống về nghề đánh cá. Gần bờ biển toàn đất cát, không trồng lúa và rau cải được nên gạo và rau rất quý và đắt. Nhiều gia đinh ăn cá thay cơm. Dân tị nạn đươc chánh quyền cho ăn cháo là quý rồi. Họ trồng được khoai lang tuy cũ nhỏ nhưng rất ngon.
Chúng tôi đi loanh quanh các xóm nhà dọc bờ biển thấy người ta nuôi heo, nuôi gà. Những con heo cỏ bụng ỏng, nhỏ con lâu lớn, những con gà nhiều màu nhưng bé nhỏ như gà tre... Loài gà và heo ấy từ lâu Việt Nam không ai nuôi chúng nữa. Người ta nuôi loại heo to con, chóng lớn, gà cũng vậy. Dân đảo Hải Nam thời bấy giờ nhà không có cửa. Họ uống nước mưa, không có nước máy.
Vì ăn cháo nên bà con đói. Ai có tiền hay quần áo vật dụng đem đổi hay bán lấy tiền mua thức ăn. Đồng hồ, bút máy, bút bi, quần jean đều đươc ưa thích. Họ đổi hay mua gạo, cá, khoai nhưng phải đi xa hơn khu đánh cá….
Thời gian này anh xã bán cái đồng hồ người bạn tặng trước khi lên đường để mua thức ăn. Trong lúc chờ sửa tàu người lớn lo lắng tới lui ban đại diện thăm hỏi tin tức, trẻ em vô tư đi tắm biển, nhặt san hô nên khỏe và đen thui lui.
Cả tháng sau tàu sửa xong. Mọi người lại dắt díu đi bộ gần cả tiếng ra nơi tàu đậu đi Hong Kong.Tàu ghé đảo LanTau (không nhớ ghé Lantau để làm gì) mấy hôm mới được vào Hong Kong. Thời kỳ ấy Lantau hoang sơ. Ngày nay nghe Lantau là khu nghỉ mát rất đep và đắt tiền. Một số chị em đã đến thăm nhưng Vân chưa bao giờ trở lại.
Trại Tị Nạn HONG KONG:
Gia đinh Vân ở trại tị nạn Hong kong 6 tháng trước khi đinh cư Hoa kỳ vì có người bảo trợ. Trại ti nạn gồm nhiều gian nhà rộng, không bàn ghế chi hết, chứa hơn trăm người mỗi nhà Mỗi gia đinh gom lại trong tấm nylon lớn trải trên nền xi măng. Ăn, ngủ cùng một chỗ mà thôi. Ban ngày người ti nạn có thể  giúp văn phòng làm giấy cho người mới đến, học Anh văn, trò chuyên  hay ra ngoài đi làm thợ vịn, đi  phố nhưng không đươc ngủ trưa. Cảnh sát Hong kong vào trại thấy ai ngủ trưa là dùng roi đánh thức dậy hết. Đối với người vượt biên giam hảm cả tuần trên con tàu chật chội phải ngủ ngồi, Hông kong quá tốt. Người tị nạn  ra vào trại thoải mái nhưng không được vắng măt ban đêm. Anh Xã yêu quý của Vân hàng ngày dạy  Anh Văn cho trẻ em trong trại, điền đơn, thông dịch cho  bà con kém Anh ngữ.
Định Cư HOA KỲ:
Gia đình Vân đến Hoa kỳ vào mùa Đông lạnh lẽo với tay trắng và tiền nợ vượt biên. Virginia lúc ấy rất lạnh, tuyết trắng đọng trên mái nhà, sân cỏ. Người đi đón măc áo khoác dày, đội mủ che kín mang tai.  Đường vắng, trời lạnh nhưng tình nồng. Vân ở chung với vợ chồng nguời bảo trợ cho đến khi có việc làm mới dọn ra riêng. Anh Xã và Vân đi làm lu bù để trả món nợ ân tình. Các con Vân chăm học và hiếu thảo Có lẻ các cháu thấy được đến Hoa kỳ là thật sư may mắn so với cả ngàn người khác. Mỗi năm đến tháng tư Vân nhớ lòng tốt anh chi bạn năm xưa và sự hảo tâm người bảo trợ, cho đi mà không cần nhận lại…” Nợ tiền trả hết, nghĩa cũ còn mang “ Những người cùng vượt biên với Vân ai cũng ổn đinh và sống rải rác các tiểu bang Hoa kỳ, nhiều nhất là Cali.
Tóm lại với Vân nước Mỹ thật vĩ đại, tuyệt vời, nhất là tình người và an sinh xã hội. Người tị nạn buổi đầu được đi học miễn phí. Người già yếu bệnh tật sở xã hội mướn người chăm nuôi, ốm đau đi bệnh viện không mất tiền. Các phụ nữ độc thân, nghèo có con mọn được chánh phủ cho tiền nuôi con và gửi trẻ để người Mẹ trẻ tiếp tục đến trường học nghề, học chữ... Giáo chức Mỹ ân cân, tân tâm. Vân chưa thấy người Mỹ nào làm việc bôi bác, dối trá dù là người lao động như thợ điện, thợ sửa ống nước ... Nước Mỹ là thiên đường, mùa Xuân của những ai hiếu học, cầu tiến.
Vân chân thành cám ơn chánh phủ và người Hoa kỳ giàu lòng nhân áí,mở rộng vòng tay cưu mang giúp đỡ đồng bào Việt Nam lúc khó khăn nhất có nơi nương tựa, có cơ hội vươn lên  làm lại cuộc đời, sống an lành, vui vẻ nơi xứ tự do đất lành chim đậu.
Ước mong rất nhiều và cầu chúc con em người Việt tị nạn học thật giỏi để tương lai tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước Hoa Kỳ và quê hương VN. Xin chúc đồng bào hải ngoại và quê nhà có công việc làm ăn tử tế, ấm no, hạnh phúc...
Mặt trời từ từ lên cao, nắng ấm reo vui. Gió ban mai nhẹ nhàng ve vuốt những bụi hoa tươi thắm, các cành lá xanh non mươt mà… Vân có mấy câu văn vần xin tặng quý độc giả:
Mùa Xuân xin chúc đồng bào ta,
Bà con bạn hữu gần cùng xa.
Dồi dào sức khỏe, tâm an lạc,
Dâu rể, cháu con luôn thuận hòa.
Các em cư ngụ xứ Cờ Hoa,
Đất nước văn minh cùng vị tha.
Cầu chúc các em học thật giỏi,
Vui lòng cha mẹ và ông bà.

Virginia, Mùa Xuân
Ngọc Hạnh