28 May 2020

BÃO TUYẾT - Chu Tấn


Trong ta là núi là rừng,
Là trăm câu hát đã dừng trên môi.

Hoài Khanh
                                  
1
Ông Bình đang ngồi uống trà thì Lan ra phòng khách, ngồi đối diện với ông, lên tiếng:
– Thưa chú, chắc chú Niệm đã nói chuyện với chú về cháu và việc cháu đến nhờ chú trong thời gian mới đến Mỹ.
Ông nhìn Lan một lúc, rồi nói:
– Chú Niệm không nói với chú nhiều về Lan, chỉ có một bức thư ngắn nói Lan qua Mỹ theo diện du lịch, sẽ đến Chicago và nhờ chú cho Lan tá túc và chỉ dẫn Lan những điều cần trong thời gian sống ở Mỹ – Ông ngừng lại một lát: Ở nhà chú thì dễ dàng, ở bao lâu cũng được. Nhưng chú muốn biết Lan sẽ ở lại Mỹ bao lâu và sẽ đi những đâu?

Lan ngạc nhiên:
– Như vậy là chú Niệm không nói rõ mục đích qua Mỹ của cháu.
– Có thể không tiện nói. Qua điện thoại mấy lần, chú Niệm cũng chỉ nói chừng đó.
Lan ngẫm nghĩ một lúc:
– Thưa chú, chồng cháu mất cách đây hơn một năm, và một người bạn thân của cháu ở Chicago đã giới thiệu cháu cho người bạn Mỹ của chồng chị ấy, một kỹ sư vi tính tên là John, ly dị vợ và muốn tìm một người vợ Việt Nam. Không muốn phải kéo dài thời gian qua liên lạc thư từ, nên cháu đã dùng chuyến du lịch này để kết hôn với John và ở lại Mỹ luôn.
– Lan có nói với John về ý định này trước khi qua Mỹ?
– Lan đã nói và John rất vui, vì cũng mong muốn như thế.
Ông Bình cười:
– Như vậy thì ổn rồi. Lan sẽ về nhà John sớm.
Lan nói:
– Thưa chú, Lan cũng chỉ mới liên lạc thư từ và điện thoại mấy tháng. Lan cần tìm hiểu thêm khi gặp nhau. Vì thế xin chú cho Lan ở đây tới ngày làm giấy kết hôn với John. Nhưng Lan không đi luôn đâu, sẽ trở về thăm chú. Vì thành phố Elgin, nơi John sống, ở vùng phụ cận thành phố Chicago.
Ông Bình nói:
– Cám ơn Lan là chưa đi đã muốn trở về. Có nhiều gia đình người Việt ở đây, con cái lớn lên đại học là tìm cách ra ở riêng, ít khi về nhà. Có lẽ chúng không tìm thấy niềm vui nào khi sống cùng cha mẹ.
– Chắc chúng theo cách sống của bạn bè Mỹ.
Ông gật đầu:
– Chúng thích sống tự do như người Mỹ. Mười tám, đôi mươi là có bồ bịch. Chúng không muốn phải sống dưới tầm mắt của cha mẹ. Vì thế đời sống già ở Mỹ rất buồn. Thường thì chỉ hai người già. Khi ông hay bà mất một thì đời sống của một người lại càng cô độc. Có một số ông tướng Việt Nam Cộng Hoà, con cái thành công, nhưng về già cũng phải vào Nursing home – Ông ngừng lại, rót trà vào tách uống mấy hớp, rồi để xuống:
– Thế còn gia đình Lan, ông bà thân sinh và anh em?
Lan thưa:
– Dạ, Lan còn ba má, một em trai và một em gái. Ba má Lan vẫn đi làm, còn hai em thì đang học đại học. Phần Lan thì số phận không may, lấy chồng cách đây 3 năm, sống với nhau được hơn một năm thì anh ấy mất vì tai nạn xe.
– Thế Lan học ngành gì và làm gì ở Sài Gòn?
– Dạ, Lan học đại học ngoại ngữ và làm ở công ty du lịch.
Ông Bình cười:
– Vậy là Lan chọn đúng nghề, đúng khả năng.
– Sao chú lại nói vậy?
– Làm du lịch thì phải duyên dáng, linh hoạt và khéo léo. Lan có nhiều ưu điểm trong ngành này, nhất là nét mặt sáng và tươi.
Lan cười, nói:
– Cám ơn chú quá khen. Thật sự Lan muốn dạy học, nhưng theo ngành giáo dục thì thu nhập quá thấp, nên phải bước qua du lịch.
– Nhưng khi đi vào ngành du lịch Lan thấy thế nào?
– Dạ, du lịch cho Lan tiếp xúc nhiều, có cơ hội đi và luyện nghe và nói tiếng Anh.
Ông gật đầu:
– Với cái vốn đó, Lan dễ thích ứng với đời sống ở Mỹ. Nhưng tại sao lại bỏ nghề, đi tìm chồng ngoại quốc?
– Thưa chú, đó là một cách để từ giã Việt Nam. Bây giờ người ta tìm mọi cách để ra khỏi nước, nhất là qua Mỹ. Con cái cán bộ cấp lớn thì đi du học, những người giàu có thì đem tiền vào Mỹ đầu tư, còn những người khác như Lan thì tìm đường bằng hôn nhân. Những người nghèo không thể qua Mỹ, qua Pháp, qua Canada thì tìm đường qua Hàn, qua Đài loan, qua Malaysia, qua Phi Châu bằng cái cầu đi lao động nước ngoài – Lan ngừng lại hỏi: Chú vượt biên năm nào?
– Năm 1984.
– Năm 84 Lan mới sanh, nhưng lớn lên thì biết là những năm đó người ta liều chết vượt biên, phó thác số mệnh cho rừng, cho biển, nhưng nếu thoát được rừng biển thì có Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đón nhận. Bây giờ cũng thế, ai cũng muốn ra đi, nhưng không thể vượt biên như trước, nên người ta vượt biên bằng những cách khác như Lan vừa nói – Lan ngừng lại một lúc rồi tiếp với giọng buồn: Ai cũng muốn ra đi, muốn từ bỏ quê hương, nên chỉ trong ít năm mà qua đường hôn nhân, những cô gái Việt qua được Đài Loan và Hàn quốc lên tới hàng trăm ngàn. Và biết bao nhiêu người khác phải đút tiền để được đi làm thuê ở những nước như Hàn, Đài Loan, Mã Lai, cả những nước ở Trung Đông, rồi trốn ở lại không về.   
Ông Bình nói:
– Về thì lại sống vất vưởng và vô quyền trên quê hương mình, nên người ta thà chọn cách sống bất hợp pháp ở xứ người, nhưng có việc làm, có tiền gửi về giúp gia đình. Đời sống đó vô định, nhưng có lẽ vẫn tốt hơn ở Việt Nam.
– Thưa chú, Lan cảm thấy xấu hổ khi hàng năm nhà nước loan tin có vẻ hoan hỷ về tổng số người được được đi lao động ở các nước. Trước khi qua đây, Lan đọc một bài báo trên mạng nói là người Hàn qua Việt Nam để làm chủ, vì họ có những công ty ở Việt Nam, còn người Việt qua Hàn chỉ để làm thuê, làm người ở.
– Lan sẽ buồn hơn, nếu biết rằng năm 1975, miền Nam Việt Nam, tuy phải đương đầu với cuộc chiến do chế độ Cộng Sản miền Bắc gây ra, nhưng phát triển hơn Hàn và mức sống cao hơn Hàn. Thế mà chỉ sau hơn 30 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Việt Nam thống nhất đã tụt hậu như thế.
Ông Bình đứng dậy cầm bình trà, nhưng Lan đã giơ tay đỡ bình:
– Chú để Lan pha trà.
Ông Bình đưa Lan bình trà, rồi theo Lan ra bếp, vặn nước vào chiếc bình điện Breville. Sau khi rửa bình và cho vào bình 2 thìa trà, Lan đến bên ông tò mò nhìn chiếc bình điện:
– Bình nấu nước này lạ và đẹp, Lan mới thấy.
Ông Bình gật đầu:
– Loại bình này chú cũng mới biết, rất tiện vì nước mau sôi và có nhiều độ sôi cho các loại trà – ông chỉ vào một dẫy vòng tròn trên nền bình: Đây này, nếu pha trà xanh thì nhấn vào đây, green tea, trà trắng nhấn nút white tea, trà oolong nhấn nút oolong và trà đen nhấn nút black tea. Nhưng không muốn rắc rối nên chú chỉ dùng một nút black tea, mặc dù trà chú uống là oolong. Lan nhấn nút này và chỉ chừng 7 phút là nước sôi – ông nói rồi đi lên phòng khách.
Chừng 15 phút sau, Lan đem bình trà lên, tráng chén rồi rót ra 2 chén, để một chén trước ông Bình:
– Chú uống nước, trà thơm quá, chỉ mới tráng đã thấy ngát hương.
– Cám ơn Lan, trà này của Đài Loan, tên là Thiên Lộ của hãng trà Thiên Nhân, có đại lý khắp các thành phố trên nước Mỹ, và có thể khắp thế giới, ở những nước có người Tàu.
Ông uống chén trà rồi nói:
– Chuyện Việt Nam nói không cùng mà chuyện nào cũng buồn cả. Chú ở Mỹ chỉ theo dõi báo mạng cũng đã thấy ngột ngạt khó sống, nói chi người dân phải sống dưới chế độ đó.
– Thưa chú, chính vì thế mà giàu nghèo, ai cũng muốn ra đi. Như cháu có nghề nghiệp sống được, nhưng là sống trong một xã hội hỗn loạn, quá nhiều cái xấu, nên thấy đời sống bất an. Lan không đến nỗi như mấy cô, xin lỗi chú, phải khỏa thân cho mấy ông Hàn quốc ngắm nhìn, sờ nắn để mong được mấy ông ấy mua về làm vợ, nhưng cũng không khác bao nhiêu, vì cũng kiếm cách qua đây để tìm một người khác chủng xa lạ, mong được họ mua để khỏi phải trở về nước – cùng với lời nói, Lan cúi xuống lấy tay áo thấm những dòng nước mắt.
Ông Bình im lặng chờ cho Lan qua cơn xúc động, rồi nói:
– Vì hoàn cảnh đất nước nên cuộc đời bắt thế. Nhưng Lan sẽ may mắn vì người Lan gặp sẽ cầu mong được kết hôn với Lan, chú chắc vậy – Ông đứng dậy, đến bên Lan, đập khẽ vào đầu cô gái và nói: Đi ngủ đi. Từ ngày mai sẽ có nhiều điều vui đến với cô. Đừng khóc như thế.
Lan khẽ “dạ”, rồi đứng dậy đi về phòng.
Ông Bình đi đến chiếc piano, ngồi xuống nhìn phím đàn đen trắng hình dung lại một video clip mới coi, trong đó mấy chục cô gái khỏa thân xếp hàng dựa vào tường trong một phòng rộng, rồi từng cô lần lượt ra giữa phòng bỏ chiếc khăn trắng che trước bụng để mấy ông Hàn đến mua vợ ngắm nhìn như mấy bà đi chợ mua gà hết coi lông đến nắn lườn xem gà gầy, mập. Một cuộc thi khó, vì mấy chục cô dự thi mà chỉ có chừng 4, 5 ông tới mua. Ở thế kỷ 21 mà lại phát sinh kiểu đi tìm mua phụ nữ như người Mỹ da trắng đi mua nô lệ da đen ở thế kỷ 19, mà cũng chỉ ở Việt Nam mới có tình cảnh phụ nữ khỏa thân cho đàn ông nước ngoài đến kén chọn để mong được họ mua đem ra khỏi quê hương mình. Nghĩ đến tiếng khóc của Lan, ông bỗng xúc động, nhắm mắt lại để mặc cho những giọt nước mắt nhỏ xuống phím đàn. Khi mở mắt ra nhìn lại màu đen trắng, ông lấy tay áo chùi mắt, đập hai tay xuống phím đàn, những giọt âm thanh của Clair de lune đã đưa ông ra khỏi sự xung động rồi theo nếp quen, bàn tay đi vào âm thanh của Bài Thơ Hoa Đào, Ai Lên Xứ Hoa Đào.
2
Lan ngồi bên cửa sổ, nhìn ra khu vườn rộng âm u với ánh đèn đường xuyên qua những tàn lá. Nàng ngồi như thế đã cả giờ, lắng nghe tiếng dương cầm ngoài phòng khách vọng vào, và hình dung dáng ông Bình theo âm thanh lúc trầm bổng, lúc cao vút, lúc rộn rã. Hẳn lúc này ông đang cúi gập người theo giòng âm thanh đuổi nhau như lá cuốn theo gió trên đường. Rồi tiếng đàn ngừng bặt và ngôi nhà lại rơi vào im lặng như khu vườn âm u.
Lan ra phòng khách, đến ngồi đối diện với ông. Ông nâng ly rượu màu hổ phách uống một hớp, rồi để xuống bàn, ngước nhìn Lan:
– Qua đây cũng đã được 3 tuần, Lan cảm thấy gì?
Lan thưa:
– Sự yên ổn, chú ạ. Chú cứ tưởng tượng đến một đời sống bất an kéo dài thì sẽ cảm được sự yên ổn đó. Yên ổn vì chú là một chỗ dựa cả vật chất lẫn tinh thần mà người Lan sẽ gọi là chồng cũng không xa với những điều Lan mong cầu. Lan không ngờ đời mình lại gặp được sự may mắn này.
– Rồi những ngày không có Nhung hay John đến chở đi chơi, một mình ở nhà Lan thấy sao?
Lan ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:
– Nhà chú thuộc khu ngoại ô, ở cuối con đường cụt, lại ở cạnh một nghiã địa cổ. Nếu chỉ một mình thì Lan không bao giờ dám ở đây. Vì thế Lan ngạc nhiên là tại sao chú lại chọn một nơi như thế này. Một mình trong một tòa nhà với vườn rộng, cây cao, như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, nhìn từ ngoài đường giống như một ngôi nhà hoang.
Ông đặt ly rượu xuống bàn:
– Thật ra, nếu mua nhà thì chú không bao giờ chọn khu vực này. Nhưng đây là nhà của của ông bà Adams, người đã bảo lãnh và giúp chú từ những ngày đầu vào Mỹ. Vì không có con, nên ông bà đã nhận chú là con, và khi qua đời, ông trước bà sau, đã để lại ngôi nhà này cho chú. Sống ở đây đã trên 20 năm, chú thấy đời mình đã hòa nhập vào cái khung cảnh liêu trai này.
Lan nhìn ông một lúc:
– Đó cũng là điều Lan suy nghĩ về đời sống của chú. Khi ở Việt Nam, nghe chú Việt nói về chú, Lan nghĩ chú sống ở Mỹ lâu chắc sẽ có một cuộc sống hướng ngoại sinh động. Nhưng khi qua đây Lan thấy điều mình nghĩ không đúng. Chú đã có một đời sống khác hẳn với những gì Lan hình dung ở Việt Nam. Vì ngoài việc đi làm thì chú ít giao tiếp, ít bạn bè, gần như xa lánh xã hội bên ngoài. Sự sinh động của tòa nhà là tiếng đàn piano trong đêm, còn ngoài ra là sự yên lặng. Mấy tuần nay Lan ngạc nhiên vì đêm nào chú cũng đàn hai bản Bài Thơ Hoa Đào và Ai Lên Xứ Hoa Đào trước khi ngừng đàn và đoán là có lẽ do chú sống ở Đà lạt, nên gắn bó với những bản nhạc viết về thành phố sương mù này – Lan ngừng lại, nhìn lên hai bức ảnh lớn treo trên tường một lúc, rồi nói: Cả sự trang trí nữa, Lan cũng thấy lạ. Chú treo bức ảnh của cô đối diện với bức ảnh Biển Động, một mỹ nhân hong tóc bên hiên nhà trước Biển Động với những lớp sóng cuồn cuộn dâng cao dưới bầu trời đỏ ối, một cảnh tượng đầy sự đe dọa. Trong một phòng khách rộng thế này mà chỉ có hai bức ảnh, người và biển, thì Lan có thể liên tưởng đến một thảm kịch vượt biên và chú đã mất cô trên những ngọn sóng kia – Lan bắt gặp nét mặt xúc động của ông, nên ngừng lại một lúc, rồi tiếp: Theo Lan hiểu thì người ta thường cố gắng tìm quên những vết thương với thời gian, còn chú lại khác, chú đã dùng hai bức ảnh kia như con dao hàng ngày chém vào vết thương của mình và nếu điều Lan suy luận đúng thì đó là nguyên nhân đời sống cô độc của chú.
Ông Bình nhìn Lan, vẻ ngạc nhiên:
– Lan nhìn ảnh mà luận được như thế thì thật hay. Có điều chỉ đúng phần khung cảnh, còn sự việc thì khác. Tất nhiên Lan không thể suy đoán xa hơn. Chỉ có người trên con tàu giữa biển lúc đó mới biết sự việc. Nhưng đã biết chú và coi chú như chú Việt thì mai kia sẽ hiểu. Chuyện xưa cứ để đó không vội chi.
– Thế sau khi vượt qua được đại dương kia, chú đến đâu?
– Chú đến được đảo Bidong thuộc Mã Lai, rồi đi Mỹ năm 85.
– Sao chú không chọn Cali hay mấy bang phía nam mà lại chọn Chicago, miền tuyết lạnh?
Ông cười:
– Chú thuộc diện không có thân nhân ở Mỹ và được ông bà Adams bảo trợ, nên chú về Chicago và ở Chicago, trong ngôi nhà này từ đó đến nay.
– Năm chú mới đến, Chicago có chừng bao nhiêu người Việt?
– Khoảng 6, 7 ngàn, ở rải rác nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng Uptown, khu vực mà chú đã đưa Lan tới ăn phở, ăn cơm. Con đường Argyle và mấy con đường quanh đó là trung tâm thương mại và dịch vụ của Cộng Đồng Người Việt ở Chicago.
Lan nói:
– Con đường đẹp với những cửa hiệu sang trọng. Hôm đi với chú, Lan có cảm tưởng là đi trên một con đường buôn bán ở Sài Gòn, vì bảng hiệu tiếng Việt và nghe toàn tiếng Việt. Nhưng ngày chú mới đến, con đường đó đã như thế chưa?
Ông Bình lắc đầu:
– Chưa, ngày đó, con đường mới thành hình là nơi làm ăn, thương mại của người Việt và người Tàu biết nói tiếng Việt với một số cửa hàng, chợ, tiệm sách, nhạc, tiệm thuốc bắc, nhà cửa cũ kỹ. Rồi mỗi năm mỗi thay đổi, không những ở đường Argyle mà lan ra những con đường quanh khu vực đó. Đi quanh những con đường gần Argyle, Lan sẽ thấy toàn là người Việt và đa số dân Việt ở vùng Uptown là dân ở nhà thuê – ông cười: Cứ bước lên thang một building 3, 4 tầng là ngửi thấy mùi nước mắm và cá kho. Nhưng khi làm ăn khá giả thì người ta lại mua nhà ở những khu xa hơn hay mua building ở đó cho người Việt thuê.
Lan nhận xét:
– Mấy lần đi với chú trên đường Argyle và 2 con đường lớn gần đó, Lan ít thấy Mỹ trắng, chỉ thấy Mỹ đen lảng vảng ở ngoài mấy chợ và ở mấy ngã tư.
– Họ lảng vảng trên mấy đường Argyle, Winthrop, Kenmore, Sheridan… vì nhà họ gần đó. Chú là người đến sau, nên không biết nhiều về sự khởi đầu của người Việt ở khu vực Uptown, còn theo sự kể lại của những người mới đến định cư ở vùng này thì sự khởi đầu của người Việt ở đây cũng khá chật vật, vì đụng phải dân Mỹ đen mà vùng của dân Mỹ đen thì luôn đi kèm với nhiều tệ nạn trộm, cướp và ma túy. Nhưng sức sống và sự can đảm của người Việt đã đẩy lùi Mỹ đen và phát triển vùng này thành một khu thương mại và dịch vụ phồn thịnh như Lan đã thấy – Ông cười: Phải nói rõ hơn là của người Việt, người Hoa và Việt gốc Hoa. Người Hoa và Việt gốc Hoa chiếm lãnh chợ, nhà hàng lớn, người Việt làm nhà hàng nhỏ và văn phòng dịch vụ các loại.
Lan cười:
– Thảo nào Lan thấy nhiều biển hàng chữ Tàu với chữ Việt.
– Một thầy thuốc bắc người Việt gốc Hoa, chú quen do uống thuốc của ông, cho biết là Cộng Đồng Thương Mại người Hoa ở khu Uptown muốn biến khu thương mại ở đây thành một Chinatown mới, vì Chicago đã có một Chinatown lâu đời cả trăm năm ở phía nam.
– Theo chú, họ làm được không?
– Chú nghĩ họ muốn lấn người Việt, vì họ làm ăn lớn và đoàn kết theo kiểu Tàu với bang hội, còn người Việt chỉ làn ăn nhỏ. Về tương lai xa, vài chục năm thì chưa biết thế nào, còn tương lai gần thì khó thành vì người Việt ở Uptown chiếm đa số mà đơn vị thương mại và dịch vụ cũng nhiều hơn.
– Từ ngày định cư ở Mỹ đến nay chú đã về Việt Nam lần nào chưa?
Ông Bình lắc đầu:
– Chưa, chỉ biết đời sống Việt Nam qua báo chí và thấy rằng Việt Nam bây giờ quá khác với Việt Nam thập niên 1980. Phồn thịnh hơn do bỏ chế độ kinh tế tập sản trở về với tư nhân và mở cửa làm ăn với các nước tư bản, nhưng xã hội cũng xuống cấp ghê gớm hơn với tham nhũng, bất nhân và bạo lợi. Cái khác đó chẳng có gì vinh quang, trái lại đã đưa xã hội tới chỗ tan rã tinh thần, tàn phá con người khi áp chế, lợi và tiền đã ác hóa con người và xã hội.
– Đúng vậy chú ạ. Lan thấy rõ là dối trá, hung hãn và tội ác đã trở thành phổ biến ở Việt Nam. Người ta quan niệm không biết nói dối, lừa đảo là ngu, không dám hung hãn là nhát. Còn tội ác thì rộng khắp, báo chí đầy ắp những tin tức cướp giật, hãm hiếp, giết người tàn bạo, con giết cha, cháu giết bà, chồng giết vợ, vợ giết chồng. Riêng Lan đã biết rõ một chuyện, có lẽ chỉ xảy ra ở Việt Nam, là 2 vợ chồng trẻ tổ chức sinh nhật tại nhà với bạn bè thân. Đến cuối tiệc, mấy người đàn ông chủ mưu đã chuốc rượu cho chồng thật say, rồi lừa cho vợ uống thuốc kích dục để thay nhau cưỡng hiếp. Bạn bè gọi là thân mà chó má với nhau như thế thì sao còn tin được chữ bạn ở trên đời – Lan ngừng một lát, nhìn ông: Từ ngày biết được chuyện này, ngoài đám cưới họ hàng hay bạn quá thân phải đi, còn Lan không dám bén mảng đến mấy vụ sinh nhật, ăn giỗ ở mấy nhà bạn đồng nghiệp. Lan không còn dám tin vào người khác.
Ông Bình trầm ngâm một lúc:
– Chú theo dõi một số báo mạng để biết về Việt Nam, nhưng rất khó hình dung về sự thay đổi của người dân, xã hội và chính quyền. Là người sinh trưởng trong một giai đoạn có nhiều thay đổi, Lan cảm thấy gì dưới xã hội đó?
– Chú hỏi đột ngột một vấn đề quá phúc tạp, khó có thể thu tóm để nói trong một thời gian ngắn.
– Cứ nghĩ đến những điều mình phải đối mặt hàng ngày thì Lan sẽ thấy vấn đề. Chẳng hạn ở Mỹ chú cảm thấy sự yên ổn trong việc làm, và nếu thất nghiệp thì sẽ có trợ cấp thất nghiệp, rồi mình sẽ tìm việc khác. Chú có niềm tin vào chế độ dân chủ, vì chú có thể hoạt động chính trị, văn hóa và nhiều việc khác theo khả năng của mình. Chú có niềm tin vào chính quyền, vì chính quyền đó do dân bầu lên từ cấp Liên bang, Tiểu bang đến thành phố. Và những người được bầu sẽ cố gắng thực hiện chương trình họ công bố khi tranh cử, còn nếu làm không ra chi thì hết nhiệm kỳ, dân sẽ bầu người khác. Như thế, Chính trị ở Mỹ là cạnh tranh chương trình hành động và khả năng thực hiện chương trình. Nói tóm, ở Mỹ có tự do trong đời sống, yên ổn trong việc làm và niềm tin vào cơ chế dân chủ và luật pháp.
Lan ngước nhìn ông với nét vui:
– Nghe chú nói, Lan nhận ra những gì ở Việt Nam rồi.
Ông Bình cười:
– Là những gì?
– Là mất niềm tin vào con người và xã hội, là sống bất an và khinh thường những ông lãnh đạo từ thấp đến cao.
Ông gật đầu:
– Đó là những tổng kết hay, nhưng Lan có thể nói rõ hơn là tại sao?
Lan đáp:
– Thưa chú, mất niềm tin vào con người và xã hội, vì người Việt ngày càng xấu với dối trá, lừa đảo và hung bạo, còn xã hội thì quá nhiều tệ nạn, cạm bẫy do con người xấu tạo ra. Sao tin người khác được như chuyện sinh nhật Lan vừa nói. Tin sao được khi có những tên đàn ông lừa người yêu đem lên biên giới Tàu rồi bán người yêu cho bọn buôn người, và khủng khiếp hơn nữa là có thằng, vì tham chiếc xe và ít tư trang đã đang tâm đập chết người yêu rồi chặt thành mấy khúc cho phi tang – Lan nói như muốn khóc.
Chờ cho cơn xúc động của Lan dịu xuống, ông Bình nói:
– Dối trá, lừa đảo như thế là đã đến chỗ cùng. Mỗi con người Việt Nam ngày nay lại trở thành một pháo đài tự thủ. Thế còn sống bất an là sao?
– Dạ, ở miền quê Lan không rõ, nhưng ở những thành phố lớn như Sài Gòn thì ai cũng cảm thấy bất an. Vì ra đường thì sợ cướp, cướp thành băng đảng và rất tàn bạo, chém người ta rồi mới cướp. Cảnh sát đầy đường, đầy ngõ, nhưng cướp vẫn lộng hành rình rập ở khắp nơi. Ăn uống thì sợ thực phẩm chứa những chất độc hại.
– Từ hàng hóa, thực phẩm của Tàu?
 Lan lắc đầu:
– Không phải chỉ của Tàu mà chính người Việt vì lợi đã dùng hóa chất của Tàu, học Tàu tẩm độc vào thịt, trái cây và rau… để hại người Việt. Thịt thối ngâm hóa chất thành thịt tươi, bơm hóa chất vào trái cây cho mau chín và tươi lâu, rau thì thì dùng thuốc trừ sâu quá độ. Cái gì cũng hóa chất và mấy tiếng hóa chất đã thành mối đe dọa ám ảnh. Người ta thường chép miệng nói với nhau: Biết sao đây, ăn gì cũng chết! – Lan ngừng một lúc rồi tiếp: Còn công việc làm ăn thì bất an, vì dân đã hết niềm tin vào chính sách, lời nói của nhà nước. Tham nhũng quá nên làm ăn lớn nhỏ gì cũng phải có tiền bôi trơn. Đến như bà Nguyễn thị Doan, phó chủ tịch nước cũng phải lên tiếng than ở Quốc Hội: Người ta ăn không từ một thứ gì của dân.
– Biết rõ như thế, sao không có những biện pháp để giảm tệ tham nhũng?
Lan cười:
– Theo Lan nghĩ thì chẳng có biện pháp gì hết. Vì họ đã công khai nói tham nhũng là quốc nạn, tham nhũng là nội xâm và nói chuyện diệt trừ tham nhũng hết năm này đến năm khác. Còn dân thì hiểu rằng tham nhũng đã trở thành một chính sách dung dưỡng cho cán bộ làm ăn, lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ, nên không có chuyện diệt trừ mà là nuôi dưỡng. Vì thế tham nhũng thành rộng khắp và tàn nhẫn hơn. Chẳng hạn đến chỗ nằm trong bệnh viện, chỗ nằm trong nhà tù cũng phải chạy thì dịch tham nhũng đã lan đến tận đáy xã hội. Khi đã nhận rõ một sự thực như thế thì dân phải biết hối lộ để sống, còn quan thì tìm đủ mọi biện pháp sách nhiễu dân để nhận được nhiều hối lộ hơn.
– Trước thực trạng đó, người dân nghĩ thế nào về nhà nước, về những ông quan vô sản?
– Người dân coi họ là một tổ chức côn đồ, mafia, chớ không phải là nhà nước lãnh đạo theo luật pháp như họ tự xưng là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Họ đặt ra quá nhiều luật, nhưng không cai trị theo luật mà tùy tiện muốn làm gì thì làm. Vì thế những tên cảnh sát đứng đường hay những tên công an ở phường thường vỗ ngực nạt nộ “luật là tao” khi muốn đánh đập hay bắt ai. Chiến tranh đã chấm dứt gần 40 năm, nhưng dân sống không yên với chế độ cai trị hành dân, cướp bóc của họ và chế độ này đã tạo ra sự bất an trong tâm trí người dân.
Nhìn môi ông Bình mấp máy, Lan ngừng lại, nhưng thấy ông vẫn yên lặng nên đứng dậy tới tủ lạnh, lấy bình nước cam rót ra hai ly, đem đến đặt trước ông một ly: Chú uống nước.
Lan về chỗ, nâng ly nước cam uống mấy hớp, nhưng lúc uống đã vô tình ngồi ở thế mở hai chân, chiếc váy ngủ ngắn co lên hớ hênh, ông Bình chợt nhìn suốt cả một bên đùi trong nên ông vội cúi xuống, cầm ly nước đưa lên miệng. Khi ngước lên, thấy Lan đã sửa lại thế ngồi với hai đùi chéo nhau, ông để ly nước xuống:
– Ngày còn ở Việt Nam, chú thường nghe mấy ông cán bộ trên bàn nhậu phê phán chế độ xã hội chủ nghĩa đã làm tình làm tội người dân. Đến nay sau 40 năm, chú lại nghe Lan tổng kết một thực trạng y như trước. Vậy là sau 40 năm thống nhất, người dân chỉ bị hành chớ không an cư lạc nghiệp.
– Thưa chú, an cư lạc nghiệp sao được khi đời sống luôn bị đủ thứ đe doạ bao quanh như Lan đã nói. Nhưng còn một vấn đề rất lạ là hơn chục năm trở lại đây gia đình những ông lãnh đạo cao, thấp và những người giàu đã tìm cách cho gia đình con cái họ qua Mỹ theo diện đầu tư, du học, kết hôn để ở lại Mỹ. Họ muốn gia đình họ tránh xã hội bất an ở Việt Nam, nhưng lại nhất quyết duy trì chế độ mà họ muốn con cái họ từ bỏ.
Ông Bình cười:
– Họ duy trì chế độ để giữ quyền lực và kiếm thêm tiền, duy trì chế độ để giữ đảng Cộng Sản. Vì làm quan dưới chế độ độc tài đảng trị dễ và làm giàu cũng dễ. Lòng tham quyền lực và tham tiền vô đáy đã che mờ dân và nước. Cả chục năm nay chú nghe gia đình họ qua Mỹ mua nhà mấy triệu bằng tiền mặt mà họ gọi là tiền tươi và còn biết là một số người đã đưa con cái qua Mỹ từ cấp tiểu học hay trung học để thoát tình trạng giáo dục xuống cấp của Việt Nam, mà một số bài trên báo mạng đã gọi đó là đi “tỵ nạn giáo dục xã hội chủ nghĩa” cũng như 40 năm trước, dân miền Nam đã vượt biên tỵ nạn cộng sản. Như vậy là sau hơn nửa thế kỷ tranh đấu chống chế độ tư bản bằng núi xương sông máu để giải phóng con người, giải phóng đất nước, đảng cộng Sản đã đưa nước đến một mối hận: Nước tan, dân tán – Nhìn đồng hồ đã 12 giờ, ông Bình nói: Khuya rồi, Lan đi ngủ đi. Ngày mai chú sẽ đưa đi shopping.
– Chú cũng đi ngủ chứ ạ – Lan cầm hai cái ly, đứng dậy nói rồi bước ra phía bếp.
Ông Bình bâng quơ nhìn theo Lan, cảm được cái eo thon mềm với đôi mông thuôn nở ẩn hiện theo bước đi dưới lớp vải mỏng và mỉm cười nghĩ đến anh chàng John, chỉ qua giới thiệu mà may mắn gặp được cô vợ đẹp, khéo léo và thông minh. Ông đứng dậy đi đến đứng bên chiếc piano một lúc, rồi bước về phòng.
                                 
3
Ông Bình đậu xe trong một khu sân rộng gần bờ hồ Michigan, rồi chỉ quanh:
– Đây là công viên bờ hồ, có mấy sân để tập lái xe. Lan muốn lái thử nên chú đưa ra đây.
Lan nói:
– Cám ơn chú, Lan nôn nóng vì muốn thử kết quả của khóa học lái xe ở Việt Nam. Có bằng nhưng vì không có xe nên lái vẫn lạng quạng.
– Đúng rồi. Có bằng mà không có xe để lái thường thì cũng như không, chỉ ít tháng sau là quên hết. Bây giờ Lan coi lại những động tác, những việc phải làm. Ông Bình mở máy rồi nói: Trước hết đạp thắng, kéo cần số xuống chữ D. Rồi bỏ thắng đưa chân qua bàn gas, đạp nhẹ cho xe đi. Ông lái quanh sân ba vòng, rồi dừng lại.
– Lan nhớ những động tác khi cho xe đi và khi dừng lại chớ?
– Dạ.
– Bây giờ mình đổi chỗ, đến phiên cô làm tài xế.
 Khi đã ngồi yên trên ghế, thấy Lan vẫn loay hoay đưa chân lên đạp vào bàn thắng, ông hỏi:
– Ngồi như thế chân có vừa với bàn thắng không?
– Dạ, hơi xa chú a.
– Vậy kéo ghế lên một chút.
Lan quay lại hỏi:
– Làm sao kéo lên được chú?
– Cô không biết làm ư? Luồn tay xuống phía dưới ghế, có cái cần sắt. Nâng người lên, rồi kéo cần về phía trước, ghế sẽ đi theo.
Lan loay hoay kéo mấy lần không được, quay nhìn ông:
– Có cái gì vướng chú ạ.
– Chắc để nấc đó lâu quá thành sét gỉ – Ông nói, rồi cúi nghiêng sang bên, luồn tay dưới chân Lan kéo cần, nhưng cần bất động. Ông rút tay về, nghiêng hẳn người qua Lan, đưa tay xuống ghế, cầm cần lay mạnh, rồi kéo lên. Cái cần theo tay ông đi lên quá đà làm cánh tay đè lên đùi Lan. Ông vội nâng cánh tay lên một chút, rồi đẩy thanh sắt xuống một nấc.
– Chắc vừa tầm rồi đấy, Lan thử đạp thắng xem sao?
Lan ngồi thẳng, đưa chân đạp thắng:
– Vừa rồi, chú ạ.
– Vậy seatbelt, rồi đi thôi. Trời lạnh ít người, ít xe vào đây, nhưng cứ giữ tốc độ từ 15 đế 20 miles là vừa.
Lan mở máy, lái xe đi mấy vòng quanh sân, rồi đi ra đường, lên sân ở phía trên. Sau mấy vòng, Lan ra đường vòng qua những con đường quanh công viên. Cứ thế, Lan đi vòng quanh mấy đường trong công viên khoảng trên nửa tiếng.
Ông Bình theo dõi cách lái của Lan và thấy Lan có vẻ thành thạo trong những động tác và bình tĩnh tự nhiên khi gặp xe đối diện hoặc đi qua một nhóm người. Hơn tháng nay có Lan, ông thấy ngôi nhà như thay đổi với mái tóc, tiếng phụ nữ và những bữa ăn ngon. Chiều nào bước vào nhà là nghe tiếng: Chú đã về với nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ của Lan. Và sau đó Lan đem lên cho ông bình trà, ngồi với ông một lúc, rồi mới xuống bếp. Ông chợt nhận ra một nguồn vui khi trong nhà có tiếng nói, tiếng cười của phụ nữ, nên quay nhìn Lan và hình dung lại dáng dấp Lan vào buổi sáng hôm qua, khi alarm báo cháy vang lên inh ỏi do ông rang mè bị cháy và Lan đã bước vội từ phòng tắm ra hốt hoảng: Sao vậy chú? Ông quay lại đáp: Không sao đâu. Chú rang mè bị cháy nên alarm báo động vậy thôi. Vậy mà Lan hết hồn – vừa nói Lan vừa bước trở vào phòng tắm và lúc ấy ông thấy Lan với chiếc khăn tắm choàng hờ hững trên người như một bức tranh. Bức tranh biến nhanh, nhưng chiếc khăn tắm choàng một bên vai xuống nửa thân đã trở thành một tác phẩm mà một thoáng nhìn ông đã chụp được vài giây sinh động của cô gái, chỉ phút hốt hoảng ấy, cô mới tỏ lộ được sự tự nhiên của thân thể dưới tấm khăn choàng. Ông mỉm cười kéo bức tranh choàng khăn tắm lại gần cô gái đang nhìn thẳng trong chiếc áo len xanh dương.
– Lan trở lại sân để tập parking.
– Dạ.
Lan vào sân, đậu xe, rồi nói:
– Ở Việt Nam, Lan đã tập park, nhưng chỉ để thi. Bây giờ chắc phải tập lại nhiều.
– Park có 3 trường hợp: park song song và 2 cách park sát lề đường. Song song thì dễ, chỉ cần ước lượng. Park bên lề đường thì khó hơn. Nếu khoảng lề đường rộng, mình có thể vào thẳng, rồi đậu cách lề chừng hơn gang tay là đẹp. Trường hợp lề đường có nhiều xe đậu, chỉ còn một khoảng hẹp cho một xe, vào thẳng không được, phải vào bằng cách lui thì khó, phải tập nhiều – Ông chỉ những viên gạch lớn ở gần lề sân:
– Khi đậu bằng cách lui, Lan tới chỗ 2 hàng gạch kia và đậu vào giữa 2 hàng gạch đó. Bây giờ Lan đi quanh sân, cứ mỗi vòng đậu môt kiểu: đậu song song, đậu bên lề vào thẳng và đậu bên lề bằng cách lui – Nói rồi ông mở cửa xe bước xuống.
Lan đi mấy vòng, rồi tới chỗ ông đậu lại. Cả hai lần đậu song song và đậu bên lề vào thẳng, ông đều cười gật đầu theo nụ cười của Lan, nhưng đến khi đậu bên lề bằng cách lui thì Lan lúng túng, phải cho xe ra vào nhiều lần và đậu cách lề quá xa.
Ông Bình đến mở cửa xe:
– Lan về chỗ đi. Hôm nay tập thế đủ rồi.
– Đậu lui khó quá chú ạ.
– Phải tập nhiều lần, rồi sẽ quen – Ông cười nói, cho xe đi dọc theo công viên, rồi đậu bên bờ hồ.
– Chú thấy Lan lái thế nào?
– Lái như thế là vững rồi. Sau khi có giấy tờ, chỉ tập thêm ít ngày là có thể đi thi. Thấy Lan nôn nóng nên chú cho lái thử, chớ tập lái kiểu này, cảnh sát chặn hỏi thì sẽ bị phạt. Theo luật, Lan phải có thẻ an sinh xã hội, có bằng thi viết, mới được phép tập lái.
– Sao chú không cho Lan biết?
Ông cười:
– Tại cô muốn thử nên chú không cản. Nói thế thôi chớ cảnh sát ít khi hỏi, nhất là khi thấy mình tập bài bản như thế.
– Chú thấy John thế nào?
– Phải quen biết lâu mới có thể nhận xét, còn chỉ gặp vài lần với ít câu chào hỏi thì biết gì mà nói. Nhưng anh ta dáng dấp ngon lành, vẻ mặt nghiêm mà hiền. Nhìn bề ngoài thì hai người đẹp đôi. Chỉ qua giới thiệu mà gặp được một người như thế là qúi lắm rồi.
Với giọng buồn Lan nói:
– Cần thoát khỏi Việt Nam nên Lan liều. Chẳng biết ngày mai ra sao.
– Cứ ở lại Mỹ hợp pháp cái đã, còn ngày mai ai biết.
Lan nhìn ông, rồi nhìn ra hồ:
– Hồ gì mà chỉ thấy mây và nước. Nếu chú không nói thì Lan lại nghĩ Chicago ở cạnh biển.
– Đây là hồ Michigan, một trong 5 hồ lớn ở Bắc Mỹ, gồm các hồ Superior, Huron, Erie và Ontario. Cả 4 hồ này, Mỹ và Canada, mỗi nước được một nửa hồ, vì hồ ở giữa biên giới hai nước. Hồ Michigan chạy dài lên tới gần tới biên giới Canada và đi vòng theo 4 tiểu bang là Illinois, Wisconsin, Indiana và Michigan. Theo hướng Lan nhìn về phía đông qua bên kia hồ là tiểu bang Michigan.
– Hồ Michigan làm tăng vẻ đẹp bát ngát của Chicago. John đã đưa Lan lên tòa building cao nhất nước Mỹ, Sears Tower, và Lan đã thấy được cái đẹp này.
Ông Bình gật đầu:
– Lan dùng chữ bát ngát thật đúng. Vào những ngày lộng gió mà Chicago là thành phố gió, Windy city, đứng đây sẽ thấy hồ mênh mông đầy sự đe dọa với sóng cuồn cuộn bất tận như sóng đại dương. Còn vào mùa hè, dọc bờ hồ, người đông như kiến, theo ước lượng có ngày lên tới cả triệu người. Mình đang ở mùa đông, nhưng hôm nay nắng, ít lạnh, nên chú đưa Lan xuống thăm khu vực người Tàu lập nghiệp ở Chicago cả trăm năm trước, Chinatown cũ, ở phía nam Chicago. Ông mở máy, cho xe ra đường Foster, rồi đi vào đường bờ hồ.
– Đường này đẹp chú ạ. Một bên building cao ngất, đủ màu sắc, một bên hồ trong xanh – Lan chỉ ra phía bãi cát dọc theo hồ: Chắc giải cát kia vào mùa hè sẽ đầy người.
– Đường này tên là Lakeshore Drive, chạy dọc bên ngoài Downtown và hồ. Bờ hồ ở đây không cao như như chỗ mình tập lái xe, lại có bãi cát thoai thoải chạy ra xa như bãi biển, nên mùa hè là nơi vui thú của dân Chicago: Tắm, phơi nắng và đi dạo.
– Chú có thường tới đây không?
Ông lắc đầu:
– Chú không thích chỗ đông người mà cũng chưa bao giờ tắm ở hồ. Hè và thu, có đi dạo là đi ở chỗ mình tập xe. Khu đó, công viên rộng, hồ sâu, đường bờ hồ cao. Có khi chú ngồi cả giờ nghe sóng ào ào đập vào vách đá dưới chân mình… Tiếng hát của hồ hay tiếng than của biển – Môi ông mấp máy nói nhỏ, rồi im lặng chú ý đoạn đường hay lầm lẫn mỗi lần vào Chinatown.
Đi thêm trên một mile, ông rẽ phải mấy lần ở những đoạn đường ngắn. Khi rẽ trái vào được Cermark, ông thở phào:
– Quãng đường phía ngoài phức tạp nên hay quên, vì mỗi năm chú cũng chỉ xuống đây vài lần mua trà. Bây giờ thì tới rồi. Chừng 15 phút sau, ông rẽ phải vào một đường ít xe, và Lan thấy tấm biển “Welcome to Chinatown”.
Ra khỏi sân đậu xe, Lan hỏi:
– Trên mấy đường quanh đây không còn chỗ đậu xe hở chú?
– Giờ này thì khó lắm, đường nào cũng đầy xe. Công đi tìm và tránh xe trên mấy con đường nhỏ còn mệt hơn là tốn mấy đồng vào bãi đậu – Ông cười nói, rồi hỏi: Lan thích ăn dim sum hay ăn mì?
– Ăn mì, chú ạ. Dim sum béo quá.
– Dim sum và mì ở đây nổi tiếng, nhất là dim sum. Chú có mấy người bạn ở ngoại ô, cách Chicago 6, 7 chục miles mà mỗi Weekend đều vào đây ăn rồi mới xuống chợ Argyle.
– Khu Argyle cũng có mì và dim sum. Vậy là họ chê dim sum của Chinatown mới.
– Có thể họ quen vị ở dưới này hơn. Còn chú thì thấy chỗ nào cũng vậy – Ông nói rồi cầm tay Lan theo đoàn người băng qua lộ để vào đường Wentworth.
Bước lên lề đường, Lan nói:
– Bước lên đây là thấy chất Tàu: Chữ Tàu, tiếng Tàu và màu sắc chói chang.
– Đây là con đường chính của Chinatown, cũng như đường Argyle, khu thương mại Việt Nam ở Uptown. Đi thêm chừng 200 mét, ông cầm tay Lan đi vào một tiệm rộng đầy khách. Hai người đi tới chiếc bàn vuông ở góc phòng.
– Ở đây có đủ loại mì: mì vằn thắn, mì vịt quay, mì xá xíu, mì sào dòn, mì thập cẩm…
– Mì vằn thắn, chú ạ.
Vừa lúc cô tiếp viên đến, ông cầm tấm menu, chỉ vào hàng chữ Wonton Noodle Soup:
– Please give me two bowls and hot tea.
Khi cô tiếp viên bước đi, Lan nói:
– Vào đây lại tưởng là vào mấy tiệm mì của Tàu ở Sài Gòn, toàn màu đỏ với kim tuyến vàng và sự ồn ào.
– Tiệm mì này mở cửa suốt ngày đêm. Cách đây 2 năm, chú từ thành phố Detroit tiểu bang Michigan về trong đêm nên ghé đây ăn mì. Hai giờ đêm mà vẫn đầy người với tiếng nói cười – Ông chỉ ra ngoài, đường Wentworth, đoạn này dài chừng 7, 800 mét. Tất cả hai bên đường là cơ sở kinh doanh, buôn bán, tiệm sách, nhà in, báo chí, tiệm ăn, siêu thị… Vào đây là thấy mình lạc vào một khu Tàu, từ cửa hàng cho đến khu cư dân – Ông chỉ ra phía cửa: Lan coi, bàn thờ ông thần tài.
– Tiệm mì Hon Kee và chợ Mỹ Á ở khu Argyle cũng vậy – Lan ngừng lại khi người tiếp viên đặt cái khay xuống bàn, rồi bưng 2 tô mì để trước hai người và nói nhanh: Thanks for your coming.
– Thank you – Lan đáp lại.
Ông Bình nhìn hai tô mì bốc hơi thơm:
– Vậy là hôm nay mình đi trên 40 miles để ăn mì Thất Bảo.
4
Từng đoàn người lũ lượt đi về hướng nhà hàng Furama trong tiếng nói, Lan nghe những lời chào: Năm mới, năm mới với tiếng cười.
Lan nắm tay ông Bình:
– Năm nào Hội Tết cũng tổ chức ở Furama, hở chú?
– Cả chục năm rồi. Hội Tết được tổ chức ở lầu 2. Hội trường sang trọng có thể chứa được cả trên ngàn người.
Ra khỏi thang máy, Lan thấy một rừng người. Giữa hội trường, những hàng ghế mấy trăm cái đã kín người. Người ta đi lại, chen nhau ở vòng ngoài và vây quanh những gian hàng bán đồ ăn. Lan dừng lại trước chiếc bàn có mấy hàng chữ: Mời quí vị ghi tên thi trình diễn áo dài và thi hát, hỏi ông:
– Năm nay có thi trình diễn áo dài và thi hát hở chú?
– Năm nào cũng có hai mục này mà là tiết mục ăn khách nhất.
Ông Bình dẫn Lan đi quanh một vòng, rồi dừng lại khu triển lãm hình ảnh những hoạt động của Cộng Đồng trong năm, khu giới thiệu những người đấu tranh cho dân chủ trong nước, những tù nhân lương tâm. Lan nhặt một sấp tài liệu nói về Trần Huỳnh Duy Thức, Đỗ thị Minh Hạnh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần…, rồi tới khu thi cờ tướng, khu thư pháp và vẽ truyền thần. Tới khu có mấy vị cao niên đang uống trà, ông Bình nói: Chỗ này là chỗ của các vị bô lão, tiên, thứ chỉ ở đình làng Việt Nam ngày xưa. Ngày xưa, các cụ chủ trì lễ đình, bây giờ các cụ ở đây ngồi tiếp khách cao niên đi Hội Tết. Nghe ông nói, Lan mới để ý đến bình trà, rượu và hộp mứt trên mấy cái bàn vuông với ghế dựa.
Ở cạnh khu cao niên là một hội trường lớn thứ nhì. Qua chiếc cửa lớn, thấy bên trong đầy người, Lan kéo tay ông Bình tới gần cửa để nhìn vào thì thấy người ta chen nhau tụ quanh những cái bàn dài. Ông Bình cười: Phòng bầu, cua, cá, cọp để khách thử thời vận đen đỏ đầu năm. Tết đi liền với truyền thống cờ bạc.
Khi đến ngồi vào ghế ở phía trước sân khấu, Lan nói với ông là ra ngoài một lúc và khi trở lại Lan đi cùng vợ chồng người bạn với đứa con gái khoảng 7, 8 tuổi và John, hôn phu của Lan mà ông đã gặp mấy lần tại nhà khi anh ta đến đưa Lan đi chơi. Ông đứng dậy chào bắt tay John: Welcome to the Việt Nam Tết Festival, bắt tay Định, chồng của bạn Lan: Chúc anh chị và cháu gái một năm mới an lành, thịnh vượng.
Định đáp lại: Vợ chồng Định cũng xin chúc chú như vậy.
Ông Bình lấy trong túi ra một xấp bao bì đỏ, đưa cho mỗi người một bao: Ở Việt Nam thì chỉ mừng tuổi cho trẻ nhỏ, ở Mỹ thì xin mừng tuổi cả người lớn – Khi đưa bao lì xì cho Lan và John, ông nói: Cầu chúc Lan và John năm mới đạt được điều mong ước với niềm vui lớn. Ông xếp cho Lan ngồi cạnh John, đến bạn Lan, cháu gái, và Định ngồi cạnh ông.
Bỗng tiếng pháo nổ chát chúa trên sân khấu làm mọi người giật mình. Lan nhìn lên, băng pháo treo ở cây mai lớn ở trước sân khấu đang lóe sáng với những tiếng nổ liên tục… Khi tiếng pháo dứt, một người trẻ điều khiển chương trình ra đứng trước micro:
– Xin quí vị đứng dậy nghiêm chỉnh làm lễ chào quốc kỳ Mỹ, Việt. Đoàn ca lên sân khấu.
Từ phía sau, 5 thanh niên quần đen, áo trắng và 5 thanh nữ quần trắng áo dài vàng đi theo hàng một ra đứng trước sân khấu, ở giữa hai giá quốc kỳ Mỹ và cờ vàng ba sọc đỏ.
– Nghiêm. Quốc kỳ Mỹ… Quốc ca… Âm thanh The Star Spangled Banner vang lên từ chiếc máy CD.
– Quốc kỳ Việt Nam…. Quốc ca… Người điều khiển chương trình bắt giọng: Này công dân ơi… và 10 người trẻ trên sân khấu cất cao giọng kéo toàn thể hội trường hát theo…
Lan nhìn lên hàng cờ trên sân khấu, người nổi gai ốc theo với tiếng hát của cả ngàn người. Chưa bao giờ nàng trải qua sự xúc cảm như bây giờ.
Khi tiếng hát dứt, tiếng người điều khiển lại vang lên:
– Phút mặc niệm để tưởng nhớ anh hùng, tử sĩ đã vì nước vong thân, tưởng nhớ đồng bào đã bỏ mình trên rừng biên giới, trên biển cả trên đường đi tìm tự do. Phút mặc niệm bắt đầu.
Lan cúi xuống khi âm thanh bản Chiêu Hồn Tử Sĩ vang lên và người nàng lại nổi gai ốc.
– Phút mặc niệm chấm dứt. Xin mời qúy vị an toạ.
Sau làn sóng rào rào khắp hội trường, tiếng người điều khiển lại vang lên:
– Xin giới thiệu qúy vị, bà Trần Lương Ngọc, chủ tịch Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng Người Việt Tự Do Illinois, đọc diễn văn khai mạc Hội Tết Nhâm Thìn, 2012. Xin mời bà Trần Lương Ngọc.
Bà chủ tịch cộng đồng người cao thuôn thả, áo dài vàng nhạt, lên sân khấu cúi đầu chào với tiếng vỗ tay của cả hội trường. Sau lời chúc năm mới quí vị quan khách và đồng hương, bà tường trình ngắn về những sinh hoạt chính trị, văn hóa, y tế và kinh tế của cộng đồng trong năm. Cuối cùng bà tuyên bố khai mạc Hội Tết năm Nhâm Thìn. Sau lời tuyên bố khai mạc Hội Tết, tiếng pháo trên cây mai lại nổ. Những tia lửa với xác pháo tung bay trên sân khấu.
Tiếng người điều khiển chương trình lại vang lên:
– Tới giờ lễ tổ. Xin mời bác Phạm Thanh.
Ông Thanh mặc áo dài đỏ, đội khăn xếp đỏ, lên sân khấu với một thanh niên. Anh thanh niên giúp ông đốt nhang, rót rượu, rót trà, rồi đứng sang bên, trong khi ông vái, cắm nhang vào bát nhang, rồi quỳ lạy trước bàn thờ tổ.
Ngồi cạnh John nên mỗi tiết mục Lan đều nói ít điều về ý nghĩa cho John hiểu. John nói là sống ở gần Chicago và chơi thân với gia đình Định, nhưng John không biết những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt ở đây. Chỉ biết tết Việt Nam khi gia đình Định mời đến với một bữa ăn gồm nhiều món như chả giò, thịt heo kho trứng, giò lụa, thịt đông và bánh chưng. Theo John thì những món đó ngon, nhưng làm mất nhiều công và thì giờ. Lan cho biết là trong đó có thứ tự nấu, có thứ mua và nói thêm, việc nấu ăn cũng là niềm vui của đa số phụ nữ Việt, nếu họ có thì giờ. Lan đùa là sau này về sống với John, nàng chưa biết là sẽ bị Mỹ hóa hay John sẽ bị Việt hóa. John cười nói: Lan không nên Mỹ hóa, vì John xin tình nguyện để được Việt hóa.
Lan đưa tay bịt miệng để tiếng cười khỏi bật ra, khi nghe tiếng:
– Xin thông báo qúi vị, sau đây là chương trình thi trình diễn áo dài. Xin quí vị trong Ban Giám Khảo lên hàng ghế trước sân khấu.
Cùng lúc ấy hàng chục thanh niên đã lên sân khấu khiêng bàn thờ để xuống phía sau và hai giá cờ Mỹ, Việt để xuống phía dưới sân khấu. Ông Bình đứng dậy nói: Bây giờ tới việc của tôi. Rồi đi lên ngồi vào chiếc piano ở góc cuối sân khấu. Nhìn xuống Ban Giám Khảo, gồm 5 vị, 2 nữ, 3 nam, người nào trên tay cũng 1 xấp giấy với cây bút, ông mỉm cười khi thấy vẻ mặt trịnh trọng của cả 5 người. Đã 4 năm, ông làm việc đệm đàn cho chương trình trình diễn áo dài và năm nào Ban Giám Khảo cũng không thống nhất được với nhau về số điểm và thứ hạng của mấy người trúng giải. Cuối cùng phải dùng đến giải pháp tương nhượng.
Tiếng của người điều khiển vang lên:
– Ban Giám Khảo xin công bố 3 tiêu chuẩn với 3 loại điểm: Thứ nhất là dáng người, thứ nhì là dáng đi và thứ ba là nghệ thuật phô diễn những nét đẹp, quyến rũ của áo dài… Chương trình thi trình diễn áo dài bắt đầu… Xin mời cô Nguyễn thị Thu Thủy, sinh viên đại học Northern Illinois.
Những tiếng vỗ tay theo Thu Thủy lên sân khấu. Thu Thủy dáng thanh, mặc áo dài xanh dương, tóc xõa lưng, vào giữa sân khấu cúi chào, rồi xoay một vòng cho 2 cánh áo dài vờn lên. Thủy đi vòng quanh sân khấu, tới mỗi góc, cô đứng lại, rồi mới xoay nhanh về phải hay trái để đi tiếp, và mỗi bước xoay đều cuốn tà áo bay lên. Đi hết 3 vòng, cô đi vào giữa sân khấu cúi chào với tiếng vỗ tay của cả hội trường.
– Xin mời cô Cao Thị Thu Cúc, sinh viên đại học Loyola. Thu Cúc dáng thuôn thả đài các, tóc buông xõa, quần áo lụa trắng. Cúc đi tự nhiên, đôi khi ngừng lại, ngước nhìn lên, vươn tay lên cao như với một cành hoa. Vòng đầu, Cúc đi thong thả, đến vòng thứ 2 và 3 đi nhanh và cánh áo dài vờn lên theo những bước chân. Rồi bất ngờ, cô vòng ra giữa sân khấu, bước chậm lại, cúi chào với khuôn mặt phúc hậu nhu mì.
Trong tiếng vỗ tay có tiếng nói lớn: Đi thêm vài vòng nữa, đẹp lắm.
– Xin mời cô Lê thị Tâm, nhân viên nhà băng Chase, Chicago. Tâm người tầm thước đầy đặn, tóc uốn cuộn vào gáy, mặc áo dài huyết dụ, quần trắng. Cô làm dáng nhiều trong bước đi, nên quên mất những động tác phô diễn hai cánh áo dài. Sau Tâm là 2 cô nữa, nhưng cả hai đều thiếu sự linh động trong việc tạo ra những động tác của riêng mình. Các cô chỉ biết đi quanh, xoay người, lập lại một số động tác của mấy lần trước nên thiếu tự nhiên.
Ông Bình đã xúc động nhìn theo những bước đi. Vì bước đi nào hai cánh áo dài cũng tạo dáng tha thướt như giải lụa. Và theo từng bước đi, thân thể của các cô đã bộc lộ sự khêu gợi từ cánh áo phất phơ và chiếc quần hờ hững. Theo dòng những bước chân với hai cánh áo vờn lên, hạ xuống, ông đã biểu lộ sự xúc động qua những ngón tay trên phím dương cầm. Ông bỗng giật mình khi nghe tiếng: Xin mời cô Trần Quỳnh Lan.
Lan bước lên sân khấu, nhìn ông mỉm cười, rồi bước ra giữa sân khấu cúi chào và xoay một vòng cho cánh áo dài cuốn lên. Chiếc áo xanh dương và hai ống quần trắng quyện vào tà áo và đôi chân theo những bước đi. Lan đi vòng sân khấu với những động tác bất chợt đứng lại và xoay nhanh làm tà áo cuốn lên để lộ cả một bên đùi lên đến mông, hiển lộ nét quyến rũ và lẳng của tà áo dài khi đi trên đường lộng gió. Tự trong góc, Lan bước ra giữa sân khấu, cúi xuống như cúi nhặt một vật gì, với tay nâng tà áo, hiển lộ nét khêu gợi của thân áo ở chỗ xẻ tà tam giác với khuôn ngực vươn cao. Rồi Lan đứng dậy bước nhanh, tay đỡ tà áo vờn lên …
Bàn tay ông Bình đã chạy trên bàn phím để theo kịp những bước đi, chợt nhanh, chợt chậm, chợt dừng của Lan. Ông ngạc nhiên trước những động tác rất tự nhiên qua bước đi, Lan đã đưa được những nét đẹp và quyến rũ nửa kín, nửa hở của hai tà áo lên sân khấu. Và khi Lan bước xuống với những tiếng vỗ tay và huýt gió, bàn tay ông vẫn lướt trên những hòa âm của Tà Áo Cưới.
Khoảng 20 phút sau, người điều khiển chương trình đến trước micro:
Kính thưa quí vị, Ban Tổ Chức xin công bố 3 người đoạt giải của cuộc thi trình diễn áo dài:
– Thứ nhất, cô Cao thị thu Cúc, giải 3 với 500 đô la.
– Thứ nhì, cô Nguyễn thị Thu Thủy, giải nhì với 700 đô la.
– Thứ ba, cô Trần Quỳnh Lan, giải nhất với 1000 đô la.
Cả hội trường như bùng vỡ với tiếng vỗ tay cùng những tiếng hú.
Nhìn xuống hội trường, ông Bình thấy John và vợ chồng Định đứng dậy bắt tay Lan.
Sau khi 3 cô trúng giải lên sân khấu nhận giải từ tay bà chủ tịch cộng đồng, tiếng người điều khiển lại vang lên:
– Kính thưa quí vị, tiếp sau đây là chương trình thi hát. Xin mời quý vị trong Ban Giám Khảo lên hàng ghế trước sân khấu.
Nhìn xuống Ban Giám Khảo, ông Bình nhận ra 5 người quen, gồm nhạc sĩ Vũ An, 4 ca sĩ – 1 nam, 3 nữ ở Chicago, hàng năm vẫn làm giám khảo cho chương trình thi hát.
– Thưa quí vị, chương trình thi hát bắt đầu. Xin mời anh Lê Nghĩa, sinh viên đại học Devry. Anh Nghĩa sẽ hát bản Phiên Gác Đêm Xuân của Trần Thiện Thanh.
Nghĩa lên sân khấu cúi chào, bước mấy bước theo nhạc dạo, rồi cất tiếng: Đón giao thừa một phiên gác đêm, chào xuân đến súng xa vang rền… chỉ hai câu đầu, ông Bình đã thấy sự điêu luyện và truyền cảm của giọng hát. Và ông nhìn Nghĩa, ngạc nhiên là một sinh viên hơn 20 thì chắc phải sinh trưởng ở Mỹ mà sao lại có giọng hát như một ca sĩ Việt Nam. Nghĩa đi lại say sưa theo tiếng hát qua dáng điệu và đôi tay – Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh mà nhớ chiếc bánh ngày xuân… Ông Bình đã kết bản nhạc từ thời còn ở Việt Nam. Rồi những năm ở Mỹ, ông thường nghe Hà Thanh và Thanh Tuyền hát. Bây giờ lại gặp một giọng ca mới, ông hát nhỏ theo bạn ca sĩ sinh viên: Thì đừng đến xuân ơi… Tiếng “ơi” được dương cầm đưa đi xa, trong khi Nghĩa cúi chào trong tiếng vỗ tay vang dội.
Sau Lê Nghĩa là cô Trần Thu Vân hát bản Anh Cho Em Mùa Xuân, cô Tô Thị Oanh hát bản Nếu Xuân nNày Vắng Anh, và anh Trương Thìn hát bản Xuân Và Tuổi Trẻ. Cả ba giọng không có gì đặc sắc, nhưng ông chăm chú vào cách diễn tả và dùng tiếng đàn để che lấp những chỗ yếu kém của giọng hát.
Người thứ năm là cô Lê Ngọc Trân, sinh viên đại học Chicago, ca bản Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ. Với áo dài màu tím hoa cà và áo len tím thẫm, Ngọc Trân đã làm dịu khung cảnh náo nhiệt trong hội trường, khi cô bước mấy bước theo tiếng đàn, rồi dịu dàng: Em đến thăm anh một chiều đông. Em đến thăm anh một chiều mưa, mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều… Giọng ngọt ngào như màu áo, ông Bình nghĩ và ngạc nhiên là Ngọc Trân, ở lứa tuổi 18, đôi mươi, sinh trưởng ở Mỹ mà lại tìm đến bản nhạc của lớp người mấy thế hệ trước. Nhìn Ngọc Trân bước đi với tiếng hát, ông như đang nghe Mộc Lan, Châu Hà, và cảm nhận là Ngọc Trân đã nhập được vào tình ý của bản nhạc: Có hay lúc em về, gót chân bước reo âm thầm, trên đường một mình ngoài mưa, mưa như mưa trong lòng anh, lòng bồi hồi nhìn theo chân em chìm trong ngàn xanh… Ngọc Trân đứng lại, nhìn xuống hội trường: Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về… Ông Bình bỏ phím đàn, vỗ tay theo tiếng vỗ tay vang dội trong hội trường.
Tiếp sau Ngọc Trân là Vũ Bản, một ông trung niên, ca bản Nỗi Lòng Người Đi của Anh Bằng. Ông Bản cúi chào khán giả, rồi theo nhạc cất tiếng: Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều… Ông Bình thầm nghĩ: Lại gặp một giọng truyền cảm điêu luyện. Vũ Bản nhìn ra hội trường: Hà Nội ơi, nào biết ra sao bây giờ. Ai đứng trông ai ven hồ khua nước như ngày xưa… Ông Bình đã nghe nhiều ca sĩ ca bản Nỗi Lòng Người Đi và bây giờ tưởng như mình gặp lại tiếng hát Sĩ Phú… Những ngón tay trên bàn phím đi theo xúc cảm của Vũ Bản: Sài Gòn ơi, Mộng với tay cao hơn trời, tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi – Vũ Bản cúi chào trong tiếng vỗ tay vang dội.
Ông Bình sửng sốt khi nghe: Kế tiếp là cô Trần Quỳnh Lan. Quỳnh Lan sẽ ca bản Bài Thơ Hoa Đào của Hoàng Nguyên. Sau lời giới thiệu, người điều khiển chương trình bước đến bên piano: Quỳnh Lan vừa mới ghi tên nên Ban Tổ Chức không có bản Bài Thơ Hoa Đào. Ông Bình cười nói: Không sao, bản này tôi biết.
Quỳnh Lan tới bên ông Bình nói nhỏ: Thấy vui nên Lan liều, rồi mới ra giữa sân khấu cúi chào. Cô bước một vòng theo tiếng nhạc, tay phe phẩy như đánh nhịp: Ngày nào dừng chân phiêu lãng khách tới đây khi hoa đào vương lối đi, mầu hoa in dáng trời, tình hoa lưu luyến người, bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi… Ông Bình ngạc nhiên, Mấy tháng qua ông chưa từng nghe Lan hát một câu hay nói về nhạc, chỉ ngồi nghe ông đàn. Sao hôm nay bỗng dưng lên thi hát và giọng Lan như giọng của một ca sĩ chuyên nghiệp… Tay ông lướt trên bàn phím theo tiếng hát: Ôi, Đà Lạt là mơ, giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần, tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ, đợi tình quân đến trong giấc mơ… Giọng đầy tiềm lực, lên cao, xuống thấp rất ngọt và tự nhiên. Ông đã nghe hầu hết những ca sĩ thế hệ cũ cũng như mới hát bản này. Nay nghe Lan, ông gặp lại giọng của Lệ Thanh với thuật luyến láy và nũng nịu. Lan bước một vòng với cánh áo dài quấn quít hai ống quần, rồi ngừng lại giữa sân khấu: Nhưng rồi mùa hoa tàn, người hoa sao vắng mãi, sao chiều lòng mong chờ, đường hoa sao hững hờ để lòng lữ khách cất bước đi nhớ hoa nở trên má ai, mầu hoa in trên má làm lữ khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi…Quỳnh Lan cúi xuống trong tiếng nhạc và tiếng vỗ tay vang dội hội trường.
Trước khi xuống sân khấu, Lan đến bên piano: Cám ơn chú. Ông Bình đứng dậy bắt tay Lan: Đã lâu lắm chú mới được nghe Bài Thơ Hoa Đào với nghệ thuật luyến láy điêu luyện.
Khoảng 20 phút sau, người điều khiển chương trình lên tiếng:
– Kính thưa quí vị, Ban Tổ Chức xin công bố kết quả cuộc thi hát với ba giải:
– Thứ nhất, ông Vũ Bản, giải ba với 300 đô la.
– Thứ nhì, cô Ngọc Trân, giải nhì với 500 đô la.
– Thứ ba, cô Trần Quỳnh Lan, giải nhất với 700 đô la.
Hội trường như vỡ tung với tiếng vỗ tay và tiếng hú.
– Xin mời ông Vũ Bản, cô Ngọc Trân và Quỳnh Lan lên sân khấu nhận giải.
Ông Bình và Lan vừa trở về chỗ thì bà Lương Ngọc, chủ tịch cộng đồng, đến tươi cười:
– Năm mới chúc anh mạnh khỏe, nhiều may mắn. Xin cám ơn anh đã đàn cho 2 cuộc thi.
– Tôi cũng xin chúc chị cùng gia đình một năm mới an lành và thăng tiến. Nhân tiện xin giới thiệu chị, Quỳnh Lan là cháu tôi mới ở Việt Nam qua.
– Vui vậy ư – Bà Lương Ngọc cầm tay Lan – Cô cháu anh thật tuyệt vời. Tôi chưa nghe ai hát Bài Thơ Hoa Đào truyền cảm như cô. Rồi nghệ thuật trình diễn áo dài nữa, phá cách, không đi vào khuôn nếp cũ, sinh động và biểu lộ được những nét đẹp ẩn tàng của chiếc áo dài. Cám ơn Quỳnh Lan đã đem lại cái đẹp cho Hội Tết.
Lan đáp:
– Cám ơn bà quá khen. Thấy hội tết vui nên Lan liều, không ngờ lại được giải.
Bà Lương Ngọc nhìn ông:
– Cũng như mọi năm, 8 giờ tối nay, xin mời anh và Quỳnh Lan đến nhà ăn tết. Có điều xin báo trước là tôi muốn được nghe Quỳnh Lan hát thêm.
Ông Bình đáp:
– Cám ơn chị, chúng tôi sẽ đến.
Khi bà Lương Ngọc bước đi, ông Bình nói với vợ chồng Định: Hội Tết sẽ kéo dài tới 6 giờ với một số chương trình như Lotto, trình diễn võ thuật Vovinam và chương trình ca nhạc của một số ca sĩ ở Chicago và vùng phụ cận, cả mấy tiểu bang gần Chicago như Iowa, Michigan và Indiana. Bây giờ xin mời anh chị và John đi ăn phở. Rồi sau đó về hay ở lại, tùy quí vị. Cả toán đứng dậy theo ông ra cầu thang. Ông Bình mỉm cười nhìn Lan khi nghe tiếng người chủ trì Lotto ngân nga:
– Chồng chê thì mặc chồng chê,
Ăn đồng kẹo kéo chồng mê đến già… Nó là con số… con số mười ba.
– Cả hội trường chơi Lotto hở chú?
– Cả hội trường. Lotto sẽ kéo dài tới 6 giờ. Xen kẽ vào đó có một số chương trình khác, nhưng chính yếu là ca nhạc.
Định lên tiếng:
– Vậy Hội Tết ở đây là đánh bạc và ca nhạc.
– Chỉ có thế mà hội trường lúc nào cũng đầy người. Toán này xuống thì toán khác lên – Ông cười nói, rồi chỉ vào một toán cả mười mấy người vừa bước lên lề đường: Anh thấy đó, chúng ta đi thì lại có toán khác tới.
5
Quỳnh Lan rót trà ra 2 tách, rồi nhìn ông Bình:
– Thưa chú, sáng mai Lan sẽ đi với John xuống Springfield để John giới thiệu với cha mẹ và tiện thể thăm mấy di tích lịch sử của tổng thống Lincoln.
– Vậy là việc của Lan sắp xong, chú mừng cho Lan. Một ca sĩ Việt Nam về làm dâu miền đất dựng nghiệp của Lincoln, vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Thật đẹp.
Lan cúi xuống cười che dấu sự e thẹn, rồi hỏi:
– Ông ấy vĩ đại vì cái gì chú?
– Lincoln vĩ đại về hai việc. Thứ nhất là ông đã hủy bỏ chế độ nô lệ người da đen của nước Mỹ. Một việc rất khó, vì tới giữa thế kỷ 19, thời Lincoln, số nô lệ da đen ở những tiểu bang miền Nam đã lên tới 3 triệu trong khi người da trắng chỉ có 6 triệu và chế độ nô lệ đã được ghi trong Hiến Pháp. Thứ nhì là đã cứu được chế độ Liên Bang thống nhất (Union) của Mỹ. Vì sau khi ông đắc cử tổng thống năm 1860, 11 tiểu bang miền Nam muốn duy trì chế độ nô lệ nên đã ly khai, tách ra thành lập một Liên Bang mới gọi là Confederacy. Lincoln cương quyết duy trì sự thống nhất của Liên Bang Union. Từ đó tạo thành cuộc nội chiến giữa Miền Bắc, gồm những tiểu bang tự do không có nô lệ và Miền Nam. Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm, từ 1861 đến 1864 với sự chiến thắng của quân đội Miền Bắc – Ông ngừng lại một lúc rồi tiếp: Nhân chuyện này chú nói thêm một điều là chính quyền đảng trị của Việt Nam thường tự xưng là nhà nước của dân, do dân, và vì dân. Tất nhiên chúng ta hiểu là họ đã làm ngược lại với chữ đảng, nhưng cần biết thêm là mấy ông nhà nước Việt Nam đã lấy những chữ đó từ câu kết trong bài diễn văn của Lincoln đọc trong lễ khánh thành nghĩa trang Quân Đội Gettyburg, vùng đất đẫm máu nhất trong trận chiến kết thúc cuộc nội chiến – Ông tới kệ sách lấy một cuốn, nhìn qua mục lục, rồi giở tới một trang: Đây, Lan nghe câu đó như sau: And that this nation, under God, shall have a new birth of freedom and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.
– Government of the people, by the people, for the people…Nhà nước của dân, do dân, vì dân…, Lincoln hủy bỏ chế độ nô lệ da đen và giữ được sự thống nhất của nước Mỹ – Lan lẩm bẩm như học bài, rồi hỏi: Chú đã tới Springfield lần nào chưa?
Ông gật đầu:
– Chú đã xuống đó một lần để thăm mấy di tích lịch sử của Lincoln, gồm ngôi mộ và ngôi nhà. Ngôi nhà 2 tầng khá lớn với nhiều đồ đạc được giữ nguyên vẹn như giường, bàn ghế và nhiều đồ dùng khác. Springfield là thủ phủ của tiểu bang Illinois, nhưng là thành phố nhỏ. Trên mấy con đường quanh ngôi nhà của Lincoln, ngoài mấy nhà hàng fastfood của Mỹ như Mcdonald, Kentucky, duy nhất có một tiệm ăn Tàu – Ông ngừng lại một lát: Về làm dâu miền đất của Lincoln thì rồi sẽ thành thổ công của Springfield. Nhưng có một điều chú muốn nói là trong vài năm nữa quen đồ ăn Mỹ, Lan sẽ quên nghệ thuật nấu món ăn Việt Nam.
Lan cười:
– Hôm ở hội tết nói chuyện về ăn uống, John bảo là muốn được Việt hóa. Như thế Lan sẽ không biết nấu đồ ăn Mỹ thì đúng hơn.
Ông lắc đầu:
– Đó là nói cho vui, chớ người Mỹ không ăn được những món ăn truyền thống Việt Nam. Chẳng hạn mấy món như canh chua cá catfish, đậu hũ chiên chấm tương bần, cá kho tộ, rau muống sào tỏi mà Lan thường nấu thì ít người đạt được, nhưng về với John thì hết. Vì thế chú tiếc.
Lan cúi xuống có vẻ thẹn:
– Chú quá khen, chớ Lan chỉ nấu bình thường thôi.
– Bình thường được như cô mà mở tiệm ăn thì sẽ hốt hết khách của mấy nhà hàng ở Argyle. Chú thường ăn canh chua ở nhà hàng Thái bình và Ba Miền và chỉ thấy chua chớ không có mùi thơm của canh chua ở Việt Nam. Còn rau muống sào thì dươn và dai chớ không thơm và mềm.
Ông Bình nâng tách trà uống cạn, rồi nói:
– Chú cũng thường nấu canh chua với đủ thứ như me, cà chua, đậu bắp, nhưng chỉ chua chớ không có mùi thơm như canh chua Lan nấu. Bí quyết ở đâu, để lại cho chú rồi hãy về Springfield.
– Chú nói như Lan có bí kíp như truyện Kim Dung… Thật ra thì hơn 20 sống với cha mẹ, Lan đi học, rồi đi làm, đôi lúc phụ mẹ chớ không nấu. Tới khi sắp lấy chồng mẹ mới chỉ cho một số món. Nhưng chưa có ai khen, chỉ có chú, nên Lan sẽ ghi lại cho chú những điều mẹ dạy.
Ông nhìn Lan:
– Chú muốn nói thêm một điều nữa là John không thể quen với nước mắm, tương bần, cá kho và rau muống, nhưng có thể quen với tiếng Việt. Vì thế Lan nên khuyến khích John học tiếng Việt, vợ dạy chồng thì mau thành thạo, để John có thể nghe và biết tiếng hát của vợ mình ra sao. Món ăn Việt rồi sẽ quên, nhưng đừng để mất tiếng hát.
– Cám ơn chú. Không biết nấu ăn và hát có được như chú khen không, nhưng chú đừng lo, vì Elgin về đây có hơn tiếng lái xe, mỗi tháng Lan sẽ về nấu ăn và hát chú nghe – Lan cười nói, rồi đứng dậy đi về phòng.
Ông Bình nhìn lên bức ảnh Biển Động, trầm ngâm về sự hứa hẹn của Lan. Ông không mong Lan thực hiện lời hứa, vì bao nhiêu năm nay ông đã giảm trừ đời sống tới gần số không, sống đơn giản và không giao du để giữ sự yên lặng. Quỳnh Lan đến đã phá vỡ mất sự yên lặng đó. Vì thế ông mong việc kết hôn của Lan mau thành để ông trở về với đời sống cũ. Vô tình qua một lời khen mà Lan lại nói lên một điều ông sợ. Không thể nói ra điều này, nhưng ông hy vọng chỉ trong vài tháng sau kết hôn, việc làm, việc nhà và shopping sẽ nuốt hết thời gian của Lan và lúc đó ông có thể giúp Lan cởi bỏ lời hứa. Ông đứng dậy đi đến chiếc dương cầm… Bàn tay lướt trên bàn phím tìm âm thanh của Ta Với Trời Bơ Vơ, Lá Đổ Muôn Chiều, Chiều Trên Phá Tam Giang, Giọt Nắng Bên Thềm, Có Một Niềm Riêng… Dừng lại trầm ngâm một lúc, rồi trở về Đà Lạt với Đà Lạt Hoàng Hôn… thì Lan ra phòng khách trong chiếc robe ngủ màu hồng, đến bên piano, lấy tay đập nhịp rồi cất tiếng: Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông, hàng cây thắm màu đèn lên phố phường. Giờ đây hơi sương giá buốt, biết ai thương bước cô liêu, một người đi trong sương rơi… Ông Bình ngạc nhiên, vì từ sau tết Lan chỉ ra phòng khách nghe ông đàn, thế mà đêm nay lại hát theo đàn. A! lời hứa, ông mỉm cười… Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở. Đêm xuống Than Thở vang cung hờn, người đi trong bóng cô đơn… Lan bước đến cạnh ông… Gần nhau xa nhau mấy nỗi, hỡi quê hương xứ sương rơi, Đà Lạt ơi, Đà Lạt ơi…
Ông Bình cầm tay Lan cảm động:
– Chưa về Springfield mà đã thực hiện lời hứa rồi. Cám ơn Lan.
6
Ông Bình để ly rượu Martell trên cửa sổ, đứng nhìn sân đầy tuyết. Qua ánh đèn đường, tuyết rơi phơi phới như mưa rào. Những cơn gió thổi tuyết cuộn lên bay ngang như một tấm màn trắng. Tuyết đi với gió và gió hú từng cơn qua đầu hồi nhà.
Lan ra phòng khách, đến bên ông:
– Bão tuyết cả đêm như thế này thì ngày mai tuyết sẽ ngập tới đâu chú?
– Theo dự báo thì trận bão sẽ kéo dài qua đêm và tuyết sẽ dày khoảng 1 feet. Công sở, trường học đóng cửa. Xe rải muối đã chạy suốt từ chiều, nhưng tuyết xuống nhiều quá không biết có kịp tan – Ông chỉ ra sân: Bây giờ tối, chỉ nhìn thấy sân và cây đèn đường, chớ ngày mai Lan sẽ thấy tuyết phủ đầy mái nhà, hè đường, cây cối. Toàn thành phố là một màu trắng. Đẹp thì có đẹp, nhưng đi làm thì rất cực và thành phố tốn rất nhiều tiền, hàng trăm triệu, để xe xúc tuyết chở tuyết ra ngoại ô đổ xuống cánh đồng.
– Xe xúc tuyết cả thành phố, hở chú?
– Xúc tuyết ở những con đường chính và ở những khu quan trọng, còn ở những con đường nhỏ thì có loại xe đẩy tuyết vào hai bên đường. Và nhà hai bên đường có bổn phận xúc tuyết trên lề trong phạm vi nhà mình thành một con đường để người có thể đi lại. Ngày mai khi tuyết ngừng rơi, chú sẽ xúc từ cửa ra tới cổng thành một đường rộng khoảng 1 mét, rồi sẽ xúc một đường phía trước nhà nối với nhà bên phải và bên trái. Con đường giữa hai bờ tuyết cao này sẽ kéo dài một, hai tuần hay lâu hơn cho tới khi có mưa. Được trận mưa lớn chừng 2, 3 tiếng là thành phố sạch như lau, vì tuyết tan chảy sẽ kéo theo rác xuống sông, xuống cống.
– Thế nắng không làm tuyết tan hở chú?
Ông lắc đầu:
– Sau khi tuyết rơi, trời thường rất lạnh nên dù nắng tuyết vẫn đóng băng. Đi phải rất cẩn thận vì dễ té. Theo thống kê, mỗi mùa đông, số người chết vì té rất cao. Dân xứ tuyết mà vẫn chết vì tuyết. Chúng ta là dân xứ nóng lại càng phải cẩn thận. Đi chậm và nhìn kỹ, chỗ nào có băng bóng loáng thì tránh. Mấy trận tuyết trước nhẹ, chỉ kéo dài mấy tiếng, rồi sau đó một, hai ngày là có mưa, tuyết tan nhanh nên cô không thấy tuyết đóng băng trên đường, trên sân nhà. Qua trận bão tuyết này cô sẽ biết rõ xứ tuyết hơn.
Lan nhìn ra sân một lúc, rồi quay lại nói:
– Sân và đường đầy tuyết rồi chú ạ. Ngày mai Lan sẽ ra xúc tuyết với chú.
– Gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu. Mặc ấm rồi thử xúc cho biết – Ông cười rồi cầm ly rượu trở lại ghế salon. Lan xuống bếp uống nước, rồi lên phòng khách ngồi đối diện với ông:
– Đêm nay chú không đàn?
– Đàn chứ. Những đêm bão tuyết như thế này, chú đàn nhiều để khỏa lấp sự trống vắng. Vì những ngày bão tuyết hay mưa bão thì chú cảm thấy ngôi nhà này trống vắng nhiều hơn. Chỉ có tiếng đàn vang vọng, tràn đầy là có thể khỏa lấp sự trống vắng ấy. Có nhiều lần chú đã đàn cho tới khi ngủ gục trên phím đàn. Năm nay có Lan nên đêm tuyết này mới có tiếng người thay cho tiếng đàn – Ông nhìn lên bức ảnh Biển Động, nói nhỏ: Đã bao nhiêu năm…
Lan nhìn ông rồi cúi xuống che dấu sự xúc động, khi ngước lên vẫn thấy ông nhìn bức ảnh, mãi một lúc sau mới cất tiếng:
– Thưa chú.
Ông Bình nhìn Lan, lắng nghe.
– Thưa chú, John đã quyết định làm giấy kết hôn vào thứ hai tuần tới. Và sau đó John sẽ đưa Lan ra Hawai một tuần. Chiều thứ hai hôm đó John sẽ tổ chức một bữa tiệc mời một số bạn thân bên John, còn Lan thì chỉ có chú và gia đình chị Nhung.
– Chú mừng là Lan sẽ có đời sống ổn định sớm ở Mỹ. Còn bữa tiệc thì thì xin miễn cho chú. Vì từ bao lâu nay chú đã tránh tới chỗ tiệc tùng đông người.
Lan nhìn ông một lúc:
– Chú không muốn tới, Lan không dám ép, nhưng Lan xin được phép thưa hai điều: Trước hết là cám ơn chú đã giúp Lan, coi Lan là người thân và thứ nhì là muốn biết về cuộc đời cô độc của chú và bức ảnh Biển Động. Từ chiều đến giờ, nhìn tuyết rơi và nghe từng cơn gió hú, Lan lại nghĩ về đời sống âm thầm của chú trong ngôi nhà này. Trước đây chú nói là rồi sẽ hiểu, nhưng cứ nhìn hai bức ảnh, Lan lại đặt ra những giả thuyết và băn khoăn với nó. Nếu chuyện chẳng có gì bí mật thì xin chú giải sự băn khoăn này cho Lan.
Ông Bình trầm ngâm một lúc:
– Ai cũng có chuyện riêng tư khó nói hay không cần nói, nhưng chúng ta thì có thể nói cho nhau nghe được. Cám ơn Lan đã quan tâm đến đời sống của chú – Ông ngừng lại uống một hớp rượu rồi hỏi:
– Trước kia Lan có lên Đà Lạt vào mùa hoa anh đào bao giờ không?
– Dạ có. Vì làm ở công ty du lịch nên Lan thường lên Đà Lạt, nhưng đáng tiếc là do việc làm lại các hồ lớn, nhỏ như Xuân Hương, Than Thở…, rồi do việc khai phá để xây dựng nhà cửa, nên anh đào trong thành phố còn rất ít. Vì thế hoa anh đào không còn là một cảnh sắc đặc biệt của Đà Lạt. Bây giờ người ta bán ảnh hoa anh đào nhiều hơn. Cái danh “anh đào Đà lạt” đã thành dĩ vãng. Nhưng do thích hát nên Lan biết nhiều bản nhạc viết về Đà Lạt, nhất là hai bản Bài thơ Hoa Đào và Ai Lên Xứ Hoa Đào.
Ông gật đầu:
– Như thế thì tiếc thật. Thời chú sau 75, Đà Lạt tiêu điều đi nhiều, nhưng cảnh sắc thiên nhiên chưa bị phá, nên anh đào vẫn nở tung vào mấy tháng mùa đông trên khắp thành phố, ven hồ và thung lũng. Bản nhạc và ảnh chỉ ghi lại được một số nét nào đó thôi. Còn khi mình đi dưới một rặng anh đào hay nhìn màu hồng anh đào nở tung trên một dốc đồi thì mới thấy và cảm được sự quyến rũ của anh đào trong cái lạnh buổi sáng, buổi chiều của Đà Lạt. Gia đình chú ở Đà Lạt, lại ở trên đường Pasteur, con đường vòng dốc thoai thoải có nhiều biệt thự và anh đào, nên vào cuối đông và đầu xuân, lúc nào hoa anh đào cũng vây bọc quanh mình.
Lan hỏi:
– Sao trong dịp tết người ta không chơi anh đào như mai, như đào thiên thai?
Ông cười:
– Nếu chơi anh đào như mai, như đào thiên thai thì anh đào đâu còn kịp nở. Nhà nào cũng chặt ít cành thì anh đào thành trơ trụi. Có điều nhân câu hỏi, chú mới nghĩ thêm là người ta không chơi hoa anh đào vì đó là hoa ngoài đường, hoa chung của thành phố. Nhưng chú đã dùng hoa anh đào trong đám cưới của chú. Lan thử tưởng tượng khung cảnh từ cổng vào đến hiên nhà đầy màu hồng và lá xanh của mấy chục cành anh đào cao hơn 2 mét.
Lan nói nhanh:
– Đường lên thiên thai, chú ạ.
Ông Bình cười:
– Chú không nghĩ được như Lan mà chỉ nghĩ là cho khách đi qua một vườn anh đào khi vào nhà. Tại sao chú lại nghĩ đến việc dùng anh đào thì sẽ nói sau, còn trước hết chú nói về cô Như Mai – Ông chỉ lên bức ảnh treo trên tường: Gia đình chú và gia đình Như Mai không phải nguyên gốc Đà Lạt mà ở nơi khác đến. Gia đình chú là dân Bắc di cư vào Nam năm 1954, còn gia đình Như Mai gốc Nha Trang, lên Đà Lạt sau gia đình chú vài năm. Nhưng đều là gia đình ngụy quân, ngụy quyền theo ngôn ngữ đánh tráo của đảng cộng Sản Việt Nam, nên chú và Như Mai đã bị chận cửa vào đại học, sau khi học xong trung học. Do đó, mới 18, đôi mươi đã phải nhập vào đời tìm sinh kế. Như Mai có một gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ ở chợ Đà Lạt, còn chú được trời phú cho sự khéo tay, nên đã tự vẽ kiểu và tự sản xuất đồ mỹ nghệ bằng gỗ go, loại thông 3 lá Đà Lạt, rồi đem bỏ mối cho những gian hàng bán đồ mỹ nghệ. Từ việc bỏ mối này mà chú quen biết Như Mai. Có lẽ do nhan sắc, lịch thiệp và khéo nói nên gian hàng của Như Mai rất đông khách và trở thành một trung tâm cung cấp đồ mỹ nghệ cho khách hàng từ Sài Gòn, Nha Trang, Phan Rang… Ông cười: Người làm, người bán, cuối cùng thành người yêu rồi thành vợ chồng – Ông ngừng lại uống mấy hớp rượu, rồi tiếp: Như Mai có giọng ca thiên phú thường hay hát mấy bản Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào và Tà Áo Tím, gần giọng Lệ Thanh với thuật luyến láy nũng nịu điêu luyện, còn chú biết đàn guitare nên từ khi thân nhau đến thành vợ chồng chú đã đệm đàn cho Như Mai hát ở mấy đám cưới người thân hay bạn bè. Từ đó Lan biết vì sao chú đã dùng hoa anh đào trong ngày cưới.
Lan cười:
– Chú giàu tưởng tượng, nên Như Mai đã lên thiên thai ở trần thế.
Ông Bình uống hết ly rượu, rồi đi pha ly khác. Trở lại ghế, giọng ông trầm xuống:
– Sau 2 năm kết hôn, chú và Như Mai kiếm được một số vàng kha khá, nên đến năm 84 thì tìm đường vượt biên. Chú và cô đã lên tàu ở một làng cù lao thuộc Cần Thơ. Tàu đi được hơn một ngày thì gặp tàu hải tặc. Chuyện tàu vượt biên đụng tàu hải tặc Thái Lan thì chắc Lan đã đọc hay đã nghe dù sanh sau và khi trưởng thành thì thảm kịch vượt biên đã kết thúc. Bây giờ chú chỉ có thể nói là trên con tàu nhỏ mình hy vọng đưa mình tới một chân trời mới thì lúc đó đã trở thành một thế giới không thể đặt tên. Người ta có thể dùng mấy chữ thế giới súc vật để chỉ cho thế giới ấy, nhưng không trúng, vì con người chưa bao giờ thấy súc vật cười man rợ trước những dòng máu bắn tung tóe và trước những thân người chưa chết bị hất xuống biển. Khoảng ba, bốn chục người đàn ông phải nằm cúi đầu trước vợ, con, em mình trần truồng giữa một bầy thú người tay búa, tay dao. Chúng đập chết người nữ nào dám chống lại chúng. Chúng chém chết người nam nào dám lao lên liều thân – Ông cúi xuống nhắm mắt lại, mấy dòng nước mắt chảy dài xuống hai bên má.
Lan chạy vào phòng lấy chiếc khăn đưa cho ông:
– Lan hiểu chuyện rồi, đừng kể nữa chú ạ.
– Kể hay không thì cũng thế thôi – Ông lau nước mắt, rồi nhìn lên bức ảnh Biển Động – Buổi chiều đó với bầu trời đỏ ối như thế kia, sau khi cướp đoạt vàng, phá máy tàu, chúng bắt theo khoảng hơn chục phụ nữ, trong đó có Như Mai. Khi chúng kéo Như Mai qua gần chỗ chú, Mai nhìn chú với vẻ mặt bình thản lạnh lùng. Sự bình thản tới rợn người. Chú cảm được đó là cái nhìn tuyệt vọng trước sự bất động của chú, trước cái hèn của chú. Khi hải tặc cắt dây tàu, mở máy lướt đi thì chú mới chợt tỉnh là đã quá trễ để ân hận. Tại sao chú không dám liều mạng để chết như những người đã chết? Tại sao khi Như Mai đi ngang trước mặt, chú đã không lao ra kéo Mai nhảy xuống biển? Chú hèn để tìm cái sống, nhưng sống như thế để làm gì? Trên 20 năm qua, câu hỏi “Sống để làm gì” đã là một chứng nhân luôn nói với chú về cái hèn khiếp nhược của mình và chú đã xấu hổ, ân hận về cái hèn này. Từ đó, chú đã không dám nghĩ đến tình ái, đến những cái đẹp, vì nghĩ đến làm gì nữa khi mình không dám sống với nó – Ông nhìn lên bức ảnh Biển Động: Ngày đó, chú đã không dám chết để lỡ một cơ hội cùng chết với Như Mai. Cơ hội đó không còn nữa, nên chú coi như mình đã chết… Như Mai đã đi vào chân trời kia… Chú cầu mong nàng đã chết để thoát nợ đời, nợ nhan sắc và xin nàng tha thứ cho một người đàn ông hèn, chỉ biết nói mà không biết sống…, Biết chết đúng lúc cũng là biết sống.
Ông ngừng lại, uống cạn ly rượu, rồi nói:
– Đó là câu chuyện Lan muốn biết. Thôi khuya rồi, đi ngủ đi.
Nhìn lên bức ảnh Biển Động một lúc, rồi ông đi lại chiếc piano. Hai bàn tay lướt nhẹ tìm âm thanh của Serenade. Nhưng khi âm thanh lên tới độ cao nhất thì ông đập tay vào bàn phím, đứng dậy đi về phòng.
***
Lan đứng nhìn qua cửa sổ. Tấm thảm tuyết phản chiếu ánh đèn đường thành một màu sáng lấp lánh, soi tỏ màn tuyết mờ mịt trong sân. Ngoài phòng khách, dương cầm vang lên khúc Serenade. Nàng đang nhập vào âm thanh để cho lòng dịu lại thì một hợp âm bùng lên phá vỡ âm thanh rồi im bặt. Lan sao động trước vết thương của ông Bình. Từ tuần sau thì nàng sẽ không còn thấy ông ngồi với ly rượu hay ngồi trước chiếc dương cầm. Nghĩ đến thảm kịch của ông nàng ứa nước mắt. Một mình trong ngôi nhà cổ, bên một nghĩa địa, sống với 2 bức ảnh và chiếc dương cầm cho tới chết. Bốn tháng sống chung, nàng thương và sợ sự cô độc của ông, nhưng ông giữ nguyên một cung cách coi nàng như cháu, đôi lúc quá xa cách tới độ nàng cảm thấy như ông không nhìn thấy nàng trong ngôi nhà này. Mấy lần hát cho ông nghe, đứng bên ông, mong ông ngước lên để nhìn mắt nàng lúc đó, nhưng chỉ thấy hai bàn tay ông nhanh, chậm chạy trên bàn phím, và cuối cùng ngước lên cười, cầm tay Lan với mấy lời: Cám ơn Lan. Đã bao lần nàng đã biểu lộ bằng mắt và bằng phục sức cho ông thấy là nàng thương ông và muốn cho ông hết trước khi đi, nhưng ông thản nhiên xa cách với ly rượu hay tiếng đàn. Nàng không hiểu tại sao như thế, vì ông với nàng đâu có bức thành luân lý đạo đức gì để phân cách giữa hai người. Đến đêm nay thì nàng hiểu, thảm kịch nội tâm của ông đã là bức thành ngăn cách ấy. Từ đó, Lan có một ước muốn kéo ông ra khỏi tấn thảm kịch.
Lan ngồi xuống chiếc ghế bành ở cạnh tường, suy nghĩ một lúc rồi đứng dậy đi sang phòng ông. Khi Lan đẩy cửa bước vào, ông nằm trên giường nhìn ra, rồi ngồi dậy:
– Lan còn muốn hỏi điều gì nữa?
Lan đến bên giường, ngồi xuống trước ông:
– Lan không hỏi chú điều gì nữa mà muốn gánh bớt tấn thảm kịch của chú bằng hồn và thân thể của Lan. Đời người ngắn lắm, mươi, mười lăm năm nữa chú thành ông già và Lan cũng bắt đầu đi vào tuổi già. Đã không chết được thì phải sống. Tại sao để phí thời gian của nguồn sống ngắn ngủi ấy – Nàng nhìn vào mắt ông trong ánh đèn ngủ: Chú sống cô độc với 2 bức ảnh và đàn Bài Thơ Hoa Đào để gọi hồn Như Mai chừng đó thời gian là đã quá đủ. Lan sẽ thay Như Mai hát chú nghe, đưa tay đón chú về và khoác tay chú đi trên bờ hồ những ngày lộng gió – Nàng vuốt hai bàn tay vào hai má ông – Những ngày mưa bão, những đêm bão tuyết chú sẽ nghe tiếng Lan hát chớ không chỉ có tiếng dương cầm, sẽ thấy Lan đi lại với tiếng cười chớ không còn sự cô tịch của ngôi nhà cổ với tuyết lạnh bên ngoài, sẽ thấy Lan là người thật với mái tóc dài đứng bên dương cầm chớ không phải là bức ảnh hong tóc vô tri bất động đã chiếm hết cuộc đời của chú – Nàng vòng tay ôm cổ ông – Người ta nói: Thời gian hàn gắn mọi vết thương, nhưng thời gian đã bất lực với chú, vì thế Lan sẽ thay thời gian xóa mờ vết thương cho chú. Lan kính trọng và thương chú – nàng buông cổ ông, nằm bật ra trên nệm trắng – Sao lại phải sống khổ như thế, tỉnh lại đi, thân thể Lan đây – Cùng với lời nói, nàng dướn người kéo váy lên đến tận cổ.
Dưới ánh đèn ngủ, ông Bình nhìn hai đùi trắng mở rộng… mắt mờ dần theo cơn bão đang nổi lên… và Như Mai trong chiếc áo tả tơi vừa bước vừa nhìn ông dưới bầu trời đỏ ối… Ông mở mắt lớn nhìn lên rồi xuống giường, nhìn hai mắt Lan, môi run run: Cám ơn Lan, cám ơn chân tình của Lan, nhưng đã bao nhiêu năm… Không nói được hết lời, ông bước ra khỏi phòng. Chừng 10 phút sau, Lan nghe tiếng dương cầm với Serenade, Clair de Lune, rồi Bài Thơ Hoa Đào, Ai Lên Xứ Hoa Đào… Nàng ngồi dậy nhìn hai đùi mình, rồi để nguyên chiếc váy mỏng quấn quanh cổ, nằm sấp lại, vùi mặt vào gối và cảm được là tiếng đàn đang đưa nàng về một nơi bình an.
***
Ông Bình đang uống trà thì Lan trong chiếc robe màu xanh lợt, tóc xõa phủ vai từ trong phòng bước ra, đến ngồi bên ông:
– Chú, Lan vừa gọi điện thoại báo cho John biết là Lan xin hủy vụ làm giấy tờ kết hôn ngày mai.
Bỏ tách trà xuống bàn, ông Bình ngạc nhiên:
– Tại sao vậy? Mất bao nhiêu thời gian vất vả, rồi bỗng chốc bỏ đi.
Lan nhìn vào mắt ông:
– Lan không thể xa chú, không thể để chú sống một mình trong ngôi nhà này.
– Cám ơn Lan. Còn John nói sao?
– Anh ấy nói là không hiểu tại sao vì trên một năm tìm hiểu, hứa hẹn, rồi tới ngày cuối cùng thì bỏ. Lan trả lời là cám ơn John đã đáp ứng việc Lan đi tìm chồng với tình cảm chân thật. Nhưng sau những đêm tra vấn lại mình, Lan mới nhận rõ là Lan cần một người chồng Việt Nam, và xin John tha thứ cho việc đã làm xúc phạm tình cảm của John – Lan chờ ông lên tiếng, nhưng ông vẫn trầm ngâm, nên nói: Tại sao Lan lại ngớ ngẩn như vậy. Đã tới được một nơi yên ấm để trú ẩn lại còn muốn đi đâu. Lan ở lại đây với tiếng đàn để phá vỡ sự yên lặng của ngôi nhà này. Không đi đâu nữa.
Ông Bình đặt tay vào má Lan:
– Không muốn đi thì ở đây với chú.
Lan choàng tay, gục mặt vào lòng ông, khóc oà. Ông yên lặng nhìn hai bờ vai Lan rung lên từng hồi, rồi nước mắt trào ra, từng giọt nhỏ xuống mái tóc dài phủ kín đôi vai. Khi bờ vai Lan bớt rung, ông lấy tay áo chùi mặt, nhìn ra ngoài trời. Tuyết vẫn đang rơi.                                                              

Chu Tấn